Ba Ngày Ở Nước Tí Hon

Con Đường Lý Trí Sáng Suốt

Docsach24.com

rước mắt chúng tôi là con đường Lý trí sáng suốt vô tận, chói lòa ánh sáng. Hai bên đường là một dãy dài tít tắp những chân dung các nhà toán học vĩ

đại, ở đây chẳng thiếu mặt một ai! Chúng tôi được thấy những cặp mắt thông minh, sắc sảo của những người đã đặt từng viên gạch xây nên Quốc gia Số học vĩ đại.

Chúng tôi bước đi giữa các vị ấy, tưởng như các chân dung đang mỉm cười và sắp cất tiếng nói với chúng tôi vậy.

Nhưng cái gì thế này nhỉ? Quả thực các vị đang mỉm cười. Quả thực các vị đang trò chuyện và giơ tay đón chúng tôi. Thì ra các chân dung vẫn sống!

Kìa, một vị đã rời khỏi cái khung ảnh chật chội, tiến lại về phía chúng tôi. Ông cụ có chòm râu bạc, mớ tóc quăn buộc chặt bằng một dải băng.

- Ác-si-mét đấy! - Ô-lếch đã nhận ra nhà toán học.

- Lạ thật! - Ta-nhi-a nói. - Ác-si-mét qua đời từ lâu rồi cơ mà?

- Đúng, ông qua đời đã hơn hai nghìn năm rồi! - Ô-lếch xác nhận.

- Các cháu lầm rồi, - Ác-si-mét mỉm cười đáp, - ta không chết. Hẳn các cháu muốn nói câu chuyện thảm thương: một tên lính La Mã hèn hạ đã đâm ta bằng một ngọn giáo chứ gì. Nó cũng tưởng là ta đã chết. Nhưng nó lầm to. Chỉ tiếc một điều là nó đã ngăn cản không cho ta giải xong bài toán đang vẽ trên cát thôi. Ta đã ngăn nó: “Đừng động đến hình vẽ của ta! Nhưng nó đã làm ngơ trước khoa học. Các cháu có biết tên cái thằng lính đốn mạt ấy là gì không?”.

- Chúng cháu không biết ạ! - Xê-va đáp.

- Ừ, cả ta cũng không biết tên nó nốt.

- Tóm lại, mọi người đều biết rất rõ các định luật Ác-si-mét. - Tôi nói.

- Ta rất mừng được nghe điều đó. - Ác-si-mét nghiêng mình nói. - Tuy vậy những điều ta khám phá được thực ra không phải là những định luật của ta, mà đó là những định luật vĩ đại của tự nhiên. Các định luật đó vốn tồn tại từ lâu, trước khi có ta. Từ xưa đến nay vẫn thế. Ta chỉ là người biết nhận ra các định luật đó thôi.

Giữa lúc ấy, Ta-nhi-a cứ chớp chớp mắt luôn, rồi cô bé rút khăn tay dụi mắt.

- Sao cháu khóc, cháu gái ngoan? - Ác-si-mét ân cần hỏi. - Hay là ta có điều gì làm cháu phải buồn phiền?

- Thưa, không! - Ta-nhi-a đáp. - Cháu bị một hạt cát bay vào mắt đấy ạ.

- Hạt cát thì việc quái gì! Chuyện vặt! - Xê-va nói, vẻ coi thường.

- Chuyện vặt à? - Ác-si-mét giận dữ. - Đừng hồ đồ. Phải suy nghĩ kỹ rồi hãy nói. Chính ta, suốt nhiều năm trong đời, ta đã để công nghiên cứu các hạt cát đấy.

- Những hạt cát bình thường ấy ạ? - Xê-va sửng sốt hỏi.

- Đúng là những hạt cát bình thường nhất. Ta đã dự định tính thử xem nếu chứa đầy vũ trụ bằng hạt cát, thứ cát bình thường vẫn thấy trên bãi biển, thì cần bao nhiêu hạt cát.

- Đếm làm sao được cơ chứ! - Xê-va xua tay. - Chắc chắn là vũ trụ có thể chứa một số lớn vô tận các hạt cát.

- Không phải thế đâu! Cháu diễn đạt sai rồi. - Nhà bác học cố ngắt lời Xê-va.

- Chắc cháu định nói: một số rất lớn chứ không phải lớn vô tận phải không? Hai chuyện khác hẳn nhau.

- Nhưng vũ trụ là lớn vô tận cơ mà! - Ta-nhi-a cũng tham gia tranh luận.

- Các cháu quên rằng người cổ đại chúng ta xưa kia hình dung vũ trụ khác bây giờ. - Ác-si-mét điềm đạm trả lời. - Thời đại ta, người ta quan niệm rằng trái đất đứng yên ở trung tâm Vũ trụ, còn mặt trời, các hành tinh và ngôi sao dính vào bầu trời như vào một cái vung khổng lồ thì quay xung quanh trái đất. Theo quan niệm ấy ta đã từng tính ra được con số khổng lồ các hạt cát kia và còn viết hẳn một tác phẩm bàn về vấn đề này nữa. Ta đặt tên cho tác phẩm ấy là “Bàn về cách tính số cát chứa trong vòm trời cao bất động”. Giá như được đem tác phẩm ấy cùng với bút tích của ta làm quà tặng các cháu thì ta sung sướng biết mấy, nhưng than ôi! Trong tay ta không còn bản nào nữa. Nếu sau này các cháu tìm đâu được thì ta sẽ rất vui lòng viết mấy chữ đề tặng ở đầu trang sách.

- Thế thì tuyệt quá! - Ta-nhi-a phấn khởi reo lên. - Cháu thích sưu tầm bút tích lắm! Cháu đã xin được chữ ký của I-u-ri Ga-ga-rin, rồi cả chữ ký của hai diễn viên điện ảnh là Ba-ta-lốp và Xa-môi-lô-va nữa. Nhưng còn bút tích của Ác-si-mét thì...! - Ta-nhi-a khoái chí, chớp chớp mắt.

- Ta vừa trông thấy hạt cát tự nó chảy ra khỏi mắt cháu rồi. - Ác-si-mét nói. - Thật là may...! Bây giờ thì ta xin lỗi các cháu, ta có việc bận. Có thể hôm nay ta sẽ tìm xong cái điểm mà bấy lâu nay ta vẫn cứ tìm hoài.

- Điểm gì cơ ạ? - Xê-va hỏi.

- Điểm tựa chứ điểm nữa. Chẳng là nếu ta tìm được một điểm tựa thì ta có thể bẩy tung được cả trái đất lên.

- Bằng cách nào ạ?

- Bằng đòn bẩy. Xưa kia, hồi ta sống ở thành phố quê hương Xi-ri-quy, ta đã nghĩ ra cái máy rất đơn giản ấy...

Nói xong Ác-si-mét vẫy tay tạm biệt chúng tôi rồi rảo bước. Chúng tôi lại đi tiếp.

Dọc đường chúng tôi gặp nhiều nhà toán học quen biết như E-ra-tô-xten với cái sàng nổi tiếng, rồi Ơ-clít, Pi-ta-go...

Chợt thấy hai người mặc những chiếc áo không tay kiểu cổ đang đi tới. Các vị đó đang trao đổi với nhau điều gì sôi nổi lắm. Các vị đã đến sát chúng tôi rồi đây.

Một người có mái tóc dài màu nhạt nói với chúng tôi:

- Xin phép được tự giới thiệu, ta là I-xắc Niu-tơn ở Kem-brít-giơ. Còn đây, - ông đưa tay trỏ người đi bên cạnh, - là Gốt-phơ-rít Vin-hem Lép-nít ở Lai-xích. Tuy ta là người Anh, ông là người Đức, nhưng chúng ta đã từng là bạn thân trọn đời.

- Ờ, chính thế! - Lép-nít xác nhận. - Vậy mà có những miệng lưỡi độc ác bảo rằng chúng ta là đối thủ của nhau. Hoàn toàn sai. Sự thực ta với tôn ông Niu-tơn đáng kính đây đã cùng nghiên cứu một vấn đề, tuy rằng lúc ấy không ai quen biết ai cả.

- Và hai người đã giải được bài toán cực kỳ quan trọng đó cùng một lúc!... - Niu-tơn vội nói.

- Xin tôn ông chớ khiêm nhường! - Lép-nít ngắt lời ông. - Tôn ông đã giải được bài toán đó sớm hơn tôi bảy năm kia mà.

- Có thể, thưa Gốt-phơ-rít tiên sinh kính mến, nhưng tiên sinh đã khám phá ra điều đó một cách hoàn toàn độc lập. - Đến lượt Niu-tơn ngắt lời Lép-nít.

- Thôi, cũng chẳng cần đi sâu vào chi tiết làm gì. Cứ cho rằng phát minh này là của hai chúng ta là xong. - Lép-nít kết luận.

- Thưa tôn ông Niu-tơn đáng kính và tiên sinh Lép-nít đáng kính! - Xê-va nói với hai vị. - Chẳng hay các ngài có thể vui lòng cho chúng cháu biết cái phát minh chung đó của các ngài chăng?

- Cho phép ta được trả lời các cháu bằng một câu hỏi. - Niu-tơn nói. - Các cháu đã đến phố Gương trong thành phố A-ra-ben-la chưa?

- Chúng cháu đã đến rồi ạ! - Xê-va láu táu trả lời. - Chúng cháu đáp ô-tô nữa là khác, ở đấy chúng cháu thấy cả người Tí Hon lẫn người Khổng Lồ.

- Đấy, - nhà bác học người Anh nói tiếp, - những người Tí Hon và người

Khổng Lồ ấy là do ta cùng với Lép-nit tiên sinh đây phát minh ra đấy.

- Ngài lại nói đùa rồi, tôn ông Niu-tơn! - Lép-nit cười phá lên. - Chúng ta chẳng phát minh ra người Tí Hon cũng như người Khổng Lồ nào cả. Chúng ta chỉ đưa ra khái niệm về các đại lượng vô cùng lớn và đại lượng vô cùng nhỏ thôi.

- Và chúng ta dạy người đời sử dụng các đại lượng ấy. - Niu-tơn kết luận. Câu chuyện bị cắt đứt bất ngờ vì có một ông đẫy đà, hồng hào đang đi lại.

Ông ta mặc một chiếc áo lụa ngắn tay kiểu cổ, viền đăng ten rất tinh xảo. Xê-va thốt lên:

- Nhất định là Pô-tôt trong “Ba người lính ngự lâm” rồi, không phải thế thì cứ đem đầu tớ đi mà chặt!

- Cậu điên đấy à? - Ta-nhi-a bực tức nói. - Lấy đâu ra lính ngự lâm ở nước Tí

Hon này?

- Không phải, ta không phải lính ngự lâm đâu, - người lạ mặt mỉm cười, - tuy rằng xưa kia ta cũng có quen biết Đác-ta-nhan! Ta cũng là người Pháp mà. Ta là Pi-e Phéc-ma.

- Ta có thể cam đoan với các cháu, - Niu-tơn nói, - rằng ông bạn Phéc-ma thân mến của chúng ta ấy là một trong những nhà bác học được yêu quý nhất và được kính trọng nhất ở nước Tí Hon.

- Điều đó cũng hoàn toàn dễ hiểu thôi, - Lép-nít bổ sung thêm, - bởi vì ông Phéc-ma đây là một trong những người sáng lập ra lý thuyết số. Nếu chú ý rằng quốc gia Số Học là đất nước của các số thì các cháu chắc sẽ hiểu ngay vì sao ông Phéc-ma đây được nổi tiếng đến thế.

Phéc-ma đưa tay lên bịt tai để pha trò:

- Chớ có trút tất cả vinh dự lên đầu một người như thế! Ngoài tôi ra còn có bao nhiều người góp sức xây dựng nên lý thuyết số nữa chứ. Chỉ cần nhắc tên tuổi của nhà bác học vĩ đại người Hy Lạp là Pi-ta-go, giáo sư Páp-nu-chi Lơ-vô- vít Trê-bư-sép ở Mát-xcơ-va hay những nhà bác học hậu sinh hơn nữa như các nhà toán học Xô viết Lép-ghen-ri-khô-vít Sni-ren-man, I-van Mát-vê-i-vít Vi- nô-gra-dốp… Vâng, tôi sẽ có thể kể tên hàng trăm nhà toán học như thế. Vậy mà các ngài lại gán tất cả công lao cho một mình tôi!

- Thế nhưng, thưa ông Phéc-ma thân mến, công lao của ông không ai có thể phủ nhận được.

Phéc-ma mỉm cười, vẻ khó hiểu và nói:

- Dù sao thì tôi cũng đã làm phiền người đời nhiều.

- Đúng, kể ra cũng phải công nhận ông có làm phiền người đời một chuyện thật! - Niu-tơn nhận xét

- Nhưng hình như không ai trong chúng tôi bác bỏ điều đó thì phải. - Lép-nít nói thêm.

- Thế cái điều phiền phức ấy thế nào cơ ạ? - Xê-va tò mò hỏi.

- Số là ông Phéc-ma có nhắc đến một định lý mà ông đã khám phá ra, nhưng cho đến nay đã ba trăm năm rồi mà chưa ai chứng minh nổi. - Niu-tơn trả lời.

- Người ta gọi định lý ấy là định lý lớn của Phéc-ma! - Lép-nít nói thêm.

- Ngài thật quá lời! Tôi chưa hề bao giờ gọi nó là định lý lớn cả, - Phéc-ma phản đối. - Tôi đã nảy ra cái ý đó khi tôi đọc bộ “Số học” tuyệt tác của Đi-ô- phăng thời cổ Hy Lạp. Một định lý rất là đơn giản.

- Một định lý đơn giản! - Nép-nít nói. - Ấy thế mà cho đến nay vẫn chưa ai chứng minh được đấy.

- Các ngài quên rằng, đối với một số trường hợp riêng thì đã có người chứng minh được rồi. - Phéc-ma nói.

- Tôi muốn nói là chưa ai chứng minh được đầy đủ định lý của ông. - Lép-nít trả lời.

- Thế chính ông, ông đã chứng minh được định lý này chưa ạ? - Xê-va vội hỏi Phéc-ma.

- Đừng hỏi ta thì hơn, chú bạn nhỏ ạ! - Nhà bác học buồn bã trả lời. - Ta đã chứng minh được định lý ấy rồi, nhưng... Mọi chuyện đều ở cái chữ “nhưng” gọn lỏn ấy cả. Ta đã ghi cách chứng minh ấy vào lề cuốn sách của Đi-ô-phăng, nhưng tờ ấy lại bị long ra và rơi đâu mất.

- Đấy, để sách hư nát có hại như thế đấy! - Niu-tơn giận dữ nói.

- Nhưng chắc ông vẫn còn nhớ cách chứng minh chứ? Ông cứ rỉ tai bảo cháu, cháu sẽ phổ biến cho. - Xê-va đề nghị.

Ba nhà bác học cười ngặt nghẽo, mãi không dứt. Cuối cùng Phéc-ma nói:

- Chú bé Ga-vrốt1 thân mến của ta ơi... Chẳng là ta chưa biết tên thật của chú là gì mà. Trước khi nghe cách chứng minh thì phải tìm hiểu định lý ấy chứ! Nhưng ta chỉ ngại, đối với chú tìm hiểu định lý ấy bây giờ là quá sớm. Tuy nhiên, nếu chú muốn thì chú cứ việc đến thư viện mượn sách mà tìm đọc định lý của ta. Cũng có thể, một lúc nào đó ta sẽ lộ cho chú biết điều bí mật ấy.

Thế rồi các nhà bác học chia tay chúng tôi theo nghi lễ rất trịnh trọng. Chúng tôi lại tiếp tục đi.

Một người phong cách đường hoàng, trên đầu mang một mớ tóc giả thoa phấn uốn nếp đang tiến về phía chúng tôi. Ông dắt một cụ già đầu đội chiếc mũ tròn nho nhỏ.

Người đeo tóc giả để cụ già đứng một nơi rồi đến gần chúng tôi và tự giới thiệu:

- Ta là Mi-khai-lô Lô-mô-nô-xốp, dân chài tỉnh Ác-khan-ghen. Rất hân hạnh được gặp các đồng bào của ta đến thăm xứ sở vĩ đại của các số. Các số chẳng những giúp ích vô kể mà còn đem lại cho con người niềm vui lớn lao... Thế cháu đã học được nhiều về môn khoa học số học chưa? - Mi-khai-lô Va-xi-lê-vít hỏi Xê-va.

- Cũng chưa được bao nhiêu ạ. - Xê-va thở dài, đáp. - Ôi! Cái môn khoa học số học ấy! Cháu chẳng làm thế nào học được. Môn ấy khó quá!

- Đúng, đó là một việc khó. - Lô-mô-nô-xốp trả lời. - Thế cháu tự mình nghiền ngẫm, suy nghĩ, tự học theo sách à?

- Không ạ! - Xê-va đáp. - Chúng cháu đến trường học, có thầy giáo dạy ạ.

- Chà, học ở trường cơ à? - Lô-mô-nô-xốp ngạc nhiên. - Thế mà vẫn khó ư? À, thôi ta hiểu rồi. Học thì ham, nhưng cháu không có đủ thời gian chứ gì? Chính xưa kia ta cũng giúp đỡ ông cụ thân sinh, phải quăng chài, kéo lưới vất vả lắm. Chà, khó khăn lắm mới học được đấy. Lại còn tiền học, không có nữa chứ. Ta rất hiểu cháu, chú bé ham học ạ!

- Bác lầm rồi, bác Mi-khai-lô Va-xi-lê-vít ạ! - Xê-va rụt rè nói. - Cháu có phải quăng chài đâu, và nói chung cháu cũng không phải mó tay vào việc gì trong nhà cả, ngay bánh mì cháu cũng chẳng phải đi mua. Mà bây giờ, đi học không mất tiền đâu...

Lô-mô-nô-xốp trầm ngâm suy nghĩ.

- Thế thì ta không hiểu nổi! - Ông nói. - Làm việc không phải làm, đi học không mất tiền mà cháu vẫn bảo học khoa học là khó. Lạ thật! Xưa kia ta phải tự học chữ và số học theo sách, mà cũng chỉ được học lúc rảnh rang thôi. Cuốn “Số học” của Mác-nhít-xki hay lắm! Năm mười chín tuổi ta mới lên Mát-xcơ- va. Ta phải đi bộ, tay nải khoác trên vai! Đấy, vào thời ta người nông dân phải vất vả như thế mới học được đấy.

- Ấy thế mà vào thời bác, học vẫn dễ hơn đấy, - Ta-nhi-a nói xen vào, - vì bác chỉ học có mỗi một môn số học thôi!

- Ai bảo cháu thế? - Lô-mô-nô-xốp bực tức nói. - Vào thời ta các nhà bác học trẻ tuổi quan tâm đến nhiều môn khoa học lắm: nào là hóa học, nào là vật lý học, nào là thiên văn học... Thôi, để ông bạn quý của ta xác nhận điều này. Xin giới thiệu với các cháu, viện sĩ hàn lâm Pê-téc-bua Lê-ô-na Ơ-le. - Lô-mô-nô- xốp dắt tay ông già đến chỗ chúng tôi.

Ơ-le mỉm cười, lơ đãng nhìn qua phía chúng tôi bằng cặp mắt bất động. Bấy giờ chúng tôi mói biết ông bị mù.

- Đúng, viện sĩ Lô-mô-nô-xốp nói rất đúng. - Ơ-le nói. - Xưa kia chúng ta học nhiều thứ lắm. Như ta chẳng hạn, hồi còn ở quê nhà tại Thụy Sỹ, ta đã từng nghiên cứu y học, rồi vật lý học... Mãi đến khi sang Nga ta mới chuyển hẳn về toán học. Tuy vậy ta vẫn ham thích thiên văn học, rồi tính cả số quân lính nữa. Trên đời có nhiều điều lý thú và bí ẩn mà cái gì ta cũng muốn tìm hiểu, cũng muốn khám phá! Mi-khai-lô Va-xi-lê-vít còn làm thơ nữa đấy.

- “Vực thẳm đầy sao, con người dù khám phá, Các ngôi sao nhiều vô số hằng hà

Và vực thẳm cũng sâu không có đáy!”

Ô-lếch đọc thuộc lòng ngay mấy câu thơ của Lô-mô-nô-xốp.

- Ta rất vui khi thấy cháu còn nhớ mấy câu thơ ấy! - Lô-mô-nô-xốp nói. - Ai dám bảo khoa học và nghệ thuật là hai chuyện khác hẳn nhau? Theo ý ta, muốn trở thành một nhà toán học giỏi thì phải có tâm hồn thi sĩ. Bà thấy thế nào. Xô- phi-a Va-xi-lép-na1? - ông quay sang hỏi một thiếu phụ còn trẻ và rất duyên dáng.

- Mi-khai-lô Va-xi-lê-vít, bao giờ bác nói chẳng đúng.

- Xô-phi-a Va-xi-lép-na ạ, bà hãy kể cho các cháu nghe do đâu mà bà đã ham mê toán học.

- Câu chuyện buồn cười lắm, ta biết kể lại thế nào đây, - Cô-va-lép-xcai-a lúng túng, - Hồi ta còn bé tý tẹo vì lý do gì ta cũng không nhớ nữa, trên vách tường của phòng của ta người ta không dán giấy bồi mà lại dán những tờ giấy tháo rời từ một cuốn sách. Đấy là một cuốn sách giáo khoa toán cao cấp. Suốt ngày trước mắt ta bày ra những chữ số, những dấu bí ẩn, những công thức... Ngày nào cũng trông thấy chúng, ta đâm ra say mê chúng và quyết định sẽ hiến thân cho toán học. Cho nên có thể nói ta là một nhà toán học “giấy bồi”!

- Xô-phi-a Va-xi-lép-na nói đùa đấy, các cháu ạ! - Lô-mô-nô-xốp nói. - Chứ xưa kia bà đã phải chịu đựng biết bao điều khổ nhục mới làm nên sự nghiệp! Thời ấy không ai muốn công nhận phụ nữ được quyền học tập, chứ đừng nói gì đến việc dạy người khác nữa! Đó là điều cấm phụ nữ.

- Thế nhưng nam giới cũng chẳng sung sướng gì. Có đúng thế không, bác Nhi-cô-lai I-va-nô-vít? - Xô-phi-a quay sang hỏi một ông dáng người mảnh khảnh mặc bộ áo trào vừa đi tới.

Đó là nhà toán học Lô-ba-xép-xki ở Ca-dan. Ông khoát tay:

- Thôi đừng nói cho thêm buồn! Thậm chí tôi cũng chẳng muốn nhắc đến tất cả những chuyện lố bịch mà bọn ngu dốt đã phao lên đối với các tác phẩm của tôi. Họ coi tôi là điên rồ!

Tôi bèn nói:

- Nhưng bây giờ thì bác có thể ăn mừng rồi. Các tác phẩm của bác ngày nay đã nổi danh toàn thế giới.

Lô-ba-sép-xki chỉ mỉm cười dè dặt.

Lúc ấy có một ông già, râu rậm bạc phơ, đi lại phía chúng tôi.

Mọi người cùng chúng tôi đứng thành hàng kính cẩn cúi chào ông cụ. Ông cụ tự giới thiệu:

- Ta là Páp-nu-chi Lơ-vô-vít Trê-bư-sép ở tỉnh Ca-lu-ga. Tôi thì thào với bọn trẻ:

- Páp-nu-chi Lơ-vô-vít mười sáu tuổi đã là sinh viên đại học, hai mươi lăm tuổi đã bảo vệ luận án tiến sĩ.

Trê-bư-sép thoáng nhăn mặt, ông đã nghe thấy hết, liền nói lảng sang chuyện khác:

- Cái áo của cháu may đẹp quá! - Ông nói với Ta-nhi-a. - Chắc ta chẳng may được đẹp như thế đâu.

- Sao ạ? - Ta-nhi-a sửng sốt. - Chẳng lẽ ông lại là thợ may ư? Trê-bư-sép cười rộ:

- Đúng thế! Ta chuyên cắt quần áo. Nghề chính của ta đấy.

- Đừng hiểu lầm điều đó theo nghĩa đen! - Một người vừa đến sau Trê-bư-sép nói với chúng tôi. - Xin được tự giới thiệu: ta là A-lếch-xan Mi-khai-lô-vit Li-a- pu-nốp. Ta biết rất rõ Páp-nu-chi Lơ-vô-vít, vì ta là học trò của cụ. Ta không học cụ nghề vá may, mà học toán.

- Ai dám bảo một nhà toán học không thể đồng thời là một người thợ may? - Trê-bư-sép nổi giận thốt lên.

- Để ta nói đầu đuôi cho các cháu nghe. - Li-a-pu-nốp ngắt lời ông cụ. - Giáo sư Trê-bư-sép đã dùng toán tìm ra cách cắt quần áo sao cho vừa người nhất và đẹp nhất. Đúng thế, dùng toán để cắt quần áo! Thế mới tuyệt chứ!

- Thế anh bảo ta không phải là thợ may à? - Trê-bư-sép phản đối.

- Dĩ nhiên thầy là thợ may nếu như không kể thầy đã viết hàng chục pho sách về nhiều ngành toán học!

- Các cháu đã có thì giờ đến thăm đại lộ số nguyên tố ở nước Tí Hon chưa? - Li-a-pu-nốp hỏi chúng tôi. - Rồi ư? Thế thì tốt lắm! Người thầy giáo thân yêu của ta đây là vị khách được tôn kính nhất ở đại lộ này đấy. Páp-nu-chi Lơ-vô-vít đã có công rất lớn làm cho việc tìm kiếm các nguyên tố được dễ dàng hơn. Cụ đã đạt được nhiều kết quả trong lĩnh vực này.

- Anh nói mà không biết ngượng ư? - Trê-bư-sép khẩn khoản nói. - Anh là học trò của ta. Thế ra ta dạy anh tâng bốc ta à? Các chú bé đồng bào của ta đây sẽ nghĩ về ta ra sao? Nếu họ thích chuyện này thì tự họ sẽ tìm sách của ta mà đọc.

- Thầy Páp-nu-chi Lơ-vô-vit kính mến, tôi vẫn biết thầy có tính đãng trí của nhà bác học mà! Mấy chú học sinh đáng yêu này làm sao đọc nổi một dòng trong sách của thầy cơ chứ. Họ đã học toán cao cấp đâu.

- Thế thì đã sao? - Páp-nu-chi Lơ-vô-vít đáp. - Rồi chẳng mấy chốc họ sẽ học xong trung học, rồi lên đại học, và lúc ấy thì...

Ý kiến này, chẳng ai phản đối được. Chúng tôi chia tay các nhà toán học rồi đi tiếp. Càng đi chúng tôi càng gặp nhiều nhà bác học.

Xung quanh chúng tôi đông nghịt người. Chúng tôi không kịp chào hỏi các vị nữa.

Trong đám đông có cả các thầy thuốc, các nhà vật lý, các nhà thiên văn, các nhà nông học, các nhà nghiên cứu văn học, các nhà sinh học, các nhà hóa học. Thì ra ngày nay không một khoa học nào không cần dùng đến toán học!

Tiếng ầm ì của động cơ máy bay, tiếng lạch cạch của các máy điều khiển, tiếng nổ của các phản ứng hạt nhân vang lên mỗi lúc một nhiều.

Bỗng nhiên chúng tôi nghe thấy một câu nhạc, cả thảy chỉ có mấy nốt nhạc thôi nhưng chúng tôi nhận ra ngay lập tức. Đấy là tín hiệu của chúng ta!

Trong nháy mắt một mũi tên dài sáng lấp lánh lao vút lên không trung, để lại đằng sau một cái đuôi lửa đỏ rực.

Docsach24.com

Liền đó nghe đài phát thanh báo tin: “Liên Xô đã phóng thêm một con tàu vũ trụ nữa...”.

Tiếng hoan hô vang dậy, át cả giọng nói của người phát thanh viên. Vì thế chúng ta không nghe rõ con tàu vũ trụ vừa phóng lên là con tàu số mấy nữa.

Có một tốp người đang đứng trên một ngọn đồi cao. Chắc hẳn đấy là những người đã chế tạo ra tên lửa.

Chúng tôi chen đám đông chạy lên để nhìn cho rõ mặt họ. Nhưng chúng tôi không làm được việc đó, bởi vì... bởi vì...

Chúng tôi vẫn đang ngồi trong vườn trường như cũ, quây quần quanh chiếc bàn lát bằng ván gỗ.

- Chuyện anh kể sao mà hay thế! - Ô-lếch đăm chiêu nói.

- Tất cả những chuyện ấy đều không có thật, phải không anh? - Xê-va thở dài. - Không có có bé Số Bốn cài nơ…

- Cũng không có nhảy múa trên băng? - Ta-nhi-a cướp lời.

- Không có cả phố Gương nữa... - Ô-lếch nói tiếp.

- Có thể là không có thật, mà cũng có thể là có thật... - Tôi đáp. - Các em hãy xem mảnh giấy này! Một trong những người mà các em vừa gặp đã nhờ anh gửi cho các em đấy.

- Lẽ nào lại như thế được nhỉ? - Bọn trẻ hồi hộp hỏi. - Anh đưa chúng em xem nào!

Tôi đặt lên bàn một mảnh giấy xé từ một quyển vở kẻ ô. Và bọn trẻ thấy trên đó viết dòng chữ của nhà toán học Nga vĩ đại Nhi-cô-lai I-va-nô-vit Lô-ba-sép- xki:

“Tất thảy mọi thứ trên đời đều có thể biểu diễn bằng những con số, chân lý ấy có lẽ không ai còn hoài nghi được nữa”.

Chú thích

1 Ga-vrốt là một nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của nhà đại văn hào Pháp Vích-to

Huy-gô - (ND).

1 Xô-phi-a Va-xi-lép-na Cô-va-lép-xcai-a, nữ giáo sư toán học Nga đầu tiên.

HẾT