Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa

Hồi Thứ Mười Bốn

Nói về Trương Long, Triệu Hổ giải Bàng Dực tới công quán. Bao Công lật đật giục mở trói rồi nói rằng: "Tôi với Thái sư là nghĩa thầy trò, thời cùng Hầu gia có tình bầu bạn, nhưng nay có chút án này cần phải có Hầu gia đối chất, vậy xin Hầu gia cứ thật nói ra, tôi sẽ liệu lượng giúp cho". Nói rồi giao tờ trình cho coi và sai người dắt Điền Trung, Điền Khởi Nguyên, mười vị phụ lão và những đàn bà con gái bị bắt ra. Bàng Dực thấy Bao Công dỗ ngọt rằng sẽ giúp mình, và ngoài mặt ung dung vẻ đoán chắc là có lòng tư vị mình nên đáp rằng: "Bẩm khâm sai đại nhân, những việc lầm lỗi đó là bởi tôi không nghĩ kịp, nay ăn năn chuyện đã muộn rồi, xin đại nhân mở lượng hải hà, nghĩ tình cứu giúp". Bao công hỏi: "Những lỗi ấy Hầu gia đã nhận rồi, vậy chuyện Hạng Phúc ai sai nó?". Bàng Dực kinh hãi đáp: "Chuyện đó tôi không biết". Bao Công sai dắt Hạng Phúc ra đối chất. Hạng phúc thấy mặt Bàng Dực liền nói: "Thưa Hầu gia, chuyện ngài sai khiến đó tôi đã khai rõ với quan khâm sai rồi, ngài còn giấu giếm sao được?". Bàng Dực thấy thế không chối nổi phải chịu ngay. Bao Công liền buộc làm tờ cung. Xong rồi cho đòi cả chứng cớ vào, người nhìn con, người nhìn vợ, kẻ nhìn em, kẻ nhìn dâu; xa cách bao lâu, nay gặp mặt cảm động vô cùng, khóc than rền rĩ. Bao Công truyền bảo mấy người ấy đứng ra hai bên chờ xem phán xử và sai đi đòi Trương Thái thú tới. Sau đó Bao Công ngó Bàng Dực mà rằng: "Tội Hầu gia đã đến thế, nếu giải về kinh e Hoàng Thượng giận mà làm liên lụy tới Thái sư và đường xá xa xôi e nhọc nhằn vậy bản chức xin phân xử tại đây có lẽ tiện hơn". Bàng Dực nói: "Khâm sai đã dạy, lẽ nào tôi dám chẳng vâng, xin nhớ giùm nghĩa cũ tình xưa mà châm chước cho tôi nhờ". Bao Công liền viết ba chữ đưa xuống, lính đi, một lát dâng ngọn Long đầu trát ra, giở tấm phủ ra, hào quang lấp lánh, ai thấy cũng lạnh mình. Sau đó đưa Bàng Dực ra lột cả y phục, trói lại, xô quỳ trước sân. Vương Triều tay xách Long đao coi rất oai dũng. Bao Công xuống lệnh, tay Vương Triều hoạt động một cái, Long đầu trát vừa vung qua, đầu Bàng Dực đã rơi xuống đất.

Bàng Dực đã đền tội xong rồi. Bao Công truyền đổi đao khác và thay phiên tới Hạng Phúc. Hạng Phúc thấy Bàng Dực đã như thế thời sợ sệt quá chừng, kế bị đem ra, xương sống lạnh ngắt, ăn năn không kịp. Tả hữu y theo lệ trước cởi áo, trói, và xô quỳ ở trước sân. Vương Triều cũng đưa tay, Cẩu đao cũng thật bén, nhoáng qua một cái, đầu đứa bất nghĩa đã rơi xuống đất liền.

Vừa xong, đã thấy quan phủ vào bẩm rằng: "Ti chức vâng lệnh khâm sai đi bắt Thái thú Trương Hoàng, tới nơi đã thấy y thắt cổ mà chết rồi nên lập tức về bẩm lại". Bao Công liền một mặt phái người đi khám thấy, một mặt mời Điền Khởi Nguyên lên an ủi và bảo về am Quan âm cho gặp vợ, lại kêu cả các người bị nạn khi trước lên khuyên dỗ ít lời, rồi cho dắt vợ dẫn con về lo lắng làm ăn như cũ.

 Xử xong án, trở vào phòng Bao Công sai Công Tôn Sách viết tấu văn, và ra yết thị, phái ủy viên xét bộ khẩu và phát chẩn cho dân. Lúc trước muôn dân lớp bị nạn trời, lớp bị tai người, nay được tỏ nỗi khúc oan và được cho của nữa nên cám ơn nhân đức lắm.  Đâu đâu cũng tung hô tướng quân rền trời.

Bao Công phóng chẩn rồi muốn nhân dịp ấy đi dò la các chỗ, nên khi trở về, không đi theo đường cũ nữa. Một hôm đương đi trên cầu, con ngựa của Bao Công cưỡi, không chịu đi nhảy lăng xăng. Bao Công đánh thế nào cũng không bước tới, liền nghĩ thầm rằng: "Con ngựa này, xưa nay không như thế, sao lại sinh chứng, hay là tại đây có điều chi oan uổng hay sao?" Nghĩ vậy liền sai Bao Hưng đi kêu một người trong xóm đó lại hỏi rằng: "Chú tên gì, chỗ này là xứ chi nói cho bản quan biết?". Người ấy đáp. "Tôi tên Phạm Tôn Hoa, chỗ này là Thảo Châu Kiều”. Bao Công hỏi: "Gần đây có công quán hay không?". Tôn Hoa nói không. Bao Công nhìn thấy một nhà cao ở trước mặt liền chỉ và hỏi Tôn Hoa rằng: "Chỗ đó là nhà ai?". Tôn Hoa đáp: "Đó là miếu Thiên Tề. Bao Công hạ lệnh cả đoàn bộ đi tới đình trú tại miếu đó, rồi hỏi Tôn Hoa rằng: "Nhà dân gian ở chung quanh đây nhiều hay ít?". Tôn Hoa đáp: "Mé nam giáp đường cái, mé đông là Du Lâm, mé tây là Hoàng Thổ Cang, mé bắc là Phá Giao (lò gốm hỏng). Ở Phá Giao chỉ có vài mươi nóc nhà thôi, thật là một nơi vắng vẻ quạnh quẽ lắm". Bao Công nghe rồi, bảo Công Tôn Sách viết một tấm bảng có hai chữ lớn "phóng cáo" truyền Tôn Hoa vác đi khắp các nơi rao rằng: "Ai có điều chi oan uổng, mau mau lại miếu Thiên Tề cáo tố với Bao khâm sai". Tôn Hoa vâng lời vác bảng vừa đi vừa rao, khắp đầu đường cuối xóm, không một ai đáp ứng, lần lần đi tới chỗ lò gốm hỏng, rao chưa dứt lời nghe có tiếng: "Mụ có điều oan ức đây, xin dắt giùm mụ tới đó". Tôn Hoa thấy bà già liền hỏi rằng: "Má má già rồi, còn muốn tới cửa quan làm chi?".

Bà già ấy là ai? Nguyên là Lý Thần Phi bị Lưu hậu mưu hãm vào lãnh cung, sau quyết hại cho chết.  Lý Thần Phi là mẹ đẻ của Tống Nhân Tôn, hiện nay đang ở ngôi. Lúc mới đẻ, Lưu hậu lập kế đổi chúa rồi giao Thái tử cho con Khấu Châu đem quăng xuống Kim Thủy Trì. Nhờ Khấu Châu trung hậu đem Thái tử gửi cho Bắc Thiên Thế và Địch Thái Hậu nuôi. Sau Thái tử phục ngôi biết Khấu Châu bị hại nên mới có hồn oan ở cung Ngọc chấn. Lý Thần Phi được cha của Tôn Hoa nuôi giấu trong một lò gốm hỏng, vì khóc nhớ con... đã đui hai con mắt. Sau khi cha Tôn Hoa mất, Tôn Hoa lại chăm sóc Lý Phi như mẹ. Lý Phi nghe Tôn Hoa hỏi tiền đáp rằng: "Vì con của mụ bất hiếu lắm, nên mụ phải đi báo quan". Tôn Hoa nghe nói chưng hửng, hỏi: "Vậy chớ con của má má là ai?".  Lý Phi nói: "Việc con của mụ, nếu chẳng phải một vị quan đúng bậc công minh thời không xét đoán nổi.  Mụ thường nghe người ta nói Bao Công chính trực thanh liêm lại giỏi đoán việc âm dương. Nay đã gặp đây không cáo tố còn đợi chừng nào nữa?". Tôn Hoa nói: "Nếu vậy thời tôi đưa má má đến đó kêu oan". Lý Phi nghe nói liền đưa đầu gậy cho Tôn Hoa dắt đi.  

Tới miếu Thiên Tề, Lý Phi vào ra mắt Bao Công rồi nói rằng: "Xin đại nhân đuổi hết kẻ tả hữu ra ngoài, mụ sẽ tỏ những điều oan uổng”. Bao Công nhận lời truyền tả hữu lui hết ra, duy để lại một mình Bao Hưng mà thôi. Tả hữu đi ra rồi, Bao Công nói rằng: "Bây giờ bốn phía không ai, bà có điều chi oan ức tỏ ra cho bổn quan liệu lý". Lý Phi cất tiếng rằng: "Bao khanh ơi! Khổ cho Ai gia lắm! Đau lòng..!”. Chỉ nói bấy nhiêu rồi khóc rống lên, Bao Công ngồi trên sửng sốt, Bao Hưng đứng dưới ngẩn ngơ, không biết chuyện gì, mà ai lại dám kêu Khâm sai tướng công là khanh là tướng đó.

Thật là:

Tối mắt vì con chưa mấy thảm.

Nát gan với phận thật nên thương.