Angiêlic và tình yêu

Chương 6

 Một ngày mùa đông, giữa lúc Angiêlíc đang nhìn mưa rơi qua cửa sổ, cô ngạc nhiên thấy một đoàn người, ngựa và những cỗ xe phóng nhanh trên con đường lầy lội dẫn đến cầu treo vào toà lâu đài.

Những người đánh xe ngựa từ trên chỗ ngồi cao nhảy xuống đất để dẫn các cỗ xe đi qua cái cổng hẹp. Angiêlíc đi như chạy xuống các bậc cầu thanh từ trên thap cao. Cô tới cổng đúng vào lúc một vị quý tộc ăn mặc lộng lẫy vừa giẫm phải phân ngựa ở sân và đánh rơi xuống đất cái mũ có cắm lông chim, khiến ông tức giận lấy gậy chống nện mạnh vào lưng anh người hầu kèm theo một tràng chửi rủa.

Nhảy từ viên đá lát này sang viên đá khác trên mũi giày, nhà quí tộc cuối cùng đã vào tránh mưa ở phòng đợi của lâu đài, tại đó Angiêlíc và mấy đứa em trai và gái đang tròn mắt nhìn ông ta.

Đi theo ông là một thanh niên độ mười lăm tuổi, ăn mặc cũng sang trọng như bố. ông khách mới đến nhìn thấy Angiêlíc liền kêu lên:

- Trời ơi, cháu này thật giống như đúc cô em họ Xăngxê của tôi, khi tôi dự đám cưới của cô ở Poachiê hồi nào! Này cháu bé, cho ông bác già của cháu hôn một cái nào!

Ông nhấc bổng cô bé và hôn cô thân mật. Khi được đặt xuống đất, Angiêlíc hắt hơi liền hai cái, vì quần áo ông khách sực nức mùi nước hoa thơm hắc.

Cô bé nhún chân cúi chào một cách dễ thương: cô vừa mới nhận ra ông khách chính là Hầu tước Plexi Belie. Rồi cô tiến lại để hôn người anh họ trẻ, cậu Philíp. Anh chàng này lùi lại một bước và đưa mắt kinh hãi nhìn ông Hầu tước:

- Cha ơi, có thật là con có nhiệm vụ hôn cái cô…cô thiếu nữ này không ạ?

- Ồ có chứ, dĩ nhiên rồi, anh chàng non dại ạ. Hãy hái lấy những búp hồng khi nào có dịp!- Nhà quý tộc nói to và cười phá lên.

Chàng thanh niên thận trọng đặt môi vào đôi má tròn của Angiêlíc, rồi rút ra từ túi áo trên ngực một chiếc mùi xoa thêu thơm phức, phe phẩy trước mặt tựa như để xua ruồi.

Nam tước Ắcmăng, người lấm bùn bê bết, chạy vội đến:

-Ngài Hầu tước Plexi của tôi, thật bất ngờ làm sao! Thế sao ông không biên thư cho tôi biết trước là sẽ đến chơi?

- Nói thật ra, ông em họ tôi ạ, trước tôi định đi thẳng về nhà mình ở Plexi kia- nhưng chuyến đi này có hơi trục trặc: một cái trục cỗ xe bị gãy khi tới gần Nơsô. Phải mất thì giờ sửa. Trời sắp tối mà chúng tôi đã bị cóng. Đi ngang qua khu lâu đài này, tôi nảy ra ý muốn xin ông cho ngủ trọ, chẳng cần lễ nghi phiền toái gì. Chúng tôi đã mang theo giường và đủ quần áo; bọn người nhà chúng tôi sẽ đem đặt vào bất kì phòng nào mà ông chỉ cho chúng. Như vậy, chúng ta sẽ có dịp hàn huyên vui vẻ với nhau, đỡ lãng phí thì giờ. Philíp, con hãy chào ông chú Xăngxê cùng các cô, các cậu con thừa tự đáng yêu của ông đi.

Theo lời bố, cậu thanh niên xinh trai bước lại, nhẫn nhục cúi thấp cái đầu dẹp xuống chào con người có dáng dấp nông dân đứng trước mặt. Rồi cậu ngoan ngoãn tiếp tục đến hôn lên những cái má nhọ tròn phính của mấy đứa em họ nhỏ. Sau đó cậu ta lại rút chiếc mùi xoa thêu ra hít hít với vẻ kiêu kì.

- Thằng con trai tôi là chàng ngốc nghếch tập sự chốn cung đình, chưa quen sống ở nông thôn- ông Hầu tước giải thích- hắn chỉ thạo gẩy đàn ghi ta. Tôi đã xin cho hắn chân tuỳ tùng tiếp cận Ngài giáo chủ Madaranh…

Angiêlíc chú ý tới con mắt khinh thường của người anh họ trẻ khi nhìn cái phòng khách tối và cũ kỹ. Đôi mắt của công tử Philíp Plexi mày xanh trong nhưng lạnh như thép- Cái nhìn khinh khỉnh ấy lướt qua những tấm thảm bạc màu, ngọn lửa hắt hiu trong lò sưởi, và ngay cả trên người ông nội già của cô với kiểu cổ áo tròn lỗi thời. Rồi cậu ta quay nhìn ra cửa, đôi mi thanh tú mở to hơn, trong khi đôi môi hé mỉm cười hơi chế riễu.

Bà Nam tước Xăngxê đang bước vào, cùng đi có Oóctăngxơ và hai bà cô. Tất cả đều mặc bộ áo đẹp nhất của mình; mặc dù vậy cậu thanh niên chắc vẫn cho họ là hơi ngố, vì thấy cậu ta khúc khích cười kiểu cách sau chiếc mùi xoa.

Angiêlíc không thể nào rời mắt khỏi cậu ta, điên người muốn nhảy bổ tới cào vào mặt hắn. Làm như kẻ nực cười nhất không phải là chính hắn ta! Nào là những hàng đăng ten, dải lụa lòng thòng trên hai vai, nào là những ống tay áo xẻ dọc từ nách đến cổ tay, để khoe thứ vải áo sơ mi sang trọng!

Bố cậu ta cúi mình chào các bà, quét cái mũ lông chim cong cong xinh đẹp trên mũ xuống sàn đá.

Bà cô Puynsêri luôn niềm nở, đề nghị:

- Xin mời các vị uống cái gì một chút cho đỡ khát. Rượu táo hay sữa chua ạ? Rõ ràng các vị vừa đi một chặng đường dài.

- Cám ơn các bà. Được một cốc rượu nho pha chút nước lạnh thì tốt quá.

- Rượu nho không còn_ ông Nam tước nói- nhưng chúng tôi sẽ cho người đến vay ở chỗ ông linh mục.

Ông Hầu tước ngồi xuống, rồi vừa mân mê cái gậy chống bằng gỗ mun buộc dây xa tanh, ông vừa kể chuyện mình đã đi thằng từ Xanh Giécmanh đến đây ra sao; một lần nữa ông xin lỗi vì y phục quá xuyềnh xoàng.

“Nếu ăn mặc sang trọng đến đây, không hiểu họ còn thế nào nữa?”- Angiêlíc tự hỏi.

- Các vị có biết rằng hiện nay nhà vua đang ở Xanh Giécmanh không?- ông Hầu tước hỏi.

- Thật vậy ư?- Nam tước Xăngxê nói- vì sao lại có tin đặc biệt ấy?

- Còn vì sao nữa, ông bạn thân mến, vì cuộc chính biến La”Frôngđờ” đấy.

Nghe danh từ lạ tai, ông Ắcmăng Xăngxê và cụ Nam tước tự hỏi liệu ông Hầu tước thích gẫu chuyện này có riễu mình không, vì thường ngày ông ta thích bông lơn. Vị khách nói:

- Cái mà ở triều đình người ta gọi là La Frôngđờ thật sự là cuộc nổi dậy của nghị viện Pari chống nhà Vua. Chắc các vị chưa từng nghe câu chuyện lạ như vậy? Cách đây mấy tháng, các vị mũ cao áo dài đó đã lời qua tiếng lại với Thái hậu nhiếp chính và giáo chủ người Italia của Ngài, chỉ vì vấn đề thuế má, mà nó chẳng hề đụng chạm tới những đặc quyền của bản thân họ. Nhưng họ lại làm ra vẻ bênh vực cho dân chúng. Thế là bên này tiếp tục chỉ trích bên nọ. Và Ngài nhiếp chính bắt đầu nổi nóng. Chắc chắc các vị có nghe đến vụ náo động tháng tư vừa qua?

- Cũng lơ mơ thôi.

- Rối ren nổ ra là hậu quả vụ bắt gian ông Brouxen. Ông này là thành viên của Nghị viện. Ngài nhiếp chính hạ lệnh bắt ông ta vào một buổi sáng sớm, khi ông ta đang uống thuốc. Dân chúng bất bình bắt đầu dựng vật chướng ngại khắp các phố Pari.

- Thế Thái hậu và nhà Vua nhỏ tuổi ra sao?

- Thái hậu đã dành cho các ngài trong Nghị viện một cuộc đón tiếp đầy sự khinh miệt, nhưng rồi cũng có nhượng bộ. Tuy vậy từ đó đến nay, những tranh chấp vẫn chưa chấm dứt, chưa có hoà giải. Giông tố âm ỉ một thời gian rồi bùng lên. Các quý ngài trong Nghị viện từ lâu đã cảm thấy là có nguy cơ Thái hậu sẽ đưa đức Vua trẻ ra ngoài Pari, vì vậy đã ba lần họ kéo cả đoàn người vào cung lúc đêm, viện cớ muốn được chiêm ngưỡng Mặt rồng xinh đẹp đang yên giấc, thật ra để kiểm tra xem Vua có còn ở trong cung không. Nhưng vị Thái hậu gốc Tây Ban Nha và ngài giáo chủ người Italia cũng tinh khôn chứ. Đến đêm thứ 12, vào lúc các vương hầu chúng tôi đang yến tiệc và nâng cốc vui vẻ trong cung điện giữa đêm khuya, thì tôi và nhiều vị khác nhận được lệnh phải tập hợp ngay bầu đoàn thê tử và ngựa xe để ra ngọai thành Pari. Đến đấy, lại có lệnh đi tiếp đến Xanh Giécmanh. Tại đây tôi thấy đã có Thái hậu cùng hai vị con trai của Ngài, cùng cả đoàn tuỳ tùng bảo vệ, quanh đó các vương hầu và phu nhân lá ngọc cành vàng nằm la liệt trên sàn trải rơm trong toà lâu đài cổ trống tuyềnh trống toàng. Ngài Mađơranh cũng đến. Từ ngày đó, Pari đã bị Hoàng thân Côngđê bao vây, ông hoàng này nắm quỳên chỉ huy quân đội nhà Vua. Bên trong thủ đô, Nghị viện vẫn còn giương cao lá cờ nổi dậy, nhưng họ không thoải mái chút nào. Vị trợ lý tổng giám mục của Pari, Hoàng thân Côngti, một người lăm le thế chân chức vụ của ngài Mađơranh, đã đứng về phía những người nổi dậy. Còn tôi thì tôi theo ngài Hoàng thân Côngđê.

- Tôi hài lòng thấy Ngài ủng hộ đức Vua- cụ Nam tước già thở dài- thời Đức Vua Angri không đời nào có chuyện rối loạn như vậy được. Nghị viện và các hoàng thân mà lại nổi dậy chống Đức Vua nước Pháp…

Angiêlíc thấy ông Hầu tước dễ thương, mặc dù hơi kể cả. Nhưng câu chuyện của ông cuốn hút cô hoàn toàn. Dường như toà lâu đài cô ở Môngtơlu đang ngủ say bỗng bừng tỉnh, và mở rộng những cánh cửa nặng nề ra một thế giới mới lạ tràn đầy sức sống.

Anh con trai ông Hầu tước, ngược lại, mỗi lúc một tỏ ra cau có. Ngồi cứng đờ trên ghế tựa, với mớ tóc quăn đẹp xoã đều đặn xuống cổ áo viền đăng ten, cậu ta đưa mắt hãi hùng nhìn hai anh em Giôxơlanh và Gôngtơrăng đang cường điệu thêm cung cách cẩu thả của mình, thậm chí lấy ngón tay ngoáy lỗ mũi và gãy đầu xồn xột. Những trò hề của hai anh em làm Angiêlíc kinh ngạc; cô bỗng cảm thấy khó chịu và buồn nôn. Trước đây ít lâu cô đã hơi khó ở và có lúc đau bụng. Tối nay, do ảnh hưởng những cảm xúc bất thường mà cuộc viếng thăm của những người khách đặc biệt gợi lên, cô thấy rõ mình sắp ốm thật sự. Vì vậy cô không nói câu nào, chỉ ngồi yên trên ghế tựa. Mỗi khi nhìn cậu anh họ Philíp, cô thấy nghèn nghẹn ở cổ họng, vì khinh ghét hay vì khâm phục, cô không rõ lắm. Chưa bao giờ cô từng gặp một thanh niên xinh trai nhường ấy.

Mớ tóc quăn óng mượt như tơ rủ trên trán cậu ta có màu vàng rực mà tóc của chính Angiêlíc cũng phải thua kém. Khuôn mặt có những đường nét rất đẹp. Cái áo vét tông dạ tốt màu tro, điểm thêm những dải lụa xanh và đăng ten, rất hợp với nước da trắng hồng của cậu. Đúng là người ta dễ lầm cậu là con gái, nếu như trong ánh mắt cậu không có cái vẻ nghiêm khắc, không có chút gì là phụ nữ.

Anh thanh niên có mặt làm cho buổi tối và bữa ăn trở thành một cuộc tra tấn đối với Angiêlíc. Trước mỗi thiếu sót của những người đầy tớ, và mỗi khi có cái gì kém tiện nghi, cô đều thấy chàng trai này nhìn chế riễu và mỉm nụ cười mỉa mia, như để nhấn mạnh thêm.

Khi xong bữa ăn mọi người rời khỏi bàn. Angiêlíc không ăn được chút gì vì chẳng còn bụng dạ nào. Cô ra khỏi phòng, không hiểu sao bỗng thấy ớn lạnh xương sống, muốn run lên. Những chuyện cô vừa nghe được vẫn quay cuồng trong đầu: Nhà Vua rời cung phải ngủ trên đệm rơm, nghị viện nổi loạn, các ngài đại quý tộc và kinh đô Pari, một thế giới đầy sức sống với bao nhiêu điều hấp dẫn. Liên tưởng số phận mình với tất cả những niềm phấn chấn, say mê đó, cô cảm thấy dường như mình đang bị chôn sâu dưới một cái hầm.

Bỗng nhiên cô lùi lại, nép mình vào một cái ngách cửa hành lang. Người anh họ Philíp đi qua mà không nhìn thấy cô. Cô nghe tiếng chân anh ta bước lên cầu thang, rồi tiếng anh gọi mấy người hầu đang dọn phòng cho chủ. Chàng thanh niên giận dữ nói to:

- Thật không thể tưởng tượng được. Các người không có ai nhớ đến việc mua nến dùng trong chặng đường cuối này. Lẽ ra phải thừa hiêủ chứ! Những người gọi là quý tộc ở cái xó xỉnh hẻo lánh này, họ có hơn gì những người nông dân mà họ cai quản đâu. Thế ít nhất các người cũng phải dùng nước nóng cho ta tắm rồi chứ?

Người đầy tớ trả lời câu gì Angiêlíc không nghe rõ-Philíp lại nói, giọng nhẫn nhục:

- À được thôi, ta phải lau rửa tạm trong chậu. May mà cụ Hầu tước đã cho biết rằng ở lâu đài Plexi nhà ta có hai bể tắm tậu ở Phlogăngxơ. Ta nóng ruột được về đến nhà sớm. Ta có cảm giác như cái mùi của lũ người trong gia đình Xăngxê này cứ bám riết lấy những lỗ mũi ta.

“Lần này hắn sẽ phải trả giá cho câu nói hỗn xược”- Angiêlíc nghĩ thầm.

Cô thấy rõ hắn lại trở xuống, nhờ ánh sáng một chiếc đèn lồng đặt trên bàn trong phòng đợi của khách. Đợi cho hắn đến thật gần, từ trong bóng tối của khúc cầu thang lượn vòng. Angiêlíc bất thình lình bước ra:

- Sao anh cả gan nói với bọn tôi tớ những lời hỗn láo về chúng tôi như vậy?- cô nói với giọng rành rọt, tiếng vang lên dưới vòm trần- Phải chăng anh đã mất hết phẩm giá của người quý tộc? Điều đó chắc chắn do nhà anh là dòng dõi người con hoang của một ông Vua, trái lại, chúng tôi thuộc dòng máu trong trắng.

- Phải dòng máu trong sạch chừng nào thì làn da lại bẩn thỉu chừng ấy- chàng thanh niên trả lời, lạnh như băng.

Nhảy lên bất thình lình, Angiêlíc chồm vào mặt hắn, những móng tay nhọn chìa hết ra. Nhưng cậu thanh niên túm chặt hai cổ tay cô bằng sức mạnh của một người lớn, và đẩy thật mạnh cho cô ngã đập lưng vào tường.

Đoạn hắn bước đi không chút vội vàng. Angiêlíc thấy choáng váng, tim đập thình thình. Một cảm giác hổ nhục và tuyệt vọng mà cô chưa từng biết, làm cô thấy nghẹn trong họng.

“Tôi căm ghét nó- cô tự nhủ- sẽ có ngày tôi trả thù này. Rồi nó sẽ phải cúi gập người trước mặt tôi, để xin lỗi”

Nhưng lúc này đây, cô chỉ là một cô gái nhỏ sống khốn khổ trong cảnh tối tăm của một lâu đài cổ lỗ ẩm ướt và lạnh lẽo.

Có tiếng kẹt cửa. Angiêlíc nhận ra dáng dấp đồ sộ của ông già Guyôm đang gánh hai xô nước đun sôi bốc hơi cho người quý tộc trẻ. Ông già dừng lại khi thấy cô.

- Ai đấy?

- Cháu đây- Angiêlíc trả lời bằng tiếng Đức.

Thường ngày, chỉ có một mình cô với người cựu binh già, cô vẫn dùng thứ tiếng mà chính ông đã dạy cô.

- Thế cháu đang làm gì ở đây?- ông già Guyôm hỏi, cũng bằng thứ tiếng đó- trời lạnh rồi sao cháu không vào phòng lớn mà nghe ông chú là Ngài Hầu tước kể chuyện?

- Cháu ghét bọn người đó!- Angiêlíc nói, mặt sa sầm - bọn họ hỗ xược và khác chúng ta nhiều quá!

- Có làm sao đâu, hả cô gái nhỏ- Bác lính già nói chậm rãi - chả lẽ cháu không thể gác bỏ ngoài tai được mấy câu đùa riễu của họ ư?

Cảm giác khó ở trong người của Angiêlíc càng rõ rệt hơn. Mồ hôi lạnh toát ra ở hai thái dương cô.

- Hãy nói cho cháu biết, bác Guyôm: bác sẽ làm gì, nếu gặp một kẻ vừa xấu xa, vừa hèn nhát?

- Câu hỏi thật kỳ lạ ở một đứa trẻ nhỏ! Nhưng cháu đã hỏi, thì bác cho rằng: phảo diệt kẻ xấu, và hãy tha cho những kẻ hèn nhát chạy đi.

Ông già nghĩ một lát rồi nói thêm:

- Nhưng cậu anh họ Philíp của cháu, đâu phải là người xấu hay hèn nhát? Chẳng qua còn quá non trẻ, thế thôi…

- À, ra cả bác nữa cũng bênh vực hắn!- Angiêlíc kêu to thật gay gắt. Phải, cả bác nữa! Bởi vì hắn tốt mã…, vì hắn giàu có.

Vị đắng ứa trên miệng cô. Cô bước lảo đảo, trượt ngã vào tường và ngất đi. Cơn đau ốm của Angiêlíc thật ra chỉ là một hiện tượng tự nhiên. Bà Nam tước Xăngxê khuyên giải cô bé: nay đã là một cô gái trẻ, rằng không phải lo sợ gì cả bởi vì những triệu chứng vừa qua từ nay hàng tháng sẽ lại có, cho đến khi thật lớn tuổi mới hết.

- Thế tháng nào con cũng sẽ bị ngất ư?

Angiêlíc ngạc nhiên hỏi mẹ, vì cô chưa bao giờ để ý thấy người phụ nữ nào ngất xỉu như mình.

- Không, ngất đi chỉ là một sự rủi ro. Con sẽ chóng khỏi và rồi sẽ quen đi thôi.

- Nhưng mà, đến khi già mới hết thì còn phải đợi biết bao lâu nữa!- cô bé thở dài- mà đến lúc già, con sẽ chẳng còn thích leo trèo lên cây nữa!

- Sắp tới con vẫn leo trèo cây được chứ?- bà Nam tước nói thế vì xưa nay bà vẫn rất tế nhị trong việc nuôi dạy con cái, bà dường như thông cảm với nỗi luyến tiếc của con gái- Nhưng con ạ, hãy nghĩ xem, quả đã đến lúc cần phải quên đi những cử chỉ không còn hợp với tuổi mình, với địa vị của con. Con là một tiểu thư quý phái kia mà.

Bà giảng giải thích thêm về niềm vui được làm mẹ khi có con, về gánh nặng đè lên vai người phụ nữ, về sự trừng phạt ban đầu của chúa đối với tội lỗi của bà mẹ chung cho mọi người, bà Eva.

“Đã nghèo khổ, đã chiến tranh loạn lạc còn đèo bòng thêm gánh nặng ấy nữa!”- Angiêlíc nghĩ thầm.

Nằm dài trong chăn, nghe tiếng mưa rơi, cô không khỏi cảm thấy ít nhiều thoải mái. Trong cùng một lúc cô thấy người mình vừa yếu đi, vừa lớn lên. Cô có ấn tượng nằm trên boong một con tàu đang rời xa một bến bờ quen thuộc và dong buồm thẳng tới số phận mới. Đôi lúc nghĩ đến Philíp, cô lại nghiến chặt răng.

Được cô Puynsêri đưa vào giường nằm để chăm sóc sau cơn ngất, cô đã không hay biết gì lúc bố con ông Hầu tước ra đi. Sau đó người ta cho cô biết những vị khách đã dừng lại không lâu ở Môngtơlu: công tử Philíp phàn nàn không ngủ say được vì giường có rệp.

- Thế còn đơn của tôi trình Đức Vua?- ông Nam tước hỏi ông anh họ hiển hách đang sắp trèo lên cỗ xe ngựa- Ông đã dâng đơn lên chưa?

- Tôi đã dâng lên Ngài rồi, ông bạn ạ. Nhưng theo tôi ông không nên nuôi hi vọng gì nhiều- Đức Vua thiếu niên hiện nay nghèo túng hơn cả ông đấy, thậm chí có thể nói Người chẳng có lấy một mái nhà.

Rồi ông nói thêm, khinh khỉnh:

- Nghe nói là ông hiện nay giải trí bằng cách chăn nuôi nhiều con la hảo hạng, phải không? Sao không bán đi một ít?

- Tôi sẽ suy nghĩ thêm về điều ông vừa gợi ý- Lần này ông Xăngxê thấy cũng nên mỉa mai một chút- chắc chắn đối với một người quý tộc thời bấy giờ, lao động còn tốt hơn trông chờ ở sự hào phóng của những người cùng đẳng cấp.

- Lao động! Phỉ phui! Cái từ ấy khó nghe làm sao!- ông Hầu tước vừa nói vừa phẩy tay, vẻ kiểu cách- thôi tạm biệt nhé, ông em họ của tôi. Hãy gửi các cậu trai của ông vào quân đội; và hãy cho những tên nhà quê lực lưỡng nhất của ông đăng lính vào trung đoàn của con trai tôi. Tạm biệt, xin gửi các vị một nghìn cái hôn.

Cỗ xe chuyển bánh sau khi lắc mạnh một cái, một bàn tay thanh nhã chìa ra cửa sổ vẫy vẫy. Sau đó không thấy các nhà quý tộc ở Plexi quay lại thăm viếng nữa. Người ta được tin rằng họ có mở một vài buổi hội hè, chiêu đãi; rồi sao đó họ đã quay về vùng Inlơ đờ Phrăngxơ với một đội quân mới toanh. Có mấy viên đội tuyển lính đã qua làng Môngtơlu. Tại lâu đài này anh chàng Giăng-Áo giáp và một người ở khác xin đi theo, vì ước mơ một tương lai vinh quang đang đón chờ những người lính trong đoàn kị binh của Đức Vua. U già Phăngtin nức nở khóc tiễn con trai lên đường.

- Nó đâu có phải đứa trẻ hư, vậy mà sẽ lại trở thành một tên lính già trác táng như ông lão này mất thôi!- bà nói với ông già Guyôm.

- Ấy, máu di truyền mà, mụ ạ. Thế cái ông mà người ra đồn là bố nó, chẳng phải là một lão lính già thập thành ư?