Ba Ngày Ở Nước Tí Hon

Cả Vũ Trụ Trong Một Căn Phòng

Docsach24.com

- ôi sẽ kể cho các bạn nghe về một người đã sống cách đây gần một trăm năm. Ông ta leo dần lên bốn bậc dốc đứng, chậm chạp nhưng kiên tâm, và ông đã bước vào Phòng Nhận thức với tư cách người chiến thắng.

Tôi muốn kể chuyện ông ta, bởi vì con người ấy chẳng những đem lại vinh quang cho bản thân mình, cho cả loài người, mà còn đem lại vinh dự cho nước Tí hon chúng tôi nữa. Trong công trình nghiên cứu của ông, các số đã đóng góp một vai trò rất quan trọng.

Người ấy tên là Uyếc-banh Giăng Giô-dép Lơ-ve-ri-ê, ông là người Pháp.

Lơ-ve-ri-ê rất yêu các ngôi sao, các hành tinh và dĩ nhiên cũng rất yêu trái đất chúng ta. Và những người tí hon chúng tôi thì ông đặc biệt rất yêu mến. Bởi thế ông đã trở thành một nhà toán học vĩ đại.

Đối với ông, nhân chia những con số khổng lồ cũng dễ dàng như ta chơi bóng chuyền vậy. Ông sử dụng các chữ số thành thạo, dễ dàng hơn cả các nghệ sĩ tung hứng sử dụng mấy quả bóng.

Ngày đêm ông miệt mài ngồi trước bàn làm việc, tính tính toán toán rồi lại đi tới ống kính thiên văn quan sát các ngôi sao. Ông có thể quan sát như thế không biết mỏi.

Các bạn đã biết mọi cái đều bắt đầu từ quan sát. Đó chính là từ đầu tiên trong phương châm của chúng tôi. Nếu không quan sát thì sẽ chẳng nhìn thấy gì hết và sẽ chẳng có cái gì để suy nghĩ hết!

Lơ-ve-ri-ê đã quan sát các hành tinh, quan sát sự di chuyển của chúng, ông đặc biệt lưu ý đến tính chất kỳ quặc của một trong các hành tinh gọi là “Sao Thiên Vương”.

Chắc các bạn cũng biết, mọi hành tinh đều chuyển động xung quanh mặt trời, mỗi hành tinh theo một quĩ đạo riêng, giống như người đua mô-tô chạy trên đường băng sân vận động. Chúng đi đứng rất kỷ luật, không một hành tinh nào đi trệch khỏi con đường của nó hết. Cả sao Thủy là hành tinh gần mặt trời nhất, cả sao Kim chạy theo đường vòng thứ hai, cả hành tinh đi theo đường vòng thứ ba là trái đất ta, cũng đều như thế cả. Tất cả đều chuyển động theo quĩ đạo riêng của nó - cả sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ và cuối cùng là sao Thiên Vương đều như thế cả.

Vào thời Lơ-ve-ri-ê chưa ai biết có hành tinh nào khác nữa. Chính Lơ-ve-ri-ê cũng không biết. Nhưng có một điều làm ông ngạc nhiên. Tất cả các hành tinh đều chuyển động theo những quĩ đạo tính toán cho nó, tất cả các hành tinh đều tuân theo các định luật của bầu trời. Riêng có sao Thiên Vương lại không chịu phục tùng các định luật ấy. Sao Thiên Vương đi được một đoạn đường thì rẽ sang đường bên cạnh xa mặt trời hơn. Vì nó là hành tinh cuối cùng rồi cho nên có đi trệch ra đấy, nó cũng không đụng chạm ai cả.

Lơ-ve-ri-ê chăm chú nghiên cứu lại các bản ghi chép của các nhà bác học thời trước. Mọi người cũng đều đã nhận xét thấy hành vi kỳ quặc đó của sao Thiên Vương.

Và Lơ-ve-ri-ê bắt đầu suy nghĩ: vì lý do gì sao Thiên Vương lại không thích đi theo con đường của nó? Vì sao nó lại cứ cố đi trệch ra ngoài?

Docsach24.com

Mấy chú bé cắp cặp đến trường cũng thường làm như vậy. Đang cắm đầu cắm cổ đi dọc phố chính, bỗng rẽ ngang vào một cái ngõ. Thì ra chú bé rẽ vào đấy mua một que kem. Mua kem xong, chú bé lại chạy ra phố chính để đi đến trường. Que kem ngon miệng hấp dẫn chú bé, vì thế mà chú bé đã rời bỏ con đường đang đi.

Lơ-ve-ri-ê quả quyết rằng, có lẽ sao Thiên Vương cũng bị cái gì hấp dẫn chăng, nó đi rẽ sang một bên để kiếm que kem của nó chăng?

Các bạn đều biết, tất cả các hành tinh và mặt trời đều hút lẫn nhau. Ví thử không có sức hút của mặt trời thì trái đất của chúng ta đã bay rời xa khỏi mặt trời từ lâu rồi.

Hành tinh càng lớn thì sức hút của nó càng mạnh. Mặt trời lớn hơn nhiều so với tất cả các hành tinh gộp lại, cho nên nó không để các hành tinh chạy thoát khỏi tay nó.

Nhưng dĩ nhiên hành tinh càng xa thì mặt trời càng khó kéo nó về phía mình. Mà sao Thiên Vương thì các bạn đã biết đúng là hành tinh xa mặt trời nhất.

Lơ-ve-ri-ê suy nghĩ, suy nghĩ mãi và quyết đoán rằng: “Có lẽ sao Thiên Vương đã bị một hành tinh khác hút và hành tinh ta chưa biết này còn ở xa mặt trời hơn nữa? Tuy chưa ai biết hành tinh này nhưng nhất định phải có nó”.

Nhà bác học ngẫm nghĩ:

- “Hành tinh bí ẩn này khi đi ngang qua sao Thiên Vương sẽ hút nó và kéo nó lệch về phía mình. Lúc đó hai hành tinh đi sóng đôi nhau, giống như hai người chạy đua. Vào lúc này sức hút của hành tinh lạ kia trở nên mạnh hơn sức hút của mặt trời. Thế là sao Thiên Vương bị kéo lệch ra khỏi con đường nó đang đi. Nhưng tình hình này chỉ là tạm thời, vì mỗi hành tinh chuyển động với vận tốc riêng của mình. Chỉ cần sao Thiên Vương bứt lên trước là sức hút của hành tinh kia sẽ yếu đi, và “lực sĩ chạy đua” sao Thiên Vương lại trở về đường cũ”.

Khi Lơ-ve-ri-ê suy nghĩ xong, ông bắt tay vào tính toán.

Dự đoán một hành tinh mới thì chưa đủ, còn cần phải chứng minh quả thực có hành tinh ấy tồn tại. Lúc này không có những người tí hon chúng tôi thì không xong.

Nhà bác học đã làm việc miệt mài, ròng rã nhiều ngày tháng.

Chúng tôi ai nấy đều bồn chồn, xao xuyến: liệu ông có tính toán đúng không, làm sao tìm thấy hành tinh mới ở đâu? Thời ấy làm gì có máy tính. Nhà bác học đã viết hết hàng núi giấy. Ông mệt nhoài, nhưng ước muốn đạt mục đích và niềm tin vào sự suy nghĩ đúng đắn của mình đã thắng.

Lơ-vê-ri-ê đã tính xong. Giờ đây, ông biết rõ cần phải tìm hành tinh lạ ở đâu và vào lúc nào, ông còn tính được cả nó nặng hao nhiêu và cách xa mặt đất bao nhiêu, quĩ đạo của nó dài bao nhiêu và bao nhiêu thời gian để đi hết một vòng xung quanh mặt trời. Ông đã tính ra là một năm thì chẳng mùi mẽ gì. Phải mất một trăm sáu mươi lăm năm hành tinh này mới đi trọn một vòng xung quanh mặt trời. Nhà bác học biết tất cả những cái đó chính xác y như chính mắt ông nhìn thấy. Mà thực ra thì ông không hề ra khỏi bốn bức tường của căn phòng ông.

Khi Lơ-ve-ri-ê tính xong, ông liền gởi kết luận của mình đến đài quan trắc, ở đấy các nhà thiên văn hằng ngày đang theo dõi đường đi của các ngôi sao.

Người ta quay ống kính vào đúng nơi mà Lơ-ve-ri-ê đã chỉ định trên bầu trời, và vào đúng thời gian đã định người ta nhìn thấy một điểm sáng mới. Đó chính là hành tinh mà Lơ-ve-ri-ê đã tính được.

Thế là từ bây giờ người ta biết được xung quanh mặt trời không phải chỉ có bảy mà có tám hành tinh đang di chuyển.

Các nhà bác học gọi hành tinh thứ tám này là sao Hải Vương.

Nhà bác học người Anh là Péc-xi-van Lô-en cũng lại tính thêm được một hành tinh mới, hành tinh thứ chín, còn ở xa mặt trời hơn cả sao Hải Vương. Có điều là mãi nhiều năm sau các nhà thiên văn mới tìm ra hành tinh đó trên bầu trời.

Người ta gọi hành tinh mới này là sao Diêm Vương. Sao Diêm Vương phải mất gần hai trăm năm mươi năm mới quay hết vòng xung quanh mặt trời.

Có thể là sau sao Diêm Vương còn có một hành tinh nữa, hành tinh thứ mười cũng nên? Ai mà biết được? Chắc chắn rằng vinh dự khám phá ra hành tinh ấy sẽ thuộc về một người nào đó trong các bạn đây...

Vị bô lão thứ hai ngừng lời, nghiêng mình chào chúng tôi và ngồi xuống. Tiếp đó đến vị bô lão thứ ba đứng lên.

- Mời các bạn nhìn vào đây, - ông vừa nói vừa đưa tay chỉ bức tường thủy tinh. - Trước mắt các bạn là con đường Lý trí sáng suốt, ở đây, treo chân dung tất cả những ai đã từng leo bốn bậc thang lên tới Phòng Nhận thức.

Vị bô lão thứ ba ấn một cái nút bấm.

Các bức tường của Phòng Nhận thức bỗng tách ra và đồng thời lùi lại phía sau. Căn phòng cứ xa dần xa dần mãi. Các bô lão lùi về xa tít, trông nhỏ như những cái chấm và cuối cùng thì biến mất hẳn.