Bức thư hối hận

Chương 8: NGHIỆP BƯƠI MÓC CHUYỆN XƯA

Vợ chồng Bác vật Nghiệp đi du lịch về, dọn ở nhà mới đã được mấy  bữa rồi. Theo ý Nghiệp muốn, mà cha mẹ cũng thỏa thuận, bởi vậy anh sốp phơ Bính cũng đã về ở với Nghiệp trong một căn dãy nhà bếp.

Sáng mai chúa nhựt, cô Loan sửa soạn rồi kêu Sáu Bính đem ra xe đưa cô đi chợ mua chút đỉnh đồ cần dùng trong nhà, nhứt là mua vải đặng may màn treo mấy  rửa sổ, theo ý Nghiệp muốn.

Cô Loan đi rồi Nghiệp lại bàn viết ngồi đọc sách. Một lát Nghiệp nghe có tiếng xe hơi vô sân, rồ xăng rồi tắt máy.

Nghiệp ngó ra sân, thấy cha mẹ đương xuống xe thì vội vã chạy ra mừng tiếp và mời vô nhà.

Ông Cang đi từ trước ra sau, mặt mày rất vui vẻ. Cô Hiền không thấy cô Loan nên hỏi con:

-        Vợ con đi đâu?

- Thưa má, vợ con đi chợ. Xe nó mới ra, kế ba má vô đó. Con biểu nó đi chợ mua vải may màn treo cửa sổ.

-  Bất nhơn dữ hôn! Vậy mà má tính ra hỏi coi có cần dùng thứ gì má đi mua cho chớ.

-  Mời má ngồi chơi. Một chút vợ con về. Nó nghi chúa nhựt ba má ra chơi, nên chắc nó không đi lâu đâu.

Cang ở phía sau trở vô nhà nói với Nghiệp:

- Nhà xe cũ nhỏ quá, lại vách bằng ván hiểm nghèo lắm. Ba biểu phá bỏ cất lại cho rộng lớn hơn; xây vách tường hẳn hòi. Bây giờ xe ra vô dễ quá, khỏi lo gì nữa.

Nghiệp nói:

- Dạ, nhà xe bây giờ tốt lắm. Chắc chủ nhà trước ổng sắm xe con cóc, nên ổng cất nhà xe nhỏ chứ gì.

Cang day lại nói với vợ:

- Má nó ở đây chơi nghe hôn. Tôi đi về Gò Vấp có chuyện một chút. Má nó muốn chừng trở về tôi ghé rước hay là ở chơi rồi chừng nào muốn về thì xe Nghiệp đưa về?

Nghiệp hớt mà đáp:

-        Con mời ba má ãn cơm trưa với con. Ba đi Gò Vấp rồi trở về đây ăn cơm.

- Không có nói trước trong nhà thì ở làm sao được. Phải về trỏng mà ăn, để ông ngoại con ăn cơm một mình ổng buồn.

- Vậy thôi ba khỏi rước má. Chừng nào má muốn về con đưa má về. Cang đi rồi, cô Huyền lại sa lông mà ngồi. Nghiệp theo ngồi gần bên mẹ. Nghiệp hỏi mẹ:

- Má coi vợ chồng con sắp đặt trong nhà như vầy có chỗ nào không vừa ý má chăng?

-  Sắm nhà riêng cho vợ chồng con ở, con muốn dọn cách nào tùy ý con, miễn là vợ chồng con vui thì thôi. Hổm nay con đi chơi về, kế dọn nhà lăng xăng, má không có thì giờ mà hỏi thăm việc con du lịch. Vợ con đi chơi coi bộ nó vui hay không?

- Ối! Vui lắm. Vợ con nó mồ côi cha từ nhỏ. Anh Hoàng thì mắc lo ăn học. Không có ai dắt nó đi chơi, bởi vậy nó nhà quê đặc sệt, thấy vật gì nó cũng khoái hết thảy, đi đường Biên Hòa ra Đà Lạt, thấy rừng thấy núi nó nhìn với sắc mặt ngạc nhiên, coi tức cười lắm.

- Con nhà ở ruộng tự nhiên nó quê mùa chớ sao con. Thủng thẳng con tập nó rồi nó cũng lanh như họ chớ gì. Con đừng có cười vợ con quê mùa. Nó còn chất phát, chớ không phải quê mùa đâu con. Nó như cục bột nhồi sẵn để con nắn thứ bánh gì con nắn. Nếu bột mà đã thành bánh rồi con làm sao mà sửa đổi được. Nó còn chất phác, để cho con tập ý tứ nó giống con, đặng vợ chồng hiệp ý đồng tình, ở đời với nhau mới đầm ấm.

- Con dòm thấy vợ con có một tâm hồn đa cảm, lại nói lời phải nó biết nghe theo.

- Ồ! Vậy thì được lắm. Thủng thẳng con dạy nó. Chớ gặp đứa lanh lợi, mà lanh theo thói kim thời, dại đặc mà làm khôn không biết nghĩa nhơn, không nghe lời phải, con gặp thứ đó thì khổ cho con lắm.

-        Nhứt là lên Đà Lạt vợ con vui quá.

- Hôm ở Đà Lạt về trước, cậu Hoàng có lên nhà thăm ba má, cậu nói vợ chồng con vui lắm. Ba con nghe nói như vậy ba con mừng dữ.

-  Tội nghiệp vợ con, nó vui mà nó cứ theo nhắc nhở con hoài: nó nói mình đi chơi sung sướng, còn bỏ ba ở nhà một mình, ba lo cả cái hãng, nên nó vui mà nó không an trong lòng.

-Vợ con nó biết thương tưởng cha chồng như vậy thì tốt lắm. Ông ở nhà một mình, ổng lo lắng hết thảy, nên coi bộ ổng cực thật. Nhưng từ nhỏ đến giờ ổng cực đã quen rồi, nên không bao giờ ổng than. Cậu Hoàng về rồi, vợ chồng con xuống Nha Trang chơi vui hay không?

- Ở Nha Trang nhờ ngọn gió chướng mát mẻ, nên ở hứng gió biển thật là khỏe. Vợ con nhỏ lớn mới được thấy biển lần đầu, nó vui hết sức. Nhưng vợ chồng con ở vừa được một tuần, kế có một chuyện làm cho vợ con buồn, mà con cũng hết vui.

-        Chuyện gì vậy? Sao hổm nay không nói cho má nghe?

- Chuyện nhà của vợ con. Chuyện đó không can hệ đến mình, nên con không nói. Để bữa nào anh Hoàng lên, vợ con nó tính với ảnh làm sao nó tính. Con đã cắt nghĩa chỗ phải quấy cho vợ con hiểu rồi. Bây giờ tới phần anh Hoàng nhứt định, con không muốn can dự.

-        Chuyện nhà của nó là chuyện gì? Đâu con nói sơ lược cho má nghe coi?

- Ở Nha Trang được một tuần. Một buổi chiều, vợ chồng con lại ga xe lửa chơi. Vợ con nó gặp ông già ghẻ của nó. Nó bước lại chào ông rất lễ phép, nhưng dường như ông không vui mà thấy mặt con, nên ông thốt vài lời mắc mỏ rồi bỏ đi mà không nói chuyện.

- Nó có ông già ghẻ hay sao?

- Dạ, có. Nhưng từ khi bà già mất rồi thì ổng đi đâu không biết, nên hôm đám cưới không có ổng. Chuyện ấy con có nghe anh Hoàng nói, mà con không để ý, nên không hỏi cho kỹ.

-        Ông ở ngoài Nha Trang sao?

- Hiện giờ ông ở Nha Trang, nhưng ông là người trong nầy. Ông ở Cần Thơ lâu lắm, ông làm việc tại đó trót 25 năm, ban đầu ông đứng thông ngôn cho quan Chánh Chủ tỉnh, sau nầy ông thăng tới chức tri Phủ rồi hưu trí. Cô Huyền vừa nghe tới đó thì trong lòng lo ngại, lo ngại nhiều, nên ngồi chổm mà hỏi gấp:

-        Ông làm Phủ rồi hưu trí: vậy con có hỏi ổng tên chi không?

- Dạ, có. Ông già ghẻ của vợ con tên Võ Như Bình.

-        Húy!Võ Như Bình! Thiệt vậy hay sao?

- Má biết ổng hay sao?

Cô Huyền lơ lửng, ngồi lặng thinh một chút rồi mới đáp:

- Không. Má không biết. ..Má có nghe người ta nói tên ông ấy, nhưng má không biết ông.

- Ông Như Bình đàng hoàng lắm. Vợ con nói hồi hưng thời ông cạo dân Cần Thơ sát da. Ông làm quá dân chịu hết nổi, nên họ lên thưa kiện, làm ông bị đổi, rồi ông xin hưu trí. Hồi nào ông làm hùm làm hổ con không thấy, mà bây giờ ông ở trong chòi tranh, trồng rau trồng cải mà nuôi sống, thật con động lòng quá má à.

-        Con có đến nhà ổng hay sao?

- Thưa có.

- Ý! đến nhà ổng chi vậy? Ông đã không thuận với vợ con mà con còn đến nhà ổng làm gì?

- Tại có chuyện như vầy, để con thuật hết cho má nghe. Buổi chiều gặp ông đó rồi tối vợ con nó mới thuật hết việc nhà cho con hiểu. Nó nói bà già con sanh nó rồi, thì ông già con mất. Bên nội bên ngoại của nó đều giàu có hết, có ruộng đất nhiều. Lúc ấy ông Võ Như Bình làm thông ngôn mới nói mà cưới bà già con, mặc dù bả đã có hai mặt con là Hoàng với vợ con. Cưới mà không có làm hôn thú, vì bà già con sợ cải giá chánh thức thì hết được hưởng huê lợi ruộng đất của ông già con. Vợ chồng không giấy tờ nầy ăn ở với nhau trót 25 năm, không có con, song có mua thêm 400 mẩu ruộng để bà già con đứng bộ, vì ông Bình làm quan không phép sắm ruộng đất chỗ ông cai trị. Nãm ngoái bà già con mất, ông Bình biểu anh Hoàng với vợ con làm tờ sang 400 mẫu ruộng đó mà trả cho ông. Anh Hoàng kháng cự không chịu sang bộ, viện lẽ rằng số huê lợi ruộng đất bên nội bên ngoại mỗi năm cộng chung tới 30 ngàn thùng lúa. Bà già con lấy số huê lợi đó mà mua ruộng, có lý nào bây giờ lại giao cho ông Bình được. Ông giận, ông mắng anh Hoàng với vợ con là đồ ăn cướp rồi ông bỏ đi mất cho tới bây giờ. Hôm gặp ông ngoài Nha Trang, vợ con nó cậy anh Tý Cầu nom theo mà dọ coi ông ở đâu và làm việc gì. Anh Tý Cầu trở về nói ông sống vất vả lắm, ở trong một chòi tranh, trồng rau cải để bán lấy tiền mà độ nhựt. Con nghe như vậy con khó chịu quá. Con trách vợ con khắc bạc với cha ghẻ, ở như vậy tổn đức lắm.

-        Ối! Chuyện riêng của anh em nó, chuyện xảy ra trước khi con cưới vợ con.  Bây giờ con can thiệp làm chi.

- Con xin lỗi má, không phải vậy đâu má. Ở đời mình phải công bình chánh trực. Con cắt nghĩa vợ con nghe rằng ông Bình làm việc lâu năm, ông bốc lột thiên hạ dữ lắm, tự nhiên ông phải có nhiều tiền. Bây giờ ông phải vất vả như vầy, chắc là tiền bạc của ông tôm góp mấy  mươi năm ông đổ hết vô 400 mẫu ruộng đó. Dầu bà già con có ra tiền bất quá tiếp cho ông mớ nhấm mà thôi. Vậy số ruộng đó của ông Bình thật.

-  Bạc tiền bốc lột của người ta, trời xui khiến không được hưởng, vậy là phải. Có lạ chi đâu.

- Ngặt vợ con nó hưởng của phi nghĩa đó, nên con không muốn, đã vậy mà hai anh em nó giàu có, còn bỏ ông già ghẻ vất vả như vậy cũng tội nghiệp chớ. Con cắt nghĩa phải quấy cho vợ con nghe. Nó hối hận nên cậy con thay mặt đem cho ông Bình 5 ngàn đồng bạc và hứa chừng về Cần Thơ nó sẽ nói với anh Hoàng mà cung cấp đất cho ổng hưởng, đặng ổng sung sướng trọn đời.

-        Nó muốn cho tiền bạc thì nó đi, chớ con gánh bàn độc mướn làm chi?

- Ông ghét vợ con lắm, nên nó không dám đi. Lại con đi đặng con liệu tình thế mà giải hòa cho hai đàng, Ðể vợ con trước khỏi kết oán thù bây giờ, sau khỏi ôm hận sắp tới.

-        Con khéo lo dữ hôn! Ai hối hận mặc ai, vợ con có làm ác chi ai mà hối hận.

-  Của người ta mà mình đoạt mà hưởng, thì sao khỏi hối hận hả má. Hưởng chi của ấy là của phi nghĩa nếu mình lãnh mà ăn, thì mình hổ với lương tâm biết chừng nào.

-        Con chịu đi rồi con có giáp mặt với. ..ông già ghẻ của vợ con không?

- Thưa, gặp ông mặc quần xà lỏn đương làm trong rẫy cải. Ông không biết con. Con xưng tên họ và xưng là chồng của Loan. Ông có vẻ ngạc nhiên, đứng nhìn con trân trân, rồi coi bộ ông ngẩn ngơ lơ lửng. Con xin ông vô nhà đặng con nói chuyện riêng. Ông dắt con vô chòi tranh của ông, rồi ông nói chuyện mênh mông trên trời dưới đất, dường như người lãng trí. Ông kêu con bằng con rồi xin lỗi con. Con cứ để cho ông nói đặng dọ tình ý coi đối với vợ con ông thương ghét thế nào rồi mới giải hòa được. Ông cười rồi ông khóc, ông ăn năn, ông chán nản, ông nói ông không trách, không phiền ai hết. Vì ông có tội nhiều, nên trời đất phạt ông. Vậy phải để cho ông đền tội. Con đưa cho ông 5 ngàn đồng bạc của vợ con gởi giúp ông. Con nói vợ con hứa chừng nào về sẽ tính với anh Hoàng cấp ruộng đất cho ông. Ông khóc. Ông không chịu lấy bạc mà cũng nhứt định không lãnh ruộng đất chi hết. Ông khuyên con với vợ con từ nay về sau đừng có tới nhà ông nữa. Con thấy rõ ông hết giận vợ con, song không hiểu tại sao ông không muốn giáp mặt với vợ chồng con nữa. Bữa sau con dắt vợ con vô đó thì không có ông ở nhà. Trước khi ra về vợ chồng con còn trở vô nữa đặng từ giã, thì ông cũng đi khỏi chưa về. Chuyện rắc rối như vậy nên mấy  ngày sau vợ chồng con hết vui.

Cô Huyền nghe dứt câu chuyện thì cô thở dài, sắc mặc cô vẻ buồn lo. Cô mím miệng, châu mày, ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói:

- Ông già ghẻ của vợ con không muốn vợ cho con giúp tiền cấp ruộng gì hết thì thôi, vợ con chẳng cần phải lo cho ông nữa. Còn ông xin vợ chồng con đừng viếng thăm ông, thì vợ chồng con cũng chẳng nên tới lui làm chi. Cha ghẻ là người dưng, lại mẹ mình đã mất rồi, thì còn tình nghĩa gì mà quyến luyến.

Nghiệp nói:

- Tại má không biết ông, nên nói vậy. Chớ con thấy bề ăn ở của ông rõ ràng, con có nói chuyện với ông dài dài, con cảm động quá, nên con khó quên ông được.

Cô Huyền đứng dậy bỏ ra cửa, ý không muốn nghe chuyện Như Bình nữa. Cô trông cô Loan về mau đặng biểu xe đưa cô vô Chí Hòa. Cô đứng ngó ngoài đường một hồi rồi cô trở vô phòng ăn. Nghiệp đi theo nói chuyện thì cô ừ hử rồi bỏ đi xuống nhà bếp, dường như cố ý muốn tránh xa con.

Xe cô Loan về, Cô Huyền trở lên nhà trên, biểu Sáu Bính để xe ngoài sân đặng lát nữa đưa cô về Chí Hòa. Cô nói chuyện với dâu con vừa vừa đủ lễ viếng thăm, rồi rừ giã mà về, nói về đặng lo cơm nước cho cha mà kỳ thiệt là cái giận với cái lo cứ trạo trực trong lòng cô hoài, cô không thể nói chuyện bình tĩnh được.