5 Ngôn Ngữ Tình Yêu Dành Cho Bạn Trẻ

Chương 14 NGÔN NGỮ YÊU THƯƠNG TRONG GIA ĐÌNH PHỤ HUYNH ĐƠN THÂN

Chương 14

NGÔN NGỮ YÊU THƯƠNG TRONG GIA ĐÌNH PHỤ HUYNH ĐƠN THÂN

Cuộc sống của Amanda không hề dễ dàng chút nào. Cô là một người mẹ đơn thân với hai đứa con đang ở tuổi vị thành niên, Marc, mười lăm tuổi, và Julie, mười ba tuổi. Cô đã nuôi dạy chúng một mình kể từ lúc chồng cô bỏ đi khi Marc lên mười.

Amanda hiểu rõ những tổn thương sau khi ly hôn và đã cố gắng vượt qua cảm giác bị chối bỏ. Cô sống có trách nhiệm với bản thân mình. Với sự giúp đỡ của cha mẹ, Amanda đã hoàn tất chương trình huấn luyện y tá và vào làm việc tại một bệnh viện địa phương. Amanda phải làm việc toàn thời gian ở bệnh viện bởi số tiền mà chồng cũ của cô đóng góp để nuôi dạy lũ trẻ là rất ít ỏi và không đều đặn.

Dù đã đạt được nhiều thành công đáng khích lệ nhưng lúc nào Amanda cũng sống trong cảm giác day dứt thầm lặng. Vì yêu cầu của công việc, cô không thể dành nhiều thời gian cho các con như cô mong muốn. Không phải lúc nào cô cũng tham dự được những hoạt động ngoại khóa của con. Cô cảm thấy Julie và Marc đang lớn lên và dần rời xa vòng tay của mình. Cô tự hỏi liệu chúng đã chuẩn bị sẵn sàng cho những khó khăn đang chờ đợi phía trước hay chưa. Gần đây, Marc thường hay tranh cãi và phê phán cô trong khi Julie thì bắt đầu muốn hẹn hò nhưng cô lại cho rằng nó vẫn còn bé quá.

Trong văn phòng của tôi, Amanda nói: “Tôi không chắc là mình có làm đúng hay không. Tôi đã rất cố gắng nhưng đến thời điểm này, tôi không biết mình nên làm gì trong giai đoạn tuổi vị thành niên của các con nữa”.

Tâm sự của Amanda cũng chính là tâm sự của hàng trăm phụ huynh đơn thân mà tôi đã được nghe trong nhiều năm qua. Dưới đây, tôi sẽ tập trung giúp các bậc cha mẹ đơn thân đáp ứng được nhu cầu thương yêu của con một cách hiệu quả.

Những thử thách thường gặp

Sự thiếu vắng tình cảm đầy đủ của cả cha và mẹ

Mỗi phụ huynh đơn thân có một hoàn cảnh khác nhau. Dù vậy, họ vẫn có một vài thử thách chung, và những thử thách ấy trở nên khó khăn hơn so với các gia đình có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Điều rõ ràng nhất trên thực tế là ở các gia đình này, chỉ có cha hoặc mẹ được chung sống với trẻ. Hiện nay, mô hình thường gặp nhất là người mẹ sẽ sống chung với con sau khi ly hôn; còn người cha thì sẽ gặp con thường xuyên, hoặc thỉnh thoảng, hay không bao giờ. Vì thế, trong khi trẻ vị thành niên luôn cần tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ thì con bạn chỉ có sự quan tâm của cha hoặc mẹ mà thôi. Đây là một thực tế mà những người trong cuộc phải biết chấp nhận.

Nếu bạn là người duy nhất cung cấp tình cảm yêu thương cho con hàng ngày thì việc bạn tìm hiểu và sử dụng ngôn ngữ yêu thương căn bản của trẻ là điều vô cùng cần thiết. Nếu không, bạn sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu yêu thương của trẻ. Một người mẹ đơn thân đã tâm sự với tôi: “Tôi không thể hiểu được con gái của mình nữa. Cháu thay đổi quá nhiều. Thế rồi một lần, tôi tham dự một buổi thuyết trình về năm ngôn ngữ yêu thương cũng như cách để khám phá và đáp ứng nhu cầu yêu thương của trẻ vị thành niên, tôi đã nhận ra ngôn ngữ yêu thương của con gái tôi là thời gian chia sẻ. Khi tôi bắt đầu áp dụng ngôn ngữ yêu thương này, thái độ của cháu đã thay đổi hoàn toàn. Chỉ trong vòng hai tuần, cháu như trở thành một con người khác, và bầu không khí trong gia đình tôi đã được cải thiện rất đáng kể”.

Những cảm xúc bùng nổ

Một điều thường gặp trong một gia đình có cha mẹ đơn thân là những cảm xúc của trẻ bị chôn giấu trong những ngày bé thường bùng nổ vào những năm tháng vị thành niên. Những cảm xúc đau đớn, giận dữ, bị chối bỏ… không được bày tỏ có thể sẽ khiến trẻ tự ti về năng lực bản thân, thường phê phán người khác và cư xử tiêu cực. Điều đáng nói ở đây là những cảm xúc và hành động tiêu cực này hiếm khi được thể hiện khi có mặt của người cha/mẹ không sống cùng với cháu. Sở dĩ như vậy là vì trẻ tin rằng người đó không hiểu hoặc không quan tâm đến trẻ, hoặc trẻ không muốn phá hỏng những yếu tố tích cực trong mối quan hệ với người này. Chính người chung sống với trẻ mới phải hứng chịu những cảm xúc bị dồn nén âm ỉ của trẻ.

Đây là hoàn cảnh hết sức khó khăn. Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ đơn thân thường tỏ ra giận dữ khi cho rằng mình đã bị trẻ đối xử tệ bạc.

Điều tôi muốn khuyên những cha mẹ đơn thân là hãy nhớ, bạn không phải là người duy nhất có những cảm xúc này. Hãy hiểu rằng những cảm xúc mạnh mẽ của trẻ là bắt nguồn từ khao khát độc lập và muốn khẳng định tính cách. Trẻ đang phải đối mặt với những điều có vẻ không công bằng của cuộc sống. Tuy vậy, một khi đã vượt qua giai đoạn khó khăn này, trẻ sẽ có được sự chín chắn cần thiết để bước vào thế giới của người trưởng thành. Nhưng ngay trong thời điểm này, nó có thể khiến cả trẻ lẫn cha/mẹ đang sống cùng trẻ cảm thấy đau đớn.

Những phản ứng đúng đắn

Hãy quan tâm đến cảm xúc của con

Vấn đề quan trọng mà người cha/mẹ sống chung với trẻ cần chú ý là hãy tập trung vào cảm xúc chứ không phải là hành động của trẻ. Điều này trái ngược với những gì chúng ta thường làm. Hãy nghe Roberta tâm sự về đứa con trai mười lăm tuổi của cô, Samuel: “Samuel rất tự ti. Dù tôi có khen ngợi cháu nhiều thế nào chăng nữa thì cháu cũng không loại bỏ được cảm giác đó. Hầu như lúc nào cháu cũng rầu rĩ. Tôi luôn cố tỏ ra hạnh phúc và vui vẻ, tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống của chúng tôi thì cháu vẫn tiếp tục sống như một chiếc bóng trong nhà”.

Roberta đang cố gắng thay đổi cách cư xử của Samuel và tảng lờ đi những cảm xúc tiêu cực ẩn sâu trong lòng cậu bé. Những nỗ lực của Roberta cũng không làm thay đổi tâm trạng của Samuel. Điều lẽ ra cô nên làm là nhận thức và giải quyết nguồn gốc sâu xa của sự buồn bã và tự ti của Samuel. Nếu Roberta tạo ra được bầu không khí thân mật đủ để Samuel cởi mở bày tỏ cảm xúc thật của cậu sau chuyện cha mẹ ly hôn, tôi tin rằng con trai cô sẽ có thái độ khác hẳn. Tất nhiên, đây không phải là điều dễ dàng. Kết quả tích cực chỉ đến khi trẻ được lắng nghe một cách kiên nhẫn.

Hãy lắng nghe và nói cho trẻ biết sự thật

Trong quá trình giải quyết tổn thương trong trái tim của con trẻ, cha/me đơn thân không chỉ học cách lắng nghe mà còn phải nói ra sự thật với trẻ nữa. Khi cha của trẻ bỏ đi, bạn đưa ra những lời giải thích đơn giản và có vẻ như trẻ đã hài lòng với chúng. Và bạn cho rằng vấn đề đã được giải quyết. Thế nhưng, giờ đây, trẻ lại lôi vấn đề ra và hỏi lại một lần nữa với những câu hỏi cụ thể hơn. Trẻ muốn biết nguyên nhân của việc cha mẹ ly hôn hay vì sao cha/mẹ chúng qua đời. “Nếu cha con là một người đàn ông tệ bạc thì tại sao mẹ lại kết hôn với ông ấy?” hay “Hãy nói cho con biết mẹ trông như thế nào? Mẹ đã nói gì về con?”… là những câu hỏi rất đặc trưng của trẻ vị thành niên. Đây là những câu hỏi khó khăn, đau đớn nhưng là nhu cầu rất chính đáng để trẻ được biết chính xác những gì đã xảy ra.

Dù thế nào thì bạn cũng đừng biện hộ cho những sai lầm của mình hay của bạn đời trước kia. Hãy nói với trẻ sự thật. Nếu sau này trẻ phát hiện bạn nói dối, dù chỉ là những chi tiết hết sức nhỏ nhặt chăng nữa, thì sự kính trọng mà trẻ dành cho bạn cũng sẽ bị tổn thương. Có thể trước đây, bạn cho rằng khi con mình còn quá nhỏ và cháu không chịu đựng nổi sự thật phũ phàng. Nhưng giờ đây, khi là người sắp sửa trưởng thành, trẻ có nhu cầu được biết sự thật.

Marjoire, mẹ của một cô con gái mười bốn tuổi, tâm sự: “Điều khó khăn nhất mà tôi từng làm là trả lời những câu hỏi của con gái đang ở tuổi vị thành niên của mình. Tôi biết mình nên nói với cháu mọi chuyện sớm hơn nhưng tôi lại không tìm được thời điểm nào thích hợp cả. Giờ đây, cháu đặt ra nhiều câu hỏi rất khó trả lời, và tôi buộc phải lựa chọn giữa việc nói dối hay nói ra sự thật. Đêm đó là cái đêm đau đớn nhất cuộc đời tôi khi tôi nói với cháu rằng tôi chưa bao giờ kết hôn với cha của cháu cả, rằng chúng tôi đã gặp nhau tại một bữa tiệc và sau đó chúng tôi không bao giờ gặp lại nhau nữa. Trước đó, tôi luôn nói với cháu rằng cha cháu đã bỏ đi khi cháu còn nhỏ. Ban đầu, con gái tôi rất tức giận. Cháu nói rằng lẽ ra tôi nên kể với cháu sớm hơn. Nhưng điều làm tôi đau đớn nhất là khi cháu nói rằng: “Vậy là mẹ thật sự không muốn có con. Con chỉ là một tai nạn mà thôi”.

“Tôi lắng nghe những lời nói giận dữ của con và tôi bảo rằng tôi hiểu vì sao nó có cảm giác như thế, nhưng tôi hy vọng rằng những điều tôi đã làm có thể chứng tỏ cho con thấy là tôi yêu nó ngay từ lúc ban đầu. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất nhiều sau buổi tối hôm đó và thực sự đã rất thân thiết với nhau. Tôi chưa bao giờ thấy gần gũi với con gái mình hơn lúc này, và tôi nghĩ rằng cháu yêu thương tôi theo cách chín chắn hơn trước”. Người xưa đã đúng khi cho rằng thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Nhưng một điều đúng đắn khác là sự thật luôn có khả năng xoa dịu nỗi đau.

Hiểu và sử dụng ngôn ngữ yêu thương căn bản của trẻ là một phần vô cùng có ích trong giai đoạn này. Một cái chạm nhẹ, một lời khen ngợi, một món quà, một hành động thể hiện sự quan tâm hay một quãng thời gian chia sẻ với trẻ sẽ tạo ra môi trường phù hợp để quá trình chữa lành những nỗi đau trong quá khứ diễn ra thuận lợi. Sau này, con gái của Marjoire tâm sự với tôi: “Những cái ôm của mẹ đã giúp cháu vượt qua tất cả. Cháu chưa bao giờ cảm thấy đau đớn như khi mẹ nói cho cháu nghe sự thật. Cháu đã muốn bỏ chạy, hét lớn lên và muốn tự chấm dứt cuộc sống của mình. Nhưng khi mẹ ôm lấy cháu, cháu cảm thấy như một tấm chăn được dệt từ tình yêu thương đang phủ quanh người cháu vậy”.

Hãy tôn trọng những mong muốn thiếu thực tế của trẻ

Còn một thử thách khác mà phụ huynh đơn thân nên chú ý đến, đó là việc trẻ vị thành niên trong gia đình có cha mẹ đơn thân sẽ trải qua nhiều mong muốn thiếu thực tế. Có thể bạn sẽ nghe đứa con trai của mình nói rằng: “Con mong cha sẽ đến xem những trận đấu có con tham gia”. Nhưng thực tế, cha cháu sống cách xa cháu hàng ngàn dặm, đã có gia đình mới và chắc chắn sẽ không thể đến xem những trận đấu đó. Đứa con gái mười sáu tuổi của bạn có thể sẽ nói: “Cha sẽ mua cho con một chiếc xe” trong khi bạn biết rằng cha cháu đang mắc nợ rất nhiều và không thể mua cho cháu một chiếc xe được. Những giấc mơ này là một phần của trí tưởng tượng của trẻ. Đó là một nỗ lực về mặt tiềm thức để có được kiểu gia đình mà trẻ muốn có.

Phản xạ tự nhiên của nhiều bậc phụ huynh đơn thân là phá tan những giấc mơ của trẻ bằng những quả bom có tên là thực tế. Theo quan điểm của tôi, đây là một sai lầm rất nghiêm trọng. Sẽ tốt hơn nếu bạn chấp nhận những mong muốn của con mình và để thực tế tự xuất hiện vào một thời điểm khác thích hợp hơn. “Con mong cha sẽ mua cho con một chiếc xe mới à? Đó là một ý nghĩ hay và mẹ cũng mong cha sẽ làm thế” hoặc “Con mong cha đến xem những trận đấu có con tham gia sao? Mẹ cũng mong như vậy lắm. Sẽ thật tuyệt nếu cha con làm được thế”. Khi bạn phản ứng tích cực đối với những mong muốn thiếu thực tế của trẻ, nghĩa là khi đó bạn đã xem trẻ như một người trưởng thành thật sự. Ngược lại, khi bạn phá tan những suy nghĩ ấy của trẻ và nói xấu người bạn đời cũ của mình, bạn đang khuyến khích trẻ giữ mong muốn ấy cho riêng bản thân cháu.

Nếu vẫn còn giữ liên lạc với người bạn đời cũ của mình, bạn có thể chia sẻ một vài mong muốn của con với người ấy. Tuy vậy, bạn không nên làm việc này với giọng điệu đòi hỏi, ra lệnh mà chỉ đơn giản là chia sẻ thông tin về đứa con chung của hai người. “Có vài lần Seth nói với em rằng: ‘Con ước sao cha có thể đến xem những trận đấu có con tham gia’. Dù đây là một điều không thể thực hiện được nhưng em nghĩ nếu xảy ra, nó sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với con. Còn nếu anh không thể làm được điều con mong muốn, anh có thể hỏi thăm về những trận đấu đó khi anh gọi điện cho con”.

Tất nhiên, với những phụ huynh có tính cách bi quan, sẽ thật khó khăn để họ làm những điều tôi vừa đề nghị. Một cách tự nhiên, họ nhìn thấy chiếc cốc đã vơi đi một nửa và họ hắt sự bi quan ấy sang con em mình. Nếu bạn là một phụ huynh như vậy, tôi khuyên bạn nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để sống lạc quan hơn. Những giấc mơ, ngay cả khi chúng không thể thành sự thật, đều đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người.

Nếu mong muốn của con bạn là thiếu thực tế, thì sớm muộn gì nó cũng sẽ được nhận rõ mà thôi. Nhưng khi trẻ chia sẻ mong muốn ấy với bạn, nghĩa là trẻ đang chia sẻ những bí mật riêng tư và nó thường liên quan đến ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ.

Với những bậc cha mẹ không chung sống với con

Bây giờ, hãy cho tôi được chia sẻ đôi lời với các bậc phụ huynh không chung sống trực tiếp với con. Tôi hy vọng bạn không cho rằng tôi đã bất công với bạn ở phần trước. Một điều bạn nên nhớ là dù thế nào thì bạn vẫn có một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đời của con. Rất nhiều phụ huynh rơi vào hoàn cảnh giống bạn đã có ý thức cần được giúp đỡ để có thể nuôi dạy trẻ tốt hơn. Nhiều người cha người mẹ không chung sống với con vẫn cố gắng gặp gỡ trẻ thường xuyên, vào cuối tuần hoặc mỗi tháng một lần. Trong khi đó, nhiều người không có điều kiện ở gần con mình đã tìm cách liên hệ với trẻ bằng điện thoại hay qua inter- net. Điều quan trọng là bạn hãy tận dụng triệt để những gì bạn đang có trong tay. Hãy cùng tôi khám phá những khó khăn mà bạn có thể phải đối mặt và sau đó, chúng ta sẽ cùng đề ra một số ý tưởng tích cực cho vấn đề này.

Hãy tránh những cạm bẫy

Một cái bẫy rất thường gặp là việc các bậc cha/mẹ hay dành khoảng thời gian ít ỏi ở bên trẻ để đưa cháu đi chơi bóng, đi xem phim hay đến những trung tâm giải trí khác. Khi đó, sự chú ý của bạn đã hướng vào các hoạt động bên ngoài hơn là vào bản thân trẻ. Vì khoảng thời gian mà những bậc phụ huynh này dành cho con thường có giới hạn nên họ có xu hướng chuẩn bị trước nội dung của mỗi cuộc gặp để được vui vẻ bên cháu. Kết quả là vào cuối mỗi lần gặp, cả trẻ lẫn phụ huynh đều mệt lả. Đừng hiểu lầm tôi. Chắc chắn là không có vấn đề gì trong việc bạn vui vẻ với con em mình cả, và hầu hết trẻ vị thành niên đều thích những hoạt động như thế. Nhưng cuộc sống này đâu phải lúc nào cũng chỉ có những trò chơi và cảm giác vui vẻ. Con của bạn cần phải thấy bạn trong những trạng thái bình thường. Vì bạn không biết lịch trình hàng ngày của trẻ trong suốt cả tuần nên có thể bạn không biết được điều gì đang xảy ra trong suy nghĩ và cảm xúc của trẻ. Điều này đòi hỏi phải có những cuộc đối thoại cởi mở trong bầu không khí thoải mái (hoặc đôi khi không được thoải mái cho lắm). Các bậc cha mẹ sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu tình cảm của con cho đến khi nào khám phá ra nhu cầu thiết yếu này của trẻ.

Một cạm bẫy khác là việc bạn cứ khăng khăng cho rằng trẻ không gặp vấn đề gì về tâm lý nếu cháu không nói với bạn điều gì cả. Trẻ vị thành niên luôn phân vân trong việc chia sẻ những khó khăn về mặt tình cảm với người cha/mẹ không chung sống với cháu. Có rất nhiều nguyên nhân giải thích cho việc này. Có nhiều trẻ sợ rằng nếu bộc bạch hết những cảm xúc thì cha/mẹ sẽ chối bỏ mình và những chuyến viếng thăm sẽ thưa dần. Một số trẻ vẫn còn nhớ những cơn thịnh nộ của cha khi cháu còn bé nên lo sợ cha sẽ lại nổi giận nếu cháu chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc riêng tư của mình. Một số lại không chia sẻ chỉ vì không muốn làm xáo trộn cuộc sống hiện tại. Dù nguyên nhân là gì chăng nữa thì điểm mấu chốt ở đây chính là sự im lặng khôn bao giờ là biểu hiện của một mối quan hệ lành mạnh.

Hầu hết trẻ vị thành niên có cha mẹ không còn chung sống với nhau đều có những cảm xúc và suy nghĩ mà chúng ta đã đề cập đến ở phần trước. Vì thế, nhu cầu được chia sẻ của trẻ là rất lớn. Người khéo léo sẽ tìm cách tạo ra bầu không khí thuận lợi để trẻ thoải mái chia sẻ mà không lo lắng bất kỳ điều gì. Thông thường, cha/mẹ sẽ là người khơi mào trước cho những cuộc chuyện trò như thế này. Có thể ngay từ đầu, trẻ có thể sẽ không đáp lại lời mời gọi của bạn. Nhưng nếu bạn chân thành yêu thương và mong muốn lắng nghe thì sớm muộn gì trẻ cũng nhận ra và chia sẻ với bạn những khó khăn của cháu.

Hãy đối mặt với các vấn đề cá nhân

Nếu bạn không chung sống với con và cũng ít khi liên lạc với con vì những vấn đề cá nhân như khó khăn trong tình cảm, tài chính… thì dưới đây, tôi sẽ cùng bạn đối mặt với những vấn đề cá nhân của bạn. Sau hơn ba mươi năm làm công việc tư vấn tình yêu, hôn nhân và gia đình, tôi có thể dự đoán chắc chắn rằng sẽ có ngày bạn hối tiếc nếu không quan tâm nhiều đến cuộc sống của con ngay từ hôm nay. Tuy nhiên, bạn có thể tránh được sự hối tiếc này bằng cách thực hiện những hành động tích cực để đối mặt với những vấn đề của cá nhân và tìm được sự giúp đỡ mà mình cần.

Hãy tìm một người tư vấn hoặc một người nào đó mà bạn tin cậy để chia sẻ những vướng mắc của bản thân bạn. Hãy để họ hướng dẫn bạn trong việc giải quyết chúng. Khi thực hiện những bước đi này, bạn đã tiến thêm một bước nữa về phía con mình và xây dựng mối quan hệ gắn bó với con.

Hãy tham gia và sử dụng ngôn ngữ thương yêu của trẻ

Trong trường hợp bạn thường xuyên liên lạc với con thì tôi khuyến khích bạn hãy tận dụng triệt để những chuyến ghé thăm, những cuộc điện thoại, thư điện tử hoặc thư tay để có tình cảm gần gũi hơn với con. Hãy chia sẻ với con những điều đang xảy ra trong cuộc sống của bạn, cả những thành công lẫn thất bại mà bạn đã nếm trải. Hãy trải lòng mình bằng tất cả sự thành thực. Song song đó, bạn hãy đặt ra những câu hỏi mở để đoán biết suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của trẻ. Hoặc bạn cũng có thể hỏi người bạn đời cũ của mình để có thêm những ý tưởng mới giúp củng cố mối quan hệ của bạn với con.

Một điều mà bạn nên chú ý là đừng phê phán người bạn đời cũ đang sống chung với trẻ. Nếu trẻ phê phán người đó, bạn hãy lắng nghe xem trẻ muốn nói điều gì. Sau đó, hãy hỏi xem liệu bạn có thể giúp con những gì. Hãy tỏ ra thông cảm với tâm sự của con nhưng đừng bổ sung vào đó những lời phê phán của bạn.

Trên hết, bạn hãy học cách sử dụng năm ngôn ngữ yêu thương của trẻ. Hãy khám phá ra ngôn ngữ tình cảm căn bản của con và thường xuyên sử dụng nó. Hạnh phúc lớn nhất của con chính là nhận biết được sự quan tâm và yêu thương của bạn. Đừng giả định rằng cháu đã cảm nhận được tình yêu ấy bởi hàng ngàn trẻ vị thành niên không hề cảm nhận được điều này. Không gì có thể thay thế được việc sử dụng ngôn ngữ yêu thương căn bản của trẻ.

Dù mối quan hệ với con trong những năm qua có thế nào đi nữa thì chẳng bao giờ là quá muộn để bạn làm cho mối quan hệ này trở nên tốt đẹp hơn. Một lời thú nhận chân thành về những thất bại trong quá khứ và đề nghị cháu tha thứ cho bạn có thể mở đầu cho việc phục hồi một mối quan hệ nồng ấm tình yêu thương giữa đôi bên. Con đường này có thể rất chông gai, nhưng tôi có thể đảm bảo rằng kết quả mà bạn đạt được là rất xứng đáng.

Những hướng dẫn quan trọng

Trước khi kết thúc chương này, tôi muốn mang đến cho các bậc phụ huynh, cả người đang sống chung với trẻ lẫn người đang ở xa, một vài hướng dẫn quan trọng để bày tỏ tình yêu thương đối với trẻ.

1. Hãy lắng nghe trẻ. Bạn không thể nuôi dạy trẻ một cách đúng đắn nếu không lắng nghe những gì trẻ nói. Những bậc cha mẹ không để ý đến những điều con cái nói hầu như đều thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu tình cảm của con, hoặc không thể dẫn dắt trẻ theo hướng tích cực. Khi lắng nghe, bạn đã chứng tỏ rằng mình đang toàn tâm toàn ý với trẻ, rằng trẻ xứng đáng được ghi nhận và là một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn.

2. Hãy biết cách xử lý cơn nóng giận một cách tích cực. Hầu hết các bậc cha mẹ đơn thân đều có những nỗi niềm riêng. Có người biết cách kiểm soát chúng một cách tích cực; có người kìm nén trong lòng và cũng có những người bùng nổ bằng những hành động và lời nói thiếu kiềm chế. Tuy nhiên, con bạn sẽ khó cởi mở với bạn nếu cháu không thấy được những nỗ lực trong việc kiểm soát cơn giận dữ của chính bạn.

3. Hãy củng cố những giới hạn một cách chặt chẽ và đầy tình yêu thương. Sẽ tốt hơn nếu bạn bàn luận cùng con về những giới hạn và đề ra danh sách những quy tắc và hậu quả nếu chúng bị phá vỡ. Điều này sẽ giúp trẻ ý thức được rằng cả cha lẫn mẹ đều quan tâm đến hạnh phúc của trẻ.

4. Trên hết, hãy yêu thương trẻ vô điều kiện. Dù tốt hay xấu, đúng hay sai, trẻ luôn cần cảm nhận rằng có ai đó thực lòng quan tâm và yêu thương mình. Và người được trẻ đặt kỳ vọng nhiều nhất chính là cha mẹ.

5. Hãy cân nhắc việc tham gia vào một nhóm phụ huynh đơn thân nào đó. Những nhóm này sẽ tạo ra sự hỗ trợ hai chiều trong cuộc sống. Chắc chắn sẽ có một thành viên nào đó trong nhóm đã có kinh nghiệm trên con đường bạn đang đi và có thể mang đến cho bạn những góp ý thiết thực để giải quyết những rắc rối trong việc nuôi dạy trẻ. Ngược lại, cũng sẽ có một vài người vừa bước vào thế giới của phụ huynh đơn thân và bạn có thể động viên, giúp đỡ họ. Những nhóm này rất hữu ích trong việc hỗ trợ nhau trở thành một phụ huynh đơn thân thành công.

6. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và các tổ chức xã hội. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác. Một người ông, người cậu, hay một người anh họ có thể thay thế cho người cha vắng mặt trong việc vỗ về tình cảm và cung cấp nhiều điều bổ ích cho trẻ. Một người bà có thể trở thành người bạn lớn của trẻ vị thành niên đang gặp vấn đề, v.v. Nếu không sống gần họ hàng, hoặc cho rằng họ sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con, bạn hãy tìm kiếm sự giúp đỡ nơi bạn bè.

Dù sớm hay muộn thì con bạn cũng trở thành người lớn. Cháu sẽ thực sự hạnh phúc nếu có thể tự hào nói: “Tôi biết mẹ tôi yêu thương tôi. Tôi biết cha tôi yêu thương tôi”. Tôi thật sự mong chương sách mà bạn vừa đọc sẽ giúp bạn nghe được câu nói này của trẻ trong tương lai gần.