5 Ngôn Ngữ Tình Yêu Dành Cho Bạn Trẻ

Chương 5 Ngôn ngữ yêu thương thứ 3: THỜI GIAN CHIA SẺ

Chương 5

Ngôn ngữ yêu thương thứ 3:

THỜI GIAN CHIA SẺ

11giờ 45 phút khuya, tôi bước vào phòng con trai trong trạng thái mỏi mệt cả về thể chất lẫn tinh thần. Tôi định vào chỉ để chúc thằng bé ngủ ngon, nhưng con trai tôi lại nói: “Cha ạ! Con thật sự không thể hiểu nổi bọn con gái”. Thế là tôi ngồi xuống sàn, dựa vào cạnh giường con và hỏi: “Sao con lại nói thế?”.

Câu hỏi đó đã khởi đầu cho cuộc nói chuyện dài 2 tiếng giữa chúng tôi. Đây là điều mà Derek đã nói với tôi lúc nó mới 7 tuổi. Bây giờ nó đã 36 tuổi và vẫn chưa hiểu nổi phụ nữ. Và tôi cũng thế. Nhưng đó không phải là vấn đề bởi điều quan trọng là hai chúng tôi luôn đủ thân thiết để trò chuyện với nhau.

Dành cho con thời gian chia sẻ nghĩa là bạn phải cho con một phần đời của mình. Đó là khoảng thời gian mà bạn tuyệt đối hướng vào con để lắng nghe, chia sẻ, và không có gì quan trọng hơn với bạn vào lúc đó. Thời gian chia sẻ là một công cụ giao tiếp mạnh mẽ của tình thương.

Điều đáng tiếc là ngôn ngữ yêu thương được biểu hiện bằng thời gian chia sẻ này lại khó sử dụng hơn là Lời khen ngợi hay Cử chỉ âu yếm. Lý do đơn giản là vì nó tốn nhiều thời gian hơn. Một cái chạm tay đầy ý nghĩa chỉ tốn vài giây; nói những lời khen ngợi chỉ mất một phút; nhưng thời gian chia sẻ thì phải cần hàng giờ. Và trong cuộc sống hiện đại hối hả, đây là điều khó khăn với nhiều bậc phụ huynh bởi họ không có nhiều thời gian dành cho các con mình. Kết quả là có rất nhiều trẻ vị thành niên ngày nay sống trong gia đình dư thừa vật chất nhưng lại trống rỗng tình thương. Chúng thường cảm thấy mình chỉ là một phần trong cuộc sống của cha mẹ.

Nhà tâm thần học Ross Campbell đã viết: “Nếu không được quan tâm, trẻ vị thành niên sẽ luôn sống trong tâm trạng lo lắng vì chúng cảm thấy cha mẹ xem trọng mọi thứ khác hơn mình. Chúng sẽ thấy thiếu an toàn và thường tỏ ra yếu kém trong việc phát triển tâm lý tình cảm”.

Thời gian bên nhau

Điều quan trọng nhất của thời gian chia sẻ chính là việc bên nhau chứ không phải là việc ở gần nhau. Việc ở chung dưới một mái nhà với con không có nghĩa là bạn đã có thời gian bên con. “Bên nhau” có nghĩa là phải có liên hệ giữa hai người. Cha con cùng nhau xem thể thao trên truyền hình hay ở sân vận động thì có thể hai người có hoặc không bên nhau. Nếu đứa trẻ xem xong và cảm thấy: “Đối với cha, thể thao còn quan trọng hơn mình” thì lúc đó hai người không bên nhau. Nhưng nếu đứa trẻ cảm nhận được rằng: “Điều quan trọng nhất ở đây chính là được ở cạnh cha. Thật vui khi chúng ta có thể làm gì đó cùng nhau”, thì khi đó, tình cảm cha con đã thật sự gắn kết. Chương sách này tập trung vào việc giúp bạn tìm thấy sự bên nhau khi hai người ở cạnh nhau.

Giá trị quan trọng nhất của thời gian chia sẻ là cảm nhận của con bạn, rằng bạn đang tập trung toàn bộ sự chú ý của mình vào chúng. Điều này không có nghĩa là lúc nào ở cạnh nhau hai người cũng phải có những cuộc đối thoại sâu sắc dai dẳng. Nó có nghĩa là những giao tiếp qua ánh mắt, lời nói và ngôn ngữ cơ thể phải cùng nói lên rằng con bạn quan trọng hơn sự việc đang diễn ra.Clint, một cậu bé 15 tuổi, giải thích điều này: “Có lẽ cha cháu nghĩ rằng ông đang ban ơn cho con trai của mình mỗi khi ông dẫn cháu đi câu. Ông thường gọi đó là 'giờ bạn bè' nhưng giữa hai cha con thậm chí không hề nói gì về nhau. Câu chuyện của cha và cháu chỉ xoay quanh đề tài câu cá hoặc thiên nhiên, vốn là những thứ cháu chẳng hề quan tâm. Cháu chỉ muốn kể với cha những vấn đề của mình, nhưng có vẻ như ông chả có hứng thú nghe cháu". Tôi biết cha của Clint, và tôi có thể khẳng định rằng ông tin tưởng việc mình dẫn con đi câu là một điều tuyệt vời. Ông không hề hay biết những cảm nhận đó của con.

Vấn đề chính là người cha này đã quan tâm đến hoạt động đang diễn ra xung quanh nhiều hơn là đến cậu con trai. Sau này, ông đã hết sức choáng váng khi biết rằng con trai mình chỉ cảm thấy trống rỗng và bị chối bỏ sau mỗi lần đi câu cá với ông.

Đối thoại chất lượng

Cũng giống như những Lời khen ngợi và Cử chỉ âu yếm, Thời gian chia sẻ cũng có rất nhiều cách thể hiện. Đối thoại chất lượng là một phương cách quan trọng trong số đó. Ấy là khi cả cha mẹ lẫn con cái đều tự do nói ra những suy nghĩ, cảm giác và khao khát trong bầu không khí thân mật. Cha mẹ cần phải học cách nói chuyện “cùng” con mình chứ không phải “cho” con mình.

Thay đổi trong cách thức giao tiếp

Nếu Lời khen ngợi chủ yếu bộc lộ qua những gì bạn nói thì đối thoại chất lượng lại dựa trên khả năng lắng nghe và thấu hiểu của bạn. Khi đó, các bậc cha mẹ sẽ tập trung lắng nghe và thông cảm với suy nghĩ, cảm xúc của con trẻ. Cha mẹ có thể hỏi - nhưng không phải với thái độ tra vấn mà với mong muốn được biết những suy nghĩ, cảm xúc và khát vọng của con. Đây là điều mà các bậc cha mẹ phải hết sức chú ý khi đối thoại cùng con.

Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ thường đưa ra những quy định cùng lời hướng dẫn cho chúng. Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục làm như vậy khi trẻ bắt đầu lớn và đã có nhận thức riêng thì chắc chắn trẻ sẽ phản ứng rằng: “Cha/mẹ cứ làm như con còn con nít vậy”. Trẻ nói đúng. Giờ đây, bạn phải đối xử với nó như một người sắp trưởng thành, độc lập và đang dần khẳng định mình.

Các bậc phụ huynh cần để con trẻ có suy nghĩ, cảm xúc, ước mơ riêng và có thể chia sẻ những điều đó với bạn mà không cảm thấy ngại ngần. Các bạn phải học cách nắm bắt, đánh giá ý tưởng và cảm xúc của con cũng như có những hành động thực tế giúp chúng đạt được ước mơ. Điều này được thực hiện thông qua các cuộc đối thoại thân thiện nhiều hơn những cuộc độc thoại giáo huấn. Nhưng đối với hầu hết các bậc phụ huynh, đây thật sự là một thách thức lớn.

“Tôi không biết dạy con.” - Marlene nói với tôi. - “Tôi nghĩ mình làm tốt vai trò làm mẹ cho tới khi Katie lên 16 tuổi. Tôi thật ngốc và thiếu thực tế khi cố gắng điều khiển cuộc đời con bé. Bây giờ, tôi cảm thấy mình hoàn toàn bất lực và không biết phải nói chuyện với nó thế nào nữa.”

Tôi quen Marlene đã vài năm nay và biết kiểu giao tiếp của chị thuộc dạng “nói không ngừng”. Marlene thường nói những điều chị nghĩ mà không bao giờ suy xét đến cảm xúc của người nghe như thế nào. Katie chấp nhận điều này khi còn nhỏ, nhưng khi bắt đầu có ý thức độc lập, cô bé không còn chấp nhận lời của mẹ mình như “chân lý” nữa.

Với Marlene, quá trình học hỏi cách giao tiếp mới sẽ rất khó khăn. Nhưng nếu không cố gắng học hỏi, chị sẽ đánh mất mối quan hệ thân thiện với con mình. Marlene cần học cách lắng nghe và thấu hiểu con.

Để có cuộc đối thoại chất lượng

Dưới đây, chúng tôi sẽ đưa ra 8 hướng dẫn để các bậc cha mẹ có được những cuộc đối thoại thực thụ với các con của mình. Hãy luyện tập theo, và tôi tin rằng những cuộc đối thoại giữa bạn với con sẽ có những bước tiến triển.

1. Nhìn vào mắt con khi trò chuyện. Đừng đảo hay nhắm mắt khi con đang giãi bày tâm sự. Việc này giúp bạn tập trung vào cuộc trò chuyện và gửi đi thông điệp rằng bạn đang dành hết sự chú ý cho con.

2. Tập trung tuyệt đối. Hãy dành cho người khác sự tập trung tuyệt đối của bạn nếu bạn muốn có được khoảng thời gian chia sẻ. Nếu trong lúc con bạn đang muốn nói chuyện nhưng bạn lại không sẵn sàng, hãy nói với trẻ: “Cha biết con có chuyện muốn nói với cha và cha cũng rất muốn biết về nó. Nhưng tạm thời cha chưa thể tập trung tuyệt đối vào con. Vậy nếu có thể, con hãy chờ cha 10 phút nữa. Sau khi giải quyết xong việc này, cha sẽ ngồi xuống lắng nghe con”. Đa số trẻ sẽ tôn trọng đề nghị này.

3. Lắng nghe cảm xúc. Hãy tự hỏi: “Con mình đang cảm thấy như thế nào?” và tìm cách xác nhận lại những đánh giá của mình. Điều này sẽ thể hiện được thái độ nghiêm túc của bạn khi lắng nghe con nói.

4. Theo dõi ngôn ngữ cơ thể của con. Hãy theo dõi những chuyển động cơ thể của trẻ để hiểu được cảm xúc thật của chúng. Đôi khi ngôn ngữ cơ thể bộc lộ nhiều hơn là lời nói. Hãy hỏi lại để biết chắc bạn hiểu được những gì con bạn đang cảm nhận.

5. Đừng xen ngang. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng thông thường, con người chỉ có thể lắng nghe khoảng 17 giây là lại xen ý kiến của mình vào cuộc đối thoại. Sự xen ngang này thường khiến cuộc đối thoại trở nên rời rạc và làm cho người đối diện cảm thấy khó chịu. Bạn nên nhớ, mục tiêu của cuộc đối thoại giữa bạn và con cái bạn không phải nhằm bảo vệ bản thân hay dạy dỗ chúng mà là để bạn hiểu được suy nghĩ, cảm nhận và khao khát của con.

6. Hỏi lại. Hãy hỏi lại để chắc chắn những gì bạn nghĩ về con là đúng bằng những câu hỏi như: “Mẹ vừa nghe con nói… đúng không?” hay “Có phải con nói là...?”. Hỏi lại để xóa bỏ những hiểu lầm mà bạn có thể đã mắc phải khi trò chuyện cùng con. Hãy nhớ bạn đang cố gắng trả lời cho câu hỏi: “Con mình đang nghĩ gì? Con mình cảm thấy thế nào? Con mình mong muốn điều gì ở mình?”. Khi chưa chắc chắn về câu trả lời, bạn không nên đưa ra ý kiến cá nhân của mình về những vấn đề này.

7. Thể hiện sự thấu hiểu. Bạn cần thể hiện cho con thấy khả năng lắng nghe và thấu hiểu của bạn. Khi thể hiện sự thấu hiểu, bạn đã gián tiếp khẳng định giá trị của con cái thông qua cách đối xử với chúng như người trưởng thành. Bất kỳ trẻ vị thành niên nào cũng mong đợi điều đó.

8. Đưa ra lời đề nghị thể hiện quan điểm. Khi bạn hỏi: “Con có muốn nghe quan điểm của mẹ về việc này không?”, và con bạn nói: “Có” thì hãy chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận của bạn về những điều con bạn vừa trình bày. Trong trường hợp trên, nếu con bạn nói: “Không hẳn” thì hãy kết thúc cuộc đối thoại, đừng bắt ép trẻ. Thông thường, một khi bạn đã bày tỏ sự thấu hiểu của mình về những suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của con thì chúng sẽ sẵn lòng đón nhận ý kiến của bạn, dù đồng ý với bạn hay không.

Hướng về một mối quan hệ tốt hơn

Một số bậc cha mẹ cảm thấy bị đánh giá thấp khi phải “dò ý” hay “xin phép” trước khi thể hiện quan điểm với con. “Tại sao tôi lại phải xin phép con mình để được nói chuyện với nó?”- Một người cha đã hỏi tôi như vậy. Nhưng vấn đề không phải là việc bạn cảm thấy như thế nào khi đưa ra lời đề nghị trên mà chính là việc bạn có muốn con mình lắng nghe hay không, có muốn tạo không khí thông cảm cho cuộc đối thoại hay không? Bạn có quyền tự do thuyết giáo mà không cần xin phép, nhưng con bạn cũng có quyền “không lắng nghe cha mẹ nói” nếu chúng muốn thế. Lời đề nghị của bạn sẽ mang đến cho trẻ cảm giác được đối xử như một người trưởng thành.

Dù thế nào thì bạn vẫn là người có tiếng nói quyết định trong việc có tài trợ cho chuyến đi biển của con hoặc thậm chí là có cho nó đi biển hay không. Đây không phải là chuyện quyền hạn của bạn mà là vấn đề về mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái. Bạn có thể quản thúc và áp đặt suy nghĩ của mình lên các con, nhưng chắc chắn việc làm đó sẽ càng khiến mối quan hệ giữa bạn và con trở nên tồi tệ hơn mà thôi.

Hiển nhiên là những cuộc đối thoại chất lượng như thế này sẽ tốn khá nhiều thời gian, có khi kéo dài gấp đôi cuộc trò chuyện bình thường. Thế nhưng, lợi ích mà bạn thu được từ đó thường rất to lớn. Con bạn sẽ biết cách cư xử hơn một khi chúng thấy mình được tôn trọng, thấu hiểu và yêu thương.

 Học cách trò chuyện

Nói là một phần quan trọng trong cuộc đối thoại giữa cha mẹ và con cái. Tuy nhiên, cách nói chuyện mới là phần quan trọng nhất. Nói có hiệu quả là chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và khao khát của bạn với con chứ không phải áp đặt quan niệm của mình lên bọn trẻ. Nhiều bậc cha mẹ đã tạo ra mối quan hệ thù nghịch với con khi họ bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách lên án quan điểm của con. Tốt nhất bạn nên chia sẻ một cách nhẹ nhàng quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc và khao khát của mình với trẻ và tìm sự đồng cảm của chúng.

 Dùng nhân xưng "cha/mẹ"

Cách đơn giản nhất để có được cuộc đối thoại tích cực với con là hãy dùng câu bắt đầu bằng cha/mẹ thay vì con: “Cha nghĩ...”; “Cha thấy rằng...”; ”Cha muốn là...”. Những câu này sẽ diễn tả cho con bạn biết cảm giác và suy nghĩ của bạn vào lúc ấy. Ngược lại, những câu nói như: “Con sai…”; “Con không hiểu…”; “Con vô lý…”, đều có tính chất đổ lỗi và kết án. Những câu này thường dẫn đến hai kết quả: xảy ra tranh cãi hoặc buồn chán rút lui, tùy theo tính cách của từng trẻ. Thông thường, mở đầu bằng “Con” sẽ chặn đứng đối thoại trong khi mở đầu bằng đại từ nhân xưng “Cha/mẹ” sẽ giúp cuộc trò chuyện đi xa hơn.

Hãy dạy dỗ thay vì giáo huấn

Một nguyên tắc quan trọng khác khi trò chuyện với con đó là phải dạy dỗ thay vì thuyết giảng. Sự khác biệt của một cuộc trò chuyện chủ yếu nằm ở cách nói. Cách nói của người thuyết giảng luôn thể hiện uy lực, có lúc nói to, có lúc nhỏ nhẹ, nhưng hầu như lúc nào cũng nồng nhiệt và quyết đoán. Trong khi đó, giáo viên thường dùng kiểu nói chuyện ôn hòa hơn, giảng dạy với một sự nhiệt tình thực tế. Nếu muốn giao tiếp với con một cách hiệu quả, các bậc phụ huynh cần tiếp cận với trẻ theo cách của một giáo viên hơn là một người thuyết giáo.

Việc cha mẹ cao giọng với con thường chỉ khiến chúng đi tìm lời khuyên ở nơi khác. Tôi không nói rằng cha mẹ không được tỏ ra quyết đoán mà chỉ muốn lưu ý là sự quyết đoán này nên được bộc lộ song hành với sự cởi mở đón nhận những ý kiến khác, đặc biệt là ý kiến của con em họ.

Hãy nhớ trẻ vị thành niên là những người bắt đầu có những suy nghĩ khác biệt và độc lập. Vì thế, nếu muốn trẻ xem trọng ý kiến của mình, các bậc phụ huynh cần học cách dạy dỗ thay vì chỉ giáo huấn con. Hãy lắng nghe kỹ càng và đưa ra những câu hỏi có khả năng khơi gợi suy nghĩ để dẫn dắt trẻ đến việc hỏi ý kiến của bạn.

Đưa ra lý do

Trẻ vị thành niên thường rất có hứng thú với những lý do bởi đây là giai đoạn phát triển khả năng tự giải thích mọi vấn đề của trẻ. Bậc phụ huynh nào từ chối đòi hỏi của trẻ mà không đưa ra lý do chỉ khiến cho đối thoại chấm dứt mà thôi.

Cha mẹ nào học được nghệ thuật trò chuyện và lắng nghe sẽ giao tiếp hiệu quả với trẻ vị thành niên, nhất về phương diện tình cảm. Đối thoại chân thành với con chính là một trong những cách hiệu quả nhất để truyền tải tình thương.

Hoạt động chất lượng

Tuổi vị thành niên thường thích tham gia những hoạt động gắn liền với cuộc sống thường ngày như thể thao, âm nhạc, nhảy múa, kịch nghệ, công tác từ thiện… và tỏ ra rất năng động trong các lĩnh vực này. Nếu muốn có thời gian chia sẻ với con, các bậc phụ huynh nên quan tâm đến những hoạt động đó.

Một trẻ vị thành niên 14 tuổi nói với tôi:

“Cha cháu luôn tham gia vào những buổi biểu diễn âm nhạc của cháu. Dù không phải người đam mê âm nhạc nhưng lúc nào ông cũng khuyến khích cháu. Cháu cảm thấy mình thật may mắn”. Trong khi đó, một người bạn của cô bé lại nói: “Cháu biết cha yêu cháu, nhưng ông không bao giờ tạm ngừng việc để đến xem cháu diễn. Ông dành thời gian để chơi golf với bạn bè nhưng không bao giờ dành thời gian cho cháu”. Dù cô bé thứ hai hiểu rõ rằng cha yêu mình nhưng cô không cảm nhận được cụ thể tình cảm đó. Trẻ vị thành niên quan niệm rằng khi bạn dành thời gian tham gia vào một hoạt động của chúng nghĩa là bạn đã dành một phần cuộc sống của mình cho chúng, và điều này là biểu hiện của một tình yêu thương sâu sắc. Ngược lại, trẻ sẽ cho rằng “Con không quan trọng bằng những thứ khác” khi cha mẹ không dành thời gian tham gia vào các hoạt động của chúng.

Thông thường, khả năng vượt qua những thử thách của trẻ sẽ cao hơn nếu có cha mẹ cùng tham gia với chúng. Trong một cuộc khảo sát, khi trả lời cho câu hỏi: “Anh/chị thất vọng về cha mẹ điều gì nhất khi đang tuổi vị thành niên?”, thì đa số câu trả lời đều thiên về việc: “Cha mẹ không tham dự vào cuộc sống của tôi”. Thực tế, trẻ vị thành niên luôn muốn cha mẹ tham gia vào cuộc sống của mình. Sự tham gia này không chỉ tạo ra những kỷ niệm đẹp mà còn thắt chặt mối quan hệ giữa đôi bên.

Tạo môi trường thích hợp

Cha mẹ còn có thể tạo ra môi trường cho thời gian chia sẻ bằng cách lên kế hoạch và tổ chức những sự kiện nằm ngoài thời khóa biểu hàng ngày. Tất nhiên, việc làm này đòi hỏi bạn phải đầu tư thời gian, tiền bạc và nỗ lực để thực hiện nó, nhưng chắc chắn bạn sẽ không thất vọng với kết quả mà mình thu được. Cắm trại, leo núi, chèo thuyền, những hoạt động thể thao, âm nhạc, tham quan một di tích lịch sử nào đó… đều tạo ra môi trường thuận lợi để bạn dành thời gian chia sẻ với con em mình.

 Chọn sự kiện con bạn thích

Chìa khóa để tạo ra môi trường thành công bắt nguồn từ sở thích của con bạn. Hãy tìm hiểu sở thích của con và sáng tạo ra môi trường thích hợp để kích thích con bạn chia sẻ thời gian với cha mẹ.

Tôi nhớ hồi Derek, cậu con trai 17 tuổi của tôi, tìm hiểu về Buddy Holly, ca sĩ kiêm nhà soạn nhạc nổi tiếng vào thập niên 50 đã chết trong một tai nạn máy bay. Lần đó tôi đã đến thư viện và đọc tất cả những tư liệu liên quan đến Buddy Holly mà tôi có thể tìm thấy. Tôi đọc lời bài hát của ông rồi trao đổi với Derek về chúng. Thằng bé tỏ ra rất bất ngờ trước những việc làm của tôi. Ít lâu sau, khi tôi tổ chức một buổi hội thảo về hôn nhân ở Fort Worth, Texas, tôi hỏi Derek có muốn đi cùng tôi không. “Sau buổi hội thảo, chúng ta sẽ đi tới Lubbock và xem quê của Buddy Holly”. Tôi sẽ không bao giờ quên được ánh mắt sáng rỡ của nó khi nói: “Cha, con thích lắm”.

Trên đường đi, cha con tôi không ngừng bàn về những thứ có thể được nhìn thấy ở Lubbock. Chúng tôi nói về những kỷ niệm ngày xưa của Derek cũng như tương lai của thằng bé. Dù thỉnh thoảng cũng nhìn ra hai bên đường hoặc dừng xe để bước ra ngoài tận hưởng không khí tĩnh lặng của miền tây Texas, nhưng chủ yếu là chúng tôi trò chuyện cùng nhau.

Khi đến Lubbock, chúng tôi ghé văn phòng trung tâm và nhận được 4 trang thông tin về Buddy Holly. Chúng tôi ghé thăm căn nhà nơi Buddy Holly được sinh ra; đến đài phát thanh nơi Buddy đã phát bản nhạc đầu tiên của ông; đến căn nhà Buddy Holly từng sống khi ông thu đĩa đầu tiên; đến câu lạc bộ mà Buddy biểu diễn đầu tiên. Chúng tôi cũng tới trường trung học nơi Buddy Holly đã theo học; đến nhà thờ nơi Buddy Holly tổ chức lễ cưới và lễ tang của ông. Ở mỗi nơi, tôi đều chụp hình cho Derek với hy vọng giữ cho thằng bé những kỷ niệm về chuyến đi này.

Cuối cùng, chúng tôi lái xe ra bìa làng thăm mộ của Buddy Holly. Trên đường về, chúng tôi vẫn tiếp tục bàn về Buddy Holly, và đưa ra những giả định về cuộc sống của ông. Có thể nói, đó chính là khoảng thời gian chia sẻ mà chúng tôi không bao giờ quên.

Tạo môi trường để có thời gian chia sẻ

Trong suốt những năm vị thành niên của Derek, tôi đã tổ chức nhiều chuyến đi dã ngoại để tìm hiểu sở thích của thằng bé. Và thậm chí cho tới bây giờ, Derek vẫn thường xuyên nhắc lại những chuyến đi thú vị của hai chúng tôi.

Bạn cũng có thể nghĩ ra nhiều cách sáng tạo để có thời gian chia sẻ với con cái của mình. Không cần phải là những chuyến đi xa tốn kém mới có được khoảng thời gian ý nghĩa với con. Đôi khi, bạn chỉ cần tổ chức một chuyến đi đơn giản và ít tốn kém như cùng con lái xe sang thị trấn bên cạnh để làm điều mà con bạn yêu thích là được rồi.

“Con tôi không chịu nói chuyện”

Một trong những điều khiến các bậc cha mẹ lo lắng nhiều nhất đó là việc khi bắt đầu lớn, con họ không thích nói chuyện với cha mẹ nữa. “Con tôi không chịu nói chuyện với tôi. Vậy thì làm sao tôi có thể tạo ra những cuộc đối thoại chất lượng chứ?”.

Đúng là trong giai đoạn vị thành niên, trẻ sẽ cần nhiều sự riêng tư hơn khi chúng còn bé. Việc có những suy nghĩ, xúc cảm khác với cha mẹ cũng chính là một phần của sự tự lập. Đôi lúc, thay vì nói chuyện với cha mẹ, trẻ muốn tự mình giải quyết những vấn đề xảy ra trong cuộc sống của mình. Những lúc đó, thật sai lầm nếu các bậc cha mẹ cứ ép buộc chúng nói. Những gì bạn cần làm khi ấy là hãy nói cho con biết rằng trong trường hợp con muốn nói chuyện, bạn sẽ luôn sẵn sàng.

Một nguyên nhân khác khiến trẻ không muốn nói chuyện với cha mẹ là vì chúng đã từng thất vọng hoặc bị khước từ trước đó. Vì thế, các bậc cha mẹ cần phải chú ý tới những lời nói và việc làm của mình. Nhiều khi cha mẹ lại nói những câu an ủi sáo rỗng như: “Giờ này tuần sau con sẽ chẳng còn nhớ gì nữa đâu” hoặc đưa ra lời khuyên quá sớm như: “Cứ buồn bã như vậy chả có ích gì đâu. Sao con không ra ngoài chạy bộ vài vòng?”. Đây thường là những câu đáp chấm dứt đối thoại và diễn tả thái độ “biết cả rồi” mà không thể hiện chút thấu hiểu và thông cảm nào của bạn đối với tâm trạng của con lúc bấy giờ.

Hãy chủ động gợi chuyện với con nếu bạn cảm thấy chúng có gì đó thay đổi. Những câu hỏi như: “Có vẻ như hôm nay con không được vui. Có muốn nói chuyện không?” hay “Tối nay con trông có vẻ tươi tắn. Hôm nay có gì vui à?”… thường được đa số trẻ sẽ chấp nhận. Hãy nhớ rằng con bạn có quyền giữ kín suy nghĩ và cảm xúc của chúng. Điều bạn nên làm là hãy cho con biết bạn luôn sẵn sàng lắng nghe nếu nó muốn nói chuyện.

Thời điểm trò chuyện lý tưởng nhất là vào buổi khuya và trong phòng riêng của trẻ, hoặc sau khi các thành viên khác đã đi ngủ. Một vài tiếng đồng hồ trước khi ngủ có thể làm nên một sự khác biệt nho nhỏ cho con trẻ trong việc cảm nhận được tình thương của cha mẹ hoặc cảm thấy cô đơn và bị chối bỏ.

“Con tôi không muốn dành thời gian ở với tôi”

Chấp nhận việc con cần bạn bè

Một trong những điều khiến các vị phụ huynh thường phàn nàn khi cố duy trì mối liên hệ khắng khít với con là việc “Con tôi không muốn dành thời gian ở với tôi”. Bạn nên hiểu rằng trong giai đoạn này, trẻ vị thành niên bắt đầu có nhiều tình cảm sâu sắc với những người bên ngoài gia đình. Các nhà xã hội học hay gọi những người này là nhóm bạn bè của trẻ vị thành niên. Tiến sĩ Eastwood Atwater định nghĩa nhóm bạn bè này là “nhóm những người xem nhau bình đẳng vì tuổi tác, giai cấp hay một trạng thái cụ thể nào đó”. Atwater còn cho biết nhóm bạn bè này giữ 4 vai trò chính trong cuộc sống của trẻ vị thành niên. Đó là:

1. Nhóm giúp trẻ lớn lên bằng cách hỗ trợ về tình cảm - xã hội.

2. Nhóm sẽ đưa ra những tiêu chuẩn mà trẻ có thể dựa vào đó để đánh giá hành vi và kinh nghiệm của mình.

3. Cung cấp cho trẻ những cơ hội phát triển các mối quan hệ cá nhân và kỹ năng xã hội.

4. Cung cấp những tình huống giúp trẻ tự khẳng định bản thân.

Những hoạt động mà trẻ tham gia cùng bạn bè sẽ tăng lên khi trẻ bắt đầu lớn. Điều này giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu có bạn bè cũng như luôn có được sự ủng hộ cần thiết về tinh thần, tình cảm.

Cha mẹ thường nghĩ là việc con cái thích ở bên bạn bè có nghĩa là nó không còn thích ở bên gia đình nữa. Họ cho rằng một đứa con 15 tuổi sẽ không có hứng thú đi săn với cha, đi mua sắm với mẹ hay đi cắm trại với gia đình. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy rằng đa số trẻ vị thành niên vẫn mong muốn có được nhiều thời gian ở bên gia đình hơn.

Tham khảo ý con khi lên kế hoạch

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên không muốn tham gia các hoạt động của gia đình là do cha mẹ thường lên kế hoạch chung cho cả nhà mà không tham khảo ý kiến của trẻ. Kết quả là trẻ đã lên kế hoạch với bạn bè và không muốn đi cùng gia đình.

Brandon, 13 tuổi, nói: “Cha mẹ nói họ buồn vì cháu không muốn đi cùng gia đình. Nhưng vấn đề là khi lên kế hoạch đi chơi cho cả nhà, cha mẹ đã không thèm hỏi đến lịch của cháu mà cứ lên kế hoạch rồi chỉ thông báo cho cháu một ngày trước khi khởi hành. Trong khi đó, cháu đã lên kế hoạch với bạn bè của cháu cả rồi, và cháu không muốn phá vỡ kế hoạch đó để đi với họ”.

Chú ý đến sở thích của con bạn

Một trong những lý do khiến trẻ vị thành niên không tham gia vào các hoạt động của cha mẹ là vì cha mẹ đã không để ý đến sở thích của chúng.

Nếu chịu khó để ý, bạn sẽ biết được sở thích của con em mình và có thể giúp trẻ hòa nhập hơn với các sinh hoạt chung của cả nhà. Nếu bạn ép con tham gia vào những hoạt động mà chúng không thích thì bạn sẽ không thể tạo ra khoảng thời gian thú vị để chia sẻ cùng nhau. Tốt hơn là bạn nên tìm hiểu xem con mình thích gì rồi cùng nhau lên kế hoạch để tạo ra một chuyến đi lý thú cho cả hai.

Trẻ vị thành niên nói gì?

Marissa, 14 tuổi: “Cháu rất thích mỗi khi cha dắt cháu đi câu cá cùng ông. Tuy chẳng ưa cái mùi tanh đó chút nào nhưng cháu lại rất thích được ở cạnh cha. Hai cha con cháu nói với nhau rất nhiều chuyện và đó là lúc cháu vui nhất khi ở cùng cha”.

Kyle, 16 tuổi, rất tự hào khi đã có bằng lái xe: “Giờ thì cháu tự lái xe được rồi, cháu có thể đến những nơi cháu muốn mà không cần cha mẹ đưa đi. Nhưng cháu vẫn thích đi cùng họ. Cháu rất thích cùng cha làm một việc gì đó. Vài đứa bạn của cháu không có cha. Và cháu cảm thấy mình thật may mắn”.

Monica, 14 tuổi, sống với mẹ: “Cháu và mẹ có thể nói với nhau bất cứ chuyện gì. Hai mẹ con cháu không bao giờ có bí mật riêng. Cháu cảm thấy rất thân thiết với mẹ. Mẹ đã giúp cháu giải quyết rất nhiều vấn đề. Cháu biết lúc nào mẹ cũng sẵn sàng lắng nghe để chia sẻ với cháu mọi rắc rối và sẽ tìm cách giúp cháu”.

Jennifer, 18 tuổi, đang chuẩn bị vào đại học: “Cháu nghĩ điều cháu nhớ nhất khi đi học có lẽ là những lần nói chuyện với cha mẹ. Nhiều khi cả gia đình cháu trò chuyện với nhau rất khuya nhưng cha mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe cháu. Chắc chắn là khi cháu vào đại học rồi thì mọi chuyện sẽ không còn như thế nữa, dù cháu vẫn có thể nói chuyện với họ qua điện thoại”.

Nếu ngôn ngữ yêu thương của con bạn là thời gian chia sẻ...

• Đến trường đón con sớm vài phút, thức khuya trò chuyện với con về những vướng mắc trong cuộc sống của chúng.

• Hãy cùng nhau ca hát hoặc chơi nhạc thay vì xem truyền hình. Và nếu có thể, hãy biến nó thành truyền thống của gia đình.

• Nếu bạn có lịch làm việc, hãy viết thời gian bạn dành cho con và xem chúng là những hoạt động ưu tiên.

• Nếu có thể, hãy đưa con bạn đến chỗ bạn làm việc một ngày. Giới thiệu con với đồng nghiệp, cho con tham gia hội họp và kể cho chúng nghe hằng ngày bạn làm việc thế nào.

• Tạo ra những “truyền thống” với con, chẳng hạn như cùng ăn kem tại một cửa hiệu hay cùng đi dạo trong một công viên nào đó.

• Chọn một hai trò chơi nào đó có thể chơi chung với con.

• Thỉnh thoảng hãy cùng nhau đi dạo hoặc đi xe đạp.

• Cả nhà cùng ăn tối chung. Hãy biến khoảng thời gian này thành dịp đặc biệt để nói về những chuyện trong ngày.

• Tiếp tục vỗ về đứa con tuổi vị thành niên của bạn vào mỗi tối. Bạn không cần phải kể chuyện cho con nghe nữa nhưng vẫn cần duy trì thói quen trò chuyện cùng con trước khi trẻ ngủ.

• Cùng làm bài tập về nhà với con. Việc làm này vừa giúp con học khá hơn, vừa tạo ra nhiều thời gian chia sẻ giữa bạn và con.

• Cùng trồng một loại cây nào đó với con. Với những trẻ thích ở ngoài trời thì thời gian ở cùng nhau ngoài vườn hoa, cùng trồng rau hay làm đất có thể trở thành những kỷ niệm tuyệt đẹp.