Cỏ dại

Chương 6 -

Chương 6 -

Dù sao, tôi cũng đã trở nên một chú học trò hẳn hoi. Tôi vụt biết chữ lúc nào, tôi không biết. Những ngày chủ nhật, tôi đem sách nằm bò ra phản hè, viết lằng nhằng trên bốn mặt bìa, và suốt ngày tôi nói bì xì rặt tiếng tây với cái Hồ. Không kém, nó cũng bì xì tiếng Tây đối lại!

Các dì tôi thỉnh thoảng hỏi xem tôi học được bao nhiêu chữ: Một mẹt chữ? Tôi vâng. Rồi tôi cứ nhân dần mẹt chữ đó lên. Lâu lâu, tôi lại khoe với cả nhà tôi đã học được những ba mẹt, bốn mẹt chữ. Bao giờ tôi học được đầy thúng chữ thì tôi thành thày giáo. Những ngày nắng, mọi người giục tôi đem chữ ra phơi kẻo chữ mốc mất. Tuy không biết phơi chữ ra sao nhưng tôi ưa được nghe nói đùa kiểu ấy. Tôi cũng thích nghe các dì tôi nói chuyện về thày giáo dạy tôi. Làm sao mà các dì tôi biết được thày giáo tôi là người ăn chơi. Cũng lại vẫn trong câu chuyện buổi tối bên ánh đèn quay tơ của mấy dì, tôi biết hai con mắt thày giáo tôi rất lẳng. Thày giáo Đức hay cười...

Thày giáo tôi có nhiều cô nhân ngãi. Thày giáo tôi thế này... thày giáo tôi thế này... Các dì giễu cười thày giáo tôi. Nhiều lúc bênh thày, tức quá tôi khóc.

Một buổi sáng, vừa ra chơi vào. Bên ngoài tam quan tiếng ngày phiên chợ Bưởi ồn ào vang động. Trong con đường xế một mé sâu vào cái xóm nách đình, người qua lại tấp nập. Một gánh chuối lếch nhếch. Thằng bé ôm chó đi bán. Gà, vịt kêu quang quác. Bỗng thày Đức xuống cuối lớp, dặn nhỏ anh học trò lớn, rồi thày đi ra cửa đình. Ngoài sân lấp ló bên cạnh cột trụ, một người đàn bà áo đen, quần lĩnh, quàng khăn tua đen. Thày giáo tôi cùng người đàn bà ấy đi khuất ra ngoài đường chợ. Học trò đợi mãi không thấy thày về. Lớp ồn dần sôi dần. Sốt ruột, một anh ra đánh trống tan học. Có lần người đàn bà ấy lại đến. Thày giáo tôi lại bỏ lớp, đi theo. Lại được tan học sớm.

Tôi học được ngót một năm thì thày giáo Đức bỏ đi biệt không trở về nữa. Tôi không biết vì cớ gì mà thày Đức bỏ trường. Chỉ nghe phong thanh thày giáo Đức đi theo một người đàn bà. Có phải cô nhân ngãi quàng khăn tua đen kia chăng? Lại nghe nói, rồi thày chết ngã nước ngoài Cẩm Phả.

Thỉnh thoảng có thư thày tôi ở Sài Gòn gửi về. Bác phu trạm tận phủ Hoài vào nhà tôi đưa thư. Bác còn trẻ, hay cười răng trắng tểnh. Bác đi bộ suốt ngày hai bàn chân mốc trắng hai vai áo dài thâm bạc rách bươm. Lưng đeo cái túi vải xám có quai vòng lên vai. Mỗi lần vào đưa thư rồi chính bác lại ngồi xuống đầu phản hè bóc phong bì, lấy thư đọc cho cả nhà tôi cùng nghe.

Bác đọc liến láu, độn nhiều chữ i, a, nhi a trong câu. Tôi đứng trông vào tờ giấy, chữ viết nhằng nhịt, chưa hiểu. Tôi mới thuộc các mặt chữ trong quyển sách mở lòng của tôi.

Đọc thư xong, bác trạm uống bát nước vối, hút thuốc lào sòng sọc. Bác ngồi nói pha trò cười một lúc, đến khi u tôi đưa bác đồng hào bạc trắng, bác mới đeo túi đứng lên, hai mắt chấp chới đến hay, nhưng bác chưa đj. Bác trạm tráng bắc cái ghế đẩu ra sân, hái mấy chiếc hoa ngọc lan giắt vào vành khăn và gài vào khua cái nón dừa đã rách lướp tướp. Bác kính cẩn chào cả nhà. Bóng bác đã ra ngõ, bên rổ tơ, dì Niêm và dì Bảy còn cười rinh rích.

- Người đen như củ súng thế mà lại định chim con gái làng này!

Lần nào có thư, thày tôi cũng giục u tôi mang chúng tôi đi chụp ảnh gửi vào Sài Gòn.

Nấn ná mãi, đến tháng Giêng năm ấy, u tôi mang tôi và cái Hồ ra Kẻ Chợ chụp ảnh. Bấy giờ tháng giêng, phong vị tết nhất còn phảng phất trong thôn xóm, quần áo tốt chưa đút vò hay cất vào hòm.

U tôi mặc the thâm đốm hoa lót nền xanh cánh chả. Vành khăn sa tanh láng hoa dâu vắt vẻo rủ tóc lông đuôi gà. Cái yếm cổ xây cát bá trắng bong với cái thắt lưng nhiễu thắt ra ngoài, lộ một mẩu lưng bao xanh buông chùng bộ sà tích bạc reo lích tích. Hôm nay u tôi mặc váy lĩnh xùm xoè, dưới chân lấp ló đôi dép cong. U tôi ẵm cái Hồ. Tôi súng sính bước bên làn sóng váy u.

Từ làng tôi, qua một chặng đường thì lên đến bến xe điện. Trẻ con chúng tôi chỉ mơ được đi xe điện. Trong các làng xóm, trẻ con ru em hát những câu tả cảnh và tán tụng tầu điện rằng:

Ông Tây ngồi nghĩ cũng sành

Sinh ra tầu điện chạy quanh phố phường

La ga ở giữa Thuỵ Chương

Dây đồng cột sắt tìm đường kéo ngang

Bồi bếp cho chí bồi bàn

Chạy tiền ký cược đi làm sơ vơ

Xưa nay có thế bao gíờ.

Có chiếc tàu điện đứng chờ ngã ba.

Liền ông cho chí liền bà

Ai mà sang trọng thì là nhảy lên.

Ba xu cũng đáng đồng tiền

Một thôi về Bưởi bằng tiên non Bồng.

Năm xu ngồi ghế đệm bông.

Hỏi mình có sướng hay không, hở mình?

Trẻ con thuở ấy thèm đi tầu điện lạ lùng. Đứa nào được đi một chuyến tàu điện về, kể mấy ngày không cạn chuyện.

Tôi đứng đợi xe điện bên cạnh đường cái, dắt tay em Hồ. U tôi nhai trầu tóp tép, chốc chốc lại quết trầu bôi lên gốc cây.

Chẳng bao lâu, xe điện đã tới. Từ đằng xa, nghe những tiếng quẹt quẹt trên lằn dây điện. Bánh tầu nghiến ken két, lượn nghiêng vào bến, rít u u váng lên. Đôi khi, tầu điện lại kéo thêm chiếc toa đằng sau. Cái tàu cái toa cùng sơn màu vàng thẫm, nối đuôi nhau chạy như thể bò con đuổi bò mẹ đòi bú.

Một lát sau, tàu lại chạy trở vào thành phố. Người vát man mặc áo tây vàng đứng đầu tàu vặn máy. Trước mặt ông có một cái thùng to như cái bễ rèn. Hai tay ông cầm hai cái khoá đồng, vặn đj vặn lại trên mặt bễ. Tầu từ từ đi, khoá đồng mở số 2, số 3 rồi mở 7, chạy nhanh nhất. Vùng tôi có tiếng "chạy mở bảy" là vì thế.

Cái tầu chạy vui quá. Bánh lăn, chuyển rập rình, rập rình. Tiếng gì dài dặc liên miên như tiếng mưa rào. Chuông kéo reeng reeng. Đằng cuối, còi đáp lại huý huý. Gió lùa vào trong cửa phần phật. Ôi chao, tầu đã lượn đến bờ hồ Tây. Gió mát thổi nhẹ người, bay mất cơn buồn ngủ. Ngoài xa, mênh mang một rừng cây lá rút xanh ngòm. Bên trên, giải dài một lưỡi nước trắng tinh. Trong khung cửa tầu, hiện lên nền trời xanh lơ lửng, ngọn núi Tam Đảo màu lam già, như vừa mới nhô ra. Kề bên mặt nước, lô xô những mái đỏ và mảnh tường sang sáng. Hà Nội ở phía đó.

Lác đác đã hiện ra vài con đường phẳng rẽ ngang, rẽ dọc chặp vào nhau. Xe cao su ngẩn ngơ cu-li kéo. Rồi những toà nhà hai tầng sát cánh đứng liền dãy. Người đi ùn ùn, xô nhau bước. Cái tường chợ Đồng Xuân lỗ chỗ như mặt tổ ong bò vẽ.

Xuống tầu, người lên xuống đông quá, tôi không chen được, đứng bẹp một chỗ, hai tay ôm mũ. Người đâu mà kéo ra lắm thế. Còn gì uôm uôm như ễnh ương ngày mưa. Nỗi vui sướng được ra Kẻ Chợ vơ vẩn với nỗi lo vẫn được nghe nói hàng ngày về những cái tai quái ở nơi đô hội. Kẻ cắp, nặc nô, ô tô, đội xếp, hàng rong, bài tây. Trẻ con Hà Nội trèo me trèo sấu nhanh như chuột. Đủ các thứ sợ. Tôi đi nép bên u, mắt liếc nghệch ngơ ngác. Hồ Gươm xanh rờn như nước lơ, nước rau muống trong chậu. Phố Hàng Đào có đôi giày và cái mũ khổng lồ treo lơ lửng. Cái gương soi vào thì lùn người. Cái ô to tướng, móc lủng lẳng. Con trâu vàng. Cờ xanh cờ đỏ phấp phới. Những tấm bảng cửa màu vàng lớn, nhỏ, nhấp nhô rối mắt. Rừng người nghìn nghịt, xôn xao...

Người thợ ảnh bảo u tôi ngồi ra cái ghế giữa nhà. Chúng tôi mỗi đứa một bên cạnh. Bỗng bác chụp ảnh đẩy cái máy to cao lù lù như con trâu, lăn từ đằng góc phòng lại tới trước mặt chúng tôi. Cái Hồ khóc thét. Tôi, bình tĩnh hơn nó, lơ láo ngó con quái vật. Nó không phải là con trâu. Nó tựa một cái thùng gì bí mật, trùm miếng vải đen rủ lê thê xuống hai cẳng chân gỗ có bánh xe. Phía trước lồi ra cái mõm nhăn nhở đen xỉn. Đầu mõm, lóng lánh một miếng kính tròn nhìn chúng tôi.

Bác thợ ảnh chui đầu vào trong bụng máy. Mảnh vải đen bụng nhụng trên đầu bác. Bộ như bác sắp làm trò quỷ thuật.

Bác thợ ảnh nhấp nhô nấp trong bụng máy, thò một bàn tay cầm cái chuông đồng. Bác lắc. Bác nói:

- Ê ê Trông vào đây... Loong... coong... Trông vào đây... Loong... coong... Cười đi, cười đi...

Tôi ngoái đầu lại xem. Bác thợ ảnh tung vuông vải đen chui ra, bác cười toe toét:

- Xong rồi. Gớm, phải làm mẹo chuông loong coong mới chụp được nổi cậu này.

Ở hiệu ảnh phố Hàng Bồ ra, u tôi đem chúng tôi ra Bờ Hồ.

Phố đông, cái Hồ không đi bộ được. U tôi ẵm Hồ đi trước.

Tôi nhếch nhải theo sau. Đôi chốc, tôi lại ngó sang hai bên bờ hè ngắm cái tủ gương loang loáng cùng người, xe chuyển vùn vụt. Mắt mải nghếch, đôi lúc trông lên, thấy u tôi đã bỏ xa một quãng, có đến mấy lần như vậy.

Tới đầu một phố nhốn nháo đông người. Chỗ cái máy nước thùng sắt tây va xoang xoảng, người tranh lấy nước như sắp đánh nhau. Bỗng một gã áo trắng, quần thâm, đầu đội mũ nồi đen xông xáo từ đám đông, trong nháy mắt bước theo u tôi. Trước còn cách một bước, sau sát đến tận nơi. Hai tay gã giơ lên vai u tôi, nắm cái dây khoá bạc trong cổ cái Hồ, gỡ ngay xuống nhanh như lấy cái dây khoá để sẵn trên vai u tôi.

Rõ ràng tôi trông thấy gã bỏ cái dây bạc vào túi áo. Gã quay ngoắt lại, mặt trông nhâng nhâng, thản nhiên trở về chỗ máy nước. Tôi rảo bước chạy theo u. Rồi tôi đi như thường.

Một lúc sau, u tôi nhìn không thấy cái dây chìa khoá bạc ở cổ cái Hồ. Mặt u tôi xám lại, ngơ ngác nhìn tôi. Tôi bần thần bảo u:

- Lúc nãy trông thấy thằng đằng kia lấy cái khoá.

U tôi rối rít, loanh quanh. Hồ ngơ ngẩn, nước mắt vòng dưới mi. U tôi cuốc tôi một cái vào đầu, nói xít trong răng:

- Trông thấy thằng kẻ cắp sao không bảo?

Tôi hu hu hu hu.

- Câm cái mồm, không tao giết bây giờ

- Vâng... Hức?

U tôi hỏi:

- Thấy thằng kẻ cắp lúc nào?

- Thấy ở chỗ đằng kia.

U tôi quay lại chỗ máy nước đầu phố.

Xung quanh máy, ràn rạt người. Người ấn vòi. Người đặt thùng. Người quẩy. Đâu thằng kẻ cắp? Tôi không biết. U tôi đành ẵm Hồ đi. Tôi cúi mặt như đứa chịu tội. U tôi làu bàu lẩm bẩm nói, tôi không nghe rõ. Chỉ thoáng vẳng... về bà bảo cho... Con nhà lớ ngớ như gà toi... bà để tội cho mày về nhà...

U tôi rẽ xuống một phố sâu, đường lầm và rác rưởi, rồi vào một cửa hàng bán đồ vàng bạc. Chỉ một chốc, u tôi ẵm Hồ ra. Cổ áo nó, sáng trắng cái dây chìa khoá bạc, như cái dây mất lúc nãy. Tôi đứng thập thò ngoài cửa hiệu. U tôi dặn doạ:

- Về nhà không được nói với ai là mất dây chìa khoá. Ai mà biết, tao đánh mày chết.

Tôi chẳng bao giờ dám nói cái chuyện mất cắp và chuyện mua vòng mới ấy với ai.

Trong kỷ niệm tôi mang bao nhiêu chuyến ra Kẻ Chợ.

Những lần dì Niêm đem đi xem hội Tây, xem rước Săng Ty xem tuồng Quảng Lạc. Nhưng nhớ hơn cả là nhớ lần đi chụp ảnh lắm cái rắc rối đó. Hôm lấy ảnh về, cả nhà xúm vào xem cùng trầm trồ khen là hệt. Ai cũng cười cái mặt ơ ơ của tôi.

Riêng tôi, tôi nghĩ luẩn quẩn lấy làm lạ làm sao tôi lại đứng trong ấy, rõ ràng là hình tôi.

Đầu tháng tư, Hồ và tôi, hai anh em cùng lên sởi. Tôi sốt trước, phải nghỉ học. Người tôi mẩn đỏ, lẩn mẩn, người như rôm. Được mấy hôm, sởi lặn. Mặt tôi khô se, róc từng đám gãi ra những vảy trắng lả tả. Giữa lúc ấy, bệnh sởi của Hồ bắt đầu.

Tôi không nhớ rành rõ được những ngày đau yếu của Hồ thế nào. Cả nhà ai cũng yêu Hồ hơn yêu tôi. U tôi hay ẵm nó. Nó nói leo lẻo. Mà ông tôi thì mắng tôi chẳng hề bao giờ mắng nó. Tôi biết Hồ ốm nằm trong giường u tôi. Nó vẫn nằm ngủ giường u trong buồng. Nó lên sởi nhưng không ai dám nhắc đến hai chữ “lên sởi". Tôi cũng không biết nó lên sởi.

Một buổi sáng, mặt trời đã lên ngọn dừa, tôi chạy gọi dì mặc áo cho tôi đi học. Bà tôi khẽ bảo:

- Hôm nay Cu nghỉ học.

Có một cái gì khác lắm. Tôi đem sách ra ngoài đầu hè định đọc. Ông tôi chỉ tay, cấm. Mọi người chạy ra, chạy vào cửa buồng. Tôi cũng lén vào. Nhưng dì Niêm giữ tôi lại. Tuy vậy, tôi cũng ghé được mặt nhìn vào, thấy cái Hồ nằm trên giường. Mắt nó nhắm, như ngủ. Mặt nó trắng xanh xanh hơn ngày thường. U tôi ngồi cuối giường.

Vào quãng mười giờ sáng, cả nhà tôi khóc ầm lên, xúm lại cửa buồng. Bà tôi mếu máo chạy xuống bếp, lại chạy lên.

Ông tôi ẵm Hồ ra nhà ngoài. Ông tôi đặt Hồ xuống đất, ngay gian giữa. Mắt nó vẫn nhắm. Mặt nó xanh như ban nãy. Tôi không hiểu là nó đã chết. Ông tôi vuốt mắt nó, bảo:

- Hỏng rồi.

Dì Bảy lật đật cõng tôi ra ngõ. Tôi cũng khóc. Dì Bảy cõng tôi vào trong xóm Trong, không cho tôi ở nhà, giữa lúc nhiều người trong xóm chạy đến.

Đến trưa tôi được về. Đến bờ giếng thấy hai người khiêng cái săng gỗ trắng bệch tròng hai dẻ mảnh thừng ra đằng cổng đồng. Trên nắp áo quan, có bát cơm thắp hương. Dì tôi cõng tôi, cung cúc chạy. Vừa chạy, vừa khóc rưng rức. Tôi ngơ ngẩn sợ nép xuống lưng dì.

Tôi cứ ngờ ngợ không bao giờ tin buổi sáng hôm ấy, cái Hồ chết. Chết là thế a? Tôi cứ tưởng hình như rồi một buổi chiều nào, Hồ lại lủi thủi trở về. Nó rón rén đi vào đầu ngõ cái mặt xanh xanh hời cúi, như mọi ngày.

Nằm trong buồng, u tôi quay mặt vào tường, khóc buổi sáng và buổi tối. Được mươi ngày, ông tôi kê giường cho u tôi xuống nằm nhà dưới. Gian cũ ấy khiêng vào một cái án thư để làm bàn thờ. Buổi chiều nào cũng thắp hương. Dì Bảy sang bên vùng Bắc gọi hồn cái Hồ mấy lần. Thỉnh thoảng u tôi nói rằng: "Độ đầu năm, mở quẻ Kiều có hai câu: Thiếp như hoa đã lìa cành, Chàng như con bướm liệng vành mà chơi. Nghiệm quá... ới con ơi a...". Lại khóc.

Ở trong Sài Gòn thày tôi gửi thư về, lá nào cũng hỏi con Hồ có ngoan không? Hồ đã biết "xắm" giấy đỡ u chưa?

U tôi nhờ người viết cho thày tôi biết ở nhà trẻ con vẫn ăn chơi như thường. Mỗi lần gùi thư đi, u tôi lại khóc.