Bốn Thỏa Ước

Chương 2: Thỏa Ước Thứ Nhất

THỎA ƯỚC ĐẦU TIÊN LÀ CẢI QUAN TRỌNG NHẤT và cũng khó giữ nhất. Nó quan trọng đến độ chỉ với thỏa ước đầu tiên này, bạn sẽ có thể vươn đến cảnh giới mà tôi gọi là thiên đàng trên mặt đất.

Thỏa ước đầu tiên là: không phạm với lời của bạn. Nghe thì đơn giản, nhưng đây là một thỏa ước rất, rất mạnh mẽ.

Tại sao lại là lời của bạn? Lời của bạn là sức mạnh mà bạn phải tạo ra. Lời của bạn là món quà trực tiếp đến từ Thượng đế. Phúc âm của John trong Kinh Thánh, khi nói về việc sáng tạo vũ trụ, đã viết: “Khởi thủy là lời, lời ở cùng Thượng đế, và lời là Thượng đế.” Qua lời, bạn diễn tả năng lực sáng tạo của bạn. Chính qua lời, bạn thể hiện mọi sự. Bất kể bạn nói bằng ngôn ngữ nào, ý hướng của bạn hiện ra thông qua lời. Những gì bạn ước mơ, bạn cảm nhận, những gì thực sự là bạn, tất cả sẽ được hiển hiện qua lời.

Lời không chỉ là một âm thanh hoặc một ký hiệu được viết ra. Lời là một sức mạnh; đó là sức mạnh bạn phải bộc lộ và truyền đạt, để suy nghĩ, và nhờ đó, để tạo ra các biến cố trong đời bạn. Bạn có thể nói. Có sinh vật nào khác trên hành tinh này có thể nói đâu? Lời là công cụ mạnh mẽ nhất bạn có được trong tư cách con người; nó là cây đũa thần. Nhưng cũng như con dao hai lưỡi, lời của bạn có thể tạo ra giấc mơ đẹp nhất, lời của bạn có thể phá hủy mọi thứ xung quanh bạn. Một lưỡi là sự lạm dụng lời, nó tạo ra một hỏa ngục sống. Lưỡi còn lại là sự bất khả phạm tội của lời, nó chỉ tạo ra cái đẹp, tình yêu và thiên đàng trên mặt đất. Tùy vào việc sử dụng nó ra sao, mà lời có thể giải phóng bạn, hoặc có thể nô dịch bạn nhiều hơn bạn tưởng. Mọi phép thuật bạn sở hữu đều dựa vào lời của bạn. Lời của bạn là phép thần, và việc lạm dụng lời là một thứ ma thuật.

Lời mạnh mẽ đến độ một lời có thể thay đổi cả một cuộc đời hoặc phá hủy cuộc đời của hàng triệu người. Ít năm trước đây, có một kẻ ở nước Đức, bằng việc sử dụng lời, đã thao túng cả một quốc gia gồm những người thông minh nhất. Ông ta đã dẫn dắt họ đi vào một thế giới chiến tranh chỉ bằng sức mạnh của lời. Ông ta đã thuyết phục được người khác tham gia vào những hành vi bạo lực man rợ nhất. Ông ta dùng lời kích động nỗi sợ hãi của con người, và như một vụ nổ lớn, giết chóc và chiến tranh đã lan rộng trên toàn thế giới. Khắp nơi trên hành tinh, người ta đã hủy diệt những người khác vì họ sợ lẫn nhau. Lời của Hitler, dựa trên niềm tin và thỏa ước do sợ hãi tạo ra, sẽ còn được ghi nhớ qua nhiều thế kỷ.

Tâm trí con người giống như một mảnh đất màu mỡ, nơi hạt giống không ngừng được gieo xuống. Hạt giống là những quan điểm, những tư tưởng và khái niệm. Bạn gieo một hạt giống, một ý tưởng, và nó lớn lên. Lời cũng giống như một hạt giống, và tâm trí con người quả là màu mỡ! Vấn đề duy nhất là nó thường quá màu mỡ cho những hạt giống của sợ hãi. Tâm trí của loài người ở đâu cũng phì nhiêu, nhưng chỉ dành cho những loại hạt giống mà nó đã được chuẩn bị để dành cho. Điều quan trọng là nhìn thấy loại hạt giống nào mà tâm trí chúng ta thật màu mỡ dành cho chúng và chuẩn bị cho nó đón nhận hạt giống của tình yêu.

Hãy lấy thí dụ về Hitler. Ông ta đã vãi những hạt giống sợ hãi, chúng lớn lên rất nhanh và đạt đến sự tàn phá khổng lồ một cách ngoạn mục. Khi xem xét sức mạnh đáng sợ của lời, chúng ta phải hiểu được sức mạnh nào phát ra từ miệng mình. Một nỗi sợ hãi hay mối nghi ngờ gieo vào tâm trí ta có thể gây nên một tấn kịch bất tận của vô vàn sự kiện. Một lời giống như một câu thần chú, và con người dùng lời như những thầy phù thủy hắc ám, chẳng cần suy nghĩ gì, cứ niệm thần chú bừa lên nhau.

Mỗi con người đều là một thầy phù thủy, và chúng ta có thể niệm chú trên người khác bằng lời của mình, hoặc chúng ta có thể giải cứu người khác khỏi một thần chú. Chúng ta niệm thần chú trong mọi lúc bằng ý kiến của mình. Một thí dụ: Tôi nhìn thấy một người bạn và cho anh ta một ý tướng vừa nảy ra trong đầu. Tôi nói: “Hừm! Tôi thấy sắc mặt anh giống với mấy người sắp bị ung thư.” Nếu người ấy lắng nghe lời và nếu người ấy đồng tình thì người ấy sẽ mắc căn bệnh ung thư trong vòng non một năm. Đó là sức mạnh của lời.

Trong tiến trình thuần hóa chúng ta, cha mẹ và anh chị em chúng ta đã cho chúng ta ý tưởng cả về cách suy nghĩ, chúng ta tin vào những ý tưởng ấy, và chúng ta sống trong sợ hãi với những ý tưởng ấy, chẳng hạn mình không giỏi trong môn bơi lội, thể thao hay văn chương. Ai đó có thể nhận xét và nói: “Xem kìa, con bé này xấu xí quá!” Con bé nghe được, nó tin rằng mình xấu xí, và nó lớn lên cùng với ý nghĩ rằng nó xấu. Cô bé có xinh đẹp hay không, điều đó không quan trọng. Suốt trong bao lâu nó còn đồng ý với điều kia, nó vẫn tin rằng nó xấu. Đó là câu thần chú giáng trên mình cô bé.

Bằng việc thu hút sự chú ý của ta, lời có thể đi vào trong tâm trí và thay đổi cả một niềm tin theo hướng tốt hơn hay tệ hơn. Một thí dụ khác: Bạn có thể tin rằng mình là người khờ khạo, và có thể bạn đã tin vào điều này từ lâu lắm rồi. Thỏa ước này có thể là rất xảo quyệt, nó khiến bạn làm vô số chuyện chỉ để khẳng định rằng bạn là kẻ khờ khạo. Bạn có thể làm một điều gì đó và tự nghĩ: “Giá mà mình thông minh tí nhỉ, nhưng mình khờ quá, bằng không mình đâu có làm điều đó.” Tâm trí bạn suy nghĩ theo trăm ngàn hướng khác nhau, và chúng ta có thể tiêu phí nhiều ngày chỉ để bị hút vào một niềm tin về sự ngớ ngẩn của mình.

Thế rồi một ngày kia, có một người thu hút sự chú ý của bạn, và bằng lời, người ấy cho bạn biết rằng bạn không khờ khạo đâu. Bạn tin điều người ấy nói và bắt đầu một thỏa ước mới. Kết quả là bạn không còn cảm thấy hay hành động ngớ ngẩn nữa. Câu thần chú đã bị hóa giải, nhờ sức mạnh của lời. Ngược lại, nếu bạn tin rằng mình khờ, và có ai đó tóm được sự chú ý của bạn và nói: “Ừ, tôi chưa từng gặp ai khờ như anh” thì thỏa ước ấy sẽ được củng cố và trở nên vững mạnh hơn nữa.

Bây giờ chúng ta hãy xem cụm từ không phạm tội (impeccability) có nghĩa gì. Impeccability nghĩa là không có tội. Impeccable có nguồn gốc từ chữ pecatus, nghĩa là “tội”, trong tiếng Latin. Các tôn giáo thường nói về tội lỗi và tội nhân, nhưng chúng ta hãy tìm hiểu nghĩa thực của “tội” là gì. Tội là bất cứ điều gì bạn làm mà chống lại chính bạn. Mọi điều bạn cảm thấy, tin hoặc nói mà chống lại bản thân đều là tội. Bạn chống lại mình khi bạn xét đoán hoặc khiển trách bản thân mình vì bất cứ điều gì. Không phạm tội là điều ngược lại. Không phạm tội là không làm gì ngược lại với chính mình. Khi bạn không có tội, bạn chịu trách nhiệm về những hành động của mình, nhưng bạn không xét đoán hay khiển trách mình.

Từ cách nhìn này, toàn bộ khái niệm về tội đã thay đổi từ một cái gì đó mang ý nghĩa luân lý hoặc tôn giáo sang một cảm nghiệm thông thường. Tội bắt đầu bằng sự khước từ bản thân. Tự khước từ là tội lớn nhất mà bạn phạm phải. Nói theo kiểu tôn giáo, tự khước từ là một “tội trọng”, đưa đến sự chết. Hay nói cách khác, không phạm tội sẽ đưa đến sự sống.

Không phạm tội với lời của mình là không sử dụng lời để chống lại chính mình. Nếu tôi thấy bạn trên đường phố và gọi bạn là một thằng khờ, có vẻ như tôi đang dùng lời để chống lại bạn. Nhưng thực sự là tôi đang dùng lời của tôi để chống lại chính mình, vì bạn sẽ ghét tôi vì điều đó, và việc bạn ghét tôi thì không tốt cho tôi chút nào. Vì thế, nếu tôi tức giận và bằng lời của mình, tôi trút hết những cảm xúc độc hại ấy cho bạn thì tôi đang dùng lời để chống lại bản thân mình đấy.

Nếu tôi yêu bản thân mình, tôi sẽ bày tỏ tình yêu ấy trong giao tiếp với bạn, và khi ấy tôi không phạm tội với lời của mình, vì hành động ấy sẽ tạo ra một phản ứng tương tự. Nếu tôi yêu bạn thì bạn sẽ yêu mến tôi. Nếu tôi xúc phạm bạn, bạn sẽ xúc phạm tôi. Nếu tôi biết ơn bạn, bạn sẽ biết ơn tôi. Nếu tôi ích kỷ với bạn, bạn cũng sẽ ích kỷ với tôi. Nếu tôi dùng lời của mình để phù phép bạn thì bạn cũng sẽ phù phép như thế với tôi.

Không phạm tội với lời của bạn là cách sử dụng đúng đắn năng lượng của bạn; nghĩa là sử dụng năng lượng của mình theo hướng sự thật và tình yêu đối với bản thân mình. Nếu bạn thực hiện một thỏa ước với chính bạn là không phạm tội với lời của mình thì chỉ với nguyên một chí hướng ấy thôi, sự thật sẽ tỏ hiện thông qua bạn và tẩy sạch mọi cảm xúc độc hại đang có trong bạn. Nhưng thật khó thực hiện thỏa ước ấy, vì chúng ta đã học được đúng cái điều ngược lại. Chúng ta đã học dối trá như một thói quen trong giao tiếp với người khác, và quan trọng hơn, với chính mình, chúng ta không thể không phạm tội với lời.

Sức mạnh của lời hoàn toàn bị lạm dụng trong hỏa ngục, chúng ta sử dụng lời để nguyền rủa, kết án, để bới lông tìm vết, để phá hủy. Dĩ nhiên, chúng ta cũng sử dụng nó đúng cách, nhưng lại không thường xuyên. Hầu hết chúng ta sử dụng lời để lan truyền nọc độc cảm xúc của mình - để bày tỏ sự oán giận, ghen tị, ghét bỏ. Lời là phép thần thông, là món quà chứa đựng nhiều sức mạnh nhất mà con người có - và chúng ta lại sử dụng nó để chống lại mình, chúng ta lên kế hoạch báo thù. Chúng ta gây nên những hỗn loạn bằng lời. Chúng ta sử dụng lời để gây oán thù giữa các chủng tộc, giũa các sắc dân khác nhau, giữa các gia đình, các quốc gia. Chúng ta thường xuyên lạm dụng lời, sự lạm dụng này là cách chúng ta tạo ra và củng cố giấc mơ hỏa ngục. Lạm dụng từ ngữ là cách chúng ta dìm nhau xuống và trói buộc nhau trong sợ hãi và nghi ngờ. Vì lời là phép màu kỳ diệu mà loài người sở hữu và sự lạm dụng lời là ma thuật nên chúng ta đang sử dụng ma thuật trong mọi lúc mà không hề biết rằng lời của chúng ta là phép màu.

Thí dụ, có một người phụ nữ thông minh và nhân hậu. Bà có một cô con gái mà bà rất mực yêu thương. Một buổi tối, bà về đến nhà sau một ngày rất mệt mỏi với công việc, đầy căng thẳng và nhức đầu kinh khủng. Bà muốn tìm chút yên tĩnh để nghỉ ngơi, nhưng cô con gái lại nhảy nhót ca hát đầy hạnh phúc. Cô bé: không hề ý thức được điều mẹ cô đang cảm thấy, cô đang sống trong thế giới của riêng mình, trong giấc mơ của mình. Cô cảm thấy quá tuyệt vời, cô nhảy nhót và hát càng lúc càng lớn, bày tỏ niềm vui và tình yêu của mình. Cô hát lớn đến độ nó khiến cơn nhức đầu của bà mẹ càng trầm trọng hơn và đến lúc bà không kìm nổi nữa. Giận dữ, bà nhìn cô bé và nói: “Im mồm đi! Mày hát dở quá. Làm ơn im mồm lại cho tao nhờ!”

Sự thật là bà mẹ đã không chịu nổi mọi tiếng ồn, chứ giọng hát của cô bé không tệ. Nhưng cô bé tin điều mẹ nó nói, và trong giây phút ấy cô đã lập thỏa ước với bản thân mình. Sau đó, cô không còn hát nữa, vì cô tin rằng mình hát dở và sẽ làm phiền những người nghe mình hát. Cô bé trở nên e thẹn ở trường, và nếu được yêu cầu hát, cô sẽ từ chối. Ngay cả việc nói chuyện với người khác cũng trở nên khó khăn. Mọi thứ đã thay đổi trong cô bé, vì cái thỏa ước mới này: cô tin rằng cô phải dồn nén các cảm xúc của mình để được chấp nhận và yêu mến.

Mỗi khi nghe được một ý kiến và tin vào nó, chúng ta bắt đầu một thỏa ước mới và nó trở thành một phần trong hệ thống niềm tin của chúng ta. Cô bé này lớn lên, và cho dù sở hữu một giọng hát hay, cô chẳng bao giờ hát nữa. Cô bé đã phát triển một phức cảm, và tất cả đến từ một câu thần chú. Câu thần chú này giáng xuống cô bởi người yêu thương cô nhất: mẹ cô. Mẹ cô không nhận ra những gì mình đã làm với lời của mình. Bà không nhận ra rằng bà đã sử dụng ma thuật và phù phép trên con gái mình. Bà không biết sức mạnh lời của mình và vì thế, bà không đáng trách. Bà đã làm điều cha mẹ bà và những người khác đã làm cho bà bằng nhiều cách. Họ đã lạm dụng lời.

Đã bao lần chúng ta làm như thế với những đứa con của chính mình? Chúng ta cho chúng đủ thứ ý kiến, và con cái chúng ta mang theo mình cái ma thuật ấy trong nhiều năm. Những người yêu thương chúng ta đã phù phép trên chúng ta, nhưng họ không biết điều họ làm. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tha thứ cho họ. Họ không biết điều họ làm.

Một thí dụ khác: Bạn thức giấc vào buổi sáng và đang cảm thấy hạnh phúc. Bạn cảm thấy hạnh phúc quá đỗi, bạn đứng trước gương làm duyên làm dáng cả hai tiếng đồng hồ. Một người bạn thân của bạn nhìn thấy và nói: “Cậu có sao không vậy? Trông cậu chán chưa kìa. Trông cái đầm cậu đang mặc kìa, thật là nhố nhăng.” Thế là xong, thế là đủ để xô bạn xuống hỏa ngục. Có thể cô bạn này nói ra điều ấy để chọc tức bạn. Và cô ta đã làm được. Cô ta đã cho bạn một ý kiến với trọn vẹn sức mạnh của lời đằng sau nó. Nếu bạn chấp nhận ý kiến, lúc này nó trở thành một thỏa ước, và bạn đem cả sinh lực đặt vào trong ý kiến đó. Ý kiến đó trở thành ma thuật.

Các loại thần chú ấy thật khó mà giải trừ. Thứ duy nhất có thể hóa giải một câu thần chú là thực hiện một thỏa ước khác dựa trên sự thật. Sự thật là phần quan trọng nhất để trở nên không phạm tội với lời của bạn. Nơi con dao lời, một lưỡi là những lời dối trá tạo nên ma thuật, lưỡi kia là chân lý có sức mạnh phá vỡ lời nguyền của ma thuật, chỉ có sự thật mới giải phóng bạn.

***

Nhìn vào các giao tiếp hằng ngày của loài người, hãy tưởng tượng có biết bao lần chúng ta phù phép trên nhau bằng lời của mình. Qua thời gian, sự giao tiếp này trở nên hình thức tồi tệ nhất của ma thuật, và chúng ta gọi nó là đưa chuyện.

Đưa chuyện là loại ma thuật tồi tệ nhất vì nó là độc tố thuần túy. Chúng ta đã học cách ngồi lê đôi mách bằng thỏa ước. Khi còn bé, chúng ta nghe người lớn quanh ta bàn ra tán vào đủ mọi lúc mọi nơi, công khai bình phẩm về những người khác. Thậm chí họ còn đưa ra ý kiến về những người mà họ không biết tới. Những cảm xúc độc hại được truyền đi cùng những lời bình phẩm, và chúng ta đã học được điều này như một cách giao tiếp bình thường.

Đưa chuyện đã trở thành hình thức giao tiếp cơ bản trong xã hội loài người. Nó trở thành cách giúp chúng ta cảm thấy gần gũi nhau, vì nó khiến chúng ta dễ chịu hơn do thấy người khác cũng ở trong tâm trạng tồi tệ như mình. Có một thành ngữ nói rằng: Đồng bệnh tương lân, và những người đang ở trong hỏa ngục thường không muốn bị lẻ loi. Sợ hãi và đau khổ là một phần quan trọng trong giấc mơ của hành tinh, chúng là cách mà giấc mơ của hành tinh níu chúng ta xuống.

Nếu coi tâm trí con người như một chiếc máy tính, việc đưa chuyện có thể được so sánh với virus máy tính. Một virus máy tính là một đoạn ngôn ngữ lập trình viết bằng chính ngôn ngữ đã viết nên những đoạn mã khác, nhưng với mục đích phá hoại. Mã này được chèn vào trong chương trình của máy tính khi bạn ít ngờ tới nhất và thường nằm ngoài ý thức của bạn. Sau khi đoạn mã được cài vào, máy tính của bạn không còn hoạt động tốt nữa, hoặc ngưng hoạt động hẳn, vì các đoạn mã đã bị xáo trộn với quá nhiều thông điệp mâu thuẫn, đến độ nó không tạo ra những kết quả tốt nữa.

Việc đưa chuyện của loài người cũng hoạt động tương tự như vậy. Thí dụ, bạn vào một lớp học mới với một thầy giáo mới và bạn đã sẵn sàng cho lớp học này từ lâu rồi. Vào ngày đầu tiên của lớp học, bạn gặp một người đã từng học lớp này trước kia, và người này nói: “À cái ông thầy đó hả, chuyên đời ba hoa! Ông ấy còn không biết được mình đang nói gì nữa, đã thế lại còn dê cụ. Để rồi xem!”

Ngay lập tức, bạn bị ấn tượng bởi câu nói và bởi đoạn mã cảm xúc mà người kia có được khi đang nói lời này. Nhưng điều bạn không ý thức được là động cơ của người kia khi nói điều ấy với bạn. Người này có thể đang tức giận vì bị rớt môn học ấy, hoặc đơn giản đang đưa ra một giả định dựa trên sợ hãi và thành kiến. Nhưng vì bạn đã học cách tiêu hóa thông tin giống như một đứa trẻ, một phần trong bạn tin vào lời đồn đại, và bạn đi đến lớp. Khi thầy nói, bạn cảm thấy nọc độc lan ra trong bạn, và bạn không nhận ra rằng bạn đang nhìn thầy giáo qua cặp mắt của người đã cung cấp tin đồn cho bạn. Thế rồi bạn bắt đầu nói với những người khác trong lớp về điều này và họ bắt đầu nhìn thầy giáo cũng theo hướng ấy: Một người bê bối và bất tài. Bạn thực sự chán ghét lớp học, và chẳng mấy chốc quyết định bỏ lớp. Bạn trách móc thầy giáo, trong khi chính tin đồn mới đáng trách.

Tất cả lộn xộn này có thể chỉ do một con virus máy tính nhỏ xíu gây ra. Một chút thông tin sai lạc có thể phá hủy sự giao tiếp giữa người ta, khiến mỗi người mà nó chạm tới bị nhiễm bệnh và lây lan cho những người khác. Hãy tưởng tượng rằng mỗi lần người khác đưa chuyện với bạn, họ đưa một con virus vào trong đầu bạn, khiến bạn suy nghĩ kém sáng suốt đi một chút. Rồi hãy tưởng tượng trong khi cố gắng quét sạch sự rối rắm trong bạn và tìm chút nhẹ nhõm trước nọc độc ấy, bạn lại đi đưa chuyện và gieo rắc những con virus ấy đến những người khác.

Bây giờ, hãy tưởng tượng hình mẫu này tiếp tục diễn ra theo một chuỗi bất tận giữa mọi người trên trái đất. Kết quả là một thế giới gồm toàn những người chỉ có thể đọc thông tin qua những mạch dẫn đã bị nhiễm các virus độc hại. Một lần nữa, virus độc hại này là cái mà Toltec gọi là mitote, là mớ hỗn độn của hàng ngàn giọng nói khác nhau đang cùng cố cất tiếng trong tâm trí bạn.

Thậm chí còn tồi tệ hơn nữa với những tay phù thủy áo đen hay “những hacker máy tính”, những kẻ chủ ý phát tán virus. Hãy nghĩ về một lần mà bạn hoặc một người bạn biết đã tức giận một ai đó và muốn báo thù. Để báo thù, bạn nói một điều gì đó với họ, hoặc đưa chuyện về họ với ý định lan truyền nọc độc để khiến người đó cảm thấy tồi tệ về bản thân. Khi còn bé con, chúng ta làm điều này không suy nghĩ, nhưng khi lớn lên, chúng ta trở nên tính toán hơn trong khi tìm cách dìm người khác xuống. Khi ấy chúng ta nói dối với chính mình và nói rằng người kia đã nhận một hình phạt công bằng cho hành vi sai trái của họ.

Khi chúng ta nhìn thế giới thông qua một con virus máy tính, thật dễ biện hộ cho cả những hành vi tàn độc nhất. Điều chúng ta không nhìn thấy là việc lạm dụng lời của mình đang dìm chúng ta vào sâu hơn trong hỏa ngục.

***

Trong nhiều năm, chúng ta đã đón nhận những thị phi và lời nguyền từ lời của những người khác, nhưng cũng từ cách chúng ta sử dụng lời của mình với chính mình nữa. Chúng ta không ngừng nói với bản thân, và phần lớn chúng ta nói những điều như thế này: “Ô, mình béo quá, mình xấu quá. Mình dạo này già rồi, mình đang rụng tóc. Mình khờ quá. Mình chả hiểu gì hết. Mình không tốt và mình sẽ chẳng bao giờ hoàn hảo được.” Bạn có thấy chúng ta đang dùng lời của mình để chống lại chính mình thế nào chưa? chúng ta phải bắt đầu hiểu lời là gì và lời làm gì. Nếu bạn hiểu được thỏa ước đầu tiên: Không phạm tội với lời của bạn, bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy mọi thay đổi xảy ra trong đời bạn. Các thay đổi trước hết trong cách bạn cư xử với bản thân, và sau đó, trong cách thức bạn đối xử với người khác, nhất là những người bạn yêu mến nhất.

Hãy xem có bao nhiêu lần bạn đã đưa chuyện về con người mà bạn yêu thương nhất, để tìm sự ủng hộ của những người khác dành cho quan điểm của bạn. Có bao nhiêu lần, bạn đã lôi kéo sự chú ý của người khác và lan truyền nọc độc về người được bạn yêu mến, hòng biện minh cho ý kiến của mình? Ý kiến của bạn chẳng là gì khác hơn quan điểm của bạn. Nó không nhất thiết là đúng. Ý kiến của bạn phát xuất từ các niềm tin của bạn, cái tôi của bạn và giấc mơ của riêng bạn. Chúng ta tạo nên tất cả nọc độc này và lan tỏa nó cho những người khác, chỉ vì nhờ đó chúng ta có thể cảm thấy quan điểm của mình đúng.

Nếu chúng ta chấp nhận thỏa ước đầu tiên, và trở nên không có tội với lời của mình, mọi nọc độc cảm xúc cuối cùng sẽ bị quét sạch khỏi tâm trí chúng ta, khỏi sự giao tiếp của chúng ta trong các mối quan hệ cả nhân, kể cả với con chó con mèo của chúng ta.

Không phạm tội với lời cũng sẽ dành cho bạn sự miễn dịch đối với bất cứ ai muốn giáng một bùa chú xấu xuống bạn. Bạn chỉ nhận được một ý kiến tiêu cực nếu tâm trí bạn là một mảnh đất màu mỡ cho ý tưởng ấy. Khi bạn trở nên không phạm tội với lời của bạn, tâm trí bạn không còn là mảnh đất màu mỡ cho những lời đến từ ma thuật. Thay vào đó, nó sẽ đón nhận những lời đến từ tình yêu. Bạn có thể đo lường mức độ bạn không phạm tội với lời của mình bằng mức độ yêu mến bản thân của bạn. Bạn yêu bản thân mình đến mức độ nào, và bạn cảm thấy thế nào về mình, những điều này tỷ lệ thuận với chất lượng và mức độ thống nhất trong lời của bạn. Khi bạn không phạm tội với lời của mình, bạn cảm thấy tốt đẹp. Bạn cảm thấy hạnh phúc và bình an.

Bạn có thể vượt ra khỏi giấc mơ hỏa ngục chỉ nhờ lập thỏa ước thì sẽ không phạm tội với lời của mình. Ngay lúc này tôi đang gieo trồng hạt giống ấy trong tâm trí bạn. Hạt giống ấy có lớn lên hay không, tùy thuộc vào tâm trí bạn màu mỡ đến chừng nào cho hạt giống tình yêu. Nó tùy thuộc việc bạn có thỏa ước như thế với tâm trí bạn hay không: Tôi không phạm tội với lời của tôi. Hãy nuôi dưỡng hạt giống này và khi nó lớn lên trong tâm trí bạn, nó sẽ sinh ra nhiều hạt giống yêu thương khác thay cho những hạt giống sợ hãi. Thỏa ước đầu tiên này sẽ thay đổi loại hạt giống mà tâm trí màu mỡ của bạn chờ đón.

Không phạm tội với của bạn. Đây là thỏa ước đầu tiên bạn nên thực hiện nếu bạn muốn được tự do, nếu bạn muốn được hạnh phúc, nếu bạn muốn thoát khỏi cảnh giới hỏa ngục. Nó rất mạnh mẽ. Hãy sử dụng lời đúng cách. Hãy sử dụng lời để chia sẻ tình yêu của bạn. Hãy sử dụng phép màu, bắt đầu với chính bạn. Hãy nói với bạn rằng bạn thật là kỳ diệu, thật vĩ đại. Hãy nói với bạn rằng bạn yêu bản thân bạn biết chừng nào. Hãy sử dụng lời để phá vỡ tất cả những thỏa ước nhỏ nhen đã làm bạn đau khổ.

Điều ấy khả thi. Nó khả thi vì tôi đã làm rồi, và tôi không có gì tốt hơn bạn cả. Không đâu, chúng ta như nhau cả thôi, chúng ta có cùng một loại não, cùng một loại cơ thể. Chúng ta đều là người. Nếu tôi có thể phá vỡ những thỏa ước ấy và tạo ra những cái mới thì bạn cũng có thể làm như vậy. Nếu tôi có thể không phạm tội với lời của tôi thì tại sao bạn lại không thể? Chỉ mỗi một thỏa ước này thỏi cũng có thể thay đổi cả cuộc đời bạn rồi. Không phạm tội với lời có thể đưa bạn đến với tự do cá nhân, đến thành công lớn lao và sự giàu có; nó có thể xua tan tất cả những sợ hãi, biến chúng thành hoan lạc và tình yêu.

Chỉ cần tưởng tượng ra điều bạn có thể tạo nên với việc không phạm tội với lời. Không phạm tội với lời, bạn có thể thoát khỏi giấc mơ sợ hãi và sống một cuộc sống khác. Bạn có thể sống nơi thiên đàng ngay giữa hàng ngàn người đang sống trong hỏa ngục, vì bạn được miễn trừ đối với hỏa ngục ấy. Bạn có thể đạt tới nước trời từ một thỏa ước này: Không phạm tội với lời của bạn.