7 Loại Hình Thông Minh

Chương 3. Trí Thông Minh Không Gian

Suy nghĩ bằng con mắt tư duy của bạn

Nhà khoa học người Mỹ Louis Agassiz là người rất coi trọng chi tiết. Một buổi nọ, có người trợ lý mới đến ra mắt Agassiz và ông đã để anh ta nghiên cứu tiêu bản lạ của một loài cá. Sau khi hướng dẫn các bước tiến hành, Agassiz ra ngoài phòng thí nghiệm và để trợ lý lại một mình. Sau nửa giờ xem xét, người trợ lý cảm thấy đã tìm hiểu hết mọi thứ muốn biết về tiêu bản này nhưng Agassiz chưa quay trở lại. Vài giờ nữa lại trôi qua, anh ta vừa bực bội, nản lòng vừa tức giận vì đã bị bỏ lại một mình. Để "giết" thời gian anh ta ngồi đếm vây cá, vảy cá và bắt đầu lập biểu đồ của tiêu bản. Anh ta nhận ra rằng đã quên cách nhìn nhận ban đầu của mình, ngay cả việc loài cá không có mi mắt. Cuối cùng Agassiz quay trở lại phòng thí nghiệm trong sự trông đợi của nhà nghiên cứu trẻ. Tuy vậy, Agassiz không hài lòng với kết quả và yêu cầu anh ta tiếp tục nghiên cứu tiêu bản này thêm hai ngày nữa. Rất nhiều năm sau đó anh ta trở thành nhà khoa học xuất chúng trong lĩnh vực nghiên cứu của mình và anh ta đã nói rằng ba ngày đó là thời gian thực tập có giá trị nhất mà mình từng trải qua.

Ví dụ trên gợi cho ta một số điều về sức mạnh có được khi ta tập trung tìm tòi quan sát để nhận ra những tri thức còn ẩn giấu. Sự việc này đề cập đến một dạng trí thông minh về khả năng quan sát mà Howard Gardner nói đến, Spatial Intelligence (Trí thông minh về không gian). Điểm cốt lõi của loại trí thông minh này là khả năng lĩnh hội chính xác thế giới không gian thị giác và khả năng chuyển đổi sự cảm thụ ban đầu về không gian của một người. Đây là loại trí thông minh của kiến trúc sư và dân Sherpa (người Himalaya) hay của nhà phát minh, thợ máy, kỹ sư và người lập bản đồ địa chính. Người có trí thông minh không gian có thể nhìn thấy những điều mà người khác hay bỏ qua dù trong thế giới thực hay ảo. Người ta có thể định hình và định dạng những hình ảnh tưởng tượng này thông qua những phương pháp cụ thể như vẽ, điêu khắc, xây dựng và sáng chế, hoặc bằng cách trừu tượng là xoay tròn hay biến đổi những đối tượng hình ảnh đó bên trong tư duy, suy nghĩ của họ.

Chương này sẽ đề cập đến một số dạng khác nhau của trí thông minh về không gian và khảo sát một số cách mà nhờ vào đó – giống như đối với người trợ lý mới nói trên của Agassiz - bạn có thể phát triển năng lực quan sát không gian của mình thông qua việc rèn luyện tính kiên nhẫn và thống nhất.

Có nhìn thấy thì mới tin

Quá trình nhận thức thế giới trực tiếp thông qua thị giác là điểm chính yếu của trí thông minh không gian. Mặc dù ngay cả người mù cũng sở hữu năng khiếu (trí thông minh) về xử lý không gian (ngay đứa bé ba tuổi bị mù cũng biết được quỹ đạo của vật thể trong không trung khi được ném đi và có thể giải thích rõ ràng được tấm bản đồ), nhưng trong hầu hết các trường hợp, khả năng nhìn được là bước quan trọng đầu tiên để trí thông minh về không gian phát triển. Thị lực ở mỗi người là khác nhau nhưng một người với thị lực 20/20 thì được coi là bình thường. Tuy nhiên, có những người sở hữu "cặp mắt của chim ưng" cho phép họ nhìn thấy ở khoảng cách xa hơn nhiều so với mắt thường. Ví dụ một sinh viên người Đức, Veronica Seider, nhận biết chi tiết của một người ở khoảng cách xa hơn một dặm. Một trong những nhà du hành vũ trụ có thể xác định rõ ràng các ngôi nhà từ điểm cách bề mặt trái đất một trăm dặm trong suốt quỹ đạo bay của anh ta. Các nhà khoa học gọi trường hợp này là Hypereidesis hay cặp mắt siêu tinh tường.

Một biểu hiện khác của trí thông minh không gian là khả năng quan sát, đánh giá đặc biệt đối với những vật ở cự ly gần. Thổ dân Gikwe của bộ tộc Kalahari có thể từ dấu vết của một con linh dương mà phát hiện ra giới tính, kích cỡ, tầm vóc và tâm tính của con vật đó. Những thợ săn người Eskimo chú tâm đến từng chi tiết, từng thay đổi nhỏ của tuyết và băng dưới chân họ, vì bất cứ sai lầm nhỏ nhặt nào cũng khiến băng vỡ và làm họ bị mắc kẹt.

Trong nền văn hóa của chúng ta, khả năng nhận biết được điểm đặc thù không gian không còn quan trọng nữa bởi ta đã có các biển báo hiệu, bản đồ, các dạng giao tiếp và thông tin số hóa dẫn đường. Ngày nay, chúng ta để tuột khỏi tay những cơ hội lớn trước mắt do chúng ta đã quá dựa dẫm lệ thuộc vào trí thông minh về ngôn ngữ học và toán học - logic.

Bài thực hành dưới đây giúp bạn phục hồi những kỹ năng quan sát đã bị bản thân bạn lãng quên.

Tập quan sát tinh tường như đôi mắt của thợ săn

Hãy đến một nơi yên tĩnh, chẳng hạn như vườn nhà, công viên hay một số địa điểm sinh thái nào đó. Bạn hãy dành hẳn một giờ đồng hồ chỉ để làm một việc là quan sát môi trường xung quanh. Bạn thực hiện như sau: tiến hành quan sát cảnh vật ở xung quanh càng nhiều càng tốt. Phóng tầm mắt ra xa và nhìn vào những gì ẩn giấu bên trong của thiên nhiên. Quan sát như thể bạn sắp đạt đến khả năng quan sát của thổ dân Kalahari hay thợ săn Eskimo - những người có cảm nhận tinh tế đến từng chi tiết của cảnh vật. Hãy nhìn mọi sự vật bằng đôi mắt "dung hòa", nghĩa là không để ý quá nhiều đến một chi tiết cụ thể nào mà phải quan sát đồng thời tất cả các chi tiết trong tầm quan sát của mắt mình. Hãy quan sát sao cho bạn cảm thấy như thể bạn nhìn thấy được cả những gì ở phía sau lưng bạn.

Một thời gian sau, bạn hãy trở lại đúng địa điểm trên vào những dịp khác nhau, lặp lại cách làm như trên và hãy để ý xem khả năng quan sát cảnh vật của bạn thay đổi như thế nào khi bạn có nhiều thời giờ hơn để quan sát.

Hãy quan sát với một cảm xúc nguyên sơ, trong sáng

Các dạng kỹ năng quan sát được miêu tả ở trên có thể đưa đến một dạng khác của nhận thức trực quan, đó là khiếu thẩm mỹ tính tế. Đây là loại trí thông minh về không gian của những người làm nghề trang trí nội thất, nhà thiết kế vườn hoa, công viên, nhà mỹ thuật, phi hành gia hoặc nhà phê bình nghệ thuật. Những khả năng nghề nghiệp như vậy đòi hỏi phải có sự cảm nhận tinh tế về các yếu tố chính trong việc thưởng thức nghệ thuật, như là các đường nét, sự sắp đặt, khối lượng vật thể, không gian, sự cân bằng, độ tương phản giữa sáng và tối, mức độ cân đối, vật làm mẫu và màu sắc sự vật. Những nghệ sỹ nổi tiếng dường như phát triển tài năng thiên về các yếu tố trên. Chẳng hạn trong một buổi phỏng vấn, danh họa Picasso đã biểu lộ sự nhạy cảm mãnh liệt đối với màu sắc khi ông thuật lại: "Tôi đi dạo trong khu rừng của lâu đài Fontainebleau. Ở đó, tôi bắt gặp màu xanh của cây cỏ. Tôi đã tìm cách truyền tải được cảm giác này vào trong tranh". Tương tự như vậy, họa sỹ người Nga Wassily Kandinsky đã nhớ lại và viết về lần đầu tiên ông sử dụng chất liệu nghệ thuật để vẽ như sau:

Lúc tôi mười ba hay mười bốn tuổi gì đó, tôi đã mua một tuýp thuốc vẽ tranh sơn dầu bằng tiền tôi dành dụm được nhờ bỏ ống từng đồng silinh. Tới tận bây giờ tôi vẫn nhớ rõ những màu sắc được bóp ra khỏi tuýp thuốc. Khi tôi nắm trong tay tuýp thuốc, dường như tôi cảm thấy trong đó là cả niềm hân hoan, vui mừng lẫn sự trang nghiêm và kỳ ảo, ngay cả những lần sau đó cũng vậy. Dường như có cả sự vui mừng, sự phóng khoáng, có âm thanh của nỗi mất mát, có sức mạnh tuyệt vời và sự chịu đựng, nhẫn nhục, sự ngoan cố bẩm sinh, sự mỏng manh dễ vỡ trong cách thức chất liệu vẽ trào ra khỏi tuýp thuốc. Những điều kỳ lạ, đáng yêu này chính là do màu sắc tạo nên.

Với những cảm xúc như thế, người nghệ sỹ đã để lại cho chúng ta các tác phẩm mang dấu ấn cả cuộc đời mình. Người nghệ sỹ đánh thức khả năng tri giác trong bản thân mỗi người để có thể thực sự biết cách chiêm ngưỡng các kiệt tác. Kenneth Clark, nhà viết lịch sử mỹ thuật Anh, đã thuật lại cảm giác lần đầu tiên bắt gặp một kiệt tác như vậy khi tham quan triển lãm nghệ thuật Nhật Bản ở London:

Cuối phòng trưng bày là một dãy bậc thang nhỏ. Chúng tôi mệt mỏi bước lên bậc thang và vào một phòng trưng bày khác. Ngay lập tức tôi đã bị xúc động mạnh. Phía bên kia là những bức tranh vẽ các loài hoa đẹp mê hồn đến nỗi tôi đã vấp mạnh vào bậc thang. Tôi thấy mình như lạc vào một thế giới khác. Và tôi đã phát hiện thấy chính cách sắp xếp các màu sắc đã tạo ra một sự thể hiện mới, chắc chắn là mới hoàn toàn.

Cảm giác khi nhìn thấy các bức tranh đẹp mê hồn đã đọng lại sâu đậm trong tâm trí Clark. Ông kể lại rằng năm mươi lăm năm sau, khi ông được thăm một thánh đường gần Kyoto, Nhật Bản, ông đã nhận ra ngay những bức tranh mà hồi bé ông từng bắt gặp trong triển lãm tại London năm 1910. Hình ảnh đã đọng lại và chỉ những người có khiếu thẩm mỹ tinh tế mới nhận ra được.

Bài tập tiếp theo sau đây giúp bạn trau dồi khả năng nhận xét bằng con mắt của một người nghệ sỹ hay nhà phê bình nghệ thuật.

Tham quan các triển lãm nghệ thuật

Bạn hãy đi tham quan các viện bảo tàng hay phòng trưng bày nghệ thuật cá nhân tại nơi bạn sống, nếu không thì có thể sử dụng sách lịch sử mỹ thuật có hình minh họa tốt như cuốn History of Art (Lịch sử mỹ thuật) của Jansen như là một phòng trưng bày nghệ thuật di động. Trong bảo tàng, khi bạn bắt gặp một tác phẩm nghệ thuật (tranh sơn mài, tranh vẽ, tác phẩm điêu khắc, cắt dán, một bộ sưu tập hay ảnh chụp) hoặc một bộ các tác phẩm mà bạn quan tâm đến thì hãy xem xét nó thật cẩn thận. Không cần tập trung nhiều vào chủ đề của tác phẩm, thay vào đó bạn chú ý đến cách cảm nhận riêng của mình về quá trình làm nên nó. Hãy mở rộng tâm hồn và để bản thân cảm thấy ngạc nhiên, bất ngờ như thế nào khi xem tác phẩm.

Thử để ý xem mắt bạn tập trung vào đâu và tại sao nó lại bị lôi cuốn từ chi tiết này đến chi tiết khác của tác phẩm. Bạn đạt được điều gì khi khảo sát từng phần của tác phẩm? Có phải là màu sắc hấp dẫn bạn? Hay cách sử dụng những khoảng trống? Cách pha trộn, kết hợp màu sắc? Hay một điều gì đó bạn không định nghĩa được rõ ràng?

Đừng cố phân tích ngay tức khắc những gì bạn thấy mà hãy quan sát những điểm nào gây ra cảm giác phẫn nộ hay các cảm nhận khác. Giới hạn thời gian tham quan là một giờ, sau đó bạn ghi lại những gì đã trải qua khi tham quan hoặc kể lại với người thân về tác phẩm nghệ thuật mà bạn đã thấy. Một hoặc hai tháng sau bạn hãy quay lại để xem nhận xét của bạn thay đổi như thế nào hay vẫn như cũ (tiếp tục dành nhiều thời gian để khám phá các tác phẩm khác theo cách như thế).

Trong vài trường hợp, tham quan một bảo tàng và gặp được bản nguyên gốc của tác phẩm sẽ đem lại kết quả bất ngờ thú vị. Trong số những tác phẩm thật sự gây được xúc động hay ấn tượng mạnh, thì những kiệt tác cổ điển về hội họa, điêu khắc và những công trình kiến trúc nối tiếng là nguyên nhân có thể gây ra tình trạng đột quỵ, xúc động đột ngột, ngất choáng hoặc gây ảo giác. Đây được gọi là hội chứng Stendhal, tên của nhà văn Pháp ở thế kỷ XIX, sau khi ông đã miêu tả việc ông từng bị choáng ngợp như thế nào trước những bức tranh treo tường ở Florence - một thành phố trung tâm mỹ thuật của nước Ý. Mặc dù tình trạng này rất ít gặp phải nhưng thực tế đó cho ta thấy sức mạnh to lớn mà mỹ thuật có thể đem lại cho tâm hồn con người. Đáng chú ý hơn, đó là những kinh nghiệm về bảo tàng nghệ thuật của bản thân bạn, chúng sẽ để lại trong bạn khả năng quan sát tinh tường và sự nhạy cảm mỹ thuật sâu sắc.

Phát triển năng khiếu nghệ thuật trong con người bạn

Đối với phần lớn chúng ta, việc đánh giá được đầy đủ tài năng nghệ thuật của người khác là không hề đơn giản. Bản thân chúng ta đều có mong muốn trở thành nghệ sỹ. Hầu hết mọi người không còn muốn vẽ vời kể từ lứa tuổi tám, chín trở lên, sau khi họ nhận thấy thất bại trong việc cố làm cho những bức tranh họ vẽ trông thật hơn. Theo Betty Edwards - tác giả cuốn Drawing on the Right Side of the Brain (Khả năng hội họa nằm ở bên phải bộ não con người), những người mới tập tành vẽ vời đều gặp tình trạng chung như thế vì họ cố gắng vẽ bức chân dung một người (gồm hai tay, hai chân, một đầu v.v...) thay vì vẽ những gì họ thực sự nhìn thấy trước mắt. Thông qua các bài tập được sắp xếp một cách hệ thống, Edwards giúp các họa sỹ tiềm năng biết cách sử dụng khả năng tri giác của mình để vẽ một cách rõ ràng và chính xác hơn. Sau đây là những gì mà bà hướng dẫn các họa sỹ trong quá trình luyện tập.

Vẽ hình lộn ngược

Bạn lấy một bức tranh đen trắng từ một tờ báo hay tạp chí mà trong đó có một hoặc hai hình người, rồi lật ngược bức tranh xuống. Tiếp theo, trên một tờ giấy khác bạn hãy vẽ những gì bạn nhìn thấy trong bức tranh đã lộn ngược, chọn một điểm bất kỳ trên bức vẽ làm điểm bắt đầu, sau đó vẽ theo từng đường thẳng một. Tránh tập trung vào việc nhận thức bức tranh. Thay vào đó, nhìn kỹ từng đường thẳng, góc cạnh, hình dạng, các điểm nối và những đặc điểm khác mà bạn nhận thức được. Không được quay bức tranh hay bức vẽ của bạn lên trên theo chiều thuận cho đến khi bạn hoàn tất công việc. Trong lúc vẽ, bạn sẽ cảm thấy dường như đang vẽ những đường thẳng và các góc rời rạc. Sau khi đã hoàn thành, xoay bức tranh và bức vẽ của bạn theo chiều thuận rồi so sánh chúng với nhau. Hãy xem xem bức vẽ của bạn chính xác như thế nào so với bức tranh gốc.

Edwards đã đề nghị dùng một quy trình thực hiện tương tự để trực tiếp tìm các đặc trưng tri giác đối với một bức vẽ các vật dụng gia đình, phong cảnh, chân dung, các vật thể và hình ba chiều. Bà cho rằng: "Con người cần được dạy cách biết tạm thời đặt sang một bên các hệ thống ký hiệu và phải tìm xem điều gì thật sự đang diễn ra ở trước mắt". Để có được điều này, bà khuyên những họa sỹ trẻ đang tràn đầy khát vọng cần để ý đến mối quan hệ giữa các thành phần của một đối tượng, chú ý đến những khoảng trống xung quanh các đồ vật. Thỉnh thoảng hãy lần lượt nhắm từng bên mắt lại để làm phẳng những hình ảnh nhìn thấy giống như khi họ vẽ chúng lên giấy. Mục đích là để chuyển sang một chế độ nhận thức được điều khiển bởi bán cầu não phải (có vai trò rất lớn đối với sự nhận biết không gian). Trong chế độ R-mode như bà đã gọi, mọi vật được nhìn trực tiếp, hoàn chỉnh, tự động và ngay lập tức.

Phương pháp dạy vẽ của Edwards chỉ là một trong nhiều phương pháp vẽ, song nó được chú ý vì đã mang đến những thay đổi ấn tượng trong thể loại tranh hiện thực. Ở phần sau của chương này, chúng ta sẽ xem xét một kiểu vẽ hoàn toàn khác, giúp tái hiện lại vẻ ngoài những hình ảnh nằm trong suy nghĩ, nội tâm mà bình thường chúng ta không thấy được.

Những hình ảnh trong nội tâm

Trong khi trí thông minh về không gian được bắt đầu bằng việc nhìn ra thế giới hữu hình ở bên ngoài, thì những điều đã được nhìn thấy lại quay trở lại vào trong tư duy của chúng ta và được biến đổi như những tri thức mà nhờ nó, chúng ta thực sự bắt đầu đánh giá được mức độ tinh tường, sắc sảo của bản thân trong khả năng quan sát. Năng lực tạo ra những hình ảnh trực quan một cách chủ quan của con người vẫn còn ít được các nhà khoa học biết đến. Nó tượng trưng cho cách thức chủ yếu mà mỗi cá nhân sử dụng để tạo ra, ghi nhớ và xử lý thông tin. Các nhà khoa học gọi những hình ảnh rõ nét nhất là hình ảnh eidetic (xuất phát từ một từ Hy Lạp có nghĩa là "gắn liền với hình ảnh"). Những hình ảnh này có chất lượng tốt đến mức gần giống như những bức ảnh chụp. Những người có khả năng tạo ra hình ảnh trực quan như thế cho biết, họ có thể nhìn thấy rõ được một bức tranh bên trong nội tâm họ về những hình ảnh mà họ trông thấy ở thế giới thực bên ngoài, sau đó khi nhắm mắt lại, họ có thể quét qua bức tranh đó với những chi tiết mà họ không trông thấy ở những hình ảnh ban đầu. Trong một cuộc thí nghiệm, một cô gái có khả năng về hình ảnh trực quan eidetic đã được xem nửa bên trái của một bức tranh nổi (thí dụ đó là một hình ảnh ba chiều), điều này không đủ tạo ra ảo giác về độ sâu cho một người bình thường. Ngày hôm sau cô được xem nốt nửa bên phải của bức tranh và bằng cách gợi lại hình ảnh ghi nhớ từ ngày hôm qua trong ký ức, cô gái có thể kết hợp hai nửa bức tranh lại với nhau để nhận biết được độ sâu của bức tranh.

Các báo cáo khác nhau về khả năng hình ảnh thị giác eidetic cho thấy rõ khả năng này có thể hỗ trợ con người khi làm các công việc liên quan đến trí nhớ hay trong quá trình suy nghĩ để giải quyết một vấn đề gì đó. Một người đàn ông kể lại khả năng này đã giúp ích cho anh khi còn là một cậu học sinh như thế nào: "Khi tôi mười lăm tuổi, trong một kỳ thi, tôi đã trông thấy quyển sách hóa học trong trí nhớ của mình. Tôi mở nó ra trong trí nhớ, lật qua các trang sách và chép lại biểu đồ axit nitric vào bài thi. Rõ nét hơn là câu chuyện của Nikola Tesla, người phát minh ra đèn huỳnh quang và máy phát điện. Bàn về khả năng của Tesla trong việc có thể hình dung trước được những điểu ông sẽ phát minh hoặc sáng chế ra, một người đã từng chứng kiến nói: "Tesla có thể tưởng tượng ra trước mắt ông một bức tranh với đầy đủ mọi chi tiết cụ thể của tất cả các phần trong một chiếc máy. Những hình ảnh đó còn sống động hơn bất kỳ bản thiết kế nào". Người cộng tác với Tesla quả quyết rằng Tesla có thể hình dung ra các chi tiết máy móc của ông tới kích thước cỡ 10/1.000 inch rồi kiểm tra các thiết bị tưởng tượng đó trong đầu bằng cách cho chúng chạy hàng tuần lễ liền và "sau đó thì ông sẽ nghiên cứu chúng kỹ lưỡng hơn về hình dáng bên ngoài".

Phần lớn những người trưởng thành không thể hình dung ra các hình ảnh cụ thể tới mức độ rõ ràng như thế. Các nhà nghiên cứu đưa ra ý kiến rằng, các hình ảnh eidetic hiếm khi xuất hiện và tồn tại ở người lớn, sau thời kỳ phát triển của tuổi dậy thì, mặc dù nó xảy ra khá thường xuyên ở những đứa trẻ. Theo nhà thần kinh học người Anh W. Gray Walter thì gần 1/6 dân số có khả năng nhìn thấy được những hình ảnh sống động bên trong suy nghĩ của họ, 1/6 dân số khác nhìn chung thường không sử dụng các hình ảnh nhìn được trong suy nghĩ của họ trừ khi được yêu cầu làm như thế và 2/3 dân số còn lại "có thể gợi lên trong suy nghĩ những mẫu hình ảnh nhìn thấy được khi cần". Bài tập sau đây sẽ giúp bạn xác định xem mình thuộc nhóm nào nói trên.

"Những tấm bưu thiếp" trí tuệ bên trong tư duy nội tâm

Hãy ngồi thật thoải mái vào một chiếc ghế hay nằm trên sàn nhà để làm bài tập này. Nhắm mắt lại, thở đều đặn trong một hoặc hai phút, sau đó đọc qua những đề mục trong danh sách dưới đây (hoặc nhờ một người khác đọc giúp bạn), chờ một lát cho đến khi trong trí tưởng tượng của bạn hình thành được một hình ảnh rõ nét của mỗi cảnh hoặc sự vật được nhắc đến, sau đó bạn tiếp tục chuyển sang tưởng tượng các hình ảnh tiếp theo.

Phòng ngủ của bạn.

Một cái kéo.

Một con hà mã màu vàng trong chiếc váy hồng có những chấm màu da cam.

Mẹ của bạn ở trên trần nhà.

Đường chân trời của một thành phố lớn.

Đáy hồ hay đại dương.

Một bức ảnh của Albert Einstein.

Một tấm bản đồ thế giới.

Lúc bạn lên bảy tuổi.

Một hình vuông màu xanh lá cây, một vòng tròn màu đỏ và một tam giác màu xanh da trời.

Đánh giá mỗi bức ảnh theo các cấp độ từ 0 đến 6 (0 = không có hình ảnh nào; 1 = hình ảnh rất mờ; 2 = hình ảnh mờ; 3 = hình ảnh khá rõ; 4 = hình ảnh rõ; 5 = hình ảnh rất rõ; 6 = hình ảnh rõ như thật).

Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy thật khó hình dung hay tưởng tượng được những cảnh tượng nêu trên, ngay cả khi bạn là một người có trí tưởng tượng tốt. Một số người có khả năng hình dung tốt hơn khi họ được tự do tưởng tượng, sáng tạo ra viễn cảnh của chính họ. Theo một nghiên cứu được đúc kết bởi Jerome Singer, Giáo sư Tâm lý học của trường Đại học Yale, thực tế mọi người đều có ít nhiều trạng thái mộng tưởng. Chính những suy nghĩ mộng tưởng hão huyền đó giúp cho con người đối phó với sự căng thẳng, khám phá ra những sự kiện sẽ xảy đến trong tương lai và vượt qua được sự chán nản trong cuộc sống thường ngày. Theo một số người đã tham gia làm thí nghiệm về vấn đề này, khi họ tập trung tinh thần và chủ động để một chút mộng tưởng xen vào trong suy nghĩ khi đang làm công việc gì đó có tính chất máy móc hoặc cần dùng đến sự tính toán, thì kết quả thu được cho thấy công việc sẽ hiệu quả hơn và ít gây buồn ngủ hơn. Bài tập tiếp theo đưa ra những tình huống thuận tiện để bạn có thể tạo ra một chút mộng tưởng hữu ích trong quá trình giải quyết công việc và trong cuộc sống của bạn.

Sự mộng tưởng trong suy nghĩ

Bạn hãy nhắm mắt lại và để trí não được tự do suy nghĩ mông lung. Sau đó hãy chú ý vào bất cứ hình ảnh nào thoáng hiện trong tâm trí bạn. Làm như vậy nhiều lần và dần dần bạn sẽ nhận thức được tất cả những ý nghĩ trong nội tâm của bản thân mình. Hãy chú ý xem chất lượng của hình ảnh rõ nét đến mức nào khi bạn đang ở trong trạng thái mộng mơ đó. Bạn hãy đánh giá mức độ của chúng theo thang giá trị được liệt kê ở trên, xem bạn đạt đến mức nào? Bạn sử dụng khả năng nhận biết gì trong quá trình mộng tưởng (cảm xúc của bản thân, âm nhạc, ngôn ngữ, v.v...)? Bạn cứ tiếp tục tưởng tượng thật nhiều nếu bạn muốn, trước khi quay trở lại suy nghĩ về những điều bạn đã biết. Sau một thời gian hãy tập trung chú ý nhiều hơn nữa vào những khoảng thời gian khi trong tư duy của bạn xuất hiện trạng thái mộng tưởng, lúc bạn làm việc hoặc đang nghỉ ngơi, thư giãn.

Tuy nhiên, một số người khác lại có khả năng tưởng tượng tốt hơn khi họ nghĩ về một vật cụ thể hoặc một vấn đề nào đó. Thợ máy thường tưởng tượng khi họ làm việc với một động cơ xe hơi. Bác sỹ phẫu thuật sử dụng khả năng tưởng tượng khi họ chữa trị một động mạch chủ bị vỡ. Bài tập sau đây sẽ cho bạn một bối cảnh thuận tiện để vận dụng tư duy không gian ba chiều vào mối quan hệ hàng ngày với môi trường xung quanh.

Luyện tập cách nhìn và quan sát

Hãy tưởng tượng bạn có một con mắt thứ ba, như là "con ngươi đi lang thang, có thể nhìn từ mọi phía", nó có thể rời khỏi cơ thể của bạn bất cứ lúc nào và bay đi xem xét mọi sự vật từ tất cả các góc nhìn, chọn một vật thông thường như cái ghế tựa, cái bàn bộ salon hay một vật nào đó để tiến hành quan sát. Bước tiếp theo, trong khi ngồi cách xa vật thể quan sát vài bước chân, bạn hãy dùng con mắt thứ ba để khám phá vật thể ở mọi góc độ có thể nghĩ tới: từ trên nhìn xuống, từ dưới nhìn lên, từ mọi phía, từ các góc độ khác nhau, tiến lại gần, ra xa, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong. Nếu muốn, bạn hãy nhanh chóng phác họa các điểm nhìn thấy lên một tờ giấy. Sau khi hoàn tất việc đó, đứng dậy và đặt mình ở các hướng khác nhau để có thể thực sự nhìn thấy vật thể từ các góc này. Hãy so sánh những gì bạn nhìn được trong trí tưởng tượng với những gì bạn thực sự trông thấy. Bạn xem độ chính xác khi nhìn bằng trí tưởng tượng đạt đến mức nào? Hãy thực hiện quá trình tương tự với một số vật thể khác.

Tư duy trực quan

Một trong những tác dụng của trí óc tưởng tượng là kích thích khả năng sáng tạo và trau dồi các quá trình tư duy phức tạp. Theo Rudolf Arnheim, Giáo sư danh dự về tâm lý và nghệ thuật của Đại học Harvard, thực tế mọi quá trình tư duy - thậm chí viển vông và trừu tượng nhất - đều có thể nhìn thấy được về bản chất. Chẳng hạn ông nhận xét qua trình tư duy của nhà tâm lý học E. B. Titchener ở thế kỷ XIX, người đã từng tuyên bố hình dung ra khái niệm "ý nghĩa" như "cái đầu cán màu xanh xám của một loại xẻng, có một chút màu vàng phía trên (có lẽ là một phần của cái cán) và vừa đào bới một đống tối tăm đầy những thứ có vẻ như được làm bằng nhựa".

Xác thực hơn là những bức tranh về trí tưởng tượng của một số người có tư duy xuất sắc, những người này đã dùng hình ảnh trực quan như một công cụ để phát minh ra những công trình lớn suốt cả cuộc đời. Ba cá nhân có lẽ có ảnh hưởng lớn nhất tới tư tưởng của thế kỷ XX - Albert Einstein, Charles Darwin và Sigmund Freud - cả ba người đã dùng hình ảnh trực quan để phát triển các học thuyết vĩ đại của mình. Những ghi chép của Darwin phản ánh một niềm đam mê không biết mệt mỏi với những hình ảnh cây cối. Biểu tượng này có vẻ như rất quan trọng trong việc giúp ông hình tượng hóa Thuyết tiến hóa. Ở một trong những ghi chép của ông (cùng với phác họa của một cái cây), Darwin đã viết: “Sự hiện diện có tổ chức của các sinh vật được sắp xếp giống như một cái cây, chia cành nhánh một cách bất thường, giống như những cành cây khô, đâm chồi rồi chết đi trong khi chồi non sinh ra”. Tương tự như vậy, ở tuổi mười sáu Albert Einstein đã nhận được một trong những cảm hứng chủ yếu cho Thuyết tương đối của ông, khi ông tưởng tượng ra một thứ có vẻ giống như đường đi của những tia sáng. Còn Sigmund Freud đã chứng minh những học thuyết của bản thân ông một phần là nhờ vào hình ảnh của một hòn đảo nhô lên từ mặt biển - như là một phép ẩn dụ của mối quan hệ giữa cái Tôi với tiềm thức.

Những hình ảnh này tượng trưng cho giản đồ kinh nghiệm hoặc "bản đồ tư duy", chúng giúp định hướng cho sự phát triển suy nghĩ của những thiên tài trong nhiều năm. Nhà tâm lý học Howard Gruder gọi những bức họa nội tâm này là "hình ảnh của một tầm kiến thức rộng" và đưa ra giả thuyết rằng các nhà tư tưởng lớn có thể có bốn hay năm những hình ảnh này trong đời, so với xấp xỉ 600 hình ảnh cụ thể (không phải dạng "hình ảnh của tầm kiến thức rộng") mà một người tư duy tốt có thể tưởng tượng được trong một giờ làm việc nghiêm túc. Hầu hết chúng ta đều ghi nhớ được những tấm bản đồ tư duy trực quan ở đâu đó với một mức độ nhỏ hơn đáng kể so với mức nói trên, tuy nhiên chúng rất quan trọng đối với mỗi cá nhân trong việc giúp ta định hướng được thế giới bên ngoài. Những giản đổ tưởng tượng này được chúng ta tiếp thu và cho chúng ta biết cách làm những công việc vẫn diễn ra hàng ngày, chẳng hạn như làm thế nào để đi từ nhà đến nơi làm việc, cách vặn lại cái van nước khi hệ thống ống nước cần phải sửa chữa, hoặc làm thế nào đế chơi một trò chơi đơn giản như cờ vua hay cờ đam.

Các giản đồ trực quan mà chúng ta nhớ được trong đầu thường rất sơ sài, giống như những tấm bản đồ thời Trung cổ miêu tả hình ảnh của những con rồng thấp thoáng, lẩn quất đâu đó bên lề của thế giới hiện thực đã biết. Bức họa nổi tiếng của Saul Steinberg cho ta thấy quan điểm về thế giới của một người New York, trong đó người Mahattan chiếm phần lớn bức tranh, phần còn lại của thế giới chỉ được minh họa một cách thưa thớt, rải rác. Điều đó chứng tỏ rằng bản đồ kinh nghiệm trong trí não thường phản ánh quan điểm của cá nhân. Bài tập tiếp theo đây sẽ giúp bạn kiểm tra, khảo sát một số bản đồ trực quan không gian mà bạn có thể nhớ và mang theo chúng trong tư duy, nhưng thậm chí lại không biết đến chúng.

Những bản đồ tư duy

Hãy tập luyện để tạo nên một bản phác họa bên trong trí óc đối với mỗi sự vật, sự việc được nêu ra dưới đây. Bạn đừng bận tâm tới sự rõ nét của hình ảnh hay việc cần làm điều gì đó để cho người khác biết. Mặt khác, bạn hãy thu nạp càng nhiều thông tin càng tốt để hình dung ra bản vẽ trong trí óc của bạn (phải tránh nhìn vào những thứ liên quan cho đến khi bạn kết thúc thao tác này).

Sơ đồ những nhà hàng xóm ở ngay sát nhà bạn (trong phạm vi bán kính ba nhà).

Mặt bằng ngôi nhà hay căn hộ của bạn.

Bức tranh nói về khái niệm dân chủ.

Sơ đồ bên trong cơ thể con người.

Bản đồ thế giới với tất cả các châu lục.

Sơ đồ bên trong chiếc máy giặt.

Bạn có thể kiểm tra lại những ý tưởng trực giác nói trên bằng việc nhìn vào những vật thực tế như: bản đồ thành phố mà bạn sống, quả địa cầu, mặt bằng ngôi nhà của bạn, một cuốn sách giãi phẫu, cuốn Visual Thinking (Tư duy trực quan), những thứ thể hiện các mặt khác nhau của một nền "dân chủ" hoặc một cuốn sách miêu tả quá trình làm việc bên trong của các cỗ máy, chẳng hạn như quyển The Way Things Work (Cách thức vận hành của sự vật). Bức vẽ trong trí óc của bạn đã mách bảo cho bạn điều gì về thế giới bên ngoài? Chúng có cho bạn biết trí não của bạn làm việc như nào không? Hãy cùng bạn bè thực hiện bài tập này và so sánh kết quả xem thế nào

Các bản phác họa trong tư duy

Những kiểu hình ảnh phác họa mà bạn đã thực hiện ở trên là những bức hình có bản chất như dạng biểu đồ - chúng là các phác họa nhanh, giúp mở ra bức tranh bên trong của sự vật. Rất nhiều cá nhân kiệt xuất thế giới, trong đó có Leonardo de Vinci, Thomas Edison và Henry Ford, thường xuyên giữ bên mình những quyển sổ ghi chép hoặc những quyển nhật ký, phác họa lại những tư duy, suy nghĩ trực quan đến với họ từ cuộc sống hàng ngày. Các "phác thảo ban đầu" trong sổ tay của Leonardo được người ta coi như những bức tranh hoàn hảo, nhưng đối với ông, các bức phác thảo đó là những công cụ mà nhờ chúng, ông có thể giải quyết được các vấn đề khó khăn gặp phải trong khi vẽ thiết kế hoặc trong quá trình sáng tạo ra một thứ gì mới.

Robert McKim, chuyên gia thiết kế cho hãng Former Stanford, khuyên tất cả những nhà tư tưởng đang mong muốn có được tư duy trực quan tốt sử dụng một vài cuốn sổ ghi lại những bản phác họa, hoặc sử dụng nhật ký ý tưởng, để thường xuyên lưu lại những suy nghĩ và hoạt động trí tuệ trong lĩnh vực tư duy không gian diễn ra trong trí óc của họ, đối với những sự kiện diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.

Khi mô tả một quá trình mà những cá nhân có trí thông minh không gian ở mức độ cao thường làm để ghi lại các suy nghĩ của họ, Robert McKim đã đưa ra lời chỉ dẫn như sau: “Họ - những người tư duy bằng hình ảnh - thực hiện rất nhiều thao tác vẽ và phác họa, họ sử dụng việc vẽ để khảo sát và phát triển những ý tưởng sáng tạo của bản thân. Việc tìm kiếm và hình thành nên ý tưởng mới không phái là một quá trình tĩnh, cũng không phải là hoạt động chỉ có một hình ảnh duy nhất. Những người này còn vẽ rất nhanh (vì những ý tưởng trong suy nghĩ hiếm khi duy trì được lâu; chúng luôn biến đổi và thậm chí còn biến mất ngay khi xuất hiện). Trong cả hai trường hợp là khám phá và phát triển ý tưởng, các nhà sáng tạo ý tưởng nhờ đồ họa cũng sử dụng rất nhiều cách diễn đạt bằng các hình tượng khác nhau".

McKim khuyên sử dụng một số hình tượng sau đây để ghi trong sổ tay đồ họa: các đồ thị, biểu đồ, đồ thị dạng cột, hình khối không gian, hình vuông, các nhân vật hoạt hình, biểu đồ dạng cây, bản đồ, các bức vẽ nguyệch ngoạc, các thiết kế, các bức ảnh. Như thế, nội dung ghi chép có thể được viết trên một quyển sổ nhật ký thông thường hay bất kỳ một cuốn sổ ghi chép nào, không cần phải đóng theo trang, hoặc cũng có thể được lưu giữ lại trên những tấm thẻ có đánh số, thậm chí chỉ trên một cuộn giấy gói hàng. Điều này sẽ kích thích dòng chảy ý tưởng trong bạn tuôn trào mạnh mẽ.

Những nhà tư duy về không gian cũng nên xem xét làm việc thử bằng các ý tưởng tư duy của họ trong không gian ba chiều. James Watson và Francis Crick đã làm cả thế giới ngạc nhiên và giành được giải thưởng Nobel năm 1962 khi họ khám phá ra cấu trúc đường xoắn ốc kép của phân tử DNA bằng cách sử dụng kiểu hình ảnh không gian ba chiều cỡ lớn như một công cụ để tư duy và sáng tạo. Các nhà thiết kế của hãng General Motors và NASA thường tạo ra những mô hình xe ô tô và phi thuyền không gian đòi hỏi sự phức tạp và tỉ mỉ cao độ, chỉ bằng chất liệu rẻ tiền là bìa cứng. Điều này đã giúp họ tiết kiệm được hàng triệu đô la trong các khoản chi phí dành cho phát triển công nghệ. Bạn cũng có thể lập một phòng thí nghiệm tư duy bằng hình ảnh không gian cho riêng mình tại nhà, bằng cách dùng các nguyên vật liệu rẻ tiền như bìa cứng hoặc bọt xốp để làm mô hình và các mẫu vật thu nhỏ; những vỏ chai nước ngọt bằng nhựa rất bình thường và những chiếc ghim giấy; cán của những vật dụng thông thường vẫn được bán trên thị trường (như cán chổi, cán ô, cán gươm v.v...) và các dạng hình khối khác dùng để kết nối chúng lại; những chiếc hộp thừa có nhiều hình dáng khác nhau và cả những mẩu đầu thừa đuôi thẹo đủ mọi chất liệu và có nguồn gốc khác nhau (dây, băng ghi âm, hình khối, tuýp thuốc đánh răng, đất nặn, dây thép, gỗ vụn, nẹp cao su, hộp thiếc, giấy thừa hoặc những thứ bỏ đi khác có thể tận dụng được). Cũng phải kể thêm sức mạnh của các công nghệ hiện đại trong việc hỗ trợ những ý tưởng sáng tạo thuộc loại tư duy không gian. Nền công nghiệp máy tính đã mở ra khả năng rất lớn cho những nhà sáng tạo ý tưởng về không gian, thông qua các công cụ hỗ trợ đồ họa như phần mềm ứng dụng CAD (Hỗ trợ thiết kế bằng máy tính), phần mềm "Vẽ và tô mầu", chương trình tương tác giữa người sử dụng và máy tính bằng hình ảnh, cùng nhiều kỹ thuật nổi bật khác.

Những ảnh hưởng của nền văn hóa hiện đại đến sự phát triển trí thông minh không gian

Bất chấp sự ra đời của hàng loạt các công cụ xử lý hình ảnh không gian bằng công nghệ cao, nền văn hóa của chúng ta hiện nay vẫn đang quá chú trọng tới ngôn ngữ học và các tư duy logic về toán học trong việc phát triển các sản phẩm mới. Giáo sư Sử học Eugene S.Ferguson thuộc trường Đại học Delaware đã chỉ ra rằng các chương trình đào tạo kỹ sư trong các trường đại học của chúng ta đang tăng lên về mặt số lượng và tăng cường khả năng phân tích về mặt toán học, nhưng bỏ quên trí tưởng tượng và hình ảnh. Ông cho rằng tình trạng ấy đã dẫn đến kết quả là: "Ngày nay chúng ta có thể phải chứng kiến nhiều điều ngốc nghếch. Đó là cái giá phải trả cho những việc chúng ta đã làm trong hệ thống đào tạo các chuyên gia kỹ thuật". Một ví dụ thực tế cho thấy sai lầm về tư duy không gian có thể đã xuất hiện và gây ra thảm họa của tàu vũ trụ con thoi. Rõ ràng, có nhiều người đã không thừa nhận sai lầm trong khâu thiết kế sai kiểu dáng, dẫn tới khả năng của con tàu không đáp ứng được trong điều kiện thời tiết lạnh giá và vì thế đã xảy ra rò rỉ nhiên liệu, dẫn đến việc phát nổ và phá hủy hoàn toàn con tàu vũ trụ. Chỗ rạn nứt đó đã được các nhà chuyên môn thông thạo về hình học không gian phát hiện nhưng sau đó lại bị gạt bỏ trước những định hướng về phân tích toán học và những mưu đồ chiếm lĩnh uy tín chính trị của những người giám sát, họ có lẽ đã không hình dung ra được những hậu quả ghê gớm của sai lầm này

Nếu bạn là người có khả năng đặc biệt về trí thông minh không gian thì có lẽ bạn cảm thấy nền văn hóa này có vẻ như định kiến và bất công với cuộc đời của bạn. Bạn có thể mất nhiều năm học ngôn ngữ ở trường, nơi các thầy cô giáo quan tâm rất ít tới những thứ mà bạn có khả năng làm rất tốt. Hiếm khi bạn có cơ hội được bộc lộ khả năng sáng tạo bằng hình ảnh hoặc được diễn đạt suy nghĩ của mình thông qua các bức họa hay biểu đồ. Những người mơ mộng thường bị coi là lười nhác và không có mục đích. Nhưng có thể chính họ và những người có tư duy không gian - hình họa tốt trong xã hội chúng ta sẽ vạch ra những khả năng sáng tạo trong cuộc sống ở thế kỷ XXI này.

25 CÁCH PHÁT TRIỂN TRÍ THÔNG MINH KHÔNG GIAN

- Hãy sử dụng những cuốn từ điển bằng hình ảnh, chơi trò tic-tac-toe trong không gian ba chiều hoặc những trò chơi khác có sử dụng tư duy về hình ảnh không gian

- Hãy chơi trò xếp hình, trò chơi rubic, trò mê cung hoặc các trò chơi khác về không gian.

- Mua phần mềm đồ họa, tập thiết kế. Tập vẽ và sáng tạo hình ảnh trên máy tính.

- Học chụp ảnh và sử dụng máy quay phim để ghi lại những ấn tượng về hình ảnh của bạn.

- Hãy mua máy quay phim, máy ghi hình và tự sáng tạo những bộ phim về các hoạt động diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.

- Xem các bộ phim và chương trình vô tuyền truyền hình, đồng thời để ý tìm hiểu cách sử dụng ánh sáng, cách di chuyển máy quay, cách bố trí màu sắc và các thành phần khác có liên quan đến quá trình tạo dựng hình ảnh.

- Bạn thử trang trí lại bên trong hoặc làm đẹp lại phong cảnh bên ngoài ngôi nhà của bạn.

- Hãy tạo ra một thư viện cá nhân để lưu lại những hình ảnh mà bạn yêu thích khi xem báo, tạp chí.

- Học và rèn luyện những kỹ năng định hướng trong các cuộc dã ngoại.

- Nghiên cứu về môn hình học.

- Tham gia các lớp học vẽ, điêu khắc, học tô màu, chụp ảnh, quay phim, thiết kế đồ họa hoặc một vài lớp học nghệ thuật về hình họa khác tại các trường đại học hoặc những trung tâm hướng nghiệp ở địa phương mà bạn đang sinh sống. Học một ngoại ngữ mang tính tượng hình nào đó, chẳng hạn như tiếng Trung Quốc.

- Hãy sử dụng các ý tưởng, tư duy không gian ba chiều của bạn vào công việc sáng tạo hoặc vào các dự án khác.

- Học cách sử dụng và diễn đạt bằng hệ thống các biểu đồ, cấu trúc hình cây, các sơ đồ và những kiểu cấu trúc biểu đạt bằng hình ảnh khác.

- Mua một quyển từ điển bằng hình ảnh và sử dụng nó để tìm hiểu xem các thiết bị máy móc thông thường và các đối tượng khác hoạt động như thế nào

- Hãy thử khám phá khoảng không xung quanh bạn bằng cách bịt mắt lại và để một người khác hướng dẫn bạn đi quanh ngôi nhà hoặc khoảng sân của nhà bạn.

- Luyện tập cách tìm kiếm, phát hiện ra những hình ảnh và cảnh tượng trong các đám mây, từ những vết nứt trên tường hoặc trong những bối cảnh nhân tạo hay tự nhiên tương tự khác.

- Tập phát triển kỹ năng sử dụng hình ảnh và biểu tượng để ghi lại những điều cần lưu giữ (sử dụng các mũi tên, vòng tròn, các hình sao, hình xoắn ốc, các mã màu, những bức tranh và các kiểu tượng hình khác).

- Gặp gỡ các kỹ sư cơ khí, kiến trúc sư, họa sỹ hoặc nhà thiết kế để xem cách họ vận dụng khả năng không gian trong công việc của họ như thế nào.

- Dành một khoảng thời gian nhất định để tham gia thực hiện các hoạt động nghệ thuật cùng với gia đình hay bạn bè.

- Hãy nghiên cứu, khảo sát bản đồ về thị trấn và đất nước bạn, sơ đồ các tầng trong nhà bạn và các hệ thống mô tả hình ảnh khác.

- Xây dựng các cấu trúc, hình khối khác nhau bằng cách sử dụng bộ đồ chơi xếp hình, các loại đất nặn, các khối không gian hoặc các vật thể lắp ráp khác trong không gian.

- Nghiên cứu về các hiện tượng gây ảo giác quang học (thường có trong sách đố vui, tại các bảo tàng khoa học hay trong các thứ đồ chơi gây ảo giác thị giác...).

- Bạn hãy thuê, mượn hoặc mua các băng video có tên “Hướng dẫn thực hiện” mô tả những khu vực đặc biệt mà bạn quan tâm, yêu thích.

- Hãy phối hợp với người khác để vẽ, chụp ảnh và lập ra những biểu đồ trong các văn bản, các dự án và trong các buổi trình diễn, giới thiệu một vấn đề nào đó.