28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc

Chương 13

Docsach24.com
hân trong nghịch cảnh, bị quản thúc không khác gì nơi lao lý, nhưng Đặng Tiểu Bình vẫn luôn quan tâm đến vận nước, ông tin sẽ có một ngày mọi sự thật sẽ được đưa ra ánh sáng, Mao Trạch Đông sẽ hiểu ông, tin dùng ông và giao cho ông trở lại gánh vác công việc của nước nhà.

Ngày đó đã đến.

13 tháng chín năm 1971, Lâm Bưu tử nạn trên sa mạc Mông Cổ trong chuyến bay trốn chạy do việc mưu sát Mao Trạch Đông bị thất bại. Tin dữ này làm cả Trung Quốc kinh ngạc, “phó soái phản chủ soái”, và lãnh đạo xưởng sửa chữa máy kéo huyện Tân Kiến - nơi Đặng Tiểu Bình lao động cải tạo - đã trao cho ông bản thông báo của Trung ương về vụ việc nêu trên.

Đặng Tiểu Bình đã để một buổi chiều và hai buổi tối viết cho Mao Trạch Đông bức thư dài trên 4000 chữ. Sau khi vạch trần những hành động phản cách mạng của Lâm Bưu và Trần Bá Đạt, khiêm tốn tự phê bình những thiếu sót của bản thân, Đặng Tiểu Bình bày tỏ nguyện vọng cống hiến sức lực cho tổ quốc và nhân dân. Ông cho biết đã 5 năm cách ly, nay tuy tuổi 67 nhưng sức khỏe vẫn còn tốt, có thể làm những công việc có tính nghiên cứu khoa học, đóng góp cho Đảng, cho nhân dân mà không có một yêu cầu gì khác. Ba hôm sau, qua bí thư chi bộ của xưởng sửa chữa máy kéo huyện Tân Kiến, thư của ông đã lên đến Bắc Kinh giao cho Uông Đông Hưng - chánh văn phòng Trung ương.

Tập đoàn Lâm Bưu tự thân sụp đổ đã làm cho chính trường Trung Quốc thay đổi, các danh tướng bị Lâm Bưu đánh đổ nay được phục hồi, đầu tiên là Diệp Kiếm Anh đảm nhiệm ngay chức vụ Bí thư trưởng của Quân ủy Trung ương. Thế trận kiềm chế ba chân giữa Lâm Bưu, Giang Thanh, Chu Ân Lai không còn nữa, nay là cuộc đấu tranh của hai phái, một bên là phá hoại, là gây loạn, một bên là lo lắng cơm ăn áo mặc cho 800 triệu dân, là xây dựng đất nước. Nhận thấy điều này, rút ra bài học từ sự kiện Lâm Bưu, Mao Trạch Đông quyết định giao cho Chu Ân Lai chủ trì công việc thường nhật của Trung ương. Và để khôi phục một Trung Quốc đã tàn tạ sau Cách mạng văn hóa, người đầu tiên mà Chu Ân Lai nghĩ tới là đại thần tài năng Đặng Tiểu Bình, song dùng lại Đặng Tiểu Bình không phải là việc dễ vì hai lẽ: thứ nhất, chính Mao Trạch Đông chủ trương đánh đổ Đặng Tiểu Bình; thứ hai, giả sử Mao đồng ý thì vẫn còn Giang Thanh - kẻ không đội trời chung với Đặng, cho nên Chu Ân Lai phải đợi thời cơ.

Ngày 6 tháng giêng năm 1972, nguyên soái Trần Nghị tạ thế, Mao Trạch Đông tham dự lễ truy điệu, trong khi nói chuyện với các tướng lãnh, Mao có nhắc đến Đặng Tiểu Bình, chắc ông đã đọc xong bức thư 4000 chữ của Đặng. Tháng tám năm ấy, vở kịch mới của Giang Thanh là cuộc vận động “phê Lâm phê Khổng” đã trình diễn, thực chất là công kích Chu Ân Lai, chuẩn bị dư luận cho âm mưu tranh giành quyền bính. Ngày 4 tháng tám, Đặng Tiểu Bình lại viết một bức thư nữa cho Mao Trạch Đông. Sau khi phân tích kỹ ai là người tạo phản, phá rối, ai là người có thể trị quốc, bình thiên hạ, Mao Trạch Đông đã viết:

“Sau khi nhờ Thủ tướng xem xong, chuyển giao chánh văn phòng Uông Đông Hưng ấn phát cho các đồng chí Trung ương. Sai lầm mà đồng chí Đặng Tiểu Bình mắc phải là nghiêm trọng, nhưng so với Lưu Thiếu Kỳ thì có khác biệt. (1) Đồng chí là một trong bốn người bị xử lý ở khu căn cứ Xô-viết của Trung ương, tức là Đặng, Mao, Xạ, Cổ - bốn người cầm đầu của phái Mao. (2) Đồng chí không có vấn đề lịch sử, không đầu hàng địch. (3) Đồng chí cùng Lưu Bá Thừa đánh thắng nhiều trận, lập nhiều chiến công. Kể từ ngày về thành phố, đồng chí đã làm nhiều việc tốt, đã dẫn đầu đoàn đại biểu sang Mạc Tư Khoa đàm phán, không bị chủ nghĩa xét lại của Liên Xô khuất phục. Những sự việc này trước đây tôi đã nói nhiều lần, bây giờ nhắc lại lần nữa.

Mao Trạch Đông

Ngày 14 tháng tám năm 1972.”

Đây là thời cơ mà Chu Ân Lai mong đợi, ông đã cho văn phòng in văn bản này và gửi cho tất cả thành viên của Bộ Chính trị nghiên cứu thảo luận, với tư cách là Trung ương, ông kịp thời điện báo cho Tỉnh ủy Giang Tây hủy bỏ chế độ lao động cải tạo đối với Đặng Tiểu Bình, phục hồi sinh hoạt Đảng cho Đặng, đồng thời bố trí Đặng tham quan, khảo sát, điều tra, nghiên cứu v.v... và không quên đưa tất cả những nhân viên cũ đã từng phục vụ Đặng Tiểu Bình về ngay Giang Tây ở bên cạnh ông. Người đời sau bình luận về sự kiện này đều phải tỏ lời khâm phục sự tài hoa của Chu Ân Lai.

Phái Giang Thanh, Khang Sinh, Trương Xuân Kiều sợ hãi trước quyết định của Mao Trạch Đông, họ cho rằng Chu Ân Lai có thêm Đặng Tiểu Bình chẳng khác gì “hổ thêm cánh”, nhưng Mao đã quyết là không tranh cãi. Trong phiên họp ngày 10 tháng ba năm 1973 của Bộ Chính trị, phái Giang Thanh giương cờ trắng đầu hàng - đồng ý phục hồi Đặng Tiểu Bình. Nhưng họ lại lo bày mưu tính kế cho hiệp sau.

Ngày 20 tháng ba năm 1973, Đặng Tiểu Bình từ giã Tân Kiến, từ giã xưởng thợ, từ giã lầu tướng quân trở về Trung Nam Hải và cũng bắt đầu một cuộc chiến đấu mới.