Cha Con Giáo Hoàng

Chương 18

Suốt nhiều tuần lễ sau, nghiêm trang trong bộ quần áo đen, Cesare nặng nề bước tới lui qua các đại sảnh của điện Vatican, sưng sỉa và tức giận, bởi chàng đã mất kiên nhẫn khi phải chờ đợi khá lâu để bắt đầu cuộc đời mới. Mỗi ngày chàng đều bồn chồn tính từng giờ, sốt ruột chờ mong lời mời chính thức từ vua Louis XII của Pháp. Chàng thấp thỏm, mong muốn thoát khỏi thành Rome quá quen thuộc, bỏ lại đằng sau mọi hoài niệm về em gái mình và về quãng đời khoác áo hồng y.

Suốt những tuần lễ này, các cơn mộng dữ đêm đêm lại quay về, chàng miễn cưỡng đi ngủ vì sợ phải thức giấc với mồ hôi lạnh khắp người, tiếng kêu ú ớ nửa chừng, chưa thốt thành lời. Cho dầu chàng đã cố gắng xóa bỏ hình bóng em gái khỏi tâm trí, song mối ám ảnh vẫn không thể xua tan. Và mỗi lần nhắm mắt lại cố ngủ, chàng lại mường tượng mình đang làm tình cùng em gái.

Khi Giáo hoàng hân hoan thông báo cho chàng rằng Lucrezia đã lại có mang, chàng bỏ cả ngày cưỡi ngựa lang thang khắp miền quê, lòng dạ buồn não nề như điên dại vì ghen tuông và tức giận.

Đêm đó, khi đang trằn trọc trong giấc ngủ thao thức, một ngọn lửa vàng rực cháy bùng lên trong các giấc mơ của chàng. Bỗng nhiên, khuôn mặt ngọt ngào của em gái chàng hiện ra, chàng xem đó là một dấu hiệu, một biểu tượng cho tình yêu của họ. Ngọn lửa sưởi ấm chàng rồi thiêu đốt chàng, nhưng nó vẫn bừng sáng. Đêm đó, chàng đã nguyện rằng mình sẽ mang theo hình ảnh ngọn lửa đó bên mình, làm dấu hiệu riêng, bên cạnh gia huy con bò mộng màu đỏ nhà Borgia. Từ ngày ấy trở đi, trong thời bình hay thời chiến, ngọn lửa tình yêu ấy sẽ chiếu sáng tham vọng cháy bỏng của chàng.

* * *

Hồng y Giuliano della Rovere từng là kẻ thù thâm độc nhất của Giáo hoàng Alexander trong nhiều năm. Nhưng sau cuộc lưu vong sang Pháp - vì mưu đồ nhằm lật đổ Giáo hoàng thất bại và liên minh với ông vua bất hạnh Charles VIII - della Rovere nhận ra rằng thái độ ưa gây hấn chẳng đem lại điều gì tốt đẹp mà chỉ gây khốn khổ cho chính mình. Một người như ông có lẽ sẽ thấy những lối đi đông đúc, chật hẹp của điện Vatican thoải mái hơn nhiều, nơi ông có thể lên những kế hoạch tinh vi cho tương lai chính mình và đánh giá vị thế của mình khi trực tiếp nói chuyện với cả bạn bè lẫn kẻ thù. Nơi đó, chỉ cần một nét mặt, hay một chút biến đổi trong giọng nói, ông có thể biết được nhiều thứ hơn cả những hiệp ước thành văn.

Khi della Rovere đã xác định rằng thái độ chống đối Giáo hoàng không còn đem lại lợi ích cho bản thân, ông nhanh chóng tìm cách hòa giải. Cơ hội đã đến nhờ cái chết của Juan, con trai thứ của Giáo hoàng. Ông liền cầm bút viết một bức thư phân ưu gửi Alexander. Nỗi buồn khổ của Giáo hoàng, cùng với quyết định đổi mới bản thân và canh tân Giáo hội đã khiến Giáo hoàng nhận thông điệp của hồng y với nhiều thiện cảm. Giáo hoàng đã phúc đáp với một giọng văn đầy thiện chí và mời hồng y della Rovere làm Khâm sứ Tòa thánh ở Pháp. Vì dù đang buồn khổ, Giáo hoàng vẫn ý thức được tầm quan trọng của della Rovere nơi giáo triều, và dự định rằng có thể một ngày nào đó ông phải nhờ đến sự giúp sức của ông ta.

* * *

Cuối cùng, Cesare cũng nhận được lời mời đến hội kiến vua Louis XII ở Chinon, chàng có hai sứ mệnh quan trọng phải hoàn thành: Trước tiên chàng phải mang sắc chỉ đặc miễn của Giáo hoàng, đến cho nhà vua - và sau đó chàng phải thuyết phục công chúa Rosetta chịu làm vợ mình.

Alexander gọi chàng vào phòng riêng trước khi chàng lên đường sang Pháp. Sau khi ôm con, ông trao cho Cesare tấm giấy da dê với niêm phong của giáo triều bằng sáp đỏ. “Đây là sắc chỉ đặc miễn cho nhà vua hủy bỏ cuộc hôn nhân trước đây của ông ấy và cho phép ông ta cưới hoàng hậu Anne xứ Brittany. Chuyện này tối quan trọng, bởi đây không phải là chuyện muốn lấy vợ đẹp, mà đúng hơn, là một vấn đề chính trị tế nhị. Bởi vì nếu nhà vua không thể kết hôn với Anne, bà ta sẽ đưa Brittany thoát khỏi sự kiểm soát của người Pháp, điều này sẽ là một cú tát nặng nề cho kế hoạch thành lập một nước Pháp vĩ đại của Louis.”

“Thế ông ta không thể li dị Jeanne hoặc chứng minh những cơ sở để hủy hôn ước hay sao?” Cesare hỏi.

Alexander mỉm cười. “Chuyện thoạt nhìn có vẻ như đơn giản, nhưng thật ra lại không đơn giản chút nào. Bởi vì mặc dầu Jeanne de France thấp bé và dị dạng, nhưng bà ta thực sự là nhân vật có tầm cỡ và là một đầu óc thông tuệ. Bà đã mang đến những nhân chứng thề rằng họ từng nghe Louis công khai tuyên bố ông ta đã cưỡi trên mình bà hơn ba lần vào đêm tân hôn. Thêm vào đó, ông ta cho rằng lúc cưới hỏi mình chưa đến mười bốn tuổi, dưới tuổi tự quyết, thế nhưng chẳng có ai thể làm chứng cho ngày sinh tháng đẻ của ông ta.”

“Và cha sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?” Cesare hỏi kiểu ma mãnh.

“À,” Alexander nói, thở ra. “Được làm một Giáo hoàng bất khả ngộ, quả là một ơn phước thực sự. Ta chỉ việc ấn định tuổi tác ông ta theo ý mình, và tuyên bố rằng mọi bằng chứng chứng minh điều ngược lại đều là giả tạo, sai lầm.”

“Con còn phải mang thêm gì nữa để được chào đón nồng hậu hay không?” Cesare hỏi.

Giọng của Alexander trở nên nghiêm trang. “Chiếc mũ đỏ của một hồng y cho người bạn của chúng ta, Georges d’Amboise.”

“D’Amboise muốn làm hồng y, nhưng ông ấy là một vị đại sứ tinh tế,” Cesare nói.

“Ông ta ao ước chiếc mũ đỏ vô cùng,” Alexander nói, “nhưng chỉ cô nhân tình của ông ta biết rõ lí do.”

Giáo hoàng ôm Cesare thắm thiết. “Cha sẽ thấy hụt hẫng đấy nếu thiếu vắng con, con trai ạ. Nhưng cha đã lo liệu chu đáo để con sẽ được tiếp đãi trọng thị. Bởi vì Khâm sứ Tòa thánh ở Pháp, hồng y della Rovere, sẽ có mặt tại đó để đón con và bảo vệ con khỏi mọi nguy hiểm tiềm tàng. Cha đã dặn kĩ ông ta phải thận trọng bảo vệ con, và xem con như con.”

* * *

Vào tháng mười, Cesare đi đường biển đến thành phố cảng Marseilles ở đông nam nước Pháp, được một đoàn tùy tùng đông đảo hộ tống, hồng y della Rovere và mọi thành viên sứ quán có mặt đông đủ để chào đón chàng. Cesare mặc trang phục bằng nhung đen, thêu kim tuyến, được trang trí với bảo ngọc và kim cương. Mũ của chàng được thêu chỉ vàng và gắn lông chim trắng. Ngay cả con ngựa chàng cưỡi cũng được bịt móng bằng bạc, vì kho tàng của giáo triều đã được vung ra để trang bị cho chàng.

Hồng y della Rovere ôm hôn chàng và nói, “Này con trai, ta đến đây để lo liệu mọi việc cho con được tiện nghi thoải mái và được hưởng vinh dự xứng đáng. Con muốn gì ta cũng sẽ tìm được cho con.” Della Rovere đã thuyết phục Hội đồng Thành phố Avignon vay nợ để tổ chức cuộc tiếp đãi xứng tầm với vị chức sắc cao cấp đang đến thăm chính thức nước Pháp.

Ngày tiếp theo, tại một lâu đài Pháp nổi tiếng trong truyền thuyết, cuộc phô trương thanh thế của Cesare còn quá đáng hơn. Chàng khoác áo kép màu trắng bên ngoài áo nhung đen, đính ngọc trai và hồng ngọc. Chàng cưỡi một con ngựa chiến đốm xám với yên cương, bàn đạp, đinh thúc đều nạm vàng, với cả một đoàn tiền hô hậu ủng đông đảo, cực kì phô trương. Phía trước chàng là hai mươi lính kèn trumpet mặc quần áo đỏ tươi, cưỡi ngựa trắng, và đằng sau Cesare là một đội kị binh Thụy Sĩ trong đồng phục giáo triều màu đỏ thẫm và vàng. Phía sau họ là ba mươi cận vệ quý tộc của Cesare, tiếp theo là nhiều tiểu đồng và quân hầu, đầy tớ, tất cả đều ăn mặc sáng choang! Sau cùng là đám nhạc công, tung hứng, nhào lộn, gấu, khỉ và sau chót là bảy mươi con lừa chở đồ tế nhuyễn và những tặng phẩm cho vua nước Pháp và triều thần. Một cuộc diễu hành quá lòe loẹt và phô trương kệch cỡm!

Trước khi chàng rời thành Rome, Brandao đã khuyến cáo chàng không nên làm quá như thế; ông bảo rằng người Pháp sẽ không bị ấn tượng với kiểu phô trương như thế đâu. Nhưng Cesare tin rằng mình rành rẽ hơn. Bấy giờ, della Rovere và viên công sứ phụ tá của ông dẫn Cesare đi qua thành phố với nhiều rèm trướng treo tường và các khải hoàn môn được trang trí xa hoa để đón chàng. Theo chỉ thị của hồng y, mọi người phải đối xử với con trai Giáo hoàng như một hoàng tử. Chàng ngập trong mưa tặng phẩm, nào cốc, nào đĩa bằng bạc khắc chạm tinh mĩ, sau đó được đưa đến tòa thị chính để dự cuộc đại yến chào mừng.

Della Rovere mời nhiều cô nàng xinh đẹp và nhiều quý bà thanh lịch của thành phố đến dự bởi ông quá biết Cesare luôn thích có nhiều người đẹp vây quanh. Những ngày tiếp theo tràn ngập yến tiệc linh đình và những màn trình diễn ca vũ và về đêm, họ uống rượu vang loại thượng hảo hạng giữa vũ hội tưng bừng và những trò vui đủ kiểu để chiều chuộng vị khách quý Cesare cùng đám tùy tùng. Suốt hai tháng sau đó, mọi chuyện đều diễn ra như thế ở mỗi thành phố chàng đi qua. Không một hội chợ nào mà Cesare không tham dự, không một cuộc đua ngựa nào chàng không cá cược, không một canh bạc lớn nào chàng lại bỏ qua.

Mùa thu năm ấy nước Pháp rất lạnh với những cơn gió cắt da và mưa đá tạt vào người đi đường như roi quất, thế nhưng ở mỗi nơi chàng đi qua, đám đông vẫn xuất hiện, Cesare đến nơi nào cũng lôi cuốn sự chú ý. Khiêm tốn chưa bao giờ là một trong những đức tính của chàng, và giờ đây, thay vì xem đó là tính hiếu kì của dân chúng đối với con trai của Giáo hoàng, chàng lại coi sự ý của họ là dấu hiệu của lòng ngưỡng mộ đối với bản thân chàng, tâm trí chàng như tràn đầy một uy quyền mới. Chàng trở nên ngạo mạn và quá đỗi tự tin, làm mất lòng người dân Pháp, những người có thể thực lòng muốn giúp chàng.

Cuối cùng, Cesare đến gặp triều đình Pháp ở Chinon, và lúc đó nhà vua đang vô cùng bực bội! Hoàng thượng đang nôn nao chờ đón tin tức về chuyện hủy hôn của ngài vậy mà chẳng được nghe thông báo nào cho hay Giáo hoàng có chấp thuận thỉnh nguyện của ngài hay không.

Vào ngày Cesare đến, chàng dẫn theo một đoàn ngựa và một hàng dài những con lừa tải nặng mang nhiều trang sức xa hoa. Mỗi con đều được phủ những tấm vải vàng và đỏ, mang gia huy bò tót đỏ nhà Borgia và huy hiệu mới của Cesare, ngọn lửa vàng. Tùy viên của chàng cũng mang nhiều châu ngọc và trên lưng nhiều con lừa là những hòm xiểng lớn gợi trí tò mò của dân chúng. Người thì đoán chúng đựng những trân châu bảo ngọc cho người vợ tương lai của Cesare; kẻ khác lại bảo là những hòm thánh tích chúc phúc. Tuy nhiên chẳng người nào trong đám quý tộc Pháp để vào mắt. Ở Ý phô bày lòe loẹt như thế có thể được xem là cách chứng minh hùng hồn cho giàu sang, quyền uy, nhưng ở Pháp nó chỉ gây ra sự coi thường.

Bản thân vua Pháp có khuynh hướng kiệm ước và triều đình cũng noi gương ông. Chẳng mấy chốc mà Cesare gặp những tiếng cười nhạo trên đường phố. Cái tôi của Cesare ngày càng lớn vì ý thức mới về tầm quan trọng của bản thân, không có sự khôn ngoan của cha mình, cũng chẳng sự tỉnh táo của em gái để cân bằng mình, nên chàng không nhận ra những phản ứng của họ. Ngay lần đầu thấy mặt Cesare, vua Louis thì thầm vào tai một cận thần: “Đúng là phô trương thái quá”. Nhưng ông vẫn chào đón con của Giáo hoàng với vẻ niềm nở và sự trọng thị đúng mức, cố kìm lòng không hỏi ngay về sắc lệnh xá miễn của Alexander mà ông chờ đợi đã lâu.

Khi Cesare cùng Georges d’Amboise đi qua dãy tiếp tân long trọng để được giới thiệu với những vị đại thần trong triều vua Pháp, chàng có vẻ không mấy bận tâm tới vẻ giễu cợt trên mặt họ. Các ngươi cứ việc cười tùy thích, nhưng vua của các ngươi phải đối xử với ta một cách trọng thị và nồng hậu, vì ta đang nắm trong tay một thứ quốc bảo có tầm quan trọng quyết định đối với vua các ngươi.

Những tay quý tộc trẻ ngông cuồng mỉa mai Cesare liền bị nhà vua cảnh cáo nghiêm khắc đến độ họ phải ngạc nhiên. Họ nghĩ chắc hẳn là cái tay Borgia này là một nhân vật mà nhà vua phải kiêng dè.

Sau khi các thủ tục giới thiệu đã hoàn tất, Cesare, Louis và ông đại sứ Georges d’Amboise, rút lui vào một căn phòng riêng, tiện nghi và ấm cúng tại khu hoàng cung. Tường phủ vải lụa vàng và ván gỗ sồi. Những cửa sổ cao kiểu Pháp nhìn ra một khu vườn thật đẹp với đài phun nước thanh nhã, cùng nhiều loài chim màu sắc sặc sỡ hót ríu rít ngọt ngào vang vọng vào căn phòng.

Vua Louis bắt đầu bằng cách trấn an Cesare. “Bạn thân mến, chắc anh biết rõ binh lính Pháp chuyển quân vào đất Ý sẽ không thể nào thách thức quyền lực hay đe dọa lãnh thổ của giáo triều. Hơn thế nữa nếu có bất kì khó khăn nào trong việc trấn áp các sứ quân hay các đại diện Giáo hội địa phương ở Romagna, ta có thể bảo đảm luôn sẵn sàng có một lượng lính Pháp tinh nhuệ hỗ trợ anh.”

“Đa tạ hoàng thượng,” Cesare đáp lời. Hài lòng với sự hào hiệp của nhà vua, Cesare liền trao cho Louis sắc chỉ đặc miễn của Giáo hoàng.

Nhà vua không giấu được vẻ vui sướng, khi Cesare trao tấm giấy da dê có gắn xi của giáo triều cho Georges d’Amboise và ông ta đọc nó, khuôn mặt ông rạng rỡ hẳn lên với niềm vui thú pha lẫn ngạc nhiên khi được sắc phong hồng y, được nhận là một ông hoàng của Hội Thánh.

Bản thân vua Louis hiện đang trong tâm trạng phơi phới, hớn hở. Đáp lại lòng độ lượng của Giáo hoàng, ông liền chính thức phong Cesare là công tước xứ Valence. Tước vị này sẽ đem lại cho chàng một số lâu đài tráng lệ, những điền trang trù phú nhất nước Pháp. Cesare cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm bởi chàng đã tiêu pha quá nhiều cho đoàn tùy tùng của mình, và chàng biết mình sẽ cần thuê binh sĩ cho các chiến dịch ở Romagna. Món quà hào phóng của nhà vua giúp chàng không phải lo ngay ngáy chuyện tiền bạc nữa.

Ba người nâng li chúc mừng nhau. Và sau đó Cesare hỏi, “Chuyện hôn ước của tôi tiến triển ra sao nhỉ?”

Bỗng dưng Louis có vẻ không thoải mái. “Có một vài vấn đề với công chúa Rosetta. Bởi mặc dầu ở Pháp, bầu bạn với hoàng hậu Anne yêu quý của ta, nhưng công chúa không phải là thần dân của ta mà là con gái vua xứ Naples, vốn dòng dõi Tây Ban Nha, và do vậy là thành viên của hoàng gia Aragon. Vả lại, đó là một cô gái có đầu óc độc lập. Nên rất tiếc, ta không thể ra lệnh cho cô ấy phải kết hôn với anh.”

Cesare cau mày, nhưng rồi hỏi, “Tâu hoàng thượng, tôi có được phép thưa chuyện cùng công chúa không?”

“Tất nhiên,” nhà vua nói. “D’Amboise sẽ thu xếp cuộc gặp mặt.”

* * *

Chiều hôm ấy Cesare và công chúa Rosetta cùng ngồi trên một băng ghế đá trong khu vườn ngát hương cam.

Rosetta dáng cao, thon thả, tuy không phải là cô gái xinh đẹp nhất mà Cesare từng thấy, nhưng có phong thái vương giả, tôn quý. Mái tóc đen của cô búi ra sau gáy khiến cô trông có vẻ trang nghiêm. Nhưng cô có cách tiếp cận thẳng thắn và dễ mến không hề tỏ ra miễn cưỡng khi bàn về chuyện mai mối của họ.

Rosetta mỉm cười hòa nhã, nhưng phát biểu quả quyết. “Tôi không hề muốn xúc phạm công tước bằng bất kì cách nào, vì mãi cho đến lúc này, tôi mới gặp ngài. Nhưng thật không may, tôi đã yêu tha thiết một quý tộc Brittany và vì vậy không thể yêu người khác được nữa.”

Cesare cố gắng thuyết phục nàng nghĩ ngược lại. “Thường một tình yêu tha thiết lại không hẳn là một cuộc phối ngẫu đáng tin cậy nhất cho một đời sống lứa đôi hạnh phúc vững bền đâu.”

Nhưng Rosetta nhìn thẳng vào chàng, không nao núng. “Tôi phải nói một cách thẳng thắn, vì tôi nghĩ rằng ngài xứng đáng với sự tin cậy của tôi. Ngài là con trai của Giáo hoàng, và những quan điểm của Giáo hoàng cũng như quân đội của giáo triều là rất quan trọng đối với cha tôi. Tôi tin rằng những điều đó có tầm quan trọng tối thượng đến độ, nếu như ngài nài ép, cha tôi sẽ buộc tôi phải lấy ngài. Nhưng tôi xin ngài đừng làm thế. Tôi không bao giờ yêu ngài được, vì trái tim tôi đã trót trao cho người khác rồi.” Mắt nàng nhòa lệ.

Cesare ngưỡng mộ cô gái này vì nàng dám kiên quyết bảo vệ chân lí của mình. Chàng trao cho nàng chiếc khăn tay. “Tôi không muốn ép cô cưới tôi đâu. Nếu tôi không đủ sức làm xiêu lòng cô, tôi sẽ không cưới cô.” Nói xong chàng mỉm cười. “Nhưng cô quả là một người bạn đáng quý… và, nếu lỡ tôi phải ra tòa, tôi sẽ nhờ cô làm luật sư biện hộ cho tôi.”

Rosetta cười lớn, vui vẻ và nhẹ nhõm. Công chúa và Cesare trò chuyện cùng nhau suốt chiều hôm đó, rất tâm đầu ý hợp.

Đêm hôm đó Cesare thông báo với nhà vua, giải trình những gì đã xảy ra. Louis có vẻ không ngạc nhiên về câu trả lời của Rosetta, nhưng ông hài lòng với phản ứng của Cesare.

“Ta cảm ơn anh nhiều vì tính tử tế và thái độ hiểu biết của anh,” nhà vua nói.

“Chúng ta có còn công chúa nào chưa rơi vào lưới tình không nhỉ?” Cesare hỏi, vẻ bông đùa.

Còn bối rối vì chưa thể thực hiện lời hứa với Giáo hoàng, nhà vua nói, “Ta dự định ban thêm cho anh tước vị công tước Dinois, và tặng thêm hai điền trang thật đáng giá.”

Cesare cúi đầu để tỏ lòng biết ơn; mắt sáng lên, chàng hỏi, “Tất nhiên là thần rất cảm tạ việc hoàng thượng rộng lòng khai ân - nhưng liệu ân tứ này có đem lại cho thần một cô vợ hay không?”

Louis rõ ràng là có vẻ phiền lòng. “Vì sự từ chối của công chúa Rosetta và với sự cho phép của anh, chúng ta sẽ lập tức bắt đầu tìm kiếm rộng hơn. Chúng ta sẽ sục sạo các gia đình hoàng tộc Pháp để tìm cho ra nàng công chúa xứng lứa vừa đôi với anh.”

Cesare đứng dậy cáo từ. “Thần sẽ lưu lại đây lâu hơn,” chàng nói, “và đi tham quan vùng quê xinh tươi của nước Pháp cho đến khi tìm thấy nàng công chúa kia.”

* * *

Ở Rome, Giáo hoàng chẳng nghĩ gì khác ngoài việc hôn nhân cho anh con cả. Ông cho gọi hồng y Ascanio Sforza đến gặp ông và yêu cầu ông này quay về Naples để nài xin vua Naples một lần nữa xem sao.

Nhưng mấy tuần sau hồng y quay về, vẫn không thành công vì Rosetta tiếp tục từ chối, và ông không tìm được đám nào thích hợp trong số những cô gái trẻ. Trong thời gian lưu trú ở Naples, hồng y Sforza còn nghe ra chuyện đáng lo lắng hơn. Ở miền nam Ý, nhân tâm chao đảo vì xôn xao với tin đồn Louis XII đang lên kế hoạch cho một cuộc xâm lăng khác của Pháp để đòi lại quyền của tổ tiên ông ta đối với Milan lẫn Naples.

“Chuyện đó thật không?” Ascanio Sforza hỏi Alexander. “Và ngài tính làm gì để ứng phó với tình thế đó?”

Giáo hoàng nổi điên khi bị Ascanio chất vấn. Nhưng ông không thể nói dối cũng không thể nói thật. Ông bèn nói, “Ta sẽ hành động, nếu phải chi con ta, Cesare không bị làm con tin tại triều đình Pháp.”

“Một con tin được ăn sung mặc sướng cực kì, được đối xử rất mực trọng thị và rất sẵn lòng làm con tin càng lâu càng tốt,” hồng y nhận xét. “Và anh ta còn mang theo bao nhiêu là hòm xiểng của Hội Thánh chất đầy của cải quý giá cho anh ta tha hồ phung phí mua vui. Hoặc là để mồi chài một cô vợ nhằm tạo nên một liên minh vốn sẽ đe dọa sự an nguy của chính thành Rome.”

Bấy giờ Giáo hoàng Alexander cảm thấy bị sỉ nhục, nên ngài nổi trận lôi đình. “Này ông hồng y thân mến của ta, chính ông anh quý hóa của ông, lão Il Moro, nếu ông còn nhớ, là kẻ đã rước quân Pháp vào xâm lăng. Và chính Rome đã bị phản bội vì không một thành viên nào của hoàng tộc Aragon thuận hiến một liên minh hôn nhân. Họ không cho ta chọn lựa.”

“Vậy hóa ra đúng là ngài đã liên kết với Pháp chống lại Aragon?” Ascanio hỏi khó, lòng có chút thỏa mãn.

Alexander phải cố hết sức giữ bình tĩnh. Rồi ngài đứng lên, chỉ tay ra cửa, và hét lên, “Cút xéo ngay lập tức, những gì ngươi vừa nói có mùi tà giáo rồi đấy! Ngươi nên cầu nguyện để được tha thứ cho tội vu khống kia, còn nếu không ta sẽ hành lễ lâm chung cho ngươi và sai ném ngươi xuống dòng nước đen sì của sông Tiber trong chính đêm nay đấy.”

Hồng y Ascanio Sforza lỉnh đi ngay, nhưng âm thanh từ tràng công kích nảy lửa của Giáo hoàng và giọng nói rền vang như sấm nổ kia khiến ông bước gấp xuống các bậc thềm, tim đập thình thịch trong lồng ngực. Ông trượt chân suýt ngã một lần nhưng kịp gượng lại được, quyết định rời thành Rome về lại Naples càng sớm càng tốt.

Trong mấy tháng sau đó Giáo hoàng để qua một bên mọi công việc của giáo triều. Ông không thể tập trung vào chuyện gì khác ngoài việc tìm kiếm một liên minh mới. Ông từ chối tiếp các đại sứ đến từ Venice, Florence, Milan và Naples - những ai không đến để đem một cô vợ cho anh con trai Cesare của ông.

* * *

Ở Pháp, sau nhiều tháng, vua Louis gọi Cesare vào phòng riêng và vui mừng thông báo, “Ta có tin rất tốt cho anh đây. Nếu anh và Đức Thánh Cha đồng ý, ta đã tìm được một đám rất tuyệt cho anh: Charlotte d’Albret, một cô gái vừa xinh đẹp lại vừa thông minh, em của vua xứ Navarre.”

Cesare, vui lòng và nhẹ nhõm, tức thì gửi thư cho cha, xin phép kết hôn và gia hạn thời gian lưu trú ở Pháp.

* * *

Sau khi cử hành Lễ Trọng ở Nhà thờ Thánh Peter, Alexander lo lắng khôn nguôi. Ông vừa nhận được bức thư từ con trai cả, quỳ trước trang thờ trong đại giáo đường dưới con mắt theo dõi của Thánh Mẫu, ông cố gắng lí luận…

Trong ba mươi lăm năm làm phó chưởng ấn cho các đời Giáo hoàng, trong sáu năm làm Giáo hoàng và trong suốt những năm tháng của đời mình, Alexander chưa lúc nào phải đối mặt với một tình thế khó xử khủng khiếp đến thế. Việc liên minh với Tây Ban Nha vốn luôn là điểm mạnh của ông, vừa trong tư cách người của Chúa, vừa trong tư cách người thế gian. Ông luôn khéo léo xoay xở để cân bằng các thế lực ngoại bang Tây Ban Nha và Pháp, duy trì được hậu thuẫn cho giáo triều ở cả hai quốc gia.

Nhưng sau cái chết của Juan thì nàng góa phụ của chàng ta, Maria Enriquez, đã thuyết phục được hoàng hậu Isabella, và qua đó, cả vua Ferdinand, tin rằng Cesare Borgia chính là kẻ đã giết hại cậu em. Hậu quả là, gia đình nào trong hoàng tộc Aragon - ở Tây Ban Nha, Naples hay Milan - cũng dứt khoát không cho phép con gái họ kết hôn với con trai Giáo hoàng.

Alexander đã tìm kiếm mọi thành bang, nói chuyện với vô số đại sứ và đề hiến nhiều lợi ích đáng kể, nhưng ông vẫn không thể tìm được người vợ thích hợp và một liên minh vững mạnh cho Cesare. Ông phải làm được điều đó, nếu không cả dòng họ Borgia sẽ sụp đổ.

Ông cần hậu thuẫn cho giáo triều, và trợ lực của quân đội Naples và Tây Ban Nha để thống nhất các lãnh thổ, trấn áp các cuộc nổi dậy của những sứ quân tham lam. Ngay cả cuộc hôn nhân của con gái ông, Lucrezia với hoàng tử Alfonso xứ Naples, thuộc hoàng tộc Aragon, cũng là một âm mưu ngấm ngầm, nhằm dọn đường cho liên minh hôn nhân giữa Cesare với chị của Alfonso, công chúa Rosetta.

Nhưng giờ đây vì cô ấy đã khước từ, và đứa con trai mà ông đã gửi đi để tìm một công chúa Tây Ban Nha lại được giới thiệu một công chúa Pháp để làm vợ. Phải chăng ông đang mất ảnh hưởng lên giáo triều?

Ông chắp hai tay, cúi đầu trước bức tượng cẩm thạch lớn của Thánh Mẫu, và xin Người cho lời tư vấn khải đạo.

“Như Người đã biết, thưa Thánh Mẫu, con trai con, Cesare, hỏi xem nó có thể lấy con gái vua Pháp làm vợ hay không. Và vua Louis XII, đề xuất giúp nó đòi lại những vùng đất thuộc sở hữu Giáo hội của Người. Nhà vua sẽ phái binh sĩ Pháp theo trợ chiến. Xin Người soi sáng cho con để có quyết định đúng đắn.”

Alexander giằng co với những ý tưởng của mình và cân nhắc những chọn lựa. Nếu ông chấp nhận cuộc hôn nhân giữa Cesare và Charlotte ngay từ bây giờ, ông phải cắt đứt liên lạc không chỉ với Tây Ban Nha và Naples, mà còn cả với đứa con gái yêu của mình sao? Vì chồng cô, Alfonso là hoàng tử xứ Naples, và liên minh với Pháp chắc chắn sẽ hủy hoại cuộc hôn nhân của Lucrezia. Thế nhưng chuyện gì sẽ xảy ra cho gia đình ông nếu ông từ chối Pháp? Chắc chắn ông vua này sẽ xâm chiếm Ý - cho dầu ông có cho phép hay không - và sẽ đưa hồng y della Rovere lên ngôi Giáo hoàng.

Nếu quân Pháp đi qua Milan, Alexander tin chắc rằng Ludovico sẽ chạy trốn, không đánh trả. Quan trọng hơn nữa, đó là, một khi Naples buộc phải cầm vũ khí thì cậu út của ông, Jofre, và vợ nó, Sancia, rồi sẽ ra sao?

Giáo hoàng tìm kiếm trong vô vọng một lí do - dầu chỉ một mà thôi - để chọn Tây Ban Nha chứ không phải Pháp, để khước từ Cesare chuyện lấy vợ Pháp. Nhưng sau khi quỳ gối, cầu nguyện và đi tới đi lui trong nhiều giờ liền, Alexander không tìm được lí do nào. Đằng khác, nếu những đoàn quân tinh nhuệ của Pháp đi theo vó ngựa Cesare để tái chiếm những lãnh thổ hiện do các nam tước và các sứ quân cát cứ nắm giữ, Cesare sẽ trở thành công tước Romagna. Lúc đó nhà Borgia sẽ an toàn và giáo triều sẽ vững như bàn thạch.

Ông thức trắng đêm, nhìn những ngọn nến chập chờn và trông chờ ơn thiên khải. Khi rời nhà nguyện vào sáng sớm, ông đã đi đến quyết định, dầu có hơi miễn cưỡng.

Duarte Brandao đang chờ nơi phòng riêng của Giáo hoàng khi ông quay về, bởi ông ta hiểu cuộc tranh đấu trong nội tâm của Alexander.

“Này bạn thân Duarte,” Giáo hoàng nói. “Ta đã xem xét chuyện này hết sức thận trọng. Và ta đã đi đến kết luận. Ta cần một tấm giấy da dê để ta có thể viết thư trả lời và sau đó ta có thể ngả đầu xuống gối và nghỉ ngơi.”

Duarte quan sát Giáo hoàng ngồi ở bàn giấy, và lần đầu tiên trông ông có vẻ già đi và mỏi mệt. Ông đưa cho Giáo hoàng cây bút của mình.

Bàn tay Alexander vẫn vững vàng, nhưng bức thư ông viết cho Cesare ngắn gọn thôi, cực ngắn. Chỉ vỏn vẹn mấy chữ: “Con yêu quý. Đám ấy tuyệt đấy. Tiến hành.”

* * *

Thành Rome hoa lệ cử hành những lễ hội tưng bừng vào ngày Cesare Borgia cưới Charlotte d’Albret nước Pháp. Giáo hoàng ra lệnh tổ chức cuộc trình diễn pháo hoa khổng lồ, tạo ra những dòng ánh sáng hoành tráng làm sáng rực bầu trời và những đống lửa lớn được đốt lên để soi sáng các đường phố suốt đêm. A, thật là hân hoan vui sướng biết bao!

Lucrezia, đang ở tư dinh Santa Maria in Portico với hoàng tử Alfonso, hoảng sợ khi trông thấy một đống lửa lớn được đốt lên trước dinh thự của nàng. Không phải nàng không thấy hạnh phúc cho anh mình, bởi vì nàng rất yêu chàng - nhưng vì nàng nghĩ đến chồng, lo sợ cho số phận của chồng, bởi đối với chàng ta thì liên minh chính trị mới này có nghĩa là tai họa.

Khi lời đồn đến tai họ là hồng y Ascanio Sforza đã lỉnh đi khỏi thành phố cùng nhiều hồng y khác liên kết với Naples, Alfonso đầy lo sợ và bối rối về tương lai của mình.

Chàng kéo Lucrezia vào trong lòng, ôm lấy nàng, mắt dõi theo ngọn lửa đang cháy bùng lên hung hãn. “Gia đình anh sẽ lâm nguy nếu xảy ra cuộc xâm lăng của Pháp,” chàng nói nhẹ nhàng. “Anh phải về Naples để chỉ huy quân đội. Cha và chú sẽ cần đến anh.”

Lucrezia ôm chặt chồng. “Nhưng Đức Thánh Cha bảo đảm với em rằng chúng ta sẽ không gặp nguy cơ nào, bởi ngài sẽ không bao giờ để chuyện bất hòa chính trị xen vào tình yêu chúng ta.”

Alfonso, dầu mới mười tám tuổi, nhìn Lucrezia với nỗi buồn diệu vợi. Chàng vén những lọn tóc phủ trước mắt nàng. “Và em tin vào điều ấy phải không, Lucrezia dịu hiền của anh?”

Đêm đó, sau khi làm tình, họ còn nằm thức bên nhau rất lâu trước khi Lucrezia có thể rơi vào giấc ngủ. Và một khi Alfonso nghe được âm thanh nhẹ nhàng từ hơi thở đều đều của nàng, chàng rón rén lẻn ra khỏi giường, cẩn thận bước thật khẽ về phía chuồng ngựa. Chàng lên ngựa, hướng về phương nam, qua vùng quê, đến lâu đài Colonna; từ đó, vào sáng sớm mai chàng sẽ khởi hành về Naples.

Nhưng Giáo hoàng đã cho cảnh sát giáo triều săn tìm chàng và chàng bị bắt buộc hoặc ở lại lâu đài hoặc quay về Rome, bởi nếu làm khác đi chàng sẽ bị đám tay sai kia lôi về Vatican cho Giáo hoàng xử lí. Ngày qua ngày Alfonso viết thư cho Lucrezia, nài nỉ nàng đến với chàng, nhưng những bức thư không bao giờ đến được tay nàng bởi chúng đã rơi vào tay phái viên Vatican và được mang về cho Giáo hoàng.

Lucrezia cảm thấy bất hạnh hơn bao giờ hết. Nàng không thể hiểu tại sao Alfonso không viết thư cho nàng, trong khi nàng nhớ chàng quay quắt và trông thư chàng đến mỏi mòn. Nếu như không phải đã mang thai đến sáu tháng, nàng đã theo chàng về Naples rồi. Nhưng giờ đây nàng không dám thực hiện cuộc hành trình gian khổ đến như thế vì nàng từng sẩy thai hồi đầu năm, khi nàng ngã ngựa. Việc trốn đi như thế còn có nghĩa là phải lẻn đi trong đêm tối, vượt qua được vòng vây của bọn vệ binh do cha nàng phái đến, chúng vẫn túc trực vây quanh dinh thự của nàng.

* * *

Cesare ở lại Pháp, dành thời gian cưới hỏi Charlotte, sẵn tiện ở lại cùng nàng trong một lâu đài nhỏ ở vùng thung lũng sông Loire thơ mộng.

Charlotte đúng là vừa xinh đẹp vừa thông minh như nhà vua đã giới thiệu, và Cesare cuối cùng cũng cảm thấy chút bình an. Nàng toát lên vẻ điềm đạm và chuyện gối chăn giúp làm lắng dịu tâm hồn Cesare. Nhưng mỗi ngày chàng vẫn còn phải đấu tranh với bản thân vì trong trái tim vẫn mãi vấn vương hình bóng Lucrezia.

Khoảng thời gian này, sự hiện diện của Charlotte làm cân bằng khát vọng mãnh liệt muốn thành công, muốn đạt thành tựu, muốn chinh phục nơi Cesare. Đôi tân hôn trải qua những ngày bên nhau cùng dạo bước lâu đài, chèo thuyền trên dòng sông êm ả, cùng đọc sách. Và họ cười đùa rộn rã thỏa thích khi Cesare dạy bơi cho Charlotte và chỉ nàng câu cá.

Một buổi chiều, Charlotte thú nhận, “Em thực sự yêu anh, yêu như chưa từng yêu.”

Bất chấp thói hoài nghi khinh bạc vốn có, Cesare thấy rằng mình tin nàng - dù những lời của nàng lại không đủ trọng lượng như lẽ ra phải thế. Quả thật là rối: mặc dầu chàng cố thử yêu lần nữa, nhưng dường như vẫn còn gì đó cản đường chàng. Những đêm bên nhau, cùng ái ân mê đắm bên ngọn lửa hồng và ôm ấp nhau trong khung cảnh riêng tư ấm áp, dễ chịu, Cesare bắt đầu tự hỏi phải chăng mình đã bị nguyền, như em gái chàng từng nói. Phải chăng cha chàng thực sự đã hiến tế chàng cho loài rắn trong lần đầu tiên ấy nơi vườn Địa đàng?

Ngay cái đêm Charlotte bảo rằng nàng đã mang thai đứa con của chàng, chàng nhận được thông điệp khẩn từ Giáo hoàng.

“Quay về Rome ngay lập tức để hoàn thành nhiệm vụ,” bức thư viết. “Các giám mục đang âm mưu, và nhà Sforza đã rước quân Tây Ban Nha vào Ý.”

Cesare bảo Charlotte rằng chàng phải quay về Rome để thống lĩnh các đạo binh của giáo triều, giành lại các lãnh thổ xứ Romagna và thiết lập một chính quyền trung ương mạnh cho giáo triều. Chừng nào chàng còn chưa giữ được quyền lực của nhà Borgia luôn vững mạnh đến đời con cháu sau này, nàng và các con sẽ vẫn còn nằm trong vòng nguy hiểm. Lúc này, chàng khuyên nàng và đứa con trong bụng phải ở lại Pháp.

Ngày Cesare ra đi, Charlotte cố tỏ ra điềm nhiên, nhưng cuối cùng, nàng ôm chặt lấy chàng, giàn giụa nước mắt khi chàng lên ngựa. Chàng xuống ngựa, ôm nàng trong vòng tay, cảm nhận thân thể nàng đang run rẩy. “Lottie thân thương,” chàng nói, “anh sẽ mang em và con về bên anh sớm nhất có thể. Và đừng sợ, bởi không một gã Ý nào có thể sát hại anh đâu.” Chàng cúi người xuống, dịu dàng hôn nàng.

Sau đó Cesare nhảy lên lưng con tuấn mã màu trắng, vẫy tay lần cuối chào Charlotte, rồi thúc ngựa vọt qua cổng lâu đài.