Chúa tàu Kim Quy

Phần 2/Chương VIII

Cách vài ngày Thu Thủy sắm sửa áo quần An Nam cho Thủ Nghĩa xong rồi, Thủ Nghĩa mới thay đổi y phục vào dinh mà tạ ơn các quan. Thủ Nghĩa lại biểu vợ chồng Kỉnh Chi sắm lễ vật rồi xuống tàu đi hết về Tân Châu mà cúng tế. Đến nơi Thủ Nghĩa thấy mồ mả Kỉnh Chi đã làm xong rồi hết, thì trong lòng càng thêm cảm mến vô cùng, ở Tân Châu ai nghe Lê Thủ Nghĩa đã thoát khỏi hàm oan, mà lại được giàu có, thì ai cũng đều mừng giùm, bởi vậy cho nên tàu đậu mấy ngày người ta xuống thăm nườm nượp.

Thủ Nghĩa thấy nhơn tâm trìu mến như vậy, thì cảm động trong lòng, nên mua heo làm thịt mà đãi tổng làng, liên tiếp ba bốn bữa mới dứt.

Các việc xong xuôi rồi, Thủ Nghĩa với vợ chồng Kỉnh Chi ngồi tàu trở về An Giang.

Thủ Nghĩa đền ơn trả oán xong hết, thì trong lòng hớn hở vô cùng, anh em đàm luận với nhau, kể lúc gian nan, người tỏ tình hoài vọng, nói tới lúc buồn thì khóc, nói tới lúc vui thì cười, nói chuyện tối ngày không dứt. Kỉnh Chi hỏi Thủ Nghĩa rằng: “Nay anh đã thoát khỏi tai nàn, mà lại được trở nên phú hộ vậy chớ bây giờ anh tính về Tân Châu hay cất nhà cưới vợ, lập gia cư đặng an hưởng thanh nhàn, hay là anh tính đi đâu? Anh ở đâu xin cho em biết đặng theo mà ở một bên anh chớ anh em ta ly biệt nhau, hằng thương nhớ nhau đêm ngày, nay sum hiệp rồi, em không muốn phân cách nữa”.

Thủ Nghĩa nghe hỏi như vậy, ngồi suy nghĩ một hồi rồi đáp rằng: “Chẳng giấu chi dượng nó, mấy năm tôi thoát tai nạn tìm được bạc vàng rồi, thì tôi hằng lo một là đền ơn cho được, hai là báo oán cho xong. Nay oán tôi trả xong, ơn tôi đền được, nhưng mà tôi còn chút ngại lòng, là lúc nhỏ tôi có trộm ước với cô Tư Chuyên, nhơn vì nhà nghèo bẩn chật nên cưới chưa kịp kế tôi bị kết án. Cách mấy tháng trước tôi trở về Tân Châu tôi có hỏi thăm thì họ nói khi tôi bị kết án cô nguyện trực tiết mà chờ tôi, ở như vậy cho đến năm sáu năm, nghèo quá mới bán nhà về ở với chú. Họ lại nói nghe cô chết rồi, song nghe là nghe mơ hồ, chớ không dám chắc, ấy vậy tôi tính rồi đây tôi sẽ mướn người đi kiếm thử coi, như may kiếm được và như cô chưa lấy chồng, thì tôi sẽ cưới cô đặng định bề gia thất”.

Kỉnh Chi hỏi cô Tư Chuyên hồi trước nhà ở chỗ nào. Thủ Nghĩa chỉ chỗ cho Kỉnh Chi, rồi Kỉnh Chi vỗ tay cười lớn mà nói rằng:

- Anh khỏi mướn ai đi kiếm cho thất công, để về tới An Giang rồi anh muốn gặp chỉ chừng nào cũng được hết.

- Té ra cô ở bên An Giang hay sao?

- Phải.

- Phải ở với người chú hay không?

- Phải.

- Mà cô có chồng hay chưa?

- Không biết hồi trước cô có hay không, chớ từ ngày em qua ở bên tỉnh tới nay thì em không thấy chồng con chi hết.

- Mà sao dượng lại biết cô Tư Chuyên?

- Em biết mà. Người ấy hồi ở Tân Châu mặt trắng, má bầu, chơn mày cong vòng nguyệt, miệng cười có hai đồng tiền, mà trước nhà có trồng mấy bụi chuối đó phải hay không?

- Phải.

- Em biết chỉ là vì hồi anh bị án, cha mẹ rầu buồn rồi tỵ trần, lúc cha mẹ đau thì chỉ lại thăm hằng ngày, khi tống táng thì chỉ đến để giùm giúp. Em thấy người lối xóm mà có lòng như vậy em cảm mến lắm, nên em có hỏi thăm má thằng Phục thì nói chỉ tên là Tư Chuyên.

- Bây giờ cổ ở đâu?

- Ở bên An Giang.

- Mà ở nhà ai chớ?

- Em nói ở nhà chú của chỉ.

- Ừ, mà người chú đó tên gì?

- Chú chỉ là ông Năm Trận, ở mé bên kia sông, ngang qua chợ An Giang, lối chỗ bến đò đó.

- Người chú đó làm nghề gì?

- Em thấy hay đi chài lưới, mà nghe cũng có làm ruộng nữa thì phải. Cha chả! Mà sợ bây giờ anh gặp chỉ chắc anh không biết chỉ đâu.

- Sao vậy?

- Chỉ lớn rồi, mà lại vì nghèo nàn lam lụ nên cùi đày lắm.

- Có lẽ nào tôi quên được.

Thủ Nghĩa nghe nói cô Tư Chuyên còn sống và hễ về An Giang thì sẽ gặp mặt, thì lòng khoan khoái, chẳng xiết nỗi mừng. Đêm ấy nằm dưới tàu, Thủ Nghĩa tính tới nghĩ lui, trằn trọc sáng đêm ngủ không được. Qua ngày sau tàu lên khỏi Cái Đầm rồi, Thủ Nghĩa mới kêu Kỉnh Chi mà nói rằng: “Dượng nó này, tôi đã hết lúc bần cùng nay tới hồi hiển đạt, tôi tưởng nếu bây giờ tôi đi nói vợ thì chẳng thiếu chi chỗ họ sẵn lòng gả con cho tôi. Song tôi nghĩ vì cô Tư Chuyên cổ biết tôi trong lúc tôi bần hàn, mà đến ngày tôi mắc nạn cổ cũng chẳng quên lời hẹn, đàn bà mà lòng dạ ở như vậy xưa nay chẳng hiếm lắm sao? Bạc vàng tôi đã có nhiều rồi, nhan sắc tôi không lòng mơ ước, tôi chán ngán cuộc đời rồi, bây giờ tôi cầu là cầu nhơn nghĩa mà thôi. Vậy chừng về đến An Giang, xin dượng nó làm ơn dắt tôi đến nhà cô Tư Chuyên, như cô chưa lấy chồng thì tôi cậy mai nói mà cưới cô rồi tôi cất nhà ở An Giang buôn bán với hai vợ chồng dượng chơi cho vui, tôi tính như vậy dượng nó nghĩ coi có được hay không?”.

Kỉnh Chi suy nghĩ một hồi rồi đáp rằng: “Anh tính như vậy em nghe cũng phải. Em biết bây giờ nội tỉnh An Giang đều nghe anh giàu có, nên ai cũng yêu chuộng anh; em dám chắc nếu anh muốn nói vợ nhà quan cũng được nữa. Song ở đời nhơn nghĩa là hơn, chớ bạc vàng quyền thế mà làm gì. Anh tính như vậy xong đa, thôi, để về tới An Giang em dắt anh đi tìm chỉ”.

Hai chiếc tàu về tới An Giang, trời đã tối rồi. Vợ chồng Kỉnh Chi với thằng Phục đem đồ lên nhà mà nghỉ, còn Thủ Nghĩa với Trần Mừng thì ngủ dưới tàu. Sáng ngày mặt trời chưa mọc thì Thủ Nghĩa đã lên nhà kêu Kỉnh Chi biểu dắt đi đến nhà ông Năm Trận đặng thăm cô Tư Chuyên.

Hai người trở xuống mé sông kêu bạn bơi tam bản vô rước rồi đưa luôn qua mé bên kia sông, đặng đi lại nhà ông Năm Trận. Hai người bước vô, ông Năm Trận đương ngồi vót tre đương rổ sơ sài, không thèm mời ngồi cứ ngồi vót tre hoài. Thủ Nghĩa bợ ngợ nên đứng xớ rớ xó cửa. Kỉnh Chi tuy không quen, nhưng mà biết ổng nên ngồi chồm hổm dựa bên ổng rồi hỏi rằng: “Ông Năm nầy, ông có một người cháu gái ở với ông mấy năm nay đó, phải tên chỉ là Tư Chuyên hay không?”

Ông Năm Trận nghe hỏi mới ngừng tay, ngó Kỉnh Chi rồi nói rằng: “Phải, tên nó là Chuyên, mà hỏi chi vậy?”. Kỉnh Chi đáp rằng: “Anh tôi đây ở bên Tân Châu hồi trước có quen với chỉ, nay có dịp qua tỉnh nên biểu tôi dắt lại thăm chỉ vậy mà. Có chỉ ở nhà hay không ông?”. Ông Năm Trận day ngó Thủ Nghĩa rồi cúi xuống vót tre và đáp rằng: “Nó vô trong đồng tát đìa kiếm cá, từ hồi khuya đến bây giờ, một lát trưa nó mới về”.

Thủ Nghĩa với Kỉnh Chi nghe nói liền ngó nhau, rồi Thủ Nghĩa ngồi đại trên cái sập để dựa cửa đó. Kỉnh Chi hội ý biết Thủ Nghĩa tính ngồi mà chờ, nên anh ta cũng ngồi bẹp một bên ông Năm Trận rồi kiếm chuyện nầy chuyện kia mà hỏi. Thủ Nghĩa dòm cùng trong nhà chẳng thấy vật chi đáng năm quan tiền, và cũng chẳng thấy ai vào ra, biết chắc nhà nghèo, và nghi ông nầy ở hủ hỉ với cháu mà thôi, chớ chẳng có ai hết. Ngồi một hồi lâu, Thủ Nghĩa bèn hỏi: “Không biết mấy năm nay cô Tư về bên nây mà cô có nơi nào kết bạn làm ăn hay không ông há?”

Ông Năm Trận đáp rằng: “Không có. Nhỏ lớn nó đã có chồng ở đâu! Con nhỏ kỳ lắm mà, ai đi nói cũng không ưng hết thảy”. Ông nói mấy lời ngó ra trước sân mà nói tiếp rằng: “Kìa, nó về kìa!”.

Thủ Nghĩa ngó ra thấy một người đàn bà mình mẩy lấm lem, mặc một cái quần vải nhuộm dà cũ nên màu đã sậm rồi và một cái áo xanh rách, hai tay cụt vừa phủ tới cánh chỏ mà thôi, đầu thì không khăn khíu chi hết, tay bưng thúng cá, ở ngoài đi vô. Tuy hình dạng dơ dáy như vậy song gương mặt ngó sáng trưng, Thủ Nghĩa vừa ngó ra thì biết ngay là cô Tư Chuyên, nên lật đật đứng dậy chạy ra sân, muốn kêu mà nói không ra tiếng, vì nghẹn cổ nghẹn hầu, muốn khóc mà không ra nước mắt, vì nửa buồn nửa vui lộn xộn, nên đứng chần ngần giữa sân mà ngó. Cô Tư Chuyên bưng thúng cá xầm xầm bước vô tới sân, thấy Thủ Nghĩa thì cô cũng đứng khựng lại đó mà ngó, hai đàng nhìn nhau rồi cô Tư Chuyên để thúng cá xuống đất, và nói rằng: “Anh phải hôn?”. Thủ Nghĩa cũng nói có hai tiếng: “Cô Tư” rồi hai người đứng đó khóc hết, chớ không nói chi được.

Khóc một hồi rồi Thủ Nghĩa mới nói rằng: “Tôi có dè ngày nay mà đôi ta còn gặp nhau như vầy đâu!”. Cô Tư Chuyên lau nước mắt mà đáp rằng: “Hôm nọ em nghe họ đồn Chúa tàu Kim Qui là Lê Thủ Nghĩa. Gốc ở Tân Châu, họ lại nói Thủ Nghĩa quan đã minh oan nên xả tội rồi thì em mừng quá em muốn xuống tàu mà thăm anh, song ra mé sông, nghĩ thân em nghèo hèn còn bây giờ anh sang trọng, không biết xuống tàu anh có nhìn hay không, nên em trở lên, không dám xuống. Sáng bữa sau em đi qua chợ bán cá thì không thấy tàu đậu đó nữa, em tưởng anh đi luôn, chớ không dè anh còn trở lại đây”.

Thủ Nghĩa nói rằng: “Tôi không dè cô ở đây, tôi về Tân Châu cúng quải cha mẹ, chừng trở qua đây đi dọc đường dượng Kỉnh Chi nói biết nhà cô, nên tôi mới mượn dắt tới đây”.

Trong lúc hai người gặp nhau, ông Năm Trận dòm ra thấy hai người đều lựng khựng rồi khóc hết, không hiểu là việc chi; ông hỏi Kỉnh Chi, Kỉnh Chi nói Lê Thủ Nghĩa khi trước là Chúa tàu Kim Qui là người đó, thì ông chưng hửng lật đật quăng mác chạy ra rồi mời vào nhà.

Thủ Nghĩa kể hết đầu đuôi mọi nỗi cho cô Tư Chuyên nghe, và nói khi về Tân Châu hỏi thăm họ nói cô không khứng lấy chồng thì trong lòng hoài vọng hết sức, quyết tìm cho được mà trả nghĩa tương tri.

Cô Tư Chuyên cũng thuật chuyện mình đợi chờ sầu não cho Thủ Nghĩa nghe, mỗi lời đều giống y như lời bà Tám Tiền nói với Thủ Nghĩa cách mấy tháng trước.

Hai người bày lòng kể chuyện với nhau xong rồi, Thủ Nghĩa mới đứng dậy xin ông Năm Trận để mình cất nhà ở cho yên nơi yên chỗ rồi sẽ chọn ngày làm lễ cưới cô Tư Chuyên đặng lo bề nội trợ.

Ông Năm Trận nghe Thủ Nghĩa tính cưới cháu mình thì ngồi khựng, ngó hai đàng rồi lắc đầu, chớ không nói chi hết.

Thủ Nghĩa với Kỉnh Chi dắt nhau về. Thu Thủy dọn cơm ăn thì Thủ Nghĩa lòng khoái lạc lộ ra đến ngoài mặt, cứ ngồi nói nói cười cười hoài, tính việc cất nhà, lo bề cưới vợ, không ăn uống chi được hết. Thủ Nghĩa cậy Kỉnh Chi đem bạc đưa cho cô Tư Chuyên đặng mua sắm áo quần mà mặc cho lành lẽ và đưa cho ông Năm Trận đặng sửa soạn nhà cửa lại cho vẻn vang. Thủ Nghĩa lại mua đất cất một cái nhà rất đẹp, ở một bên Kỉnh Chi, rồi chọn ngày làm lễ cưới.

Khi trước cô Tư Chuyên bần hàn lam lụ, nay ăn mặc đẹp đẽ lòng dạ vui mừng, nên nhan sắc nhắm càng xinh. Cưới rồi, chiều lại Thủ Nghĩa dọn tiệc mà đãi quan làng và mấy người quen biết. Các quan tỉnh đều có đến dự tiệc, ai cũng khen thầm Thủ Nghĩa là người “bất phụ kỳ danh”, đã vậy mà trả ơn trả oán đều phân minh, nên ai cũng kính phục.

Bề gia thất định xong, Thủ Nghĩa bèn lấy một trăm bốn chục nén bạc mà trao cho Trần Mừng, và cho luôn một chiếc tàu đặng đi buôn bán. Trần Mừng thấy người tánh tình hào phóng, lòng dạ nhơn từ, thì kính phục vô cùng, bởi vậy cho nên đi buôn thì đi song năm nào cũng trở về An Giang, ghé ở chơi với Thủ Nghĩa năm mười bữa hoặc nửa tháng. Thủ Nghĩa lại cất thêm một cái nhà bên Tân Châu, tại chỗ mình ở khi trước, rồi vợ chồng qua lại mà viếng thăm mồ mả cha mẹ. Vợ chồng ở với nhau càng ngày tình càng mặn nghĩa càng nồng, sau sanh con gái con trai đủ hết.

Vợ chồng Kỉnh Chi nhờ Thủ Nghĩa vùa giúp, nên buôn bán rồi lần lần cũng trở nên một nhà đại phú tại An Giang, trong nhà con cái đông dày. Thu Thủy về Bình Định tìm được mả cha rồi làm mộ phần rất tử tế.

Trần Tấn Thân bị án năm năm, mà chịu án mới có một năm rồi đau chết trong khám.

Thằng Phục khôn lớn càng thương Kỉnh Chi, càng mến Thu Thủy, cứ tưởng mình là con của Kỉnh Chi mà thôi, chớ không dè chi hết, chừng được 24 tuổi thi đậu Tú tài.

Thiệt là:

Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
Chi tranh lai tảo dữ lai trì.