Chai thời gian

Chương 3-4

Docsach24.com

ê, các nhóc, chưa thay đồ à?” bố bước vào nhà hỏi to.

“Hôm nay là ngày của bố mẹ mà,” Ning nhào vào vòng tay bố, ngước đầu trả lời. “Bố mẹ nên đi riêng ạ.”

“Không đời nào,” bố phản đối và để Ning dẫn đến ngồi xuống cạnh mẹ. “Hai đứa phải đi chứ. Đi thay đồ đi, mau.”

Tôi và Ning nhìn mẹ dò hỏi. Bà gật đầu rồi giục chúng tôi khi hai anh em đã quay lưng lên gác. “Nhanh lên đấy. Bố chúng mày không có nhiều thời gian cho nhà này đâu.”

Đến lúc chúng tôi xuống nhà, bố không còn ngồi trong phòng khách nữa. Chỉ còn mẹ ở đó, mặt chảy dài cả thước.

“Bố đâu rồi ạ?” Ning hoang mang hỏi.

“Lão ấy đợi trong xe,” mẹ xẵng giọng.

“Sao lại thế?” tôi hỏi trong lúc buộc dây giày.

“Mày muốn biết thì đi mà hỏi lão.” Bà đứng dậy và cơ hồ định tháo đôi giày cao gót ra.

“Mẹ!” Ning lao tới kéo tay bà. “Hãy đi vì con, một lần này thôi, con xin mẹ!”

“Lo việc của mày đi,” mẹ giằng ra.

“Mẹ biết bố thế nào rồi mà mẹ,” tôi bước tới đứng bên cạnh Ning. “Bố đã cố gắng tới đây, vậy nên mẹ bỏ qua chuyện này mà đi cùng tụi con đi.”

Đến lúc mẹ đồng ý đi cùng thì tới lượt mặt bố chảy dài.

“Chúng ta sẽ tới chỗ ông đầu bếp già,” bố quay lại bảo chúng tôi rồi nổ máy, và sau đó, bốn người ngồi câm lặng suốt dọc đường.

Tôi thấy tiếc cho giấc mơ ngắn ngủi mà Ning gắng gầy dựng, tiếc cho niềm hạnh phúc âm thầm ngời sáng trên gương mặt cũng như trong cử chỉ của mẹ khi đợi bố, và tiếc thay cho hi vọng của chính bản thân mình về bức tranh gia đình hạnh phúc đoàn viên với tiếng cười tự con tim.

Tôi nhớ lại một câu chuyện bố kể tôi nghe khi tôi còn nhỏ: chuyện về một người cha, mẹ và cậu con trai nhà nghèo đến nỗi đứa con không biết kẹo có vị như thế nào. Một hôm, cậu ta thấy người hang xóm ăn kẹo và cậu ta thèm lắm. Người cha phải làm việc vất vả hơn để kiếm tiền mua bột và đường làm kẹo cho con, nhưng rồi vì hết lý do này đến lý do khác ông vẫn không thực hiện được, cuối cùng, một đêm, khi đứa con cứ nằng nặc đòi kẹo, người cha tình cờ thấy bóng trăng in trong cốc nước đặt bên cửa sổ. Ông bảo cậu con trai tới gần rồi đưa cho cậu cốc “xirô trăng”. Đứa con nâng cốc lên, uống cốc nước nhuốm ánh trăng với vẻ mặt hạnh phúc và mê say, trông chờ được uống thêm “xirô trăng” mỗi tối.

Có lẽ tôi cũng như cậu con trai trong câu chuyện kia, cứ mãi trông đợi một niềm hạnh phúc mong manh và hư ảo hết đêm này qua đêm khác.

Quán của người đầu bếp già nằm ở quận Bang Rak. Đó là một quán ăn do người Tàu làm chủ, bán đồ Âu từ thời vua Rama VII: thức ăn ở đó nhờ rất nhiều vào cái tài cải biến của đầu bếp cho hợp với khẩu vị dân nơi đây. Các món nổi nhất là lưỡi bò hầm, thăn bò với xa lát, thăn bò nướng đặt trên xà lách, phủ cà chua cùng hành tây thái nhỏ, và mì ống phủ pho mát bào.

Nơi này do người già quản lý tạo cho người ta một cảm giác xưa cũ – những bàn đá hoa cương đã mòn đi vì lau chùi thường xuyên, những chiếc ghế gỗ bóng lên theo thời gian qua hàng thế hệ đệm lót, một chiếc quạt trần lờ đờ quay trên đầu và những người phục vụ già gắt gỏng bận quần đen cùng sơ mi trắng dài tay, đợi khách gọi món với bộ mặt cau có và ném rầm đồ ăn xuống bàn. Tôi đã đôi lần gặp người đầu bếp khi ra nhà vệ sinh nằm gần bếp. Ông đã già cả lắm và làm việc như một cỗ máy cũ với những bánh răng rỉ sét chứ không hẳn tập trung vào thứ mình đang làm.

Tôi nhớ bố bảo tôi rằng bố mẹ hẹn gạp nhau lần đầu ở nơi này và chúng tôi luôn tới đây vào các dịp đặc biệt. Ning thích mê món lưỡi bò hầm. Có năm sinh nhật nó, bố nháy mắt gọi hai mươi đĩa lưỡi bò hầm cho Ning và con bé xanh cả mặt vì nghĩ bố gọi thật.

Tối nay, bố gọi lưỡi bò hầm cho Ning, thăn bò với sa lát cho tôi và mẹ, còn mì ống cho ông, và tất nhiên là thêm rượu whisky cùng soda lạnh như thường lệ.

“Dùng chút chứ?” bố vừa hỏi vừa rót rượu vào cốc.

“Không phải bận tâm đến tôi đâu,” mẹ nhạo báng đáp và vẫn ngồi thẳng đơ.

“Đây, Nat, vậy con uống với bố.” Bố rót soda vào cốc đưa cho tôi.

“Anh không thể dạy thằng bé thứ gì tốt dù chỉ một lần trong đời thôi hả?” Mẹ ném vào bố ánh mắt ghê tởm.

“Nam vô tửu như kỳ vô phong.” Bố bắt đầu châm chích mẹ.

“Hẳn rồi. Vậy thì, Ning, đừng quên kiếm cho mày một thằng nát rượu.”

“Không đời nào. Con ghét rượu.” Ning nhăn mặt và đút thêm lưỡi bò hầm vào miệng.

“Nếu nó không nát rượu thì lại là một thằng Sở Khanh,” bố nhướng mày. “Phải chọn thôi.”

“Dù mày yêu ai, cố mà đừng chọn một thằng được cả hai phẩm chất ấy,” mẹ lập tức phản pháo.

“Hai bao giờ chả hơn một.” Bố nâng cốc uống. “Như người ta vẫn quảng cáo đấy, mua một tặng một. Không dễ lấy không thế đâu, con biết đấy, nhóc.”

“Anh chỉ nghĩ đến bản thân thôi.” Mẹ ném dao dĩa sang một bên. “Nếu anh vẫn còn muốn la cà và chài gái thì anh cưới tôi làm gì?”

“Cô chẳng bao giờ hiểu tôi hết.” Bố đặt sầm cốc rượu xuống bàn. “Không bao giờ hiểu tôi từ đầu cho tới tận bây giờ.”

“Rõ rồi. Hiểu anh đồng nghĩa với chấp nhận con đàn bà kia, phải không?”

“Không cần đến mức đó. Chỉ cần đầu óc cô thoáng ra và có tí trân trọng cảm giác của người khác thôi.”

“Anh muốn tôi quỳ mọp trước con đàn bà khốn nạn đó mà ca ngợi cô ta vì đã cướp chồng ngời khác?” mẹ cao giọng.

“Đừng xúc phạm cô ấy.” Giọng bố còn to hơn.

“Sao không được? Con đó thì có gì tốt đến nỗi tôi không được động đến một câu hả? Nếu nó tốt thật thì nó đã không…”

“Im ngay!” bố hét to đến nỗi tất cả mọi người trong nhà hàng đều quay lại nhìn chúng tôi.

“Nat, Ning, về.” Mẹ tóm lấy túi xách, đứng bật dậy sầm sầm dời bàn, Ning chạy theo bà.

“Nat…” Bố chộp tay tôi. “Chăm lo cho mẹ và em con. Sinh nhật con tuần sau, bố sẽ đến.”

“Bố.” Tôi nhìn ông và cắn mạnh môi.

“Đợi đã.” Bố rút ví lấy ra ít tiền nhét vào tay tôi. “Cầm lấy. Đừng quên cho Ning một ít và thay bố trả tiền taxi.”

Nếu ai đó hỏi tôi bản nhạc yêu thích của thầy Wa-thin là gì, tôi sẽ trả lời ngay là “Cây bồ đề buông mành”. Ngoài ông Suthin Theisarrak, tác giả bản nhạc, mà tôi từng được xem biểu diễn vài lần trên ti vi, tôi chưa từng thấy ai chơi “Cây bồ đề buông mành” sống động như thầy Wa-thin.

“Bao giờ thì thầy định dạy bọn em chơi bài này ạ?” Jom hỏi trong lúc thầy dạy nhạc của chúng tôi đang lên dây đàn.

“Các trò quá nôn nóng muốn đi tắt.” Thầy Wa-thin vừa cười vừa hạ cây vĩ cầm khỏi vai. “Vào thời các thầy học vĩ cầm, chúng ta không nóng vội vậy đâu. Chúng ta phải tập luyện vất vả hằng ngày trong nhiều năm liên tục.”

“Thôi mà, thầy,” một bạn khác cười. “Nếu bọn con tập như thầy bảo, bọn con sẽ sớm chết đói đấy ạ. Bọn con không thể đọ với hội chơi ghita: những tay đó, sau vài buổi họ đã tập ding-deng-dong, và giờ họ đã lập cả một ban nhạc rồi.”

“Mọi thứ trên đời này đều nằm ở cách đánh giá của ta,” thầy Wa-thin trầm ngâm đáp. “Thầy không phải là người quyết định thứ gì tốt hơn hay tồi hơn. Điểm quan trọng nằm trong chính trái tim của mỗi chúng ta. Nó sẽ mách bảo chúng ta điều ta yêu mến và điều ấy có giá trị với ta đến chừng nào.”

“Thầy ơi, con muốn nghe ‘Cây bồ đề buông mành,’” tôi lên tiếng. “Thầy chơi cho chúng con nghe được không ạ?”

“Được.” Thầy Wa-thin im lặng một lát rồi gật đầu. “Ai thích nghe thì giơ tay lên.”

Tất cả chúng tôi đều giơ tay cao hết cỡ.

Thầy Wa-thin nâng cây vĩ cầm đặt lên vai, cúi đầu để cằm tựa vào miếng đỡ cằm rồi hít một hơi dài đưa vĩ lên dây...

“Vậy em đã quên, đã quên tất cả rồi phải không em?” Tôi khẽ ngân nga theo dòng chảy tinh tế của giai điệu.

“Béo!” Jom dùng vĩ khẽ chọc vào tôi. “Coi kĩ xem. Chị nghĩ thầy đang khóc.”

“Ôi trời, chị nói đúng!” Tôi gật đầu. “Em nghĩ bản nhạc này khiến thầy xúc động sâu sắc.”

“Chị không chắc là vậy.” Jom lắc đầu. “Chị nghĩ nó liên quan tới điều gì đó trong quá khứ của thầy.”

“Chết thật!” tôi than. “Đáng nhẽ mình không nên khơi lại vết thương cũ của thầy ấy.”

“Thôi quên đi.” Chị cúi người tới thầm thì. “Có lẽ đó là lý do vì sao thầy chơi cảm động lòng người đến thế. Chắc chị cũng nên tìm cho mình một bản nhạc khuấy động lại những kí ức cũ để chị có thể chơi hay như vậy.”

“Đừng dại thế,” tôi ngăn chị. “Ai mà biết được mỗi lần khơi lại những vết thương cũ như thế này thì người chơi cảm thấy ra sao.”

“Có thể cậu đúng,” Jom công nhận. “Nhưng chị thích nỗi đau, vì nó đem lại cho chị một cảm giác hạnh phúc. Có những lúc, sau khi khóc lóc vật vã chị lại cảm thấy đỡ hơn.”

“Em không biết chuyện đó,” tôi lắc đầu. “Em chỉ biết rằng nỗi đau, dù như thế nào, luôn nhức nhối.”

“Tối nay đi quán cóc đi,” Jom đề nghị.

“Đi.” Tôi nhìn thầy Wa-thin. “Chị nhớ kẹo lạc hả?”

“Không,” Jom đáp. Thật ra chị đang nghĩ đến ‘Chai thời gian’.”

“Chai thời gian” cứ ngân đi ngân lại, buồn bã và cô độc khôn tả. Jom đang ngồi trên cùng chiếc ghế đó. Chị trông ra những cánh đồng hoang và dãy lều lụp xụp dựng từ các mẩu gỗ bỏ đi hoặc mấy tấm nhôm mạ kẽm mọc lên như nấm.

“Thời gian đã qua không bao giờ có thể như xưa nữa,” Jom dịu dàng nói. “Nếu chúng ta thật sự có thể cất giữ thời gian mà giành bên người ta yêu, chị không chắc chúng ta có thể thực sự hạnh phúc lần thứ hai.”

“Cuộc sống là hi vọng.” Tôi cúi đầu nhấp một ngụm cà phê đá trong cốc, “Ít nhất, chúng ta có thể luôn hi vọng có thứ gì đó tốt đẹp hơn đang đợi ta phía trước.”

“Đó là sai lầm khủng khiếp nhất mà nhân loại mắc phải...” Chị lóng cóng nhích người. “Bởi vì nó khiến ta không biết hài lòng với cái đang có, vậy nên chúng ta chỉ cố chịu đựng và không ngừng đeo đuổi cái không có được.”

“Em nghĩ chị nên học triết,” tôi thật lòng bảo chị.

“Vì sao?” Chị bật cười. “Cậu nghĩ chị nói hươu nói vượn?”

“Không.” Tôi khoát tay xua lũ ruồi. “Em chỉ đang nghĩ triết học có thể đem lại một vài lời đáp cho những câu hỏi của chúng ta về cuộc đời.”

“Chị có câu trả lời của mình.” Jom đặt bàn tay lên cốc cà phê đá.

“Chúng là gì?” tôi vừa hỏi vừa nhìn chiếc Mercedes-Benz đen bóng - biểu tượng của thanh thế, danh tiếng và gia sản mà chị sở hữu.

“Rồi cậu sẽ sớm tìm ra thôi.” Cô gái thở dài ơ hờ. “Bài hát sắp hết rồi. Nhét thêm xu đi.”

“Lại ‘Chai thời gian?’ ” tôi hỏi.

“Tất nhiên.” Chị cười. “Chị sẽ nghe bài này cho đến khi mòn đĩa.”

Nếu cất được thời gian trong chai

Điều đầu tiên tôi mong được làm

Là chắt chiu giành dụm từng ngày

Cho tới khi vĩnh hằng trôi qua

Chỉ để giành trọn chúng bên em

...

Nếu tôi có một chiếc hộp chỉ giành cho ước nguyện

Và những giấc mơ không bao giờ thành hiện thực

Chiếc hộp đó sẽ chẳng có gì đâu

Ngoài kí ức

Về cách em đáp lại những ước nguyện kia”

Chương 4

 

Docsach24.comau sự cố ở quán người đầu bếp già hôm đó, không khí trong nhà tôi càng căng thẳng hơn. Tôi không biết phải giải thích ra sao. Cứ như thể mỗi người trong ba chúng tôi đã tự giam bản thân vào thế giới riêng chật hẹp, ngột ngạt của mình. Mẹ cứ mãi chửi rủa bố và “con kia” với những từ ngữ mà tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ tuôn ra từ miệng mẹ mình. Bà cố khắc sâu trong đầu chúng tôi rằng bố là một kẻ vô tích sự chưa từng tỏ ra có chút trách nhiệm nào với gia đình, không bao giờ thèm ngó ngàng đến chúng tôi một tẹo teo nào. Còn về “con kia”, ả đần độn, ích kỉ và hoàn toàn vô liêm sỉ. Nếu chúng tôi có việc gì không vừa ý bà, thậm chí những thứ nhỏ nhặt nhất, bà sẽ nổi cơn tam bành như thể đó là chuyện sống chết và sẽ đi đến kết luận rằng chúng tôi khốn nạn giống bố.

Ning trở nên lặng lẽ bất thường. Nó thất vọng và thường chìm đắm vào suy tư, cứ như chỉ qua một đêm, nó đã trút bỏ lại cả tuổi ấu thơ. Không còn những tràng cười hồn nhiên, không còn vẻ mơ màng trong mắt nó, không còn niềm mê say với mọi thứ xung quanh, không còn nhảy cẫng lên vui sướng. Càng ngày nó nói càng ít, ngay cả với tôi, người từng gần gũi với nó xiết bao, và thậm chí còn ít hơn với mẹ, như thể Ning tránh phải đối diện với bà. Nó chỉ mở miệng khi cần và điều ấy khiến hố sâu ngăn cách giữa chúng tôi càng lớn.

Còn với tôi, ngôi nhà đã trở thành một nơi tẻ ngắt. Vào những ngày có tiết vĩ cầm, tôi và Jom sẽ tới quán cóc, tiêu tốn thời gian vào kẹo lạc và cà phê đá, nghe đi nghe lại “Chai thời gian”. Mặc dù có nhiều đĩa khác, chúng tôi chỉ chọn nghe bài này, cảm thấy nó thuộc riêng về mình. Đây là quãng thời gian đẹp nhất của hai chúng tôi. Đôi lúc, chúng tôi ngồi trong im lặng tuyệt đối, như sợ rằng thoáng thanh âm mỏng nhất cũng sẽ làm phiền người khác, nhưng có lúc hai đứa lại buôn chuyện không ngừng mà chẳng hề để ý đến những người khác trong quán.

Vào những ngày không có tiết vĩ cầm, tôi hay ngồi với Porm ở sân bóng hoặc trong căng tin, chán nản nhìn Eik và Chai tập luyện. Tôi chưa bao giờ có hứng thú với thể thao, có lẽ vì ở tôi sớm hình thành mặc cảm về ngoại hình mập mạp của mình. Khi còn nhỏ, bị kêu là yếu ớt vụng về, tôi bị đá ra khỏi đội. Thỉnh thoảng tôi vào chơi thế chỗ tạm thời cho ai đó và dù có cố hết sức cũng chỉ khiến đối phương cùng đội mình cười nhạo.

Porm luôn đợi để về nhà cùng Eik và Chai, bỏ lại mình tôi chán nản lang thang ở các trung tâm thương mại. Chưa phải thật khuya thì tôi sẽ không về nhà, cốt để tiếp xúc với mẹ càng ít càng tốt.

Tôi nhớ như in rằng sinh nhật lần thứ mười bốn của mình rơi vào một hôm thứ Tư bởi vì ngày hôm đó có nhiều chuyện xảy ra đã khắc sâu vào kí ức tôi.

Vào thứ Ba, một ngày trước sinh nhật, tôi học vĩ cầm như mọi bữa. Hôm đó tâm trạng thầy rất tốt, quá giờ lâu rồi thầy vẫn say sưa chuyện trò với chúng tôi. Tôi không còn nhớ thầy nói gì, chỉ nhớ lúc thầy lại đứng lên chơi đàn để minh hoạ một điểm nào đó, và điều đó gợi tôi nhớ đến thầy giáo thể dục ở trường tiểu học. Tên thầy là But, quê thầy ở Nakhorn See Thammart thuộc miền Nam. Vóc người thầy nhỏ bé nhưng săn chắc. Những buổi đầu đến trường, tôi khóc lóc giãy giụa đòi theo mẹ về, thầy But liền tóm tôi lại ôm cho tới lúc tôi nín. Lúc ấy tôi thấy thầy thật khổng lồ và đáng sợ, nhưng thời gian trôi qua, tôi cũng nhận ra rằng thực ra thầy là người nhỏ thó và chẳng có gì phải sợ. Trong tiết thể dục, sau khi chúng tôi khởi động vã mồ hôi, thầy But bảo chúng tôi ngồi thành vòng tròn vây quanh thầy rồi thầy kể cho nghe câu chuyện về một cậu nhóc tên Son Bé có trong tay một cây sáo thần. Mỗi khi gặp nguy hiểm, Son Bé sẽ rút cây sáo ra thổi - đến đoạn này tiếng kèn clarinet rộn rã của thầy But sẽ vang lên thay thế. Son Bé đã thổi sáo xua đi bao nguy hiểm khác nhau hết tuần này qua tuần khác kể từ thời khắc tôi bước vào lớp một cho đến thời khắc tôi học xong lớp năm, luôn có tiếng kèn clarinet vui tươi đồng hành.

“Hôm nay chị phải về sớm.” Jom bảo tôi khi thầy Wa-thin cho lớp nghỉ.

“Vậy thì không tới quán cóc nữa.” tôi thất vọng đáp.

“Ừm...” Jom nhìn tôi như thể đang cân đo đong đếm trong đầu rồi liếc nhìn đồng hồ đeo tay. “Thật ra, chúng ta có thể đi, nhưng phải nhanh. Đi ô tô nhé, như vậy sẽ có chút thời gian nói chuyện.”

“Được thôi,” tôi đồng ý, gượng cười kéo hộp đàn vĩ cầm khỏi tay chị.

Jom quan sát điệu bộ sốt sắng của tôi với nụ cười vui thú. “Nếu cậu biết bay, chị cá là cậu đã cất cánh rồi.”

“Chắc chắn. Nếu em bất ngờ hiện ra ở đó ngay lúc này thì còn hay hơn.”

“Thế sao cậu không thử đào đường ngầm xem?” Jom vừa bước ra cửa vừa trêu tôi.

“Không đời nào.” Tôi lắc đầu. Em sợ sẽ gặp Phra Ruang mất. Em không muốn lập tức biến thành đá như cái người Khmer trong truyền thuyết ấy đâu.”[1]

 “Thế không tốt sao? Cậu sẽ chẳng phải đi đâu và được nghe ‘Chai thời gian’ suốt cả ngày.”

“Không, vậy không ổn.” Tôi bước một bước rồi quay sang nhìn chị. “Bài hát này là của chúng ta. Chúng ta nên cùng nghe mới phải.”

Đó là lần đầu tiên tôi và Jom cùng ngồi trong chiếc xe Mercedes đen bóng tới quán cóc thay vì đi bộ buôn chuyện suốt dọc đường trong khi chú Maen lái chầm chậm phía sau như mọi khi.

“Đợi chút,” Jom bảo tôi khi chúng tôi bước vào quán. Chị tới bên máy hát, lục trong túi áo lấy vài đồng xu đút vào máy. Cô gái mỉm cười khi bước trở lại bàn. Chiếc đĩa hát tự động trượt vào vị trí, kêu tách một cái. Tôi dỏng tai lắng nghe chăm chú. Nhưng không phải bài “Chai thời gian”.

“Bạn nói hôm nay là sinh nhật bạn

Nhưng đây cũng là ngày tôi chào đời...

Mặc dù hôm nay là sinh nhật bạn

Nhưng đây cũng là ngày tôi chào đời...”

Ca khúc “Sinh nhật” của nhóm The Wings vang lên vui nhộn.

“Chúc mừng sinh nhật, Béo.” Jom lại thọc tay vào túi áo, lấy một gói nhỏ ra dúi vào tay tôi. “Chúc mừng sinh nhật sớm.”

“Cảm ơn,” tôi lầm bầm và hào hứng nhìn giấy gói dễ thương cùng ruy băng đỏ thắt nơ. “Gì vậy?”

“Mở ra tự xem xem,” chị đáp với nụ cười dạn dĩ.

Tôi hăng hái mở hộp quà.

“Tuyệt quá!” tôi kêu lên và cẩn thận đặt món quà của Jom lên bàn. Đó là một chiếc đồng hồ cát tí hon. Bốn chiếc cột mỏng mảnh của nó làm bằng gỗ đen, bên trong đồng hồ đựng thứ cát thật mịn, và những hạt thời gian không ngừng chảy qua eo nối.

“Giờ thì em có thể lưu giữ thời gian trong chiếc chai rồi.” Tôi tì cằm lên nắm tay thoả mãn nhìn chiếc đồng hồ cát.

“Ai bảo vậy?” Jom đan tay lại chống khuỷu tay lên bàn. “Thực tế là cậu đang hoài phí nó.”

“Thật ư?” tôi ngẩng đầu trố mắt nhìn chị.

“Thôi quên đi.” Jom mỉm cười trìu mến. “Dù sao thì thời gian và đồng hồ cát đều của cậu cả. Cậu muốn làm gì với chúng là quyền của cậu.”

“Em hứa sẽ cố hết sức giữ gìn cả hai thật tốt,” tôi hứa.

“Tốt,” chị nói. “Đứng dậy bỏ đĩa hát khác vào đi, đĩa của chúng ta ấy.”

“Đương nhiên rồi,” tôi đồng tình, bắt chước giọng của phát thanh viên trên đài thông báo; “Cô Jom muốn tặng ca khúc này cho anh Béo nhân sinh nhật của anh. Khi bạn lắng nghe ca khúc, xin hãy giành chút thời gian nghĩ tới người yêu cầu bài hát.”

“Ngốc!” Jom vơ mấy thanh kẹo lạc ném vào tôi. “Cậu điên rồi Béo!”

Khi hai anh em tôi còn nhỏ, sinh nhật thật quan trọng và nhiều ý nghĩa. Mẹ sẽ chuẩn bị quàn áo mới cho chúng tôi cũng như mấy món ăn đặc biệt cùng với hoa, nhang và nến theo phong tục để cúng dường cho các nhà sư. Bà sẽ đánh thức hai anh em, bảo chúng tôi thay quần áo, rồi chúng tôi cùng khuân đủ thứ ra xe, lái loanh quanh tìm nơi thích hợp để đồ cúng dường, thường là khoảng nền rộng của cột Sao Ching Cha, hoặc đâu đó trong quận Bang Lamphu. Bố sẽ là người ra hiệu cho các nhà sư tới nhận đồ cúng dường của chúng tôi và ông chỉ chọn người nào nom thật tự chủ, điềm tĩnh. Khi gặp một nhà sư nom sốt ruột hoặc không sạch sẽ, ông giả bộ ngó lơ, đợi cho tới khi gặp đươc người ưng ý.

“Ngay cả với việc cúng dường, anh cũng làm bộ quan trọng và chơi trò kén cá chọn canh,” mẹ luôn thích bới móc bố.

“Chúng ta cúng dường là để đóng góp cho đạo chứ không phải để nuôi những kẻ mờ ám ẩn dưới áo cà sa,” bố trả miếng liền. “Nếu ta nuôi những kẻ như vậy thì có khác gì ta đang góp phần vào việc làm suy đồi tôn giáo.”

“Hừ, anh quá lắm, thật đấy!” Mẹ buông một hơi thở dài não ruột. “Sao anh không thể chấp nhận sự việc như nó vốn có?”

“Không đời nào,” bố phản bác. “Chả tốn mấy sức đâu: cứ ra cửa chợ là cô sẽ thấy ngay mấy nhà sư đứng trước quầy hàng cúng dường. Người cúng vừa quay lưng đi là đám sư sãi đó đã bưng đồ cúng tếch thẳng ra chỗ bọn bán hàng. Chúng móc ngoặc với nhau cả, mấy tay sư sãi lấy phần của mình, đó là trò khỉ sinh lời của chúng, tôi dám chắc.”

Tôi và Ning vố quen ngưỡng mộ những quan điểm kì dị của bố, nhưng chúng chỉ khiến mẹ lắc đầu ngao ngán đến cực cùng.

Còn sinh nhật tôi năm nay, không quần áo mới, không cúng dường, và không bố.

Ning đánh thức tôi từ sớm tinh mơ. Nó đặt một hộp quà dẹt xuống giường cạnh tôi. “Chúc mừng sinh nhật, anh trai.” Nó mỉm cười nhìn tôi. Tôi ngồi dậy, với tay lấy món quà của Ning mở ra.

“Đẹp lắm!” tôi kêu lên khi thấy vỏ gối màu lơ nhạt thêu nguệch ngoạc đôi chim bồ câu đậu trên một trái tim.

“Đáng yêu quá!” Ning chộp lấy chiếc đồng hồ cát ở đầu giường ngắm nghía. “Anh mua ở đâu vậy?”

“Anh không mua,” tôi đáp trong khi gấp vỏ gối đặt trở lại hộp. “Chị Jom tặng sinh nhật anh.”

“Thật ra em muốn mua một món quà thật đẹp cho anh, anh Nat à.” Ning đặt chiếc đồng hồ cát về lại chỗ cũ. “Em đã ngắm bao nhiêu thứ, nhưng em không có tiền. Vậy nên em tặng anh bài thủ công của em.”

“Không sao đâu, thế này là quá đủ rồi,” tôi an ủi cô em gái mặt đã trắng bệch. “Em đã tặng anh bài thủ công của em trong khi đáng lẽ phải nộp cho cô giáo.”

“Em có thể làm lại mà.” Ning nhìn tôi chăm chú. “Mất mấy ngày thôi.”

Tôi gật đầu và dịu dàng vuốt tóc con bé. Ning ghét nhất việc may vá nhưng mẹ lại thích vô cùng và bà luôn ép Ning phải giống mình.

“Nộp cái này cho cô giáo trước đi. Đưa anh sau cũng được.” Tôi trả con bé gói quà.

“Không.” Ning lắc đầu nguầy nguậy tới mức mớ tóc mái lăng bên này qua bên nọ. “Em thêu nó cho anh. Anh cầm đi.”

“Ngốc ạ.” Tôi cầm hộp quà lên khẽ cụng vào đầu nó. “Mẹ dậy chưa?”

“Chưa,” con bé đáp rồi ngoảnh ra ngoài cửa sổ nhìn về phía một chú chim ác là nhỏ bé đang nhảy nhót trên cành xoài. “Chắc đêm qua mẹ dùng nhiều thuốc ngủ.”

Tôi thở dài. Gần đây mẹ khó ngủ nên thường phải dùng đến thuốc. Thi thoảng thuốc khiến mẹ ngủ tới tận trưa. Đêm xuống, mẹ vẫn tỉnh như sáo, vậy là bà lại phải uống thêm thuốc, cứ như thế bà luẩn quẩn trong cái vòng hung hiểm do chính mình tạo ra, như một chú cún rượt theo cái đuôi của chính mình.

“Nat, anh có muốn đi chào mẹ bây giờ không?” Ning dịu dàng hỏi.

Đã thành truyền thống, cứ mỗi dịp sinh nhật là chúng tôi lại tới quỳ lạy chào bố mẹ và đợi lời chúc của hai người. Nhưng năm nay, tôi cảm thấy chán ngán khôn tả.

“Có lẽ để tối đi,” tôi vươn người. “Anh không muốn làm phiền mẹ bây giờ.”

“Vậy em đi thay đồ. Như thế hai anh em mình có thể đón cùng xe buýt.” Ning đứng dậy.

“Mau lên,” tôi vừa hét theo nó vừa ra khỏi giường.

Lối đi từ nhà chúng tôi ra đường lớn thật yên tĩnh vào buổi sớm và ngập tràn không khí ngoại ô. Con đường đẫm sương mai, đám cỏ dày bên đường còn vương lóng lánh những hạt sương. Bụi cây trái nổ vươn những cánh hoa tím mỏng manh đón chào lũ bướm và chuồn chuồn. Ning dừng chân hái trái nổ. Nó bóp mở trái bằng bàn tay ướt đẫm và một giây sau những trái màu nâu sẫm bật tách ra.

Tôi nhớ lại mấy năm về trước bố đưa hai đứa tới Hua Hin. Hai anh em - tôi và Ning – đi hái trái cườm thảo suốt cả ngày. Khi ấy chúng tôi thấy những hạt đen đen chấm đỏ ấy quá dị thường đến nỗi đem khoe hết với mọi người xung quanh. Xa xa, một nhà sư đang bước tới, tấm áo cà sa chói mắt, Ning đứng lại nhìn tôi. Hai mắt chúng tôi thoáng gặp nhau rồi cùng lảng đi. “Nat?” Ning khẽ gọi tên tôi. “Thôi bỏ đi.” Tôi lắc đầu. Vị sư lặng lẽ bước qua chúng tôi. Đầu cúi gằm, ông ta dán mắt xuống đất không hề liếc chúng tôi lấy một cái hay lưu tâm gìtới cảnh vật xung quanh. Tôi quay đầu nhìn vị sư lần nữa trước khi theo Ning bước vào đường lớn.

Chú thích


[1] Theo truyền thuyết, Phra Ruang là một vị vua của vương quốc Sukho-thai đã xuất gia và mỗi lời của ngài đều trở thành sự thật. Ngài đã biến một kẻ sát nhân thành đá chỉ bằng cách bảo ông ta cứ đứng nguyên tại chỗ.