Bốn Bức Bình Phong

Chương kết

Docsach24.com

gười quản gia già đến gặp Địch công và đưa ông vào thư viện.

Quan huyện Đặng đã thay quan phục. Ông mời quan án ngồi xuống cạnh ông ta trên chiếc ghế rộng và cho người quản gia lui ra. Cảnh tượng này làm Địch công nhớ đến khung cảnh mà họ gặp nhau lần đầu. Trong khi quan huyện rót một chén trà cho Địch công, ông nhận thấy người khách của mình nhìn vào bức tường trống nơi trước đây đặt tấm bình phong. Ông nói với nụ cười buồn bã:

- Tôi đã dẹp bức bình phong ra khỏi căn phòng. Ngài biết đấy, nó gợi cho tôi quá nhiều…

Địch công đột ngột dằn mạnh tách trà của mình xuống bàn. Ông nói gay gắt:

- Tha cho tôi, tôi cầu xin ngài, sự lặp lại về câu chuyện của bức bình phong! Một lần là quá đủ rồi!

Đặng nhìn chết lặng vào gương mặt bình thản của Địch công. Sau đó ông hỏi:

- Ý ngài là gì khi nói những lời đó, Địch?

- Chính xác như những gì tôi nói – quan án trả lời một cách lạnh lùng – đó là một câu chuyện rất đẹp, một chuyện tình cảm và ngài đã kể rất hay. Tôi rất xúc động. Nhưng đó chỉ là một câu chuyện tưởng tượng từ đầu đến cuối, tất nhiên. Người vợ quá cố của ngài chỉ có duy nhất một người em gái chứ không phải là ba, nhưng đó chỉ là vấn đề nhỏ.

Mặt của quan huyện Đặng tái mét. Môi ông mấp máy nhưng không có âm thanh nào phát ra. Địch công đứng lên và đi về phía cửa sổ. Chắp hai tay ra sau lưng, ông nhìn những bụi trúc đung đưa trong khu vườn bên ngoài. Sau đó ông quay lại và nói với Đặng:

- Câu chuyện của ngài về bức bình phong sơn mài thật tuyệt vời như một minh chứng cho tình yêu của ngài đối với vợ ngài, Ngân Liên. Ngài chỉ yêu có một người và đó chính là bản thân ngài. Và danh tiếng của ngài như là một nhà thơ, tất nhiên. Ngài là một người đàn ông cực kỳ kiêu ngạo và hoàn toàn ích kỷ nhưng ngài không bao giờ là một người điên. Tôi nghĩ rằng, tất nhiên, nhân cách của ngài bị méo mó nói theo một nghĩa nào đó. Ngài không có con cái và không bao giờ lấy thêm vợ hay thê thiếp, ngài sử dụng khiếm khuyết của ngài để đánh bóng tên tuổi của mình như là một “ người yêu chung chuỷ”. Tôi ghét phụ nữ ngoại tình nhưng tôi phải thú nhận rằng vợ ngài trong cuộc sống của cô ta với ngài đúng là không dễ chịu.

Quan án dừng lại. Ông nghe thấy hơi thở nặng nề của viên quan huyện phía sau.

- Một ngày nào đó – ông tiếp tục – ngài bắt đầu nghi ngờ vợ của mình có quan hệ ngoại tình với người họa sĩ trẻ Lăng Tề. Cô ấy có lẽ đã gặp gỡ anh ta tại nhà của người em gái. Tôi cho rằng họ tìm đến với nhau vì thực tế cả hai đều bị bế tắc trong cuộc sống, anh ta biết rằng mình không còn sống bao lâu nữa vì căn bệnh kinh niên và cô ấy thì đã kết hôn với một người chồng lạnh lùng và tàn nhẫn. Ngài biết chắc điều đó vì vậy ngài đã bí mật đến điểm hẹn của họ tại ngôi nhà gần cổng thành phía tây và dọ thám. Ngài che mặt bằng khăn quàng cổ nhưng người phụ nữ tại căn nhà đó nhớ đến dáng đi khập khiễng của ngài. Phan Vũ Tề nói với tôi rằng vào thời gian đó ngài bị bong gân mắt cá chân. Việc khập khiễng tạm thời đó là một sự nguỵ trang rất tốt, nó đánh lạc hướng những đặc điểm khác của ngài nhưng sẽ biến mất ngay sau khi được chữa lành. Tôi đã quên về việc đó nhưng đêm qua phụ tá của tôi, Triệu Thái, đã nhận xét về cái mắt cá chân bị gãy của Côn Sơn và sau đó tôi nhớ lại những gì mà Phan Vũ Tề đã nói với tôi. Và tôi đã biết được sự thật.

Sự trinh tiết của người phụ nữ là cơ sở và điều cơ bản của trật tự xã hội thiêng liêng của chúng ta, và pháp luật quy định hình phạt tử hình đối với người phụ nữ ngoại tình và nhân tình của mình. Đã bắt được quả tang cả đôi ngoại tình, ngài có thể giết chết họ sau đó hoặc ngay tại đó. Hoặc ngài có thể tố cáo việc này lên quận trưởng và cả hai sẽ bị chém đầu. Nhưng sự tự phụ của ngài không cho phép ngài làm điều đó. Ngài không thể chịu đựng được việc hình ảnh mà ngài cố công gầy dựng “người yêu chung thuỷ” bị phá huỷ, ngài không thể chịu đựng nổi một người nổi tiếng như ngài lại bị một người vợ lừa dối. Ngài quyết định không nói gì cả và chuẩn bị một kế hoạch giết chết vợ mình để trả thù cho sự không chung thuỷ của cô ta nhưng không để ảnh hưởng đến tiếng tăm của mình và qua đó càng nâng cao lên chứ không phải huỷ đi hình tượng “ người yêu chung thuỷ”. Và tất cả kế hoạch phải được thực hiện sao cho ngài không có nguy cơ bị truy tố về tội giết người, tất nhiên. Bệnh tâm thần của ông nội ngài và bức bình phong đã gợi cho ngài một ý tưởng. Đó là một ý tưởng rất thông minh, Đặng. Biết bao đêm ngài ngồi đây một mình trong thư viện này ngắm bức bình phong trong khi người vợ đang hẹn hò với tình nhân. Thực ra điều đó chẳng có ý nghĩa gì hết vì ngài chẳng có tình yêu nào đối với Ngân Liên. Tôi còn nghi ngờ rằng trong thâm tâm ngài rất thù ghét nàng vì đấy là một nữ thi sĩ có tài và ngài đã lấy những vần thơ đẹp nhất của nàng làm của mình.

Ngài ghen tức với tài năng thơ ca của nàng, ngài khuyên nàng đừng nên xuất bản thơ làm gì, nhưng tôi có đọc được một tập thơ của nàng và ông Đặng này, ông không thể nào bén gót được người vợ của mình về khả năng thi phú. Vì vậy ông đã tưởng tượng ra một câu chuyện ly kỳ.

Ừ, chuyện đó có đầy ưu điểm để được nổi tiếng và lưu truyền trong văn giới cả nước với sự khâm phục lẫn xót xa tuyệt vời. Nào là cái nghiệp từ tổ phụ giáng xuống đời sau, nào là bộ tứ bình gia bảo có phép lạ tự nhiên, rồi mối tình cao khiết của đôi danh tài trong cõi thơ, mọi thứ gia vị đều có cả!.....và tôi đã thực sự xúc động vì điều này. Nếu tất cả đúng theo kế hoạch ngài sẽ giết chết vợ của mình trong một cơn điên đã được tính toán cẩn thận. Sau đó, ngài sẽ tự lên án bản thân mình với quận trưởng, dĩ nhiên là ông ta sẽ tuyên bố là ngài vô tội. Ngài có thể nghĩ hưu và dành quãng đời còn lại để xây dựng danh tiếng như là một nhà thơ. Ngài không quan tâm đến phụ nữ nên sẽ không tái hôn, ngài sẽ tỏ lòng thương tiếc người vợ của mình cho đến khi kết thúc cuộc đời.

Tôi không nghi ngờ việc ngài đã có một kế hoạch khéo léo để trả thù Lăng Tề. Nhưng anh ta đã chết trước khi ngài có thể thực hiện kế hoạch đó. Ngài đành hướng tất cả sự tuyệt vọng vào người vợ của mình. Tôi nghe nói rằng trong hai tuần cuối cùng ngài đã vô cùng vui vẻ trong khi vợ ngài bị bệnh.

 Côn Sơn giết vợ của ngài. Cô không bao giờ biết được những gì đã xảy ra với cô ấy và cô đã chết một cách thanh thản. Ngài bước vào phòng thay đồ sau khi Côn Sơn đã dọn dẹp bột thuốc mê nhưng chút bột còn lại đã làm ngài ngất đi. Khi ngài tỉnh lại ngài nghĩ rằng ngài đã giết chết vợ mình. Điều này cũng không làm ngài đau khổ. Sau đó ngài trở nên điên cuồng vì nghĩ rằng quá nhiều sự thất vọng đã làm ảnh hưởng đến trí não của ngài. Bộ não vô giá của một nhà thơ vĩ đại! Ngài rất lo lắng về bản thân khi tôi bất ngờ đến gặp ngài, ngài không còn tâm trí nào nghĩ đến việc đưa ra câu chuyện về bức bình phong. Trong sự bối rối của ngài, ngài đã ngu ngốc nói với người quản gia về việc vợ ngài đi thăm người em gái và ngài muốn thoát khỏi tôi càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, sau khi phiên toà kết thúc, khi ngài đã bình tĩnh lại ngài nhận thấy việc tôi đến Hòa Bình là một cơ hội tốt. Bây giờ ngài đã có một nhân chứng để xác nhận câu chuyện của ngài về bức bình phong, một đồng nghiệp, người sẽ đi cùng ngài đến quận trưởng và làm chứng để làm tăng thêm màu sắc của tấn thảm kịch này. Vì vậy, ngài đã gửi đội trưởng đến triệu tập tôi để nghe lời thú nhận cảm động của ngài.

Nhưng ngài không tìm được tôi. Trong trạng thái tâm trạng bất ổn và thất vọng đã làm ngài khó chịu. Ngài bắt đầu nghi ngờ sự tỉnh táo và tính hợp lý của kế hoạch của ngài. Các gia nhân bắt đầu tự hỏi về căn phòng bị khóa. Sự tồn tại của xác chết tại đó bắt đầu ám ảnh ngài. Vì vậy ngài đã dại dột đem vứt bỏ thi thể của vợ ngài vào đầm lầy mà không kiểm tra nó.

Cuối cùng tôi đã đến vào đêm đó. Ngài kể câu chuyện của mình với một sự tự tin. Nhưng ngài đã thất vọng khi tôi sau đó nói đến những điểm vô lý, ám chỉ đến khả năng ngài đã không giết chết vợ mình. Không gì tốt hơn mong muốn của ngài! Sau đó ngài nhớ rằng ngài đã phạm sai lầm là ngài đã vất bỏ thi thể và tôi có thể tìm thấy nhiều điều từ đó. Do đó ngài đồng ý hoãn chuyến đi của chúng ta đến quận trưởng và cho tôi giúp một tay trong việc xác định kẻ giết người thực sự.

Bây giờ mọi chuyện trở nên thật tốt đẹp với ngài. Sự thật là ngài không hài lòng lắm khi không được tự tay giết chết vợ của mình nhưng mặt khác bây giờ ngài được trở thành nạn nhân của một sự kiện bi thảm. Người vợ yêu quý của ngài đã bị giết hại dã man! Tôi không nghi ngờ gì trong những năm sắp tới tên tuổi của ngài như là một nhà thơ sẽ ngày càng bền vững. Câu chuyện bi thảm về bức bình phong sẽ được lãng quên nhưng mối tình của ngài thì sống mãi. Thơ của ngài sẽ không hay hơn nhưng mọi người sẽ nói vì đó là do ngài đã bị tan vỡ hạnh phúc. Tất cả mọi người sẽ thương hại ngài và khen ngợi công việc của ngài nhiều hơn trước. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ngài trở thành nhà thơ hàng đầu của triều đình, Đặng.

Địch công ngừng lại. Sau đó ông kết luận bằng giọng mệt mỏi:

- Đó là tất cả những gì tôi muốn nói với ngài, Đặng. Tất nhiên tôi sẽ giữ kín tất cả những phát hiện của tôi về ngài để nó mãi mãi là một bí mật chìm sâu. Chỉ hy vọng là tôi sẽ không bao giờ còn phải đọc thơ của ngài một lần nữa!

Có một khoảng lặng. quan án chỉ nghe tiếng xào xạc của lá tre ở khu vườn bên ngoài. Cuối cùng quan huyện Đặng lên tiếng:

- Ngài đã nghĩ sai về tôi, Địch. Ngài đừng cố tình bóp méo sự thật khi nói là tôi không yêu vợ tôi. Thật sự là tôi yêu cô ấy tha thiết. Chỉ có một thực tế là chúng tôi không có con và điều đó là một bóng đen che mờ hạnh phúc của chúng tôi. Việc ngoại tình của cô ấy là một đòn tàn nhẫn phá vỡ trái tim tôi. Thực tế nó chính là nguyên nhân đưa tôi đến bờ vực của sự điên rồ. Trong sự tuyệt vọng chán chường tôi đã nghĩ ra câu chuyện khủng khiếp về bức bình phong. Kể từ lúc, như lúc nãy ngài vừa nói, tôi có đầy đủ quyền để giết chết người vợ của mình tôi đã không làm như thế và sau khi Côn Sơn đã thú nhận tội ác và vụ án đã khép lại, nó hoàn toàn vô dụng và không cần thiết để ngài phải trách cứ tôi như ngài đã làm từ nãy đến giờ. Ngay cả khi ngài biết câu chuyện về bức bình phong chỉ là một câu chuyện dối trá thì ngài cũng phải có lòng thương xót đối với một người đàn ông đã bị tuyệt vọng, thông cảm với những thiếu sót và lỗi lầm của anh ta chứ đâu phải dùng cách tàn nhẫn để miệt thị tôi như cách ngài vừa làm. Tôi vô cùng thất vọng về ngài, Địch, người mà đối với tôi luôn là một người đàn ông khoan dung và công bằng. Sự khoan dung của ngài không phải là để làm nhục tôi và hạ thấp giá trị của tôi nhằm để thể hiện sự thông minh của ngài. Và nó không chỉ phỉ báng tôi, cáo buộc rằng tôi ghét vợ mình, biện minh cho sự can thiệp hoàn toàn không có cơ sở của ngài vào cuộc sống riêng tư của tôi bằng cách đưa ra một câu chuyện hoang đường mà thiếu các bằng chứng cụ thể.

Địch công quay mặt lại đối diện với chủ nhà. Nhìn ông ta với đôi mắt sắc bén của mình, ông lạnh lùng nói:

- Tôi không bao giờ buộc tội ai mà không có bằng chứng cụ thể. Lần đầu tiên ngài đến ngôi nhà gần cổng thành phía tây là chính đáng và ngài đã xác minh được việc ngoại tình của vợ mình. Nếu ngay lúc đó ngài chạy vào trong và giết chết cả đôi gian phu dâm phụ tại chỗ hoặc chạy ra và tự sát hay làm một hành động tuyệt vọng gì đó có trời mới biết thì tôi tin rằng ngài thật sự yêu vợ mình hoặc ít nhất cũng là một thằng đàn ông đúng nghĩa. Nhưng ngài lại quay trở về nhà và lại theo dõi họ lần thứ hai. Điều đó đã tiết lộ con người suy đồi của ngài và cung cấp tất cả các bằng chứng cụ thể mà tôi cần. Tạm biệt!

Quan án cúi đầu và bỏ đi.

Ông tìm thấy Triệu Thái chờ ông tại sân của tòa án, tay cầm dây cương hai con ngựa.

- Chúng ta sẽ quay trở lại Bồng Lai ngay bây giờ sao, thưa đại nhân? – anh hỏi – Ngài chỉ mới ở đây có hai ngày!

- Quá dài – Địch công trả lời cộc lốc. Ông leo lên lưng ngựa và họ đi ra ngoài đường phố.

Họ rời khỏi thị trấn bằng cổng phía nam. Khi họ ra đến đường lớn phủ đầy cát, quan án cảm thấy có gì đó trong tay áo của ông. Ông dừng ngựa lại và lấy từ tay áo ra tấm danh thiếp màu đỏ trên đó có ghi” Trần Mô, người môi giới “. Ông xé nó ra thành từng mảnh nhỏ. Ông nhìn một lần nữa đống giấy vụn trong lòng bàn tay sau đó ném nó đi.

Họ thúc ngựa chạy đi và bóng của họ mờ dần sau lớp bụi đường.

 

HẾT