Cha Con Giáo Hoàng

Chương 15

Khoảnh khắc bước vào căn nhà miền quê tiện nghi của Vanozza Catanei gợi Alexander nhớ lại tất cả những năm tháng hai người đã trải qua bên nhau, tất cả những khoảng thời gian họ cùng chia sẻ. Bao bữa tối trong phòng ăn được thắp sáng bằng nến, những đêm hè ấm áp ông đã qua với nàng trong phòng ngủ xa hoa trên gác lửng, mọi giác quan của ông như bừng dậy khi hương hoa nhài tràn qua cửa sổ mở rộng, ủ ngập căn phòng tối. Ông cảm nhận được sự bình yên và tình yêu thương, da thịt nàng áp vào người ông thật ấm áp, dễ chịu. Chính trong những đêm cuồng vui ngất ngây đó ông ngẫm ra rằng niềm tin của ông vào Thượng Đế đã đạt đến cực điểm, và ông đã thốt lên những lời thệ nguyện chân thành, sôi nổi nhất để phụng sự cho Hội Thánh Đức Mẹ.

Vanozza nồng hậu chào đón ông như thường lệ. Và Giáo hoàng, tươi cười, hồi tưởng, lùi lại một tí để nhìn nàng với vẻ âu yếm và ngưỡng mộ. “Em là một trong những phép lạ của Chúa,” ông nói. “Mỗi năm em lại càng đẹp thêm ra!”

Vanozza ôm hôn ông và cười lớn. “Nhưng tiếc rằng không còn đủ trẻ cho chàng, phải không, Rodrigo?”

Giọng của Alexander dịu dàng và trấn an. “Giờ đây anh là Giáo hoàng mà Vee. Khác với khi chúng ta còn trẻ chứ.”

“Với La Bella cũng khác sao?” Nàng chế giễu. Khuôn mặt của Alexander đỏ ửng, nhưng Vanozza đã toét miệng cười. “Anh nghiêm túc quá đấy, Rigo, em chỉ đùa thôi mà. Anh biết em đâu có oán hờn gì Julia, hay bất kì ai khác. Chúng ta từng là người yêu tốt của nhau, và càng tốt với nhau hơn trong tư cách bạn bè, vì những người bạn thực sự luôn hiếm hơn những người tình.”

Vanozza dẫn ông vào thư phòng và rót cho mỗi người một cốc rượu vang. Alexander mở lời trước. “Này Vee, tại sao em yêu cầu anh đến? Có phải các vườn nho hay các hàng quán gặp chuyện trục trặc?”

Vanozza ngồi đối diện Giáo hoàng và vui vẻ nói. “Trái lại, cả hai đều rất tốt, đều đang làm ra tiền. Ít có ngày nào qua đi mà em không cảm thấy đầy lòng biết ơn đối với lòng độ lượng hào hiệp của anh. Vả chăng, em vẫn yêu anh dầu giả sử anh chẳng mua sắm gì cho em. Nếu đủ khả năng, em sẽ dâng hiến hàng núi tặng phẩm cho anh.”

Alexander nói, đầy âu yếm, “Anh biết thế, Vee à. Nhưng nếu không phải chuyện đó, vậy thì điều gì khiến em ưu tư và anh có thể làm gì cho em?”

Giờ đây đôi mắt Vanozza sẫm màu với nét nghiêm nghị. “Là chuyện con trai chúng ta, Rigo à. Chuyện của Cesare. Anh phải nhìn rõ xem nó thực sự là ai.”

Alexander nhíu mày trong lúc giải thích. “Anh hiểu con rõ lắm chứ. Nó là đứa thông minh nhất trong số những đứa con của chúng ta. Và một ngày kia nó sẽ là Giáo hoàng. Khi anh mất, nó sẽ được bầu làm Giáo hoàng - bởi nếu không, sinh mệnh của nó và cả nhà ta, sẽ lâm nguy.”

Vanozza lắng nghe, nhưng khi ông dứt lời, bà vẫn nhất mực khuyên, “Cesare không muốn làm Giáo hoàng, Rigo à. Ngay cả làm hồng y con nó cũng đâu muốn. Anh phải biết chuyện đó chứ. Nó là một chiến binh, một người tình, một kẻ muốn sống thật trọn vẹn. Tất cả sự giàu sang và những cô nhân tình mà anh cho nó cũng không làm con tim nó vui; mọi bổng lộc và gia tài sự sản vẫn để lại sự trống vắng trong tâm hồn nó. Nó chỉ thấy vui khi đương đầu với những thách thức, gian nguy, chứ không thích ngồi yên một chỗ mà kí những chỉ dụ, Rigo à.”

Alexander ngồi lặng yên, trầm tư. Rồi ông nói, “Nó nói với em chuyện này à?”

Vanozza mỉm cười và xích lại gần ông. “Em là mẹ nó. Nó không cần nói, em cũng biết, và anh cũng thế.”

Bỗng nhiên nét mặt Alexander trở nên nặng nề. “Nếu anh thật sự là cha nó, giống như em thực sự là mẹ nó, mọi chuyện sẽ rõ ràng với anh…”

Vanozza Catanei cúi thấp đầu một lúc, như thể thầm nguyện cầu. Khi nàng ngước đầu lên, đôi mắt nàng trong sáng, giọng mạnh mẽ. “Rigo, em sẽ chỉ nói chuyện này một lần thôi, vì em cảm thấy không cần thiết phải tự biện hộ. Tuy nhiên, em cảm thấy anh có quyền được biết. Vâng, đúng là Giuliano della Rovere và em từng là người tình của nhau trước khi anh và em gặp nhau. Đúng ra là, cho đến khi trái tim em nhảy loạn nhịp ngay lần đầu gặp anh. Và em sẽ không kẻ cả mà giả vờ rằng lúc đó em còn trinh trắng, bởi anh biết rằng chuyện đó không thể là thật. Nhưng trên danh dự của em, và dưới ánh mắt thấu suốt của Đức Mẹ, em xin thề với anh rằng Cesare là con anh, chứ không phải của ai khác.”

Alexander lắc đầu và đôi mắt ông dịu lại. “Trước đây anh không bao giờ có thể chắc chắn, Vee à, em biết điều đó. Anh không bao giờ có thể cảm thấy chắc chắn. Và như thế anh không thể tin những gì anh nghĩ về Cesare hay những gì nó nghĩ về anh.”

Vanozza nắm lấy tay Alexander. “Trước đây chúng ta không bao giờ có thể nói về chuyện này. Bởi vì để bảo vệ cho cả anh và con chúng ta, em phải để cho Giuliano tin rằng Cesare là con hắn. Nhưng em xin thề với Chúa Jesus rằng đó là lời nói dối. Em làm như thế để ngăn ngừa Giuliano, bởi trái tim hắn không tốt và không dễ tha thứ như anh. Cách duy nhất để tránh khỏi sự phản bội của hắn là để cho hắn tin rằng con của anh là con của hắn.”

Alexander tranh đấu với bản thân trong một lúc. “Làm thế nào để anh hoặc em tin đó là thật? Làm thế nào chúng ta có thể biết chắc?”

Vanozza nắm lấy bàn tay Giáo hoàng và đưa lên trước mặt ông. Nàng xoa nó chầm chậm, “Em muốn anh quan sát kĩ bàn tay này, Rigo à. Em muốn anh xem xét nó cẩn thận, từng góc cạnh, từng hình dáng. Và sau đó em muốn anh xem xét bàn tay của con anh. Vì từ khi nó chào đời, em luôn sống trong nỗi sợ hãi rằng có người phát hiện ra điều mà với em, đã quá rõ ràng, và như thế, em sẽ mất tất cả.”

Bỗng nhiên Alexander hiểu ra mối hiềm thù của Giuliano della Rovere đối với mình, hiểu được lòng ganh tị và căm ghét của ông ta. Bởi vì ông có được mọi thứ mà della Rovere từng tin là của ông ta - chức Giáo hoàng, người tình, đứa con.

Các hồng y đều biết chuyện della Rovere chỉ yêu một lần, và Vanozza là tình yêu lớn trong đời ông ta. Ông ta cảm thấy bị sỉ nhục khi nàng bỏ ông để đi theo Rodrigo Borgia. Trước đó, đôi mắt ông ta vẫn luôn ánh lên tia vui mừng và luôn sẵn tiếng cười. Chỉ sau khi Vanozza bỏ đi, ông mới trở thành một con người cay đắng, dễ nổi giận và cuồng tín đến thế. Ông không có được đứa con trai nào mà chỉ sinh ra toàn là con gái. Chúa đã thử lòng ông như thế đấy sao?

Alexander cảm thấy một làn sóng khuây khỏa tràn qua người vì giờ đấy ông đã hiểu ra được nhiều lắm, đến nỗi lòng ông tự thừa nhận mối nghi ngờ bấy lâu nay về Cesare. Nếu như ông không yêu Vanozza với đam mê cuồng nhiệt và ngưỡng mộ bà đến thế, hẳn ông đã đặt vấn đề này sớm rồi, tránh được cho bản thân và cho Cesare bao đau khổ. Nhưng sống thiếu bà, chấp nhận nguy cơ mất bà, là một cái giá quá đắt, vậy nên ông ngại phải đặt vấn đề và đành chọn giải pháp “thôi, đừng thắc mắc!”

“Ta sẽ xem xét những gì em gợi ý về con chúng ta,” Alexander bảo Vanozza. “Và anh sẽ nói với Cesare về việc lựa chọn thiên hướng của nó, nếu nó thổ lộ với anh.”

Giọng của Vanozza đầy trắc ẩn. “Con của chúng ta, Juan đã chết, Rigo. Không có nó cuộc sống sẽ không bao giờ giống như cũ. Nhưng Cesare của chúng ta vẫn còn sống và anh cần nó để thống lĩnh quân đội. Nếu không phải nó, thì còn ai? Jofre chăng? Không, Rigo à. Phải là Cesare, bởi nó là chiến binh. Nhưng để nó tự khẳng định mình anh phải dùng đến tình yêu để giải phóng cho con. Hãy để người khác làm Giáo hoàng. Trước giờ chúng ta vẫn sống hạnh phúc đấy thôi.”

Trong lúc đứng dậy và cúi người để hôn lên má Vanozza, Alexander ngửi thấy mùi nước hoa nơi người bà. Vẫn là hương xưa ấy. Và khi xoay gót ra đi, vẫn còn chút luyến tiếc, bâng khuâng…

Vanozza đứng nơi bục cửa, và mỉm cười, vẫy tay. “Nhớ nhìn kĩ đôi bàn tay của con, Rigo nhé. Chúc anh bình an.”

* * *

Ngày Cesare từ Florence quay về Rome, chàng liền đến hội ý với cha và Duarte Brandao. Họ rút lui vào căn phòng bên trong treo đầy thảm thêu và được trang hoàng bằng những chiếc tủ chạm trổ tinh vi đựng lễ phục của ông. Ở đây không còn những nghi thức nữa. Alexander ôm chầm lấy con trai, thân mật khác thường, khiến Cesare đâm ra hơi e dè.

Duarte mở lời trước. “Anh có thấy tên ngôn sứ kia nguy hiểm cho chúng ta như lời đồn lâu nay?” Ông hỏi.

Cesare ngồi trên chiếc ghế có gối lót đối diện Duarte và cha chàng. “Hắn là một diễn giả sôi nổi, lôi cuốn, và dân chúng ùn ùn kéo đến như đi hội, để nghe hắn thuyết giáo.”

Alexander có vẻ hứng thú. “Hắn nói về chuyện gì?”

“Cải cách,” Cesare nói. “Và những chuyện buông thả, phóng túng của nhà Borgia. Hắn gán cho chúng ta đủ loại tội xấu xa và khiến cho dân chúng hoảng sợ đến độ tin rằng nếu đi theo Hội Thánh La Mã và tôn vinh giáo triều thì sẽ bị đọa đời đời.”

Alexander đứng lên và bắt đầu đi tới đi lui. “Thật đáng tiếc là một tài trí thông tuệ như hắn lại bị quỷ ám đến lầm lạc như thế! Ta rất thích đọc các bài viết của hắn. Và ta có nghe rằng hắn ngưỡng mộ thế giới tự nhiên - rằng thường vào những đêm trời trong, hắn hay đánh thức mọi người trong tu viện, kêu họ ra ngoài sân ngắm các vì sao.”

Cesare ngắt lời Alexander. “Thưa cha, hiện nay hắn là một mối nguy cho chúng ta. Hắn khăng khăng phải cải cách quyết liệt, và đứng chung chiến tuyến với quân Pháp. Hắn còn nhấn mạnh rằng chức vị Giáo hoàng phải về tay người nào thực sự đức hạnh. Người đó không ai khác chính là Giuliano della Rovere.”

Alexander nổi cơn thịnh nộ. Ông quay sang Duarte và nói, “Ta rất lưỡng lự khi buộc một kẻ từng tận tụy phục vụ Giáo hội phải thú nhận tội lỗi nhưng ta e rằng lại phải làm chuyện chẳng đặng đừng. Duarte hãy xem coi có cách nào giải quyết chuyện này nhanh gọn cho ta được không, vì lập lại trật tự cho Florence là chuyện cấp thiết, tránh xảy ra nhiều chuyện nguy hại hơn nữa.”

Duarte cúi đầu chào tạm biệt.

Alexander cuối cùng ngả mình trên chiếc đi-văng và ra hiệu cho Cesare đến ngồi trên chiếc ghế đẩu bọc nhung. Mặt ông có vẻ vô cảm nhưng đôi mắt phóng ra tia nhìn khôn ngoan sắc sảo mà ông không bao giờ biểu lộ trước công chúng. Ông nói, giọng gần như trang trọng, “Đây là lúc con phải thành thực nói rõ lòng mình. Con có yêu Hội Thánh giống như ta? Con có tiếp tục hiến đời mình cho Hội Thánh như ta không?”

Điều này diễn tiến theo hướng mà Cesare hằng hi vọng. Chàng từng tỏ rõ dụng ý chứng tỏ cho cha thấy rằng mình là một người lính chứ không phải là nhà tu. Chàng ngẫm nghĩ câu trả lời một cách thận trọng. Phải làm sao cho Giáo hoàng tin tưởng chàng tuyệt đối. Cesare biết rằng cha không yêu mình bằng yêu Juan, nhưng chàng cũng tin cha yêu chàng trong một chừng mực nào đó. Chàng cũng biết rằng mình phải đề phòng mưu chước của ông bố, thứ vũ khí mà ông không ngại dùng ngay cả đối với những người ông yêu mến nhất, ngưỡng mộ nhất. Cesare buộc lòng phải giữ kín những bí mật riêng tư khủng khiếp nhất của mình.

“Thưa cha,” cuối cùng chàng nói, “con phải thú nhận rằng mình có quá nhiều ham muốn trần tục nên không thể phụng sự Giáo hội như cha mong ước. Và con không muốn để linh hồn mình bị đày trong hỏa ngục.”

Alexander ngồi lên trên đi-văng để có thể nhìn thẳng vào đôi mắt Cesare. “Hồi còn trẻ ta cũng rất giống con,” ông nói. “Không ai nghĩ rằng ta sẽ thành Giáo hoàng. Nhưng ta đã khổ nhọc trong bốn mươi năm và trở thành một người tốt hơn, một tu sĩ tốt hơn. Điều tương tự cũng có thể xảy đến cho con.”

“Con không muốn điều đó,” Cesare nói tỉnh khô.

“Tại sao không?” Alexander hỏi. “Con thích quyền lực, con thích tiền của. Trong thế giới này người ta phải làm việc để sống còn. Và với tài năng thiên phú của mình, con có thể đưa Giáo hội lên đỉnh cao ưu việt.” Ông tạm dừng một lúc. “Có tội trọng nào đè nặng lên lương tâm con khiến con tin rằng mình không thể phụng sự Giáo hội?”

Trong thời khắc đó, Cesare suy đoán lung tung. Cha chàng muốn chàng thú nhận sự thật về quan hệ xác thịt giữa chàng với Lucrezia. Nhưng nếu chàng thú nhận, chàng biết rằng cha sẽ không bao giờ tha thứ cho mình. Mặc dầu chàng thấy khó che giấu sự thật, Cesare nhận ra rằng cha chàng muốn được nghe nói dối, nhưng phải có sức thuyết phục. “Đúng vậy,” Cesare nói. “Con đã phạm tội trọng. Nhưng nếu con thú nhận, trong lòng cha sẽ kết tội con mất.”

Alexander nghiêng người tới trước. Ánh mắt đanh lại, sắc lẻm, không có chút rộng lượng bao dung nào. Vào thời điểm đó, mặc dầu Cesare tin chắc cha đã đoán ra rằng chàng vẫn còn là người tình của Lucrezia suốt những năm qua, nhưng chàng cũng không thể ngăn cảm giác hân hoan khi đánh lừa được cha mình.

“Chẳng có gì mà Chúa lại không tha thứ được,” Alexander nói.

Cesare nói khẽ khàng, bởi chàng biết những lời nói của mình sẽ gây ảnh hưởng ra sao. “Con không tin vào Chúa. Con không tin vào Chúa Jesus, không tin Đức Mẹ Đồng Trinh, không tin vào bất kì vị thánh nào.”

Alexander dường như thoáng chút sửng sốt, rồi bình tĩnh lại. “Nhiều kẻ tội lỗi đều nói y như thế bởi vì chúng sợ sự trừng phạt sau khi chết,” ông nói. “Vậy nên chúng cố phủ nhận sự thật. Còn chuyện gì khác nữa không?”

Cesare không thể nén cười. “Dạ còn nhiều, nhiều lắm. Gian dâm loạn luân này. Ham mê quyền lực này. Giết người, nhưng chỉ với những kẻ thù nguy hiểm. Nói dối này. Nhưng cha đều biết tỏng cả rồi. Con chẳng còn gì để xưng tội nữa.”

Alexander nắm lấy đôi bàn tay Cesare, xem xét chúng cẩn thận. “Nghe này, con trai,” ông nói. “Con người mất niềm tin khi những oan nghiệt của cuộc đời trở nên quá sức chịu đựng đối với họ, họ kêu cầu đến một Thượng Đế vĩnh hằng, đầy tình thương. Họ kêu cầu từ tâm vô hạn của ngài. Họ kêu cầu Hội Thánh. Nhưng niềm tin phải được phục sinh bằng hành động. Ngay cả các vị thánh cũng là những con người hành động. Ta chẳng hề quan tâm đến những con người thánh thiện tự hành xác mình, hàng bao năm trời suy nghiệm về những bí ẩn của nhân loại trong tu viện. Họ chẳng làm được gì nhiều cho Giáo hội; không giúp duy trì được Giáo hội trên trần gian này. Chính những người như con, như ta phải chu toàn bổn phận đặc thù của chúng ta. Cho dầu là,” và đến đây Alexander đưa lên một ngón tay hiệu lệnh kiểu Giáo hoàng, “linh hồn của chúng ta phải nằm trong Luyện ngục một thời gian. Hãy nghĩ đến biết bao nhiêu linh hồn tín đồ Ki-tô hãy còn chưa sinh ra mà chúng ta sẽ cứu vớt trong hàng trăm năm sắp tới. Những kẻ sẽ tìm thấy cứu rỗi trong một Hội thánh Công giáo mạnh mẽ. Đọc kinh cầu và xưng tội là niềm an ủi về những chuyện ta đã làm. Sá gì đám theo Chủ nghĩa nhân văn - tín đồ của các triết gia Hy Lạp - tin rằng chỉ có con người là hiện hữu. Vẫn có một Thượng Đế Toàn Năng, đầy từ tâm và toàn trí. Đấy là niềm tin của chúng ta. Và con phải tin. Cứ sống với các tội lỗi của con, xưng tội hay không tùy con, nhưng đừng bao giờ mất niềm tin - vì ngoài đức tin, ta không còn gì cả.”

Diễn từ hùng hồn và đầy nhiệt hứng này, tiếc thay, lại chẳng làm cho Cesare xúc động một tí ti nào. Bởi niềm tin không giải quyết được những vấn đề của chàng. Chàng buộc phải tranh đấu vì quyền lực ở thế gian này, hoặc là chiếc đầu lâu của chàng sẽ trang trí các bức tường của thành Rome. Chàng muốn có vợ có con, để được như thế, chàng phải có chức có quyền, có tiền có của, chứ không thể trở thành tên dân đen trong lũ người thấp cổ bé họng kia được. Và để làm được điều đó, chàng phải phạm những tội lỗi mà vì chúng Chúa của cha chàng sẽ bắt chàng phải chịu đau khổ. Thế thì tội quái gì chàng lại đi tin vào một thần linh kiểu đó? Và chàng lại đang là một con người với sinh lực dồi dào sung mãn, một chàng trai mới tuổi hai mươi ba: rượu nồng, dê béo và da thịt đàn bà làm máu chàng chạy rần rật trong người khiến chàng không thể tin một ngày nào đó mình sẽ chết, cho dù chàng đã chứng kiến cái chết của những người khác không biết bao nhiêu lần.

Nhưng Cesare vẫn cúi đầu. “Con tin vào Rome, thưa Đức Thánh Cha,” chàng nói. “Con nguyện dâng hiến đời mình để bảo vệ Rome nếu như cha trao cho con phương tiện để chiến đấu vì nó.”

Alexander lại thở dài. Cuối cùng, ông đành chịu thua đứa con này, bởi ông nhận ra rằng Cesare có thể là công cụ uy lực nhất và hữu hiệu nhất của ông.

“Vậy thì chúng ta phải vạch kế hoạch,” ông nói. “Ta sẽ bổ nhiệm con làm thống soái quân đội giáo triều, con sẽ tái chiếm các lãnh thổ thuộc giáo triều và trở thành công tước xứ Romagna. Một ngày nào đó chúng ta sẽ thống nhất tất cả các thành bang lớn trên đất Ý, cho dầu chuyện đó dường như bất khả thi: dân Venice sống trên mặt nước giống như loài rắn; đám người bệnh hoạn, ranh ma xứ Florence; bọn Bologna kiêu căng ngạo mạn vô ân bạc nghĩa với Giáo hội Đức Mẹ. Nhưng chúng ta phải xây nhà từ móng. Con phải là chủ nhân của Romagna, và để làm thế, trước tiên con phải lấy vợ. Chúng ta sẽ họp với Hồng y đoàn trong vài ngày tới và con sẽ trả lại chiếc mũ hồng y cho bọn họ. Sau đó ta sẽ phong con làm thống soái quân đội. Những bổng lộc con mất từ nhà thờ, con sẽ thu lại từ chiến tranh.”

Cesare cúi đầu. Để tỏ lòng biết ơn, chàng định hôn chân Giáo hoàng, cha mình, nhưng thực hiện chậm chạp, khiến Alexander mất kiên nhẫn xoay đi và nói, “Này Cesare hãy yêu Giáo hội hơn và bớt yêu cha anh đi. Hãy chứng tỏ sự phục tùng đối với ta bằng hành động chứ không phải bằng những cử chỉ hình thức. Anh là con ta và ta tha thứ mọi tội lỗi của anh - như bất kì ông bố đẻ nào.”

Lần đầu tiên trong những năm tháng dài đằng đẵng, Cesare mới tràn đầy tự tin rằng chàng làm chủ vận mệnh của mình.

* * *

Vào cái đêm mà hợp đồng hôn nhân cuối cùng giữa con gái Giáo hoàng và hoàng tử Alfonso được kí kết, Alexander nói với Duarte. “Ta muốn nghe Lucrezia cười trở lại,” ông nói. “Đã quá lâu rồi con bé không hề cười vui.”

Ông biết năm vừa qua là một năm khó khăn biết bao đối với con gái yêu, và ông hi vọng sẽ bù đắp tương xứng để bảo đảm lòng trung thành của con gái. Nghe nói Alfonso xứ Aragon được mọi người phong là “chàng trai tuấn tú nhất Đế Đô,” Giáo hoàng bèn muốn dành cho con gái yêu sự ngạc nhiên thích thú nên ông lệnh rằng phải giữ bí mật việc Alfonso đến Rome.

Một sáng mai nọ, chàng trai trẻ Alfonso đi vào thành Rome, chỉ với bảy người tháp tùng. Những người còn lại trong số năm mươi người đi theo chàng từ Naples được để lại ngoài cổng thành Marino. Chàng được các phái viên của Giáo hoàng đón rước và đưa ngay vào Vatican, khi Alexander đã yên tâm về ngoại hình bắt mắt và phong thái dễ mến của chàng ta, Alfonso lại lên ngựa đến cung Santa Maria in Portico.

Lucrezia đứng nơi ban-công khẽ ngâm nga một bài tình ca trong lúc nhìn mấy đứa bé chơi đuổi bắt dưới các con phố. Hôm đó là một ngày mùa hạ đẹp trời và nàng đang nghĩ đến vị hôn phu của mình, bởi cha nàng đã thông báo rằng chàng ta sẽ đến đây trước cuối tuần. Nàng nôn nao chờ gặp chàng bởi chưa từng có người nào mà anh Cesare của nàng lại nói chuyện hào hứng đến vậy.

Bỗng dưng Alfonso cưỡi ngựa đến và xuất hiện ngay trước mắt nàng. Lucrezia vừa thoáng thấy chàng hoàng tử trẻ, trái tim nàng bắt đầu đập dồn dập, tựa như lần đầu tiên ấy. Hai đầu gối nàng như muốn ngã quỵ, Julia cùng một cô hầu, vừa mới đến để báo cho nàng rằng hoàng tử Alfonso sắp đến, phải đỡ nàng khỏi ngất đi. Nhưng cả hai đều chậm chân một bước và Lucrezia đã khụy xuống.

“Vinh danh Chúa Cả trên trời,” Julia nói, tươi cười. “Chàng là tạo vật tuyệt mĩ nhất mà công nương từng thấy, đúng không nào?”

Lucrezia yên lặng. Ngay lúc đó Alfonso nhìn lên và trông thấy nàng dường như chàng cũng hóa ngây ngô, mụ mẫm cả người như bị thôi miên…

Sáu ngày trước khi cử hành hôn lễ, Lucrezia và Alfonso cùng dự những bữa tiệc tưng bừng hoặc cùng nhau đi dạo ở miền quê. Họ thăm viếng những cửa hàng thanh lịch nhất, các con phố nên thơ của thành Rome, thức khuya, dậy sớm.

Như một đứa bé, Lucrezia lại chạy đến chỗ của cha và vui vẻ ôm hôn cha. “Papa, con biết nói gì để tạ ơn người? Làm sao người biết được là người đã đem lại cho con hạnh phúc biết bao!”

Con tim Alexander thấy vui trở lại. Ông bảo con gái, “Ta muốn cho con mọi thứ mà con muốn… và cả những kho báu lớn ngoài sức tưởng tượng.”

Hôn lễ lần này cũng giống như hôn lễ lần đầu của Lucrezia, được cử hành long trọng và xa hoa nhưng có khác là lần này nàng hoàn toàn tự nguyện khi thốt lời thề ước và không mấy để ý đến lưỡi gươm tuốt trần do viên sĩ quan Tây Ban Nha, Cervillon, giữ trên đầu nàng.

Đêm đó, sau buổi lễ, Lucrezia và Alfonso vui sướng hoàn thành hôn ước của họ trước sự chứng kiến của Giáo hoàng và hồng y Ascanio Sforza, và ngay sau khi được phép, đôi tân hôn nhanh chóng rút về Santa Maria in Portico, tận hưởng ba ngày ba đêm cùng nhau mê đắm trong lạc thú ái ân vợ chồng. Họ không cần gì khác ngoài cần nhau. Và lần đầu tiên trong đời, Lucrezia cảm nhận sự tự do của một tình yêu được cho phép.

* * *

Sau lễ cưới em gái, chàng Cesare cô đơn đi thơ thẩn qua dãy phòng của mình ở Vatican. Đầu óc chàng quay cuồng với bao ý nghĩ và những kế hoạch cho chính mình khi trở thành thống soái quân đội, nhưng trái tim chàng thì đã hóa đá.

Chàng đã hành xử hết sức kiềm chế suốt trong hôn lễ của em gái mình, thậm chí còn góp vui cho tiệc cưới bằng cách xuất hiện trong trang phục kì lân - một biểu tượng trong thần thoại tượng trưng cho trinh bạch và thuần khiết - để diễn một vở kịch do Alexander yêu cầu sau khi nhìn ngắm Lucrezia và Sancia nhảy múa trước mặt ông. Giáo hoàng thích nhìn ngắm các cô gái trẻ khoác trang phục rực rỡ, uốn lượn trong điệu vũ Tây Ban Nha tiết tấu nhanh mà ông còn nhớ từ thời thơ ấu, và lắng nghe tiếng gõ giày lóc cóc trên sàn đá hoa cương.

Cesare đã uống quá nhiều, nhưng rượu làm cho đêm nay dễ chịu hơn. Giờ đây khi men rượu đã tan, chàng càng thấy cô đơn, bồn chồn không yên.

Ngày hôm ấy, Lucrezia càng đẹp hơn thường lệ. Chiếc áo cưới màu đỏ sẫm kết nhiều châu ngọc lấp lánh, viền nhung đen, thắt đai bằng ngọc trai, khiến nàng trông giống một nữ hoàng. Lúc này, trông nàng thật kiêu sa, vương giả, không còn là một bé gái nữa. Kể từ đám cưới trước, nàng đã trở thành nữ gia chủ trong dinh thự riêng của mình, đã có con, và tự tin, thoải mái trong giao tiếp xã hội. Cho đến ngày đó, Cesare rất ít để ý sự thay đổi nơi em gái mình. Trong trang phục hồng y, chàng đã ban phước cho nàng và chúc nàng mọi điều tốt đẹp, nhưng từ trong trái tim mình chàng nhận ra một cơn giận đang lớn dần.

Nhiều lần sau lễ cưới, nàng bắt gặp ánh mắt Cesare và mỉm cười để trấn an chàng. Nhưng sau này, mỗi khi đêm đến, chàng lại càng khó gặp được nàng. Mỗi lần chàng lại gần nói chuyện, nàng lại đắm vào cuộc trò chuyện với Alfonso. Tươi cười, hoạt bát, có đến hai lần nàng còn không để ý đến chàng. Và khi rời đại sảnh trong đêm ấy để hoàn tất hôn ước, nàng còn không nghĩ đến cả việc nói lời chúc ngủ ngon với chàng.

Cesare tự nhủ rằng, chàng sẽ dần quên những cảm xúc đêm nay. Rằng một khi chàng đã đặt chiếc mũ hồng y xuống và có cuộc sống riêng của mình, một khi chàng đã lấy vợ đẻ con, một khi chàng đã trở thành thống soái quân đội và đánh những trận long trời lở đất như chàng hằng mơ ước, thì chàng sẽ không còn mơ tưởng đến nàng nữa.

Thế rồi tâm trí chàng lại tìm cách lỡm chàng. Chàng tự thuyết phục mình rằng cuộc hôn nhân giữa Lucrezia và Alfonso thật ra chỉ là một mánh khóe do cha chàng dàn dựng để liên kết Rome với Naples, để Cesare có thể kết hôn với một công chúa người Naples. Chàng biết Rosetta, con gái vua Naples sẽ đến lượt thành thân. Chàng nghe phong thanh rằng nàng rất xinh tươi và vui tính. Khi đã có địa vị vững chắc, được ban tài sản và tước vị ở Naples, chàng có thể bắt đầu tiến hành chiến tranh với đám giám mục và nam tước, chinh phục phần còn lại của Romagna cho Giáo hoàng và cho nhà Borgia.

Đêm ấy, chàng cố chìm vào giấc ngủ với giấc mơ khải hoàn, nhưng chàng cứ thức giấc mãi, trằn trọc suốt đêm vì khát khao em gái mình.