Cách Học Ngoại Ngữ Nhanh Và Không Bao Giờ Quên

Chương 7

Hồi Kết: Những Lợi Ích Và Niềm Vui Từ Việc Học Một Ngoại Ngữ

Bộ não cũng giống như một nhóm cơ. Khi nó được sử dụng, chúng ta cảm thấy thoải mái. Sự hiểu biết mang đến niềm vui.

— Carl Sagan

Bạn đã mua cuốn sách này cùng với một đống những cuốn sách và/hoặc phần mềm khác − một cuốn sách giáo khoa, một cuốn từ điển cụm từ, một hoặc hai cuốn từ điển, một cuốn hướng dẫn cách phát âm, v.v.. Bạn có thể ghi danh vào một lớp học, tìm được một gia sư riêng, thậm chí đăng ký vào một khóa học “đắm mình”. Bạn đã dành hàng trăm giờ làm và ôn tập hàng nghìn thẻ học. Vậy bạn sẽ nhận lại được những gì cho thời gian, công sức và tiền bạc đã bỏ ra của mình? Phần thưởng là gì ở phía cuối cuộc hành trình của bạn?

Nếu liệt kê hết, bạn sẽ thấy mình nhận được rất nhiều. Về mặt kinh tế, bạn đã mở ra cho mình nhưng cơ hội việc làm mới, cả ở trong và ngoài nước. Bất chấp sự phổ biến của tiếng Anh, nhu cầu về khả năng ngoại ngữ vẫn chỉ tăng lên trong những năm gần đây, khi chúng ta phát triển hơn và kết nối với nhau nhiều hơn. Nước Mỹ, đặc biệt, đã thấy mình tụt hậu so với phần còn lại của thế giới trong lĩnh vực này. Vì có một nền kinh tế đang ngày một toàn cầu hóa, Cục thống kê Lao động Mỹ đã dự báo một sự tăng trưởng đến 42% về nhu cầu thông dịch viên và phiên dịch từ năm 2010 đến năm 2020 – ngay lập tức đặt các công việc trên vào tốp mười nghề hàng đầu với mức tăng trưởng dự báo cao nhất.

Nếu không giỏi nghề biên – phiên dịch, bạn có thể muốn xem xét nghề mật vụ. Nghiêm túc đấy. Nếu bạn đã học được một trong các thứ tiếng được coi là “ngôn ngữ nghiệp vụ tối quan trọng” như tiếng Ả Rập, Trung Quốc, Dari, Triều Tiên, Pashto, Ba Tư, Nga hoặc Urdu, thì CIA sẽ háo hức vồ lấy và tặng cho bạn 35.000 đô-la tiền thưởng cho mỗi ngoại ngữ bạn biết ngay trong ngày đầu tiên làm việc, chưa kể đến khoản tiền thưởng thêm để “bảo trì ngoại ngữ” hằng tháng. Mỗi lần tôi tham gia một khóa học “đắm mình” tại Middlebury College, các nhà tuyển dụng của CIA luôn xuất hiện ở đó trong những bộ com-lê mới cứng và những kiểu tóc gọn gàng, đưa ra thông báo về các buổi hội thảo tuyển dụng. Họ đang tuyệt vọng và cần đến những người biết nhiều ngôn ngữ.

Thậm chí, nếu không thay đổi nghề nghiệp, vẫn có khả năng bạn vừa tăng mức lương của mình lên từ 5 đến 20%. Các nhà tuyển dụng lao động sẵn sàng trả thêm tiền cho nhân viên biết hai thứ tiếng, kể cả khi những nhân viên này không bao giờ cần đến ngôn ngữ phụ của họ để hoàn thành những công việc được giao. Các nhà tuyển dụng lao động xem kỹ năng ngôn ngữ như là một dấu hiệu của trí thông minh và năng lực làm việc, đồng thời điều đó đặt bạn – nhân viên mới biết hai thứ tiếng của họ – vào một khung giá trị cao hơn hẳn.

Những nhà tuyển dụng này cũng không chỉ dựa vào vẻ bề ngoài khi nghĩ vậy. Bạn không chỉ trông có vẻ thông minh hơn khi biết thêm một ngoại ngữ; bạn thực sự đã trở nên thông minh hơn. Bằng việc học một ngoại ngữ, bạn đã vĩnh viễn thay đổi cấu trúc não bộ của mình. Bộ não của những người biết hai thứ tiếng khác hẳn so với bộ não của người chỉ nói một thứ tiếng – có những vùng não nhất định được phát triển hơn hẳn – và các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng bạn không cần phải biết hai thứ tiếng từ khi còn bé mới có thể có những dấu hiệu khác biệt về não bộ như thế. Bạn chỉ cần học một ngoại ngữ và duy trì nó; bạn càng học nó tốt và duy trì nó càng lâu, não bộ của bạn sẽ càng thay đổi nhiều.

Điều này có ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống hằng ngày của bạn? Khi học một ngoại ngữ, bạn vĩnh viễn cải thiện trí nhớ của mình – bạn sẽ có thể ghi nhớ nhanh và dễ dàng hơn. Bạn sẽ làm các tác vụ đa nhiệm tốt hơn. Những người biết hai thứ tiếng thường giỏi tập trung hơn. Họ giỏi sáng tạo hơn. Họ giải quyết các vấn đề tốt hơn. Những sinh viên biết hai thứ tiếng đánh bại những người chỉ biết một thứ tiếng trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn về tiếng Anh, toán và khoa học.

Tất cả những lợi thế này – được gọi chung là hiệu ứng song ngữ – không phải là kết quả của trí thông minh tự nhiên, bẩm sinh. Hầu hết những người biết hai thứ tiếng không bao giờ chọn trở thành người biết hai thứ tiếng; họ chỉ tình cờ lớn lên trong các gia đình nói hai thứ tiếng khác nhau. “Hiệu ứng song ngữ” là một loại trí thông minh học được, và bằng cách học lấy một ngôn ngữ mới, bạn cũng sẽ có được nó. Tại sao hiệu ứng song ngữ lại tồn tại? Cần phải thực hiện rất nhiều nghiên cứu nữa mới có câu trả lời đầy đủ, nhưng các kết quả nghiên cứu hiện tại chỉ ra một nguyên nhân đặc biệt kỳ lạ: Học một ngôn ngữ mới khiến việc suy nghĩ trở nên khó khăn hơn.

Khi học tiếng Pháp, bạn thực ra đang đưa một anh chàng người Pháp tí hon vào đầu mình, và anh ta không bao giờ chịu im lặng. Ngay cả khi bạn đang cố gắng để suy nghĩ bằng tiếng Anh, anh chàng đó vẫn sẽ ngồi ở phía sau, lầm bầm bằng tiếng Pháp. Không có công tắc tắt nào cả. Bạn còn nhớ những khoảnh khắc “cảm giác một từ đang ở ngay đầu lưỡi mình” từ Chương 2 không? Những người nói hai thứ tiếng có cảm giác đó thường xuyên hơn những người nói một thứ tiếng, bởi họ phải tìm kiếm trong một lượng từ ngữ nhiều gấp đôi. Những người biết hai thứ tiếng thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đọc đúng tên vật thể đơn giản – kia là một cái bảng, đó là một con mèo. Dù họ cuối cùng thường vẫn tìm thấy những từ mà mình đang tìm kiếm, họ vẫn mất nhiều thời gian hơn để tìm thấy chúng, bởi luôn phải vật lộn với tên người Pháp chết tiệt suốt ngày lầm bầm tiếng Pháp kia.

Bề ngoài, điều này nghe có vẻ khủng khiếp như chứng tâm thần phân liệt thụ động. Nhưng não bộ của bạn có thể thích nghi. Trong quá trình học tập để nói một ngôn ngữ mới, bạn chắc chắn sẽ học được cách bóp nghẹt và bỏ qua ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Bạn học cách tập trung bất chấp việc liên tục bị làm mất tập trung vì các yếu tố ngôn ngữ, và nói chung não bộ của bạn trở nên tập trung hơn. Nó giống như việc tập luyện đi lại khắp nơi với những khối tạ buộc vào cổ chân bạn vậy; sau một thời gian, cơ thể bạn sẽ thích nghi – bạn trở nên mạnh mẽ hơn – và bạn quên hết chúng. Học ngoại ngữ là một hình thức rèn luyện sức mạnh cho não bộ của bạn.

Bộ não của bạn không chỉ trở nên mạnh mẽ hơn, nó còn khỏe mạnh hơn nữa. Những bộ não biết hai thứ tiếng có khả năng chống chịu lại tác hại của tuổi tác tốt hơn. Nghiên cứu cho thấy có một sự chậm trễ đáng kể trong việc bắt đầu phát triển bệnh mất trí nhớ và bệnh Alzheimer ở những người nói hai thứ tiếng. Tính trung bình, những người già biết hai thứ tiếng sẽ có triệu chứng mất trí nhớ muộn hơn tới năm năm so với những người nói một thứ tiếng, và nếu họ đã học được nhiều hơn hai ngôn ngữ, thì ảnh hưởng thậm chí sẽ còn mạnh hơn nữa. Học ngoại ngữ cũng bồi bổ cho tâm hồn bạn. Nó kết nối bạn với những con người mới và một nền văn hóa mới theo những cách bạn không bao giờ có thể tưởng tượng được. Những người Ý sẽ khác khi họ nói tiếng Ý, và thơ Đức sẽ đẹp đến tuyệt vời – nhưng chỉ trong tiếng Đức mà thôi. Bạn sẽ được nhìn thấy những mặt khác của con người và nền văn hóa – những mặt không thể thấy được khi nhìn từ thế giới nói tiếng Anh. Bạn thậm chí sẽ được nhìn thấy những mặt khác của chính mình.

Tôi sử dụng nhiều cử chỉ khi nói tiếng Ý. Tôi buộc phải sử dụng nhiều cử chỉ khi nói tiếng Ý. Khi nói tiếng Ý, tôi khao khát được đi du lịch và ngắm nhìn những điều đẹp đẽ, thư giãn trong ánh mặt trời và ăn thức ăn ngon. Tiếng Ý đã lấp đầy tâm trí tôi với những kỷ niệm hạnh phúc, bởi tất cả các từ tiếng Ý đều được kết nối với những khoảnh khắc khi tôi học và sử dụng được chúng. Gelato không chỉ là “kem” trong tiếng Ý– nó là một chuyến hành trình dài sáu tuần miệt mài vất vả để tìm cho ra món gelato ngon nhất ở Ý; đó là món gelato dâu tây ở Rome và gelato hạt dẻ cười ở Perugia – đó là việc được ăn món gelato dừa ngon nhất mà bạn có thể tưởng tượng ra, khi đang ngắm nhìn những con sóng cuộn vào một bến cảng tràn ngập nắng vàng tại Cinque Terre. Những từ tiếng Ý của tôi không phải chỉ là những từ thường ngày đã được sử dụng từ nhỏ; chúng là một bộ những ký ức riêng biệt mà tôi đã tự tạo ra với hai bàn tay và bộ não của mình. Bằng việc học ngôn ngữ đó, tôi đã tạo ra một tư tưởng và một cá tính mới cho bản thân mình. Đó là món quà quý giá nhất của việc học một ngoại ngữ – bạn được gặp một phiên bản mới của chính mình.

Và điều này không chỉ là ý kiến điên rồ của riêng tôi, tôi đã nhìn thấy điều này ở tất cả những người nói được nhiều ngoại ngữ mà tôi từng gặp. Một trong các giáo viên tiếng Pháp của tôi là một phụ nữ người Mỹ, đã kết hôn với một người Pháp và chuyển đến sống ở Paris. Khi nói tiếng Pháp, cô là một trong những phụ nữ thông minh và thanh lịch nhất mà tôi đã từng gặp. Vào ngày cuối cùng của khóa học tiếng Pháp, chúng tôi cuối cùng cũng chuyển sang nói bằng tiếng Anh. Chỉ trong một tích tắc, cũng người phụ nữ thanh lịch đó đột nhiên biến thành một cô gái nhanh trí, miệng lưỡi như thủy thủ, thích tiệc tùng đến từ Texas. Điều đó không có nghĩa rằng tính cách người Pháp của cô ấy là giả mạo theo một nghĩa nào đấy; nó chỉ đơn giản là mặt khác trong tính cách của cô, và nó chỉ xuất hiện khi cô ấy nói bằng tiếng Pháp.

Đôi khi, bạn có thể cảm thấy ngôn ngữ nước ngoài cũng giống như một chiếc mặt nạ. Đó là một trò chơi “giả vờ”. Bạn đang chơi trò đóng vai một anh chàng người Pháp nào đó, và bạn đang đóng cảnh trò chuyện với một vài người bạn. Trong những khoảnh khắc như thế, bạn phát hiện ra mình đôi khi nói những điều sẽ không bao giờ nói bằng tiếng Anh. Bạn cởi mở hơn. Bạn nói chuyện thoải mái hơn. Xét cho cùng, đó không thực sự là bạn; đó chỉ là một trò chơi thôi.

Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Đó chính là bạn. Và bạn chỉ có thể gặp gỡ gương mặt đó của mình trong một ngôn ngữ khác mà thôi.

HỘP CÔNG CỤ

Phòng trưng bày: Hướng dẫn về những tấm thẻ học có thể dạy ngoại ngữ cho bạn.

Nghệ thuật của thẻ học.

Phòng trưng bày đầu tiên: Tự làm các bộ công cụ luyện phát âm.

Phòng trưng bày thứ hai: Các từ đầu tiên của bạn.

Phòng trưng bày thứ ba: Sử dụng và học các câu đầu tiên của bạn.

Phòng trưng bày thứ tư: Bộ thẻ từ vựng cuối cùng.

Mục chú giải các thuật ngữ và công cụ.