Anh Phát Bệnh Rồi... Em Đến Đây!

Chương 14: Bữa tối của đường tố

“Tôi về rồi đây!”

Đẩy cửa vào nhà, căn phòng sáng trưng.

Hứa Luật rất thích cảm giác này, là hơi ấm gia đình, bây giờ cô mới cảm thấy có người ở chung nhà cũng rất vui.

“Meoooo ….”

Arthur vô cùng phấn khích khi thấy Hứa Luật. Nữ vương Agatha đang quẩn chân Đường Tố, miễn cưỡng ngẩng đầu nhìn cô một cái. Allen và Queen thì cuộn người trên ghế sofa. Queen cũng đã dần quen thuộc hoàn cảnh mới.

“Mèo ú …”, Hứa Luật ôm lấy Arthur nhìn gương mặt ú na ú nần của nó, nỗi buồn của cô mau chóng tan thành mây khói. Thuận miệng hỏi người đàn ông đang ngồi trên chiếc ghế tựa bên cạnh lò sưởi: “Anh ăn tối rồi chứ!”

Người đàn ông ngồi đó, bình tĩnh đáp lời: “Nếu cảm xúc cũng được coi là một loại thức ăn, thì tối nay tôi đã no chết rồi.”

Hả???

Nói tiếng Trung theo giọng Anh, nghe thật thánh thót và êm tai. Hứa Luật ngừng lại, suy nghĩ một chút … sau đó cô hỏi lại bằng giọng đầy nghi ngờ:

“Chưa ăn … sao???” Cô không thể xác định được, liếc nhìn đồng hồ đeo tay, đã gần 11 giờ rồi. Anh ấy cũng biết nấu cơm, sao lại để bụng đói đến lúc này.

“Y học chứng minh nếu khoảng cách giữa hai bữa cơm quá lâu là nguyên nhân chính dẫn đến kết sỏi trong cơ thể. Từ bữa trưa cho đến bây giờ đã qua hơn 10 tiếng 17 phút, khả năng kết sỏi rất lớn.”

Được rồi! Hiện tại đã có thể hoàn toàn xác định, Đường thiếu gia chưa ăn tối.

“Tại sao anh không tự nấu ăn?”

Đường Tố nói một cách rành mạch: “Người Trung Quốc có câu nói ‘Nhân vô tín bất lập’, tôi là người biết giữ lời hứa thôi.”

*Lời răn dạy của Khổng Tử: Không giữ chữ tín thì không tồn tại được trên đời

“Hả???”

“Đã giao kèo bữa ăn do cô phụ trách vậy tôi sẽ tuân thủ đến cùng.”

“…”

Hứa Luật lần đầu tiên mới biết câu nói ‘Nhân vô tín bất lập’ có thể áp dụng được trong trường hợp này, lại còn chính xác đến mức đó, cách nói chuyện như vậy dĩ nhiên cô chẳng còn gì để giải thích, đành ngượng ngùng xoa xoa đầu mũi: “Tôi … tôi đi nấu cơm cho anh!”

“Mì fillet cá!”, anh chọn món.

Hứa Luật không thèm quay đầu lại, đi nấu món fillet cá cho anh. Thích thì sao không tự làm mà ăn, ở đó mà đề với chả nghị.

Cô lấy con cá đông lạnh trong tủ, nấu một nồi canh cá đơn giản, ngâm mì, cuối cùng thêm vài cây cải.

‘Người này’ chỉ cần có cá là được.

Trong thời gian nấu canh cá, cô đi lấy thức ăn cho mèo. Tên Đường Tố này chưa ăn thì đừng mơ anh ấy cho bốn con mèo anh ghét cay ghét đắng đó ăn.

“Này, ăn đại đi, chứ món fillet cá phải dùng cá tươi mới ngon.”

Đường Tố ung dung thưởng thức bữa tối.

Hứa Luật khoanh tay đứng bên cạnh.

Dáng vẻ ăn cơm của Đường Tố khá tao nhã, rõ ràng chỉ có mỗi bát mì cá mà cô cảm giác anh ta đang tận hưởng một bữa tiệc xa hoa. Bởi vì vẫn chưa dùng quen đũa nên anh dùng nĩa, giống như đang ăn mì Ý, anh quấn sợi mì xung quanh chiếc nĩa rồi ưu nhã bỏ vào miệng.

Chỉ cần bữa ăn có cá, anh sẽ ăn sạch bách không còn lấy một miếng nhỏ.

Hứa Luật nhìn qua phong thái ăn uống của Đường Tố, cô đoán cũng còn lâu nên cô về phòng tắm rửa. Khi quay trở ra phòng khách đã thấy anh dùng bữa xong xuôi, đang ngồi trên ghế sofa, không biết đang xem gì đó.

“Anh đang …”, Hứa Luật bước tới, liếc nhìn đồ vật trong tay anh, là tư liệu nghiệm thi bên Cục cảnh sát, cô xin phép mang về làm dẫn chứng trong bài giảng. Giờ lên lớp ngày mai, cô dự tính sẽ lấy vụ án này làm ví dụ.

Đường Tố đặt bức ảnh chụp hiện trường xuống. Một bữa tối no nê khiến tâm trạng anh vui vẻ không ít, vì vậy anh có nhã ý đàm luận một số vấn đề, ví dụ như …

“Vụ này nhìn sơ là biết là do sơ sẩy mà ngã chết, cần gì phải điều tra? Pháp y và cảnh sát trong Cục không có đầu óc sao?”

“Là người mới khó tránh khỏi còn thiếu kinh nghiệm trong công việc.” Hứa Luật nhìn anh đầy hứng thú, “Làm sao anh biết?”. Cô muốn nghe ý kiến của anh một chút.

“Đầu tiên, thí dụ cô là nạn nhân, nếu đầu chịu lực tác động, theo bản năng cô sẽ làm gì?”

Hứa Luật nghĩ ngợi một lúc, lấy hai tay ôm đầu.

“Bảo về phần đầu là hành động theo bản năng. Với động tác này sẽ khiến tay của nạn nhân hoặc là bị thương hoặc là chảy máu do sự tấn công của hung thủ”, Đường Tố chỉ vào tấm ảnh đầu tiên trên người nạn nhân, “Nhưng ở đây không có vết thương, cũng không có vết máu.”

Không sai!

Hứa Luật hai mắt sáng rỡ, sau đó cô kiểm tra lại thi thể người chết, đúng là như vậy, nhưng cô lại phát hiện thêm một điểm đáng ngờ: “Tuy nhiên trên bàn tay phải của nạn nhân có vết trầy, điều này giải thích thế nào?”

Bởi vì cô không phải là người đầu tiên tiếp xúc thi thể nên một số manh mối cô không nắm rõ.

“Nạn nhân vừa mới thất nghiệp, sau khi uống rượu giải sầu với bạn về nhà mới phát hiện không mang theo chìa khóa. Vì vậy nạn nhân leo tường để lên lầu hai. Do uống quá chén nên bước chân liêu xiêu, không vững, mới bị trượt chân. Trước khi ngã, nạn nhân cố gắng bám vào bệ cửa sổ nhưng vẫn không thành công …

Nếu tiến hành lấy dấu vân tay trên bệ cửa sổ, sẽ phát hiện ra là vân bàn tay phải của nạn nhân, bàn tay hướng vào phía trong.

Mũi giày bên trái của nạn nhân cũng có vết xước do va đập vào vật cứng, trên tường cách bệ cửa sổ nửa mét hướng xuống dưới có thể tìm thấy dấu vết ma sát này.

Phía đầu tường có thể tìm thấy dấu giày, qua giám định sẽ phát hiện lực giẫm khá mạnh. Đặc biệt là nửa thân trước, sau khi so sánh sẽ có kết luận là chiếc giày phía bên phải.

Đường Tố ngồi nhàn nhã trên chiếc sofa, vắt chân hình chữ ngũ, hai tay đan vào nhau, hai ngón trỏ đâu đầu vào nhau gõ gõ theo nhịp, sau cùng đưa ra kết luận: “Xem ra không chỉ bên pháp y không có đầu óc mà ngay cả bên giám định cũng vậy.”

Ngoài bộ phận pháp y, nhân viên phòng giám chứng cũng trở thành những kẻ ngu si trong con mắt của Giáo sư Đường.

Hứa Luật nghẹn họng, không cách nào phản bác.

Mặc dù nhân viên phòng giám chứng làm việc qua loa, nhưng lỗi nặng nhất vẫn là do bên phòng pháp y. Việc pháp y hiện trường đưa ra nhận định về tình trạng tử vong của nạn nhân trực tiếp ảnh hưởng đến phương hướng điều tra, khiến nhân viên giám định không thể bắt tay vào tìm dấu vết chính xác.

Vì vậy vai trò của pháp y trong đội điều tra hình sự là vô cùng quan trọng.

Hứa Luật còn muốn đàm luận thêm vấn đề này với Đường Tố vì anh có những lý luận hết sức sắc bén, với những lời nhận định giống như anh thật sự từng có mặt tại hiện trường.

Nhưng Đường Tố đã đứng dậy, đi về phía cầu thang ném lại một câu: “Vụ án này hoàn toàn không cần phải động não nên tôi không có chút hứng thú bàn luận. Cô Hứa ngủ ngon!”

Hứa Luật: “…”

Cái tên này có lúc khiến người ta tức xịt khói.

-~--~--~--~--~--~--~-

Ngày hôm sau, chiều thứ 5, Hứa Luật lên lớp lần thứ hai, giảng đường vẫn chật ních người ngồi. Cô đưa vụ của Thẩm Mộng vào làm ví dụ.

“… trong công việc, kiêng kị nhất là có định kiến, làm việc không cẩn thận, không chú tâm”, Hứa Luật nghiêm túc, “Là một pháp y không được phép phán đoán theo chủ quan, chủ quan đưa ra ý kiến mà không nghĩ đến khả năng khác. Có chứng có cớ, một nghi ngờ nhỏ cũng phải bắt tay vào tra thật rõ ràng, mang lại sự trong sạch cho nạn nhân. Tôn trọng nạn nhân.

Các bạn phải biết chỉ một câu nói của các bạn hoặc một sơ suất nhỏ cũng dẫn đến án oan, án sai.

Chỉ vì sự bất cẩn của bạn, chỉ vì sự vô tâm của bạn mà phải trả một cái giá rất đắt, nghiêm trọng hơn đánh đổi bằng cả tính mạng, những chuyện này trong giới pháp y không phải chưa từng xảy ra. Năm 1992, tại California, Mỹ cũng xảy ra một vụ tương tự …”

Hứa Luật đưa ra thêm vài ví dụ về sự sơ suất trong công tác pháp y mà gây nên hậu quả nghiêm trọng.

Đối với Hứa Luật, trên phương diện kỹ thuật còn có thể lấy cần cù bù khả năng, nhưng thiếu mất y đức sẽ dẫn đến tai họa trí mạng.

Những lời nói của giáo viên đã dạy, trước nay cô vẫn ghi nhớ:

“Bác sĩ không có y đức còn đáng sợ hơn cả một sát thủ liên hoàn”

Pháp y cũng là bác sĩ.

Vì vậy, trong quá trình giảng bài, cô cũng không vội đề cập quá nhiều đến chuyên môn kỹ thuật, mà chú trọng đến tầm quan trọng của việc bồi dưỡng y đức.

“Ngay từ thời nhà Đương, danh y Tôn Tư Mạc đã đưa ra yêu cầu cho một người học y phải hội đủ ‘Tinh’ và ‘Thành’ …”

*Tinh: tinh thông, tỉ mỉ …

*Thành: thành thật, chân thành …

“Cô Hứa! Thật xin lỗi, phiền cô một chút”, đang giảng bài một nhóm người tiến đến cắt ngang lời Hứa Luật, “Có Triệu Lâm ở đây không? Triệu Lâm lớp ba, sinh viên năm hai, bạn cùng phòng với Dương Phỉ?”

Một nữ sinh vẻ mặt hoảng loạn rụt rè cất lời: “Là em … em đây!”

“Mời bạn ra đây một chút!”

Trong phòng học trở nên xôn xao, nhìn chủ nhiệm khoa cùng hai nhân viên cảnh sát.

“Chuyện gì vậy?”

“Sao cảnh sát ở đây?”

“Nghe nói từ hôm qua đã không thấy Dương Phỉ.”

“Không phải vừa mới kết giao với tên ngốc nào đó sao, ngày nào bạn bè cũng nhìn thấy cô ta tay trong tay với tên đó.”