Cách Học Ngoại Ngữ Nhanh Và Không Bao Giờ Quên

Phòng Trưng Bày

Hướng Dẫn Tự Làm Thẻ Học Ngoại Ngữ Cho Bạn

Cuốn sách này nói về nhiều điều: ngôn ngữ, não bộ con người, quá trình học tập, bản chất của từ ngữ. Nhưng trọng điểm của nó lại là việc học ngoại ngữ với các thẻ học.

Chúng ta đều đã gặp những tấm thẻ học ở trường. Chúng thường có một lời gợi ý ở một mặt (Gợi ý: loài chim dodo) và một câu trả lời ở mặt sau (trả lời: Đây là một loài chim không biết bay đã tuyệt chủng, từng sống trên đảo Mauritius, v.v..), và bạn có thể đã làm hàng đống những tập thẻ như thế cho các bài kiểm tra ở trường của mình. Nếu đã từng làm thì bạn đã đi qua hết tập thẻ, xem những tấm thẻ đã biết, và thử kiểm tra một lần nữa với những tấm bạn còn chưa nhớ kỹ. Nếu thực sự lo lắng về một bài kiểm tra sắp tới, bạn có thể lật ngược tập thẻ lại và xem bạn có biết câu trả lời theo hướng ngược lại không (Gợi ý mới: Đây là một loài chim không biết bay, đã tuyệt chủng... Câu trả lời mới: loài chim dodo.) Sau đó, bạn sẽ làm bài kiểm tra của mình, và cất (hoặc vứt) những tấm thẻ này đi.

Thẻ học có thể hơi nhàm chán, nhưng chúng làm tốt công việc giúp chúng ta chuẩn bị cho bài kiểm tra. Nếu học chúng theo một chiều (Gợi ý: loài chim dodo), bạn đang chuẩn bị cho một số câu hỏi kiểm tra nhất định (Dodo là gì?) Nếu học chúng theo một chiều khác (Gợi ý: “Đây là một loài chim không biết bay đã tuyệt chủng...”), bạn đang chuẩn bị cho những dạng câu hỏi kiểm tra khác (“Loài chim không biết bay nào đã từng sống trên đảo Mauritius?”), và nếu học chúng theo cả hai chiều, bạn có thể xử lý bất kỳ kịch bản nào có liên quan đến dodo.

Nếu muốn trở thành một chuyên gia về dodo, bạn có thể làm ra một núi thẻ học khổng lồ, bao quát mọi khía cạnh về dodo theo càng nhiều hướng càng tốt. “Những con dodo đã từng sống ở đâu?” (Đảo Mauritius). “Một con dodo lớn đến đâu?” (Cao ba feet, nặng từ 22 đến 40 pound). “Dodo có thể bay không?” (Không). Và cứ như vậy. Càng học cùng một thông tin theo nhiều cách, bạn càng nắm rõ chủ đề của mình hơn.

Tôi muốn bạn trở thành một chuyên gia trong ngoại ngữ của mình, nhưng bạn nên có một chút niềm vui trong quá trình học. Vì vậy, tôi sẽ mang một số thay đổi đến với mô hình học với đám thẻ mệt mỏi này.

Đầu tiên và trước hết, chúng ta sẽ nhét tất cả thẻ học của bạn vào một hệ thống nhắc lại cách quãng, thứ sẽ báo cho bạn biết khi nào cần học mỗi thẻ. Như đã bàn ở Chương 2, điều này khiến cho chúng trở nên hiệu quả và vui hơn nhiều. Bạn đang liên tục chơi một trò chơi với chính mình, cố gắng kiểm tra mức độ ghi nhớ trước khi quên đi một trong những tấm thẻ của mình. Nhờ trò chơi này, những tấm thẻ học của bạn luôn có tính thách thức, và bạn sẽ luôn có được một cảm giác thành công sau mỗi lần ôn tập.

Thứ hai, bạn sẽ sử dụng các thẻ học để ghi nhớ những trải nghiệm đa giác quan, thay vì chỉ ghi nhớ các thông tin. Bạn sẽ chọn một từ như déjeuner (bữa trưa) và kết nối nó với ký ức về một thứ gì đó ngon miệng. Sau đó, mỗi khi bạn thấy déjeuner, tâm trí của bạn ngay lập tức trôi trở lại về với món bánh mì baguette giòn tan đầy bơ và pho mát (cùng mật ong và quả óc chó) mà bạn đã từng mua tại một quầy bánh mỳ trên đường phố Paris. Bạn có thể thực hiện được điều này theo ba cách: Bằng cách sử dụng hình ảnh thay vì dịch (một cái bánh mì baguette kẹp bơ ngon tuyệt), tìm những ký ức phù hợp cho mỗi từ (bữa trưa tại Paris), và viết ra những lời nhắc nhở nho nhỏ về những ký ức đó trên thẻ học của mình (Paris, 2002). Điều này sẽ quá trình ôn tập thẻ của bạn trở nên thú vị và hiệu quả hơn nhiều.

Cuối cùng, bạn sẽ không phải học vì một bài kiểm tra nhàm chán nào đó; bạn đang tự dạy mình những chủ đề cực kỳ thú vị. Bạn đang muốn tìm kiếm những bí ẩn bên dưới bề mặt con chữ và mỗi quy tắc ngữ pháp. Điều gì khiến một từ như gato khác với mèo? Làm sao bạn có thể dùng ngữ pháp tiếng Đức để suy nghĩ theo một cách hoàn toàn mới? Thay vì học các bản dịch dễ quên, bạn sẽ học cách để trở thành thợ săn kho báu, và bạn sẽ sử dụng thẻ học để tự nhắc về những chuyến phiêu lưu của mình.

Hãy bắt đầu nào. Chúng ta sẽ bắt đầu với các nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho những tấm thẻ này, sau đó đi qua từng loại thẻ một theo thứ tự: âm (Chương 3), từ vựng cơ bản (Chương 4), ngữ pháp (Chương 5), và từ vựng cấp cao (Chương 6). Bạn sẽ nhét các tấm thẻ đã làm được vào hệ thống nhắc lại cách quãng, chơi trò chơi ôn tập hằng ngày, và kết thúc với một ngôn ngữ hoàn chỉnh trong đầu, sẵn sàng cho việc đọc truyện tranh bằng tiếng Nhật, xem phim Đức hoặc trò chuyện với những người hầu bàn ở Brazil.

Các nguyên tắc thiết kế cơ bản

Chúng ta đang xây dựng dựa trên các ý tưởng được giới thiệu trong Chương 2 và Chương 3. Nếu chưa đọc chúng, bạn hãy đọc ngay đi. Chương 2 giải thích lý do chúng ta lại sử dụng thẻ học, cách sử dụng một hệ thống nhắc cách quãng để lên kế hoạch các buổi ôn tập của bạn sao cho hiệu quả tối đa, và cách khiến mỗi thẻ càng đáng nhớ càng tốt, bằng cách kết nối các âm, cách viết chính tả, khái niệm và các kết nối cá nhân cho mỗi thông tin bạn học. Ở cuối Chương 3, chúng ta đã điều tra nghịch lý “nhiều hơn lại là ít hơn” – đó là khi học thêm nhiều thông tin hơn về cùng một chủ đề có thể giúp bạn học được chủ đề đó trong thời gian ít hơn.

Chúng ta sẽ thêm hai nguyên tắc thiết kế cơ bản mới vào cùng những ý tưởng này:

• Nhiều thẻ đơn giản tốt hơn một vài thẻ phức tạp.

• Luôn chỉ yêu cầu một câu trả lời đúng mỗi lần.

Nguyên tắc đầu tiên trong số này chủ yếu là vấn đề về sự chú ý. Bạn chỉ có thể tập trung vào một việc tại một thời điểm. Các hệ thống nhắc lại cách quãng có thể giúp bạn học và giữ lại một lượng lớn thông tin một cách nhanh chóng, nhưng chúng không thể cho phép bạn suy nghĩ về nhiều thông tin khác nhau trong cùng một lúc. Từ set trong tiếng Anh có 464 định nghĩa. Nếu vì một lý do điên rồ nào đó, bạn muốn học hết toàn bộ đống định nghĩa này, bạn sẽ không làm điều đó với chỉ một thẻ học duy nhất. Bạn sẽ cần khoảng 464 cái thẻ như thế để giúp hướng sự chú ý của mình đến từng định nghĩa.

Chúng ta sẽ không viết 464 thẻ học cho mỗi từ; bạn không cần phải ghi nhớ từ vựng ở mức độ sâu sắc đến thế. Nhưng bạn sẽ cần đến nhiều thẻ học. Xét cho cùng, bạn đang tạo ra những cấu trúc phức tạp trong tâm trí mình. Bạn sẽ muốn mỗi từ đều mang lại một sự bùng nổ các kết nối: phát âm, chính tả, các định nghĩa khác nhau, các đặc điểm ngữ pháp, ký ức và cảm xúc. Bạn sẽ xây dựng các kết nối này nhanh nhất nếu bạn giải quyết chúng với từng thẻ.

Nguyên tắc thứ hai – luôn chỉ yêu cầu một câu trả lời đúng mỗi lần – thực chất chỉ là mở rộng của nguyên tắc đầu tiên. Chúng ta muốn những tấm thẻ học phải dễ. Bạn sẽ không thấy dễ chịu gì nếu bạn cứ kẹt mãi với việc cố gắng nhớ cách viết chính tả và phát âm của tất cả 12 tháng trong năm cùng lúc; như chúng ta đã nói, bạn chỉ có thể tập trung vào một việc tại một thời điểm. Vì vậy, khi một thẻ học hỏi bạn một câu hỏi mà có nhiều hơn một câu trả lời đúng − Ví dụ: Có thể viết âm “k” trong tiếng Anh như thế nào? (Trả lời: Với các chữ C, K hoặc CK) – hãy chấp nhận bất kỳ câu trả lời đúng nào (ví dụ: với chữ C!) Bạn có thể đảm bảo rằng bạn sẽ nhớ được tất cả các câu trả lời đúng bằng cách tạo thêm thẻ học bổ sung (ví dụ: “Chữ CK trong từ rock tạo ra âm gì?) Bằng cách này, các buổi ôn tập thẻ sẽ tiếp tục vui vẻ, nhanh chóng và hiệu quả.

Bạn cần bao nhiêu thẻ học? Những con đường khác nhau cho những nhu cầu khác nhau

Càng làm nhiều thẻ học cho cùng một thông tin tương tự, sẽ càng dễ học. Giả sử bạn đang học từ chèvre (con dê). Bạn có thể làm một thẻ để hỏi “chèvre là gì?” và một thẻ khác hỏi “Đây là gì?”:

a24

Cả hai thẻ sẽ dạy cho bạn về cùng một từ, nhưng chúng luyện cho bạn các kỹ năng liên quan khác nhau đến chèvre. Nếu sử dụng cả hai loại, bạn sẽ dễ dàng nhớ từ chèvre hơn nhiều.

Chúng ta có thể đi tiếp:

• Phát âm từ chèvre như thế nào?

• Cách viết chính tả của cái từ có phát âm là “sheh-vre” là gì?

• Con chèvre ăn thức ăn gì?

• Con chèvre có những màu gì?

• Kỷ niệm đáng ghét nhất của bạn với chèvre là gì?

Nhưng dần dần, bạn sẽ phát chán với “chèvre”, và những tấm thẻ học sẽ trở nên quá dễ. Bạn sẽ cảm thấy chán và mất quá nhiều thời gian để làm thẻ học. Dĩ nhiên phải có một sự cân bằng ở đây, và bạn sẽ cần phải tìm ra mức độ thoải mái của riêng mình khi học lên cao dần.

Tôi sẽ cho bạn ba con đường ứng với ba tình huống khác nhau:

CON ĐƯỜNG CHUYÊN SÂU: Bạn đang học tiếng Trung Quốc, Ả Rập, Nhật hoặc Hàn Quốc, và bạn chưa bao giờ học một ngoại ngữ nào trước đây. Bạn sẽ cần một số thẻ phụ để giúp ghi nhớ từ mới và các quy tắc ngữ pháp, bởi chúng rất khác so với những từ và quy tắc ngữ pháp mà bạn đã biết.

CON ĐƯỜNG BÌNH THƯỜNG: Bạn đang học một ngoại ngữ nào đó lần đầu tiên (ví dụ, tiếng Pháp). Bạn sẽ cần một chút sự giúp đỡ ghi nhớ các từ và các quy tắc ngữ pháp, nhưng không nhiều như với một người học tiếng Trung Quốc. Đây là cách tiếp cận cân bằng mà bạn muốn cho một ngôn ngữ không nằm trong số bốn ngôn ngữ khó học nhất.

CON ĐƯỜNG “LÀM MỚI”: Bạn đã học bốn năm tiếng Pháp ở trường, nhưng đã quên đi khá nhiều. Bạn chỉ cần một vài lời nhắc nho nhỏ về những từ mới và các quy tắc ngữ pháp mà thôi.

Sự khác biệt duy nhất trong số ba con đường là số lượng thẻ bạn phải làm cho mỗi âm, từ ngữ, hay chủ điểm ngữ pháp. Nếu đã học tiếng Pháp trước đó, bạn có thể chỉ cần một thẻ duy nhất để nhớ một từ như portefeuille (ví) trong đầu. Trong ba thẻ được liệt kê trong phần Từ ngữ của Phòng trưng bày, bạn chỉ cần làm các thẻ có nhãn “Con đường ‘làm mới’.”

Mặt khác, nếu đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của bạn với tiếng Pháp, bạn có thể sẽ cần hai thẻ để nhớ cùng một từ portefeuille. Bạn sẽ làm hai thẻ có nhãn “Con đường bình thường”. Tương tự, nếu đây là lần đầu tiên bạn học tiếng Ả Rập, có thể bạn sẽ cần cả ba thẻ có nhãn“Con đường chuyên sâu” để nhớ từ “ abezo” (ví).

CÁC CHIẾN LƯỢC CHO TIẾNG TRUNG VÀ TIẾNG NHẬT

Tiếng Trung và tiếng Nhật (và, ở một mức độ thấp hơn rất nhiều như tiếng Hàn) cùng sử dụng một tập hợp các ký tự có chữ tượng hình. Ngược lại, với bảng chữ cái alphabet, mỗi chữ tượng hình tương ứng với cả một từ hoặc một cụm từ, thay vì tương ứng với từng âm cụ thể. Điều này có thể khá khó để học. Nếu bạn đang học một trong các ngôn ngữ này (hoặc nếu bạn thực sự muốn học một cái gì đó lập dị như chữ tượng hình Ai Cập cổ đại), vậy thì hãy đi đến Fluent-Forever.com/logograms để lấy một ít các thiết kế thẻ flash card bổ sung cũng như các chiến lược để khiến chúng trở nên dễ học hơn.

Những hướng dẫn này chỉ là hướng dẫn mà thôi. Nếu bạn đang gặp khó khăn với một khái niệm cụ thể (ví dụ, chèvre), hãy cứ thoải mái làm thêm các thẻ bổ sung để hỏi theo nhiều hướng hơi khác nhau về các thông tin có liên quan chặt chẽ đến nhau: Một con chèvre bé được gọi là gì? (chevreau); Một con chevreau sẽ biến thành gì khi nó lớn lên? (chèvre). Bất cứ lúc nào bạn gặp khó khăn với một từ hoặc một quy tắc ngữ pháp, hãy làm thêm một vài thẻ mới về một chủ đề có liên quan, và nó sẽ trở nên dễ nhớ hơn.

Nếu đang sử dụng một chiếc hộp Leitner thay vì máy tính, bạn sẽ cần thêm thời gian để làm thẻ hơn những người sử dụng Anki. Họ có thể nhấn một nút duy nhất và tạo ra ba thẻ cùng một lúc, còn bạn phải tự làm từng cái một. Nếu việc làm các thẻ cho “Con đường chuyên sâu” hoặc “Con đường bình thường” khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc quá tẻ nhạt, vậy hãy nhảy xuống “Con đường ‘làm mới’”, kể cả khi bạn chỉ mới bắt đầu học một ngoại ngữ. Dù sẽ có ít thẻ hơn để học, bạn có thể sẽ thấy rằng không cần phải ôn tập nhiều thẻ đến như vậy, bởi bạn đã dành nhiều thời gian và nỗ lực khi tự tay làm các tấm thẻ của mình. Bạn luôn có thể thêm thẻ mới vào sau này nếu bạn cần chúng.

Nghệ thuật của thẻ học

Cách thức làm thẻ, cách thức ôn tập thẻ

Trong mỗi chương của cuốn sách này, chúng ta đã nói về các cách để khám phá ngoại ngữ. Chúng ta bắt đầu với các âm, và khám phá ra một thế giới đầy các âm mới để nghe và tạo ra. Chúng ta nhìn vào các từ ngữ, và thấy rằng bên dưới mỗi bản dịch, có một bản giao hưởng của các hình ảnh và các kết nối đang chờ đợi chúng ta. Và chúng ta nhìn vào câu, và khám phá ra cách ngữ pháp có thể dùng một vài từ ngữ và ráp nối chúng thành những suy nghĩ phức tạp đến vô hạn.

Quá trình khám phá một ngôn ngữ là cốt lõi của việc học một ngôn ngữ. Mỗi khi phát hiện ra một âm mới, một từ mới, hoặc một cấu trúc ngữ pháp mới, bạn đã gieo một hạt giống vào trong tâm trí mình. Những hạt giống này sẽ phát triển thành khả năng sử dụng ngôn ngữ đó thành thạo, miễn là bạn có thể giữ được chúng. Để làm điều này, bạn sẽ sử dụng những tấm thẻ học. Mỗi thẻ sẽ chứa một hoặc hai vật lưu niệm nhỏ từ quá trình khám phá của bạn – chỉ vừa đủ để nhắc bạn nhớ về những cuộc hành trình và những khám phá của bạn.

Quá trình tạo thẻ học tương đối đơn giản, và chúng ta sẽ đi qua tất cả các bước trong phần này. Chúng ta sẽ xem xét các thẻ mẫu mà bạn có thể sử dụng, và nói về việc bạn cần dùng đến những mẫu nào. Sau đó, khi đã sẵn sàng học, bạn sẽ sử dụng thẻ học để làm mẫu cho chính mình.

Nếu đang làm thẻ thủ công, bạn chỉ cần sao chép các mẫu trên, thay thế các từ mới, hình ảnh, và những ký ức của bạn vào những tấm thẻ thay cho những cái sẵn có trên mẫu. Nếu bạn đang sử dụng Anki, bạn hãy gõ, copy, và/hoặc kéo thông tin của bạn vào các ô thích hợp:

a25

Sau đó bạn hãy bấm vào nút “Add Card” và nhận được một cái như thế này:

a26

Những thẻ bạn làm là của riêng bạn. Trên tấm thẻ này, “Lily” giúp tôi nhớ đến con macska yêu thích của mình, nhưng nó sẽ không giúp được gì nhiều cho bạn. Tương tự như vậy, hình ảnh này cũng nhắc tôi nhớ về trải nghiệm của mình trên Google Hình ảnh, nhìn vào một đống hình các con mèo Hungary. Tôi thậm chí còn nhớ đã tải xuống một bản ghi âm từ trang Forvo.com và cố gắng bắt chước lại nguyên âm ɒ (lai một chút giữa “ah” và “oh”) cực khó trong tiếng Hungary. Mỗi trải nghiệm đều rất thú vị với tôi, và do đó, thẻ học của tôi gợi lại đủ các các loại ký ức thú vị có liên quan đến macska. Khi bạn xem lại thẻ của mình, chúng sẽ làm điều tương tự với bạn.

Quá trình ôn tập

Điều đầu tiên bạn sẽ thấy bất cứ khi nào xem lại một thẻ là mặt trước. Nó sẽ đặt ra câu hỏi sau đây: “Có gì ở mặt sau của tấm thẻ này?” Bạn có thể nhìn vào hình ảnh của một con mèo và cần phải nhớ đến từ macska trong tiếng Hungary, hoặc bạn có thể thấy từ macska và cần phải nhớ về một hình ảnh một con mèo.

a27

Bạn đang xây dựng một kết nối trong tâm trí mình giữa một kích thích (từ macska) và một phản ứng (hình ảnh của một con mèo). Nhưng hãy nói cụ thể hơn một chút: Bạn có cần phải nhớ hình ảnh của một con macska không? Làm thế nào để nói ra từ đó?

Những kết nối này khá phức tạp, chứ không đơn thuần là một sợi dây duy nhất kết nối hai ý tưởng; bạn đang tạo ra những mạng lưới kết nối giữa phát âm, chính tả và hình ảnh. Đây là một điều tốt; xét cho cùng tất cả các ký ức đều là những mạng lưới, và chúng càng chứa nhiều kết nối, bạn càng dễ dàng nhớ lại – các nơ-ron nào được kích hoạt cùng với nhau sẽ kết nối lại với nhau. Bạn càng muốn nhiều nơ-ron được kích hoạt mỗi khi gặp phải từ macska càng tốt.

Lý tưởng nhất là, bạn sẽ muốn kích hoạt một sự bùng nổ của các kết nối trong não bộ: cách viết chính tả m-a-c-s-k-a, cách phát âm mρt∫kρ− “moch-ko”), làm thế nào bạn có thể sử dụng nó trong một câu, cả nghìn hình ảnh chỉ về con macska bạn từng gặp. Thậm chí, bạn sẽ muốn nghe cả các từ khác – những từ có liên quan như farok (đuôi), hoặc các từ có phát âm và cách viết chính tả tương tự, như matrac (nệm). Bạn đang cố gắng để tạo ra một phản ứng càng mạnh và càng đa dạng càng tốt, đồng thời bạn sẽ làm điều đó với từng thẻ học.

Để thực hiện điều này, bạn cần phải cân bằng. Nếu dành mười phút để nhớ về tất cả các con macska từng nhìn thấy bất cứ khi nào cầm một thẻ lên, bạn sẽ không học được tiếng Hungary nhanh chóng. Bạn cần biết cách để thêm được các kết nối vào trong từ ngữ của mình mà không lãng phí thời gian.

Vì vậy, khi giới thiệu một thiết kế thẻ học, tôi sẽ xác định đâu là các thông tin quan trọng nhất. Trong trường hợp này, bạn sẽ không đi được xa với từ macska nếu không biết macska có nghĩa là gì, hoặc nếu bạn không thể phát âm nó. Đây là những thông tin quan trọng mà chúng ta cần có:

CÁC THÔNG TIN QUAN TRỌNG (BẠN CẦN GHI NHỚ NHỮNG THỨ SAU!)

Hình ảnh: Bạn có nhớ từ này có nghĩa là gì không? Nó trông như thế nào?

Phát âm: Bạn có thể phát âm từ này không?

Nhưng cũng có rất nhiều thông tin mà bạn nên nhớ. Chúng ta gọi chúng là những “điểm thưởng”. Bạn nhận được một điểm thưởng mỗi khi thêm một kết nối không quan trọng vào một từ. Trong khi việc bạn nhớ được cách nói “macska” là quan trọng, nhưng cũng sẽ tốt hơn nếu bạn nhớ thêm “matrac” (nệm) cũng bắt đầu bằng các chữ cái tương tự. Nếu bạn nhớ được cả hai, bạn sẽ có một điểm thưởng. Tuyệt vời! Bạn sẽ nhớ macska (và cả “matrac”) tốt hơn vào những lần sau khi nhìn thấy chúng. Nếu bạn không nhớ được, cũng không sao. Dù sao chúng cũng chỉ là những số điểm không có thật mà thôi, và bạn có thể sẽ ghi điểm vào lần tới. Dưới đây là những điểm thưởng cho tấm thẻ macska của chúng ta:

CÁC ĐIỂM THƯỞNG (NẾU CÓ THỂ NGHĨ VỀ CHÚNG KHI ÔN TẬP LẠI THẺ, BẠN SẼ NHỚ DỄ HƠN VÀO CÁC LẦN SAU):

Kết nối cá nhân: Bạn có thể nghĩ ra bất kỳ kết nối cá nhân nào với từ này không? (Bạn có thích mèo không? Bạn có thể nghĩ về con mèo nào bạn biết không?) (Tên con mèo của tôi là Lily).

Các từ có phát âm tương tự: Bạn có thể nghĩ ra bất kỳ từ nào khác (trong tiếng Hungary) bắt đầu với cùng một âm hoặc cùng một cách viết chính tả với từ này không? (Matrac [nệm] cũng bắt đầu bằng “ma”).

Các từ có liên quan: Bạn có thể nghĩ ra bất kỳ từ nào khác (trong tiếng Hungary) từ có liên quan về ý nghĩa đến từ này không? (Farok [đuôi], kutya [chó], állat [động vật])

Hãy tự cho mình từ 5-10 giây ôn lại tập thẻ. Nhớ lại bất cứ điều gì bạn có thể, sau đó lật tấm thẻ lại (hoặc nhấn nút “Turn Card Over” nếu bạn đang dùng trên máy tính), và kiểm tra câu trả lời trên mặt sau tấm thẻ:

a28

Nếu nhớ được tất cả các thông tin quan trọng, bạn sẽ giành chiến thắng. Nếu đang sử dụng một chiếc hộp Leitner, chuyển tấm thẻ này lên ngăn tiếp theo trong chiếc hộp, và bạn sẽ ôn lại nó một lần nữa trong vài ngày hoặc vài tuần. Nếu đang sử dụng Anki, bạn sẽ bấm vào nút “I remember this”, và nó sẽ đảm bảo rằng bạn nhìn thấy tấm thẻ này ít hơn.

Nếu quên mất một thông tin quan trọng, bạn sẽ muốn xem lại thẻ này thường xuyên hơn. Với một chiếc hộp Leitner, bạn sẽ di chuyển thẻ đó vào ngăn đầu tiên trong chiếc hộp của bạn. Với Anki, bạn sẽ bấm vào nút “I Forgot”. Bạn sẽ thấy nó xuất hiện thường xuyên hơn cho đến khi bạn ghi nhớ mãi mãi.

Nếu nhớ được một số điểm thưởng, bạn có thể tự chúc mừng bản thân rồi. Bạn vừa khiến cho việc ôn tập trở nên dễ dàng hơn trong suốt phần còn lại của quá trình học tập. Nếu không nhớ các điểm thưởng, bạn vẫn chiến thắng. Cứ chúc mừng bản thân đã. Bạn đã nhớ được macska là một con mèo, và nó được phát âm là – “Moch-ko” – hai mục tiêu ghi nhớ chính của mình bạn đều đã đạt được. Hãy dành ra vài giây để nghĩ về một hoặc hai kết nối mà bạn có thể tạo ra cho lần tới: Hãy nghĩ về con macska yêu thích của bạn hoặc một từ nào đó đã học có liên quan đến một con macska. Sau đó, chuyển sang các thẻ tiếp theo.

Ba con đường

Càng làm nhiều thẻ học cho mỗi từ, âm, hoặc chủ điểm ngữ pháp, bạn sẽ càng dễ học hơn. Mỗi lần giới thiệu một thiết kế thẻ mới, tôi cũng sẽ thảo luận về việc bạn sẽ muốn sử dụng nó cho Con đường chuyên sâu, Con đường bình thường, Con đường “làm mới”, hay cả ba.

Ví dụ, tôi sẽ chỉ cho bạn một thẻ về cách viết chính tả của một từ mới. Khi tôi làm thế, bạn sẽ thấy một thứ giống thế này:

a29

MỘT MẸO TIẾT KIỆM THỜI GIAN

Nếu bạn đang sử dụng Anki, hãy kiếm các bộ thẻ demo (miễn phí) của tôi. Chúng đã được thiết lập sẵn để tự tạo ra mọi loại thẻ trong cuốn sách này. Bạn tập hợp các thông tin (cách viết chính tả, băng ghi âm, kết nối cá nhân, v.v...), và nó nhả ra tất cả các thẻ bạn muốn. Bạn sẽ tìm thấy chúng ở Fluent- Forever.com/gallery.

Hãy để ý đến cái danh sách đánh dấu ✓ ở bên phải. Tấm thẻ này chỉ dành cho “Con đường chuyên sâu”; nó được thiết kế để giúp bạn ghi nhớ những ký tự phức tạp như 猫 (“mèo” trong tiếng Trung Quốc). Nếu đang ở “Con đường bình thường” – có thể bạn đang học tiếng Tây Ban Nha chẳng hạn – bạn có lẽ sẽ không cần đến các thẻ phụ thêm này để học cách viết chính tả của từng từ trong ngoại ngữ của bạn. Hãy bỏ qua nó, và chỉ làm các thẻ với nhãn “Dùng tấm thẻ này cho: ✓ Con đường bình thường”.

Chúng ta gần như sẵn sàng để bắt đầu làm thẻ học. Chúng ta sẽ tóm tắt lại nhanh những gì bạn đã làm cho đến giờ và sau đó đi sâu hơn vào từng loại thẻ của mỗi chương.

Những gì bạn đã làm cho đến giờ

Từ Chương 2 (thiết lập hệ thống nhắc lại cách quãng)

Nếu chọn Anki, hẳn bạn đã xem hướng dẫn về cách sử dụng nó. Các hướng dẫn đó đã chỉ bạn cách để làm một thẻ học cơ bản, làm thế nào để chèn tệp âm thanh và hình ảnh vào thẻ, và làm thế nào để ôn tập các thẻ đó một khi bạn đã sẵn sàng học. Bạn cũng đã tải về và cài đặt bộ thẻ demo của tôi, vì vậy công việc chính của bạn bao gồm việc tìm kiếm thông tin và các bản ghi âm, đặt chúng vào đúng vị trí, và nhấn vào nút “Add Flash Cards”.

Nếu đã chọn một chiếc hộp Leitner, bạn hãy đọc Phụ lục 3, đi tới cửa hàng văn phòng phẩm tại nơi sinh sống, và mua các vật liệu cần thiết. Bạn có một hộp đựng thẻ chứa đầy các ngăn, một tập thẻ trống, một vài cây bút chì và một cuốn lịch, ở trước mặt bạn (hôm nay là ngày 1!)

Bạn cũng vẫn còn nhớ cảnh báo lúc trước của tôi: Bởi vì thẻ học bằng giấy không thể tự nói, bạn sẽ phải học cẩn thận bảng ký tự ngữ âm và nghe băng ghi âm các từ ví dụ khi viết vào thẻ học của mình.