Bài học Israel

PHỤ LỤC II (B)

Docsach24.com

Cuộc chiến

 

 

Có thể chia làm ba giai đoạn.

- Giai đoạn đầu: từ 6 đến 10-10 -1973, Ả Rập tấn công Do Thái bất ngờ, Do Thái lùi.

Một mặt 120.000 quân Ai Cập tấn công suốt dọc kênh Suez, dùng cầu nổi bắc qua kênh, cho thiết giáp xa tràn qua bờ phía Đông; một mặt 100.000 quân Syrie tấn công Do Thái để rán chiếm lại cao nguyên Golan.

Ngày 7-10-1973, hải quân hai bên đụng độ nhau.

Do Thái chỉ có 90.000 quân thường trực, rán chống đỡ cả hai mặt; đồng thời gọi quân trừ bị, chuẩn bị phản công. Ngày 9-10-1973, họ thua ở Sinai, chịu bỏ phòng tuyến tối tân Barlev, một đoàn xe tăng của họ bị Ai Cập bắt sống.

Khối Phi liên kết và Cộng sản tuyên bố ủng hộ Ả Rập. Maroc, Soudan gởi quân giúp tượng trưng Ai Cập. Iraq quốc hữu hoá hai công ty dầu lửa Mỹ.

Mỹ tuyên bố ủng hộ Do Thái, Nga cũng tuyên bố ủng hộ Ả Rập. Tây Âu chưa tỏ rõ thái độ, trừ Pháp: ngoại trưởng Pháp bảo Ả Rập trở lại đất cũ của họ thì không thể gọi họ là xâm lăng được.

Ngày đầu, Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc đã kêu gọi hai bên ngưng bắn nhưng không ai nghe.

Ngày 9-10. Mỹ muốn hai bên rút về vị trí cũ; Nga muốn Do Thái phải trả hết các đất đã chiếm từ 1967.

Sau bốn ngày chiến đấu, Do Thái tốn bốn tỉ bảng, bằng 400 triệu Anh kim, trên một tỉ Mỹ kim.

- Giai đoạn nhì: từ 10 đến 18-10-1973, Do Thái phản công dữ dội, lấy lại được thế quân bình.

Trong chín ngày này, chiến tranh cực kỳ sôi nổi. Do Thái thắng ở Syrie, chiếm lại trọn đồi Golan, oanh tạc Damas, sau cùng tiến lại được gân kinh đô Syrie hơn, cách Damas khoảng ba chục cây số. Iraq gởi 16.000 quân, 100 phi cơ; Jordanie (không mở thêm mặt trận thứ ba ở phía sông Jourdain) cũng gởi một đoàn kỵ binh qua trợ chiến Syrie; nhưng quân Iraq và quân Jordanie đều bị Do Thái tiêu diệt. Vậy ở mặt trận này Ả Rập bắt đầu thua.

Ở mặt trận Sinai, quân Ai Cập tiến qua phía đông được khoảng 15, 20 cây số, nhưng rồi bị Do Thái chặn lại. Ngày 11-10-1973, Do Thái vượt qua kênh Suez tấn công các đoàn công voa Ai Cập, phá các cơ sở dầu hoả, nhưng bị Ai Cập chặn đuổi về phía đông, tướng Do Thái Mendler tư lệnh thiết giáp tử trận. Một trận chiến xa ở trung bộ Sinai kéo dài năm ngày tử Ismailia trên bờ kênh Suez tới Adu Aweigla ở gần sa mạc Neguev. Mỗi bên tung ra máy trăm chiến xa, có đại pháo, hoả tiễn, phi cơ yểm trợ; nhưng hình như không bên nào thắng bên nào bại. Tóm lại Ả Rập thua ở Syrie nhưng vẫn còn giữ được ưu thế ở Sinai, vậy cán cân lực lượng chưa nghiêng hẳn về bên nào.

Tinh thần Ả Rập vẫn cao: nhiều quốc gia tham chiến (dù chỉ là tượng trưng như Algérie, Tunisie, Ả Rập Saudi); các quốc gia có dầu lửa đoàn kết với nhau, ngưng xuất cảng dầu cho Mỹ, Hòa Lan, và những nước nào không đứng về phe Ả Rập. Mỹ và châu Âu lo lắng, phải ra lệnh tiết kiệm nhiên liệu. Các nước Tây Âu, trừ Hòa Lan, kêu gọi hai bên ngưng bắn, Do Thái phải trả lại Ả Rập những đất đã chiếm năm 1967, theo đúng quyết ngôn của Liên hiệp quốc tháng 11 năm 1967.

Thấy chiến tranh có mòi kéo dài, mà Do Thái bị thiệt hại nặng, nên nội bộ Do Thái lủng củng: một số tướng lãnh chỉ huy bị thay thế. Thủ tướng Golda Meir có vẻ chán nản.

Mỹ và Nga đều ồ ạt gởi khí giới tiếp tế cho đàn em. Nga dùng cầu không vận, cứ sáu phút có một chuyến để trút vũ khí xuống Ai Cập và Syrie, mỗi ngày tới 800 tấn, lợi hại nhất là hoả tiễn SAM 6 để hạ phi cơ và SAM 7 để hạ chiến xa, không kể vô sô phi cơ MiG-21. Mỹ chứng cứ 5 phút cho một phi cơ chở xe tăng GM60, trọng pháo, đạn “bò cạp”, hỏa tiễn Sidewinder và Saprrow cho Do Thái để giũ thế quân bình lực lượng.

Hơn nữa Mỹ còn cho hàng không mẫu hạm Roosevelt vô Địa Trung Hải. Nga cho ba chiến hạm và nhiều tầu nhỏ nhỏ lại bờ biển Ai Cập và Syrie. Nhưng từ ngày 16-10-1973 đã có dấu hiệu hai bên muốn hoà đàm. Tổng thống Ai Cập Sadat tuyên bố sẵn sàng tham dự một hội nghị quốc tế trong khuôn khổ Liên hiệp quốc để thiết lập một nền hoà bình. Mỹ hoan nghênh đề nghị đó, và ngoại trưởng Do Thái tuyên bố sẽ có những nhượng bộ quan trọng và chấp nhận cuộc ngừng bắn. Ngày 17-10-1973, Kosygin tới Le Caire hội đàm với Sadat về hoà đàm; Kissinger họp với ngoại trưởng các nước Algérie, Kuwait, Maroc, Ả Rập Saudi.

Giai đoạn từ 19-10-1973 đến 23-10-1973, Do Thái có vẻ thắng thế - Liên hiệp quốc ra lệnh ngừng bắn.

Syrie tuy cố phản công nhưng vẫn bị Do Thái uy hiếp.

Ở Sinai, Ai Cập bắt đầu thất thế. Ngày 19-10-1973, Do Thái cắt đôi được một cánh quân Ai Cập ở Suez; rồi ngày 21-10-1973, một đoàn 15.000 cảm tử quân vượt kênh Suez, tiến sâu vô nội địa Ai Cập, phá nhiều dân hoả tiễn SAM nhờ dùng bom “tinh khôn” và bom do tia Laser điều khiển do Mỹ cung cấp.

Hoả tiễn SAM bị phá huỷ, Ai Cập không hạ được phi cơ Do Thái nữa và Do Thái lại làm chủ không trung.

Trong khi đó Kissinger qua Moscow thu xếp vụ ngưng bắn. Nga, Mỹ thoả thuận với nhau rồi, Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc bèn ra lệnh:

  1. Ngừng bắn tại chỗ từ 18 giờ 52 phút (giờ địa phương) ngày 22-10-1973.(5)

b Thi hành quyết định ngày 22-11-67 của Liên hiệp quốc (mà 5 năm trước Do Thái đã từ chối): Do Thái phải trả lại những đất đã chiếm và tôn trọng quyền sống của dân Palestine; Ả Rập phải tôn trọng biên giới Do Thái và nhìn nhận tính cách hợp pháp của Quốc gia Do Thái.

C - Mở thương thuyết dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc. Tất cả các nước đều ký quyết nghị, trừ Trung Cộng vì Trung Cộng cho rằng, quyết nghị không lên án Do Thái, Mỹ và Nga đã thao túng chiến tranh Tây Á.

Ngưng bắn da beo như vậy thì ở Syrie, Do Thái thắng; ở Sinai, Ai Cập tuy chưa thua, nhưng cũng đã hơi yếu thế. Theo UPI, Do Thái bảo chiếm được 475 dặm vuông ở Ai Cập, 300 dặm vuông ở Syrie, cách Le Caire khoảng 80 cây số, cách Damas khoảng 30 cây số. Ai Cập và Do Thái ra lệnh ngưng bắn. Syrie, Palestine, Iraq phản đối, như vậy đáng lẽ chiến tranh tạm chấm dứt sau 17 ngày; nhưng người ta gọi chiến tranh này là chiến tranh 18 ngày, vì Ai Cập và Do Thái mới ngưng bắn được vài giờ rồi lại chiến dữ dội ở kênh Suez, và hôm sau, 23-10 mới thực là tạm ngưng hẳn ở cả hai mặt trận Sinai và Syrie. (Syrie không phản đối nữa)

Từ khi có lệnh ngưng chiến

Ngay từ ngày đầu chiến tranh 6-10--1973, Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc đã đề nghị ngưng chiến, nhưng không bên nào nghe. Lần này, hai bên đều nghe, chỉ là do Nga và Mỹ thấy thử sức với nhau như vậy đủ rồi, ra lệnh cho gà nhà đừng đá nhau nữa. Quyết định đã đưa ra đúng lúc, không sớm mà cũng không trễ, khiến cho Ả Rập và Do Thái không bên nào bị mất mặt, và bên nào cũng có thể tự cho mình là thắng lợi. Sự thực cũng lại là một chiến tranh, không người thắng kẻ bại, như chiến tranh Đông Dương.

Theo ước tính của Mỹ thì sau 18 ngày giao tranh:

DO THÁI

- Chết và bị thương: 4.100

- Phi cơ bị phá huỷ: 107

- Chiến xa bị phá huỷ840:

- Tầu chiến bị phá huỷ: 1

______________________

AI CẬP

- Chết và bị thương: 7.500

- Phi cơ bị phá huỷ: 242

- Chiến xa bị phá huỷ: 895

- Tầu chiến bị phá huỷ: 20

______________________

SYRIE

- Chết và bị thương: 7.300

- Phi cơ bị phá huỷ: 179

- Chiến xa bị phá huỷ: 880

- Tầu chiến bị phá huỷ: 0

______________________

 

 

 

Nhưng có báo lại bảo cả Ai Cập và Syrie chỉ mất 900 chiến xa và 172 phi cơ. Dù sao thì tổn thất của Ả Rập cũng nặng hơn Do Thái, nhưng tiềm lực của Ả Rập vẫn chưa vì vậy mà kém Do Thái.

Ai Cập đã thắng lợi trong tuần lễ đầu, nhưng rồi bỏ mất một dịp tốt để tiêu diệt tất cả hệ thống phòng thủ của Do Thái trong khu vực Sinai. Có thể tại họ không biết khai thác lợi thế mà cũng có thể tại họ không có đủ hoả tiễn. Thế của họ đã kém khi Do Thái thọc được vào sâu trong nội địa của họ, nhưng họ chưa đến nỗi nguy, vì Do Thái không đủ sức chiếm cả Ai Cập lẫn Syrie, mà chiến tranh càng kéo dài thì càng bất lợi cho Do Thái. Vì vậy có người đã bảo hai bên tuy chém giết nhau rất hăng mà vẫn mong có người đứng ra hoà giải. Ả Rập đã rửa được cái nhục năm 1967 mà Do Thái cũng đã gỡ được sự thua thiệt trong tuần lễ đầu. Ngay ngày 24-10-1973, một số quan sát viên Liên hiệp quốc đã đến Tây Á, sau đó, quân đội mũ xanh cũng lần lượt tới. Hai bên còn vi phạm lệnh ngưng bắn trong mấy ngày nữa, rồi từ 27-10-1973, Ai Cập và Do Thái bắt đầu hoà đàm về các vấn đề trao trả tù binh, tiếp tế quân đoàn 3 của Ai Cập bị Do Thái bao vây, giải toả hàng hải v.v…

Kosygin và Kissinger phải thuyết phục mỗi bên để không khí dịu xuống.

Tiếng súng vừa tạm yên, thì chiến tranh dầu lửa phát lên mạnh mẽ. Hình như Boumedieune, Tổng thống Algérie, là người phối hợp các hoạt động của mười mấy nước Ả Rập trong chiến lược này (4).

Trong chiến tranh dầu lửa, họ đoàn kết chặt chẽ với nhau, cùng hạ mức sản xuất dầu, cùng tăng giá dầu và cùng không bán dầu cho các nước ủng hộ Do Thái hoặc không đả đảo Do Thái. Đòn dầu lửa đó tỏ ra rất lợi hại. Mỹ, Hà Lan, Nhật, hầu hết Tây Âu và nhiều nước châu Á bị xáo trộn dữ dội: nhiều cây xăng phải ngưng hoạt động, xe hơi ít chạy và bớt sản xuất, trái lại xe đạp sản xuất không kịp để cung cấp; điện phải hạn chế, nhiều gia đình Âu Mỹ mùa đông này không có điện để sưởi; phi cơ cũng ít bay, hàng ngàn phi công Mỹ thất nghiệp; nguy nhất là nhiều kỹ nghệ phải giảm hoạt động, đuổi bớt thợ đi, vật giá tăng lên, đời sống đắt đỏ nạn thất nghiệp tăng lên, kinh tế suy sụp.

Giáng Sinh 1973 sẽ là Giáng Sinh buồn nhất từ 1945 tới nay. Ấy là các nước dầu lửa ở Ả Rập mới chỉ giảm sản xuất 25% mà đã vậy; nếu tất cả các giếng dầu trên thế giới là chết bất tử thì cả nền văn minh của chúng ta sẽ sụp như tôi đã nói trong bài “Tựa” cuốn Bản đồ Ả Rập, năm 1969. Chưa bao giờ nhân loại thấy bị lệ thuộc dầu lửa tới mức đó.

Vì vậy, các nước kỹ nghệ một mặt gấp rút tìm thêm mỏ dầu lửa, một mặt “o bế” các nước Ả Rập (Nhật Bản lo ngại nhất, nên đã bỏ thái độ trung lập lúc đầu, từ bỏ ông bạn Mỹ, mà tuyên bố yêu cầu Do Thái phải trả hết đất đã chiếm, để mong Ả Rập Séoudite bán dầu cho); mặt khác họ tìm cách chế tạo những xe hơi chạy bằng khinh khi hay than, và xây cất thêm những nhà máy nguyên tử lực.

Và gần khắp thế giới ai cũng mong Do Thái mau mau nhường Ả Rập để mình khỏi bị hạn chế về dầu lửa mà đời sống được bình thường trở lại.

Hội nghị Genève

Nhưng xung đột Tây Á này làm sao có thể giải quyết cho mau được vì còn khó khăn gấp mấy vấn đề Đông Dương nữa.

Sau biết bao cuộc vận động của Kissinger trong hai tháng nay, vận động cả với Do Thái lẫn Ả Rập hai bên đã chịu họp hội nghị ở Genève hôm 21-12-1973. Tổng thư ký Liên hiệp quốc (chủ toạ), Mỹ, Do Thái, Nga, Ai Cập, Jordanie, (Syrie không chịu họp).

Không khí mấy buổi đầu có vẻ dễ chịu. Những phải đợi đến đầu năm 1974, Do Thái bầu xong Thủ tướng, hội nghị mới thực sự bắt đầu. Hai vấn đề gay cấn nhất sẽ là Palestine và Jérusalem. Non ba triệu dân lưu vong Palestine, ở rải rác tại Jordanie, Gaza, Liban, Syrie, Kuwait, Ả Rập Saudi, Israel, đòi có một tổ quốc, đòi hỏi đó còn chính đáng hơn đòi hỏi của Do Thái trước năm 1945 nữa. Ngay lãnh tụ cửa họ, Arafat, và các bạn của ông cũng phải sống từ khách sạn này qua khách sạn khác, không có một mái nhà một gia đình, một tổ quốc. Vậy thì thế nào cũng phải trả họ ít nhất là một phần ở phía Tây sông Jordanie để họ lập lại tổ quốc.

Rồi tới vấn đề Jérusalem. Nhà cầm quyền Do Thái sau chiến tranh 1967 đã hứa với dân rằng không khi nào để cho Jérusalem lọt vào tay Ả Rập nữa, dù chỉ là một phần thôi. Nếu họ không thay đổi thái độ, thì không sao êm được. Đức Giáo Hoàng Paul VI biết rằng vấn đề ấy sẽ rất gay go, nên đã hứa sẵn sàng dự Hội nghị Genève (chắc là để hoà giải) khi đem nó ra bàn.

Như vậy thì chúng ta có thể ngờ rằng hội nghị Genève còn khó khăn hơn hội nghị Paris và chưa biết mấy năm nữa, hoà bình mới trở lại Tây Á.

 

Bài học của cuộc chiến lần này

Ngay từ bây giờ, thế giới đã rút được những bài học của cuộc chiến tranh 18 ngày:

1. Chiến xa không còn là yếu tố then chốt trên chiến trường nữa.

Ông Smart, phó giám đốc Viện vấn đề thế giới của Hoàng gia Anh nói: “Các hoả tiễn Nga Xô cung cấp cho bộ binh Ả Rập có thể hạ một chiến xa bằng một trái đạn duy nhất, trước khi chiến xa đó có thể tấn công”. Những hoả tiễn địa-địa Sagger và Snapper này rất nhẹ, một người cũng có thể sử dụng được: núp dưới hầm rồi dùng viễn vọng kính, nhắm bắn vào chiến xa địch, mà địch không trông thấy. Vậy thì phải xét lại thuật sử dụng lực lượng chiến xa, chưa biết chừng phải thay đổi cả lý thuyết về chiến tranh nữa.

2. Không quân có thể bị hạ dễ dàng từ dưới đất

Trong khoảng trên một trăm phi cơ Do Thái mất trong cuộc chiến, có tới 80% bị hoả tiễn địa-không SAM 6 do Nga chế tạo bắn rớt. Như vậy các trận không chiến không còn quan trọng nữa.

Loại SAM 6 này rất mới, Mỹ chưa biết, nên Do Thái chỉ có cách là đưa cảm tử quân vào ngay đất Ai Cập để phá huỷ chúng. Phá được bộn rồi. Do Thái mới lại làm chủ được không trung.

3. Khả năng không vận rất quan trọng.

Cả Mỹ lẫn Nga đều nhờ những phi cơ khổng lồ cứ năm, bảy phút lại cất cánh một chiếc để tiếp võ khí cho Do Thái và Ai Cập; nếu không thì hai bên không thể đánh nhau quá ba ngày được.

4. Một sự việc rất mới và rất quan trọng đã xuất hiện trong cuộc chiến tranh này là vai trò của những vệ tinh trinh sát. Những vệ tinh này đã giúp cho Nga và Mỹ theo dõi sự diễn tiến của các trận đánh một cách tổng quát mà đồng thời lại chính xác hơn là dùng các quan sát viên. Hình ảnh do các vệ tinh ấy chụp được rõ ràng tới nỗi có thể giúp họ phân biệt được loại chiến xa này với loại chiến xa khác, và xác định được nòng súng của một đại bác là bao nhiêu ly!

Thật là những tiến bộ lớn về chiến tranh, nhưng họ cứ tiến đều đều như vậy thì cuối thế kỷ này, nhân loại sẽ đi về đâu?

Hết Đông Dương, Tây Á họ sẽ thử sức nhau ở đâu nữa?

Chú thích:

1 - Ngày 18 – 10, có tin Ai Cập cũng có thái độ đó ở mặt trận Sinaï

  1. - Ở phía Cộng Sản, quốc gia sản xuất vũ khí chớ không phải tư nhân. Ở Pháp nhờ kỹ nghệ chiến tranh mà mỗi năm thu được 700 triệu Mỹ kim ngoại tệ, và nuôi được 270. 000 gia đình công nhân.

  2. – Vua Huslsein nước Jordanie đã có lần muốn đi với Do Thái; lại có lần tuyên bố thẳng ra rằng khi nào Ả Rập mạnh lên, có thể thắng được Do Thái thì ông ta mới theo.

  3.  – Có lẽ vì vậy mà qua tuần thứ nhì, khi Ả Rập Séoudite nhảy vào vòng chiến, Nixon ráo riết hô hào ngưng chiến.

  4.  - Người ta còn ngờ rằng tháng 9, ông tổ chức Hội nghị các Quốc gia phi lien kết, để các nước Ả Rập bàn mật với nhau về việc tấn công Do Thái, mà che mắt được thế giới

  5.  – Lúc này nhằm tháng Ramadan, tháng chay (tháng lịch Hồi giáo)

 

 

Sài gòn, 23-12-1973

HẾT