Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa

Hồi Thứ Hai Mươi Hai

Tại tỉnh Hồ Quảng phủ Võ Xương, huyện Giang Hạ làng Nam An Thiện có một người hàn nho tên là Phạm Trọng Võ, vợ là Bạch Ngọc Liên, cùng nhau đã có một trai tên là Kim Ca vừa được bảy tuổi. Ngày kia Trọng Võ đi hội văn với các bạn về, vẻ mặt buồn rầu lắm. Bạch Ngọc Liên không hiểu duyên cớ làm sao bèn hỏi rằng: "Chẳng hay phu tướng có việc chi, bữa nay đi hội văn về lại không được vui như vậy?". Trọng Võ đáp: "Hiền phụ vốn chưa rõ, để tôi phân lại cho tường, số là lúc tôi tới hội văn với các bạn đồng song, thời thấy mỗi người đều sửa sang hành lý như sắp đi đâu xa. Tôi mới hỏi, thời họ nói rằng Thánh thượng mới mở ân khoa tuyển người tài. Họ lại rủ tôi cùng đi, tôi nghe qua hứng chí lắm, song... ". Ngọc Liên nói: "Ý thiếp cũng muốn như vậy, từ cách mẫu thân tới nay đã mươi năm, đêm ngày mong mỏi cho phu tướng xuống kinh ứng thí sẽ cùng đi một đường, tiện viếng mẫu thân và em luôn thể, nay cơ hội đã đến, biết lo thế nào cho được như ý?". Vợ chồng bàn luận vì nhà nghèo không biết vay mượn ai cho có tiền làm lộ phí.

Ngày sau vợ chồng thức dậy sớm, đương ngồi nói chuyện, chợt nghe có tiếng gõ cửa. Trọng Võ lật đật ra mở, thời thấy người bạn tri kỷ là Lưu Hồng Nghĩa bước vào. Vợ chồng Trọng Võ mừng lắm, Kim Ca cũng lại chào bác. Mời ngồi và trà nước xong xuôi, Hồng Nghĩa mới hỏi Trọng Võ rằng: "Hoàng thượng xuống chỉ mở ân khoa, hiền đệ có hay hay không?". Trọng Võ đáp: "Đã hay rồi, song còn đương trù trừ chưa quyết”. Hồng Nghĩa hỏi: "Tài học như hiền đệ, sao lại không đi ứng thí may ra danh toại công thành chớ cứ như thế này mãi thời khổ lắm". Trọng Võ đáp: "Chẳng giấu chi anh, em cũng có ý ấy, song tiền bạc không có lấy chi làm lộ phí, lại thêm vợ em muốn cùng đi với em lên kinh thăm mẹ nữa". Hồng Nghĩa hỏi: "Lộ phí phỏng tốn bao nhiêu, tôi sẽ lo liệu cho?". Trọng Võ đáp: "Ít lắm cũng phải tốn tám chục lượng”. Hồng Nghĩa nói: "Ừ! Có vậy, thời mai đừng đi đâu chờ tin, tôi chạy giúp cho có được không!". Nói rồi từ giã ra về.  Trưa hôm sau, Trọng Võ đương than thở với vợ, thấy Hồng Nghĩa dắt tới một con lừa đen và cầm hai gói bạc đưa cho Trọng Võ mà rằng: "May lắm, có lẽ hiền đệ đã hết lúc khốn khó rồi, tôi đã hỏi được một trăm lượng, đủ cho vợ chồng hiền đệ và cháu về kinh, vậy hiền đệ mau mau lo xếp đặt hành lý, mai là ngày hoàng đạo, xuất hành tốt lắm". Trọng Võ nghe nói mừng rỡ lắm hỏi rằng: "Bạc ở đâu mà nhân huynh có nhiều như vậy, hay là vay hỏi ai, tiền lời bao nhiêu nói cho em biết?". Hồng Nghĩa đáp: "Không ngại gì, bạc đó tôi hỏi của người không lấy lời, nếu có lời đi nữa, tôi lo hộ cho, hiền đệ bất tất phải lo lắng, vậy bây giờ nên ra chợ mua sắm các vật cần dùng lúc đi đường cho kịp, kẻo mai xuất hành thiếu thốn khó lắm?". Trọng Võ vâng lời, cùng nhau dắt lừa ra đi, còn Ngọc Liên ở nhà lo cơm nước và xếp đặt y phục hành lý. Chiều lại, Lưu Hồng Nghĩa và Trọng Võ trở về, cùng ăn cơm. Nhưng vật gì có thể dùng được lúc đi đường thời đem theo, còn vật gì để lại đều gởi gấm cho Hồng Nghĩa.

Gà vừa gáy sáng, ai nấy đều thức dậy, sắm sửa lên đường. Hồng Nghĩa chỉ con lừa nói với Trọng Võ rằng: "Con lừa này nguyên của tôi, song nó hay nhát chủ, vậy tôi xin tặng cho hiền đệ đi đường, nếu tiện thời nên bán nó đi mua một con khác mà cưỡi”. Trọng Võ đáp: "Em đã nhờ nhân huynh giúp đỡ quá nhiều, nay chẳng lẽ từ chối nữa, song đến sự bán con lừa này mà mua con khác thời em không nỡ. Người ở đời có lẽ nào lừa lại quên chủ, xin nhân huynh chớ nghi”. Nói rồi bái biệt nhau, lưu luyến giây lâu mới phân tay kẻ đi người ở. Vợ chồng Trọng Võ kẻ cưỡi lừa người đi xe, ngày đi đêm nghỉ, khát uống đói ăn, chẳng bao lâu đã tới kinh kỳ, liền mướn nhà ở ngụ. Khoa thi này Bao Công làm chủ khảo, nên trong chốn trường thi nghiêm ngặt. Tới ngày vào trường, sĩ tử đều đem hết sức học tài hay để vin nhành quế. Trọng võ vào luôn ba trường đều đắc ý. Bảng hổ chưa nên, bèn tính đem vợ con vào Vạn Toàn Sơn thăm nhạc mẫu. Vào tới nơi, hỏi thăm người ở trong đó, không ai biết nhà họ Bạch ở đâu, vợ chồng buồn bã vô cùng, quay xe trở lại. Đi ngang một bãi cỏ nọ, màu xanh mướt, gần bên lại có nhiều bực đá trắng sạch sẽ lắm, Trọng Võ liền mở xe thả lừa cho ăn, dắt vợ bồng con để ngồi trên bục đá, còn mình thời bước rảo qua phía Đông Sơn Khẩu kiếm người hỏi thăm nhà họ Bạch. Đi một hồi không gặp ai, bèn trở lại thời vợ con đâu mất, không còn ở đó. Hoảng hồn chạy đi kiếm cùng cũng không gặp. Kêu réo cũng không nghe trả lời. Trọng Võ vừa đi vừa khóc rồi gặp lão tiều phu, bèn chạy lại hỏi thăm, ông ta chắt lưỡi đáp rằng: "Thôi rồi? Còn chi hỏi nữa, vậy chú không biết Oai liệt hầu ở Độc Hổ trang tên là Ác Đăng Vân hay sao? Khi nãy người đi săn về ngang, tôi thấy trên ngựa có chở một người đàn bà đương kêu khóc inh ỏi, còn đứa nhỏ thời không thấy”. Trọng Võ nghe nói lật đật hỏi rằng: "Độc Hổ trang ở phía nào, cách đấy bao xa?". Ông tiều đáp: "Cách đây năm dặm, ở về phía đông nam có một khu rừng tức là Độc Hổ trang đó". Trọng Võ nghe xong, đâm đầu chạy nhào xuống núi, nhắm Độc Hổ trang đi tới.

Nguyên Ác Đăng Vân cùng bọn tùy tùng đi săn trong rừng gặp hai con cọp, vừa lúc định bắn thì cọp ấy chạy hoảng, ngang bãi cỏ xanh thấy Kim Ca liền tha mất, Bạch Ngọc Liên thấy con bị cọp bắt la ré lên, Ác Đăng Vân vừa đi qua liền bảo bọn tùy tùng chở lên ngựa đem về Độc Hổ trang.

Kim Ca bị cọp bắt đi qua cánh rừng kia, có ông tiều đốn củi ở đó thấy vậy động lòng tiểu nhi bị hại.  Muốn cứu trong tay sẵn có cái rìu liền ngồi phục xuống, chờ cọp chạy ngang, giơ thẳng tay đánh vào lưng một cái rất mạnh, cọp thình lình bị đánh nhả Kim Ca ra cong đuôi chạy mất. Ông tiều chạy lại thấy đứa nhỏ còn thở, liền ẵm về nhà. Vào tới nhà ông ta để đứa nhỏ lên giường, chạy kiếm một chén nước nóng cho uống, và lấy thuốc thoa dấu cọp. Một lát Kim Ca tỉnh dậy rên rỉ. Mẹ của tiều phu thấy đứa nhỏ mặt mũi sáng sủa thời thương lắm, lại nghe tiều phu thuật chuyện cứu nơi miệng cọp kinh hãi vô hạn.  Bà ta vỗ về đứa nhỏ và hỏi tới nhà cửa mẹ cha. Đứa nhỏ bèn thuật lại rằng: "Tôi tên là Kim Ca vừa được bảy tuổi, cha tên là Phạm Trọng Võ, mẹ họ Bạch... ".  Mẹ tiều phu nghe nói chặn hỏi rằng: "Mẹ cháu phải Bạch Ngọc Liên hay không?". Kim Ca đáp: "Phải “. Mẹ tiều phu vội vàng ôm Kim Ca vào lòng, khóc ồ rằng: "Cháu ôi! Vì bà mà cháu ra nông nỗi này”. Kim Ca ngơ ngẩn không biết gì cũng khóc theo. Tiều phu dỗ rằng: "Cháu đừng khóc, để cậu nói mà nghe. Cậu đây là Bạch Hùng em của mẹ cháu, còn bà đây là bà ngoại của cháu, lâu nay nhớ cha mẹ cháu lắm, hằng nhắc nhở, nay cháu bị nạn tới đây, bà động lòng nên khóc như vậy". Kim Ca nghe nói ôm bà ngoại khóc ròng,  Bạch Hùng cũng rơi nước mắt.

Thật là:

Tưởng đã chôn xương trong bụng cọp,

Nào hay còn sống ở nhà bà.