Biết Người

Phần III - Chương Kết

CẦN LAO, TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC

Trong phim “Tự do là thuộc về chúng tôi” (à nous la liberté) nhà điện ảnh René Clair đã chỉ trích một cách cay độc lối sống tân thời. Bằng một lối châm biếm vừa ngông nghênh vừa trào lộng, ông cho chúng ta thấy rằng các xưởng máy tối tân hiện giờ mà công việc sản xuất đặng tổ chức theo lối dây xích thật chẳng khác nhà tù và ông khéo làm cho chúng ta thèm thuồng lối sống phiêu lãng, ham thích những thú vui trong sạch của kẻ lãng tử sống trên vỉa hè hoặc dưới gầm cầu.

Trước ông, đã từ có những nhà kinh tế học đạo mạo lên án lối tổ chức công việc làm theo khoa học hiện giờ tức là lối làm việc theo dây xích. Các nhà kinh tế học ấy cho rằng bắt nhân công làm việc như một cái máy theo lối Taylor là hủy hoại cá tính của con người, thét rồi con người sẽ đâm ra đần độn. (Trong tạp chí “Europe” số tháng 3 năm 1932, O. Lavand cũng đã lên án một cách hơi kỳ dị phương pháp làm việc của Taylor. Ông Lavand cho rằng đó là một phương pháp áp bức của tư bản. Ông làm như dân Nga-Sô người ta không áp dụng phương phấp Taylor. Thật ra Nga-Sô vẫn dùng phương pháp đó nhưng lại đổi tên là Stakhanovisme chứ không gọi là Taylorisme nữa).

Vấn đề cần lao:

Hiện giờ trong tất cả mọi ngành hoạt động người ta đều hướng đến việc tổ chức công việc làm theo lề lối khoa học, với mục đích tăng gia năng suất và giảm bớt sức lao động.

Để đạt đến mục đích ấy người ta phải hạn chế những sáng kiến cá nhân phần nào, tức là không để cho công nhân làm việc tùy “hứng” nữa, người ta quy định trước những lề lối làm việc và nhân công có phận sự là làm đúng theo đó.

Theo lề lối làm việc có tổ chức này nhân công đỡ nhọc sức cũng bớt mệt trí nhưng đồng thời họ lại phải hy sinh ít nhiều tự do cá nhân.

Chúng ta thử cân nhắc những điềm “lợi”, “hại” của chủ trương ấy.

Nói đến tự do của con người, chúng ta phải phì cười. Ngay về phương diện tinh thần chúng ta đã có bao giờ hưởng đặng tự do hoàn toàn đâu? Như đã biết, chúng ta hành động do cá tính thiên nhiên, mà cái cá tính thiên này này có tùy thuộc chúng ta đâu? Vả lại, lúc nào chúng ta cũng bị lối sống văn minh chi phối.

Bước ra đường? Chúng ta phải đi theo những khoảng đường dành riêng cho bộ hành. Muốn đi xe ô tô buýt? Chúng ta phải làm đuôi đợi đến phiên lấy vé. Lái ô tô? Chúng ta phải tuân theo những hướng đi bắt buộc hoặc tuân theo mệnh lệnh của viên cảnh sát gác đường. Ông muốn đi xem hát vào ngày thứ bảy? Nên cẩn thận lấy vé từ hôm thứ năm. Ông ở phòng? Ông phải tuân theo chỉ thị của người cho thuê phòng. Ông là thương gia? Nhân viên thuế vụ lúc nào cũng có quyền lục xét những sổ sách bí mật của ông. Ông muốn du lịch? Phải xuất trình đủ bao nhiêu giấy tờ phiền phức… Xét ra, đời sống xã hội chỉ có thể tồn tại khi con người biết hy sinh phần nào những “tự do” của mình.

Vấn đề cần lao (Danh từ “cần lao” ở đây nên hiểu là cái chức nghiệp, cái nghề chính để mưu sống) có liên hệ đến vấn đề hạnh phúc của con người.

Chúng ta phải tìm hạnh phúc trong những giờ làm việc hay trong những giờ nhàn rỗi?

Chúng ta phải tìm thấy ý nghĩa đời sống trong việc cần lao, xem nó là một phần quan trọng của đời sống?

Hoặc giả chúng ta phải xem nó như một sự bắt buộc để thỏa mãn những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần. Nói tóm lại chúng ta phải xem việc cần lao như một phương tiện hay như một cứu cánh? (Chúng tôi có dịp đọc một bài báo của nhà phê bình trứ danh, ông André Rousseaux (báo Figaro số ra ngày 3-5-1950) trong số đó có đoạn sau đây: “…Lối làm việc theo dây xích là một hình thức mới để chế độ nô lệ, mà người ta cho rằng đã bị tiêu diệt, lại đáo vào xã hội chúng ta…” Ông đã cả tiếng phản đối cho rằng “đó là một sự vi phạm thân phận con người”, cho rằng khi người ta chỉ đếm xỉa đến năng suất thì “không còn ai nghĩ đến việc sản xuất những công trình mỹ thuật nữa mà chỉ lo tạo ra những món đồ hữu dụng”, và cũng không một ai đủ thời giờ để suy tưởng. Có lẽ ông A. Rousseaux quên rằng, sự tổ chức công việc làm (mà lối làm việc theo dây xích chỉ là một phần) đã đi đến kết quả tốt đẹp là giảm bớt sự vất vả của con người và tăng thêm giờ nhàn hạ cho họ. Nhìn lại những tiến bộ do lối tổ chức việc làm mang đến trong vòng 50 năm vừa qua chúng ta phải kể: nó đã làm sụt giá nhiều món hàng nhờ sản xuất đặng nhiều nên giá bán rẻ, do đó lớp người nghèo cũng hưởng đặng nhiều tiện nghi, nó cũng đã rút bớt thì giờ làm việc trong các xưởng trước kia làm 12 giờ bây giờ chỉ làm 8 tiếng đồng hồ. Đó là chưa kể, với sự tiến bộ của khoa học, giờ làm việc này còn có thể giảm bớt được).

Nếu con người có thể chọn nghề nghiệp phù hợp với thị hiếu, với xu hướng thiên nhiên của mình thì việc cần lao quả là một yếu tố để tạo ra hạnh phúc trên cõi đời này. Đó là chưa kể những nhận xét của giáo sư M. Boll và A. Delmas cho rằng vấn đề hạnh phúc còn tùy thuộc những yếu tố bên trong tức là tùy thuộc trạng thái của bộ thần kinh mà người ta quen gọi chung dưới danh từ là “toàn thân cảm giác”. Một người tinh thần suy kém do bẩm sinh, có tính áy náy, lo âu khó mong tìm thấy hạnh phúc trong đời sống hoặc trong việc làm.

Nhưng không mấy khi chúng ta biết chọn một nghề nghiệp thích hợp với những bẩm chất thiên nhiên bởi lẽ chúng ta ít biết rõ về cá tính thiên nhiên của mình. Chúng ta thường chọn một nghề nào chúng ta thích hoặc dễ làm, hoặc chọn nghề nào kiếm đặng nhiều tiền nhất, hoặc có thể đem lại nhiều danh vọng nhất. Ngoài một số rất hiếm người “bất vụ lợi” như một ít đấng chân tu, một ít nhà khoa hoc, có mấy người trong chúng ta tìm thấy những thích thú trong chức nghiệp của mình như các nhà truyền đạo cảm thấy khi họ thi hành thiên chức của họ.

Kể ra thật khó mà quan niệm một xã hội trong đó mọi người đều nhận lãnh một trách vụ hợp với cá tính thiên nhiên của mình. Bởi không chọn đặng một nghề nghiệp thích hợp với bẩm tính của họ nên lắm người không tìm thấy hứng thú trong việc làm và xem sự cần lao như một cực hình.

Những phương pháp tuyển trạch người giúp việc mà ở trước chúng tôi đã nêu ra có mục đích thích ứng người làm việc với công việc làm. Song như chúng ta đã rõ, sự tuyển trạch ấy không phải là việc dễ.

Lối tổ chức công việc làm theo phương pháp mới hiện giờ có mục đích xếp đặt những công việc đã đặng “đúc thành khuôn” cốt cho một số đông người dù khả năng thể chất có khác nhau ít nhiều vẫn có thể thích ứng với công việc. Chúng tôi không hiểu tại sao có người lại chỉ trích chủ trương ấy.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải thay đổi quan niệm về vấn đề cần lao. Cái quan niệm “con người vì bị trời phạt nên phải làm việc vất vả để đền tội” đã lỗi thời. Bọn người mạn rợ chỉ làm việc để kiếm ăn hằng bữa, để cất một cái chòi đủ che mưa nắng. Ngoài ra chúng thả rong, nằm nghỉ, họp nhau để khêu vũ hoặc tìm thú “yêu đương”.

Muốn đạt đến mục đích thật của đời sống có lẽ chúng ta phải gạt bỏ những thắc mắc về vấn đề định mạng, mà chỉ lo làm những công việc mình thích thú nó phù hợp với những thị hiếu, những khuynh hướng thiên nhiên của mình, và tìm thấy những thú vui trong sạch trong sự cần lao, gát bỏ vấn đề kiếm tiền qua một bên. Theo nghĩa đó, sự cần lao phải là một phương tiện tạo ra cho con người những thích thú mà nếu thiếu, đời sống sẽ thành ra vô nghĩa.

Nếu chúng ta không tin tưởng ở “đời sau”, ở một cõi thiên đàng mà con người có thể hưởng đặng hạnh phúc hoàn toàn và vĩnh cửu, thiết tưởng ngoài ra cần lao không còn phương thế nào khác hơn để tạo ra một đời sống hạnh phúc dưới cõi trần này, dù rằng chỉ là một thứ hạnh phúc tương đối.

Định mệnh của con người:

Khi phải nhận xét về cuộc sống hiện tại, chúng ta chỉ có hai thái độ. Hoặc chúng ta sẽ giải thích theo thuyết siêu hình, và như thế việc đi tìm hạnh phúc ở cõi trần này không thành vấn đề vì để bù lại những hy sinh, những cố gắng để sống theo một lối sống khắt khe đúng lề luật của tôn giáo, chúng ta sẽ đặng hưởng “phước đời đời” trên thiên đàng.

Hoặc giả chúng ta sẽ cho rằng cuộc đời này vô nghĩa bởi xét theo khoa học, thuyết “chung cuộc nguyên nhân” (Thuyết cho rằng trên đời này làm việc gì cũng có nhân và có quả) không đứng vững và xét về tạo vật thì vũ trụ này chỉ là một cuộc tàn sát vĩ đại mà sự ác độc là một trong những điều kiện để sinh tồn. Sinh vật này “nuốt” sinh vật khác để sống. Tạo vật sẵn sàng hy sinh hàng triệu hàng ức sinh mạng khác mặc dù đứng trên thực tế mà xét, chúng ta không hiểu nổi tại sao sự sống lại phải trường tồn trên quả địa cầu này.

Tạo vật không có luân lý tính dục, nói đúng là nó không biết một thứ luân lý nào cả; nếu trong tạo vật có một lề lối luân lý để “yêu đương” thì đã có một thể cách truyền giống theo một lề lối nhất định. Nhưng xét theo tạo vật, cái truyền giống biến đổi tùy theo mỗi loài, mỗi giống vật. Cái tạo vật mù quáng và lãnh đạm ấy chỉ biết có một việc: lưu truyền sự sống bất cứ bằng phương tiện nào, với thể cách nào cũng đặng. Ở loài vật cũng có sự thác loạn về tính dục, một vài giống lại biết dùng đến phương pháp kết thai giả tạo.

Để phối hợp nhau chúng biết dùng đủ thể thức mà loài người đã biết: từ chế độ độc thê, đa thê, mẫu hệ v.v… Chúng lại dùng để một thể thức mà loài người chưa biết: lối sinh sản hàng loạt, chỉ một con mái chịu thai một lần rồi sinh ra hằng bao nhiêu con khác.

Có thể nói những hiên tượng của tạo vật là những cuộc thí nghiệm kế tiếp và rất khác nhau. Sự sống đặng lưu truyền do một sự rủi may. Tạo vật cũng không biết chọn lựa một thể thức thích ứng với mỗi vật, có khi lại dùng đến những thể thức có phương hại cho giống nòi. Các nhà sinh vật học nhận thấy hiện tượng “đột biến” thường diễn ra một cách bất lợi cho việc tiến hóa các sinh vật. Những hiện tượng của tạo vật thường diễn ra một cách ngẫu nhiên, không theo một trật tự nhất định nào, lại thiếu cả sự hòa hợp làm cho lắm nhà khoa học, lắm nhà tư tưởng phải suy nghĩ.

Chúng ta có thể dẫn ra hằng trăm thí dụ về sự thiếu hòa hợp trong tạo vật. Theo luật chung của sinh lý học thì có một con tinh trùng là có thể gặp noãn cầu để kết hợp và kết thai. Song trứng của loài ếch lại chứa đến ba tinh trùng. Lẽ dĩ nhiên chỉ có một tinh trùng kết hợp còn hai “anh” kia thì… ngồi xem.

Một thí dụ khác: đa số các sinh vật (thực vật hay động vật) đều thuộc hạng “lưỡng tương nhiễm thể” tức là trong những tế bào của sinh vật ấy đều có hai giống nhiễm thể. Nhưng đồng thời tế bào của một số người hoặc vài giống vật lại có nhiều giống nhiễm thể. Những giống này to lớn khác thường.

Thái độ của người hiền:

Trước một tạo vật mù quáng mà con người không đo lường nổi ý định, trước cái vũ trụ vô biên mà con người chỉ là một phần nhỏ nhít không đáng kể, những ai không may mắn đặng có một lòng tín ngưỡng nhờ đó tìm thấy sự an tĩnh của tâm hồn, làm sao khỏi thắc mắc về vấn đề định mệnh của con người? Phải tựa vào đâu để tìm thấy một lẽ sống? Phải có thái độ nào để tìm hạnh phúc trong đời sống?

Trước hết, chúng ta phải căn cứ ở điểm thực tế này: sự đau khổ là cần thiết, không đau khổ chúng ta cũng không sao nếm đặng hạnh phúc. Nếu có thể dứt bỏ hết mọi nỗi đau khổ ở đời này chúng ta sẽ đi đến, không phải sự thản nhiên của tâm hồn mà phái khắc kỷ đã chủ trương, song là đi đến chỗ bất động của một hòn đá, một khúc gỗ.

Hạnh phúc trên đời này vừa chóng qua vừa tương đối. Không một con người nào, một biến cố nào có thể mang hạnh phúc đến cho chúng ta. Cái hạnh phúc ấy, chúng ta phải tự tạo lấy do sức cố gắng riêng của mình. Trước hết phải biết tìm cách làm giảm bớt những mối đau khổ của riêng mình, giảm những mối khổ về thể chất bằng cách bảo vệ sức khỏe, giảm những mối khổ về tinh thần bằng cách tạo nên một cá tính tập thành đủ sức kiềm hãm hoặc làm dịu bớt những bẩm chất thiên nhiên nào có phương hại.

Nhưng cần nhất là đừng bao giờ gieo rắc sự đau khổ chung quanh mình, trái lại phải tìm cách xoa dịu nỗi khổ của kẻ khác. Trước sự đau khổ, mọi người đều liên đới với nhau.

Người ích kỷ ngờ rằng có thể tạo lấy hạnh phúc bằng cách gieo họa, gửi khổ cho kẻ khác. Thật ra họ đã lầm lạc to. Không chày thì kíp những đau khổ họ đã gieo rắc sẽ quay trở lại để dày vò chính họ.

Óc khôn ngoan của loài người đã chẳng từng dạy: không ai có thể xây dựng hạnh phúc của mình trên sự đau khổ của những người khác.

Tổ chức những giờ nhàn hạ:

Chỉ trong những giờ nhàn hạ chúng ta mới có dịp mở mang kiến thức, bổi bồ tinh thần hoặc trí thức, tạo nên sự bình quân giữa nội thân và ngoại cảnh, để hướng đến hạnh phúc.

Những giờ cần lao chỉ xen vào để phát triển những công việc nói trên, đồng thời để thỏa mãn những nhu cầu cốt yếu của chúng ta.

Nếu chúng ta muốn đỡ nhọc nhằn vì cần lao chúng ta phải biết giảm bớt công việc làm. Những người mến chuộng tự do thường biết hạn chế công việc làm, họ chỉ làm những công việc nào khẩn thiết thôi.

Nói thế không có nghĩa là khuyên ai xem rẻ việc cần lao hoặc cho rằng chỉ nên làm việc một cách gượng gạo, miễn cưỡng. Đã dự vào một trò chời chúng ta phải tuân theo luật lệ của trò chơi ấy tức đã không làm việc thì thôi mà đã làm thì phải cố gắng tiến đến chỗ tận thiện, tận mỹ. Có biết làm việc với tinh thần ấy chúng ta mới có thể mong hưởng đặng ít nhiều tự do còn sót lại.

Như thế, tất cả những phương pháp nào có thể giản dị hóa công việc làm, giảm bớt sức người, rút bớt thời giờ đều đặng đáng kể là một lợi ích xã hội. Đành rằng làm cho con người nhàn hạ cũng có điểm không hay, rất có thể vì quá nhàn hạ mà người ta đâm ra hư hỏng. Chưa ắt gì tất cả mọi người đều biết dùng thời gian nhàn rỗi của họ để tu tâm cải tính. Nhưng nếu họ biết dùng những giờ nhàn hạ ấy một cách vô hại kể ra cũng quý lắm rồi…

Công cuộc tổ chức công việc phải đi đôi với công cuộc giáo dục xã hội. Một khi công việc làm đã đặng tổ chức thì nó cũng đã mất hứng thú phần nào, đứng về phương diện tinh thần mà xét, như vậy phải tìm cho con người những thú vui khác để họ khỏi đắm mình trong những khoái lạc có hại như rượu, thuốc phiện. Tổ chức những thú vui cũng quan trọng như tổ chức công việc làm.

Mối thảm họa của thời đại này:

Nếu cho rằng hạnh phúc chúng ta tùy thuộc phần nào cái toàn thân cảm giác, tức là sự thăng bằng của bộ thần kinh thì tất cả những nguyên do nào có thể làm mất sự thăng bằng ấy đều có ảnh hưởng đến sự thư thái của tâm hồn tức là đến hạnh phúc của chúng ta. Đối với những người do bẩm sinh mà tinh thần bị suy kém thì một biến cố không hay nào xảy ra cũng có thể biến thành thảm họa. Những người tính vốn lạc quan dễ chống trả với nghịch cảnh hơn.

Song dù có lạc quan đến đâu cũng có một giới hạn. Trong khúc quanh của lịch sử mà chúng ta đang sống hiện nay, có thể nói hạnh phúc của loài người luôn luôn bị đe dọa.

Quả bom nguyên tử hủy diệt thành phố Hiroshima năm 1945 đã làm cho đa số dân chúng phải kinh ngạc. Vì ngoại trừ một số hiếm người có thực học, đa số dân chúng đều không nhận định rõ bước tiến triển kỳ lạ của khoa học trong vòng 50 năm gần đây, nó làm đảo lộn nền móng những kiến thức loài người. Các nhà khoa học hiện nay đã lật đổ nhiều giá trị cũ. Từ thuyết “tương đối” của Einstein, thuyết “lượng tử” của Plank, thuyết “cơ học ba động” của Broglie đến những cuộc tìm tòi về nguyên tử lực, những gì mà các nhà khoa học chủ trương từ mấy thế kỷ trước đều bị lật nhào. Khi nghiên cứu về những gì thuộc cái thế giới “vô cùng tiểu” người ta nhận thấy nó không mấy khác cái thế giới “vô cùng đại” mà chúng ta đã từng quan niệm khi có dịp ngước mắt nhìn lên vòm trời thăm thẳm trong đêm hè.

Xưa kia ông cha chúng ta quan niệm một cái vũ trụ rất đơn giản mà quả địa cầu là trung tâm điểm, chung quanh đó có mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Sau đó nhờ thuyết Newton chúng ta đã hiểu rõ hơn về cách cấu tạo, về một ít định luật của vũ trụ. Nhưng hiện giờ, chúng ta phải nhận rằng mấy chòm sao mà chúng ta nhìn thấy trên vòm trời ở những đêm trong sáng, thực ra đó chỉ là những tinh vân trong số bao nhiêu tinh vân khác mà chúng ta chưa rõ bởi nó cách xa chúng ta hằng bao nhiêu ức cây số. Và mỗi tinh vân như thế là cả một vũ trụ.

Đồng thời một ý thức hệ mới lại đè nén trên sáu trăm triệu người, và còn lăm le xâm chiếm cả nhân loại. Một ý thức hệ gồm có những chân lý mà người ta tự ý đặt ra sẵn, nó bắt buộc con người phải tư tưởng, phải cảm nghĩ theo định luật duy nhất, trái ngược với những gì từ bao nhiêu thế kỷ đã làm thành giá trị con người.

Một phần lớn dân chúng trên quả địa cầu này hiện đang sống trong kinh hoàng, vì nơm nớp lo sợ mối đe dọa ấy.

Sự tích mà phù thủy tập sự bày ra lắm phép huyền diệu để rồi những phép ấy trở lại ám hại mình ngày nay đã thành một sự thật.

---- HẾT ----