28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc

Chương 14

Docsach24.com
gày 12 tháng 4 năm 1973, Đặng Tiểu Bình tham dự buổi tiệc chiêu đãi Hoàng thân Norodom Sihanouk, đây là lần đầu tiên, sau khi khôi phục, ông xuất hiện trước công chúng và đám đông, vẫn dáng người thấp, vai bè cương nghị nhưng có vẻ cô độc, không nhiều lời. 14 năm sau, một vị khách Hungary đã nhớ lại ngày hôm ấy như sau: “Bên kia là những anh hùng của cuộc đại Cách mạng văn hóa, những người vừa áp đảo ông, đoạt quyền của ông, còn bên này là những người hy sinh chính trị, họ trở về với đại lễ đường quyền lực như ông, một Phó Thủ tướng.”

Tháng 8 năm 1973, đại hội lần thứ 10 của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bầu Đặng Tiểu Bình vào Ban chấp hành Trung ương. “Tên số hai theo chủ nghĩa tư bản” lại bỗng chốc là ủy viên trung ương cộng sản, phó thủ tướng một nước xã hội chủ nghĩa. Thật là một bước ngoặt lớn trong đời ông và sự việc chưa dừng tại đó, vì Mao Trạch Đông còn giao cho ông nhiều trọng trách khác.

Ngày 12 tháng chạp năm đó, Mao Trạch Đông chủ trì hội nghị Bộ Chính trị, Mao có vẻ rất yếu. Năm ngoái đau tim tưởng khó qua, may nhờ cứu chữa tích cực nên sức khỏe đã bình phục, nhưng nói năng chậm, nhỏ.

Mở đầu Mao Trạch Đông phê bình Bộ Chính trị và Quân ủy: “Bộ Chính trị cần bàn về chính trị. Quần ủy cần bàn về quân sự, không chỉ quân sự mà còn cả chính trị nữa.”

Đầu năm, Mao đã phê bình một lần rồi, “Bộ Chính trị mà không bàn chính trị. Quân ủy mà không bàn quân sự”.

Mao nói tiếp, vẫn câu đầu năm đã nói một lần và thêm phần sau: “Các đồng chí không sửa, tôi sẽ khai hội hoài, khai hội ở tại đây, tôi không còn cách nào khác, thúc mãi các đồng chí và nói trực diện mãi với các đồng chí”.

Sau đó, Mao Trạch Đông chuyển sang chủ đề khác: “Tôi đề nghị, về một việc quân sự, đó là Tư lệnh các quân khu lớn trong toàn quốc cần điều chuyển qua lại”.

Ông quay sang Diệp Kiếm Anh: “Đồng chí tán thành rồi, tôi tán thành ý kiến của đồng chí và chỉ ra người nói giúp, phát biểu giúp. Tôi cũng đã tìm gặp thủ tướng và Vương Hồng Văn, cả hai đều tán thành.”

Mao đề nghị mọi người dự hội nghị cùng đồng thanh hát bài “Ba điều kỷ luật, tám điều chú ý” của Giải phóng quân. Thế là tất cả cùng cất cao: “Là quân nhân cách mạng, mỗi người đều ghi nhớ ba điều kỷ luật, tám điều chú ý. Thứ nhất, tất cả hành động đều nghe chỉ huy, bước đi phải đều, phải nhất trí thì mới thắng lợi...”

Từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ hai khóa 9, Mao Trạch Đông có tập quán yêu cầu mọi người hát lại bài “Ba điều kỷ luật, tám điều chú ý”, ông muốn bước đi của toàn Đảng, bước đi của Bộ Chính trị phải đều, phải nhất trí. Trong buổi đại loạn, nói gì đến toàn Đảng, ngay như Bộ Chính trị bước đi cũng khó mà nhất trí, mặc dầu trước mặt Mao họ hát rất đều.

Nghe xong bài hát, Mao Trạch Đông lại nói: “Sừng trâu để làm gì? Chắc là để đấu!”, ông chủ trương triết lý đấu tranh. “Một người làm việc lâu ở nơi nào, là không được”, theo ông sẽ sinh tiêu cực.

Nói đoạn, Mao Trạch Đông đột ngột chuyển sang chủ đề khác - tuyên bố một quyết định quan trọng, ông chỉ Đặng Tiểu Bình, người vừa được khôi phục: “Bây giờ, tôi mời một vị quân sư, tên gọi Đặng Tiểu Bình. Ra một thông báo đảm nhận ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Quân ủy. Bộ Chính trị quản toàn bộ: đảng, chính, quân, dân, học sinh, đông tây nam bắc. Tôi nghĩ Bộ Chính trị cần thêm một chức danh bí thư trưởng, nếu đồng chí không thích cách gọi như thế, thì đổi là tham mưu trưởng”.

Cử tọa lắng nghe từng câu, từng chữ của Mao, nét mặt ai cũng lặng như tờ khi Mao công bố quyết định nêu trên, song trong lòng có người hoan nghênh, lại có kẻ phản đối. “Bây giờ chúng ta mời một vị tham mưu trưởng. Vị ấy, có người sợ, nhưng ông ta làm việc rất quyết đoán, đời ông ta là bảy phần thắng. Vị Tư lệnh của các đồng chí tôi đã mời về, Bộ Chính trị đã mời về, chứ không riêng mình tôi mời.”

Mao quay người về phía Đặng: “Còn đồng chí, người ta sợ đồng chí. Tôi xin tặng đồng chí hai câu: Trong nhu có cương, trong bông có kim, bên ngoài hòa khí một chút mà nội tâm là cả một công ty gang thép. Khuyết điểm trước đây, hãy sửa chữa dần”. Có lẽ qua đây Mao Trạch Đông muốn phê phán Đặng hơn là tán dương.

... Tháng ba năm 1974, Bộ Chính trị lại họp để thảo luận chọn cử ai đi dự hội nghị đặc biệt của Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 6. Theo ý kiến của Mao, hội nghị cử Đặng Tiểu Bình, Giang Thanh kiên quyết phản đối. Mao đã phải trấn an bằng bức thư:

“Giang Thanh:

Đồng chí Đặng Tiểu Bình đi nước ngoài là ý kiến của tôi, cô không nên phản đối mới phải, cần cẩn thận, không được trái ý tôi.

Mao Trạch Đông

Ngày 27 tháng ba năm 1974”

Sau đó một vài hội nghị khác, Mao Trạch Đông lại tiếp tục phê bình Giang Thanh, yêu cầu giải tán ngay cái nhà máy chế tạo “mũ” của bà, chỉ chuyên chụp mũ người khác, chỉnh đốn người khác và cảnh cáo việc hình thành “nhóm Thượng Hải” gồm bà, Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên, Trương Xuân Kiều. Ngược lại, Mao đã giao cho Đặng Tiểu Bình trọng trách Phó thủ tướng thứ nhất và nói đùa với Đặng: “Đồng chí nên lập nhà máy gang thép”.

Đây là những ngày mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân toàn Quốc khóa 4. Trung ương ra thông báo truyền đạt chỉ thị của Mao: “Cuộc đại cách mạng văn hóa của giai cấp vô sản đã kinh qua 8 năm bây giờ là lúc phải ổn định lại, phải đoàn kết toàn đảng toàn dân”. Quan điểm của ông là đại loạn đại trị, chỉ có đại loạn mới đại trị được, đến nay đại loạn thì đã rõ ràng, còn mục tiêu đại trị thì chưa ra sao cả, và Mao Trạch Đông đã nhận ra bài học không thể tiếp tục nổi loạn nữa mà phải an định, đoàn kết, 7 năm rồi vẫn chưa tiến hành đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, không thể kéo dài mãi như thế. Trị quốc an bang, đám người Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn là không xong, Giang Thanh lại càng tệ hại, chỉ có thể trông chờ vào Chu, Đặng mà thôi. Mao Trạch Đông suy nghĩ như vậy và bắt tay vào việc chỉ huy xây dựng nội các mới.

Quyền bính mà lực lượng cách mạng văn hóa đã đoạt được trong cuộc đại loạn vừa qua không dễ gi lại để rơi vào tay kẻ khác. Giang Thanh và những người của bà sau đợt tấn công “phê Lâm phê Khổng” (thực chất là phê Chu Ân Lai) không thu được, kết quả gì, lại tiếp tục chĩa mũi nhọn sang Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình sẽ phải đương đầu với “nhóm Thượng Hải”“, mà ngay ở hiệp nhất với vụ “Phong Khánh Luân” - mua tàu biển nước ngoài, Đặng Tiểu Bình đã bị chụp cái mũ sùng của ngoại, thích Tây. Con đường mà ông đang đi còn lắm thác, lắm ghềnh.