Cây Bách Buồn

CHƯƠNG 6

Bức thư do cô O’Brien gởi bà Hopkins, ngày 14 tháng Bảy:

 

La borough Court,

Chị Hopkins thân mến,

Mấy bữa nay em đã có ý định viết thư cho chị. Đây là một khu nhà rất đẹp: những bức tranh ở đây, em tin là rất nổi tiếng. Nhưng em không thể nói là nhà này tiện nghi, thoải mái bằng Hunterbury trước kia được (chị biết em muốn nói gì rồi). Trong cái xứ khỉ ho cò gáy này thực khó kiếm được người hầu gái: bọn gái ở đây toàn là hạng chưa thạo nghề, một số đứa lại còn không sốt sắng phục dịch nữa. Mặc dù em chẳng hề là kẻ ưa gây phiền nhiễu, nhưng cơm bưng trên khay ít nhất cũng phải nóng chứ. Đây chẳng có phương tiện gì để đun sôi ấm nước, mà trà thì chẳng phải bao giờ cũng được pha bằng nước sôi. Ấy thế mà tất cả cái đó đây đều không có cả. Bệnh nhân là một nhà quý phái trầm lặng, tử tế - bị bệnh viêm phổi, nhưng cơn bệnh đã qua rồi.

Em phải kể cho chị nghe chuyện này, chắc chị sẽ thích thú lắm. Đó là một sự trùng hợp rất lạ lùng, kỳ quặc. Trong phòng khách, trên chiếc đàn dương cầm lớn, có một bức hình đóng trong khung bạc. Chị có tin được không - đó chính là bức hình mà em đã kể với chị, cái hình có chữ ký Lewis mà bà lão Welman đòi kiếm. Thế là em nổi tính tò mò - ai mà không thế, chị nhỉ? Em hỏi bác quản gia ông ta là ai, thì bác trả lời ngay là anh của bà phu nhân Rattery - Ngài Lewis Rycroft. Ông ta ở cách đây không bao xa và đã bị giết trong chiến cuộc. Thực rất buồn, phải không chị? Em làm vẻ tình cờ hỏi ông ta đã có vợ chưa, thì bác quản gia nói là ông ta đã có vợ, nhưng phu nhân Rycroft đã phải vào bệnh viện tâm thần, chẳng bao lâu sau khi kết hôn. Bác nói bà ta lúc bấy giờ vẫn còn sống. Thế nào, chuyện này có thú vị không? Chúng mình đã tưởng lầm rồi, chị thấy đấy. Chắc chắn là họ yêu nhau lắm - ông ta và bà W. ấy mà, nhưng họ không lấy được nhau vì bà vợ đang ở bệnh viện tâm thần. Giống hệt như tranh vậy, phải thế không? Bà W. hồi tưởng lại tất cả những năm tháng ấy rồi ngắm bức hình của ông ta ngay trước lúc bà chết. Bác quản gia nói ông ta bị giết năm 1917. Đúng là một chuyện tình lãng mạn, em cảm thấy thế.

Không có rạp chiếu bóng nào ở quanh đây cả. Ôi, thật khủng khiếp vì bị chôn ở cái xứ quê này. Họ chẳng kiếm được các cô hầu gái ra hồn, thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả.

Bây giờ em xin chào từ biệt chị. Mong chị viết thư cho em, kể cho em biết tất cả những tin tức mới.

Thân ái,

EILEEN O’BRIEN

 

*

Bức thư do bà Hopkins gởi cho cô O’Brien, ngày 14 tháng Bảy: 

 

Trại Hoa hồng,

Em O’Brien thân mến,

Ở đây mọi sự vẫn tiếp diễn như thường lệ. Hunterbury bị bỏ hoang - tất cả các gia nhân đều đã ra đi, một tấm biển được treo lên: Nhà bán. Hôm trước chị có gặp bà Bishop, bà ta ở với cô em gái sống cách xa đây một dặm. Bà ta đang rầu rĩ về việc bán khu nhà đó. Hình như bà ta đã quyết chắc rằng cô Carlisle sẽ lấy ông Welman và sống tại đây. Bây giờ bà B. nói rằng việc đính hôn đã bãi bỏ rồi. Cô Carlisle đã đi London ngay sau khi em rời khỏi đây. Thỉnh thoảng cô ta có thái độ rất là kỳ cục. Chị thực sự không biết phải giải thích như thế nào về cô ta cả. Mary Gerrard đã đi London và đang bắt đầu học nghề xoa bóp. Cô Carlisle đang tính cấp cho Mary hai ngàn đồng bảng. Chị nghĩ cô ta xử sự thế là rất hào phóng, ít người làm được như vậy.

Tiện đây chị kể cho em nghe: có nhiều chuyện xảy ra thật nực cười quá. Em còn nhớ không? Có lần em kể cho chị về bức hình có ký tên Lewis mà bà Welman cho em xem. Hôm trước chị nói chuyện gẫu với bà Stattery (bà ta trước đây làm quản gia cho cụ bác sĩ Ransome, là người chữa bệnh tại vùng này trước bác sĩ Lord); cố nhiên bà ta đã sống suốt cuộc đời ở đây và biết nhiều chuyện về giới quý tộc quanh vùng. Chị làm vẻ tình cờ khi hỏi về chuyện ấy: chị nói về các tên Thánh và bảo cái tên Lewis là tên gọi ít thấy, thì nhân đó bà ta nhắc đến ngài Lewis Rycroft ở Forbes Park. Ông ta phục vụ trong đoàn Thương lỵ binh thứ 17 và bị giết vào khoảng cuối trận chiến. Thế là chị hỏi có phải ông ta là bạn thân của bà Welman ở Hunterbury không? Thì lập tức bà ta nhìn chị rồi nói: “Đúng rồi, ông bà ta là đôi bạn chí thân, có người nói còn thân hơn là bạn nữa; thế nhưng tôi đâu phải là kẻ ngồi lê đôi mách - mà họ là bạn với nhau thì đã làm sao?” Thế rồi chị nói chắc chắn là hồi bấy giờ bà ta đã là quả phụ thì bà trả lời: “Ồ, đúng thế, bà ta đã là quả phụ”. Em à, thế là chị hiểu ra ngay tức khắc bà có ý muốn nói một điều gì về chuyện đó. Chị nói: “Lạ nhỉ, sao ông bà ta không bao giờ kết hôn với nhau?” Tức thì bà nói: “Họ không thể lấy nhau được. Ông ta đã có vợ đang ở bệnh viện tâm thần”. Bây giờ, em thấy đấy, chúng mình biết tất cả về chuyện đó rồi. Sự việc xảy ra như thế thì quả là quá lạ, phải không em? Cứ xem ngày nay người ta ly dị dễ dàng như thế nào. Mà hồi đó bệnh điên không phải là cơ sở để ly dị, thì có vẻ tủi hổ làm sao ấy!

Em có còn nhớ Ted Bigland không, cái anh chàng đẹp trai thường theo đuổi Mary Gerrard ấy mà? Hắn có đến chị để xin địa chỉ của Mary ở London, nhưng chị không cho. Theo ý chị, Mary hơn Ted Bigland cả một bậc. Chị không biết em có thấy rõ điều ấy không, nhưng ông R. W. thì lại rất thân thiết với cô ta. Thật đáng tiếc, vì do đó mà sinh ra rắc rối. Đó chính là cái lý do khiến cho việc đính hôn của ông ta và cô Carlisle bị hủy bỏ. Chị biết rõ điều này làm cho cô ta tổn thương nặng nề. Chẳng biết cô ta thấy cái gì ở ông ta cơ chứ. Chị chắc chắn rằng ông ta chẳng bằng được cái ly nước trà của chị đâu, nhưng do những nguồn tin đáng tin cậy chị nghe nói cô ta vẫn luôn luôn yêu ông ta đến chết mệt. Có vẻ lộn xộn quá, phải không em? Cô ta lại được hưởng tất cả số tiền kia. Chị tin là người ta đã luôn làm ông ta trông đợi sẽ được bà cô để lại tài sản.

Lão Gerrard ở khu nhà săn đang suy yếu rất mau - đã phát những cơn say sẩm choáng váng kinh tởm. Ông ta vẫn cứ cục cằn, đau khổ như vậy. Hôm trước quả là ông ta đã nói Mary không phải là con gái ông. Chị nói: “Nếu là ông thì tôi sẽ hổ thẹn ghê lắm khi nói thế về vợ mình”. Lão ta nhìn chị rồi nói: “Bà ngốc lắm, bà chẳng hiểu gì cả”. Thế có lịch sự không cơ chứ? Chị đã phản đối lão ta kịch liệt. Bà vợ lão ta là nữ tì của bà Welman trước khi lấy lão ta, chị tin là thế.

Thân ái chào em,

JESSIE HOPKINS

 

*

Bưu thiếp của bà Hopkins gửi cô O’Brien: “Lạ lùng thay: thư chúng mình bắt gặp nhau. Lúc này thời tiết thật dễ sợ, phải không em?”

Bưu thiếp của cô O’Brien gửi cho bà Hopkins: “Đã nhận được thư chị sáng nay. Thực là tình cờ quá!

 

*

Thư của Roderick Welman gởi Elinor Carlisle, ngày 15 tháng bảy:

 

Em Elinor thân mến,

Anh vừa nhận được thư em. Không đâu, anh không xúc động gì về việc bán Hunterbury cả. Cám ơn em đã hỏi ý kiến anh. Rõ rệt là em không muốn sống ở đó, anh nghĩ thế là phải lắm. Dù sao, chắc hẳn em đang có khó khăn về việc dứt bỏ nơi này. Hunterbury là một khu nhà khá lớn đối với nhu cầu ngày nay, dù rằng nó đã được hiện đại hóa cho hợp thời: có khu ở tốt dành cho gia nhân, có hơi đốt, có đèn điện… Dù sao thì anh cũng mong là em gặp may mắn.

Ở đây trời nóng chói chang. Anh ở hàng giờ trên biển. Có nhiều người rất ngộ nghĩnh nhưng anh không giao thiệp với họ. Có lần em bảo anh là người kém xã giao. Đúng thế, em ạ. Anh thấy đa số nhân loại thật khó chịu lạ lùng. Có lẽ họ cũng có cảm nghĩ ấy đối với anh.

 Đã từ lâu anh cảm thấy rằng em là con người đẹp duy nhất thật sự tốt đẹp, tiêu biểu cho loài người. Anh định một hai tuần nữa sẽ bay đi chơi vùng biển Dalmotia. Từ ngày 22 trở đi, viết thư cho anh, em hãy để nhờ Thomas Cook, ở Dubronik chuyển. Nếu có điều gì anh có thể làm được, em hãy tin cho anh hay.

Cám ơn và thân ái chào em,

RODDY

 

*

 

Thư của ông Seddon, thuộc văn phòng luật sư Blatherwick Seddon, gửi cho cô Elinor Carlisle, ngày 20 tháng Bảy:

 

104 Quảng Trường Bloomsbury

Kính thưa cô Carlisle,

Tôi nghĩ rằng cô nên chấp thuận đề nghị của thiếu tá Somervell mua Hunterbury với giá mười hai ngàn năm trăm (12.500) đồng bảng. Trong lúc này những bất động sản lớn rất khó bán: cái giá đề nghị trên xem chừng là được hơn cả. Thiếu tá Somervell sỡ dĩ đưa ra giá đó là vì muốn có nhà ngay. Tôi biết ông đã xem các nhà khác ở quanh vùng, vì thế tôi khuyên cô nên ưng thuận ngay.

Thiếu tá Somervell muốn đến ở khu nhà trang trí đầy đủ trong vòng ba tháng tới: lúc đó các thủ tục pháp định sẽ hoàn tất và việc bán có thể xong được.

Còn về ông gác nhà săn Gerrard cùng việc trả tiền thôi việc cho ông ta, thì tôi được bác sĩ Lord cho hay rằng ông ta hiện đang bệnh rất nặng, không chắc gì qua khỏi được.

Việc thừa kế chưa được chứng thực, tuy nhiên trong khi chờ đợi, tôi đã ứng trước cho cô Mary Gerrard một trăm đồng bảng.

Kính chào Cô,

EDMOND SEDDON

 

*

 

Thư của bác sĩ Lord gửi cô Elinor Carlisle, ngày 24 tháng Bảy:

 

Thưa cô Carlisle, hôm nay ông Gerrard đã tạ thế. Cô có cần đến tôi việc gì không? Tôi nghe nói cô đã bán nhà cho thiếu tá Somervell, dân biểu mới của chúng ta.

Kính chào cô,

PETER LORD

 

*

 

Thư của Elinor Carlisle gửi cho Mary Gerrard, ngày 25 tháng Bảy:

 

Em Mary thân mến,

Chị rất buồn khi nghe tin cha em vừa mất.

Đã có người hỏi mua Hunterbury - đó là thiếu tá Somervell. Ông ta nóng lòng muốn có nhà ngay, càng sớm càng tốt. Chị xuống đây để sắp xếp giấy tờ của cô chị và dọn dẹp nhà cửa. Em hãy dọn đồ đạc của cha em ra khỏi nhà săn, càng sớm càng hay. Chị hy vọng em được bình an và việc học xoa bóp không khó nhọc lắm.

Thân chào em,

ELINOR CARLISLE

 

*

 

Thư của Mary Gerrard gửi cho bà Hopkins, ngày 25 tháng Bảy:

 

Kính gửi cô Hopkins,

Cám ơn cô đã viết cho cháu biết tin về bố cháu. Cháu rất mừng là ông không bị đau đớn. Cô Elinor viết cho cháu là cô ta đã bán nhà và cô ta muốn phải dọn hết đồ ra khỏi nhà săn, càng sớm càng tốt. Xin cô vui lòng cho cháu được trọ tại nhà cô nếu ngày mai cháu xuống để làm lễ mai táng. Khỏi phiền cô trả lời, nếu cô đồng ý.

Kính chào cô,

MARY GERRARD