Cỏ dại

Chương 7 -

Chương 7 -

Mấy năm sau, thầy tôi trở về.

Tôi đã vọc vạch, đọc thông được quốc ngữ. Biết làm tính cộng, cũng thử được tính trừ, thày giáo Đức đi rồi, trường bỏ không. Tôi cất sách bút vào gậm giường thờ, ở nhà. Tôi làm giấy đỡ u. Chiều chiều, đem cái cút con đi mua rượu cho ông ngoại. Trong nhà quê, ông nội tôi cũng mất rồi.

U tôi đem tôi về quê nội mấy hôm. Buổi trưa nghe ngoài cửa ngang vẳng tiếng chó sủa. Tôi trông ra ngõ, thấy đi vào một người mặc áo dài đen bóng nhoáng, xương xương, da ngăm đen, mắt đeo kính rợp, một tay cắp một gói lớn bọc giấy nhật trình. Đứng trong cửa buồng, bác cả Gái tôi reo to:

- Ơ, chú Hai?

Trong nhà, bác Cả giai chạy ra:

- Kìa, chú. Chú về. Cháu kìa...

Tôi đứng ngẩn. Bác Cả tôi vốn tính nói nhanh, hấp tấp tiếng nọ cưỡi lên tiếng kia.

- Bố cháu đấy. Bố cháu ở trong Sà Goòng về đấy. Chú về bao giờ? Chú về thẳng nhà hay chú đã tạt lên Bưởi?

À, thày tôi ở Sài Gòn về. Năm thày tôi đi, tôi mới lên sáu tôi không nhận lại được. Thày tôi nói với bác Cả:

- Con vện nhà ta khôn quá. Lâu ngày thế mà nó thấy tôi chỉ cắn một tiếng rồi ve vẩy đuôi, lảng vào gốc cam.

Thày tôi đặt cái bọc nhật trình xuống ghế. Thày tôi hỏi bà tôi đâu? Rồi thày tôi bỏ mũ lên trước bàn thờ ông tôi, thì thụp lễ. Ở trong buồng bà tôi che vạt áo lên mặt, khóc lu loa...

Hờ anh ơi, anh bỏ nhà cửa anh đi đằng nào, bây giờ con anh về đây cháu anh về đây, anh ở đâu anh không về... hờ ơ ơ...

Nhưng chỉ khóc hai ba câu, rồi bà lập cập đi lần ra ngoài.

Nước mắt tuôn ròng xuống mảnh yếm nâu. Bà nội tôi mắt kém. Về mùa rét, rận bò ra cả áo không biết. Trên khuôn mặt nhăn nheo xộc xệch, lèm nhèm hai con mắt lờ đờ cùi nhãn.

Xung quanh vành mắt lầy nhầy, lông mi đã rụng hết. Lông mày thì bạc phơ. Chẳng mấy lúc nhà đã đầy người. U tôi ở dưới bếp lên. U tôi nhòm cửa bếp, biết thày tôi ở Sà goòng về nhưng nấn ná lên sau thím Ba. Chị Cóc con bác Cả chạy đi gọi chú Ba. Chú Ba ở ngoài đồng. Anh Đợt, cũng con bác Cả đằng sau vườn nhào vào. Bà Ba tôi, đến lúc chiều vàng vàng mặt trời, mới ở chợ về, quảy cả một gánh cau khô, thuốc lào lù lù vào sân. Bà về chợ, thấy người ta nói "Bác Quỳ nhà ông phó Giáo trên xóm Đồng ở Sài Goòng về". Bà tất tưởi chạy vào chưa kịp về nhà.

Mọi người xôn xao mừng rỡ, tôi lủi ra đằng đầu nhà. Tôi cúi đầu, ngắt những cánh hoa cải vàng. Một ý gì buồn bã đến tôi. Tôi thường có những nỗi buồn vẩn vơ rất đột nhiên. Xỏ tay mặc một tấm áo mới hay một cái quần chúc bâu còn xột xạt hồ tôi cũng tần ngần buồn một lúc thật lâu mới quen.

Thày tôi ở Sà Goòng về. Thày tôi đi lâu ngày như thế. Thày tôi đi từ khi còn cái Hồ mà u tôi thường nói rằng đêm hôm ấy thày tôi nhổ hai bãi nước bọt vào lòng bàn tay chúng tôi.

- Mày ra đây làm gì?

Tôi ngẩng mặt lên giữa những tiếng cười khúc khích của Đợt. Đợt đứng cạnh từ lúc nào. Bỗng Đợt kêu:

- Ơ, thằng này khóc. Thím Hai ơi, nó khóc...

Tôi cũng không biết tôi đã khóc. Tôi đưa tay lên mắt.

Nước mắt đã đọng sẵn, chảy tràn ngay xuống má. Tôi bỗng oà khóc. Tôi khóc thực to, thảm thiết như là bị ai đánh đòn. Tôi cứ úp mặt vào áo u, gào ngằn ngặt, lẫn trong tiếng cười nói um xùm của các bà con đến chơi. Bác Cả pha một câu: “Cháu khóc sẵn, kẻo sợ thày đánh đấy. Cháu ở nhà hư lắm, chú Hai ạ?".

Hôm ấy được một bữa khóc vui, u không mắng. Đến chiều, tôi đã quen với thày tôi. Tối hôm ấy, tôi nằm ngủ ở phản giữa. Tôi nằm bên, thoáng ngửi một mùi thơm lạ mà tôi biết là mùi xà phòng thơm. Ban chiều thày tôi mở gói giấy nhật trình. Gói đựng nhiều thứ. Một bọc kẹo to, chia đều cả nhà. Có một hộp sữa bò tròn, một cục súc-cù-là hăng hắc đen như bùn gói quanh miếng giấy trang kim bạc. Sữa và súc-cù-là ấy, phần quà cho tôi. Thày tôi bảo có hòm đồ đạc còn gửi ngoài phố. Thày tôi có trong bọc một bánh xà phòng màu vàng lợt. Xà phòng sát vào tay, hai bàn tay thơm lừng. Tôi lại rửa hai chân bằng nước xà phòng. Đêm đi ngủ hãy còn thơm chân. Mùi xà phòng, mùi băng phiến. Những mùi thơm mới mẻ, tôi nằm chập chờn tưởng đến cái phương xa mà thày tôi vừa ở đấy về.

Trong những ngày ở quê, nhiều lần thày tôi kể những chuyện dọn đường cho tôi và Đợt nghe. Đợt là vai trên nhưng nó cũng bằng tuổi tôi.

Ôi, kỳ lạ biết bao con đường vào phương nam. Sau này nhiều lần, tôi đã qua con đường vào miền Nam xưa thày tôi đã đi, nhưng tôi không thấy nó giống mảy may trong tưởng tượng có con đường dài hun hút, qua những núi rừng âm u nhiều ma gấp trăm đường Phan Rang, Phan Rí của ông ngoại tôi Có chỗ tầu hoả. Có chỗ xe ô tô chạy, lại cũng có chỗ phải ra bể đáp tàu thuỷ. Bể rộng liền với trời và không có đáy. Giữa bể có một cái rốn nước xoáy vào đấy. Thuyền nào vô phúc chèo đến gần rốn bể bị xoáy cuốn mất tích. Đến cái tàu thuỷ to bằng cả làng tôi, rốn bể cũng hút mất như thường.

Ngoài bể có giống cá ông voi to bằng cái đình làng ta. Ném chùm dừa xuống nó nuốt chửng. Ném cái cối đá xuống nó cũng nuốt. Một lần kia, con cá ông voi nuốt cả một cái thuyền và một nhà thuyền chài. Anh chài ở trong bụng cá cứ lấy dao lóc thịt cá ông voi mà chén. Như vậy, sống được một tháng. Cứ đến bữa anh chài xẻo thịt, cá ông voi đau quá, chạy cuồng khắp bốn bể. Rồi kiệt sức, lên nằm chết trên bãi cát. Anh thuyền chài can đảm kia rạch bụng cá chui ra, lại còn kéo được cả thuyền của mình ra nữa.

Hàng tháng vượt bấy nhiêu rừng và bể cá thì sang đến Sà Goòng. Ôi chao, Sà Goòng xa lạ biết bao.

Mấy hôm sau, trở ra ngoài Nghĩa Đô, thày tôi đem tôi đi thăm mả cái Hồ. Mả nó ở trong đồng sau làng, trên một giải gò cỏ, gọi là gò Mũ Đồng Cân. Ông tôi đặt những mảnh sành hòn sỏi lẫn vào trong cỏ, mưa không làm trôi được đất xuống. Mỗi gói ông chặn một hòn gạch vồ xám để đánh dấu đầu mả.

Trên chỏm mả ông tôi trồng mấy cụm cây ké. Hai bên rải rác mấy cái mả nữa, toàn mả trẻ con. Mả của Hồ to nhất. Hồ thiêng lắm. Đã mấy lần, nó hoá làm con đom đóm xanh lè to bằng cái vỏ trứng lơ lửng vào trong nhà, bay xuống đỉnh màn u tôi. U tôi khấn là u đã biết con hiện về chơi rồi. Bấy giờ nó mới bay ra Vừa khỏi luỹ tre cuối làng đã trông thấy mả em tôi. Nấm mả lù lù giữa gò cỏ nhấp nhô. Phơ phất mấy cây ké, nom như một cái chỏm đầu trẻ con có núm tóc hoa roi trái đào trên đỉnh. Qua một lớp ruộng cao khô nước, xơ xác mấy nhánh hoa cỏ may cuối mùa. Một cụm ké cằn cỗi, thấp sát mặt cỏ, nở những cánh hoa ké vàng: Thày tôi đặt lên chốc mộ bốn tấm mía, một gói nắm bỏng trắng với mấy cái hoa hồng. Rồi thày tôi đánh diêm châm một nắm hương tăm cắm lên mộ, đằng phía có chôn hòn gạch xám. Hòn gạch chỉ đầu em tôi nằm quay về hướng ấy. Thày tôi ngồi thụp xuống lấy đất lèn chân hương, rì rầm khấn, rồi nói:

- Vào vái em đi.

Tôi xoè hai bàn tay, mắt đăm đăm, vái bốn vái. Tôi nhớ hôm nào ghé khe cửa thấy Hồ nằm trong buồng, mặt xanh mét. Đã mấy năm qua rồi tôi như vẫn chờ nó về. Tôi ngoay đầu lại. Thày tôi quay lưng trông xuống đồng Cáo. Cái khăn mùi xoa đưa lên mặt. Dưới đìa sâu vắng man mác màu nước trắng không có bóng người.

Cái buổi sáng đj thăm mả em tôi cũng cùng với tất cả những ngày ấy trong ký ức tôi hỗn độn như một giấc mơ chắp nối. Thày tôi đem ở Nam Kỳ về bao nhiêu truyện lạ, bao nhiêu thứ lạ. Thứ nhất, là cái kèn hát. Cái kèn mà lỵ hát được. Nó là cái hộp vuông bằng gỗ màu vàng, to như một chiếc mâm xếp. Một mặt gắn một cái cửa tròn, lổ chỗ lỗ nan mây. Một ống sắt sáng loáng to như cái cổ ngỗng mắc bên cạnh là cái cần kèn. Đuôi cần gắn một chiếc loa loe tròn, khía nhiều múi. Đầu cần có kim nhọn. Đuôi cần có loa to. Bên kia nắp, vẽ một con chó tây ngồi trước một cái kèn hát bé tí tẹo. Hai tai chó dỏng thẳng trước loa, ra ý đương nghe hát. Muốn cho kèn hát, thày tôi cắm một cái tay ngoẹo bằng sắt thò vào một lỗ bên thành hộp, quay một hồi. Trong hộp nổi lên mấy tiếng lục cục, u âm như tiếng cối xay. Thày tôi đặt một cái đĩa nhựa đen lên mặt kèn, thả chiếc cần nhọn xuống mép đĩa quay xè xè... xè xè... Văng vẳng tiếng chiêng, tiếng trống tiếng hát ở trong cái loa nói ra.

Buổi chiều, tôi rửa chân sạch sẽ rồi lên nhà xem thày tôi vặn kèn nghe hát. Những buổi tối sáng trăng, đàn ông đàn bà trong xóm lũ lượt đến ngồi nghe đầy sân và ngoài đầu tường.

Xung quanh tôi, không biết từ lúc nào, khắp mặt trẻ con các ngõ đã ngồi la liệt hóng mặt lên. Tôi mơ màng tưởng ra một người đàn bà mảnh khảnh mặt áo xanh đứng hát trước một dòng nước chảy. Đến những bài hát tuồng ồn ào thì tôi lại thấy ông tướng "mặt như dồi phấn, môi tợ thoa son" cầm kích vừa đánh phèng vừa đánh trống.

Tưởng tượng của tôi hơn hớn như một nhánh mầm cây bóng nước. Trong cái rương của thày tôi lẫn lộn với quần áo còn một chồng sách. Những quyển sách khổ lớn bìa xanh bìa đỏ xếp lên nhau. Một bộ Chinh Tây, tôi còn nhớ Nguyễn Chánh Sắt dịch và một bộ Tam hạ Nam Đường. Hai bộ mấy chục cuốn. Trong một xó hè khuất, tôi giải một mảnh chiếu chặn một bó giấy mộc che phía ngoài. Phía trong liền giáp tường, thế là tôi nằm gọn lỏn vào giữa mà không ai tìm thấy tôi. Suốt ngày, tôi vùi đầu vào cái chỗ đọc sách đặc biệt ấy.

Tôi dán mắt từ trang này qua trang khác. Những trang sách nhiều tiếng miền Nam. Tôi đọc, đoán lơ mơ và quen lần lần với những cái miếng chiên bài tòn ten, những cái lục lạc đồng cùng là những cánh rừng tòng bá xum xuê. Trong những trang sách những tiếng khó nghe đó diễn ra bao nhiêu truyện ly kỳ với những nhân vật rõ rệt đến nỗi tôi tưởng như tôi đi đường cũng có thể gặp họ hoặc tôi cũng là họ không biết chừng. Những cái tên đáng yêu, những cái tên đáng ghét lưởng vưởng trong đầu tôi. Tiết Nhơn Quý anh hùng. Chàng Tiết Đinh San hươi cây thiên phương hoạ kích. Nàng Phàn Lê Huê học trò của Lê San thánh mẫu. Lưu Kim Đính lia tới sợi khổn tiên thằng. Cao Quân Bửu là con Cao Hoài Đức. Rồi những Dương Phàm, Tiết Ứng Luông, những Triệu Khuông Dẫn, Võ Tam Tư, Trình Giảo Kim, tôi nhớ vanh vách, từng tên, từng mặt người.

Buông cuốn sách xuống, mặt tôi đờ đẫn. Trong cái khe cửa đầu ngõ, tôi chứa đủ các thứ “khí giái”. Cây hoạ kích, cái gậy dài nhọn đầu. Cặp “song kím”, hai mảnh tre bạt bôi phẩm tím. Hai quả chuỳ, là hai quả bưởi có cắm chuôi. Và một đôi lang nha bổng (Lang nha bổng là khí giái của Tần Hớn trong Chinh Tây, tôi đâu biết là cái gì?) Tôi liền đẽo hai cái dũi tròn bằng tre. Nhiều khi thích chí tôi đem những thứ ấy ra bờ ao, đứng nói lảm nhảm và múa may một mình. Tôi tập đánh nhau. Tôi tập hoá phép. Có lúc lẩn thẩn, tôi nhắm mắt, đập đầu vào tường côm cốp. Cái đầu tôi hình như rắn hơn trước.

Với bộ Chinh Tây và bộ Tam Hạ Nam Đường, thày tôi còn mang về hai quyển sách nhỏ: truyện Bà chúa Ba và truyện Lục Vân Tiên. Cái Lục Vân Tiên thế nào nhỉ? Ờ những buổi trưa hè nắng chang chang võng đưa kĩu kịt, thày tôi nằm đọc.. Ờ Kim Liêng ơi hỡi Kim Liêng. Đẩy xe ngờ ơ cho chỉ qua miềng ừ ừ Hà... ờ ờ Khê... Anh Vương Tử Trực với anh Hớn Miêng còn yêu được chớ cái thằng Trịnh Hâm tôi ghét lắm lúc muốn đánh cho một thương bể đầu. Tôi không thích đọc sách truyện Bà chúa Ba mà vẫn phải đọc. Thày tôi bảo đấy là sách nhà phật. Thày tôi không ăn thịt chó. Thỉnh thoảng, tôi đọc Bà chúa Ba cho cả nhà nghe. Đằng cuối cuốn truyện Bà chúa Ba có phụ thêm nhiều bài kinh tụng phật.

Thày tôi thường bảo:

- Ba tháng hè, hễ tối nào ai cũng đọc được đủ ba mươi lần những bản kinh kia thì nhà được phúc.

Tối tối, bà ngoại tôi kê một cái chõng ra bờ hè. Bên cạnh ngọn đèn hoa kỳ và cuốn truyện Bà chúa Ba, tôi nằm phục vị chổng mông lên đọc kinh. Bà tôi ngồi quạt cho tôi. Những buổi tối mùa hè rực rỡ. Vòm không bát ngát đen thẫm lổ đổ cơ man nào đốm lửa sao. Trên trời lung linh sáng rợn, tôi mê mải thành kính đọc kinh, lượt lượt nối nhau. Song chỉ được mươi hôm, rồi chối dần dần. Bởi cứ phải đọc đi đọc lại mấy bài. Tôi giao hẹn với bà tôi từng lượt. Nam vô Quan thâm bồ tát ma ha tát... Nam vô Di lạc bồ tát ma ha tát... Ma ha... tát... tát. Chốc chốc lại trở lại, nhai chữ sái quai hàm. Rồi, cái việc đọc kinh trở nên mệt quá. Một tối, tôi không lấy truyện Bà chúa Ba ra nữa. Thấy vậy, bà tôi cũng bảo: "Đọc bính nhiêu tối được rồi”. Thày tôi không nói gì. Dáng hẳn mọi người cũng chán.

Cái mùa hè đến lắm chuyện lạ. Một hôm, không biết ở đâu bà tôi đem về một tờ giấy chữ mực tím lèm nhèm. Trong giấy chép rằng: Năm nay độc giời, tháng tư tháng sáu thì thiên hạ chết như rạ. Đến gà cũng toi, chết mất gà gáy. Đức thánh truyền bảo cho nhân gian biết trước như vậy. Ai mà chép được năm tờ thì thoát nạn, ai mà chép được hai mươi tờ thì cả nhà thoát nạn. Đứa nào mà huỷ tờ kinh này thì chết tươi ngay.

Tôi hí húi ngồi chép năm tờ, mất mấy ngày, rã rời năm ngón tay, toan thôi. Nhưng bà tôi sợ cả nhà chết hết, chết cả mấy con gà ngoài chuồng, tôi lại phải cặm cụi mệt mỏi ngắc ngư bò từng dòng như vượt thôi đường nắng. Xong mỗi tờ, bà tôi đem đặt lên trên bàn thờ, bên cạnh tán cây nến.

Thày tôi đem tôi về quê nội luôn. Những năm thày tôi vắng nhà, ít khi tôi nhớ còn một cái làng nội của tôi ở trong Thanh Oai.

Tôi không nghĩ được ở quê nội lại có những ngày thảnh thơi như trong mùa hè đó. Buổi tối, cơm nước xong. Chúng tôi ngồi giữa sân ngắm sao và chơi đếm sao một hơi. Một sao, hai sao, ba sao... một vì sao đổi ngôi vút dài một giọt sáng. Chị Cóc bảo thế là dưới trần gian có một người chết. Chị Cóc lại chỉ cho tôi biết đâu là sông Ngân Hà, là cái mũ ông vua Thần Nông. Con vịt và cái gầu tát nước thì ở chỗ nào.

Một buổi sớm giêng hai, tôi được đi chùa Hương với thày tôi và các chị Cóc, anh Đợt. Cả chú Ba nữa. Chúng tôi trảy bộ vào Vân Đình, ngủ đỗ hàng cơm ở đấy một đêm. Sáng hôm sau, mướn một chiếc đò. Nước sông cạn, có chỗ bác lái phải thả thừng lên bờ, kéo đò đi. Nằm đò nửa ngày thì vào đến bến đò Suối Lại sang đò Suối vào chùa Ngoài, từ đò Suối mà đi núi cao chập chùng, nước trong leo lẻo. Lá vàng rơi thoáng mặt nước. Cỏ mọc nhô từ dưới lòng suối lên. Đò trôi giữa những quả núi đá lừng lững. Này núi Mâm Xôi, này núi Con Gà. Có núi cây xanh rờn, đàn khỉ leo lên leo xuống. Tôi đến chùa Trong vào buổi tối mịt mù khói hương xôn xao. Sớm mai, trời chưa rạng sáng, cả nhà đã lóp ngóp leo núi ra. Bởi chú Ba tôi bỗng đau mắt, tấy sưng húp. Chị Cóc bị mất cái áo bông ở nhà trọ. Từ ngày ấy, tôi không trở lại chùa Trong lần nào nữa. Trên con đường trước mặt thì thấy núi chùa Hương lô xô in hình xanh nhờ.

Một lần ở quê ra, thày tôi mua được một con chim vàng anh non của trẻ chăn trâu ngoài đồng, và một chú chó con.

Hai con vật mà tôi được nuôi, làm thân và nhớ mãi. Thày tôi đặt tên chó là con Bô Tô. Bô Tô có bộ lông trắng vá vàng chóng lớn như thổi. Thấm thoắt ngót một năm đã trở nên một con chó thiến đứng đắn, biết sủa coi nhà đêm hôm. Một hôm Bô Tô đi đâu mất rồi bà tôi tìm thấy Bô Tô nằm trên gò cỏ ngoài đồng. Gọi Bô Tô không đứng dậy được. Bà tôi phải về nhà lấy thúng, bỏ Bô Tô vào thúng rồi đội về. Bô Tô ốm ngắc ngoải mấy ngày. Tôi định nếu Bô Tô mà chết, tôi sẽ đem chôn Bô Tô tử tế, đắp cho Bô Tô một nấm mồ. Chiều đó, tôi không thấy Bô Tô nằm thở khò khè trong xó nhà. U tôi bảo Bô Tô chết buổi trưa. Tôi không nói gì. Tôi biết Bô Tô chết thế nào rồi. Mấy hôm sau thì tôi rõ sự thực. Bô Tô sắp chết thì bà tôi bán Bô Tô cho người ta đánh đụng. Bô Tô cũng được hai đồng bạc thịt.

Còn vàng anh thì sao? Ông tôi vót một cái lồng tre để vàng anh ở. Tôi cho vàng anh ăn chuối và đậu phụ. Cho thứ gì vàng anh cũng há mỏ. Tôi lại cho vàng anh ăn cơm trộn muối vừng. Người ta bảo cho chim ăn mặn thì dù thả chim ra chim nhớ mồi không bỏ đi được. Hết mùa hè, bộ mã vàng anh óng ả. Buổi sáng, vàng anh líu ríu trong mỏ. A, vàng anh học hót. Vàng anh học hót, vàng anh tập nói như người. Nhưng đến mùa đông, vàng anh chết. Tôi không được biết vì dạo ấy tôi đã xa nhà. Tôi ra ở nhà chú Tưởng ngoài Kẻ Chợ để đợi đi học. Hôm tôi về, vàng anh đã chết rồi. Tôi ra sau nhà, tìm xác nó. Trong cây ngái, chỉ còn mấy cái lông vàng rã rượi và một mảng xương khô. Tôi đào huyệt chôn cái xương vàng anh bên bờ ao, cạnh gốc cây khế. Cũng đắp nấm và để hòn gạch lên mỏm đầu mả. Bắt chước như mả em Hồ tôi.

Rồi thày tôi lại đi Sà Goòng. Thực tôi không rõ thày tôi đi hôm nào. Một buổi sáng, tôi chợt thấy như mấy hôm rày vắng thày tôi. Tôi hỏi u, u tôi bảo:

- Bố mày đi rồi!

Tôi bỗng khóc oà. Tôi khóc thương nhớ, chứ tôi không biết thày tôi đã đi tìm việc nhiều nơi ngoài Kẻ Chợ nhưng không đâu có việc. Lại phải đi.

Tháng tám thày tôi có thư về bảo u tôi đem tôi gửi chú Tưởng ngoài phố. Chú Tưởng kèm tôi học, để rồi chú Tưởng xin cho tôi vào trường nhà nước.

Tôi đã bỏ học từ hồi thày giáo Đức đi đâu mất. Bây giờ lại phải đi học, Tết rằm tháng tám xong, u tôi đem tôi ra Kẻ Chợ.