Chai thời gian

Chương 33-34

Docsach24.com

ôi phải đợi khá lâu điện thoại mới đổ chuông và người trực điện thoại gọi tôi. “Cậu vào buồng 2 đi.” Tôi bật dậy chạy đến buồng điện thoại có ghi số 2. Không thể giải thích được tại sao tôi lại bồn chồn đến vậy khi nhấc máy lên nghe thấy giọng nói ở đầu bên kia.

“Là chị phải không Jom?” tôi hỏi và chờ câu trả lời với trái tim đập thình thịch.

“Ừ, còn ai vào đây nữa?” Jom lặng im một hồi mới nghĩ ra người gọi là ai và nói: “Béo phải không? Cậu trốn tiệt đi đâu vậy? Chị đã gọi tới nhà cậu mấy lần. Cậu đang gọi từ đâu vậy?”

“Nongkhai.”

“Cậu chạy đến đó làm gì?”

“Chẳng làm gì cả. Em đang ở với... ừm... mấy người bạn.” Tôi nghe thấy tiếng thở phào nhẹ nhõm mà chị cố giấu đi. “Chị sao rồi hả Jom? Em đọc được tin trên báo.”

“Ừm... vậy cậu muốn chị phải nói thế nào?” Dù cố tỏ ra vui vẻ, giọng chị không giấu nổi sự cay đắng.

“Mẹ chị thế nào rồi?”

“Mẹ đỡ hơn nhiều rồi. Cám ơn cậu đã quan tâm.”

“Thế còn bố chị?”

Jom cười chua xót. “Chắc vẫn đang xoa dịu ả kia.”

“Kể em nghe chuyện gì đã xảy ra được không?”

“Cậu muốn biết làm gì?”

“Chị có nhớ lúc hỏi em rằng em cảm thấy thế nào khi phát hiện ra bố có người đàn bà khác không?”

“Có. Sao cậu lại nhắc chuyện đó?”

“Em chỉ muốn nói rằng em chưa bao giờ quên sự tin tưởng của chị với em ngày hôm đó.”

“Xin lỗi.” Jom lặng đi một lúc. “Chị không có gì để nói cả, vả lại sẽ luôn có ngày cậu mất hết kiên nhẫn thôi.”

“Chị định làm gì?”

“Không biết, chỉ biết sống như người cùng khổ qua ngày thôi.”

Tôi không biết nói gì. Giọng chị bộc lộ nhiều hơn lời chị nói.

“Mai em về Bangkok,” tôi quyết định ngay lúc đó. “Đợi em, nhé?”

“Cám ơn, Béo,” Jom lí nhí và không nói gì nữa.

Thầy Wa-thin không ngạc nhiên trước quyết định ra về đột ngột của tôi. “Con có đủ tiền không?” Thầy vừa hỏi vừa quay sang vợ mình. “Wi, lấy giùm anh ví.”

“Con có đủ thưa thầy. Con không phải mua bán gì ngoại trừ vé xe.”

“Nào nào, con không thể đi xa như vậy mà không có tiền được.” Thầy Wa-thin đưa tay đón chiếc ví từ Wi và rút một tờ một trăm bạt đưa cho tôi.

Tôi thoáng lưỡng lự trước khi nhận. Một trăm bạt có thể không là gì cả đối với một số người, nhưng với thầy Wa-thin và Wi trong hoàn cảnh hiện tại, mỗi bạt đều quý giá.

“Con sẽ trả tiền cho thầy ngay khi về đến nhà,” tôi nói đoạn cất tiền vào trong túi quần.

“Đừng.” Thầy Wa-thin xua tay. “Chờ đến lúc con có công việc và lương bổng, lúc đó con trả tiền cho thầy cũng được.”

“Con sợ thầy sẽ phải đợi một thời gian nữa.”

“Thì sao chứ? Thầy không vội gì cả.”

Chúng tôi ngồi im lặng còn Wi cáo lỗi đi nghỉ trước.

“Nat,” thầy Wathin nhẹ nhàng nói, “có chuyện gì nhớ cho thầy biết, à mà bảo Jom là thầy vẫn nghĩ về nó nhé.”

“Vâng thưa thầy,” tôi đáp và không khỏi tự hỏi bản thân vì sao thầy biết lý do tôi muốn quay lại Bangkok.

Tinh mơ hôm sau, tôi lên đường về Bangkok, vừa về tới nơi tôi bắt taxi thẳng đến nhà Jom. Có rất nhiều người ra vào nhà chị.

“Jom đâu ạ?” tôi hỏi mấy người đứng trước cổng.

“Nó bỏ đi rồi... từ đêm hôm qua,” một bà lão trả lời, vừa nói vừa khóc.

“Có chuyện gì ạ? Chị ấy có sao không?” Tôi giật mình, vô thức nắm tay bà lắc mạnh.

“Tối qua bà chủ không khỏe. Cô Jom đã cho người báo với ông chủ, nhưng ông ấy không chịu ra. Thế nên cô ấy xông vào nhà nhỏ...” Bà cụ chỉ vào tòa nhà mới. “Ôi, cậu phải nghe mụ đàn bà đó chửi cô ấy! Nào là bà chủ chỉ đang cố lừa ông chủ về! Rồi thì cô Jom đang bịa chuyện! Họ cãi nhau to, và rồi mụ đàn bà đó lôi súng ra định bắn cô Jom. May mà ông chủ kịp vào cản mụ ấy. Cô Jom tóm lấy khẩu súng bắn không biết bao nhiêu phát rồi cô ấy chạy đi đến giờ vẫn chưa quay lại.”

“Người đàn bà kia có bị thương không?”

“Hình như có. Lúc đầu tôi còn tưởng mụ ta chết rồi cơ. Máu vấy khắp phòng...”

“Bà có biết Jom đang ở đâu không ạ?”

“Không.” Bà già lắc đầu. “Có lẽ cô ấy nghĩ mình đã giết mụ kia nên chạy trốn.”

“Thế còn mẹ Jom?” tôi lo lắng hỏi.

“Ồ, bà chủ không biết gì cả. Không ai muốn bà ấy biết. Bà chủ cứ hỏi về Jom suốt.”

Tôi đi bộ từ nhà Jom về trong thất vọng, cố gắng nghĩ xem Jom có thể đang ở với ai, nhưng Jom không thuộc kiểu người có nhiều bạn, nhất là bạn ở trường. Càng nghĩ tôi càng thấy rối rắm và nghĩ rằng điều tốt nhất tôi có thể làm bây giờ là mau về nhà phòng khi Jom gọi.

Nhưng chị không bao giờ gọi.

Khi tôi về đến nhà, mẹ và Ning đi vắng. Chỉ có bác Amorn ngồi một mình ở quầy thu ngân.

“Nào nào Nat,” bác chào tôi, “về rồi à? Mẹ cháu cằn nhằn suốt ngày. Tai cháu không thấy nóng à?”

Nghe cái giọng ầm ĩ của bác Amorn, bác Ngop vội ló ra tham gia câu chuyện.

“Trông cháu đen nhẻm đi. Phơi nắng nhiều quá đây mà. Nào, đã ăn gì chưa?/”

“Cháu chưa đói bác ạ.” Tôi đưa túi cho thằng bé chạy đến sốt sắng muốn giúp.

“Sao mà cháu lại chưa đói được?” Bác Ngop vừa đi vừa nhìn lên đồng hồ treo tường. “Sắp mười giờ rồi. Bác sẽ làm cho cháu ít cơm rang cua, này, Daeng, lấy cua trong tủ lạnh ra cho bác.”

“Giờ lên tắm rửa đi. Lúc nào cơm chín bác sẽ bảo thằng bé mang lên cho cháu.” Bác Amorn khép lại câu chuyện.

Tôi mỉm cười thông cảm với bác Ngop trước khi lên cầu thang.

“Nat!” bác Ngop vẫn gọi với theo tôi. “Nhớ ăn lúc còn nóng đấy, nếu để nguội là nó cứng lại chả ra gì nữa đâu.”

Eik là đứa đầu tiên trong đám bạn phát hiện ra tôi đã trở về. Tiếng chuông điện thoại đánh thức tôi lúc nửa đêm vào tôi cuống cuồng xuống nhà nghe máy.

“Nhà hàng Chuleephorn...” Tôi tuôn một tràng vào ống nói và chăm chú đợi bên kia cất tiếng.

“Cho cháu nói chuyện với Nat ạ.”

“Này Eik,” tôi hét lên hạnh phúc. “Là mình đây!”

“Cậu biến đi đâu đấy hả? Mình hỏi khắp nơi mà chả ai biết cả. Mình còn tưởng cậu bị xe tăng đè bẹp rồi cơ đấy.”

“Cậu có dám thề chính mồm cậu vừa nói ra câu vừa rồi không?”

“Sao không?” nó vặn lại. “Nói láo thì khi đánh rắm sẽ bị to tiếng hơn nhiều lần.”

“Cậu gọi làm mình vui lắm, nhất định mai mình sẽ qua chơi với cậu.”

“Được thôi, chiến hữu,” nó chế giễu. “Cậu đi lâu quá làm mình phát hoảng. Mình tưởng cậu nuốt thuốc nổ mà vĩnh biệt thế giới rồi, này, cậu biết chuyện của Porm chưa?”

“Mình nghe rồi... cậu đến thăm nó chưa?”

“Một lần thôi. Mình thấy tội cho nó, cậu biết đấy. Nó còn hỏi thăm cậu nữa.”

Tôi lặng đi một hồi, nghĩ đến cảnh cô bạn bám lấy song sắt nhà tù với vẻ mặt buồn bã. “Nó bị thương có nặng không?”

“Bị đánh nát như cám. Hôm mình đến, cả mặt nó thâm tím, má vẹo, cằm bị vỡ thấy rõ.”

Bỗng mường tượng ra cảnh Porm bị dùi cui nện tới tấp, tôi nhắm nghiền mắt lại. Và hình ảnh ấy lập tức gợi tôi nhớ đến những gì đã xảy ra ở trường mấy năm trước. Chúng tôi đang chơi đá bóng thì xảy ra cuộc ẩu đả với trường kia. Chai bị đốn ngã giữa sân và Eik chạy đến đấm thẳng vào mặt thằng ấy, rồi học sinh cả hai trường lao vào tẩn nhau trong một cuộc chiến khốc liệt. Porm đẩy tay tôi ra, vơ một cây gậy rơi gần đó mà chạy xuyên qua đám đông đang túm tụm trên sân bóng, vừa khua tứ lung tung vừa gầm như một con hổ cái đang bảo vệ hổ con. “Đưa mình cái gậy rồi về với bọn con gái đi,” tôi lệnh cho nó trong khi Wik cúi gập người cố bảo vệ Chai, rồi cảnh sát ùa vào đuổi bọn học sinh đang chạy tán loạn. Tôi vẫn còn nhớ ánh mắt chần chừ của Porm khi nhìn Eik và tôi trước khi buông cây gậy và khóc chạy đi vừa kịp lúc. Ngay khi nó chạy đi, một tay cảnh sát chạy đến chỗ tôi. “Lũ du côn...” Tôi vẫn còn nhớ rất rõ ông ta trông như thế nào và cái cách ông ta khua dùi cui như thể chuẩn bị cho chúng tôi một trận tơi bời. “Đi! Lên đồn, cả lũ chúng mày.”

“Cậu định bao giờ lại đi thăm nó?” tôi hỏi, giọng trầm xuống.

“Tùy cậu đấy. Mình thì lúc nào cũng được. Hay là rủ Chai đi cùng luôn? Mình chắc là Porm sẽ thích thế.”

Tôi nghĩ đến cảnh Porm chuyển cái túi ni lông qua song sắt cho tôi. “Mình mang cơm rang với nước cho hai cậu.” Hai chúng tôi đã bám lấy chấn song rì rầm trò chuyện trong khi Eik co rúm lại ở một góc xà lim.

... “Con muốn đến thăm Porm.”

“Chưa phải lúc.” Lời thầy Wa-thin vẫn văng vẳng bên tai tôi. “Tình hình ở Bangkok đang không ổn định. Thế nào con cũng gặp rắc rối như trò đó thôi.”

“Nghe này, Eik.” Tôi gọi tên nó với giọng cứng rắn. “Sáng sớm mai bọn mình đi thăm Porm nhé?”

Chương 34

Docsach24.com

 ôi vừa đặt máy xuống thì mẹ và Ning về.

“Nat!” Mẹ kêu lên ngạc nhiên khi thấy tôi ra mở cửa cho họ. “Mày về từ lúc nào?”

“Trời ơi em vui quá!” Cửa vừa hé mở Ning đã luồn vào túm chặt cánh tay tôi. “Em hỏi Chai bao nhiều lần mà anh ấy cũng chả nói anh đi đâu cả.”

“Mày có nhận được tiền mẹ nhờ Chai gửi không?” mẹ hỏi.

“Có ạ.” Tôi xách túi giúp mẹ.

“Vậy à. Thế sao mày chả bao giờ nhắn lấy một câu về nhà cho mẹ mày đỡ lo? Mày chả viết gì sất, thậm chí một lá thư cũng không. Mày làm như thể trên đời này chỉ còn mỗi mày tồn tại ấy.”

“Mẹ ơi thôi mà!” Ning quay ra ngăn mẹ.

“Mày lúc nào cũng bênh anh mày chằm chặp,” mẹ quay sang sạc Ning. “Chính mày cũng có bao giờ ở nhà đâu, mày chỉ giỏi lang thang như con ma dại ngoài đường.”

“Mẹ vừa đi đâu về đấy ạ?” Tôi chuyển chủ đề khi nhìn thấy Ning nhăn nhó đứng đó.

“Bang Khla,” mẹ miễn cưỡng trả lời đoạn ngồi xuống chiếc ghế ở giữa phòng. “Mày không tưởng tượng nổi mẹ đã lo lắng đến độ nào đâu. Cứ hễ dành dụm được ít tiền là mẹ vội bỏ vào đất để đầu tư cho tương lai của cả nhà ấy thế mà chúng mày chẳng bao giờ thỏa mãn cả.”

“Con đi ngủ đây.” Ning đặt giỏ trái cây nó đang xách xuống bàn rồi lủi lên gác.

“Trông nó kìa,” mẹ hét với theo. “Chẳng bao giờ nói gì được với nó. Động đến là lập tức tỏ thái độ.”

“Mẹ.” Ning thò đầu qua tay vịn. “Con buồn ngủ.”

“Mẹ cũng đi ngủ đi ạ, Mai mình nói chuyện.” Tôi khẽ chạm vào tay mẹ.

“Hai đứa mày nghĩ chúng mày đặc biệt lắm đấy,” mẹ vẫn lầm bầm khó chịu khi đứng dậy đi lên cầu thang. “Nào, Nat: bây giờ mày định làm gì đây?”

Tôi im bặt vì không biết trả lời câu hỏi của mẹ như thế nào.

Sáng sớm hôm sau, tôi và Eirk đến Học viện Cảnh sát Bangkhein nhưng đến mãi trưa chúng tôi mới được gặp Porm.

“Chào, Beo1” Porm vui vẻ gọi, mắt nó ánh lên phấn chấn.

Bộ dạng nó làm tôi đứng sững lại.

“Cậu tự chế kiểu tóc mới hả?” Eik đùa.

“Ừ đó.” Porm gật đầu rồi lấy tay vuốt cái đầu trọc lóc với mấy miếng cao dán. “Cậu thích không?”

“Thế bây giờ cậu cảm thấy thế nào?” Tôi luồn tay qua song sắt nắm tay nó. “Trông cậu gầy quá.”

“Cậu nghĩ sao chứ? Đây là nhà lao, không phải một cái nhà hàng chết tiệt nào đó,” nó nóng nảy nói.

“Thế tại sao lại cạo đầu?” tôi hỏi nhỏ.

“Từ lúc phải hứng không biết bao nhiêu qủa đấm với đá, mình bị đau đầu kinh khủng...” Ánh mắt nó đông cứng lại thành một cái nhìn kinh hãi. “Mình bất tỉnh liền hai ngày, đến khỉ tỉnh lại thì đầu đau như muốn vỡ tung. Có một đêm nó đau đến mức mình không chịu nổi, thế nên mới nhờ mấy đứa bạn cạo trọc để cơn đau biến đi cùng tóc tai.”

“Thế cảnh sát thì sao? Bọn họ nói gì?”

“Bọn họ mời bác sĩ khám cho mình một lát. Hôm kia người ta bắt mình đến bệnh viện công an chạp X-quang. Họ bảo mình cần phải mổ. Làm mình sợ chết khiếp, cậu biết đấy. Khéo bọn họ sẽ lấy não mình ra rồi thay bằng một cái rởm như của cậu hay Eik mất.”

“Nếu mình không sợ bị buộc tội đánh bị cáo thì bây giờ cậu còn thảm hơn thế này rồi.” Eik ra vẻ như chuẩn bị đá cho Porm mộc cái.

“Cậu nên bỏ tất cả những chuyện vô nghĩa lý này đi.” Tôi rút tay khỏi tay nó.

“Mình làm gì sai chứ?” Porm vặn lại, giọng nó khàn khàn run rẩy. “Cậu nên làm quen với những người này, những người đã bị bóc lột bằng mọi phương thức, những người làm giàu cho người khác mà vẫn bị đè nén cho đến khi bẹp rúm dưới đất, những người mà...”

“Kiềm chế!” Eik giơ tay lên làm hình chữ X. “Không mình với Béo cũng bị tống vào nhà lao với cậu mất.”

“Mấy người như các cậu chỉ giỏi trốn chạy mà lo cho an nguy của bản thân, chả bao giờ quan tâm đến gì ngoài lợi ích riêng của các cậu cả.”

“Làm như bản thân cậu thì hay hớm lắm!” Erik tiếp tục đả kích. “Cậu mở mồm ra là buộc tội người khác, đổ cho họ ích kỷ, rồi thì nhỏ nhen. Mình chả thấy căn cớ gì khiến cậu đặc biệt hơn người cả.”

“Quỷ tha ma bắt cậu đi, Erik!”

“Đủ rồi đấy!” Tôi cuống cuồng ngăn hai đứa. “Hai cậu bị làm sao vậy chứ? Vừa mới gặp mặt nhau mà đã chành chọe như hai gái lấy một chồng, dù trong nhà tù các cậu cũng không tha!”

“Cứ đợi đến lúc mình được thả đi!”

“Ừ đấy, cậu thông minh lắm.” Erik lắc đầu ngán ngẩm. “Thế nên mới biến thành nữ hoàng đầu trọc.”

“Có cần bọn mình mang gì cho cậu không?” tôi hỏi để chuyển chủ đề.

“Ít thuốc giảm đau, thế thôi. Loại nào mạnh vào. Mình đã chán đến tận cổ mấy viên màu hồng rồi. À, cả mấy tờ báo nữa. Mình muốn biết chuyện gì đang xảy ra ngoài kia.”

“Tất cả những gì cậu đòi hỏi nghe đều có vẻ nguy hiểm. Cậu không nghĩ ra cái gì đó vô hại hơn à?”

“Đấy là tất cả những gì mình muốn. Nếu không có được thì thôi, kệ đi.”

“Ô hô... xem xem bây giờ ta trọc thì dễ tự ái đến mức nào.” Eik trêu.

“Mình sẽ cố,” tôi hứa với nó.

“Cám ơn.” Nó nắm lấy tay tôi qua song sắt. “Mình nhớ cậu nhiều lắm đó, biết không. Cậu định đi học ở đâu?”

“Mình cũng chưa biết.” Tôi lắc đầu. “Có thể mình sẽ học tư thục rồi năm sau thi lại.”

“Ừ. sao không chứ?” Nó siết tay tôi. “Cậu học cái gì không quan trọng: điều quan trọng là cậu học như thế nào.” Nó dị dàng gọi tên tôi. “Béo à... cậu có còn giận mình không?”

“Không biết.” Tôi thở dài. “Nhưng bây giờ mình còn không nhớ mình giận cậu vì cái gì nữa.”

“Mình mừng quá!” Mắt nó sáng lạ thường. “Mình sẵn sàng chịu khổ còn hơn thế này, chỉ cần cậu không giận mình nữa.”

Mưa rơi tầm tã lúc Eik và tôi ra khỏi Học viện Cảnh sát Bangkhein. Chúng tôi đứng trú mưa ở bến xe buýt gần đó.

“Hầy, giá có dự báo thời tiết trước thì bọn mình đã chuẩn bị rồi,” Eik vừa càu nhàu vừa lấy khăn mùi soa lau mái tóc ướt nhẹp.

“Bao giờ thì cậu nhập học?” tôi vừa hỏi vừa cởi áo ra vắt hết nước.

“Hai tuần nữa.” Eik nhìn lên. “Mình không biết tả thế nào cho cậu hiểu cảm giác sung sướng của mình trước viễn cảnh không còn phải mặc quần cộc như bọn trẻ khác mà là đồng phục của sinh viên đại học. Trước đây thì toàn chơi bời rồi nô đùa nhưng bây giờ đã đến lúc trưởng thành.”

“Bố mẹ cậu chắc vui lắm.”

“Mẹ mình không biết gì đâu.” Eik cười ầm. “Mẹ chỉ cằn nhằn là mình cứ học mãi chả biết đến ngày nào mới xong và bao giờ mình mới chịu ổn định, lập gia đình như mọi người.”

“Thế còn bố cậu?”

“Bố mình thì lo rằng mình sẽ không còn thời gian phụ việc ở cửa hiệu, nhưng ông cũng hy vọng là có bằng cấp, mình sẽ giúp ông giao dịch với quận và mấy cán bộ ở đó. Ông ấy không thích lên ủy ban và cũng ghét phải nói chuyện với mấy người mặc đồng phục.”

“Mình cũng không thích lên ủy ban hay phải dây dưa với mấy người đó.”

“Cậu mà còn tiếp tục nói như vậy, mình sẽ nhốt cậu lại với Porm.” Eỉk lấy khăn lau mặt.

“Dạo này có gặp Chai không?”

“Chẳng mấy khi.” Eik nhìn bức tường mưa giăng kín đường. “Mình đến nhà nó mấy lần. Mẹ nó cứ ngồi làu bàu là nó không còn biết đường về nhà nữa, cứ biệt tâm biệt tích mấy hôm liền cho đến khi rỗng túi mới về moi tiền của mẹ. Mình cũng thấy thương bác ấy, cậu thấy đấy. Đứa con duy nhất, vậy mà bác ấy không thể nhờ cậy. Lần cuối mình đến đó, mình gặp bác ấy đang ngồi cắt cỏ và thở hổn hển như sắp chết vậy. Mình phải lấy ít thuốc cho bác ấy và giúp bác ấy cắt cỏ.”

“Ôi đứa bạn tuyệt vời của cậu con trai mẫu mực” tôi cười nói.

“Cậu đang nói cái gì thế?”

“Cậu không nhớ mấy bài giảng Phật giáo à? Người bạn của con mà đáng được coi trọng hơn cả người con...”

“A Di Đà Phật, thưa ngài.” Eik chắp tay lại trên đầu.

“Mình cảm thấy như cả bốn đứa mình đều đã đến điểm rẽ của cuộc đời.” Tôi lau mấy giọt nước mưa trên mắt. “Cái điểm rẽ nơi mà từ đây mỗi đứa sẽ tự đi trên con đường riêng của mình, kết thân với bạn bè mới, và không ai biết được phía cuối con đường sẽ là cái gì.”

“‘Tương lai ta nào hay biết trước, ấy vậy mà ta vẫn phải cất bước’” Eik ngân nga bài “Deun Na” (Cất bước) của Krom Luang Chumphorn.

“Cậu là đứa có nhiều hy vọng nhất và tương lai sáng nhất.” Tôi vỗ nhẹ vai Eik. “Mình mong là cậu sẽ không làm bố mẹ và bạn bè thất vọng.”

“Cậu nói như đang viết di chúc vậy.” Eik nhỏ nhẹ phàn nàn. “Mình đã nói rồi nhớ không: không ai biết trước được tương lai cả. Cậu từng chơi trò rắn leo thang rồi chứ? Cậu đi lên, rồi lại xuống, rồi lại lên. Chẳng có gì là chắc chắn. Có lẽ điều duy nhất có thể chắc được trên tất cả những gì không chắc là chúng ta sẽ vẫn mãi là bạn, dù cho bao nhiêu năm qua đi hay cuộc sống của chúng ta sẽ thế nào.”

“Mình cũng nghĩ vậy.” Tôi mỉm cười với ánh nắng láp lánh giữa những dòng mưa và với Eikkarong.

Chiều đó khi tôi về nhà, tâm trạng mẹ khá hơn tối hôm trước. “Ra đây nói chuyện với bà mẹ già của mày nào, Nat,” mẹ gọi từ quầy thu ngân khi tôi mở cửa bước vào nhà hàng. “Gần tháng nay mẹ con mình không nhìn thấy nhau rồi. Mày ra dáng thanh niên hẳn hoi rồi đấy, mày biết không?”

“Có chuyện gì thế hả mẹ?” tôi kéo một cái ghế ra ngồi cạnh mẹ rồi hỏi.

“Sao? Cần phải có chuyện gì à?” Cái giọng cáu kỉnh của mẹ lập tức trở lại,

“Con chỉ hỏi thôi,” tôi lầm bầm đoạn thở dài ngao ngán.

“Nói ra xem nào.” Mẹ nhìn tôi chăm chú. “Mày định học gì tiếp?”

“Cho con thêm thời gian được không hả mẹ?”

“Cho con thêm thời gian - lúc nào cũng đòi thêm thời gian. Tao đã cho mày biết bao nhiêu thời gian rồi mà chả thấy có ích lợi gì cả. Ngày mai mày theo tao đến trường đại học tư thục. Tao sẽ không để mày biến thành một thằng ăn không ngồi rồi đâu. Dù gì đi nữa thì mày cũng phải học lấy cái gì đó. Tao đã nuông chiều mày quá rồi. Còn việc cố theo đuổi giấc mơ Sinlaparkorn của mày ư, quên nó đi.”