28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc

Phần V - Chương 1

Docsach24.com
uốc - Cộng hợp tác chưa được bao lâu thì xảy ra sự kiện Hoản Nam - Chính phủ trung ương Tưởng Giới Thạch lấy cớ quân du kích An Huy (gọi tắt là Hoản - ND) chống lệnh, đã tàn sát Tân tứ quân, tàn sát Cộng sản, bắt giam Diệp Đình quân trưởng và tuyên bố giải thể cánh quân này của Trung Cộng. Tháng 1 năm 1941, báo chí Trung Quốc đều đưa tin Hoản Nam, nhưng hầu như thiên về một phía chính phủ trung ương, chân tướng sự viện không rõ ràng, tờ “Tân Hoa nhật báo” của Trung Cộng xuất bản tại Trùng Khánh bị kiểm duyệt nên cũng không khá gì hơn. Hồi ấy báo này đăng bài thơ “Ai điếu người anh em Giang Nam vì nước lâm nạn” của Chu Ân Lai, ở Diên An Mao Trạch Đông bình rằng, vần điệu đau xót mà thi từ mung lung, thật ngậm ngùi. Song chính phủ Tưởng Giới Thạch không thể bưng bít được sự kiện Hoản Nam đối với phóng viên báo chí nước ngoài. Từ New York, London truyền đi những dòng tin chân thực kèm lời bình “bất hạnh”, “lo lắng”, đại sứ Mỹ, đại sứ Anh đã gặp Tưởng biểu thị thái độ, lập trường, rằng chúng tôi không mong muốn nội chiến ở Trung Quốc, rằng vấn đề Tân tứ quân không nên dẫn đến sự tàn sát lẫn nhau, tất cả chỉ làm suy yếu lực lượng kháng chiến, tất cả chỉ có lợi cho Nhật Bản. Đại sứ Liên Xô đương nhiên ủng hộ Trung Cộng, phát biểu gay gắt hơn, dù giải thích như thế nào, chúng tôi cũng không thể đồng ý với quý quốc về sự biến Hoản Nam! Đối với Trung Quốc, nội chiến có nghĩa là diệt vong. Mỹ, Anh, Nga đều tỏ thái độ phản đối, khiến cho Tưởng Giới Thạch từ niềm vui “tam kỷ lâm môn” chuyển sang điệu buồn “tam bất hoan nghênh”, đúng chỉ có Nhật Bản hý hửng, thừa cơ tấn công, không chỉ nhằm vào Tân tứ quân mà cả quân trung ương của Tưởng và Uông Tinh Vệ - phái thân Nhật, sau này trở thành Hán gian - đã phát biểu một câu “danh ngôn”: “Mấy năm lại đây Tưởng Giới Thạch chưa làm được điểu gì hay ho, nhưng lần này qua Hoản Nam, ông ta là con người tốt!”. Nội chiến đang âm ỉ trong lòng cuộc kháng Nhật, cánh tả của Quốc dân đảng mà đứng đầu là Tôn phu nhân Tống Khánh Linh lên án, phê phán Tưởng Giới Thạch một cách quyết liệt.

Về phần mình, trong các “mệnh lệnh” và “văn bản” công khai của Trung Cộng, Mao Trạch Đông tuyên bố, Trung Cộng sẽ không bị lừa và nhẫn nhục như năm 1927 nữa, chúng ta đã là một đại chính đảng độc lập, Tưởng đẩy chúng ta đến bước đường cùng đối đầu này thì còn lời nào để mà nói nữa! Tình thế khiến quan hệ Quốc - Cộng đi đến điểm đóng băng, nhưng làm cho cả Mao lẫn Tưởng phải lạnh cái đầu, tìm cách kiềm chế, bởi vì họ còn có chung một kẻ thù - giặc ngoại xâm Nhật Bản, vô lẽ “trai cò đánh nhau” để cho “ngư ông được lợi” hay sao? Mao Trạch Đông chỉ phản kích trên dư luận nhằm tạo thanh thế. Ông nói giành thế công về chính trị, tạm thời vẫn giữ thế thủ trong quân sự. Còn Tưởng, ông lần mò tìm bậc để xuống thang, hạn chế vấn đề trong phạm vi Tân tứ quân, không cho lan ra Bát lộ quân và Trung Cộng. Bài học đau đớn nhất đối với Tưởng là ngay sau khi mệnh lệnh “17 tháng giêng” giải tán Tân tứ quân vừa truyền xuống thì 15 vạn quân của ông ở phía đông đường sắt Bình - Hán (Bắc Bình - Hán Khẩu ND) lập tức bị quân Nhật bao vây, cũng năm ấy Trung Cộng và Mao Trạch Đông cự tuyệt dự hội nghị tham chính thường niên.

Sự kiện Hoản Nam và nước cờ “kéo nhau” của hai kỳ thủ đến dây đành gác lại bởi vì với lực lượng 190 sư đoàn, 3700 xe tăng, 4900 máy bay tiêm kích và 190 chiến hạm, quân Đức đã tấn công Liên Xô vào lúc rạng sáng 22 tháng 6 năm 1941, khi mọi người vẫn còn say ngủ. Nửa giờ sau đó, đại sứ Đức ở Mạc Tư Khoa mới trao cho phía Liên Xô tuyên chiến thư và thế là Thế chiến thứ hai bùng nổ.

Tưởng Giới Thạch xoay cờ sang một cục diện khác: tuyên chiến với Nhật, tuyên chiến với Đức. Kể cũng buồn cười, từ sau vụ Lư Câu Kiều ngày 7 tháng 7 năm 1937, đúng 4 năm nay quân Nhật đã thôn tính, đã “tam quang” - đốt sạch, phá sạch, giết sạch không biết bao nhiêu là quốc thổ của Trung Quổe mà Tưởng ủy viên trưởng vẫn im hơi lặng tiếng, mãi tới giờ này mới cất giọng “gáy”! Không, nhà quân sự mang dòng máu thương gia khôn lắm, có đầu óc lắm, với tuyên chiến thư một lúc cả Nhật lẫn Đức. Tưởng Giới Thạch đề nghị 4 nước Trung, Mỹ, Anh, Nga nên thành lập ở châu Á một đồng minh quân sự nào đó, Roosevelt tán thành. Churchill ủng hộ, nhưng Stalin chẳng nói chẳng rằng, bởi vì ông đang lo trận tuyến phía Tây, và mới đây, tháng 4 năm 1941, Liên Xô vừa ký “Điều ước trung lập” với Nhật Bản hãy còn chưa ráo mực. Tưởng là người đề xướng sáng kiến, nên phải xung phong thực hiện. Ngày 23 tháng 12 năm 1941, Hội nghị quân sự liên hợp Đông Á được cử hành tại Trùng Khánh với các đại biểu của Trung, Mỹ, Anh và do ông chủ trì, đây là lần dầu tiên Trung Quốc xuất hiện trên vũ đài quốc tế trong vai trò của một nước lớn. Đầu năm 1942, đại biểu 26 nưóc đã tụ họp tại Washington - Mỹ để cùng ký bản “Tuyên ngôn Liên hợp quốc gia” phản đối 3 nước trục phát xít Đức, Ý, Nhật và liên kết thành mặt trận thống nhất quốc tế chống phát xít, sau đó có thêm 19 nước nữa tham gia liên minh này. Trong bản tuyên bố, 4 nước Mỹ, Anh, Nga, Trung được ghi tên đầu tiên, chính phủ Tưởng Giới Thạch nghiễm nhiên nằm trong “bốn thượng đỉnh”, uy tín quốc tế của ông như diều gặp gió, nhưng có một người xem ông chẳng ra gì, người ấy đóng vai trò quan trọng trong thế chiến thứ hai, đó là Stalin!

Thời gian này, Mao Trạch Đông lại đi một nước cờ khác, ông điện báo cho Chu Ân Lai, “phương châm của chúng ta là tự củng cố và trầm tĩnh theo dõi”. Quan hệ Quốc - Cộng đang ở giai đoạn không xấu không tốt, không nóng không lạnh, tương đối ổn định, Tưởng lo vươn lên trở thành lãnh tụ thế giới còn Mao cố thủ Diên An phát động cuộc chỉnh phong lịch sử. Năm 1941, Mao viết bản báo cáo “Cải tạo sự học tập của chúng ta”, năm 1942 “Chỉnh đốn tác phong của đảng”, “Chống giáo điều trong đảng” và “Phát biểu tại cuộc toạ đàm văn nghệ Diên An”. Trong loạt báo nêu trên, Mao nhấn mạnh phải chỉnh đốn đảng phong, học phong và văn phong, ông gọi đó là “tam phong”. Từ ngàv thành lập năm 1927, cho đến hội nghị Tuân Nghĩa năm 1935, qua nhiều lần dao động giữa hai tả và hữu, cuối cùng vai trò lãnh tụ của Mao Trạch Đông mới được xác lập trong Trung Cộng, nhưng rồi bận rộn nam chinh bắc chiến, đã có lúc nào ngơi nghỉ, ngồi lại được đâu, nay nhân dịp quan hệ Quốc - Cộng tạm không căng thẳng, Mao chủ trương tự củng cố đảng mình bằng một loạt chỉnh đốn: 1/tư tưởng, 2/ tổ chức, 3/quân đội và 4/văn nghệ. Có thể nói Trung Cộng đã lột xác, thay da đổi thịt sau cuộc chỉnh đốn lần ấy, còn Mao, qua đó ông hệ thông hóa những lý luận của mình và hình thành cái gọi là “tư tưởng Mao Trạch Đông” như mọi người đã biết.

Đang khi bằng yên phẳng lặng như vậy, thì Tưởng Giỏi Thạch mời Mao Trạch Đông cùng nhau hội ngộ tại Tây An. Ba cuộc gặp gỡ Tưởng - Mao dự kiến ở Nam Kinh, Vũ Hán và Tây An đã không thành, lần này ngày 14 tháng 8 năm 1942 Tưởng nhờ Chu Ân Lai điện khẩn về Diên An cho Mao. Chu báo cáo, thái độ của Tưởng không có gì tỏ ra ác ý, nhưng mục đích cuộc gặp gỡ thì thật khó lường. Từ Trùng Khánh, ông đề xuất với Mao hai phương án, thứ nhất cáo bệnh cử Lâm Bưu đi thay; thứ hai Tưởng, Chu cùng về Tây An, sau đó Chu và Lâm Bưu hoặc Chu Đức đại diện Mao gặp Tưởng. Mao Trạch Đông sử dụng tổng hợp cả hai phương án, ông chọn Lâm Bưu. Ngày 14 tháng 9 năm 1942, thay mặt Mao Trạch Đông, Lâm Bưu rời Diên An đi ô tô đến Tây An gặp Tưởng, cùng đoàn có Ngũ Vân Phổ và Chu Lệ Vũ, những Tưởng đã trở về Trùng Khánh, Lâm xin chỉ thị Mao và tiếp tục rong ruổi trên dặm đường thuyết khách. Cuộc gặp gỡ, mà thực chất là đàm phán, giửa Tưởng và Chu, Lâm diễn ra ở Trùng Khánh.

Lâm Bưu là một võ tướng, tính cách hướng nội, ăn nói khiêm nhường, không quen ngoại giao, lúc ấy Lâm chỉ là sư trưởng, sao địch nổi với thống soái họ Tưởng, nguyên cớ gì mà Mao lại chọn Lâm, bởi hai lẽ: Lâm Bưu là học sinh khoá 4 Trường quân sự Hoàng Phố, có thể vì tình thầy trò mà đàm đạo với hiệu trưởng Tưởng, Mao là người có tài dụng nhân như dụng mộc một cách rất thiện nghệ. Lẽ thứ hai, Lâm Bưu sau trận Bình Hình Quan đã nổi tiếng là một “danh tướng kháng Nhật” mà đến cả các khu do Quốc dân đảng kiểm soát người ta cũng phải kính nể. Lâm Bưu chữa bệnh ở Liên Xô đúng 3 năm vừa mới về nước. Nhớ lại năm ấy, 1938 tháng 3 ngày 1 tại tỉnh Sơn Tây. Lâm Bưu dẫn binh sĩ đi trinh sát địch tình, để tiếp cận thật gần quân Nhật. Lâm Bưu và những người cùng đi mặc quân phục Nhật Bản, lưng đeo kiếm dài - những quần áo, vũ khí này Lâm lấy được ở trận Bình Hình Quan. Vì hoá trang quá giống nên Lâm Bưu đã bị trúng đạn của quân Quốc dân đảng do Diêm Tích Sơn cầm đầu, sau một hồi giao tranh, mới biết là nhầm nhưng vai phải, vai trái, phổi và cột sống của Lâm đều bị thương, chảy máu đầm đìa, đưa về Diên An chữa trị không lành nên phải gửi sang Liên Xô, tháng 1 năm 1942 mói hồi hương và lập tức nhận nhiệm vụ.

Tưởng Giới Thạch chọn tư gia của Trương Thị Trung làm nơi đàm phán, và công việc đều phó thác cho Trương. Trương cũng là thầy của Lâm lúc học ở Hoàng Phố và quen biết với Chu trong hội đồng giáo viên. Gặp lại Tưởng, Lâm Bưu một điều hiệu trưởng, hai điều hiệu trưởng, chuyển lời hỏi thăm của Mao, vì lâm bệnh nên lần này phải từ chối hội ngộ. Tưởng Giới Thạch cám ơn, và tỏ ra quan tâm đến “bệnh tình” của Mao, cũng không quên nhờ Lâm “chuyển lời vấn an” về Diên An. Hàn huyên khách sáo đôi lời, Lâm Bưu đi thẳng vào chủ để đàm phán, rằng Trung Cộng tỏ thái độ ủng hộ Tưởng như lãnh tụ của dân tộc, song đề nghị Tưởng thực hiện “ba đình”, “ba thả” vả “hai biên” - đình chỉ tiến công quân sự, đình chỉ tiến công chính trị, đình chỉ o ép tờ Tân Hoa nhật báo, thả những người bị bắt trong vụ Tân tứ quân, cung cấp súng ống, đạn dược, lương thảo và biên chế quân đội của Trung Cộng thành hai tập đoàn quân. Tất nhiên là Tưởng Giới Thạch không chấp nhận đề nghị của Trung Cộng, nhưng nhiệm vụ Chu, Lâm là cứ giằng co như vậv, cũng phải hơn 8 tháng trời. Ngày 28 tháng 6 năm 1943, Chu Ân Lai, Lâm Bưu và Đặng Dĩnh Siêu cùng hơn trăm binh lính rời Trùng Khánh trở lại Hồng dô Diên An, thế là đã 3 mùa xuân nay Chu mới có dịp “về nhà”. Ngoài ra, Chu Ân Lai về Diên An còn có một nhiệm vụ quan trọng nữa, ấy là bàn thảo kế sách sau khi được tin Quốc tế Cộng sản tuyên bố giải tán. Có lẽ, người phấn khởi nhất khi “quả bom nguyên tử tân văn” này bùng nổ là Tưởng Giới Thạch, ông nghĩ rằng Trung Cộng sẽ diệt vong, và cho xuất bản cuốn “Vận mệnh của Trung Quốc” xoáy quanh luận điểm “không có Quốc dân đảng thì không có Trung Quốc”. Sách của Tưởng ấn hành hàng triệu bản, phát tận hang cùng ngõ hẻm, xem như kinh thánh tuyên truyền cho cái gọi là “Chủ nghĩa Tưởng Giới Thạch”. Một nhạc sĩ đã phổ nhạc câu “danh ngôn” của Tưởng lãnh tụ, để chọi lại Trùng Khánh, ở Diên An cũng có bài ca “không có Đảng Cộng sản thì không có Trung Quốc”, cả nhân dân, binh lính hát khắp khu đỏ, đến như Lý Nạp là con của Mao - Giang, ngày ngày liến thoắng, “không có... thì không có...”. Mao Trạch Đông chột dạ, sai rồi, sai rồi, Trung Quốc có trước và Đảng Cộng sản có sau, ông thông minh thêm vào một chữ “mới”, rằng “không có Đảng Cộng sản thì không có Trung Quốc mới”, nghe rất lô gích, không chê vào dâu được, bài ca ấy còn lưu mãi đến ngày nay, nhưng chắc không phải ai đều hiểu rõ nguồn gốc của nó.

Ngược lại với suy nghĩ của Tưởng, Mao không hề lo lắng trước sự giải thể mà Quốc tế Cộng sản vừa công bố, ông như được trút bỏ mọi “chì chiết” của một “bà mẹ chồng”. Ngày 20 tháng 3 năm 1943, Mao Trạch Đông chính thức được bầu làm Chủ tịch Bộ Chính trị Trung ương Trung Cộng, nắm giữa cương vị ấy cho tới ngày 9 tháng 9 năm 1976, lúc nhắm mắt xuôi tay. Một bên chủ nghĩa Tưởng, một bên tư tưởng Mao giằng co, tiến thoái trên bàn cờ Quốc thổ Trung Hoa. Tám năm kháng Nhật (1937 - 1945) và sau đó những năm nội chiến (1945 - 1949) nhân dân Trung Quốc chọn lựa một trong hai vận mệnh cho mình, hoặc Quốc dân đảng, hoặc Đảng Cộng sản. Thế chiến thứ hai chuyển sang giai đoạn phản công của quân đội Xô-viết, sự thất bại của phát xít đã rõ ràng, vấn đề chỉ là thời gian. Làm một chính trị gia, điều quan trọng nhất là lượng trước nước cờ sẽ phải đi trong tương lai; về khả năng này Tưởng và Mao không hẹn mà gặp. Mao Trạch Đông triệu tập “Thất Đại” (Đại hội đại biểu toàn quốc Trung Cộng lần thứ bảy), họp trong 50 ngày, từ 23 tháng tư đến 11 tháng sáu năm 1945 với quy mô chưa từng có, 547 đại biểu chính thức, 208 đại biểu dự khuvết. Trên Hồng đô Diên An cao nguyên hoàng thổ, đại hội 7 của Trung Cộng đề ra sự chọn lựa trong “hai loại vận mệnh của Trung Quốc” và vấn đề “chính phủ liên hợp”. Ở Trùng Khánh, Tưởng Giới Thạch chủ trì “Lục Toàn” (Đại hội đại biểu toàn Quốc Quốc dân đảng lần thứ sáu), họp chỉ hơn nửa tháng từ ngày 5 đến 21 tháng năm nàm 1945, số đại biểu chính thức 579 người, dự khuyết 161 người, bàn thảo cách “tiêu diệt Trung Cộng sau khi Nhật thua”.

Bên này gọi là “Đại”, bên kia xưng “Toàn”, nhưng thực chất đều là cuộc họp lớn của một chính đảng, bàn thảo chiến lược từng giai đoạn. Tra cứu lại tư liệu lịch sử, người  ta thấy đêm trước của Thế chiến thứ hai kết thúc, hai ông Tưởng, Mao cùng đi một nước cờ tiêu diệt nhau, cho nên phải nhiều năm sau nữa tiếng súng mới tạm yên trên lãnh thổ Trung Hoa và tiếp đó lấy eo biển Đài Loan làm vạch ranh giới, người trong lục địa, kẻ ở đảo xa, song cuộc cờ vẫn chưa ngưng nghỉ. Cho phép chúng tôi tạm dừng phần biên dịch của mình ở thế cờ này, vì sau đó đàm phán Trùng Khánh giữa Quốc - Cộng có xảy ra đi nữa. Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch có bắt tay, chúc rượu đi nữa, tất cả chỉ là chiến dịch, chiến thuật mà thôi, còn đường lối, chiến lược thì hai ông đã bất biến từ lâu tại Thất Đại và Lục Toàn rồi. Bạn đọc sẽ đoán nhận ra ngay chung cuộc, hà tất phải tốn nhiều bút mực, xin chuyển sang một nhân vật khác trên chính trường Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình.