365 Lời khuyên về sức khỏe

10. Tấn Công Bệnh Trốc Mép

Không có gì tức mình bằng bị bệnh trốc mép! - Một vết rộp màu trắng, chung quanh viền đỏ nằm ở cạnh mép khiến cho ai cũng chú ý đến mình. Đã vậy, nó còn đau rát, nhiều lúc nói hay ăn, đều không thể mở miệng to được, cứ phải, chúm chím. Người ta chúm chím cười, còn mình chúm chím vì đau! Trốc mép rất khó trị. Thường, phải đợi cho nó tự khỏi.

Trốc mép hay bị đi bị lại vì lũ vi rút gây ra trốc mép sau khi hoành hành rồi, lại rút vào bí mật, ở ẩn trong cơ thể ta hàng tháng, hằng năm chờ cơ hội, khi cơ thể chúng ta có hiện tượng bất thường là chúng lại xuất đầu lộ diện.

Đó là khi ta bị sốt, cảm lạnh, đau răng, eczema (bệnh nấm), bị sốt vì nắng, phụ nữ tới ngày có kinh nguyệt. v.v...

Thoạt đầu, chúng ta thấy khó chịu ở mép. Nhìn kỹ trong gương thấy xuất hiện một chùm những nốt rộp như nốt bỏng, chung quanh là một viền màu hồng hay đỏ. Trong vòng 2 tuần, các vết đỏ đó khô lại thành cái vẩy mỏng, thế là khỏi.

Để đề phòng trốc mép, nên:

- Tránh những sự việc làm mình cảm động hoặc phải suy nghĩ thái quá.

- Hạn chế phơi mình ra nắng - nếu cần, nên dùng những loại kem bảo vệ da như kem có kẽm oxýt, bôi lên môi.

- Tránh không tiếp xúc với người đang bị trốc mép.

- Chú ý rửa tay sạch để tránh sự lây lan. Để giảm đau, nên:

- Đắp nước lạnh, nước đá lên trốc.

- Uống nước lạnh.

- Không được lẩy, nhể chỗ đau.

- Có thể dùng thuốc giảm đau như aspirin, acetaminophen.

- Nếu bị đau nhiều, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc acyclovir còn có tên là Zovirax.