Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa

Hồi Thứ Mười Sáu

 Rạng ngày Bao Công vào chầu, tâu rõ các việc tại Trần Châu, vua khen ngợi vô cùng, ban cho vật báu rất nhiều. Bao Công tạ ơn lĩnh thưởng, rồi vội vàng trở về phủ Khai Phong. Tới nơi, vợ chồng hỏi sơ sài câu ấm lạnh, rồi phu nhân vào Phật đường bẩm trước cho Lý phi hay rồi sau Bao Công mới vào, quỳ và chúc rằng: “Thần là Bao Công ra mắt Nương nương và xin dâng ngàn tuổi”. Tâu xong cúi mặt xuống. Lý Phi phán rằng: "Miễn lễ cho con “. Bao Công liền đứng dậy.

Lúc trước Lý Phi chỉ có nghe tiếng Bao Công mà thôi chứ chưa từng thấy mặt, nay mắt đã sáng, xem thấy Bao Công hình dung tuấn tú, miệng rộng mũi cao mày rậm râu thưa, đúng là người phúc tướng, thời mừng lắm bèn nói rằng: "Ai gia thật nhờ vợ chồng Bao Khanh lắm lắm". Bao Công đáp: "Xin Nương nương yên tâm nghỉ ngơi đợi kẻ hạ thần kiếm được cơ hội sẽ làm sao trừ bọn gian thần cứu an xã tắc mới vừa lòng". Lý Phi gật đầu. Vợ chồng Bao Công lui ra rồi, bọn đầy tớ gái mới dám bước vào, Lý Phi cũng miễn hầu cho chúng nó.

Hôm sau Bao Công thức dậy chợt thấy Bao Hưng vào bẩm có Ninh Tổng quản xin vào ra mắt. Bao Công truyền mời vào thư phòng đãi trà đợi mình ra tiếp kiến. Ninh Tổng quản vào tới thư phòng thấy bài trí đơn giản không xa hoa phiền phí khen thầm lắm. Một lát lâu, Bao Công tới. Ninh Tổng quán nói: "Nghe tin đại nhân đi Trần Châu về, hôm qua muốn tới thăm song e đại nhân còn nhiều việc cần phải xếp đặt nên chẳng dám? Nay sáng sớm lật đật qua đây mừng đại nhân đã được công thành". Bao Công nói: "Đáng lẽ thời tôi phải qua thăm đại phu, song chưa rảnh thật có lỗi nay đại phu tới đây may mắn biết mấy, chẳng hay đại phu còn có điều chi dạy bảo chăng?". Ninh Tổng quản cười hì hì và đáp: "Tôi lại đây chẳng có chuyện chi lạ, nhân vì Lục Hiệp vương gia hay kính mộ tấm lòng trung của đại nhân, thường đem những hành vi của đại nhân thuật lại cho Nương nương (Địch thái hậu) nghe. Nương nương cũng khen ngợi lắm. Mới đây, vương gia đi hầu nghe chuyện Bàng Dực mà đại nhân đã chém trước tâu sau kia, càng thấy tỏ tấm lòng yêu nước thương dân của đại nhân, nên tâu lại với Nương nương, Nương nương vui lòng quá. Vương gia tôi tuổi còn măng, ý muốn tới học tập với đại nhân, mai sau này sẽ trở nên một vị hiền vương, song ngại vì xưa nay chưa được quen biết.  Theo ý tôi thời đại nhân cũng nên tới lui trong cung để vương gia thân thiện. Nay tới ngày sinh nhật của Nương nương, các quan thân tới bực công hầu bá tước ai cũng sắm sửa lễ vật đi mừng thọ, vậy đại nhân cũng thừa dịp này rời gót tới, một là ra mắt Nương nương gọi đáp chút ơn hạ cố, hai là Vương gia nhờ đó để qua lại học tập, vậy há chẳng phải một điều hay hay sao? Vì vậy tôi phải tới đây trước thăm đại nhân sau muốn nói điều ấy”. Bao Công nghe xong bụng nghĩ rằng: "Ta xưa nay chưa từng quen với kẻ quyền quý trong kinh, lại chuyện của Thái hậu còn đương làm rối lòng đây, Hoàng thượng nào có dè mẹ ruột mình đương chịu cảnh trần ai, âu là tương kế tựu kế, may ra có cơ duyên tốt, ta sẽ rõ được nhiều khúc chiết. Vả lại Lục hiệp vương gia cũng là một vị hiền vương, giao hảo với người nhắm chẳng ngại chi “. Nghĩ rồi liền hỏi "Nương nương nhắm ngày nào?". Ninh Tổng quản đáp: "Lễ ấy sẽ bày ra hai ngày mai và mốt, chính gấp như vậy nên tôi phải cho đại nhân hay sớm". Bao Công nói: "Đại phu đã có lòng tốt dạy bảo cho, tôi lẽ nào chẳng vâng, song vì tôi là ngoại quan chẳng tiện vào cung, nay nhân có mẹ tôi ở trong phủ, muốn mai này dâng lễ rồi đưa bà tới khánh chúc vậy có được chăng?". Ninh Tổng quản đáp: "Ủa! Cụ tới đây hồi nào? Được vậy lại càng quý, thôi để tôi về tâu trước với Nương nương”. Bao Công cảm tạ lắm. Ninh Tổng quản từ tạ ra về lại còn dặn với rằng: "Phiền đại nhân bẩm lại với cụ nhà rằng tôi xin chúc người vạn an, ngày kia vào cung sẽ có tôi ứng chực". Bao Công gật đầu đưa ra khỏi cửa mới vào.

Bao Công trở vào đem chuyện ấy nói kỹ lại với vợ và cậy vào thưa với Lý Phi. Lý phu nhân lĩnh mạng đi liền, còn Bao Công thời ra thư phòng, sai Bao Hưng đi lo các thọ lễ. Sáng ngày Bao Hưng ứng đủ các vật,  Bao Công xem lại một lượt, rồi sau sai dịch khiêng qua Nam thanh cung, còn Bao Hưng thời cỡi ngựa cầm thiếp đi theo. Tới nơi, Bao Hưng thấy ngựa xe như nước, áo quần như nêm, kẻ qua người lại xôn xao, cỡi ngựa không được phải xuống đi bộ. Vào trong thấy quan viên chật ních, lễ vật đầy dẫy, Bao Hưng móc danh thiếp đưa ra, người chủ quán nơi đó xem xong liền mời vào trong đãi trà và phân phó bọn sai dịch rằng: "Đó là lễ phẩm ở phủ Khai Phong phải cất đậy cho kỹ càng". Đương khi đó có người truyền rằng: "Vương gia đương ngồi trong điện đợi người quản gia ở phủ Khai Phong, vậy mau mau vào hầu”. Bao Hưng nghe qua vội vã đi theo, vào thấy một tòa điện, mạ bạc thếp vàng rất đẹp, ngồi trên là một vị Vương gia mặc áo bào đeo ngọc, hai bên có nhiều nội phủ hầu hạ, hèn cúi đầu làm lễ. Vương gia dạy rằng: "Mi trở về bẩm lại với Quý phi rằng ta rất cám ơn người, sau này đi chầu gặp nhau sẽ đáp tạ". Nói rồi truyền cho bọn nội phu cấp cho Bao Hưng năm chục lượng bạc,  Bao Hưng tạ ơn lui ra, gặp Ninh Tổng quản đi tới cười khanh khách mà rằng: "Chủ quản tới đây hồi nào? Phiền ông lúc về xin thưa lại với đại nhân rằng việc đó tôi đã tâu với Nương nương rồi, mai Thái thái° cứ thong dong tới không còn ngại gì". Bao Hưng gật đầu nhận lời.

° Thái thái: tiếng chỉ bà thân sinh ra người bạn quý.

Về tới phủ, ra mắt Bao Công và trình lại các việc,  Bao Công nghe xong gật đầu rồi đi ra nhà sau hỏi Lý phu nhân rằng: "Phu nhân tâu việc ấy, ý Nương nương nghĩ thế nào?". Lý phu nhân đáp: "Thiếp đem việc ấy tâu lại, ban đầu ý Nương nương còn lưỡng lự nói đi đây không biết mặc sắc phục nào và dùng lễ tiết gì? Thiếp thấy ý lưỡng lự nên khuyên Nương nương tạm mặc theo nhất phẩm thôi. Lúc vào cung,  Địch nương nương ngó thấy chắc không cho bái yết đâu. Việc đã đến thế này, không lộn lạo không được.  Nương nương nghe thiếp nói nghĩ ngợi một lát lâu mới ưng chịu”. Bao Công nghe vậy vui mừng khôn xiết bảo Lý phu nhân tuyển hai con hầu lanh lợi, còn mình ra cắt người đi hộ tống.  

Ngày sau, phu khiêng kiệu vào tam đường, Lý Phi sửa soạn ra đi, bất giác cảm kích tuôn hai hàng lệ, Lý phu nhân khuyên giải ít lời, Lý phi mới nguôi dạ. Khi sắp bước lên kiệu phu nhân còn căn dặn Lý Phi rằng: "Nương nương đi chuyến này, thấy động tĩnh nên thừa dịp tỏ bày chân thực, xin chớ nên vì việc nhỏ bỏ hỏng việc lớn sau này “. Lý phi gật đầu chấm nước mắt đáp rằng: "Ai gia chịu oan ngót hai mươi năm nay nhờ có vợ chồng phu nhân hết lòng trung nghĩa, may sau được trở lại cung vi, ơn ấy quyết không quên lãng”. Nói rồi bước lên kiệu. Phạm Tôn Hoa và Bao Hưng đi theo hộ tống.

Bao Hưng theo Lý Phi tới cung Nam Thanh, ngó thấy Vương Tam liền chạy lại nắm tay nói rằng: "Anh ba! Thái thái tôi đã tới kìa". Vương Tam nghe xong lăng xăng chạy vào trong, một lát có hai tên nội phụ ra truyền lệnh rằng: "Những tân khách đến dự lễ xin tạm tiếp tại ngoại đường, riêng Thái thái ở phủ Khai Phong mời vào nội cung thôi". Bao Hưng nghe nói, thôi thúc kiệu phu khiêng kiệu theo hai tên nội phụ vào cung. Còn Bao Hưng thời được Vương Tam đem vào thư phòng đãi trà.