Cây Bách Buồn

CHƯƠNG 10

Hercule Poirot ngồi trong nhà tranh của bà điều dưỡng Hopkins.

Bác sĩ Lord đã đem ông tới đây, giới thiệu với bà ta. Sau cái đưa mắt của Poirot, chàng để cho hai người nói chuyện tay đôi với nhau.

Thoạt tiên, bà Hopkins hơi nghi ngờ, quan sát vẻ mặt xa lạ của ông, nhưng rồi hết dè dặt ngay.

Với niềm hứng thú đượm chút ảm đạm, bà nói:

- Đúng rồi, thực là một chuyện kinh khủng. Một trong những chuyện khủng khiếp nhất mà tôi từng được biết. Mary là một trong số những cô gái xinh đẹp nhất mà ông từng được thấy. Chắc chắn sẽ đóng phim nay mai. Cô ta ngoan ngoãn, chín chắn, không huênh hoang kênh kiệu. Với tất cả sự lưu ý đổ dồn vào mình, lẽ ra cô ta phải có tính ngạo mạn, kiêu căng.

Poirot khéo léo chêm vào một câu hỏi:

- Bà có ý nói là sự lưu ý dồn vào cô ta là của bà Welman phải không?

- Tôi muốn nói thế đấy. Bà lão đã yêu thích cô ta hết mức - thực là hết mức.

Poirot nói nhỏ:

- Đến độ làm cho người ta phải ngạc nhiên, có lẽ thế chăng?

- Cũng tùy chứ. Thực ra thì có lẽ hoàn toàn tự nhiên thôi. Tôi muốn nói là… - bà Hopkins mím môi, có vẻ bối rối - Tôi muốn nói là, Mary có cái cách tuyệt lắm: giọng nói dịu dàng, điệu bộ vui tươi. Theo ý tôi, có được khuôn mặt trẻ trung như thế ở bên mình thì thực là tốt cho một người tuổi tác.

Poirot nói:

- Cô Carlisle có thỉnh hoảng xuống đây thăm bà cô không?

Bà Hopkins nói gay gắt:

- Cô Carlisle xuống đây khi nào cô ta thích xuống. Tôi không mong thế, thực thế đấy. Một kẻ đầu độc. Một kẻ đầu độc không biết ghê tay.

- À ra thế - Poirot nói - Tôi hiểu bà đã có định kiến rồi?

Bà Hopkins ngờ vực nói:

- Ông muốn nói gì thế? Có định kiến sao?

- Bà có chắc là chính cô ta đã cho Mary Gerrard ăn morphine không?

- Còn ai vào đó nữa, tôi muốn được biết. Ông không có ý nói là tôi đã làm việc ấy chứ?

- Lúc này thì không. Nhưng tội của cô ta còn chưa được chứng tỏ, bà nên nhớ thế.

Bà Hopkins vững tâm điềm nhiên nói:

- Đúng là cô ta đã làm việc ấy. Ngoài cái gì khác ra, ông cứ nhìn mặt cô ta thì biết. Cô ta kỳ dị lắm, lúc nào cũng thế. Cô ta đưa tôi lên lầu, giữ tôi ở đó, kéo dài thời gian càng lâu càng tốt. Thế rồi khi tôi ngoảnh lại nhìn cô ta sau khi thấy Mary như vậy, thì thấy cái đó nó hiện rõ rành rành trên mặt cô ta. Cô ta biết là tôi biết.

Poirot trầm ngâm nói:

- Chắc chắn khó mà biết được kẻ nào khác đã làm việc ấy. Cố nhiên là, trừ phi chính Mary tự làm.

- Cô ta tự làm thế ư, ông muốn nói gì thế? Có phải là ông muốn nói là Mary đã tự tử không? Tôi chưa hề nghe thấy một chuyện nào phi lý như vậy.

Poirot nói:

- Làm sao biết được. Trái tim của gái trẻ thì nhạy cảm lắm, mềm yếu lắm. - ông ngừng lại - Việc ấy có thể xảy ra lắm, tôi cho là thế. Có thể là cô ta đã bỏ cái gì vào trong chén trà của cô ta mà bà không nhận thấy?

- Bỏ nó vào trong ly của mình, ông muốn nói thế sao?

- Phải. Có phải lúc nào bà cũng canh cừng cô ta đâu.

- Không đâu - tôi không canh cừng cô ta. Phải rồi, tôi cho là có thể cô ta đã làm việc đó… Nhưng thực vô lý quá! Cô ta làm thế để làm gì chứ?

Poirot lấy lại điệu bộ lúc trước, lắc đầu nói:

- Như tôi nói đó, trái tim gái trẻ thì rất nhạy cảm. Một chuyện tình đau khổ, có lẽ thế…

Bà Hopkins khịt mũi nói:

- Bọn con gái chúng nó chẳng tự tử vì tình đâu - trừ phi chúng theo lề thói của con nhà gia thế - mà Mary thì lại không phải là thế. Tôi nói cho ông biết! - Bà nhìn Poirot trừng trừng, tỏ vẻ tham chiến.

- Thế cô ta không yêu đương sao?

- Cô ta thì không đâu. Hoàn toàn muốn được thảnh thơi. Ham mê công việc và hưởng thụ cuộc đời.

- Nhưng cô ta chắc phải có nhiều kẻ say mê, vì cô ta duyên dáng, nhiều sức quyến rũ.

Bà Hopkins nói:

- Cô ta chẳng phải là hạng gái khêu gợi hấp dẫn, mà là một cô gái trầm lặng.

- Nhưng chắc chắn phải có những chàng trai trong làng say mê cô ta?

- Có Ted Bigland, cố nhiên rồi.

Poirot rút ra được nhiều chi tiết về Ted Bigland.

- Anh ta theo đuổi Mary riết lắm - bà Hopkins nói - Nhưng cô ta hơn đứt anh ta. Tôi đã nói với cô ta thế.

Poirot nói:

- Chắc anh ta phải tức giận khi thấy cô ta không để ý đến mình?

- Đúng thế, anh ta rất buồn về chuyện này - bà Hopkins thừa nhận - Anh ta cũng trách cả tôi nữa.

- Có phải anh ta nghĩ là tại bà không?

- Y nói thế đấy. Tôi có toàn quyền khuyên cô ta chứ. Dù sao, tôi cũng hiểu đời đôi chút. Tôi không muốn cô ta vứt bỏ đời mình.

Poirot nhẹ nhàng nói:

- Vì lý do gì bà quan tâm đến cô ta nhiều như thế?

- Ồ, tôi cũng chẳng biết tại sao nữa - bà Hopkins ngập ngừng. Bà có vẻ bẽn lẽn, hơi xấu hổ về mình - Có một vẻ gì… mơ mộng, lãng mạn về Mary.

Poirot nói khẽ:

- Có lẽ về cô ta, chứ không phải về hoàn cảnh của cô ta. Cô ta là con gái của ông gác nhà săn, phải vậy không?

Bà Hopkins nói:

- Phải… phải, cố nhiên rồi. Ít nhất thì…

Bà ngập ngừng, nhìn Poirot; ông ta chằm chằm nhìn bà tỏ vẻ rất thông cảm.

- Thực ra thì - bà Hopkins chợt tiết lộ - cô ta chẳng phải là con gái của ông già Gerrard. Ông ta bảo với tôi thế. Cha cô ta là một nhà quý tộc.

Poirot nói khẽ:

- Tôi hiểu ra rồi… Thế còn mẹ cô ta?

Bà Hopkins ngập ngừng, mím môi, nói tiếp:

- Mẹ cô ta khi xưa là người hầu gái của bà Welman. Bà ta lấy ông Gerrard sau khi sinh Mary.

- Đúng như bà nói, quả là một chuyện mơ mộng - một chuyện mơ mộng bí ẩn.

Mặt bà Hopkins bừng sáng lên:

- Không phải thế sao? Người ta khó lòng không quan tâm đến người khi mà mình biết điều gì mà không một ai khác làm đối với họ. Chỉ do tình cờ, tôi đã khám phá ra nhiều điều. Thực ra là cô O’Brien đã khiến tôi đi theo vết đó; nhưng đó lại là chuyện khác. Nhưng, đúng như ông nói, biết chuyện quá khứ thì thực là thú vị. Có nhiều thảm kịch xảy ra mà không đoán trước được. Cõi đời này buồn quá.

Poirot thở dài, lắc đầu.

Bà Hopkins bỗng hoảng hốt nói:

- Nhưng lẽ ra thì tôi không cứ nói mãi như thế này, không nên nói một tiếng nào mới phải. Dù sao, cũng chẳng có gì dính dáng đến vụ đó. Đối với đời này, thì Mary là con gái của ông Gerrard; không nên nói bóng gió đến sự gì khác. Lẽ nào lại làm hại cô ta trước con mắt người đời sau khi cô ta đã chết. Ông ta đã cưới mẹ cô ta, biết thế là đủ rồi.

Poirot nói khẽ:

- Nhưng có lẽ bà biết ai là cha thực của cô ta?

Bà Hopkins miễn cưỡng nói:

- À, có lẽ tôi biết; nhưng rồi có lẽ tôi không biết. Thế nghĩa là, tôi chẳng biết điều gì cả. Có lẽ tôi có thể đoán biết. Tội lỗi xưa có bóng dài, như người ta thường nói. Nhưng tôi không phải là kẻ lắm chuyện, tôi sẽ không nói một tiếng nào nữa.

Poirot khéo léo rút khỏi cuộc xung đột và tấn công sang một vấn đề khác.

- Còn một điều khác - một điều rất tế nhị. Nhưng tôi chắc rằng tôi có thể tin cậy vào sự kín đáo của bà.

Bà Hopkins khựng lại. Một nụ cười rạng rỡ hiện trên khuôn mặt chất phác của bà.

Poirot nói tiếp:

- Tôi nói về ông Roderick Welman. Ông ta đã bị Mary Gerrard lôi cuốn, tôi nghe đồn thế.

Bà Hopkins nói:

- Ông ấy đã bị cô ta quất xỉu!

- Dù rằng lúc ấy ông ta đã đính hôn với Elinor Carlisle?

- Ông hỏi thì tôi xin nói rằng, ông ta chưa bao giờ thực sự mê cô Carlisle cả. Không phải là cái mà tôi gọi là mê đâu.

Poirot dùng một từ cổ xưa hỏi:

- Thế Mary Gerrard có - có khuyến khích ông ta tiến tới không?

Bà Hopkins nói gay gắt:

- Cô ta xử sự rất khéo. Chẳng ai có thể bào là cô ta dẫn dắt ông ta cả.

Poirot nói:

- Thế cô ta có yêu ông ta không?

Bà Hopkins gay gắt nói:

- Không, cô ta không yêu.

- Nhưng cô ta thích ông ta chứ?

- Ồ, phải rồi, cô ta cũng khá thích ông ta.

- Tôi cho là, đúng dịp thì có sự gì xảy đến do đó chứ?

- Có thể thế lắm. Nhưng Mary chắc không làm điều gì vội vã đâu. Tại đây cô ta đã cho ông ta biết rằng ông ta không có quyền nói như thế với cô khi mà ông đã đính hôn với Elinor Carlisle. Và lúc ông ta đến London thăm cô ta, cô ta cũng nói như vậy.

Với vẻ thành thật duyên dáng, Poirot hỏi:

- Thế riêng bà thì bà nghĩ gì về Roderick Welman?

Bà Hopkins nói:

- Ông ta là một chàng trai khá tử tế. Tuy có bản tính hay cục. Có vẻ như là sau này sẽ mắc chứng khó tiêu. Những người bẳn tính thường hay như thế.

- Ông ta có yêu bà cô lắm không?

- Tôi tin là có.

- Ông ta có hay ngồi với bà ta khi bà ta bệnh nặng không?

- Ông muốn nói khi bà ta phát cơn lần thứ hai phải không? Cái đêm trước khi bà ta chết lúc họ xuống đây? Tôi không tin ngay cả đến việc ông ta vào phòng bà ta nữa.

- Thực thế ư.

Bà Hopkins nói mau:

- Bà ta không tìm ông ta vào. Cố nhiên là, lúc đó chúng tôi không nghĩ là lúc lâm chung đã quá gần. Có rất nhiều người như thế, ông biết đấy, họ tránh đến phòng bệnh nhân. Họ không làm thế nào khác được. Mà thế chẳng phải là vô tình đâu. Họ chỉ không muốn phải rầu rĩ trong lòng.

Poirot gật đầu tỏ ý thông cảm.

- Bà có chắc ông Welman đã không vào phòng bà cô trước lúc bà ta chết không?

- Tôi không thấy trong lúc tôi trực. Cô O’Brien thay phiên tôi vào lúc ba giờ sáng, có thể là cô ta đã kiếm ông ta trước lúc bà ta lâm chung, nhưng, nếu có thế, cô ta cũng không nói gì với tôi về việc này.

Poirot gợi ý:

- Có thể ông ta đã vào phòng bà ta lúc bà vắng mặt?

Bà Hopkins nói sẵng:

- Thưa ông Poirot, tôi không để bệnh nhân nằm không, không có ai trông coi.

- Xin bà tha lỗi cho. Tôi không có ý nói thế. Tôi nghĩ có lẽ bà phải đi đun nước, hoặc chạy xuống lầu kiếm một chất kích thích cần thiết nào.

Bà Hopkins nguôi giận nói:

- Tôi có xuống thay chai và lấy nước. Tôi biết là có một cái ấm đang sôi ở dưới nhà bếp.

- Bà đi có lâu không?

- Năm phút, có lẽ thế.

- À, đúng rồi, thế thì có thể là ông Welman đã tạt vào thăm bà ta vào lúc đó.

- Nếu ông ta có vào, thì chắc hẳn phải rất nhanh.

Poirot thở dài nói:

- Đúng như bà nói, đàn ông tránh xa bệnh tật. Chỉ có đàn bà mới là thiên thần phúc đức thôi. Chúng ta sẽ làm gì nếu không có các vị đó? Đặc biệt là các phụ nữ làm nghề của bà - một nghề nghiệp đúng thực cao quý.

Bà Hopkins mặt hơi bừng đỏ, nói:

- Ông thực tốt bụng nên mới nói thế. Tôi chẳng bao giờ nghĩ về nghề tôi như thế cả. Nghề điều dưỡng có nhiều công việc cực nhọc, nếu không nghĩ đến khía cạnh cao quý của nghề mình.

Poirot nói:

- Không còn điều gì khác bà có thể cho tôi biết về Mary Gerrard sao?

Ông ngừng lại. Sau đó bà Hopkins đáp:

- Tôi không biết về bất cứ điều gì cả.

- Bà có hoàn toàn chắc thế không?

Bà Hopkins nói không mạch lạc:

- Ông không hiểu. Tôi yêu Mary.

- Thế không còn điều gì bà có thể cho tôi biết sao?

- Không, không còn gì hết! Dứt khoát là thế.