7 Loại Hình Thông Minh

Chương 10. Củng Cố Mối Liên Kết Lỏng Lẻo

Trí thông minh đa dạng và những trở ngại trong học tập

Chữ viết của ông quả là tệ, như một nhà quan sát ghi lại: "Chữ thì rất xấu và lên xuống... lại còn sai chính tả..." Ông toàn viết ngược, mắc những lỗi tính toán căn bản. Ông cũng thường gặp khó khăn khi đọc một số bài văn đơn giản. Vào những giây phút cuối đời, ông còn bày tỏ sự hối tiếc là đã không khai thác hết khả năng của mình. Tuy nhiên, ông lại là con người thiên tài nhất của mọi thời đại: đó chính là Leonardo da Vinci, họa sỹ, nhà điêu khắc, nhạc sỹ, nhà thơ, kiến trúc sư, kỹ sư, nhà địa chất, nhà giải phẫu, nhà thực vật học, nhà tâm lý, nhà thiên văn học và một triết gia.

Thật khó có thể tưởng tượng rằng Leonardo từng là một người phải vật lộn với những kỹ năng học tập cơ bản và thậm chí có thể đã kết thúc sự nghiệp trong một lớp học dành cho người thiểu năng của xã hội ngày nay. Tuy nhiên, ở một số phương diện, tình cảnh của ông không hề khác với nhiều người. Chúng ta đều biết một số người có điểm gì đó giống Leonardo: một người có khả năng logic toán học và không gian xuất sắc luôn gặp khó khăn với việc đọc, viết và nói. Những cá nhân có khả năng ngôn ngữ vượt trội lại không thể thực hiện phép tính cộng trừ hoặc chỉ có khả năng như một em bé năm tuổi. Có thể bạn sẽ thấy một số người luôn gặp những vấn đề nhất định liên quan đến bảy loại hình thông minh: họ không thể đóng kịch, hát, nhảy, kể chuyện, bày tỏ cảm xúc hay lập luận rõ ràng hoặc làm nhiều việc khác mà chúng ta cho là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những điểm yếu mà không hề hay biết. Chương này sẽ chỉ dẫn bạn khám phá ra những mối liên kết yêu ớt trong bảy loại hình thông minh và giúp bạn đặt ra chiến lược thích hợp nhằm củng cố chúng hoặc ít nhất là hòa hợp với chúng theo một cách mới.

Não tổn thương dẫn đến năng lực cũng bị tổn thương

Những vấn đề về nhận thức có thể thấy rõ nhất ở người từng bị tổn thương trí não do ốm đau hoặc tai nạn. Trở về giữa thế kỷ XIX, nhà phẫu thuật và nhân chủng học người Pháp Pierre-Paul Broca đã chứng minh có một mối liên hệ mật thiết giữa tổn thương não và sự suy giảm nhất định về nhận thức. Khi làm việc với những người đã bị tổn thương ở phần đầu, Broca nhận thấy rằng tổn thương một vùng nhất định của bán cầu não trái có xu hướng làm người bệnh suy yếu khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ. Một công trình nghiên cứu vào cuối những năm 1800 đã chứng minh sự tổn thương ở các vùng khác của não có thể gây trở ngại cho khả năng đọc, tính toán và một số khả năng khác.

Điểm đáng chú ý trong nghiên cứu này là tổn thương ở một vùng não cụ thể chỉ xóa sạch loại chức năng nhận thức tại vùng đó, còn những vùng não khác với các khả năng khác thì không hề bị ảnh hưởng. Một ví dụ điển hình là nhà soạn nhạc người Pháp Maurice Ravel bị đột quỵ vào những năm cuối đời khiến ông gần như không thể nói hoặc viết. Tuy nhiên, vì sự tổn thương chỉ ảnh hưởng tới chức năng ngôn ngữ của bán cầu não trái nên vùng thuộc về âm nhạc của bán cầu não phải nhìn chung vẫn khỏe mạnh. Do đó ông vẫn còn khả năng nhận biết tinh tế về độ cao thấp của các nốt nhạc và có thể nhận rõ giai điệu, chi ra những lỗi nhỏ nhất trong một buổi biểu diễn âm nhạc, đưa ra cảm nhận và ý kiến xuất sắc trong cách đánh giá một phong cách âm nhạc.

Một trường hợp khác được nhiều người biết tới là Phineas Gage, một quản đốc xây dựng ở Vermont, người đã bị một cây gậy (dài khoảng 90cm) găm vào đầu. Thật phi thường là ông vẫn sống và nói chung vẫn có thể thực hiện các chức năng thông thường, tuy nhiên ông đã thay đổi từ một người ăn nói nhẹ nhàng và đáng tin cậy thành một kẻ đáng ghét, nói năng thô lỗ, lang thang từ nghề này sang nghề khác cho tới lúc mất. Rõ ràng là tai nạn đã gây tổn thương một phần trí não liên quan tới khả năng nhận thức bản thân của ông trong khi hầu hết những khả năng khác lại không bị ảnh hưởng.

Trong cuốn sách có tựa đề là The Shattered Mind (Phần trí óc bị phá hủy), Howard Gardner đã cung cấp thêm nhiều ví dụ minh họa cho loại tổn thương này: các họa sỹ sau đột quỵ không thể nói được nhưng vẫn có thể vẽ rất tốt, nhà văn không thể viết được nhưng có thể hát, người quản lý điện báo có thể nhận ra mã Moócxơ qua ánh sáng lóe lên nhưng không thể hiểu những tín hiệu bằng tay, và nhiều ví dụ khác. Như đã viết trong Chương 1, chính nhờ một phần từ những cuộc nghiên cứu tổn thương não mà Gardner có được nhận định về sự tồn tại của các loại hình thông minh riêng biệt và thực tế là một loại thông minh có thế bị tổn hại trong khi những loại khác không hề bị ảnh hưởng.

Không có năng lực nhận thức là tiềm năng còn ẩn giấu?

Tổn thương ở một vùng não nhất định giải thích cho những vấn đề về tiếp thu của một vài cá nhân. Nhìn rộng ra, những người gặp khó khăn trong tiếp thu còn bao gồm cả những người được coi là mất năng lực nhận thức. Nhóm người này không hề bị các tổn thương về não nhưng lại gặp khó khăn trong tiếp thu một hoặc nhiều lĩnh vực có tính chất học thuật. Thuật ngữ này được phát triển đầu tiên vào đầu những năm 1960 để miêu tả một nhóm trẻ em không thể đọc, viết, làm toán hoặc thực hiện các hoạt động học tập khác, trí thông minh dường như chỉ ở mức trung bình hoặc trên trung bình. Kể từ đó đến nay, hơn hai triệu trẻ em Mỹ đã được phát hiện là không có khả năng tiếp thu, và đáng lưu ý là thực trạng đó đang ngày càng tăng lên và theo ước đoán, có khoảng năm đến mười triệu người lớn tại Mỹ có thể cũng gặp khó khăn tương tự.

Triệu chứng "LD" (Learning Disabilities - không có khả năng học tập) bao gồm mọi khía cạnh từ khó khăn trong việc đọc và viết tới sự vụng về, quan hệ xã hội kém và thậm chí cả sự chán nản. Lý thuyết về nguyên nhân gây ra sự mất khả năng nhận biết rất rộng, bao gồm yếu tố di truyền, những chấn thương trước hoặc trong khi sinh và những khó khăn về phát triển não trong suốt thời kỳ thơ ấu. Bản thân thuật ngữ này vẫn tiếp tục gây tranh cãi và còn nhiều ý kiến bất đồng về các đặc điểm, triệu chứng của hiện tượng này.

Thực chất, khó khăn chính trong việc định nghĩa sự hạn chế về khả năng nhận thức là không có một tập hợp triệu chứng nào để xác định xem ai là người không đủ năng lực tiếp thu. Nói một cách chính xác thì đây là hiện tượng bị mất những khả năng nhận thức nhất định. Giống như những người bị tổn thương não rất xuất sắc ở một số lĩnh vực cụ thể nhưng lại rất tệ ở các lĩnh vực khác, những người không có khả năng nhận thức nhất định cũng vậy, những vấn đề về tiếp thu của họ chỉ bị hạn chế ở một vài lĩnh vực nhất định. Một người có thể đọc nhưng không thể viết. Người khác có thể viết rất tốt nhưng lại gặp khó khăn trong khi làm toán. Hoặc họ có thể giỏi giang trong hầu hết các môn học nhưng lại khổ sở trong việc nhận ra khuôn mặt của người quen hoặc học nhảy.

Thuyết Trí thông minh đa dạng đã cung cấp một hình mẫu để làm sáng tỏ tất cả các dạng mất năng lực nhận thức khác nhau của con người. Nó cho thấy việc mất năng lực nhận thức nhất định luôn tồn tại trong mỗi dạng của bảy loại hình thông minh. Do nền văn hóa của chúng ta đã bị định hướng nặng nề theo loại hình thông minh ngôn ngữ và logic toán học nên hầu hết những hạn chế về tiếp thu có chiều hướng tập trung vào các kỹ năng logic và từ ngữ: dyslexia (khó khăn trong việc đọc), dysgraphia (khó khăn trong việc viết), dyscalculia (khó khăn trong tính toán số học) và những vấn đề khác. Tuy nhiên, vẫn còn sự mất năng lực tiếp thu về âm nhạc, khả năng vận động thân thể, khả năng không gian và thậm chí là không có khả năng trong nhận thức bản thân.

Nhà thần kinh học thuộc trường Đại học Harvard - Norman Geschwind từng nói: "... trên thực tế tất cả chúng ta đều có một số hạn chế nhất định trong tiếp thu". Chúng có thể không nằm trong những lĩnh vực liên quan tới các môn học tại trường và vì vậy có lẽ bạn đã không nhận thấy trong nhiều năm. Bản thân Geschwind cũng không nhạy cảm với âm nhạc và không thể nhớ nổi một giai điệu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ hội khi luôn có sẵn các bài kiểm tra có thể phát hiện ra điều gì đó không ổn trong khả năng tiếp thu của bất kỳ người nào trong xã hội.

Thực tế, cho dù bạn đã được xác định là người mất năng lực nhận thức hay chưa, thì điều quan trọng hơn cả là bạn có bao nhiêu hạn chế trong tiếp thu và mức độ nghiêm trọng của chúng (theo nhận định của một nhà tâm lý hay chuyên gia). Tôi không thích sử dụng cụm từ mất khả năng tiếp thu bởi vì mọi người có xu hướng bị ấn tượng quá mạnh với thuật ngữ này. Thay vào đó, tôi coi những mối liên kết lỏng lẻo này là trở ngại trên con đường nhận thức hoặc thậm chí là cơ hội tiếp thu bởi vì chúng có thể thách thức một người vươn tới nhiều đỉnh cao mới. Bản liệt kê sau sẽ giúp bạn tập trung vào những lĩnh vực vẫn còn mơ hồ với bạn trong quá khứ. Bạn có thể viết thêm những trở ngại mà bạn đã nhận biết.

Bản liệt kê những trở ngại trong tiếp thu

LOGIC TOÁN HỌC:

_Tôi thấy khó khăn trong việc cân bằng chi tiêu.

_Tôi thường bối rối khi người nào đó giải thích một khái niệm khoa học với tôi.

_Tôi thường xuyên mắc lỗi khi tính toán các con số đơn giản.

_Tôi thấy khó khăn với những môn học cần nắm vững các kỹ năng toán học như đại số hoặc lượng giác.

_Tôi luôn tránh đọc những trang báo về kinh doanh bởi vì các tin kinh tế hoặc tài chính làm tôi thấy rối tinh.

_Tôi vẫn còn đếm ngón tay hoặc sử dụng một vài phương pháp cụ thể khác khi tính toán các con số

_Tôi luôn cảm thấy khó khăn khi phải làm việc với những vấn đề phức tạp đòi hỏi tư duy logic.

KHÔNG GIAN:

_Thật khó để bao quát toàn bộ những hình ảnh trong trí tưởng tượng của tôi.

_Đôi khi tôi không nhận ra những khuôn mặt vốn quen thuộc với tôi.

_Tôi thấy khó khăn khi phải tìm đường quanh một thị trấn hoặc tòa nhà không quen thuộc.

_Đôi khi tôi gặp rắc rối trong cách phân biệt bên phải và bên trái.

_Khả năng mô tả mọi người của tôi còn hạn chế

_Tôi từng gặp khó khăn trong các giờ hình học ở trường.

_Tôi bị mù màu hoặc có những trở ngại khác trong việc phân biệt các gam màu.

_Tôi gặp khó khăn khi sao chép những hình đơn giản và phác họa trên một tờ giấy.

NGÔN NGỮ:

_Tôi thường xuyên gặp vấn đề trong việc đọc hiểu.

_Tôi thấy khó khăn khi viết ra những ý nghĩ.

_Tôi thường xuyên phát âm không chuẩn những từ mới.

_Tôi luôn gặp khó khăn trong việc tìm được đúng từ để miêu tả một đối tượng, tình huống hoặc khái niệm.

_Khả năng đọc của tôi vẫn còn ở mức độ sơ cấp bởi vì tôi thấy đọc chữ in rất khó.

_Tôi gặp vấn đề khi phân biệt sự khác nhau giữa các phụ âm ("b" và "p", "th" và "sh"...).

_Tôi thường bị người khác sửa lỗi (hoặc sợ bị sửa lỗi) những cụm từ không đúng ngữ pháp trong lúc nói và viết.

ÂM NHẠC:

_Tôi gặp khó khăn khi nhớ giai điệu.

_Tôi gặp khó khăn để theo kịp phần nhịp điệu của một bản nhạc.

_Tôi thấy khó nhận ra các đoạn nhạc dường như đã rất quen thuộc với gia đình và bạn bè tôi.

_Tôi không thích nghe nhạc.

_Tôi chỉ nhớ được vài bài hát (hoặc không bài nào cả).

_Tôi thấy khó nhớ tên các nhạc cụ (ví dụ: phân biệt cello với violin).

_Tôi thấy khó khăn khi khớp giọng với một nốt trên đàn piano.

VẬN ĐỘNG THÂN THỂ:

_Tôi thấy rất lúng túng khi phải thực hiện một việc đòi hỏi các cơ phối hợp vận động thật khéo léo (như may vá, ngành thủ công).

_Tôi không hứng thú với thể thao.

_Tôi học nhảy rất khó khăn.

_Tôi không muốn đụng chạm vào những thứ xung quanh mình.

_Tôi thấy khó khăn trong việc biểu đạt bằng ngôn ngữ cơ thế (như cử chỉ, hành động, điệu bộ, v.v...).

_Phần lớn thời gian tôi gần như không có ý thức về cơ thể mình.

_Tôi vụng về khi tham gia vào những hoạt động thể chất đơn giản như đi bộ, dọn giường hoặc soạn bàn ăn.

TƯƠNG TÁC CÁ NHÂN:

_Tôi luôn rụt rè khi gặp gỡ những người mới.

_Tôi thường xuyên hiểu lầm hoặc tranh cãi với người khác.

_Tôi luôn cảm thấy không thân thiện và hay cảnh giác với người khác.

_Tôi không dễ đồng cảm với mọi người.

_Trong những thời điểm khó khăn, tôi gần như không nhận được bất kỳ sự động viên nào.

_Nhìn chung tôi không ý thức được những hoạt động liên kết giữa các cá nhân đang diễn ra quanh mình.

_Tôi không thể hiểu tâm trạng, ý định, động cơ và tính cách của người khác

NỘI TÂM:

_Tôi luôn cảm thấy bản thân mình ít giá trị.

_Tôi có rất ít ý niệm về nơi tôi định đến trong cuộc đời mình.

_Tôi thường không nhận thấy cảm xúc của mình đang biến chuyển từ giây phút này sang giây phút khác.

_Tôi luôn sợ những người thân thiết bỏ rơi hoặc lãng quên tôi.

_Tôi không thích ở một mình.

_Đôi khi tôi cảm thấy những điều không có thực như thể tôi không thật sự tồn tại.

_Tôi dễ bị tác động bởi những sự việc đơn giản trong cuộc sống.

Khắc phục nhận thức

Nguyên tắc quan trọng nhất và duy nhất cần ghi nhớ để khắc phục các vấn đề về nhận thức là: không để những trở ngại về tiếp thu ngăn cản con đường dẫn đến thành công của bạn. Tôi đã nói rằng tôi không thích thuật ngữ mất khả năng nhận thức bởi vì có nguy cơ ai đó có thể hiểu sai về nó và bắt đầu coi bản thân như một người khuyết tật. Các nhà tâm lý đã nói rằng một "hình dung về bản thân" tiêu cực có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến ý niệm về giá trị bản thân của một người. Trước hết, hãy coi bản thân bạn như một cá nhân bình thường và khỏe mạnh. Sau đó, hãy coi những khó khăn trong nhận thức đơn giản như một thách thức khiến bạn trở thành một con người giàu có hơn và đặc biệt hơn. Trên tất cả, đừng để những vấn đề này ngăn cản bạn sống cuộc sống của mình.

Nhiều người thành đạt có vấn đề trong tiếp thu đã nhận ra rằng họ có thể khắc phục các trở ngại và tìm ra những cách tối ưu để hoàn thành công việc. Nhà phát minh và nhà tư bản công nghiệp lừng danh Henry Ford gặp khó khăn trong việc đọc và nhớ những sự việc cơ bản. Ông đã từng kiện một tờ báo về tội bôi nhọ thanh danh bởi vì họ gọi ông là "một người theo chủ nghĩa hòa bình ngu dốt". Trong suốt phiên xét xử, luật sư của tờ báo đã đặt Ford ở vị trí nhân chứng và hỏi nhiều câu liên quan đến lịch sử và những sự việc hiện thời để làm ông mất thể diện. Không may, Ford thể hiện khá tệ với những câu hỏi này. Trong một câu hỏi, ông đã nói cuộc chiến tranh cách mạng xảy ra vào năm 1812. Cuối cùng, khi sự bực tức càng lúc càng tăng, Ford đã đáp lại các vị luật sư:

Nếu tôi thật sự muốn trả lời câu hỏi ngốc nghếch mà các ông vừa đưa ra hoặc bất kỳ câu hỏi nào mà các ông đã hỏi tôi, hãy để tôi nhắc nhở các ông rằng tôi có một hàng nút bấm điện tử trên bàn làm việc và bằng cách ấn nút phải, tôi có thể triệu tập những người phụ tá của mình tới trả lời bất cứ câu hỏi nào về lĩnh vực kinh doanh mà tôi đang cống hiến tất cả nỗ lực của bản thân. Còn bây giờ, xin các ông vui lòng cho biết tại sao tôi cần phải làm rối tung đầu óc của mình lên với mớ kiến thức chung chung chỉ với mục đích là đủ khả năng trả lời các câu hỏi, khi mà tôi luôn có xung quanh mình những người có thể cung cấp bất cứ kiến thức nào mà tôi yêu cầu?

Có lẽ có tới hàng trăm, nếu không nói là hàng nghìn nhà tư bản trên đất nước này giống như Ford hoặc giống như John Corcoran - một nhà kinh doanh bất động sản không biết đọc nhưng lại xây dựng thành công một cơ sở kinh doanh hàng triệu đô la và luôn có quanh mình nhiều luật sư, thư ký và các chuyên gia có thể làm tất cả các công việc viết lách cho ông. Và có lẽ cũng còn nhiều người giỏi giang vẫn không thể làm toán, giống như Hugh Newll Jacobsen, người đã giành chín mươi giải khác nhau về thiết kế nói: "Tôi rất kém môn toán. Tôi trượt môn toán hết lần này tới lần khác. Tôi không bao giờ qua được môn đại số hoặc hình học. Tới giờ tôi vẫn không thể. Là một kiến trúc sư, tôi thuê các kỹ sư hoặc ai đó tính toán thay cho tôi trong nhiều năm trời".

Bằng cách quên đi những điểm bất lợi, những người thành đạt phát huy khả năng sáng tạo trong mọi việc và điều này giúp họ đạt hiệu quả cao hơn trong lĩnh vực của mình. Hans Christian Andersen luôn trau dồi khả năng kể chuyện tuyệt vời của mình bởi vì ông không biết đọc biết viết. Nelson Rockefeller trở thành một nhà hùng biện ứng khẩu hoàn hảo bởi vì ông gặp khó khăn khi đọc văn bản đánh máy các bài diễn văn của mình. Trong môi trường hợp trên, điểm bất lợi đã được chuyển thành ưu thế khi mà một người, thay vì đắm chìm vào điểm yếu, đã tập trung sức lực của mình vào điều mà anh ta có thể làm.

Các công nghệ hỗ trợ

Bác sỹ Florence Haseltine, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dân số của Viện Quốc gia về sức khỏe trẻ em và phát triển con người, cho biết: "Phương châm của tôi là tìm ra điều bạn không thể thực hiện được và từ bỏ nó. Hãy tìm con đường khác". Haseltine gặp khó khăn khi viết và thường xuyên sử dụng điện thoại thay vì viết ghi chú để giao tiếp trong công việc.

Công nghệ hiện đại giờ đây đã hỗ trợ nhiều cho việc mất khả năng tiếp thu bằng cách cung cấp cho người học cơ hội lựa chọn cách nắm bắt thông tin và thể hiện bản thân. Người phát âm kém có cơ hội sử dụng các máy kiểm tra phát âm. Ai viết chữ khó đọc có thể sử dụng một trình xử lý văn bản để tạo ra một văn bản rõ ràng. Những người gặp khó khăn trong tính toán có thể sử dụng một máy tính bỏ túi khi cần. Cũng như vậy, những người có trí nhớ kém có thể ghi âm các bài giảng, các buổi thảo luận và các cuộc trao đổi. Những người có khả năng tưởng tượng không tốt có thể sử dụng chương trình phần mềm thiết kế hỗ trợ trên máy vi tính cho phép họ tạo ra những vật thể ba chiều trên màn ảnh. Những người ngại đọc sách có băng ghi âm, băng video và đủ loại chương trình trên máy vi tính để phục vụ cho việc nắm bắt thông tin về nhiều chủ đề khác nhau. Ngoài ra, còn có một loại máy - máy đọc cá nhân Xerox/Kurzweil - có thể chuyển tài liệu in sẵn thành lời nói. Chẳng bao lâu nữa, các phiên bản máy tính xách tay có khả năng đọc được sách in ở trên giá sách dành cho những người gặp khó khăn trong việc đọc cũng sẽ xuất hiện rộng rãi.

Có một cách khác, những người gặp khó khăn trong tiếp thu có thể tiếp cận được với các kỹ năng và thông tin bằng việc lựa chọn sử dụng các hệ thống ký hiệu phù hợp với thế mạnh lớn nhất của họ. Ví dụ như một người có vấn đề trong việc đọc tiếng Anh với bộ ký tự Latinh thường thành công hơn khi sử dụng hệ thống ký hiệu tượng hình. Các giáo viên ở Philadelphia nhận thấy dạy tiếng Trung Quốc cho nhóm trẻ em được coi là chậm tiếp thu sẽ dễ dàng hơn việc dạy chúng đọc tiếng Anh. Điều này là do tiếng Trung Quốc được xây dựng dựa trên hệ thống ký hiệu tượng hình, và do đó gần gũi hơn với trí thông minh không gian rất tốt ở trẻ nhỏ.

Tương tự như vậy, khi tác động tới những người bị tổn thương não, việc đặt một chuỗi từ theo giai điệu dường như là một cách hữu hiệu để giúp người bệnh nhớ lại nhiều sự kiện đã bị mất hoàn toàn. Hệ thống chữ Braille và ngôn ngữ ký hiệu cũng là một phương pháp vận động thân thể hiệu quả trong việc dạy đọc cho những người bị suy yếu nghiêm trọng khả năng đọc nhưng thính giác và thị giác vẫn bình thường. Cuối cùng, những sinh viên gặp vấn đề với môn toán thường nhận thấy Chisanbop (một phương pháp tính nhanh bằng ngón tay) là một cách thức dùng cử chỉ cơ thể hiệu quả để tiếp cận khả năng logic toán học.

Bảy cách để có thể tiếp thu bất cứ điều gì

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc học một khái niệm, kỹ năng hoặc công việc mới, hãy cố gắng kết nối điều bạn đang học với càng nhiều loại hình thông minh càng tốt. Hãy lấy kiến thức được học ra và thực hiện một số gợi ý sau:

Nói, đọc và viết về nó (cách tiếp cận bằng ngôn ngữ)

Vẽ, phác họa hoặc tưởng tượng (cách tiếp cận bằng không gian).

Dùng cử chỉ dáng điệu để biểu hiện nó, xây dựng một mô hình về nó hoặc tìm hoạt động liên quan đến nó (cách tiếp cận bằng vận động thân thể).

Hát, nhẩm, tìm loại nhạc minh họa cho nó hoặc đưa nó vào nhạc nền trong khi học (cách tiếp cận bằng âm nhạc).

Liên hệ với một cảm giác hoặc một trải nghiệm tinh thần (cách tiếp cận nhận thức bản thân).

Hình thành khái niệm, xác định số lượng hoặc nghĩ thật nghiêm túc về nó (cách tiếp cận bằng logic toán học).

Thực hiện cùng với bạn bè hoặc nhóm người khác (cách tiếp cận tương tác cá nhân).

Nếu bạn luôn viết sai chính tả một từ nhất định, hãy thử một hoặc một số kỹ thuật sau: đánh vần to từ ấy lên, hình dung nó trong trí tưởng tượng của bạn, tách các chữ cái ra, hát các chữ cái của từ lên thành nhịp theo một đoạn nhạc, đánh vần cùng với cảm xúc, nghĩ về các nguyên tác chính tả của từ đó và nhờ một người bạn kiểm tra cách phát âm từ đó của bạn. Thông thường, bạn có thể không tìm ra bảy cách khác nhau để học một điều mới nhưng càng làm việc với nhiều loại hình thông minh thì bạn càng khắc phục được phần trí não bị suy yếu về nhận thức của mình.

Tôi thường nghe mọi người nói về một cô gái đã "bù đắp" cho việc mất khả năng của mình bằng cách sử dụng một trong những phương pháp hoặc cách tiếp cận nói trên. Tôi nghĩ lời nhận xét này không công bằng bởi vì nó hàm chứa một thông điệp sâu xa rằng: "Nếu bạn khỏe mạnh, bạn sẽ làm nó theo cách bình thường". Đây chính là cách bình thường với con người đó. Trong thực tế, một người phải rất khéo léo và thông minh mới có thể vượt qua khó khăn về nhận thức. Một người vốn tự tin và nhận biết được những điểm mạnh và hạn chế của bản thân cũng có thể phát triển khả năng theo cách như vậy. Tôi sẽ đánh giá cao một cá nhân biết "biến đổi hoạt động theo cách tiếp thu riêng của mình" hơn là "chỉ biết bù đắp cho vấn đề của cô ta".

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là một người nên tìm cách che giấu vấn đề của mình bằng những lời nói đẹp đẽ hoặc tránh đối mặt trực tiếp với khó khăn về tiếp thu. Thông thường, cách tiếp cận tốt nhất là hãy thừa nhận rằng bạn đang gặp khó khăn và khắc phục nó ngay lập tức. Nhà hùng biện Hy Lạp - Demosthenes gặp trở ngại nghiêm trọng về khả năng nói và rất rụt rè. Bố ông mất và để lại một gia sản rất lớn. Tuy nhiên, để xác nhận tài sản, ông cần thiết lập và củng cố quyền sở hữu của mình trước những cuộc tranh cãi. Ông không thể thực hiện điều này bởi khả năng tương tác cá nhân và ngôn ngữ của ông không tốt. Ông quyết định tập trung vào vấn đề của mình, sử dụng phương pháp đặt những viên sỏi trong miệng và tập nói trước biển. Điều còn lại, như người ta nói, chính là lịch sử.

Những mặt nạ che giấu khó khăn trong tiếp thu

Nếu như trở ngại về tiếp thu khiến bạn bẽ bàng, xấu hổ, thất bại hoặc lo lắng thì gần như chắc chắn rằng khi lớn lên bạn sẽ che giấu nó và phát triển chiến thuật phòng thủ nhằm đối phó với nó. Sally Smith, Giám đốc của trường Thí nghiệm Washington D.C, tác giả cuốn Succeeding Against the Odds Strategies and Insights from the Learning Disabled (Thành công tương phản với lợi thế: chiến lược và cái nhìn sâu sắc từ những người bị mất năng lực tiếp thu) nói rằng, những người gặp vấn đề trong tiếp thu thường đeo nhiều "mặt nạ" khác nhau để bảo vệ lòng tự trọng của bản thân. Có mặt nạ "chú hề" luôn sử dụng khả năng hài hước để làm chệch sự chú ý của mọi người ra khỏi vấn đề về tiếp thu, mặt nạ "nạn nhân" luôn từ chối nhận những trách nhiệm khó khăn, mặt nạ "vô hình" khiến cho cá nhân chỉ biết lẩn trốn trong những công việc đơn giản để không bị mọi người nhìn thấy hay giúp đỡ và nhiều mặt nạ khác để bảo vệ và chống lại cảm giác buồn phiền, mặc cảm khi trở thành một người học cách tiếp thu.

Đôi khi, những mặt nạ này cũng thực sự hữu ích trong việc thúc đẩy công việc hoặc các mối quan hệ của một cá nhân. Smith đã chỉ ra những nhân vật danh tiếng bị mất năng lực tiếp thu như Henry Winkler và Cher, họ đã bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc diễn các vai "diễn viên làm trò" hoặc người lập dị kỳ quặc như là một cách để đương đầu với trở ngại. Tuy nhiên, trong những trường hợp còn lại, những mặt nạ này sẽ cản trở con đường phát triển và bạn cần nhanh chóng vứt bỏ nó. Nhiều người gặp vấn đề trong tiếp thu cho biết họ thật sự thấy nhẹ nhõm khi bắt đầu cởi mở kể về những trở ngại của mình. Một sinh viên ở lớp học buổi tối dành cho người trưởng thành bị mất năng lực tiếp thu của Sally Smith nói: "Tôi cảm thấy như trút được một gánh nặng bởi không cần phải giả vờ và không phải nghĩ tới những lời mỉa mai của mọi người nữa. Giờ đây tôi tràn đầy nghị lực để học tập".

Việc bộc lộ bản thân cho phép một cá nhân nhận được sự giúp đỡ cần thiết để có thể hoàn toàn tập trung vào những trở ngại trong tiếp thu của mình. Khó khăn về tài chính buộc John Corcoran phải cho nghỉ việc những người đang giúp đỡ ông khắc phục những khó khăn về ngôn ngữ và ông phải tự mình đối mặt với vấn đề của bản thân. Điều đó khiến ông phải đăng ký một chương trình dạy đọc cho người lớn ở miền nam California, nơi ông dành từ bốn mươi tới năm mươi giờ mỗi tuần trong gần hai năm để học cách phát âm. Các tổ chức như Hiệp hội những người mất năng lực tiếp thu Mỹ và Mạng lưới quốc gia những người trưởng thành bị mất năng lực tiếp thu có thể giúp đỡ những người gặp các trở ngại nhất định về tiếp thu, đặc biệt trong lĩnh vực ngôn ngữ và logic toán học.

Với những người gặp khó khăn trong các khả năng tư duy khác, chiến lược lâu dài có thể bao gồm vật lý trị liệu hoặc các chương trình phục hồi (vận động cơ thể), nhóm trợ giúp và liệu pháp tâm lý, âm nhạc chuyên sâu hoặc tài liệu nghệ thuật, quá trình chăm sóc bản thân và phát triển cá nhân của chính người bệnh. Bài tập tiếp theo sẽ giúp bạn bắt đầu xây dựng một kế hoạch cụ thể để khắc phục những vấn đề trong tiếp thu của bản thân.

Bản kế hoạch nhằm khắc phục mối liên kết lỏng lẻo

Viết ra một trở ngại về tiếp thu khiến bạn lo lắng và bạn muốn đối phó theo cách nào đó (sử dụng bản liệt kê ở phần mở đầu của chương này để giúp bạn tập trung vào một lĩnh vực). Hãy ghi thật chi tiết. Ví dụ: "khó khăn về khả năng đọc", "vấn đề về vẽ tranh", "không đủ khả năng hòa hợp với đồng nghiệp", "khó nhận biết giai điệu", "sợ toán", "lóng ngóng khi chơi thể thao", v.v...

Viết ngắn gọn về vấn đề này: nó hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của bạn như thế nào, làm sao bạn có thể che giấu nó với người khác và nó hòa nhập vào trong cuộc sống của bạn ra sao. Sau đó tìm cách để đối phó với vấn đề này bằng cách liệt kê trên một tờ giấy khác, càng nhiều chiến thuật khác nhau càng tốt.

Cân nhắc những câu hỏi sau trong việc phát triển chiến thuật của bạn:

- Tôi có thể khắc phục vấn đề này như thế nào nếu sử dụng công nghệ hỗ trợ?

- Tôi có thể khắc phục vấn đề bằng cách nào nếu sử dụng một hệ thống ký tự thay thế?

- Chuyên gia nào có thể giúp tôi giải quyết các khó khăn?

- Loại sách, chương trình phần mềm, trò chơi hoặc các công cụ học tập nào tôi có thể mượn, thuê hoặc mua để giúp tôi giải quyết vấn đề này?

- Phẩm chất cá nhân nào (như lòng can đảm, sự quyết tâm, tính kiên trì) tôi cần phát triển để có thể khắc phục khó khăn này?

- Khóa học nghề, nhóm trợ giúp hoặc chương trình, tổ chức giáo dục (chính thức hay không chính thức) nào sẵn sàng giúp đỡ tôi?

- Những hoạt động nào tôi có thể làm để kết nối điểm yếu với khả năng tư duy sở trường của mình?

- Tôi cần làm gì để mọi người xung quanh thích nghi với nhu cầu tiếp thu của mình và điều này không còn là vấn đề khó khăn như trước nữa?

- Ngoài ra, tôi có thể làm gì để khắc phục trở ngại này?

Từ những ý tưởng đã có, hãy chọn năm giải pháp hữu hiệu nhất và bắt đầu đưa ra các bước để thực hiện chúng.

Nếu vấn đề của bạn là khả năng viết thì hãy cân nhắc làm bài tập này theo cách khác: sử dụng băng ghi âm, tạo biểu đồ trên tờ nháp, nói chuyện với một người khác hoặc sử dụng một hay nhiều loại tư duy khác.

Trong khi thực hiện quá trình xem xét những trở ngại về tiếp thu của bản thân, bạn cần tập trung xem điều gì là phù hợp với cách học của bạn. Những đặc điểm tích cực của một cá nhân thường giúp anh ta khắc phục và giải quyết được những khó khăn trong tiếp thu. Quán quân Olympic - Bruce Jenner, người được trao giải thưởng dành cho người khuyết tật xuất sắc nhất, nói với sinh viên tại Trường thực nghiệm của Sally Smith rằng: "Thành công trong thể thao giúp tôi ngẩng cao đầu trước mọi người và tôi cảm thấy tự hào về bản thân. Điều đó làm cho tôi tự tin để tôi có thể chiến thắng hoặc ít nhất là đương đầu với những khó khăn trong việc đọc của mình". Một người đoạt giải thưởng khác, diễn viên – ca sỹ Cher, cũng nói: "Bạn phải tìm ra lĩnh vực mà bạn có thể tỏa sáng nếu như bạn cảm thấy mình không phù hợp với những gì người khác đang làm".

Điều này nghe có vẻ phi lý, nhưng đôi khi điểm mạnh nhất có thể lại nằm trong chính khó khăn mà chúng ta đang cố gắng vượt qua. Tôi chợt nhớ tới bộ phim Dumbo của hãng Disney kể về một chú voi con đã học được rằng, điều bất lợi lớn nhất của chú, đôi tai to lớn trong thực tế lại là tài sản lớn nhất giúp chú có thể bay được. Nhà phân tích tâm lý lừng danh Alfred Adler từ nhiều năm trước đã chỉ ra rằng, có một động lực mạnh mẽ trong tâm hồn giúp chúng ta vượt qua những khó khăn. Theo ông, rốt cuộc chúng ta cũng sẽ vượt qua được những trở ngại phía trước và đạt được những thành tựu lớn nhất trong cuộc sống. Giám đốc Đài Truyền hình Fred Friendly đã khẳng định niềm tin này khi ông nói: "Bây giờ, khi đã bảy mươi tư tuổi, nếu được sống lại cả cuộc đời của mình thêm một lần nữa thì tôi vẫn sẽ chọn là chính mình - là một người mắc tật khó đọc. Bởi vì điều đó đem lại cho tôi tất cả cuộc sống của tôi - cho dù là khi tôi mười bốn, bốn mươi hay sáu mươi tuổi - nghị lực và động cơ giúp tôi trở thành một người mà nhiều năm sau sẽ có người nói: Nếu bạn làm được thì ai cũng có thể làm được".