Chuyến Tàu 16 Giờ 50

Chương 10

- Tiểu thư nhận ra vật này không? - Chánh thanh tra Craddock hỏi.

Xem rất nhanh, Emma lắc đầu:

- Không phải của tôi.

- Vậy tiểu thư biết nó của ai không?

- Hoàn toàn không.

- Thôi được, chúng tôi không giữ tiểu thư thêm nữa. Tạm thời hãy thế đã. Xin cảm ơn, tiểu thư Crackenthorpe.

Emma mỉm cười đi ra, và Chánh thanh tra Craddock chưa kịp nói hết câu thì cửa bật mở, cụ Luther Crackenthorpe hiện ra trên ngưỡng cửa, trút cơn giận dữ lên đầu hai nhà chức trách:

- Các người không còn biết phép lịch sự nào nữa hay sao? Cục Điều tra xông vào cái nhà này mà không thèm thưa với chủ nhân tòa nhà một lời! Ai là chủ nhân ở đây? Tôi hỏi hai ông: Ai? Hai ông trả lời đi!

Chánh thanh tra Craddock vội đứng lên, nhã nhặn nói:

- Tất nhiên là cụ rồi, thưa cụ Crackenthorpe! Nhưng tôi thấy cụ đã kể hết những điều cụ biết với ông bạn đồng nghiệp của tôi đây và do thấy sức khoẻ cụ không được tốt, tôi không muốn làm phiền cụ. Bác sĩ Quimper nói với chúng tôi rằng…

- Đúng là tôi không khoẻ như trâu! Có điều Quimper tuy là bác sĩ giỏi nhưng anh ta giống như một bà già, chỉ muốn tôi nằm yên. Anh ta rất máy móc. Hôm trước lễ Noel, anh ta thấy tôi đau bụng… chỉ có vậy thôi! Đúng là tôi không được khoẻ, nhưng đâu đến nỗi không giúp được các ông? Một vụ án mạng xảy ra trong nhà tôi, cụ thể là một toà nhà xây theo kiểu từ thời Nữ hoàng Elizabeth! Nhưng thôi, ta không bàn đến chuyện kiến trúc nữa, phải không? Vậy kế hoạch của các ông định thế nào?

- Thưa cụ, hiện còn quá sớm để nói đến chuyện kế hoạch. Chúng tôi đang cố tìm nhân thân của nạn nhân.

- Chị ta đến nhà tôi để làm gì phải không? - cụ già phản đối - Hay các ông cho rằng chị ta tằng tịu với một trong những đứa con của tôi? Nếu như vậy thì xin các ông loại thằng Harold ra khỏi phạm vi nghi vấn. Còn thằng Cedric thì nó thiết sống gì tại đất nước quê hương? Cho nên có thể thấy ngay rằng đó là một trong số nhân tình của thằng Alfred. Do thấy chị ta tìm cách gặp nó, nên một thằng cha nhân tình khác của chị ta đã theo dõi và giết chị ta vì ghen… Tôi nhận định như thế, các ông thấy sao?

Chánh thanh tra Craddock lựa lời xã giao nói rằng nhận định của cụ có phần có lý, nhưng ông nói thêm rằng Alfred đã khai là không quen biết nạn nhân.

- Hừm! - cụ già kêu lên. - Nó sợ, có vậy thôi! Xưa nay nó vẫn là thằng hèn, thằng Alfred ấy! Nó nói dối như cuội. Mà tất cả đám con tôi, không đứa nào tôi tin được, chúng đều là những con diều hâu chỉ mong cha chúng chết cho mau. Nếu tôi không giúp ích gì được cho các ông, tôi xin lui. Tôi cần phải nằm nghỉ.

Cụ già đi xong, thanh tra Bacon quay sang nhìn đồng nghiệp ở Cục Điều tra:

- Một trong số nhân tình của Alfred? Tôi cho rằng ông cụ bịa ra tất cả những chuyện đó.

Bacon ngập ngừng một chút rồi nói thêm:

- Theo tôi, ta cần loại Alfred ra khỏi diện nghi vấn. Tất nhiên cậu ta là dân lý tài, chỉ nghĩ đến tiền, nhưng cậu ta không có chút biểu hiện nào của một tên giết người. Tôi đang nghĩ về viên cựu phi công…

- Bryan Eastley?

- Chính ông ta. Bryan đã kể tôi nghe về hai lần ông ta gây chuyện với đám phi công quân sự. Loại người ấy, do sớm tiếp cận với cuộc sống mạo hiểm, rất dễ làm chuyện này chuyện nọ, vì họ cho rằng nếu cuộc sống bình thản thì tẻ quá. Rất có thể Bryan dan díu với một người phụ nữ, và khi thấy cần thủ tiêu chị ta…

Nhưng rồi Bacon nói thêm:

- Có điều tại sao anh ta giấu tử thi vào cỗ quan tài cổ của bố vợ?

Chánh thanh tra Craddock gật gù, nhưng không nói gì cụ thể. Bacon gợi ý nên về thành phố, vì đã đến giờ bữa ăn phụ buổi chiều. Nhưng Chánh thanh tra Craddock nói ông cần đi gặp một người quen cũ .

Ngồi giữa những đồ trang trí bằng men sứ Trung Hoa trong phòng khách của bà Florecen “trung thành”, bà Marple nói với Chánh thanh tra Craddock:

- Tôi rất mừng là ông được giao vụ án này.

- Ngay khi nhận được thư bà, - viên chánh thanh tra đáp. - Tôi đã liên hệ với ông cục trưởng. Đúng lúc ấy thì cục trưởng được cảnh sát thành phố Brackhampton báo cáo về vụ án mạng, nên sếp chăm chú nghe tôi trình bày mọi chi tiết bà cho biết. Hẳn là cha tôi đã nói với sếp về bà…

- Huân tước Henry tốt quá! - bà Marple khẽ nói.

- Tôi có thể kể bà nghe nhận định của sếp tôi được không?

- Tất nhiên rồi, nếu làm thế không vi phạm nguyên tắc của các ông.

- Không đâu. Vậy thì thế này. Thoạt đầu sếp đã nghĩ, có thể đây là chuyện hoang đường của hai bà già giàu trí tưởng tượng. Nhưng khi nghe chi tiết thì sếp gạt ngay cái ý nghĩa kia đi, và bảo tôi: Cậu quen một trong mấy bà ấy, vậy tôi giao cho cậu vụ án này. Thế là tôi về đây và hiện đang ngồi trước mặt bà.

- Vậy ông đã biết những gì về vụ án này?

- Tôi đã đọc biên bản lời khai của bà Gillicuddy với cảnh sát thị trấn Mary Mead, đã nghe thuật lại lời bà ấy nói với nhân viên soát vé trên tàu, đã đọc cả lá thư bà ấy gửi cho viên trưởng ga Brackhampton báo sự việc bà ấy nhìn thấy. Tôi còn đọc báo cáo của văn phòng hoả xa và các nhân viên thanh tra đường sắt trong khu vực. Nhưng tất cả những thứ đó không thể bằng con mắt tinh tường của bà, thưa bà Marple. Bà có cặp mắt của một nhà ngoại cảm.

- Không phải đâu, tôi chỉ có một chủ bài quan trọng: bà Gillicuddy ấy là bạn tôi, và ông nên nhớ bà ấy không hề có kiểu tưởng tượng hoang đường như các bà già khác.

- Tôi tin là như thế. Nhưng rất tiếc là bà Gillicuddy đã đi Ceylan. Tuy nhiên tôi đã bố trí người thẩm vấn bà ấy bên Ceylan.

Một phút im lặng.

Bà Marple nói tiếp:

- Cách suy luận của tôi không có gì độc đáo đâu. Hẳn ông còn nhớ câu chuyện của văn hào Mark Twain về cậu bé đi tìm con ngựa lạc chứ? Cậu ta làm thế nào?… Cậu ta chỉ tự hỏi, nếu cậu ta là con ngựa đó thì cậu ta sẽ đi đâu… và thế là cậu ta tìm thấy con ngựa đúng chỗ cậu ta dự đoán!

- Có nghĩa bà đã tự đặt bà vào địa vị hung thủ, trong trường hợp này là một kẻ sát nhân ghê tởm? - Chánh thanh tra Craddock ngạc nhiên, mắt nhìn chằm chằm vào thân hình bé nhỏ, yếu đuối, với mái tóc trắng phau của bà già, - bà quả là một khối óc phi thường, một tâm hồn sâu thẳm!

- Đứa cháu Raymond của tôi cũng hay nói tôi như vậy, - bà Marple đáp. - Nhưng thôi, ta tạm gác chuyện ấy lại, bây giờ ông thử đặt ông vào địa vị hung thủ, xem hắn náu ở đâu?

Viên chánh thanh tra lắc đầu:

- Tôi rất muốn làm theo, nhưng khó quá! Tôi chỉ nghĩ hung thủ phải là kẻ biết tường tận dinh cơ Rutherford Hall.

- Đúng thế! Nhưng nếu chỉ như thế ta sẽ có vô vàn khả năng. Biết bao nhiêu người đã biết căn nhà “bảo tàng” ấy: các binh sĩ trong đơn vị phòng không, rồi thành viên Hội Bảo trợ người cao tuổi… Họ đều biết có cỗ quan tài cổ kia và biết chìa khoá căn nhà treo chỗ nào. Chưa kể những người tuy chưa vào đó nhưng được nghe kể lại… Và số đông đảo con người ấy đều có thể thấy rằng đó là nơi giấu tử thi tốt nhất.

- Bà nói rất đúng, thưa bà Marple.

Viên chánh thanh tra thở dài nói tiếp:

- Khó quá. Mà chưa xác định được nhân thân nạn nhân, chúng tôi còn giậm chân tại chỗ, không sao tiến lên được!

- Tất nhiên điều này vô cùng khó…

- Cuối cùng chúng ta sẽ tìm ra thôi! Chúng tôi đã thẩm tra lại tất cả những vụ phụ nữ mất tích nào có thể dính dáng đến vụ án này. Không kết quả! Bác sĩ pháp y cho rằng nạn nhân khoảng ba mươi, ba mươi nhăm tuổi, khoẻ mạnh, có thể đã có chồng và có ít nhất một đứa con. Tấm áo măng tô bằng lông thú của chị ta thuộc loại đắt tiền, được mua tại một hiệu thời trang tại London, nhưng khi đưa chủ hiệu xem ảnh nạn nhân, ông ta không nhận ra. Các quần áo khác trên người chị ta là hãng nước ngoài, phần lớn mua tại Paris. Chúng tôi đã liên hệ với cảnh sát Paris và hiện nay họ đang điều tra tiếp. Sớm hay muộn sẽ có một người nào đó báo cho họ biết thân nhân, hoặc người thuê nhà bị mất tích. Tất cả chỉ còn là vấn đề thời gian, tôi tin là như thế!

- Hộp phấn không giúp gì được các ông sao?

- Rất tiếc là không. Đó là loại phấn thông thường được bày bán hàng trăm chiếc trên phố Rivoli. Nhưng hôm ấy, lẽ ra bà nên đưa ngay hộp phấn đó cho cảnh sát, hoặc trao lại cho cô Lucy Eyelessbarrow là người đã tìm thấy nó.

- Một phụ nữ tập chơi golf tình cờ nhặt được một vật nhỏ vô giá trị trong bụi cây, ông nghĩ nên báo cảnh sát ngay hay sao? Hôm đó tôi cho rằng trước hết phải tìm thấy tử thi đã.

Viên chánh thanh tra sửng sốt:

- Ra bà đã đoán trước là sẽ tìm thấy tử thi?

- Đúng thế. Cô Lucy Eyelessbarrow là người rất thông minh, ông đã thấy đấy!

- Tất nhiên rồi, thậm chí cô ấy còn làm tôi sợ nữa đấy. Một phụ nữ năng động, tháo vát, đến mức ít đàn ông nào dám kết hôn…

- Điều đó thì tôi chưa đồng ý với ông đâu, ông Craddock. Tất nhiên phải là một người đàn ông hiểu biết và quý cô ấy. Nhưng cách xử sự của Lucy ở Rutherford Hall ra sao?

- Tuyệt vời! Toàn thể gia đình nghe theo cô ấy răm rắp. Tôi dám nói thậm chí cả chim chóc cũng ngoan ngoãn đậu xuống bàn tay cô ấy để ăn. Tôi xin nói thêm với bà, hiện nay gia đình Crackenthorpe chưa ai biết nhiệm vụ bà giao cho cô Lucy Eyelessbarrow, còn chúng tôi thì tuyệt đối giữ kín chuyện đó.

- Tốt lắm! Nhưng đến bây giờ thì tôi không yêu cầu Lucy làm thêm gì nữa. Cô ấy đã hoàn thành nhiệm vụ tôi giao.

- Và cô Lucy Eyelessbarrow có thể xin nghỉ việc nếu cô ấy muốn?

- Đúng thế.

- Nhưng cô ấy vẫn ở lại. Tại sao?

- Tôi chưa biết. Có thể cô ấy quan tâm đến…

- … vụ án hay… gia đình Crackenthorpe?

- Không loại trừ cả hai cùng kết hợp!

Viên tranh tra Craddock nhìn thẳng vào mắt bà cụ:

- Bà có phỏng đoán nào xung quanh vấn đề ấy không?

- Tôi ấy à? Không.

- Tôi tha thiết muốn được bà cho biết.

Bà Marple làm một cử chỉ từ chối.

- Nếu vậy, - viên chánh thanh tra nói tiếp - tôi đành phải tự mình tiến hành điều tra thôi. Công việc của người cảnh sát nhiều khi rất nhàm chán.

Sau một lát, ông ta nói thêm:

- Vậy là bà không gợi cho tôi được điều gì thêm nữa?

Bà Marple suy nghĩ một lúc lâu, rồi đột nhiên bà ngẩng đầu lên, nói rất khẽ:

- Tôi nghĩ đến những tốp đi biểu diễn nghệ thuật lưu động, các nghệ sĩ này thường đi xa nhà trong một thời gian dài và ít khi họ chịu trao đổi thư từ với gia đình. Nếu tử thi kia của một thành viên trong một đội nghệ thuật lưu động kiểu như vậy thì còn lâu gia đình mới biết tin chị ta mất tích để đi báo cảnh sát.

Viên chánh thanh tra giật mình:

- Chao ôi, quả là điều gợi ý của bà hết sức quý giá! Chúng tôi sẽ cố khai thác lời gợi ý đó. Nhưng sao bà cười?

- Tôi đang nghĩ đến thái độ của bà Gillicuddy bạn tôi khi bà ấy biết tin đã tìm thấy tử thi.

- Đấy nhé! - Bà Gillicuddy reo lên.

Bà già đáng kính kia không tìm ra lời để thể hiện nỗi ngạc nhiên, và bà chăm chú nhìn viên sĩ quan cảnh sát trẻ người Ceylan đang vui vẻ bầy ra bàn rất nhiều tấm ảnh chụp.

Khi đã bình tĩnh lại được, bà nói:

- Chính là chị ta rồi! - bà nói bằng giọng khẳng định quen thuộc. - Tội nghiệp! Tôi rất mừng thấy tử thi chị ấy đã được tìm ra. Cậu biết không, khi tôi kể chuyện này ra, không ai chịu tin tôi, cảnh sát cũng như quan chức đường sắt. Họ còn bảo là tôi hoang tưởng nữa chứ, cậu nghĩ có bực không? Bây giờ thì không ai dám bảo là tôi đã không làm tròn bổn phận!

Viên sĩ quan trẻ nghiêng đầu tỏ vẻ tán thành.

Bà Gillicicuddy nói tiếp:

- Vậy là tử thi đã được tìm thấy…

- …trong một căn nhà cũ kỹ, xây trong khu dinh cơ Rutherford Hall, nằm ở ngoại vi thành phố Brackhampton.

- Chưa bao giờ tôi nghe nói đến cái dinh cơ ấy. Nhưng do đâu hung thủ lại chọn nơi ấy để giấu tử thi?

Trong lúc viên sĩ quan Ceylan chưa tìm được câu trả lời, bà Gillicuddy nói thêm:

- Tôi đoán bà Marple bạn tôi đã vào cuộc, và đã được người ta tin cậy.

Viên cảnh sát trẻ liếc nhìn sổ tay:

- Người ta tìm ra tử thi là một phụ nữ trẻ, tên là Lucy Eyelessbarrow.

- Tôi hoàn toàn không biết chị ấy! Nhưng tôi cam đoan có bàn tay của bà Marple bạn tôi!

Viên sĩ quan trẻ nhún vai - chuyện đó có quan trọng gì đối với anh ta đâu? Anh ta đưa ra câu hỏi chính yếu:

- Bà khẳng định đó là người phụ nữ bà nhìn thấy trong toa tàu…

- …đúng lúc chị ta bị một gã đàn ông bóp cổ?… Đúng thế, tôi tin chính là chị ta!

- Còn gã đàn ông, hình dạng ra sao, thưa bà?

- Cao lớn… tóc đen…

- Còn gì nữa ạ?

- Tôi rất khó tả thêm chi tiết: hắn quay lưng về phía tôi.

- Nhưng nếu bây giờ gặp, liệu bà có thể nhận ra y được không?

- Không, bởi tôi không nhìn thấy mặt gã.

- Bà có đoán được tuổi của y không?

Bà Gillicuddy suy nghĩ rồi đáp:

- Tôi chỉ có thể đoán gã không còn trẻ lắm. Khoảng giữa ba mươi nhăm và bốn mươi. Thật ra lúc ấy tôi chú ý đến người phụ nữ đang bị bóp cổ nhiều hơn, nhất là chị ta lại quay mặt về phía tôi. Khi bị bóp cổ, mặt chị ta trương lên, bị xung huyết tím ngắt, lưỡi thè ra, sau đó thì mặt tái nhợt và chị ta khuỵu xuống… Đến bây giờ, nhiều đêm tôi vẫn còn mơ thấy cảnh tượng đó!

- Quả là một cảnh tượng khủng khiếp! Viên cảnh sát trẻ nói và gấp cuốn sổ tay, - bao giờ bà về Anh ạ?

- Phải sau ba tuần lễ… Nhưng có cần tôi về sớm hơn không?

- Không đâu, thưa bà. Trừ khi người ta bắt được kẻ tình nghi…

Hai ngày sau, bà Gillicuddy nhận được thư của bà Marple. Chữ viết nhỏ li ti và rất nhiều đoạn gạch đít. Tuy nhiên bà đã quen với chữ viết của bạn cho nên đọc được dễ dàng. Đọc xong, bà tự buông thả cho nỗi vui mừng, và có lẽ cả niềm tự hào.

Bà Gillicuddy thầm nghĩ: “Vậy là đôi bạn già chúng tôi đã cho các người thấy chúng tôi đâu phải là những kẻ bỏ đi!”.