Bách Khoa Thư Lịch Sử

Thành Rome (753–509 TCN)

THÀNH ROME (753–509 TCN)

Vào thời kỳ đầu, sống bao quanh thành Rome là người Etruscan, Samnite và các dân tộc khác. Người Hy Lạp và Phoenicia cũng có các thuộc địa ở trong và quanh Italia. Khi Rome bành trướng lãnh thổ, người Rome phải đánh bại các cộng đồng cổ hơn này.

Theo truyền thuyết, thành Rome (La Mã) do một bộ lạc địa phương đã dựng trại trên bảy quả đồi tại Rome lập nên vào năm 753 TCN.

Truyền thuyết kể rằng thành Rome thời kỳ đầu do các vua địa phương cai trị, đầu tiên là Romulus. Thị dân Rome gồm người Sabine và người Latium sống đoàn kết, cùng xem mình là người Rome. Họ chịu ảnh hưởng của người Etruscan láng giềng phương Bắc và của các thương gia từ Hy Lạp, Carthage, những người đã du nhập các tư tưởng mới về văn hóa, xã hội vào Rome.

Theo truyền thuyết, thành Rome do hai anh em sinh đôi Romulus và Remus, cháu nội vua Numitor, sáng lập. Người em trai Amulius độc ác của vua Numitor đã đặt hai đứa trẻ vào giỏ và đem thả trôi sông Tiber. Tuy nhiên, chúng lại được một con sói cái cứu sống và cho bú mớm. Lớn lên hai anh em sáng lập thành Rome, nhưng rồi bất hòa với nhau và người em Remus bị giết. Romulus trở thành ông vua đầu tiên của La Mã.

NGƯỜI ETRURIA

Người Etruria sống trong một quần thể các thị quốc được cho là xuất hiện vào khoảng năm 800 TCN; vương quốc của họ gọi là Etruria. Họ là nông dân, thợ kim khí, thủy thủ và thương gia, họ thích âm nhạc, chơi bài và các trò thi đấu. Họ chịu ảnh hưởng rất lớn của người Hy Lạp: dùng bảng chữ cái Hy Lạp, mặc áo himaton (một loại áo choàng của người Hy Lạp) và tin vào các vị thần của họ. Nhiều tập quán Hy Lạp được truyền bá cho người Rome và người Rome đã phát triển nền văn hóa mang phong cách Hy Lạp lên tột đỉnh.

Chiếc quách hình một đôi vợ chồng người Etruscan này được làm vào khoảng năm 510 TCN. Trong xã hội Etruscan, phụ nữ có địa vị cao hơn so với trong xã hội Hy Lạp hoặc La Mã.

CÁC VỊ VUA LA MÃ

Các vị vua La Mã mặc toga (áo choàng dài của đàn ông La Mã cổ đại) có viền màu đỏ tía. Thường trong các đám rước, đi trước nhà vua là những người giương một chiếc fasces (bó gậy thò ra một lưỡi rìu) - biểu tượng sức mạnh quyền lực của nhà vua đối với mọi thần dân.

Theo truyền thuyết, có bảy vị vua đã trị vì La Mã liên tiếp trong vòng 240 năm. Các vị vua này không có quyền lực tuyệt đối mà phải cạnh tranh với một hội đồng quý tộc ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn.

Hội đồng quý tộc có tiếng nói trong việc bầu chọn nhà vua và về các quyền hạn của vua, nhất là khi có chiến tranh. Nhà vua thành lập quân đội để bảo vệ thành Rome. Có khi nổ ra tranh cãi giữa vua và các nhà quý tộc thuộc những dòng họ thanh thế hàng đầu. Nhà vua thường đại diện cho lề thói cũ, trong khi đó thành Rome lại biến chuyển không ngừng. Cuối cùng, tầng lớp quý tộc tinh hoa mới đã lật đổ chế độ quân chủ vào năm 509 TCN và tuyên bố La Mã là một nước cộng hòa. Đây là nền cộng hòa đầu tiên trong lịch sử thế giới. Lúc đầu, người Rome không có ý định trở thành một thế lực đế quốc lớn mà chỉ tự vệ và đánh đuổi các láng giềng nhòm ngó. Tuy nhiên, trong vòng 500 năm, La Mã đã trở thành trung tâm của thế giới phương Tây, chiếm vị thế của người Hy Lạp.

Chiếc fasces là biểu tượng quyền lực ở La Mã. Bó gậy tượng trưng cho sự trừng phạt còn lưỡi rìu biểu trưng cho sự sống và cái chết.

CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

800 TCN Nền văn minh Etruscan xuất hiện

753 TCN Tương truyền là khoảng thời gian thiết lập thành Rome

509 TCN Cộng hòa La Mã được thành lập

400 TCN Vương quốc Etruria suy vong

Ngôi mộ được trang trí này của người Etruscan ở Tarquinia có từ khoảng năm 500 TCN cho thấy ảnh hưởng của Hy Lạp đối với người Etruscan. Nó được gọi là “Mộ các Quan Chiêm bốc”.