Bức thư hối hận

Chương 2: TREO TRANH NHÂN QUẢ

Nhà ông Ba Chánh ở bây giờ đây không phải cái nhà ngói nhỏ, vách ván, tuy sạch  sẽ mát mẽ, song chật hẹp của cha con ông ở cách 25 năm về trước. Bây giờ là một tòa nhà nằm giữa một cuộc đất rộng lớn và cất theo kiểu tân thời, bởi vậy đứng xa thì thấy dạng đồ sộ hùng hào, lại gần thì thấy vẻ nguy nga đẹp đẽ.

Thợ Cang cưới cô Huyền rồi thì gia tư càng ngày càng thêm nở nang. Ban đầu Cang mướn có một căn nhà phố mở xưởng sữa xe hơi. Cuộc làm ăn lần lần thêm phát đạt; cái xưởng nhỏ lần lần nở ra lớn, phải thêm một căn, rồi thêm một căn nữa, rốt cuộc xưởng xe hóa ra một hãng to tát, vừa bán xe mới, vừa sửa xe cũ, vừa trữ đồ phụ tùng, thợ thầy giúp việc trong hãng kể đến số chục.

Cách 8 năm trước, Cang cho con là Nghiệp đi qua Pháp học rồi Cang mới lo với bề ăn ở cho gia đình. Nhơn dịp người ta bán miếng đất nằm giáp với đất của cha vợ, Cang liền ra tiền mà mua đặng mở cuộc ở ra cho rộng lớn. Đất mua rồi, Cang với mướn vẽ bản đồ đặng cất nhà. Phải phá cái nhà nhỏ của ông Ba Chánh mà cất lại một cái nhà lớn nằm chánh giữa vuông đất, bây giờ rộng bằng hai, nhờ đã mua thêm. Phía trước có chừa một cái sân lớn cho xe ra vô thuận tiện. Phía sau nhà chánh, thì cất thêm nhà tiệc với nhà tắm riêng, rồi mới tới nhà bếp. Bên mặt thì cất nhà để xe. Bên trái thì đào một cái giếng rồi chung quanh dọn đất để làm rẫy mà trồng rau cải.

Chung quanh cuộc đều có rào giậu chắc chắn; phía dựa lộ có xây cửa lớn để ban đêm đóng lại cho kín đáo. Tiếc vì chất đất không được phì nhiêu, nên ông Ba Chánh săn sóc rất dày công, mà vườn tược coi không sung. Dựa hai hàng rào hai bên có trồng nhãn xen lộn với vú sữa, mà cây không được sởn sơ, duy có hàng tầm vông(3) trồng chận phía sau thì lá xanh um, cây mập mạp.

Kiểu vở của nhà lớn thật cất hạp với cách ăn ở nửa cũ của đời nay. Chánh giữa để luông tuồng từ trước ra sau nhưng phân ra làm hai chặng, chặng ngoài dọn salông để tiếp khách, còn chặng trong thì làm phòng ăn khi có khách ăn cơm. Còn hai bên thì có vách ngăn ra làm 4 phòng riêng biệt. Phía trước bên tay mặt, là phòng để thờ cúng tổ tiên, bên tay trái là phòng riêng của ông Ba Chánh. Phía sau, bên tay mặt, là phòng ngủ của vợ chồng Cang, còn bên tay trái dọn làm phòng tiếp khách, mà cũng là phòng cho Nghiệp học xong trở về nhà. Nghiệp cưới vợ rồi thì mấy  tuần sau cũng chiếm mà ở đỡ phòng đó.

Thuở nay hễ thầy Hai Thanh có lại chơi thì ông Ba Chánh thường mời thầy vào phòng riêng của ông mà đàm đạo, vì trong phòng chẳng những có giường sắt để ông ngủ, mà lại cũng có đi văng4 cho ông nằm xem sách, có ghế xích đu cho ông nằm đọc báo, có bàn cho ông ngồi uống trà, có tủ cho ông đựng quần áo, có kệ cho ông cất sách báo, có ghế để cho ông tiếp khách.

Nhưng trái với thường lệ, bữa nay ông lại mời thầy Hai ngồi tại sa lông (salon: bàn ghế phòng khách theo lối Pháp), ông nói trời nực ngồi ngoài cho có gió mát. Cô Huyền hối trẻ rửa chén xúc bình, rồi chính tay cô lấy hộp trà ngon ra mà để trà vô bình cho vừa, đặng chế nước nóng cho cha đãi bạn.

Thầy Hai Thanh nói:

- Vợ chồng Bác vật đi xe Huê Kỳ tốt quá. Bây giờ hiệu xe đó là quí nhứt ở xứ mình, bán mắc lắm.

Cô Huyền đắc chí nên cười mà đáp:

- Gần tới đám cưới ba nó mua cho nó đó. Nó xin chiếc xe như xe cậu Hoàng đặng nó cầm tay bánh cho tiện, ba nó không chịu. Ba nó nói với cậu Hoàng không có vợ, đi đâu cũng đi một mình, nên mua xe “sport” thì trúng điệu. Nó sắp cưới vợ. Phải mua xe mui kiếng đặng vợ chồng đi, coi mới được.

Thầy Thanh nói:

- Coi bộ mông xừ Cang cưng con lắm.

- Ối thôi! Đừng có nói, thầy hai. Nó muốn giống gì cũng được hết. Có điều nó không tỏ ý muốn, mà ba nó cũng khiêu gợi, dường như xúi cho con nó muốn mới kỳ chứ.

- Có một đứa con, lại con nên, không cưng sao được.

- Nhiều khi tôi cằn nhằn, tôi khuyên nên tập cho con tiện tặn chớ đừng có tập cho nó ăn xài lớn. Ba nó nói ba nó có một mình nó. Tiền của làm ra, rồi đây cũng để cho nó hưởng chớ ai vô đây mà ăn. Nó học thành tài rồi, thì phải cho nó hưởng sung sướng lần đi chớ, cứ bó buộc đợi chừng nào mình chết rồi nó mới được hưởng thì cả một khoảng đời nó không biết hạnh phúc là gì.

- Bác vật Nghiệp có biết rõ nguồn gốc hồi xưa hay không?

- Thưa không. Có ai nói đâu mà biết. Tôi với ông ngoại nó giấu biệt chuyện xưa. Ba nó cũng không nói tới. Từ ngày nó biết đi biết nói thì ba nó ẩm tưng tiu chiều chuộng nó như con ruột. Chừng nó đi học, cần phải có khai sanh, thì ba nó ra giữa tòa nhìn nhận nó là con, tòa có lên án hợp pháp, bởi vậy không bao giờ nó có tỏ ý nghi ngại điều chi hết.

- Thôi, vậy cho xong ...

Ông Ba Chánh ngắt lời thầy Thanh mà nói:

- Phải nên giấu luôn cho xuôi chuyện. Cho thằng Nghiệp biết nguồn gốc của nó, nghĩ không ích chi, mà sợ e còn sanh chuyện lộn xộn trong gia đình.

Cô Huyền nói:

- Ai nói cho nó biết, chắc ba nó giận lắm. May mấy  người hồi trước ở gần đây, bây giờ họ đã tản lạc hết. Biết gốc tích của thằng Nghiệp hiện bây giờ chỉ còn có thầy Hai với cha tôi và tôi. Mình cứ giấu luôn, thì làm sao nó biết được.

Thầy Thanh vừa muốn nói thì cô Huyền chặn mà nói trước.

- Để tôi nó cho thầy Hai nghe cái cách ba nó cưng nó. Ba nó nghe cậu Hoàng có mua một cái nhà trệt, trên đường Hàng Sao, để lên xuống có sẵn chỗ mà ở. Ba nó lật đật kiếm mua cho nó một cái nhà như cậu Hoàng. Tôi cản trở, tôi nói nhà mình rộng rãi thì để nó ở chung với mình, cần gì phải mua nhà riêng cho nó; đã vậy mà nó mới cưới vợ, vợ chồng nó nên ở chung đặng tôi coi chừng và dạy dỗ vợ nó. Ba nó không chịu nghe lời tôi. Ba nó chê tôi cứ giữ thói xưa.  Cưới vợ cho con rồi bắt ở đặng làm dâu. Con nó có vợ rồi thì phải cho nó ở riêng đặng nó tập làm chủ nhà, làm chủ gia đình. Ở chung với mình nó phải chiều theo ý mình, nó không có quyền tự do chút nào hết ăn cơm nó phải theo giờ ăn của mình, đi chơi nó phải xin phép mình, mua sắm vật gì nó cũng phải dọ ý mình, đời sống như vậy thì mất tự do hết, đã vậy mà vợ chồng nó có bạn hữu riêng của chúng nó. Ở chung với mình chúng nó khó mà tiếp khách. Lại ở Chí Hòa xa xuôi quá, phải để nó ở dưới Sài Gòn cho vui. Tại như vậy nên ba nó mới mua cái nhà ở đường Bạc Hà. Đương mướn thợ dặm phá sơn phết cho gấp, đặng vợ chồng nó đi du lịch chừng trở về thì dọn xuống nhà mới ở riêng, thầy Hai thấy có ai mà cưng con quá như vậy hay không?

Ông Ba Chánh nói:

- Nghiệp học ở bên Pháp 8, 9 năm, nên ý nó giống người Pháp. Hễ có vợ rồi thì muốn xuất thân lập nghiệp không muốn tùng quyền cha mẹ nữa. Bởi vậy cha nó tính mua nhà cho nó ở riêng, coi bộ nó mừng. Tuy ở riêng mà ở gần thì không hại gì mấy . Con tới lui coi chừng bề ăn ở của vợ chồng nó cho thường, thì cũng như ở một nhà. Có một điều làm cho cha lo ngại là hôm nọ Nghiệp nghe cậu Hoàng tính làm nghề thầu khoáng nó tỏ ý muốn hùn với cậu Hoàng. Cái đó cha nghĩ không nên. Ba nó giỏi máy móc song thiếu học thức. Hãng lớn quá mà phải mướn người ngoài lo việc giao thiệp, coi sổ sách, viết thư từ, nghĩa là giao trách nhiệm quản lý cho người ta, thì làm sao mà tin được. Mấy tháng nay Nghiệp về ba nó giao trách nhiệm cho nó, ba nó coi xưởng mà thôi thì xong quá. Nó muốn làm thầu khoáng thì liều lắm. Nó có nói tới chuyện đó, con phải rầy nó, khuyên nó phải coi hãng với ba nó, hãng phát đạt quá, cứ làm với hoài thì giàu to, cần gì phải sang qua nghề khác.

Thầy Thanh nói:

- Kỹ sư cầu cống thì làm thầu khoáng là phải lắm. Song làm chủ hãng xe hơi cũng được quá, đổi nghề làm chi. Vợ chồng Bác vật tính đi chơi bao lâu.

Cô Huyền đáp.

- Ba nó cho đi chơi một tháng.

- Theo phong tục người Pháp, con nhà giàu sang hễ cưới vợ rồi thì vợ chồng dắt nhau đi chơi, có ít lắm cũng nửa tháng. Mà tiệc cưới xong rồi người ta đi liền, chớ không phải để hơn cả tháng rồi mới đi như Bác vật vậy.

- Ý! Hôm cưới rồi nó đòi đi liền chớ, tại cậu Hoàng cầm nó ở lại chờ cậu góp lúa và chia gia tài cho xong rồi sẽ đi. Nô-te(5) làm tờ tương phân mới rồi, cậu Hoàng với vợ chồng nó mới ký tên hôm kia, nên mới dắt nhau đi chơi được đó.

- Nghe nói cô Bác vật là con một nhà giàu lớn dưới Cần Thơ, ruộng đất nhiều lắm, không biết chia phần cô được bao nhiêu ruộng?

-        Cái đó thật sự tôi không biết. Vợ chồng tôi không muốn hỏi vì sợ con dâu nó khi. Nhưng hôm qua vợ chồng nó nói chuyện với nhau, tôi nghe nói chia gia tài làm hai phần bằng nhau, số ruộng không hiểu bao nhiêu, nhưng số huê lợi mỗi nãm được 23 ngàn thùng lúa. Nhà cửa vườn tược thì để hết cho cậu Hoàng, vì cậu là con trai, nên để cậu hưởng đặng lo cúng quải ông bà cha mẹ.

- Có hai anh em đó mà thôi sao?

- Có hai anh em đó. Cha mẹ khuất sớm, mà ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại cũng không còn ai hết.

- Không biết con ai đó vậy?

- Vợ chồng tôi có biết đâu. Hoàng với Nghiệp là bạn học cùng trường bên Pháp.

Hai người thi đậu chung một khóa, rồi về với nhau chung một tàu. Về được mấy ngày, Hoàng lên mời Nghiệp xuống nhà chơi. Nghiệp đi theo xuống tới Bình Thủy. Hoàng trình diện cô Loan và hỏi Nghiệp muốn thì Hoàng sẽ gả cho. Nghiệp ở chơi mấy  bữa, nó dọ tánh nết cô nọ, rồi nó chịu. Chừng về nó thuật lại cho tôi với ba nó nghe và xin xuống nói mà cưới cô Loan cho nó. Tôi hỏi con ai, thì nó nói cháu ngoại ông chủ Phận ở Bình Thủy, còn cháu nội ông  Hương sư Tảo ở Phong Điền. Cha cô chết hồi cô mới đẻ được vài tháng. Bên nội bên ngoại cũng không còn ai. Mẹ cô cũng mới mất sau đây. Bây giờ gả cô thì anh cả là cậu Hoàng, đứng gả. Tôi muốn đi xuống coi bề thế người ta ra thể nào mà nhứt là coi con dâu. Ba nó nói mắc đeo theo hãng xe, không rảnh đâu mà đi được. Thôi Nghiệp nó đành ai thì cưới cho nó, quyền chọn lựa là quyền của nó, mình xen vô làm chi. Cách ít ngày hai anh em Hoàng lên ghé hãng mà kiếm Nghiệp, may bữa đó có tôi và ba nó ở đó. Nghiệp tiến dẫn Hoàng với Loan cho vợ chồng tôi biết. Tôi coi bộ cô nọ được lắm. Ba nó mời anh em Hoàng chiều lên nhà ăn cơm. Hoàng chịu. Trong bữa cơm tối đó, tôi dọ dẫm tánh nết cô Loan, tôi thấy được lắm, ba nó cũng chịu, rồi luôn dịp đó với nói với Hoàng định ngày cưới, gộp chung một lễ.

Thầy Thanh cười và nói:

- Đời nay cưới gả dễ quá phải hôn anh Ba? Vậy mà cũng được dâu hiền rể quí, cần gì phải dày công kén chọn.

Ông Ba Chánh nói:

- Thật vậy. Đời xưa kén quá, mà nhiều khi gặp yêu gặp quỉ, chớ không phải người ta.

Cô Huyền nghe cha nói câu đắng cay như vậy, biết ý cha muốn ám chỉ duyên nợ cũ của cô, bởi vậy cô hết vui mà tỏ ý hổ thẹn.

Thầy Hai Thanh mắt ngó cô, miệng chúm chím cười; thầy suy nghĩ một chút rồi ngó cùng trong nhà không thấy mấy đứa ở, thầy bèn chẫm rãi nói:

- Có một chuyện ngộ ngộ, hổm nay tôi muốn nói cho anh Ba với cô Hai nghe chơi. Mà lại đây mấy  lần, khi có Nghiệp hoặc mông xừ Cang ở nhà, khi thì cô Hai đi khỏi, nên tôi không nói. Chuyện này anh Ba nghe chắc cười bể bụng.

Ông Ba Chánh rót hai chén trà mời thầy Thanh uống và hỏi thầy muốn nói chuyện gì.

Thầy Thanh hỏi lại:

-  Anh có biết cậu Võ Như Bình bây giờ làm việc gì ở xứ nào hay không? Cô Huyền liền nghiêm nét mặt và chăm chỉ ngó thầy Thanh.

Ông Ba chánh châu mày mà đáp:

- Không. Tôi không muốn biết. Mà giống người vô tình bạc nghĩa đó biết mà làm chi. Họ chê nghèo hèn, họ theo giàu sang mà tận hưởng, thì để cho thỏa chí họ, coi họ có thể đem vàng bạc đĐợc bao nhiêu xuống mồ.

- Đem mốc xì! Còn sống nhăn mà lưng túc(6), thì chừng chết không có tiền mướn dân khiêng đi chôn, tiền bạc đâu mà đem theo. Như Bình tên tốt quá! Tưởng là bình hoa, hay là bình trà, bình rượu gì, té ra bình bồng.

- Thầy ghét người ta rồi thầy chê đè. Cách vài ba năm nay, một bữa tôi xuống Sài Gòn thăm một ông bạn. Tôi có gặp một ông cai tổng dưới Cần Thơ lên ở nhà uống thuốc tại nhà bạn tôi. Tôi hỏi thăm chuyện dưới Cần Thõ, thì ông Cai Tổng nói Như Bình làm ông Huyện hay ông Phủ gì đó tôi quên, song giàu có sang trọng lắm mà.

- Phải. Làm ông Phủ, mà bây giờ thôi rồi. Nói hưu trí, song tôi không biết thật hưu trí hay là mất chức. Bộ chán nản dật dờ chẳng khác nào người chết chưa chôn.

- Có lẽ nào đến nỗi như vậy. Bình học giỏi lanh lợi tráo trở hay lắm mà.

- Ở đời đã đành phải có thiện chí, phải tập kiên nhẫn, quyết tiến thủ và có can đảm thì mới mong hoặc may được thành công. Mà anh Ba là nhà Nho tự nhiên anh biết: “muốn” là một việc còn “được” là một việc khác. Không nên quá tin tưởng hễ muốn thì được. Nên hay hư chắc chắn là tại số mạng, tại ông trời, bởi vậy nuôi thiện chí vượt lên địa vị giàu sang thì tốt, còn làm điều bất nhơn phạm nghĩa mong đạt đến mục đích đó, thì bậy lắm.

Cô Huyền muốn nghe rõ chuyện của Như Bình chớ không màng lý luận, nên cô chận hỏi:

- Ai học chuyện đó với thầy, mà thầy dám nói quả quyết như vậy?

- Tôi thấy tận con mắt tôi đây. Tôi gặp Bình; chính Bình nói chuyện với tôi chớ nào có phải ai học.

- Thầy gặp ở đâu, hồi nào?

- Hôm trước có dịp đi Bà Rịa thăm bà con. Tôi đi thẳng ra Vũng Tàu thưởng thức gió biển chơi vài bữa. Tình cờ một buổi chiều, tôi đi chơi phía bãi sau tôi gặp ông cậu đương ngồi trên viên đá, ngó mông ra biển, mặt mày buồn hiu. Ông cậu thấy tôi ông cậu muốn làm mặt lạ, không nhìn. Đối với tôi mà làm cao sao được. Tôi xốc lại tôi kêu bí danh, không vị tình, không kiêng nễ chút nào hết. Người như vậy dầu làm đến ông nào tôi cũng mặc kệ, tôi có đếm xỉa gì đâu. Nột quá ông cậu phải nhìn tôi. Ông cậu xin lỗi, viện lẽ lâu gặp nhau quá, nên ông cậu quên. Thật, ly biệt nhau từ ngày Nghiệp còn bú, đến nay đã 25 năm rồi. Sức ông cậu coi suy lắm, già, ốm, tóc điểm  bạc hoa râm, răng đã rụng rộn bộn. Nhưng ngó thoáng qua thì tôi biết liền.

Cô Huyền cũng như ông Ba Chánh cứ ngồi im lìm mà ngó thầy Thanh, không biểu lộ thâm tâm, nên thầy không biết vui mà nghe, hay là ghét nên giận.

Thầy thanh nói tiếp:

- Tôi ghét, tôi khinh bỉ lắm. Ban đầu tôi muốn trút hết túi chữ nho trên đầu ông cậu cho đã nư giận. Nhưng tôi liền nghĩ lại giận mất khôn: nổi nóng không bằng giả vui vẻ để tìm hiểu coi lòng tham phú phụ bần đã giúp nâng cao ông cậu đến mực nào. Tôi lấy lời dịu ngọt, mềm mỏng, mà hỏi thăm trên đường làm quan ông cậu đã đi tới đâu, gây sự nghiệp đã được bao nhiêu, bề vợ con thế nào, lập gia trụ tại đâu. Thật tôi cũng châm chít chút đỉnh cho vui, chớ không nói đến giận, bởi vậy ông cậu lần lần đáp lời tôi hỏi, không giấu giếm chi hết. Nhờ vậy mà tôi được biết ông cậu làm việc lần lần được thăng tới chức Phủ. Nhưng vì có việc làm cho ông cậu thất chí, nên hồi năm ngoái ông cậu đã hưu trí non, không thèm làm quan nữa. Tôi hỏi ông cậu có ruộng vườn nhiều hay ít, thì ông cậu nói không có gì hết, không có ruộng đất mà cũng không có tiền bạc. Tôi hỏi không có gì hết thì sao sống, ông cậu nói ông cậu sống với số tiền hưu trí, sống một mình không có vợ, không có con thì không hao tốn chi lắm. Tôi ngạc nhiên, nên tôi hỏi vậy sao nghe nói cưới vợ ở dưới  Cần Thơ giàu lắm mà, vợ đó đã bỏ hay sao mà nói không có vợ. Ông cậu nói vợ chết, nói cụt ngủn, không chịu nói người vợ ấy giàu hay nghèo, ở với nhau có con hay không.

 Tới đây cô Huyền mới chặn mà nói:

- Tôi có tới nhà, tôi có nói chuyện với người vợ đó mà. Nhà cửa tốt lắm, bộ tướng giàu sang. Có lẽ nhờ người ấy lắm chớ.

Thầy Thanh nói:

- Tôi không hiểu. Ông cậu nói vậy thì tôi hay vậy. Tôi không thèm cãi. Còn tôi hỏi bây giờ hưu trí rồi ông cậu lập gia trụ tại đâu. Ông cậu nói không có nhà cửa chỗ nào hết. Tới đâu vui thì ở chơi, chừng buồn thì đi chỗ khác. Ông cậu ngồi tại mé biển nói chuyện hơn một giờ, coi bộ buồn bực chán nản cực điểm . Tôi thấy vậy thật tôi bất nhẫn, nên không nỡ nhắc chuyện xưa mà xài ông cậu. Anh Ba biết tánh tôi nóng lắm chớ. Nếu tôi mà động lòng, thì anh Ba hiểu tình cảnh thế nào.

Ông Ba Chánh hỏi:

- Bình không hỏi thăm tới vợ con hồi trước hay sao?

- Không, ông cậu không nói tới cô Hai, mà cũng không nhắc tới anh, có lẽ hoặc hổ thẹn, hoặc sợ tôi xài. Nhưng ông cậu có hỏi thăm Nghiệp.

- Thầy có nói thật hay không?

- Nói chớ. Sợ gì mà phải giấu. Tôi nói thiệt ráo, nói cho ông cậu tức chơi. Tôi nói tại ông cậu chê nghèo mà bỏ cô Hai, nên ít tháng sau có một ông chủ hãng xe hơi dưới Sài Gòn cậy mai mối mà cưới cô. Ông ra giữa tòa nhìn Nghiệp là con, cho Nghiệp đi qua Pháp mà học. Nghiệp học giỏi thi đậu Bác vật, có bằng kỹ sư cầu cống. Bây giờ hãng xe lớn lắm. Nghiệp đã về mấy  tháng nay, đương phụ với cha mà cai quản hãng nhà, không chịu làm quan.

- Bình nghe như vậy rồi có nói gì hay không?

- Không. Ngồi gục mặt thở ra, rồi ứa nước mắt, chớ không nói chi hết. Tôi liếc xem sắc diện, tôi biết ông cậu hối hận lắm. Có con mà đành bỏ rơi, để cho người khác họ rước họ nuôi, họ làm khai sanh, họ cho ăn học rồi thành con của họ. Bây giờ mình không giám ngó con mình, thật mắc cỡ quá, nên chết phức cho rồi.

- Đó là một bức tranh nhơn quả treo lên cho người đời xem chung.Thuở nay thường nhơn dùng cái thuyết “quả báo” mà hăm he kẻ quấy, thì không ai thèm sợ. Để ông Trời ra tay cho bài học thử coi thiên hạ có sợ mà tránh đường tội lỗi hay không.

- Nầy anh Ba, cô Hai đây lúc còn nhỏ cô thấu hiểu thế thái nhơn tình hơn anh em mình. Tôi nhớ khi cô bị chồng bỏ ở Cần Thơ cô bồng con trở về, cô nói người ta bỏ cô thì cô lấy chồng khác. Mà lần này cô không thèm lấy chồng trong đám người có học thức nữa, cô sẽ ưng một người thợ thuyền, chắc thợ thuyền biết lễ nghĩa liêm sỉ hơn. Cô nghĩ đúng quá. Cô ưng thợ Cang, nên bây giờ cô làm bà chủ hãng, giàu có sang trọng tột bực, chồng mến yêu quí trọng, con danh giá lẫy lừng. Tôi nghĩ nhà anh Ba thật là nhà phúc đức; mà tôi cũng khen cô Hai thật sáng suốt hơn mấy  lão già nầy.

Cô Huyền mỉm cười mà nói nhỏ nhẹ:

- Thưa thầy, hồi đó em tức giận nên em nói cố mạng. Em gặp người chồng biết đường ngay lẽ phải, là phần may của em hoặc là nhờ âm đức của cha em, chớ em có giỏi gì đâu mà đoán trúng kẻ phải để trao thân gởi phận. Thưa thầy, em nghe chuyện thầy nói nãy giờ đó em không cảm động, không vui, mà cũng không buồn chút nào hết. đã phân rẽ nhau rồi thì mạnh ai đi đường nấy, ai làm sao thì làm. Thật, nghe người ta nguy khốn, em không nỡ vui mừng mà dầu nghe người ta cao sang chắc em cũng không tức giận.

Ông Ba Chánh nói:

- Cang thật ít học; mà muốn nói cho đúng, thì phải gọi nó là người không có học. Tuy vậy mà ở đời nó là người biết điều lắm, dầu đối với ai cũng vậy.

Thầy Thanh nói:

- Học cho nhiều mà học thế nào kia, chớ học với cái mục đích thấp hèn, học đặng cho vui mắt sướng miệng, học như vậy càng thêm hại, chớ có ích gì.

Thầy Thanh từ mà về. Cô Huyền đưa ra cửa và nói:

- Chuyện thầy Hai nói nãy giờ đó xin thầy đừng nói cho chồng em hoặc con em biết. Thầy nói cho cha em với em nghe thì đủ rồi.

Thầy Thanh chẩm hẩm đáp:

- Không, không! Tôi biết mà. Tôi nói riêng cho cô với anh Ba nghe mà thôi, chớ nói cho người khác biết làm chi. Vợ chồng đương đầm ấm, cha con đang thương yêu, bươi đống tro tàn lên làm chi cho bay bụi mà làm ố đồ quí trong nhà.

Cô Huyền cười mà đáp :

- Cảm ơn thầy Hai.