BÓNG MA GIỮA TRƯA

Chương 8

Ngày hôm sau, vào giờ đã định, tôi đi gặp Battista. Văn phòng của hắn chiếm trọn tầng thứ nhất một toà lâu đài cổ, nguyên là dinh cơ của một gia đình vọng tộc, nay, như thường thấy, biến thành nơi làm việc của một hãng kinh doanh.

Phòng tiếp tân lớn, với những bức bích hoạ, trên hình vòm và tường đá hoa giả được Battista ngăn ra thành từng phòng nhỏ vách gỗ với những đồ đạc thông dụng. Ở nơi ngày xưa từng treo những bức tranh vẽ theo đề tài thần thoại hay thiêng liêng, nay là bích chương màu mè sặc sỡ, treo khắp nơi là hình ảnh các nam, nữ diễn viên, những trang báo cắt ra từ các tạp chí điện ảnh, những bằng khen có đóng khung ở các liên hoan phim, và tất cả các thứ linh tinh khác thường gặp ở các văn phòng công ty phim ảnh. Ở tiền sảnh, tựa lưng vào những bức bích hoạ miêu tả các phong cảnh đồng quê nay đã nhạt màu, sừng sững một chiếc quầy to đùng với ba, bốn cô thư ký ngồi tiếp khách. Battista, nhà sản xuất phim, tuổi còn  trẻ, trong những năm gần đây đã phất lên rất nhanh với những bộ phim kém giá trị nhưng rất ăn khách. Công ty của hắn, với cái tên khiêm tốn "Chiến thắng Phim" vào lúc đó được xsem thuộc vào hàng những công ty thành công nhất.

Vào giờ đó, tiền sảnh đã đông chật người và với kinh nghiệm mà tôi có được về những người làm phim, ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã có thể phân loại các vị khách này một cách chính xác. Hai ba tay viết kịch bản, dễ dàng nhận ra qua vẻ mệt mỏi và cần mẫn của họ, qua những quyển vở kẹp dưới nách, và qua cách ăn mặc của họ, vừa thanh lịch vừa cẩu thả, một, hai nhà quản lý rạp chiếu phim trông giống hệg những tay môi giới địa ốc, hoặc những nhà chăn nuôi ở nông thôn, hai, ba cô gái mơ trở thành diễn viên, hoặc ít ra, cũng được đóng một vai phụ nào đó, trông trẻ trung và có lẽ cũng đẹp, nhưng tham vọng đã làm hỏng con người họ, với những nét mặt gượng gạo, lối tô son, trát phấn, và lối trang phục cầu kỳ, quá quắt của họ, và sau hết, vài người khó miêu tả thường gặp ở tiền sảnh các nhà sản xuất phim – những diễn viên thất nghiệp, những tay môi giới và đủ loại những người chực xin xỏ điều này, điều nọ. Tất cả đám người này đi đi lại lại trên sàn nhà lát gạch hoa dơ bẩn, hay duỗi người ra trong những chiếc ghế thếp vàng lưng tựa cao đặt sát tường chung quanh phòng, ngáp vặt, hút thuốc hoặc thì thào tán gẫu. Các cô thư ký, khi không phải nghe và trả lời điện thoại, ngồi yên sau quầy, nhìn sững vào khoảng không với đôi mắt buồn chán và vô hồn, trông đờ đẫn. Chốc chốc, điện thoại lại reo inh ỏi, gắt gỏng, các cô thư ký đứng lên, gọi một cái tên và một trong các vị khách bật dậy vội vã và biến mất qua khung cửa hai lớp sơn trắng, thếp vàng.

Tôi ghi tên và đến ngồi tít ở cuối phòng. Tôi đang ở trong một tâm trạng tuyệt vọng như hôm qua nhưng đã bình tĩnh hơn nhiều. Ngay sau cuộc nói chuyện với Emilia và suy nghĩ kỹ lại, tôi tin chắc như đinh đóng cột rằng Emilia đã nói dối khi bảo rằng nàng yêu tôi, nhưng vào lúc này, một phần vì tuyệt vọng, một phần vì vẫn chưa buộc được Emilia giải thích thái độ của nàng một cách đầy đủ và thành thật, tôi tạm thời từ bỏ ý định làm theo sự tin tưởng của mình, vì vậy, tôi dã quyết định không từ chối công việc mới mà Battista đề nghị dù tôi biết rằng công việc đó, cũng như quãng đời còn lại của tôi, nay không còn mục đích nào nữa. Tôi nghĩ rằng về sau này, khi ép được Emilia giải bày hết sự thật, tôi vẫn còn đủ thời gian để bỏ ngang công việc và tung hê hết mọi thứ. Tôi thích lối giải quyết thứ hai này, ồn nào, có tiếng vang hơn. Vụ xì căng đan và những thiệt hại về phía tôi sẽ làm nổi bật sự liều lĩnh tuyệt vọng cũng như quyết tâm của tôi sau bao do dự và dàn xếp, thoả hiệp bất thành.

Như đã nói, tôi cảm thấy bình tĩnh, nhưng đó là một sự  bình tĩnh của tê liệt mọi cảm xúc. Một tai hoạc không chắc chắn lắm sẽ xảy ra làm cho tôi lo sợ, vì tự đáy lòng, cho đến phút chót, ta vẫn còn hy vọng nó không xảy ra, một tai họa thực sự, trái lại, mang cho ta một sự tỉnh táo buồn thảm. Tôi cảm thấy tỉnh táo, nhưng tôi biết chỉ trong thời gian không lâu. Giai đoạn thứ nhất, giai đoạn ngờ vực  đã qua, ít ra theo tôi nghĩ, chả bao lâu nữa sẽ đến giai đoạn đau đớn, kinh tởm và ray rứt hơn. Tôi biết rõ thế, nhưng tôi cũng biết rõ hơn là giữa hai giai đoạn, sẽ có một chuyển đoạn yên tĩnh chết người, giống hệt sự yên tĩnh giả tạo, ngột ngạt trước khi chuyển sang cơn giông tố dữ dội sau đó.

Như vậy trong lúc ngồi đợi gặp Battista, một ý nghĩ chợt loé lên trong tâm trí tôi rằng hoá ra mấy lâu nay tôi chỉ chăm chăm chú nghiệm cho một vấn đề Emilia có yêu tôi không. Bây giờ, tôi có thể hướng tâm trí tôi sang một vấn đề khác – tôi hầu như ngạc nhiên về phát hiện mới mẻ này của tôi – vấn đề lý do tại sao nàng hết yêu tôi. Một khi tìm ra được lý do đó, tôi sẽ dễ dàng buộc Emilia phải giải thích mọi điều với tôi hơn.

Tôi phải thừa nhận rằng ngay khi vừa tự đặt ra cho mình câu hỏi đó, tôi đã kinh ngạc về tính đáng ngờ hay vô lý của nó. Thật quá phi lý, hoàn toàn Emilia không thể nào có một lý do nào đó để không còn yêu tôi nữa. Tôi không thể nói ra được từ đâu tôi có được niềm tin ấy, cũng như ngược lại, tôi không thể nói được tại sao rõ ràng là Emilia không yêu tôi. Tôi suy nghĩ hồi lâu, hoang mang về sự mâu thuẫn giữa cái đầu và trái tim tôi. Sau cùng, giống như khi ta giải một bài toán hình học, tôi tự nhủ "Chấp nhận rằng có một lý do là điều vô lý, dù không thể không có lý do. Hãy xem thử mọi việc có thể sẽ như thế nào".

Tôi nhận thấy rằng càng nghi hoặc, người ta lại càng bấu víu vào một sự sáng suốt giả tạo của tâm trí, như thể là hy vọng soi được ánh sáng lý trí vào chỗ tối tăm, mơ hồ của cảm giác. Và khi bản năng đòi cho được những giải đáp mâu thuẫn như thế, tôi lấy làm thú vị cầu viện đến một cuộc điều tra dựa trên cơ sở của lý trí, giống như nhà thám tử trong một cuốn truyện hình sự. Có kẻ bị giết, phải khám phá cho ra động cơ của sự việc. Tìm ra được động cơ sẽ dễ dàng lần ra được tên tội phạm. Tôi lý luận rằng có thể phân các lý do ra làm hai loại: loại thứ nhất về phần Emilia, loại thứ hai về phần tôi. Về các loại lý do thứ nhất, tôi thấy ngay có thể quy lại thành một: Emilia không yêu tôi vì nàng đã yêu một kẻ khác.

Vừa thoáng nghĩ đến, tôi thấy ngay rằng giả thiết này có thể bị bác bỏ ngay, không cần phải lôi thôi, dài dòng gì cả, xét vì không có điều gì trong cách cư xử của Emilia trong thời gian gần đây có thể khiến người ta nghĩ đến sự có mặt của một người đàn ông khác trong đời nàng, ngược lại nữa là khác. Nàng thường lẻ loi một mình, và lại càng phụ thuộc vào tôi. Tôi biết Emilia hầu như luôn luôn ở nhà, đọc sách báo một ít, nói chuyện với mẹ nàng qua điện thoại, hoặc bận bịu với những công việc nội trợ. Về những thú tiêu khiển, hoặc đi xem phim, hoặc đi dạo, hay đi ăn tiệm, nàng hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào tôi. Tất nhiên, lúc mới lấy tôi, cuộc sống của nàng không đến nỗi đơn điệu như thế, nàng giao du rộng rãi hơn, vì khi ấy, nàng vẫn còn một số bạn bè, quen biết từ thời con gái. Nhưng những tình bạn ấy phai nhạt ngay và nàng càng quấn quít tôi đến mức, như tôi đã có lần nói, đôi khi làm tôi phải lúng túng. Sự lệ thuộc ấy không suy giảm theo với tình cảm của nàng. Cho đến bây giờ, nàng vẫn không hề mảy may nghĩ đến chuyện tìm kiếm một ai đó thay vào chỗ của tôi hoặc tỏ ra có ý định như vậy. Giống như ngày xưa, chỉ có khác chăng là bây giờ nàng làm điều đó không phải vì tình yêu nữa – nàng thường ngồi nhà đợi tôi đi làm về, và nàng vẫn chờ tôi đưa đi trong những giải trí hiếm hoi của nàng. Có cái gì đó vừa cảm động vừa khốn khổ trong sự lệ thuốc của nàng, một sự lệ thuộc không bắt nguồn từ tình yêu. Nàng có vẻ giống một kẻ vốn bản chất chung thuỷ, vẫn tiếp tục trung thành cho dù lý do của lòng trung thành không còn nữa. Nói tóm lại, cho dù không yêu tôi nữa, hầu như chắc chắn là nàng không có ai khác ngoài tôi trong cuộc đời.

Thêm nữa, một nhận xét khác làm tôi loại trừ ngay khả năng Emilia yêu một người khác. Tôi biết, hoặc tôi nghĩ rằng tôi biết Emilia rất rõ. Tôi biết rằng nàng không nói dối được, trước hết, do tính trung thực không suy suỷên của nàng làm nàng ghê tởm mọi điều giả dối, sau nữa, vì nàng hầu như không có óc tưởng tượng để có thể hình dung ra được những gì không thực sự xảy ra, hay không có một nét cụ thể nào. Vì nét đặc trưng đó của nàng, tôi có thể đoan chắc rằng giả dụ nàng gặp một người đàn ông khác, nàng sẽ nghĩ rằng tốt nhất nên nói thẳng cho tôi biết liền, ngay cả có thể một cách thô bạo và tàn nhẫn một cách vô thức đúng theo phong cách của tầng lớp ít nhiều có học như nàng. Nàng có thể kín như bưng, như trong chuyện thay đổi tình cảm với tôi, nhưng nàng khó có thể, hoặc đúng hơn, không thể dựng lên một cuộc sống thứ hai để che dấu tội ngoại tình của nàng. Tôi muốn nói đến những cuộc hẹn với người thợ may, hoặc người thợ làm mũ, những chuyến viếng thăm bà con, bạn bè, những cuộc đi chời về muộn hay những trục trặc về xe cộ, những điều các bà thường viện đến trong những trường hợp tương tự. Không, sự lạnh nhạt của nàng đối với tôi không đúng nghĩa là nhiệt tình với người khác. Nếu có một lý do, như bắt buộc phải có, lý do đó hẳn không nên tìm kiếm trong cuộc đời nàng mà trong cuộc đời tôi.

Tôi miên man chìm đắm trong những ý tưởng như vậy đến nỗi không trông thấy cô thư ký đang đứng trước mặt tôi, mỉm cười nhắc lại "Ngài Molteni, tiến sĩ Battista đang đợi ngài". Tôi sực tỉnh, và tạm gác cuộc điều tra của tôi lại, vội vã đi vào văn phòng của nhà sản xuất.

Battista ngồi tận cuối gian phòng mênh mông trần phủ đầy bích hoạ và tường trang trí bằng các tác phẩm thạch cao mạ vàng, sau một chiếc bàn giấy sơn xanh, giống y hệt chiếc quầy của các cô thư ký, choán chật cả gian tiền sảnh.

Đến đây, tôi chợt nhớ rằng mặc dù đã nhiều lần nhắc đến Battista, tôi chưa miêu tả hắn với các bạn, và tôi nghĩ đã đến lúc tôi nên làm việc đó. Battista thuộc hạng người mà khi hắn vừa quay lưng đi, những người cộng sự hoặc những thuộc hạ gán cho những biệt danh dễ thương như "súc sinh", "khỉ đột bự", "con thú vĩ đại", "đười ươi". Tôi không thể nói rằng những hình dung từ này là sai, nhất là về ngoại hình của Battista, tuy nhiên, do tính tôi không thích gọi ai bằng những cái tên bôi bác như vậy, tôi chưa bao giờ dùng đến chúng. Lý do khác nữa là, theo ý tôi, những cái xước danh ấy đã không đếm xỉa gì đến một trong những đức tính quan trọng nhất của Battista, tôi muốn nói đến sự khôn khéo khác thường, nếu không muốn nói là sự tinh tế, luôn có nơi hắn và khéo được che giấu dưới cái vẻ cục súc bên ngoài. Tất nhiên Battista vẫn là một gã đàn ông thô lỗ, gần giống với thú vật hơn người, được trời phú cho một sinh lực bền bỉ, sung mãn, nhưng sinh lực ấy biểu hiện ra không chỉ là những ham muốn rất nhiều và đa dạng của hắn mà còn trong sự tinh khôn đôi khi cực kỳ tế nhị của hắn trong những gì liên quan đến việc thoả mãn những ham muốn ấy.

Battista người tầm thước nhưng có đôi vai rất rộng, tấm lưng dài nhưng đôi chân ngắn, từ đó có những xước danh mà tôi vừa kể trên. Mặt hắn trông cũng giống mặt khỉ, tóc hắn chỉ chừa trống hai bên thái dương, mọc lấn xuống giữa trán, đôi lông mày rậm, co giãn linh hoạt theo những suy nghĩ của hắn, đôi mắt nhỏ, cái mũi ngắn và bè, miệng rộng nhưng không có môi, mảnh như vết dao cắt và hơi lẹm một tí. Hắn thường hay ưỡn ngực và bụng trên ra. Tay hắn ngắn và dầy dặn, phủ đầy lông đen mọc tràn lên cả cánh tay, một lần tắm biển chung với hắn, tôi để ý thấy lông ấy mọc xoăn đầy trên vai, trên ngực và lan cả xuống bụng hắn. Gã đàn ông có vẻ thô lỗ ấy lại có lối diễn đạt bằng một giọng nói nhẹ nhàng, khôn khéo, ôn hoà với âm sắc tao nhã như của người nước ngoài, vì Battista vốn không phải là dân Roma chính cống. Theo tôi, cái giọng đặc biệt ấy là dấu hiệu của một sự tinh khôn quỷ quyệt mà tôi đã nói ở trên.

Battista không ngồi một mình. Trước bàn giấy của hắn là một người mà hắn giới thiệu với tôi dưới cái tên Rheingold. Đây là lần đầu tiên tôi gặp ông ta nhưng tôi biết ông ta khá rõ. Rheingold là một đạo diễn người Đức, thời tiền Quốc xã, đã dựng ở Đức một số phim "hoành tráng" rất thành công. Ông không thuộc hạng như Pabsts và Langs, nhưng trong công tác đạo diễn, ông rất được kính nể, ông không làm phim thương mại, và có những tham vọng không được nhiều người tán thành nhưng rất nghiêm túc. Sau khi Hitler lên cầm quyền, không ai còn nghe nói đến ông nữa. Người ta đồn rằng ông ta làm việc ở Hollywood nhưng chưa hề thấy cuốn phim nào mang chữ ký của ông được mang ra chiếu ở Ý trong những năm gần đây. Và bỗng nhiên, ông xuất hiện đột ngột ở đây một cách kỳ quặc, trong văn phòng của Battista. Trong lúc Battista nói, tôi tò mò nhìn Rheingold. Đã bao giờ bạn nhìn thấy khuôn mặt của Goethe trong một cuốn sách cũ nào đó chưa? Khuôn mặt của Rheingold trông cũng thế, cũng cao quý, cân đối và uy nghi như thế, và cũng giống khuôn mặt của Goethe, khuôn mặt của Rheingold được viền quanh bởi một riềm tóc hoe sáng ngời. Đó là khuôn mặt của một vĩ nhân, tuy nhiên, nhìn kỹ hơn, tôi nhận ra rằng vẻ uy nghi rất cao quý ấy thiếu hẳn thực chất, đường nét hơi thô và không có chiều sâu, như thể làm bằng giấy bồi trông giống những đường nét của mặt nạ, cho ta cai ấn tượng là chả có gì đằng sau những đường nét ấy, hệt như khuôn mặt a chiếc đầu to tướng mà người ta thường rước đi diễu trong những ngày hội hoá trang. Rheingold đứng dậy bắt tay tôi, chỉ hơi cúi đầu và khẽ đạp nhẹ gót chân theo cái lối cứng nhắc của người Đức. Lúc đó, tôi nhận ra là ông ta rất nhỏ người, dù đôi vai ông ta, như để phù hợp với vẻ uy nghi của gương mặt, có vẻ rất rộng. Tôi cũng để ý là khi đứng lên chào tôi, ông ta mỉm cười một cách ân cần đáng mến, một nụ cười rộng như một vành trăng, phô hai hàm răng đều đặn và sáng bóng mà không hiểu vì lý do nào, tôi tưởng tượng ngay là của giả. Nhưng sau đó, ngay khi ông ta vừa ngồi xuống, nụ cười tắt ngấm, hoàn toàn biến mất, không để lại một dấu vết gì, như vầng trăng bị một đám mây đen che khuất, nhường chỗ cho một nét mặt khó chịu, vừa độc đoán vừa nghiệt ngã.

Battista, theo cái phương pháp thông dụng của hắn, bắt đầu bằng cách nói loanh quanh. Hất đầu về phía Rheingold, hắn nói "Rheingold và tôi vừa nói về Capri…Ông biết Capri không, Molteni?"

"Vâng, có biết chút ít" tôi đáp.

"Tôi có một biệt thự ở Capri", Battista nói tiếp "và tôi vừa nói với Rheingold rằng Capri là một nơi tuyệt vời làm sao! Một nơi mà một kẻ như tôi, bù đầu với bao nhiêu công ăn việc làm, cũng đâm ra sính làm thơ". Battsita có cái thói quen ưa thích là phô bày mối nhiệt tình của hắn đối với cái tốt, cái đẹp, cái lý tưởng. Nhưng điều làm tôi khó chịu nhất là mối nhiệt tình mà hắn khéo bày tỏ để thu hút sự chú ý của người khác ấy, lại rất chân thành, cho dù khi nào cũng vậy, bằng cách này hoặc bằng cách khác, luôn gắn liền với những mục đích không bao giờ bất vụ lợi. Lát sau, dường như xúc động với chính lời nói của mình, hắn tiếp "Thiên nhiên tươi tốt, biển xanh ngăn ngắt, bầu trời tuyệt vời…và hoa, hoa khắp nơi. Tôi nghĩ gía mà tôi được như ông, Molteni ạ, là nhà văn, tôi sẽ chỉ thích sống  ở Capri và lấy cảm hứng từ ở đó. Thật lạ lùng là các họa sĩ, thay vì vẽ những phong cảnh ở Capri, lại đẻ ra những bức tranh xấu xí kia không ai hiểu nổi. Ở Capri, tranh đã có sẵn rồi, có thể nói như thế, anh chỉ việc đến đó mà sao chép lại…"

Tôi không nói gì, chỉ liếc nhìn Rheingold qua khoé mắt, thấy ông ta gật gù tán thưởng, nụ cười lơ lửng giữa khuôn mặt hệt như một vệt trăng lưỡi liềm treo giữa bầu trời quang đãng không mây. Battista tiếp tục "Tôi luôn luôn quyết định về sống ở đó vài tháng, xa lánh mọi công việc, không làm gì cả…nhưng không làm sao thu xếp được. Ở đô thị như chúng ta đây, chúng ta sống một cuộc sống phản thiên nhiên. Con người đâu phải được tạo dựng nên để sống giữa các đống giấy tờ trong một văn phòng…và người dân Capri, họ hạnh phúc hơn chúng ta nhiều. Các ông cần gì thấy họ vào lúc chiều tối, khi họ bắt đầu ra phố dạo chơi – những chàng trai và các cô gái, tươi cười, thanh thản, vui vẻ…Ấy bởi vì h. có một cuộc sống được tạo ra từ những điều bé nhỏ, tham vọng bé nhỏ, lợi lộc bé nhỏ, buồn phiền  bé nhỏ. Trời ạ, họ may mắn làm sao!"

Lại yên lặng trở lại. Đoạn Battista nói tiếp "Như vừa nói, tôi có một biệt thự ở Capri và thú thật, tôi chưa bao giờ được sống ở đó. Trước sau, tôi mới chỉ được ở vài đó chừng vài tháng, kể từ ngày tôi mua nó. Tôi với nói với Rheingold rằng ngôi biệt thự ấy là nơi tốt nhất có thể có được để viết kịch bản cho một cuốn phim. Phong cảnh sẽ gợi cảm nhiều cho các ông…nhất là bởi vì, như tôi vừa vạch ra với Rheingold, phong cảnh đó rất hoà hợp với chủ đề cuốn phim".

"Người ta có thể làm việc ở bất kỳ đâu, Battista à," Rheingold nói "tuy nhiên Capri có thể sẽ có lợi cho ta…Thứ nhất là, theo tôi nghĩ, nếu ta quay ngoại cảnh của cuốn phim ở vịnh Napoli".

"Đúng…tuy nhiên, Rheingold nói rằng ông ta thích ở khách sạn hơn, ông ta đã quen thế, và ngoài ra, ông ta cũng thích yên tĩnh một mình để suy nghĩ về công việc. Nhưng về phần ông, Molteni, ông có thể ở biệt thự với bà nhà. Tôi rất vui lòng nếu cuối cùng có ai đó đến ở nơi đấy…Biệt thự có đầy đủ mọi tiện nghi và ông bà có thể dễ dàng thuê một người giúp việc".

Cũng như mọi khi, tôi nghĩ ngay đến Emilia và tôi cảm thấy một chuyến đi du lịch ở một biệt thự thật đẹp ở Capri, có thể giải quyết nhiều vấn đề khó khăn. Tôi không hề nói ngoa rằng vào lúc đó, một cách bất chợt, tôi tuyệt đối tin rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết. Vì vậy, tôi nhiệt thành cám ơn Battista "Cám ơn ông, tôi cũng nghĩ rằng Capri là nơi tốt nhất để viết kịch bản này…và nhà tôi cùng với tôi sẽ rất vui sướng được ngụ tại biệt thự của ông".

"Tốt lắm, ta đồng ý như vậy đi nhé!" Battista nói và đưa tay phác một cử chỉ mà tôi cho là có phần xúc phạm đối với tôi, như thể để chận trước những lời cám ơn tràng giang đại hải, mà thật tình tôi cũng chưa có ý định tuôn ra.

"Vậy, ta đồng ý là các ông sẽ đi Capri trước, tôi sẽ đến gặp các ông ở đó sau. Còn giờ đây, chúng ta nói về cuốn phim"

"Cũng đúng lúc đấy" tôi nghĩ và nhìn lại Battista. Giờ đây, tôi lại cảm thấy hơi mơ hồ hối hận vì đã nhận lời hắn một cách quá nhanh nhẩu như thế. Tôi không lý giải được nhưng rõ ràng tôi cảm thấy Emilia sẽ bất bình về sự hấp tấp của tôi. Tôi hơi tự cáu giận và tự nhủ " Lẽ ra ta nên nói với hắn rằng ta cần suy nghĩ kỹ đã, rằng ta còn hỏi ý kiến vợ ta trước". Và thái đô. sốt sắng của tôi khi nhận lời mời của hắn là không đúng lúc, là một điều đáng lấy làm xấu hổ. Battista vẫn tiếp tục nói "Tất cả chúng ta đều đồng ý là cần phải tìm cho được một đường hướng mới cho công việc làm phim hôm nay. Giai đoạn hậu chiến đã qua, và quần chúng cảm thấy cần một thể thức mới. Chỉ cần một ví dụ thôi, chẳng hạn, hiện nay ai mà không chán ngấy phong trào hiện thực mới? Chỉ bằng những phân tích cặn kẽ, chúng ta sẽ tìm ra được cái hình thức mới ấy".

Tôi biết cái lối đặt vấn đề của Battista, luôn vòng vèo, quanh co. Hắn không phải là mẫu người trâng tráo, hay ít ra, bằng mọi cách, hắn không biết người ta nghĩ như thế về hắn. Vì vậy, thật khó cho hắn nói năng một cách thẳng thắn, như những nhà sản xuất khác trung thực hơn hắn, về các vấn đề tài chính, lợi nhuận, những vấn đề không kém phần quan trọng với hắn so với người khác, thật ra lại còn quan trọng hơn nữa là khác. Những vấn đề ấy luôn luôn được dấu kín trong bóng tối kín đáo, và giả dụ như khi thấy một cuốn phim không sinh lời đủ, hắn không bao giờ nói như người khác "Đề tài này đừng hòng thu được một xu tiền lời", hắn sẽ nói "Tôi không thíhc đề tài này vì lý do này, vì lý do kia", và những lý do đó luôn nằm trong phạm trù thẩm mỹ hay đạo đức. Tuy nhiên chủ đề lợi nhuận bao giờ cũng là viên đá thử, là tiêu chuẩn sau cùng, bằng chứng là sau bao nhiêu là thảo luận, tranh cãi về những cái đẹp, cái tốt trong nghệ thuật làm phim, sau rất nhiều thứ mà tôi gọi là màn khói của Battista, sự lựa chọn sau cùng, một thứ tất yếu, luôn rơi vào giải pháp có khả năng thương mãi cao nhất. Do đó, từ bao lâu nay, tôi hết còn quan tâm đến những cân nhắc, xem xét, thường là dài lê thê và rắc rối do Battista đặt ra về các cuốn phim, đẹp hay xấu, đạo đức hay phản đạo đức, và tôi kiên nhẫn chờ đợi đến cái thời đỉêm tất yếu để dừng lại – thời điểm đặt vấn đề lợi nhuận kinh tế. Lần này, tôi tự nhủ "Chắc chắn hắn sẽ không biết là các nhà sản xuất đã chán ngán phong trào hiện thực mới vì nó không sinh lợi…hãy đợi xem hắn nói cái gì". Quả thật sau một lúc lâu suy nghĩ, Battista tiếp tục "Theo ý tôi, mọi người đều  chán ngán phim hiện thực mới chủ yếu vì đấy không phải là một thể loại lành mạnh".

Hắn ngừng nói và tôi nhìn sang Rheingold, ông ta không hề nháy mắt một cái gọi là lấy lệ, Battista, bằng cách ngừng nói, có ý muốn nhấn mạnh vào từ "lành mạnh", tiếp tục cắt nghĩa "Tôi nói rằng phim hiện thực mới không lành mạnh, ý muốn nói rằng đó không phải là loại phim khơi lại cho quần chúng lòng can đảm để sống, làm tằng thêm niềm tin của họ vào cuộc sống. Phim hiện thực mới làm người ta ngã lòng, bi quan, sầu thảm. Ấy là chưa nói đến việc nó trình bày nước Ý là một đất nước của những kẻ đầu đường xó chợ, nhếch nhác, nhơ nhớp – điều làm cho các người nước ngoài thú vị, vì họ vui thích nghĩ rằng đất nước chúng ta thật sự đầy dẫy những kẻ khốn cùng như thế, và điều này cũng khá quan trọng đấy – loại phim này nhấn mạnh quá kỹ về khía cạnh tiêu cực của cuộc sống, về tất cả cái gì xấu xa, đê tiện, tầm thường nhất trong kiếp sống con người. Tóm lại, đây là một thể loại phim bi quan, không lành mạnh, loại phim chỉ gợi người ta nhớ đến những khó khăn của con người, thay vì giúp họ vượt qua chúng".

Tôi nhìn Battista, và một lần nữa, tôi lại phân vân tự hỏi không biết hắn thật sự tin vào những điều đang nói hay chỉ giả vờ thôi. Trong những lời hắn nói, có phần nào đó của sự chân thành, có lẽ đó là sự chân thành của một người dễ dàng tin vào những gì có ích cho mình; dù sao đi nữa, ta vẫn có thể thấy sự chân thành trong đó. Battista tiếp tục nói, âm sắc lạ lùng, không giống tiếng người, giọng rờn rợn như tiếng kim loại, cho dù vẫn rất ngọt ngào "Rheingold đã có một gợi ý mà tôi rất quan tâm..ông ấy nhận thấy rằng trong khoảng thời gian gần đây, các phim với chủ đề rút từ Kinh thánh đều rất thành công, đúng là những phim hốt bạc". Hắn đưa ra nhận xét này một cách trầm tĩnh, như để người ta hiểu rằng đó chỉ là một chú thích trong ngoặc đơn, không đáng lưu ý lắm. "Và tại sao? Theo ý tôi, bởi vì Kinh thánh luôn là cuốn sách lành mạnh nhất đã từng được viết ra trên cõi đời này…và Rheingold bảo với tôi rằng các dân tộc Anglo-Saxon có Kinh thánh, còn các dân tộc Địa trung hải, các ông có Homère. Đúng vậy không nào?" hắn ngừng lại và quay sang Rheingold như thể không biết câu viện dẫn của hắn có đúng không.

"Đúng như thế" Rheingold khẳng định, hầu như với một vẻ lo âu thoáng qua trên khuôn mặt tươi cười của ông ta.

"Đối với các dân tộc Địa trung hải các ông", Battista tiếp tục viện dẫn Rheingold, "Homère là những gì mà Kinh thánh biểu thị đối với các dân tộc Anglo-Saxon…vậy tại sao chúng ta lại không làm một phim lấy từ Odyssey chẳng hạn?"

im lặng. Kinh ngạc, tôi muốn trì hoãn bằng cách gắng gượng hỏi "Toàn bộ Odyssey hay chỉ một đoạn mà thôi?"

"Chúng tôi đã bàn cãi về vấn đề ấy" Battista nhanh nhẩu trả lời, "và chúng tôi đi đến kết luận tốt hơn hết nên lấy Odyssey toàn bộ. Nhưng điều đó không thành vấn đề. Vấn đề quan trọng nhất," hắn cao giọng, "đó là khi đọc lại Odyssey, cuối cùng, tôi đã tìm ra điều mà bao lâu nay tôi không thể nào tìm thấy trong các phim hiện thực mới…điều mà, chẳng hạn, tôi chưa bao giờ tìm thấy trong các đề tài mà ông, Molteni ạ, đã đề nghị với tôi thời gian gần đây…điều mà tôi cảm thấy nhưng không thể tự giải thích lấy được, điều cần thiết cho điện ảnh cũng như cần thiết cho cuộc sống…chất thơ".

Một lần nữa, tôi quay sang nhìn Rheingold. Ông ta vẫn tươi cười, nụ cười hình như hơi thu hẹp hơn trước, và đang gật gù tán thưởng. Tôi nói bừa một cách lạnh nhạt "Trong Odyssey, như chúng ta đều biết, có nhiều chất thơ. Cái khó là làm sao đưa nó vào phim".

"Rất đúng" Battista nói, hắn nhặt một cây thước kẻ trên bàn và trỏ vào tôi "rất đúng…nhưng để làm điều đó, có hai ông, ông và Rheingold. Tôi biết có chất thơ trong đó…hai ông phải rút ra cho được".

Tôi đáp "Odyssey tự nó là cả một thế giới…người ta có thể rút từ đó ra những gì người ta muốn. Tất cả chỉ là tuỳ theo quan điểm mà thôi".

Battista tỏ ra chưng hửng vì sự thiếu nhiệt tình của tôi, hắn cố gắng dò xét như thể cố đoán mò xem tôi có che dấu một mục đích nào đó đàng sau vẻ lạnh nhạt ấy. Sau cùng, có vẻ như muốn gác cái chuyện dò xét ấy lại, hắn đứng dậy, đi vòng qua chiếc bàn, tiến ra giữa phòng, bắt đầu đi tới đi lui, đầu ngẩng cao, tay thọc túi quần. Chúng tôi cùng quay lại để nhìn hắn; và vẫn bước tới bước lui, hắn tiếp tục "Điều gây ấn tượng mạnh nhất cho tôi là, trong Odyssey, chất thơ luôn rất là ngoạn mục…và khi tôi nói ngoạn mục, tôi muốn nói là nó có điều gì đó chắc chắn làm khán giả hài lòng. Hãy lấy đọan các nàng tiên cá làm ví dụ. Tất cả các cô gái yêu kiều ấy, không một mảnh vải che thân, vùng vẫy, tung tóe nước trước mặt Ulysses đang nấp trong bụi. Chỉ với một chút ít thay đổi, các ông có ngay một bức "Mỹ nhân tắm". Hoặc, hãy lấy Polyphemus, một con quái vật một mắt, một người khổng lồ, một con yêu tinh…King Kong đó…một trong những thành công lớn nhất của thời tiền chiến. Hoặc hãy lấy Circe, trong toà lâu đài của nàng…Đấy, nàng chính là Antinea của Atlantis đấy. Đó là điều tôi gọi là ngoạn mục, và cái ngoạn mục đó, như tôi đã nói, không những chỉ ngoạn mục mà còn thi vị nữa…" Sôi nổi, Battista dừng lại trước mặt chúng tôi và trịnh trọng nói "Tôi hình dung một cuốn phim về Odissey của Chiến Thắng Phim là như vậy đó".

Tôi không nói gì. Tôi hiểu rằng đối với Battista, chất thơ có cái nghĩa rất khác với điều tôi hiểu và cuốn phim của hắn sẽ dựa theo các phim hoành tráng rút ra từ Kinh thánh, hoặc các phim y quan mũ mãng của Hollywood với quái vật, đàn bà trần truồng, những màn mùi mẫn, tình dục và ngôn từ hoa mỹ. Tôi tự nhủ rằng cái "gu" của Battista vẫn là cái "gu" của các nhà sản xuất Ý vào thời của D'Annunzio, thật ra làm sao khác hơn được? Battista đã đi quanh chiếc bàn, trở lại chỗ, ngồi xuống và hỏi tôi "Nào, Molteni, ông nghĩ thế nào?"

Những ai biết rõ thế giới điện ảnh đều biết rõ rằng có những cuốn phim, ngay cả khi chưa một từ nào trong kịch bản được viết ra, đã được tin tưởng sẽ hoàn thành tới nơi tới chốn, trong khi có những cuốn khác, ngay khi hợp đồng đã được ký kết xong, với hàng trăm trang kịch bản đã hoàn tất, sẽ không bao giờ được thực hiện. Vì thế, với kinh nghiệm của một tay viết kịch bản chuyên nghiệp, tôi thấy ngay tức khắc, ngay trong lúc Battista đang nói, rằng cuốn phim Odyssey này là một trong những cuốn phim được bàn cãi nhiều nhất, nhưng cuối cùng, sẽ không bao giờ được bấm máy. Làm sao lại như thế được? Tôi khó có thể nói, nhưng có lẽ, do ở tham vọng quá lớn của công trình, hay có thể do tướng người của Rheingold, uy nghi khi ngồi trên ghế và gầy nhom khi đứng dậy. Giống như hình ảnh của Rheingold, tôi nghĩ cuốn phim sẽ có một bước đầu hùng vĩ nhưng một kết thúc thảm hại, y như câu nhận xét về nàng tiên cá Sirene: desinit in piscem, phần dưới của nàng biến thành cá. Vậy tại sao Battista lại muốn làm một cuốn phim như thế? Tôi biết, cơ bản, hắn là người rất thận trọng, và nhất quyết thu được tiền mà không chấp nhận một rủi ro nào. Tôi nghĩ có lẽ bên dưới ý muốn của hắn còn có hy vọng được hỗ trợ về tài chính, có thể từ phía người Mỹ, bằng cách khai thác cái tên vĩ đại của Homère, như Rheingold nói, là Kinh thánh của các dân tộc vùng Địa trung hải. Nhưng ngược lại, tôi cũng biết rằng Battista, không khác với các nhà sản xuất khác, trong trường hợp này, sẽ tìm ra một cái cớ nào đấy, để khi cuốn phim không được thực hiện, từ chối trả tiền thù lao cho công khó của tôi. Mọi việc thường xảy ra thế này: nếu cuốn phim chết, tiền tài  cũng chết theo, và thường thường, nhà sản xuất sẽ đề nghị chuyển tiền công viết kịch bản đã hoàn tất qua một công việc khác sè được thực hiện trong tương lai và nhà viết kịch bản khốn nạn, vì cảnh nghèo túng, không dám từ chối. Vì vậy, tôi tự nhủ trong mọi tình huống, tôi phải chuẩn bị trước để đòi cho bằng được phải có hợp đồng, và nhất là phải có khoản tiền ứng trước, và để đạt được mục đích đó, chỉ có một phương pháp: nêu ra những khó khăn để đặt cao giá sự công tác của tôi. Tôi trả lời nhát gừng "Tôi nghĩ ý kiến cũng hay đấy".

"Vậy mà xem ra ông không hăng hái lắm"

Tôi đáp, với một vẻ thành thật vừa phải "Tôi nghĩ rằng đây không phải là loại phim sở trường của tôi, có thể nó vượt quá khả năng của tôi". "Tại sao?" Battista tỏ ra cáu thật, "ông luôn mồm nói rằng ông ao ước làm một phim có chất lượng…bây giờ, tôi cho ông cơ hội, ông lại rút lui!"

Tôi cố gắng giải thích điều tôi muốn nói "Ông cũng thấy, Battista, tôi tự cảm thấy chủ yếu thích hợp với những phim tâm lý…trong lúc bộ phim này như tôi hiểu, là một bộ phim hoành tráng, cùng loại với các phim Mỹ có chủ đề rút ra từ Kinh thánh" Lần này Battista không kịp có thời giờ để trả lời tôi vì, Rheingold, một cách hoàn toàn bất ngờ, nhảy xổ vào "Ngài Molteni," ông ta vừa nói vừa nở lại nụ cười nửa vầng trăng thường lệ treo lơ lửng giữa khuôn mặt, y hệt như một diễn viên đột ngột dán lên mép bộ ria giả, hơi chồm người ra trước, dáng xun xoe, bợ đỡ "Ngài Battista đã trình bày ý kiến của ông ta rất đúng và phác họa ra hình ảnh đúng đắn của bộ phim mà tôi dự định thực hiện với sự cộng tác của ông ta. Tuy nhiên, ngài Battista chỉ nói trên cương vị một nhà sản xuất và chỉ đặc biệt lưu tâm tới những yếu tố hoành tráng. Nhưng nếu ông tự cảm thấy thích hợp với những chủ đề tâm lý rõ ràng là ông nên làm cuốn phim này… bởi vì đây là cuốn phim không hơn không kém nói về mối quan hệ tâm lý giữa Ulysses và Penelope…Tôi có ý định làm một cuốn phim nói về một người chồng yêu vợ nhưng không được vợ yêu lại".

Tôi đâm ra luống cuống nhất là vì khuôn mặt của Rheingold sáng rỡ với nụ cười giả tạo dai dẳng của ông ta ghé sát vào tôi và dường như bít hết mọi đường thoát của tôi. Tôi phải trả lời ông ta và phải trả lời ngay. Nhưng lúc đó, trước khi tôi kịp thốt lên lời phản kháng "Nhưng nói Penelope không yêu Ulysses là không đúng", câu nói của gã đạo diễn "một người chồng yêu vợ nhưng không được vợ yêu lại" bỗng kéo tôi trở lại với mối quan hệ của tôi với Emilia – mối quan hệ, nói một cách chính xác, giữa một người chồng yêu vợ và không được vợ yêu lại – và cùng lúc, qua một liên tưởng bí ẩn, vấn đề ấy làm trồi lên trên bề mặt trí nhớ của tôi một hồi ức, hồi ức này, như tôi nhận thấy ngay tức khắc, đã cho tôi câu trả lời cho nghi vấn tôi tự đặt cho mình ở phòng tiền sảnh trong lúc ngồi đợi vào gặp Battista: tại sao Emilia không yêu tôi nữa?

Câu chuyện tôi sắp kể đây có thể hơi dài dòng, nhưng trên thực tế, trong cái nhanh như chớp của hồi ức, mọi chuyện chỉ diễn ra trong khoảnh khắc. Và như thế, trong lúc Rheingold ghé bộ mặt tươi cười của ông ta sát vào tôi, trong một loé sáng, tôi tự thấy mình đang đứng ở trong phòng làm việc ở nhà, đang đọc cho một cô đánh máy gõ một kịch bản. Tôi gần kết thúc một bản đọc đã kéo dài từ mấy ngày nay. Vậy mà tôi chưa có thể nói được là cô đánh máy có xinh hay không và rồi một sự cố nhỏ đã giúp mở mắt tôi ra, có thể nói như thế. Cô ta đang gõ một câu gì đó và khi cúi xuống nhìn vào tờ giấy từ trên bờ vai của cô ta, tôi nhận thấy đã đọc một từ lỗi. Tôi cúi xuống và cố gắng chữa sai lầm của mình bằng cách tự tay gõ lên các phím chữ. Nhưng trong lúc gõ như thế, tôi vô tình chạm vào tay cô ta, mà tôi chợt nhận thấy là rất lớn và mạnh mẽ, tương phản một cách kỳ lạ với vẻ thanh thoát của khuôn mặt. Khi tôi chạm vào cô ta, tôi thấy rõ là cô ta không rụt lại. Tôi gõ một từ thứ hai, và lần này, không hẳn là vô tình, tôi lại chạm vào các ngón tay cô ta. Đoạn, tôi nhìn vào mặt cô, và thấy rằng cô ta cũng nhìn thẳng lại tôi, với vẻ chờ đợi, hầu như mời gọi. Tôi ngạc nhiên nhận thấy, như là mới lần đầu, rằng cô ta rất xinh, với chiếc miệng nhỏ đầy đặn, cái mũi hơi tinh nghịch, đôi mắt lớn và mái tóc dài, xoăn, chải hất ra đàng sau. Nhưng khuôn mặt xanh xao, thanh tú của cô nhuốm một vẻ bực dọc, cáu kỉnh. Một chi tiết sau cùng: khi cô ta nói, với một thoáng nhăn mặt "Em xin lỗi, em chưa kịp nghĩ", tôi ngạc nhiên về cái giọng khô khan, khó chịu của cô ta. Tôi nhìn cô ta và thấy cô ta như thách thức cái nhìn của tôi, thật ra, trong cái nhìn lại của cô, có cái vẻ khiêu khích. Có lẽ khi đó, tôi đã để lộ ra một dấu hiệu xúc động nào đó, và đã có một đáp ứng thầm lặng, vì kể từ giây phút đó, trong nhiều ngày tiếp theo, chúng tôi không ngớt nhìn nhau, hay đúng hơn, cô ta không ngớt nhìn tôi, một cách táo tợn, không xấu hổ, vào bất kỳ dịp nào thuận tiện, cô theo đuổi ánh mắt tôi khi tôi lẩn tránh không dám nhìn cô, cố tìm cách cầm giữ cái nhìn  của tôi khi ánh mắt chúng tôi gặp nhau, xoáy sâu đăm đắm vào mắt tôi. Như thường thường vẫn vậy, những cái nhìn này thoạt tiên  cũng thưa, ngắt quãng, sau trở nên càng ngày càng thường xuyên hơn, và sau cùng, không biết làm sao để lẩn tránh, tôi đành phải đi tới đi lui sau lưng cô ta khi đọc cho cô ta đánh máy. Nhưng cái nhà cô đỏm đáng kiên trì ấy đã tìm cách để vượt qua trở ngại này bằng cách nhìn tôi trong tấm kính lớn treo ở bức tường đối diện, đến nỗi mỗi lần ngẩng nhìn lên, tôi lại thấy cô ta chờ sẵn để chộp lấy đôi mắt tôi. Cuối cùng, điều cô ta muốn đã xảy ra. Một hôm, như thường lệ, tôi cúi xuống từ sau lưng cô ta để chữa một từ lỗi. Tôi nhìn lên, đôi mắt chúng tôi gặp nua, và miệng chúng tôi gắn liền với nhau trong một nụ hôn vội vã. Câu đầu tiên cô ta nói sau cái hôn đó rất đặc trưng "Ồ, có thế chứ! Em đã bắt đầu nghĩ rằng ông không bao giờ quyết đoán". Quả thật, giờ đây, có lẽ cô ta tin chắc đã nắm giữ được tôi trong móng vuốt của mình, đến nỗi, sau cái hôn ấy, cô không bận tâm đòi hỏi tôi phải hôn cô nữa, mà quay trở lại ngay với công việc. Tôi cảm thấy vừa bối rối  vừa ăn năn, tôi thấy cô gái rất hấp dẫn, nếu không, tôi đã không hôn cô ta, nhưng rõ ràng là tôi không yêu cô ta mà thật sự là cô ta đã cưỡng cầu cho được nụ hôn ấy nơi tôi, bằng cách tác động vào tính kiêu hãnh giống đực của tôi, bằng cái kiên trì nũng nịu, vuốt ve của cô ta. Giờ đây cô ta lại tiếp tục gõ máy mà không nhìn đến tôi, đôi mắt nhìn xuống, xinh đẹp hơn bao giờ hết với khuôn mặt tròn trĩnh, tái xanh và mái tóc đen mợt. Cô ta lại đánh nhầm một lỗi nữa – có dụng ý, có lẽ thế - và tôi lại cúi sát xuống, tìm cách chữa lại. Nhưng cô ả đã quan sát từng cử động của tôi, và ngay khi mặt tôi vừa ghé sát xuống, cô ta quay qua, nhanh như chớp, quàng tay qua cổ tôi, nắm chặt một bên tai tôi và kéo miệng tôi kề vào miệng cô ta. Ngay lúc đó, cánh cửa bật mở và Emilia bước vào.

Những gì xảy ra sau đó, tôi thiết nghĩ không cần phải kể lại cặn kẽ làm gì. Emilia rụt lại tức thì và về phần tôi, sau khi kịp vội vã nói với cô gái "Hôm nay vậy là đủ, cô có thể về được rồi". Tôi hầu như chạy ra khỏi phòng làm việc vào gặp Emilia trong phòng khách. Tôi phập phồng chờ đợi một màn ghen tuông tam bành, nhưng Emilia chỉ nói khẽ mỗi một câu "Ít ra, anh hãy chùi vết son trên môi đi đã!" Tôi làm theo lời nàng nói, và rồi ngồi xuống bên cạnh nàng, ra sức tự bào chữa bằng cách kể cho nàng nghe hết sự thật. Nàng lắng nghe với vẻ hoài nghi lấp lửng, nửa khoan dung, nửa ngờ vực, và sau cùng, lưu ý tôi rằng nếu tôi thật bụng yêu cô gái, tôi chỉ việc nói cho nàng biết, nàng  sè đồng ý chia tay. Tuy nói thế nhưng, thay vì gay gắt, giọng nói của nàng nhuốm vẻ buồn bã dịu dàng, như muốn tôi làm ngược lại. Cuối cùng, sau khi đã nghe bao nhiêu là giải thích và năn nỉ của tôi, (tôi thật tình kinh hãi với ý tưởng Emilia sẽ xa tôi), nàng có vẻ xiêu lòng và với vẻ cam chịu, miễn cưỡng đồng ý tha thứ cho tôi. Ngay buổi chiều hôm ấy, trước mặt Emilia, tôi gọi điện thoại cho cô đánh máy để báo cho cô biết rằng tôi không cần cô nữa. Cô ả cố gắng hẹn gặp tôi ở một nơi khác, nhưng tôi thoái thác và từ đó, không bao giờ gặp lại cô ta nữa.

Hồi ức này, như tôi đã nói, có vẻ dài dòng, trong khi thật ra, hình ảnh chỉ vụt lóe lên trong trí nhớ của tôi nhanh như tia chớp: Emilia mở cửa ngay vào lúc tôi đang hôn cô gái đánh máy. Bây giờ, tôi ngạc nhiên là trước kia đã không nghĩ đến sự cố này. Chắc chắn, theo tôi cảm thấy, mọi sự đã diễn tiến theo quá trình  sau đây. Thoạt tiên vào lúc đó, Emilia tỏ ra coi nhẹ sự việc ấy, trong khi trên thực tế và trong vô thức, nàng đã bị chấn động mạnh. Sau đó, nàng đã suy nghĩ đi nghĩ lại, và gói ghém ký ức đó lại bằng cách dệt nên một cái kén càng lúc càng dày, bao chặt những ảo vọng tan vỡ, đến nỗi nụ hôn ấy đối với tôi chỉ là một giây lát yếu lòng thoáng qua, đối với nàng lại là một vết chấn thương, trauma (hãy dùng cái từ ngữ ấy của khoa phân tâm học), một vết thương mà thời gian thay vì hàn gắn lại, đã càng lúc càng khơi sâu thêm. Trong lúc tôi đang trầm ngâm suy tưởng về những vấn đề này, mặt tôi hẳn phải ngây ra, vì, thốt nhiên, qua màn sương mù dày đặc bao quanh tôi, tôi chợt giật mình nghe tiếng Rheingold hỏi "Mà này, ông Molteni, ông có nghe tôi nói gì không đấy?"

Sương mù tan biến, tôi lắc đầu sực tỉnh và trông thấy bộ mặt với nụ cười của ông đạo diễn dí sát vào tôi. Tôi nói "Xin lỗi, trí óc tôi vẩn vơ đi đâu ấy. Tôi đang nghĩ về cái điều mà ông Rheingold nói, một người chồng yêu vợ nhưng không được vợ yêu lại…nhưng…nhưng…" Không biết nói gì nữa, tôi đọc ra câu phản đối đã hiện ra trong trí tôi lúc nãy "Nhưng Ulysses trong Odyssey thì được vợ yêu lại chứ! Thật ra, theo một chiều hướng nào đó, toàn bộ Odyssey quay chung quanh mối tình của Penelope dành cho Ulysses".

Rheingold gạt phăng lời phản bác của tôi với một nụ cười "Thưa ngài Molteni, đấy là lòng trung thành, không phải là tình yêu. Penelope trung thành với Ulysses nhưng chúng ta không biết bà  ta yêu chồng tới mức độ nào… và như ngày biết, đôi khi người ta có thể trung thành một cách tuyệt đối mà không yêu. Trong nhiều trường hợp, lòng trung thành chỉ là một hình thức khác của sự báo thù, hoặc bắt chẹt nhau, hoặc để phục hồi lòng tự trọng của mình. Đó chỉ là lòng trung thành, không phải là tình yêu".

Tôi lại choáng váng với điều Rheingold vừa nói ra và một lần nữa, tôi lại không thể tránh không nghĩ đến Emilia. Tôi tự hỏi, thay vì lòng trung thành đi kèm với sự lãnh đạm, tôi nên chọn sự phản bội đi kèm với sự hối lỗi hay không. Vâng, chắc chắn tôi nên chọn điều sau này. Nếu Emilia đã phản bội tôi, và cảm thấy có lỗi đối với tôi, có lẽ tôi sẽ đương đầu với nàng với nhiều tự tin hơn. Nhưng tôi đã tự chứng minh rằng Emilia đã không phản bội tôi, mà thật ra, chính tôi đã phản bội nàng. Trong lúc tâm trí tôi đang vơ vẩn theo chiều hướng mới mẻ này, giọng nói của Battista đánh thức tôi dậy "Vậy nhé! Molteni, nhất trí là ông sẽ làm việc với Rheingold đấy nhé!"

"Vâng" tôi gắng gượng trả lời, "Tôi đồng ý".

"Tốt lắm" Battista hài lòng tuyên bố. "Bây giờ, ta sắp xếp công việc như thế này. Ngày mai, Rheingold sẽ đi Paris và lưu lại đó một tuần. Phần ông, Molteni, trong thời gian một tuần đó, ông sẽ tóm tắt nội dung Odyssey và mang đến cho tôi. Ngay khi Rheingold từ Paris về, hai ông sẽ cùng đi Capri và bắt đầu làm việc ngay".

Sau câu kết đó, Rheingold đứng dậy, và, một cách máy móc, tôi cũng đứng lên theo. Tôi nghĩ lẽ ra tôi nên hỏi về bản hợp đồng và số tiền ứng trước, nếu không, Battista sẽ nắm lấy đàng chuôi, nhưng những ý nghĩ về Emilia và nhất là sự giống nhau kỳ lạ giữa lối diễn giải của Rheingold về Homère và những vụ việc của riêng tôi làm tôi bối rối. Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng hỏi nhỏ được một câu khi bước ra đến cửa "Còn bản hợp đồng thì sao?"

"Bản hợp đồng đã sẵn sàng" Battista đáp lại một cách hoàn toàn bất ngờ, bằng một giọng nói tự nhiên, hào hiệp "Và tiền tạm ứng cũng đã có sẵn rồi đấy. Ông Molteni ạ, ông chỉ có việc ghé qua chỗ thư ký của tôi, ký cái này và cầm cái kia đi"

Sự ngạc nhiên làm tôi ngẩn ngơ. Tôi cứ ngỡ, như nhiều lần đã xảy ra với những kịch bản trước, sẽ có những thủ thuật về phía Battista để cắt giảm tiền công của tôi, hoặc trì hoãn việc chi tiền, đằng này, hắn lại trả tiền ngay cho tôi, không bàn cãi lôi thôi. Khi cả ba chúng tôi bước sang phòng  bên, là phòng của viên quản lý, tự nhiên, tôi buộc miệng thì thầm "Cám ơn, Batitsta, ông biết là tôi đang rất cần".

Tôi cắn chặt môi trước hết, không đúng là tôi đang cần tiền – nhất là, một cách cấp bách, như trong cách nói của tôi – ngoài ra, không hiểu vì lý do gì, tôi cảm thấy lẽ ra, tôi không nên nói ra câu nói đó. Câu trả lời của Battista càng làm tăng thêm sự hối tiếc của tôi "Tôi cũng đoán thế, ông bạn ạ", hắn vỗ vào lưng tôi với cử chỉ che chở, bảo bọc của người cha "Và tôi thấy ông có được cái ông cần rồi đấy". Đoạn, quay qua người thư ký ngồi ở bàn gần đấy, hắn nói thêm "Đây là ông Moteni, ông hãy lo cho ông ấy cái bản hợp đồng và khoản tiền tạm ứng".

Viên thư ký đứng dậy, mở ra một cái cặp giấy, lấy ra một bản hợp đồng đã được thảo sẵn, có ghim kèm một tờ chi phiếu. Battista, sau khi đã bắt tay Rheingold, võ vào vai tôi lần nữa, chúc tôi may mắn trong công việc mới và đi vào văn phòng.

Đến phiên Rheingold tiến đến gần tôi, chìa tay ra và nói "Ông Molteni, chúng ta sẽ gặp lại nhau khi tôi từ Paris quay về. Trong thời gian chờ đợi, ông sẽ làm bản tóm tắt Odissey, mang đến cho ông Battista, và thảo luận với ông ấy".

"Tốt lắm" tôi đáp và hơi ngạc nhiên khi tưởng như nhìn thấy ông ta nháy mắt với tôi một cách thông cảm.

Rheingold thấy cái nhìn của tôi và bỗng nhiên, nắm lấy cánh tay tôi, kề miệng vào tai tôi, thì thào một cách vội vã "Đừng buồn phiền gì hết, đừng sợ. Cứ để Battista tha hồ muốn nói gì thì nói. Chúng ta sẽ làm một phim tâm lý, một phim thuần tuý tâm lý".

Tôi để ý ông ta phát âm từ "tâm lý" theo giọng của người Đức "Psuchological", đoạn nhoẻn miệng, bắt tay tôi, đầu hơi cúi xuống, hai gót chân khẽ đập vào nhau, và bỏ đi.

Mải trông theo ông ta, tôi giật mình khi nghe người thư ký gọi tôi "Ông Molteni, xin ông vui lòng ký vào đây".