Cây đào quỳ ở Tân Cương

Phần I

Y như rằng ông đang ngồi trên gốc đào quỳ. Cây đào uốn nghiêng như trăn trằn mình, toác vảy; như làn da nhăn nhúm tróc mốc của ông.

Mỗi lần về, Vũ lại thấy ông già thêm và cũ kỹ. Không già nhanh sao được với cái tuổi tám mươi; không cũ kỹ sao được với trên năm mươi năm đóng đô ở góc thảo nguyên heo hút này. Quan điểm  của ông ngày càng xa thực tại. Thời buổi này mà vẫn khư khư cái thuở nào: Chỉ lao động ra của cải vật chất mới có giá trị, dịch vụ chỉ là đưa đẩy và đặc biệt coi thường thương mại: tựu chung chỉ là lừa đảo để mua rẻ bán đắt. Ông cháu ngồi với nhau thường dẫn đến xung đột ý kiến giữa tập thể và cá nhân, giữa hồng và chuyên, giữa già và trẻ. Ông đặc biệt ghét sùng ngoại; tức  giận khi nghe ta thán thời bao cấp. “Không có bao cấp thì không có chúng mày ngày nay để ngồi đó mà lên án”. Ông hay tổng kết “phải có con mắt lịch sử” mà lại không hiểu lịch sử đã sang trang. Thấy ông nóng là cháu nhịn: chẳng qua là mâu thuẫn thế hệ. Ấy thế mà mỗi khi gặp khó khăn, thất vọng, Vũ lại hay tìm về với ông và tìm thấy phấn chấn trư¬ớc những lời hừng hực, đôi mắt long lanh của ông. Không, không thể nói ông lạc hậu, bảo thủ. Ông nghe đài Tiếng nói Việt Nam, đọc báo Nhân Dân hàng ngày. Dù trong góc núi, ông vẫn cập nhật tình hình, chỉ có điều khác hướng với lớp trẻ. Như nói về tiêu cực, hạn chế của bộ máy nhà nước, ông dứt khoát cho là do cán bộ hư hỏng, chứ không thừa nhận khiếm khuyết của cơ chế và xin chớ có đụng vào đường lối. Ông thường buông một câu chẳng ai bắt bẻ được, chỉ không biết thực hiện thế nào: “Chả có việc gì không làm được, hãy xả thân vì công việc”. Ông còn hay lý lẽ: “Sự vật hiện ra bởi bản thân nó và phư¬ơng tiện quan sát nó. Có mắt đúng mới nhìn đúng được sự việc. Định hướng Xã hội chủ nghĩa nhìn sự việc khác với nô lệ Tư bản.

Cũng chẳng thể nói ông kém học vấn. Trong lý lịch khai trình độ văn hoá tiểu học, nhưng ông lại thông thạo lô-ga-rít và tam giác lượng, vì ông đã từng là đại đội trưởng pháo binh.  Kệ sách của ông có khá nhiều sách văn học mà người giữ thư viện nông trường khi sơ tán chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bảo ông thích quyển nào thì cứ giữ hộ.  Ông quên nhiều, có khi cả cốt chuyện nhưng nhớ như in những điều tâm đắc, như: “Bầu trời đen đặc như tương lai của chị” trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, “Nó về thì mày chết” trong Lão Hạc của Nam Cao khi lão cứ một miếng lại vứt cho con vàng một miếng trong nỗi nhớ con trai đi phu đồn điền tận tân thế giới, “Đêm nay các con nằm ở cuối bãi chân đèo nào” của Tô Hoài nói về ông già giữ kho thóc trong kháng chiến chống Pháp nhớ hai con đang ra trận, hay: “Cứ nhẩn nha đi sẽ tới” của một chị bí thư chi bộ là thương binh cụt chân nhất định xuống võng chống nạng lê từng bước về làng quê mới giải phóng trong một truyện ngắn của Nguyễn Khải. Mở đầu quyển sổ chép thơ của ông là những câu thơ đầy khí phách: “Con dấn thân ra chốn hải hồ/…… Con ra đi theo tiếng gọi của quê hương./ Giữa lúc ầm vang tiếng hổ gầm./ Giữa lúc nỗi đau còn giai cấp,/Và lòng Tổ quốc bị giam cầm…”

Bên những bài thơ hừng hực lý tưởng của Tố Hữu: Từ ấy, Ta đi tới, Bài ca Xuân sáu mốt lại là một đoạn thơ đầy mơ mộng chẳng biết của ai: “Ước gì cho má em hồng,/ Cho duyên em thắm, cho lòng em mơ./Ước gì gặp được nhà thơ/ Cho duyên thêm thắm, cho mơ thêm hồng”.

Rồi lại mấy câu thơ của Hồ Dzếnh “ Mình vừa là chị là em. Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời”.

Càng ngẫm, Vũ càng thấy không dễ hiểu ông nhưng rõ ràng ông bà có cuộc sống vô cùng đằm thắm. Hay mắng nhưng ông rất thương Vũ và Vũ cũng hết sức thương, kính ông. Cây đào già không còn rực rỡ hoa nhưng những cánh la đà điểm trên cành khẳng khiu lại như những đốm lửa trong ngày đông giá.

Cây đào này do chính tay ông  trồng.

Năm một ngàn chín trăm năm mươi tám, trong đợt giảm tám vạn quân, trung đoàn 280 được lệnh đi xây dựng nông trường. Trần Bính là một trong những người đầu tiên đến góc thảo nguyên này tiếp nhận đàn cừu Tân Cương do Trung quốc viện trợ và đặt luôn cho nó cái tên Tân Cương. Vai đeo ba lô, tay phải dắt bé gái, tay trái cầm cành đào. Bính hạ cành đào ngay trước cửa lán. Nó đã một lần được hạ ở doanh trại, nay lại chuyển về đây. Cành đào này anh triết tận trên Vân Hồ để cho bé đỡ nhớ bản. Anh đã cõng bé về trong một chiều sục tìm phỉ trên đỉnh 1125. Bé bị bỏ rơi, rét run trong một khe núi, chẳng biết bố mẹ chạy đằng nào. Chẳng biết giao lại cho ai mà bé cứ bám riết anh, anh đành đưa bé về đơn vị, và khi chuyển ngành ra xây dựng nông trường thì mang bé theo. Chiều chiều, hai bố con (anh đã nhận nó làm con nuôi) hay ngồi bên gốc đào nhìn lên đỉnh 1125. Anh bảo với nó: “Quê con ở đấy!”.

Trần Bính cũng hay ngồi nhìn xuôi về hư¬ớng Đông, nơi có giải núi mờ mờ ở đường chân trời.... Và thế rồi, một trưa có một thiếu phụ dắt đến một bé trai chừng năm tuổi, nói với anh: “Con bộ đội Mờng Khoa” rồi tất tưởi bỏ đi, nước mắt đầm đìa. Hẳn chị chưa có chồng vì búi tóc vẫn buông sau gáy. Mà cũng chả chắc vì người Mường đâu có tằng cẩu khi lấy chồng như người Thái. Mà cũng chả chắc là người Mường vì phụ nữ Thái trắng cũng đâu có tằng cẩu như phụ nữ Thái đen. Ở  Mộc hạ, người Thái trắng, Thái đen, người Mường ở xen kẽ chung bản chung làng, lấy lẫn nhau nên váy áo, tập quán, nếp sinh hoạt hoà đồng không khác biệt là bao. Có người cứ tưởng là Mường nhưng lại họ Sa, họ Quàng. Có người tưởng Thái lại có họ Mùi, họ Đinh.

Càng nhìn thằng bé, Trần Bính càng thấy quen quen...Thôi đúng rồi, cậu Tu.