28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc

Chương 9

Docsach24.com
ưởng Giới Thạch không phải hạng người yếm thế, ông có cái tinh ranh của một tay buôn, biết đâu là cơ hội để chăm chú đầu tư trục lợi. Những năm ấy ai muốn đứng chân ở Quảng Châu thì không thể không hô hào tả khuynh, vì Trung Cộng đã trở thành cốt cán của quân cách mạng Quốc dân đảng, đã trở thành rường cột của Trường quân sự Hoàng Phố, chỉ nói lời “tả”, hát bài “tả” thì mới được cố vấn Liên Xô, Trung Cộng phái tả của Quốc dân đảng ủng hộ, mới ngồi yên vị.

Thời đó Uông Tinh Vệ như hòn bi sắt lắc trong cái bát đồng kêu “tang, tang” rõ vui tai. Uông đã có một “danh ngôn” lưu truyền vạn thuở - “Cách mạng quốc dân Trung Quốc đã đi đến một thời kì vô cùng quyết liệt, ai là người cách mạng hãy quay sang trái, ai không phải cách mạng hãy cút ngay!”. Đến như Hồ Hán Dân, vì liên quan đến vụ án Liêu Trọng Khải, nên ngày 11 tháng 9 năm 1925 với danh nghĩa “khảo sát” không thể không rời khỏi Quảng Đông sang Liên Xô “lánh nạn”, Hồ tham dự hội nghị mở rộng lần thứ sáu ban chấp hành Quốc tế Cộng sản và trong lời chúc mừng của mình, Hồ phát biểu thật “cảm động”: “Khẩu hiệu của Quốc dân đảng là vì quần chúng nhân dân, cũng có nghĩa chính quyền do công nông nắm giữ, khẩu hiệu của chúng tôi nhất trí như Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Cộng sản là đại bản doanh của cách mạng, là Bộ Tổng Tư lệnh của cách mạng”.

Còn Tưởng Giới Thạch? Ông hiểu, không khoác áo đỏ thì khó lòng được phái tả ủng hộ, mà Quảng Châu chính là thành trì của họ. Tưởng từng nói “Đảng Cộng sản Nga trọng kỉ luật, chặt tổ chức, đảng viên phục tùng mệnh lệnh của đảng, tuân thủ kỉ cương, không tự do vị kỉ, vì sao họ dám hi sinh riêng tư? Vì họ hiểu rõ chủ nghĩa của mình, mưu cầu quyền lợi cho đồng loại, và đã thành công như vậy. Nước Nga thế, còn ta? Thật đáng hổ thẹn và vô cùng đen đủi, muốn thực hiện chủ nghĩa tam dân, không thể không mô phỏng họ!”. Tưởng cũng không quên hết lời ca tụng Trung Cộng: “Ngoài Trung Cộng ra, thử hỏi có đảng phái nào, đoàn thể nào ủng hộ chúng ta, đoàn kết hợp tác với chúng ta, khẩu hiệu “chống Cộng”“ là của đế quốc, nếu chúng ta hô hào “chống Cộng” là mắc mưu đế quốc” và đâu đâu cũng cổ xuý cho chủ trương Quốc - Cộng hợp tác: “Tổng lý đã dung nạp cộng sản vào đảng của chúng ta, Người muốn đoàn kết các phần tử cách mạng, chống lại đường lối này là có tội với Tôn Trung Sơn, có tội với cách mạng, vì vậy, giờ này trong đảng chỉ nên phân rạch đâu là tả, đâu là hữu, chứ không nên chia rẽ Cộng sản hay Quốc dân”.

Cũng như Trung Cộng, Tưởng Giới Thạch kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc, ông nói: “Chủ nghĩa đế quốc không bị lật đổ thì Trung Quốc bất vong, mà muốn Trung Quốc bất vong, chỉ còn có cách chống đế quốc và đây là trận sống mái cuối cùng!”...

Bằng những lời nói như vậy, Tưởng Giới Thạch nhanh chóng trở thành một diễn viên đỏ và lúc Thiệu Lực Tử sang thăm Liên Xô, Tưởng Giới Thạch đã nhờ chuyển cho Stalin một phong tư: “Mong muốn Quốc tế Cộng sản đệ tam trực tiếp lãnh đạo Quốc dân đảng Trung Quốc, không cần gián tiếp qua Trung Cộng”. Stalin không thể vô nguyên tắc chấp nhận lời đề nghị “nhiệt tình” đó nhưng tại hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản (17.2.1926 đến 15.3.1926) đã quyết định kết nạp Quốc dân đảng Trung Quốc làm “thành viên cảm tình” và Tưởng Giới Thạch được bầu là uỷ viên danh dự đoàn chủ tịch.

Tất cả chỉ là lời nói, vì từ bên trong, Tưởng Giới Thạch đã ra tay phòng thủ Quốc tế Cộng sản và Trung Cộng, ông ghi nhật kí một cách kiên kiên quyết rằng, “quyền lực không thể giao cho ai khác, ngoài ta!”.

Tưởng Giới Thạch trở nên dị thường, nói năng cẩn trọng để được lòng cố vấn và Trung Cộng, nhưng hành động thì đầy ắp cơ mưu, như muốn chuẩn bị cho cuộc cờ thế kỉ sắp “hạ tịch” nay mai.

“SỰ KIỆN CHIẾN HẠM TRUNG SƠN” BÙNG NỔ

 

Là con nhà nông, Mao Trạch Đông rất hiểu nông dân, quan tâm nông dân, sau khi đảm nhận chức vụ quyền trưởng ban tuyên truyền Quốc dân đảng, Mao kiêm thêm nhiệm vụ uỷ viên uỷ ban vận động nông dân của đảng này.

Dân Quốc nhật báo ở Quảng Châu số ra ngày 17 tháng 3 năm 1926 đưa tin, trung tâm huấn luyện nông vận đã khai giảng khoá 6 tại cung Phiêu Ngu và do Mao Trạch Đông chủ trì. Trong những ngày đó, Tưởng Giới Thạch vẫn trăn trở suy tính, và nhật kí ngày 17 tháng 3 của Tưởng biểu lộ một sự khủng hoảng cao độ về tinh thần: “Ta khác nào như Phật tổ cùng đi xuống địa ngục để cứu vớt chúng sinh?”. Hôm ấy Chu Ân Lai từ Sán Đầu trở về Quảng Châu, với con mắt tinh đời, Chu Ân Lai phát hiện thần sắc của Tưởng Giới Thạch có phần khác lạ, vả lại Tưởng bắt đầu tiếp xúc với phái hữu khá nhiều. Hai người làm việc bên nhau đã lâu, nên Chu hiểu Tưởng rất cặn kẽ, ông nhanh chóng báo cáo Trương Thái Lôi về hiện tượng kì quặc của Tưởng Giới Thạch, lúc bấy giờ Trương là Trưởng ban Tuyên truyền khu uỷ Quảng Đông của Trung Cộng kiêm thông dịch cho cố vấn Liên Xô, Chu yêu cầu Trương cũng thông báo cho Quý Sơn Gia - trưởng đoàn cố vấn - biết tình hình. Và lịch sử đã chứng minh năng lực quan sát của Chu Ân Lai quả là sắc sảo, phán đoán chính xác và những tín hiệu dự báo của ông vô cùng quan trọng.

Ngày hôm sau, 18 tháng 3 tại lầu Văn Đức, Lý Chi Long nhận được một công hàm khẩn cấp do người của trường quân sự Hoàng Phố mang tới.

Lý Chi Long người Miến Dương, tỉnh Hồ Bắc, mới 29 tuổi, trung tướng, quyền cục trưởng Cục hải quân kiêm tham mưu trưởng và hạm trưởng chiến hạm Trung Sơn. 19 tuổi Lý theo học sĩ quan hải quân ở Yên Đài, gia nhập Trung Cộng, rồi làm thư kí và thông dịch cho cố vấn Liên Xô. Sau đó không lâu được điều về Trường quân sự Hoàng Phố tham dự khoá 1, học xong ở lại trường làm việc tại ban chính trị và chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Chu Ân Lai. Bắt đầu đảm nhiệm công việc của Cục hải quân từ năm 1925, lúc bấy giờ Lý mang quân hàm thiếu tướng.

Lý Chi Long đọc công hàm ghi rõ: Hiệu trưởng mệnh lệnh Cục hải quân cấp tốc phái hai chiến hạm tới Hoàng Phố, kí tên: Văn phòng đại diện của trường tại Quảng Châu. Y lệnh, hai chiến hạm Trung Sơn và Bảo Bích đồng thời nhổ neo, nổ máy hướng về phía đảo Hoàng Phố Trường Châu thẳng tiến.

Chiến hạm Trung Sơn chính là chiến hạm Vinh Phong, khi Trần Quýnh Minh chính biến, trên chiến hạm này Tưởng Giới Thạch đã xả thân yểm trợ cho Tôn Trung Sơn thoát nạn, sau khi Tôn qua đời, Vĩnh Phong cải danh thành Trung Sơn để kỉ niệm ghi nhớ ông. Lúc 6 giờ sáng ngày 19 tháng 3 năm 1926, Bảo Bích và Trung Sơn lần lượt tiến vào thuỷ phận Hoàng Phố. Hai chiến hạm này tuân lệnh hiệu trưởng truyền qua điện thoại của trưởng phòng giáo vụ và công hàm do văn phòng đại diện chuyển tới đã tề tựu tại đây chuẩn bị báo cáo Tưởng Giới Thạch, nhưng ông không ở trường, lại đi hỏi Đặng Diễn Đạt - trưởng phòng giáo vụ - Đặng cũng không hay biết về quân lệnh này! Và thế là mọi việc trở nên rắc rối phức tạp.

Mãi sau truy tìm mới hay là do thông tin sai lạc, một thuyền buôn Thượng Hải mắc nạn trên thượng du Hoàng Phố yêu cầu cứu giúp, lúc ấy là 4 giờ chiều ngày 18, chủ nhiệm văn phòng hiệu trưởng Khổng Khánh Tuệ lệnh cho trưởng phòng quản lí Triệu Miên Văn phái một chiến hạm ứng viện. Triệu giao nhiệm vụ cho nhân viên là Lê Thời Ung thực hiện, Lê nhận thấy xung quanh Hoàng Phố không có chiến hạm nào neo đậu, bèn điện thoại về Quảng Châu nhờ văn phòng đại diện của trường xử lí giúp, Vương Học Thần nhận điện và báo cáo lại cho thủ trưởng là Âu Tích Chung. Không ngờ một chiến hạm nghe thành hai, không rõ ai chỉ thị, Âu bèn phán đoán chắc là trưởng phòng giáo vụ ra lệnh, và nhận thấy việc này chỉ có Lý Chi Long bên Cục hải quân mới đủ lực lượng giải quyết, bèn thảo công hàm như trên. Để cho thêm phần quan trọng, Âu Tích Chung bạo gan ghi vào mấy chữ “hiệu trưởng mệnh lệnh”, và quả nhiên rất hiệu nghiệm, hai chiến hạm đã đến Hoàng Phố đúng giờ.

Đang khi bối rối chưa biết xử trí ra sao thì phái đoàn của công hội Liên Xô muốn tham quan chiến hạm Trung Sơn, Lý Chi Long điện báo Tưởng Giới Thạch, lúc này Tưởng mới hay là chiến hạm Trung Sơn được điều về Hoàng Phố. Đến 6 giờ 30 phút chiều 19 tháng 3, chiến hạm Trung Sơn về Quảng Châu và cả ngày hôm ấy Tưởng Giới Thạch bàng hoàng không yên với bao nhiêu nghi ngờ lo lắng. Tưởng từng biết Lý Chi Long là cộng sản và liên lạc rất chặt với Chu Ân Lai nên lâu nay ông luôn luôn cảnh giác. Khi nhận điện thoại của Lý, phản ứng đầu tiên của Tưởng là Trung Cộng bí mật điều hai chiến hạm đến Hoàng Phố, chắc muốn hại ta? Lại trước đó, ba lần Uông Tinh Vệ điện hỏi Tưởng có đi Hoàng Phố hay không, liên kết các sự việc, Tưởng hoài nghi: hay là cố vấn Liên Xô, Trung Cộng và Uông Tinh Vệ đang âm mưu khử ta?

Tưởng Giới Thạch quyết định đi Sán Đầu nghỉ dưỡng, nhưng giữa đường quay lại Quảng Châu và đúng 4 giờ ngày 20 tháng 3 thì hạ lệnh “trấn áp âm mưu chiến hạm Trung Sơn”.

Ngày 19, Chu Ân Lai báo cho Trương Thái Lôi: “Hình như phái hữu chuẩn bị hành động, tình thế hiện nay giống như hồi mưu sát Liêu Trọng Khải, khắp nơi đều tán phát truyền đơn và tin đồn”. Sáng 19, Mao Trạch Đông dự hội nghị lần thứ 13 Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng và cũng “dự cảm là sẽ sinh chuyện”, Mao hỏi Lý về việc hai chiến hạm được điều đến Hoàng Phố, Lý trả lời: “Đây là mệnh lệnh của hiệu trưởng”.

Đêm 19, cả quân đoàn 1 “gối súng chờ sáng”, Mao Trạch Đông gặp Trần Diên Niên, con trai của Trần Độc Tú, bí thư khu uỷ Quảng Đông của Trung Cộng, ông vừa ở Thượng Hải về, sau khi nghe Mao báo cáo tình hình, Trần phán: “Mọi sự vụ đều có nguyên nhân, phải điều tra thực hư, đề cao cảnh giác, và bình tĩnh quan sát”.

Quảng Châu, đêm về gió thổi mạnh, song phương tứ phái đều “gối súng chờ sáng”, đợi một ngày mai với bao sự bùng nổ.