10 Câu Nói Vạn Năng

9. “Tôi tôn trọng bạn”

Mọi người đều có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Vì vậy ta nên tôn trọng nhau nhiều hơn thay vì so đọ tài năng và công việc của nhau. Những cuộc tranh cãi, so kè “Tôi giỏi hơn bạn”, “Tôi khỏe hơn bạn”… chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng. Khi ta phân loại hay mang định kiến về người khác, ta đang gạt bỏ đi nhân phẩm của họ. So sánh

hơn thua chẳng mang lại kết quả tốt đẹp gì. Nó khác với tinh thần cầu tiến của con người, vốn luôn tích cực.

Trao tôn trọng thì sẽ nhận được sự tôn trọng. Tôn trọng người khác cũng là tôn trọng chính mình!

Mọi người đều yêu mến cha tôi bởi vì ông cũng yêu mến và tôn trọng họ. Một trong những bài học giá trị nhất mà ông đã dạy tôi là mỗi người đều có giá trị và tài năng riêng. Bất luận họ là ai và họ làm gì, sự hiện hữu của họ sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với người nào đó. Vì vậy, ta hãy tôn trọng họ.

Vận dụng những mệnh đề trong cuốn sách này cũng là cách bày tỏ lòng tôn trọng đối với những người chúng ta quen biết hoặc chỉ mới gặp gỡ. Khi ta bắt đầu nhận ra điều tích cực và phẩm chất tốt đẹp ở người khác, việc bày tỏ sự tôn trọng sẽ trở thành một thói quen. Sự tôn trọng có tính hai chiều. Bạn nhận được sự tôn trọng bằng cách trao đi sự tôn trọng. Người ta sẽ biết được khi nào bạn tôn trọng họ và khi nào thì không. Rất khó che giấu thái độ thiếu tôn trọng và mọi người có thể dễ dàng cảm nhận được thái độ của bạn dựa vào bản năng.

Tôi có một người bạn thường hay sắp xếp những tờ tiền giấy theo thứ tự giá trị và cẩn thận bỏ chúng vào trong ví của anh. Tôi thắc mắc tại sao anh kỹ lưỡng đến như vậy, anh bảo: “Tôi quý trọng đồng tiền, vì thế tôi đối xử với chúng bằng thái độ tôn trọng”. Ước gì việc thể hiện sự tôn trọng trong mối quan hệ giữa con người cũng có thể thực hiện dễ dàng như vậy!

Có hai loại người – loại người thứ nhất là những người bước vào phòng và nói: “Tôi đây!”; còn loại người thứ hai thì bước vào và nói: “A, bạn đây rồi!”. Chúng ta cần trở thành loại người thứ hai. Lắng nghe người khác là một cách thể hiện sự tôn trọng. Chắc hẳn ai cũng đạt được thành công nhất định nào đó trong cuộc đời họ. Nếu bạn biết đặt câu hỏi và tìm hiểu chút ít về người đó, bạn sẽ tìm ra được lý do để nói: “Tôi tôn trọng bạn”, hay “Tôi cảm phục bạn”. Thỉnh thoảng, những người sắp đi dự tiệc hoặc tham dự một sự kiện nào đó có hỏi tôi: “Tôi nên nói gì đây?”. Tôi chỉ khuyên họ nên đặt ra câu hỏi. Cuộc trò chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ khi bạn biết khơi mào trước bằng những câu hỏi.

Mọi người nhận xét rằng tôi rất có tài ăn nói. Ngẫm lại, tôi nhận thấy tôi hầu như rất ít nói, nhưng tôi chủ động đặt câu hỏi. Chẳng hạn, có lần tôi nói chuyện với một đứa cháu gái trong cuộc họp mặt gia đình, tôi đã bắt đầu bằng một vài câu hỏi thăm như: “Mấy đứa con của cháu dạo này thế nào? Có một đứa vừa mới tốt nghiệp cấp ba phải

không?”… Nhờ vậy mà tôi mới biết đứa con trai của cháu tốt nghiệp hạng thứ ba trong tổng số 600 học sinh lớp cuối cấp và được bốn trường đại học lớn cấp học bổng. Tuyệt vời, thành tích đó rất đáng được tôi tôn trọng! Khi cậu con trai tiến về phía tôi, tôi đã biết được kết quả học tập của nó nên nói ngay: “Chúc mừng cháu! Ông cảm phục cháu lắm!”.

Khi con trai tôi, Dick, chạy đua vào chức thống đốc bang, có người khuyên rằng nó cần học cách gặp gỡ và chào hỏi trong vòng một phút. Các ứng cử viên cần phải bắt tay càng nhiều người càng tốt trong suốt chiến dịch tranh cử, nên việc chào hỏi mỗi người phải mất không quá một phút. Dick không quen với cách làm này vì nó thường xuyên nói chuyện với mọi người, đặt câu hỏi, lắng nghe, và nhìn vào mắt người đang nói chuyện. Dick được chỉ bảo phải tôn trọng người khác cho dù đó là ai. Thói quen giao tiếp này đã không giúp ích cho nó nhiều trong chiến dịch tranh cử, nhưng tôi tin Dick vẫn gây được thiện cảm – là người biết tôn trọng người khác bởi vì nó biết lắng nghe. Sự tôn trọng trở thành một phần trong bản chất con người khi ta thể hiện sự quan tâm đến ai đó và lắng nghe họ.

Rất dễ dàng tìm ra lý do để tôn trọng người khác bởi vì mọi người đều cảm thấy vui vẻ khi nói về bản thân mình. Bạn sẽ không thể dừng lại câu chuyện nếu hỏi thăm về cuộc sống của họ. Một số người chẳng bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi bộc bạch những điều họ nghĩ hay những việc họ làm. Song, cũng có những người “kín tiếng” hơn. Vì vậy, hỏi thăm ý kiến là một cách mở lời rất hay, gửi gắm qua đó cả thái độ tôn trọng. Nhiều khi trong lúc trò chuyện, có người không thể chờ đến lượt mình mà cứ nói xen vào để chia sẻ kinh nghiệm hoặc ý kiến cá nhân. Nguyên nhân sâu xa vẫn là do con người luôn muốn được tôn trọng, yêu mến và được đánh giá cao. Cho nên hãy nhận ra những nét tính cách tốt, những thành tích ở họ để có thể nói: “Thật tuyệt vời! Tôi khâm phục bạn lắm!”.

Thể hiện thái độ vui vẻ, thích thú đối với người chúng ta gặp là một trong những cách thể hiện sự tôn trọng. Will Rogers(13) có lần đã nói: “Tôi chưa bao giờ gặp người nào mà tôi không thích”. Câu nói đó có lẽ thật khó tin đối với những ai phải chịu đựng người đồng nghiệp khó tính, hoặc không muốn nhìn mặt gã hàng xóm khó ưa. Tôi cho rằng Will Rogers thuộc tuýp người thích thú khám phá những điều thú vị ở người đối diện để có thể cảm mến họ. Tuy nhiên, nếu như chúng ta không thể tìm thấy điều gì hay ở người khác để tôn trọng họ, hãy nắm bắt cơ hội trò chuyện với họ nhiều hơn.

Tôi luôn bị người khác lôi cuốn và dành cho họ lòng cảm mến chân thành. Thậm chí tôi còn nghĩ ra một “trò chơi” nho nhỏ giúp mình hiểu nhiều hơn về những người mà tôi quen biết. Trò chơi này có tên là “Bạn ở trong cái Hộp!”. Mỗi lần họp mặt gia đình

hoặc bạn bè, chúng ta sẽ bỏ tên mọi người vào trong một cái hộp. Khi bốc trúng tên ai, người ấy sẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện cuộc đời mình, còn mọi người thì đặt câu hỏi. Thật ngạc nhiên khi nhận thấy chúng ta biết quá ít về nhau, ngay cả đối với người bạn thân nhất của mình. Chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều chỉ bằng cách lắng nghe.

Bên cạnh việc quan tâm và lắng nghe người khác, nhớ tên và nhớ mặt họ cũng là cách đơn giản thể hiện sự tôn trọng. Khi ai đó nhận ra ta và gọi đúng tên ta – đặc biệt người ấy lại là nhân vật quan trọng – ta sẽ cảm thấy mình được tôn trọng. Tôi rất tôn trọng Tổng thống George H. W. Bush. Khi tôi đi vào phòng gặp ông, ông sẽ nói: “Chào anh, Rich”. Ông không cần phải nói câu “Tôi tôn trọng anh” bởi chỉ trong thủ đô Washington rộng lớn này đã có đến hàng ngàn người mà ông đã gặp, nhưng ông đã đặc biệt nhớ tên tôi. Nhiều người không để ý đến việc gọi đúng tên người khác, nhưng tôi lại nghĩ điều này vô cùng quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ. Nếu tôi sắp đi dự một sự kiện và không biết tên của những người cùng tham dự, tôi sẽ cảm thấy có hơi chút ngượng ngùng. Với những sự kiện lớn, tôi thường xem lại danh sách các khách mời mà tôi chưa bao giờ gặp để ghi nhớ tên của họ. Khi tôi đến thăm nhà máy của Amway, mọi người luôn kêu lên thật to: “Chào anh, Rich”. Vì vậy tôi tin rằng bầu không khí thân thiện được xây dựng dựa trên việc tôi đặc biệt nhớ tên của những người công nhân đó.

Khi ta tôn trọng mọi người, ta sẽ nhận được gì? Sự tôn trọng. Họ cũng là một phần trong cuộc đời ta. Tôn trọng nghĩa là tạm quên đi bản thân trong một lúc để nhận thức về người khác. Tôi đã luyện tập cách tôn trọng người khác như vậy suốt nhiều năm làm việc tại Amway, nhất là trong các cuộc họp với nhân viên. Chúng tôi tôn trọng ý kiến và khả năng của nhân viên mình, bởi trước hết chúng tôi tôn trọng họ với tư cách là con người. Chúng tôi cảm thấy họ nên có cơ hội được nói lên quan điểm và đề xuất kiến nghị. Bằng cách đặt câu hỏi và lắng nghe nhau, họ hiểu hơn về tôi và tôi cũng biết thêm nhiều điều ở họ. Họ hiểu rằng tôi không phải một gã tồi và tôi muốn đối xử công bằng với họ. Ngoài ra, chương trình Hộp thư góp ý cũng là một cách làm hay thể hiện sự tôn trọng. Nếu ta phớt lờ mọi người do nghĩ mình hơn hẳn họ, ta đang phạm phải một sai lầm to lớn. Người có tầm ảnh hưởng quan trọng là người biết quan tâm đến những người khác và luôn tôn trọng mọi người.

Lòng tôn trọng thật sự sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ rào cản kinh tế hay xã hội nào. Vào những ngày đầu thành lập công ty, chúng tôi có một nhân viên phụ trách công việc chăm sóc cây cối và dọn tuyết. Có lần tôi hỏi anh: “Harry này, anh làm việc rất tốt. Tại sao anh không ứng tuyển vào vị trí khác trong công ty để được thăng tiến chứ?”. Anh bảo: “Không, tôi thích công việc này hơn. Tôi chỉ muốn làm việc ở ngoài

này. Đừng lo lắng cho tôi. Đừng cố thăng chức cho tôi”. Anh nói thế bởi anh cảm thấy mình thích hợp làm công việc này và anh được tôn trọng. Tôi thường xuyên hỏi thăm và khen ngợi công việc tuyệt vời mà anh đang làm để anh biết anh luôn được trân trọng.

Một trong những người lái xe tải của chúng tôi có kỹ năng lái xe làm chúng tôi khâm phục đến nỗi quyết định bổ nhiệm anh quản lý đội xe tải. Một năm sau, anh nói: “Hãy đưa tôi ra khỏi vị trí này, nó không phù hợp với tôi, tôi muốn lại được lái xe.”. Anh có đủ lòng tự trọng để hiểu và nói ra điều gì mình thích, điều gì mình không thích. Anh không thích thú việc giám sát người khác. Anh thích công việc lái xe! Anh cảm thấy mình được tôn trọng khi làm tròn công việc góp phần quan trọng vào sự thành công của công ty. Anh cảm thấy thoải mái trong môi trường làm việc mà sự tôn trọng không dựa trên vị trí hay danh xưng.

Khi ta xem mỗi người là một tạo vật thiêng liêng của Tạo hóa, sự hiện hữu của họ trên cuộc đời này đều có ý nghĩa, tức là ta đang đề cao tất cả mọi người, đối xử với họ theo cách mà bản thân ta cũng muốn được đối xử như vậy. Mọi người đều có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Vì vậy ta nên tôn trọng nhau nhiều hơn thay vì so đọ tài năng và công việc của nhau. Những cuộc tranh cãi, so kè “Tôi giỏi hơn bạn”, “Tôi khỏe hơn bạn”… chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng. Khi ta phân loại hay mang định kiến về người khác, ta đang gạt bỏ đi nhân phẩm của họ. So sánh hơn thua chẳng mang lại kết quả tốt đẹp gì. Nó khác với tinh thần cầu tiến của con người, vốn luôn tích cực.

Lòng tôn trọng thật sự cũng không bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt về chính trị, tín ngưỡng, hay nguồn gốc xuất thân. Arthur Vandenberg, Thượng nghị sĩ bang Michigan từ năm 1928 đến năm 1951, là người nổi tiếng với kỹ năng thuyết phục hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hoạt động theo hướng tôn trọng lẫn nhau để cùng giải quyết thông suốt vấn đề. Tip O’Neill, phát ngôn viên của Hạ viện Mỹ từ năm 1977 đến năm 1987, cũng là một bậc thầy với khả năng tương tự. Ông có thể làm cho những người tuy không đồng ý với một vấn đề nào đó tối thiểu cũng phải tỏ ra tôn trọng nhau. Chúng ta có thể bất đồng về quan điểm, nhưng không dựa vào đó để chê trách con người họ. Ta cần trau dồi nghệ thuật lắng nghe và thật lòng quan tâm đến người khác cùng với quan điểm của họ, khi đó ta mới có thể tự tin nói: “Tôi tôn trọng bạn”.

Ta cũng cần tôn trọng những quyết định và cảm nhận của người khác, ngay cả khi những quyết định ấy đối lập với điều mà ta tin là có lợi nhất cho mình. Billy Donovan, huấn luyện viên trưởng đội Florida Gators, đã ký hợp đồng làm huấn luyện viên cho đội Orlando Magic sau khi đội Florida đoạt chức vô địch giải bóng rổ quốc gia NCAA năm 2007. Sự kiện ký kết hợp đồng được thông báo chính thức trong cuộc họp báo và

được kênh truyền hình thể thao ESPN, các hãng thông tấn chuyên về thể thao đưa tin. Sau đó, anh đã đổi ý và quyết định ở lại thành phố Gainesville để tiếp tục huấn luyện cho đội bóng của trường hơn là tham dự giải bóng rổ nhà nghề NBA. Anh đã gọi điện giải thích cho tôi. Sau khi nghe anh nói, tôi bảo rằng mặc dù tôi không đồng ý với anh nhưng tôi tôn trọng mong muốn của anh và giải thoát anh khỏi bản hợp đồng. Vài tuần sau, anh gọi điện cảm ơn chúng tôi về cách xử lý tình huống quá xuất sắc. Câu chuyện trên nhắc nhở ta phải luôn duy trì lòng tôn trọng trong mọi tình thế và theo mọi cách thức.

Bên cạnh lòng tin tưởng, tôn trọng cũng là điều mấu chốt quyết định sự thành công của tất cả các mối quan hệ, từ quan hệ hôn nhân, gia đình cho đến công việc, thể thao. Tôi thường trò chuyện với các cầu thủ đội Orlando Magic và khuyến khích họ tôn trọng nhau. Một môn thể thao đòi hỏi tinh thần đồng đội cao phải được xây dựng dựa trên thái độ tôn trọng đối với luật chơi và cả những cầu thủ cùng chơi. Huấn luyện viên xuất sắc luôn biết cách động viên các học trò của mình và nhận được sự tôn trọng từ họ. Trong bóng rổ, mặc dù mỗi cầu thủ đều muốn ghi điểm và tạo dựng danh tiếng cho riêng mình, nhưng anh ta cũng được khen ngợi cho việc hỗ trợ đồng đội, được công nhận tài năng và những đóng góp cá nhân. Hoạt động theo nhóm sẽ không thể diễn ra nếu không có sự tôn trọng, tin tưởng nhau, đặc biệt là trong thể thao và trong kinh doanh. Mối quan hệ cộng sự giữa tôi với Jay tồn tại được bởi vì chúng tôi biết tôn trọng nhau. Khi Jay hoặc tôi đi vắng, chúng tôi không bao giờ lo lắng về những việc sẽ xảy ra ở công ty vì mỗi chúng tôi, trong lúc người kia vắng mặt, có thể ra quyết định thay cho cả hai. Đó là sự tôn trọng.

Gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng, là nền tảng xây đắp nên giá trị của sự tôn trọng. Những bài học đầu tiên về lòng tôn trọng chính là tôn trọng ông bà, cha mẹ và anh chị em của mình. Dù trong gia đình nhỏ hoặc gia đình nhiều thế hệ, mỗi người đều phải biết quan tâm, ủng hộ, cổ vũ tinh thần và mong muốn điều tốt đẹp nhất cho các thành viên thân yêu. Đó mới là ý nghĩa tồn tại của gia đình.

Chúng tôi quyết định duy trì hình thức hoạt động của Amway là một công ty gia đình. Con trai tôi, Doug, hiện đang quản lý tập đoàn và các thành viên còn lại trong gia đình tôn trọng Doug với niềm tin rằng Doug sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn. Giờ đây, chúng tôi chịu trách nhiệm đảm bảo cho thế hệ thứ ba hiểu được công việc kinh doanh của gia đình và biết rằng bản thân gia đình chúng tôi cũng đang có trách nhiệm với hàng triệu nhân viên và nhà phân phối – những người đáng được trân trọng.

Jay và tôi đã thành lập công ty Amway xuất phát từ ý tưởng rằng nhiều người ở nước Mỹ muốn có một công việc kinh doanh riêng của họ. Rồi sau này, chúng tôi nhận thấy

nhiều người ở khắp nơi trên thế giới cũng có ý muốn tương tự. Tôn trọng người khác chính là yếu tố thuyết phục chúng tôi hoạt động theo mô hình kinh doanh này.

Tôi hài lòng vì nhiều nhân viên cảm thấy họ được tôn trọng như thể họ là thành viên trong một gia đình. Nick Anderson từng là thành viên của đội Magic khi gia đình chúng tôi mua lại đội bóng. Khoảng một năm trước đây, cậu ấy tâm sự với tôi rằng chơi cho đội Magic là công việc duy nhất cậu thật sự yêu thích từ trước tới nay và cậu muốn quay trở lại với đội bóng nếu có bất kỳ vị trí nào còn khuyết. Với Nick, “Đội Magic là cuộc đời tôi, là gia đình của tôi”. Nick có khả năng hòa đồng, kết nối tốt với người khác. Hiện giờ cậu ấy là đại sứ thiện chí cho đội tuyển Magic, với nhiệm vụ “truyền lửa” cho đội bóng. Tôi cảm thấy vui khi biết cậu muốn quay về đội Magic, về với “gia đình” của cậu. Tương tự như vậy, là một doanh nghiệp gia đình, chúng tôi muốn mọi người biết rằng họ luôn được tôn trọng.

Doanh nghiệp, mối quan hệ, hay bất kỳ tổ chức nào cũng sẽ tan rã nếu có sự tư lợi, thiếu tôn trọng giữa các thành viên. Qua nhiều năm quan sát, tôi nhận thấy đa số các tổ chức thường trải qua bốn giai đoạn: (1) xây dựng; (2) quản lý; (3) phòng thủ; (4) chỉ trích.

Ở giai đoạn đầu tiên, một người nào đó nảy sinh sáng kiến, nhìn thấy một viễn cảnh tương lai tốt đẹp và mong muốn biến nó thành hiện thực; những người khác đánh giá cao ý tưởng này và nhiệt tình tham gia xây dựng. Sang giai đoạn thứ hai, mọi người bắt đầu hướng thời gian và năng lượng vào việc tổ chức, quản lý những thứ đã được tạo ra trước đó. Giai đoạn ba là thời kỳ cạnh tranh và tập trung gìn giữ những gì đã được xây dựng. Đến giai đoạn thứ tư, tổ chức chuyển hướng tập trung vào nội bộ và các thành viên bắt đầu tranh cãi, đấu đá nhau nhằm chiếm thế “thượng phong”; họ chỉ trích nhau vì những khó khăn trở ngại hay kết quả không như mong đợi. Lòng say mê, hào hứng xây dựng và sáng tạo đã bị quên lãng, nay là lúc họ tranh giành “chiến lợi phẩm”. Chính vì thế, chúng ta cần có những nhà lãnh đạo tích cực hơn, những người biết tôn trọng và được người khác tôn trọng để lèo lái tổ chức bước sang giai đoạn đổi mới, sáng tạo – giai đoạn xây dựng ở một cấp độ cao hơn.

Sẽ có những lúc chúng ta cảm thấy mình được tôn trọng và đôi khi lại cảm thấy bị thiếu tôn trọng. Tôi đã sớm hiểu được điều này và khám phá ra rằng cùng với việc trao và nhận sự tôn trọng, ta cũng cần học cách giữ thái độ tích cực khi đối mặt với những tình huống thiếu tôn trọng. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi lần đầu tiên được một đám đông tôn trọng. Lúc đó tôi diễn thuyết chủ đề Bán hàng kiểu Mỹ. Tôi đã tự hỏi liệu bài nói chuyện của mình có đủ hay, đủ sức thuyết phục để được tờ báo địa phương chú ý hay không. Và tôi cảm thấy hạnh phúc khi nó được đánh giá tốt. Điều

đó thật quan trọng với tôi! Nó là dấu hiệu cho tôi biết nỗ lực của mình được ghi nhận.

Khi tôi có ảnh hưởng nhiều hơn trong cộng đồng và khi danh tiếng của tôi, với tư cách là người đồng sáng lập Amway, lan rộng thì tên tôi thường xuyên được đăng tải trên tờ báo địa phương. Tôi có quen với tổng biên tập tờ báo, và một ngày nọ tôi bảo anh: “Anh biết đấy, câu chuyện về Amway mà anh đã đăng trên trang bìa thật ra đâu có gì là quan trọng”. “Không!”, anh bảo, “Câu chuyện thì không, nhưng anh thì có đấy. Những chuyện liên quan đến anh đều là những tin tức quan trọng vì mức độ ảnh hưởng của anh trong cộng đồng”. Dù sao, tôi cũng xem đây là biểu hiện của sự ưu ái và tôn trọng.

Vào những ngày đầu phát triển sản phẩm Nutrilite, chúng tôi cố gắng quảng cáo giúp các nhà phân phối trên mục rao vặt của các tờ báo. Mục quảng cáo ghi đơn giản là: “Kiếm 1.000 đô- la một tháng với việc làm bán thời gian. Huấn luyện hoàn toàn miễn phí”. Nhiều tờ báo đã không cho đăng quảng cáo của chúng tôi vì chúng tôi không thể bảo đảm được khoản thu nhập hứa hẹn trên. Tôi trả lời rằng dù không thể bảo đảm được thu nhập nhưng chí ít chúng tôi đã tạo cơ hội cho những ai đang cần việc. Nhiều người tỏ ra thiếu tôn trọng Jay, tôi và Amway. Họ chế nhạo chúng tôi và cho rằng Amway sẽ không bao giờ hoạt động được. Chúng tôi học cách phớt lờ những người như thế. Nếu bạn tin vào điều bạn đang làm, bạn cần phải tiến về phía trước, bất chấp những người thiếu tôn trọng bạn, như câu nói “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”.

Người ta hành xử thiếu tôn trọng vì họ có cách nhìn tiêu cực về người khác. Một giám đốc ngân hàng tôi quen biết có lần nói với tôi rằng Amway sẽ không bao giờ hoạt động được vì mọi người không tin tưởng ở chúng tôi. Bởi theo cách kinh doanh của Amway, các nhà phân phối chịu trách nhiệm chuyển những khoản tiền thưởng hàng tháng đến những thành viên trong nhóm của họ. Cho nên ông ta hỏi tôi: “Điều gì khiến anh nghĩ rằng mọi người sẽ trả những khoản tiền thưởng đó?”. Tôi bảo: “Bởi vì bản chất của con người là trung thực”. Amway bảo đảm chi trả đầy đủ các khoản tiền thưởng, và rất hiếm khi chúng tôi gặp trường hợp nhà phân phối “quỵt” tiền thưởng của các thành viên trong nhóm. Điều đó thể hiện sức mạnh của sự tôn trọng và tin tưởng.

Tôi hiểu được rằng cách thức hiệu quả, lành mạnh để vượt qua sự thiếu tôn trọng đơn giản là hãy trao đi sự tôn trọng. Nhiều năm về trước, khi tôi đến nước Úc với tư cách là người thách đấu trong giải đua thuyền buồm America’s Cup, người Úc đã đối xử với đội tuyển Mỹ với thái độ thù địch. Câu lạc bộ Thuyền buồm New York đã bị lăng mạ trong suốt nhiều năm vì đã để vuột chiếc cúp vào tay người Úc. Vì thế, người dân Úc

xem người Mỹ như những kẻ dám làm bất cứ điều gì để giành chiến thắng. Câu lạc bộ Thuyền buồm New York đã thống trị giải America’s Cup suốt 132 năm, nhưng lại bị người Úc lấy mất danh hiệu đó vào năm 1983 – họ rất tự hào khi là quốc gia đầu tiên đoạt được chiếc cúp từ tay người Mỹ. Nhiều người Úc tận dụng cơ hội này để chế nhạo người Mỹ. Nhưng khi nhóm chúng tôi lần đầu đến Úc, tôi đã chủ động thể hiện thái độ thân thiện, lịch sự bắt tay và trò chuyện với người Úc. Ngay cả khi chúng tôi cảm thấy không được đón tiếp niềm nở và bị loại khỏi những trận đấu thử, tôi vẫn tin rằng chúng tôi đã làm tròn nhiệm vụ để lại ấn tượng tốt đẹp với người Úc về đội tuyển và đất nước chúng tôi, cho họ thấy “những tay người Mỹ” này không hề xấu chút nào.

Một khía cạnh có liên quan đến sự thiếu tôn trọng mà chúng ta cần tìm cách vượt qua đó là việc bị chối bỏ. Tôi cảm thấy sự chối bỏ lớn nhất trong đời mình chính là khi tôi cần một quả tim mới để duy trì mạng sống, và mọi cơ sở y tế có chức năng điều trị về tim mạch khắp nước Mỹ đã không lưu tâm đến trường hợp của tôi. Theo họ thì ở tuổi 71, tôi đã quá già để được phẫu thuật cấy ghép tim. Cuối cùng, một bác sĩ phẫu thuật

ở Anh đã chấp nhận tôi. Cuộc sống diễn ra như thế đấy! Trong công việc kinh doanh sản phẩm Nutrilite, chúng tôi hiểu rằng cứ trung bình bốn người chúng tôi chào hàng, thì sẽ có một người đồng ý mua hàng. Trong bán hàng cũng như trong cuộc sống, nếu bạn tin tưởng vào bản thân và người khác, bạn có thể vượt qua sự khước từ và được đón nhận bằng cách trao đi lòng tôn trọng trước tiên.

Nhờ vào những kinh nghiệm lâu năm trong ngành bán hàng hay có lẽ là do bản năng nên tôi không quá bận tâm đến việc không được nhìn nhận. Tôi sẽ tập trung hướng về một người duy nhất đồng ý trong số bốn người. Bạn học thời trung học của tôi thường bảo: “Ồ, anh bạn, cậu luôn luôn lạc quan, suy nghĩ tích cực và vui vẻ”. Tôi không nhớ rõ ngày xưa mình có được như vậy hay không, nhưng rõ ràng là một số người đã nhớ về tôi với những tính cách tích cực như thế. Tôi tin điều đó mà không mảy may nghi ngờ vì cha mẹ tôi đã tạo dựng một gia đình tràn ngập bầu không khí yêu thương và tôn trọng. Nếu không cảm thấy được tôn trọng, bạn sẽ thấy khó tôn trọng người khác, khó có thái độ tích cực, lạc quan và tự tin. Vì vậy, hãy sống với những phẩm chất tốt đẹp để qua đó bạn nhận được sự tôn trọng, vì đây là yếu tố quan trọng giúp ta mở ra tương lai tươi sáng. Sức mạnh ấy luôn nằm trong tầm tay ta. Hãy đặt câu hỏi, lắng nghe và thể hiện sự quan tâm chân thành khi bạn gặp gỡ ai đó lần đầu tiên. Thể hiện thái độ tôn trọng qua cách hành xử, bạn sẽ bắt đầu có cảm nhận tốt đẹp hơn về bản thân cũng như về mọi người.

Qua nhiều năm giữ vai trò lãnh đạo, tôi nhận thấy tôn trọng người khác là một yếu tố quan trọng đối với nhà lãnh đạo. Kiến thức cơ bản về kinh doanh và cách thức điều hành tổ chức sẽ ít phát huy giá trị nếu bạn không biết tôn trọng những người cùng làm

việc với mình, hay những người mà bạn phục vụ. Nếu họ không tôn trọng bạn, bạn sẽ khó giữ vững vai trò lãnh đạo. Có những nhà lãnh đạo cố tỏ ra kiêu căng ngạo mạn để được nể trọng, kính phục, hoặc cố gắng thúc đẩy điều đó diễn ra bằng cách gieo vào lòng người khác nỗi sợ hãi thay vì động viên khích lệ tinh thần họ. Nếu nhìn rộng hơn, tất cả chúng ta đều là những “nhà tiên phong” – người lãnh đạo – trong cuộc sống. Những ai được bạn tôn trọng sẽ quan tâm đến bạn. Rất có thể người lãnh đạo mà bạn trân trọng và ngưỡng mộ nhất sẽ nhớ tên bạn, khen tặng bạn đã làm tốt công việc, hay tạm dừng việc để trò chuyện hỏi thăm về gia đình bạn. Thật đơn giản để có được sự tôn trọng. Nó không đòi hỏi phải có kỹ năng phức tạp nào nhưng lại cực kỳ quan trọng đối với một người lãnh đạo thành công. Trong gia đình cũng vậy, cha mẹ cần tôn trọng con cái bằng cách lắng nghe con và đối xử công bằng với con; qua đó họ sẽ được các con yêu thương, kính phục. Còn ở trường, giáo viên thể hiện thái độ tôn trọng đối với học sinh qua việc tìm hiểu hoàn cảnh và nhu cầu của từng em. Các bác sĩ nên tiếp cận và hiểu hơn về bệnh nhân thay vì chỉ căn cứ vào những gì được viết trên hồ sơ bệnh án. Trao tôn trọng ắt sẽ nhận được sự tôn trọng. Tôn trọng người khác cũng là tôn trọng chính mình!

Chú thích

(13) Will Rogers (1879 – 1935) là một danh hài, diễn viên nổi tiếng người Mỹ, đồng thời cũng là một nhà bình luận xã hội.