BÓNG MA GIỮA TRƯA

Chương 2

Sau buổi tối hôm ấy, mọi chuyện liên quan đến công việc của tôi tiến trỉên theo đường hướng tốt đẹp nhất. Sáng ngày hôm sau, tôi đi gặp Battista ký bản hợp đồng kịch bản phim và nhận khoản tiền ứng trước đầu tiên. Tôi nhớ rằng đó chỉ là một bộ phim tình cảm hài hước loại xoàng mà, vốn tính nghiêm túc, tôi không nghĩ rằng thích hợp với tôi, nhưng trên thực tế, càng viết tôi càng thấy mình có một thiên hướng không thể nào nghi ngờ được. Ngay trong ngày hôm đó, tôi gặp tay đạo diễn cùng gã nhà văn viết chung kịch bản với tôi.

Trong lúc tôi có thể xác định được thời điểm khởi nghiệp làm nhà văn viết kịch bản - ấy là buổi tối ở nhà Battista, thì ngược lại, tôi thật lòng khó xác định được vào thời gian nào mối quan hệ giữa vợ chồng chúng tôi bắt đầu trở nên xấu đi.

Tất nhiên tôi cũng có thể xem buổi tối hôm ấy cũng là khởi điểm của quá trình suy thoái này, nhưng ấy mới chính là khôn ra thì đã muộn rồi. Vả lại một phần cũng do từ thái độ của Emilia. Trong một khoản thời gian dài sau đó, nàng chẳng hề biểu lộ một thay đổi nào trong cách xử sự đối với tôi. Sự thay đổi chắc chắn chỉ xảy ra một tháng sau cái buổi tối ấy, nhưng tôi không thể nói vào lúc nào cán cân đã lệch đi trong tâm trí Emilia, hoặc cái gì đã xui khiến sự việc này xảy ra. Vào thời gian đó chúng tôi gặp Battista hàng ngày và tôi có thể kể ra với đầy đủ mọi tình tiết nhiều tình cảnh tương tự với cảnh tình đã xảy ra buổi tối đầu tiên ở nhà hắn ta, những cảnh tình mà vào hồi đó, trong mắt tôi chẳng có một chút gì nổi bật trong cuộc sống đời thường của tôi, nhưng về sau đã có những ý nghĩa đặc biệt. Duy có một điều mà tôi không thể không lưu ý: cứ mỗi lần Battista mời chúng tôi đi ăn, điều bây giờ thường xuyên xảy ra, Emilia luôn tỏ ra miễn cưỡng khi phải cùng đi với chúng tôi, một sự thóai thác không hẳn là dứt khoát, quyết liệt cho lắm, quả có thế, nhưng đặc biệt rất dai dẳng trong cách biểu hiện cũng như trong những biện minh của nàng. Nàng luôn viện dẫn những lý do chẳng liên quan gì đến Battista, cốt để khỏi với chúng tôi, và bao giờ cũng vậy, theo cùng một cách, tôi dễ dàng chứng minh cho nàng thấy rằng những cái cớ nàng đưa ra không thể đứng vững được. Tôi cố công tìm hiểu phải chăng nàng ghét Battista, hoặc là nàng có một lý do đặc biệt nào đó hay không. Lần nào cũng vậy, sau một thoáng bối rối, cuối cùng nàng đáp lại tôi rằng nàng chưa bao giờ ghét Battista, rằng nàng không hề có điều gì phải phàn nàn về hắn cả, rằng sở dĩ nàng không muốn đi cùng chúng tôi đơn giản là vì những buổi tối như vậy làm nàng mệt và cảm thấy buồn chán. Tôi không bằng lòng với những giải thích mơ hồ đó và nói bóng gió rằng hẳn đã có điều gì đó đã xảy ra giữa nàng với Battista, cho dù Battista không biết điều đó hoặc không cố tình làm điều đó. Nhưng tôi càng chứng minh cho nàng thấy là nàng không ưa thích Battista thì nàng càng khăng khăng bác bỏ; cuối cùng, vẻ bối rối  của nàng biến mất, nhường chỗ cho một vẻ bướng bỉnh không lay chuyển. Lúc bấy giờ, yên tâm hoàn toàn về những cảm nghĩ của nàng đối với Battista, tôi tiếp tục vạch rõ cho nàng thấy những lý do biện minh hùng hồn cho sự có mặt cần thiết của chúng tôi trong những dịp như vậy. Nào là từ trước đến giờ, tôi khi nào đi ra ngoài cũng là cùng với nàng và Battista biết điều đó, nào là sự có mặt của nàng làm Battista vui lòng, căn cứ trên những lời van vỉ hắn mỗi khi mời chúng tôi "Tất nhiên, ông nhớ đưa bà đi nhé", nào là sự vắng mặt của nàng là trái ngược với sự mong đợi của Battista và khó cho tôi bào chữa, hắn ta có thể nghĩ rằng nàng xấu tính, hoặc tệ hơn nữa, cố tình muốn xúc phạm hắn, kẻ mà chúng tôi đang dựa vào để sống, nào là, sau khi xét hết mọi điều, vì nàng không đưa ra được một lý do nào có hiệu lực biện minh cho sự vắng mặt của nàng, trong khi tôi có rất nhiều lý do xác đáng ủng hộ cho sự có mặt của nàng, tốt hơn, nàng nên kiên nhẫn chịu đựng những mệt nhọc hay buồn chán ấy. Emilia thường lắng nghe những lý luận này của tôi với một vẻ chú ý mơ màng và trầm tư như thể nàng không hề chú ý đến những biện luận của tôi mà chỉ để tâm quan sát nét mặt cùng những cử chỉ vung vẩy của tôi trong khi nói. Cuối cùng, nàng luôn luôn nhượng bộ và đứng dậy lẳng lặng đi thay quần áo. Vào phút cuối, khi nàng đã sẵn sàng đâu vào đấy để bước ra, thêm lần nữa và cũng là lần cuối, tôi hỏi xem thử có phải nàng không thích đi cùng chúng tôi, câu hỏi đặt ra không hẳn là vì tôi chưa nắm chắc  câu trả lời của nàng, mà chỉ cốt để nàng thấy rõ là nàng được tự do quyết định. Nàng thường trả lời một cách dứt khoát rằng nàng không ghét chuyện đi cùng chúng tôi, và rồi thì chúng tôi lên đường.

Tất cả các điều này, mà sau này tôi có thể hồi tưởng lại một cách rõ ràng, là một chuỗi những sự kiện mà vào lúc chúng xảy ra, tôi chẳng hê thấy có một chút ý nghĩa nào. Vào lúc đó, tôi chỉ mơ hồ cảm thấy có một thay đổi theo hướng xấu đi trong cách xử sự của nàng đối với tôi, mặc dù vậy, tôi vẫn chẳng hề bận tâm thử tìm hiểu hoặc xác định điều đó, tương tự như trường hợp chỉ cần một chút thay đổi làm không khí ngột ngạt hơn cũng đủ cho chúng ta nhận biết được cơn giông đang kéo đến gần cho dẫu bầu trời vẫn còn quang đãng. Tôi bắt đầu nghĩ rằng nàng kém yêu tôi hơn trước và nhận thấy rằng nàng không còn bận tâm tìm cách sao cho luôn được gần bên tôi như dạo chúng tôi mới lấy nhau. Vào những ngày ấy, khi tôi nói "Anh có việc phải đi ra ngoài chừng vài tiếng đồng hồ thôi, nhưng anh sẽ cố gắng về sớm", nàng sẽ không phản đối, nhưng với vẻ mặt buồn bã cam chịu, nàng tỏ cho rằng thấy là nàng không thích tôi đi như thế. Đến nỗi, nhiều khi tôi phải cáo lỗi, bỏ những cuộc hẹn để được ở nhà với nàng, hoặc nếu có thể, đưa nàng cùng đi với tôi. Sự quyến luyến của nàng đối với tôi thiết tha đến nỗi, một hôm, lúc nàng tiễn tôi ra ga đáp tàu đi lên miền bắc trong một chuyến đi ngắn hạn, khi chia tay, tôi thấy nàng quay mặt đi để giấu những ngấn lệ trong mắt. Lúc đó, tôi vờ như không lưu ý đến nỗi đau đớn của nàng, nhưng trong suốt cả chuyến đi, tôi cứ  bị giày vò bởi những ân hận về giòng lệ thẹn thùng không nén được ấy của nàng. Và kể từ đó, tôi không bao giờ đi đâu xa mà không mang nàng đi theo cùng. Nhưng giờ đây, thay cho vẻ đau khổ buồn bã ấy, tất cả những gì nàng dành cho tôi khi tôi báo cho nàng biết rằng tôi sắp đi xa chỉ là một câu đáp lại thản nhiên, thậm chí mắt nàng không rời khỏi trang sách đang đọc "Được thôi, em hiểu. Vậy, đến bữa tối, chúng ta lại gặp nhau, anh nhớ đừng về muộn quá đấy nhé!".

Đôi khi nàng tỏ ra thật sự mong muốn sự vắng mặt của tôi kéo dài hơn tôi dự định. Chẳng hạn, nếu tôi có bảo nàng "Anh có việc phải đi đây, anh sẽ về lúc 5 giờ!", có thể nàng sẽ đáp "Anh cứ đi đi, bao lâu tuỳ thích…Em cũng có những việc của em đây". Một hôm, tôi nhẹ nhàng lưu ý nàng rằng dường như nàng không muốn tôi có mặt ở nhà nữa, nàng không trả lời trực tiếp mà chỉ nói rằng bởi vì tôi bận rộn suốt ngày, tốt hơn, chúng tôi không nên gặp nhau nhiều, ngoại trừ vào các bữa ăn, và như thế, nàng có thể yên ổn làm những việc riêng của nàng. Điều này chỉ đúng phần nào thôi, công việc viết kịch bản của tôi chỉ đòi hỏi tôi vắng nhà vào buổi chiều, và cho đến bây giờ, tôi vẫn sắp đặt công việc để ngoài buổi làm việc bên ngoài ấy, tôi có thể ở nhà với nàng suốt ngày. Tuy nhiên, kể từ cái ngày nghe nàng nói thế, tôi bắt đầu vắng nhà cả vào buổi sáng.

Vào thời gian Emilia còn biểu lộ cho tôi thấy nỗi buồn của nàng về sự vắng mặt của tôi, tôi thường ra khỏi nhà mà cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm, thậm chí thâm tâm còn cảm thấy rất hài lòng về nỗi bất bình của nàng, xem như đấy là một bằng chứng của tình yêu nàng dành cho tôi. Nhưng kể từ khi cảm biết được nàng chẳng hề thấy xúc động gì nữa, mà dường như còn mong muốn được ở nhà một mình, tôi bắt đầu sống qua những cảm giác đau đớn, tưởng như đất chuồi đi dưới chân tôi. Bây giờ tôi thường rời nhà, không những vào buổi chiều, đến nơi viết kịch bản, mà còn vào cả buổi sáng, không ngoài mục đích trắc nghiệm sự lãnh đạm của Emilia, điều hoàn toàn mới và, đối với tôi, thật là cay đắng. Vậy mà nàng chẳng hề tỏ ra một chút gì bất bình, cho dẫu với vẻ nhẹ nhàng nhất. Thật tình, nàng chấp nhận sự vắng mặt của tôi một cách lạnh lùng, nếu không muốn nói, theo như tôi nhận thấy, với một vẻ nhẹ nhõm được che dấu một cách vụng về. Thoạt tiên, tôi cố tự an ủi về sự lạnh nhạt này bằng cách lý luận rằng sau hai năm chung sống, thói quen, vâng, thói quen, cho dẫu là những thói quen trìu mến, đã len vào tình yêu với những tác động tai hại của nó, và sự bảo đảm chắc chắn của tình yêu đã làm mất đi nhiệt tình sôi nổi trong quan hệ vợ chồng của đôi lứa. Mặc dù vậy, tôi vẫn cảm thấy điều đó không đúng sự thật. Tôi cảm nhận hơn là tôi suy nghĩ, bởi vì ý nghĩ thường dễ sai lầm hơn, cho dù bên ngoài có vẻ chính xác hơn, so với những cảm tính mơ hồ rối rắm. Thật tình, tôi cảm thấy rằng Emilia hết còn đau buồn về nỗi tôi vắng nhà không hẳn do nàng xem đấy là điều không thể tránh được và không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chúng tôi, nhưng chỉ là do nàng yêu tôi ít hơn, hoặc, đúng ra, không còn yêu tôi chút nào. Tôi cũng cảm thấy một điều gì đó, chắc chắn như thế, đã xảy ra và làm thay đổi tình yêu của Emilia, trước kia dịu dàng và khăng khít biết bao.