Cô Gái Mang Trái Tim Đá

Chương 6

Quá trình hoại tử tụy có hai loại chính: không nhiễm trùng và nhiễm trùng. Loại của tôi là nhiễm trùng. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, khả năng tôi không qua khỏi là khá cao. Thế là các bác sĩ nói với tôi rằng tôi không có nhiều lựa chọn ngoài việc loại bỏ, càng nhanh càng tốt, một lượng lớn mô tụy. Sao lại không làm theo chứ, tôi nhún vai. Sau năm giờ chẩn đoán, tôi được đưa lên xe đẩy vào phòng phẫu thuật. Bác sĩ gây mê bảo tôi đếm ngược từ mười. Tôi chỉ đếm đến sáu.

Bệnh nhân bỏng không được sử dụng loại thuốc gây mê thông thường, thay vào đó là thuốc gây mê ketamine - thường gây ảo giác. Trong một lần được gây mê, tôi đã có một ảo giác vô cùng dễ chịu, một món quà khuyến mãi bất ngờ cho một trải nghiệm lẽ ra thật tê tái. Tôi đang đứng nhìn ra biển, một phụ nữ Anh đáng yêu cạnh bên, và đối với một bệnh nhân bỏng còn gì tuyệt vời hơn giấc mơ về nước?

Tôi tỉnh dậy để tiếp nhận thông tin nửa số mô tụy của mình đã bị cắt bỏ. Thêm vào đó, bác sĩ phẫu thuật còn vốc một nắm đầy mô ruột bị tổn thương gần đó. Tôi nghĩ ông cho rằng vì đã mất công mổ phanh ra rồi nên tội gì mà không vơ vét hết. Từng chút từng chút một, tôi trở thành chất thải y tế. Ai mà biết được, có lẽ một ngày nào đó các bác sĩ sẽ khai thác cái mỏ lộ thiên của tôi cạn kiệt tới mức tôi chả còn gì ngoài hư vô nữa.

Marianne Engel đang ngồi đọc sách trên chiếc ghế trong góc phòng tôi, khoác trên người thứ gì đó trông rất nhếch nhác. Sau vài giây dụi mắt cho quen với ánh sáng, tôi nhận ra đó là bộ đồng phục dành cho khách thăm bệnh. Khi thấy tôi đã tỉnh, cô liền đi về phía tôi, cuốn sách cô đang đọc có nhan đề Non Omnis Moriar.(15)

"Sao cô lại ở đây?" Tôi đợi một câu trả lời sẽ vuốt ve cái tôi ngất ngưởng của mình.

"Tôi đến để nhìn anh chịu đau đớn."

"Cái gì?"

"Tôi ghen tị điều đó."

Quên cái bệnh tâm thần của cô ta đi: một nạn nhân bỏng sẽ không thể tha thứ cho người dám tuyên bố ghen tị với sự đau đớn của anh ta đâu. Tôi đấu tranh kịch liệt với màn sương thuốc gây mê của mình để tung ra cú phản đòn dữ dội. Tôi không thể nhớ chính xác mình đã nói những gì, nhưng chắc chắn chẳng nhẹ nhàng chút nào.

Khi hiểu ra những lời nói của mình xúc phạm tôi đến thế nào, cô cố giải thích. "Tôi ghen tị với tất cả những nỗi thống khổ, vì có thống khổ mới có một tâm hồn đẹp. Nó mang người ta đến gần Chúa hơn. Những người phải chịu đau khổ là những đứa con được Chúa lựa chọn."

"Thế sao cô không đi mà tự thiêu ấy," tôi nạt, "và thấy mình trở nên đẹp thế nào?"

"Tôi quá yếu đuối," cô trả lời, dường như không để ý tới lời mỉa mai của tôi. "Tôi không chỉ sợ lửa, tôi còn sợ mình sẽ chết mà không kịp trải qua hết mọi khổ đau."

Tác dụng của thuốc giảm đau lên não đã kéo tôi trở lại với bóng tối. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đã thoát khỏi cuộc trò chuyện này.

Loại bệnh chính xác mà Marianne Engel mắc phải vẫn còn mù mờ nhưng khi cô gợi ý "những người phải chịu đau khổ là những đứa con được Chúa lựa chọn", tôi nghĩ nhiều khả năng cô bị tâm thần phân liệt.

Những người mắc bệnh tâm thần phân liệt thường phải chịu đựng thời kỳ đặc biệt khó khăn về tôn giáo, vài bác sĩ còn giả định rằng điều này liên quan đến độ tuổi phát bệnh: hội chứng thường phát triển trong khoảng từ mười bảy đến hai lăm tuổi, giai đoạn nhiều người bắt đầu phải đối mặt với vấn đề tôn giáo tín ngưỡng của mình. Người tâm thần phân liệt thường trải qua những giai đoạn nhận thức cao - hay hoàn toàn rơi vào trạng thái ảo tưởng, ví dụ như ảo thanh - mà có thể làm họ tin rằng mình được Chúa đặc biệt chọn lựa. Tình hình trở nên tồi tệ hơn vì họ không hiểu được rằng biểu tượng tôn giáo chỉ mang tính ẩn dụ.

Thiên Chúa giáo được xây dựng trên quan niệm Chúa Jesus chết để gánh tội cho toàn nhân loại: để cứu chuộc chúng ta, Người đã bị tra tấn và bị đóng đinh trên cây thập giá. Một người tâm thần phân liệt, trong nỗ lực nắm bắt ý nghĩa câu chuyện, có thể sẽ lý giải như sau: Jesus là người con yêu dấu của Đức Chúa Cha, và Jesus đã phải chịu những đau đớn khủng khiếp, vì thế những người phải chịu những đau đớn khủng khiếp nhất chính là những đứa con được Chúa yêu thương nhất.

Có cả một truyền thống lâu đời những người cuồng tín tin rằng đau đớn sẽ mang con người lại gần với Đấng Cứu thế, nhưng một khuôn mặt người thật bao giờ cũng thuyết phục hơn lý thuyết suông. Vì lý do này, cho phép tôi được kể đôi chút về cuộc đời của một ông Heinrich Seuse, tu sĩ người Đức. Sinh năm 1295, Seuse đã trở thành một trong những biểu tượng tôn giáo quan trọng nhất thời bấy giờ, được biết đến như một Minnesanger - "ca sĩ hát về những tình yêu cao đẹp" - vì chất thơ tuyệt diệu trong những tác phẩm của ông.

Seuse vào nhà dòng Dominic tại Konstanz năm mười ba tuổi, và theo những ghi chép của chính ông, hoàn toàn không có gì bất thường trong suốt năm năm đầu của cuộc sống tôn giáo. Tuy nhiên, năm mười tám tuổi, ông đã bất ngờ gặp một ảo giác - một cảm giác thần tiên thoát tục mạnh mẽ khiến ông không còn chắc liệu linh hồn mình đã bị tách rời khỏi thân thể hay chưa. Ông xem trọng sự kiện này đến mức đã lấy đó mở đầu cho cuốn tự truyện đời mình, The Life of the Servant (Cuộc đời một bầy tôi của Chúa).

Vài học giả nhận xét Cuộc đời một bầy tôi của Chúa là cuốn tự truyện đầu tiên được viết bằng tiếng Đức, trong khi những vị khác cho rằng nó chả phải tự truyện gì sất. Rất nhiều đoạn văn bản được cho là công trình của Elsbeth Stagel, một phụ nữ trẻ đến từ tu viện Toss, cô con gái tinh thần được yêu quý nhất của Seuse. Có vẻ cô đã ghi lại nhiều cuộc đối thoại của họ để làm cơ sở cho cuốn Cuộc đời mà không thông qua Seuse, và khi phát hiện ra những gì cô làm, ông đã đốt một phần bản thảo trước khi "một thông điệp của Chúa" ra lệnh cho ông phải giữ phần còn lại. Không ai biết bao nhiêu phần của tác phẩm Cuộc đời được viết bởi Stagel và bao nhiêu bởi Seuse.

Tác phẩm Cuộc đời là câu chuyện kể hấp dẫn, cung cấp cho ta nhiều chi tiết tuyệt vời về những ảo giác Seuse mắc phải trong suốt cuộc đời: Chúa chỉ cho ông hình ảnh về Thiên đường, Địa ngục, nơi Chuộc tội, còn những linh hồn đã rời khỏi xác xuất hiện trước mặt ông và kể ông nghe những tin mới nhất về cuộc sống của họ ở thế giới bên kia. Câu chuyện mới hay và kịch tính làm sao! Nhưng đoạn đáng đọc nhất trong tác phẩm Cuộc đời là đoạn mà Seuse - hoặc Stagel - miêu tả quá trình ông tự tra tấn bản thân.

Là một người cuồng tín với quan niệm khoái lạc thể xác sẽ khiến tinh thần yếu nhược, Seuse tuyên bố ông đã không bước vào một căn phòng lắp lò sưởi nào trong vòng hai mươi lăm năm và rằng ông đã nhịn uống nước cho đến khi lưỡi nứt toác vì khô, phải mất cả năm trời mới lành lại được. Ông rất hạn chế ăn uống - chỉ ăn một lần trong ngày và không bao giờ ăn thịt, cá hay trứng - và trong một lần có ảo giác cơn thèm táo của mình còn mạnh hơn khao khát có được Trí tuệ Vĩnh hằng, để tự trừng phạt bản thân, ông đã sống hai năm mà không ăn trái cây. (Người ta băn khoăn không biết liệu ông có khi nào không ngộ ra giá trị đạo đức của câu chuyện và cứ tiếp tục ăn hoa quả ngoài đời thật - như để chống lại cái lệnh cấm ẩn dụ ấy - hay không.)

Ở phần thân dưới, Seuse mặc một cái khố có đóng một trăm năm chục chiếc đinh đồng sắc nhọn chĩa mũi vào trong, vào da mình. Ở phần thân trên, ông mặc một chiếc áo rơm cài xích sắt, dưới cái xích là cây thập tự giá bằng gỗ dài bằng một sải tay người đính thêm ba chục cái đinh đồng nữa. Kẹp chặt những thứ này vào xương bả vai, mỗi cử động - đặc biệt là lúc quỳ xuống cầu nguyện - đều làm những cái đinh nhọn đâm sâu vào da thịt ông, và sau đó ông sẽ bôi giấm lên vết thương. Seuse đeo cây thập giá tua tủa này trong vòng tám năm cho đến khi Chúa lên tiếng cấm ông tiếp tục.

Ông mặc bộ trang phục tra tấn này cả khi ngủ - trên một cánh cửa cũ. Khi nằm xuống ông thường còng tay chân mình lại bằng những chiếc vòng da vì nếu tay được tự do, ông sẽ xua những con chuột cứ chực cắn xé ông hàng đêm. Thỉnh thoảng ông làm đứt những cái vòng này trong lúc ngủ, thế là ông bắt đầu đeo găng tay da đính thêm nhiều đinh bấm bằng đồng sắc nhọn để giúp cạo da mình một cách hiệu quả như thể đang dùng bàn nạo pho mát. Seuse giữ thói quen này trong mười sáu năm cho đến khi nhận được một lời phán khác của Chúa bắt ông ném đống dụng cụ dỗ giấc này xuống một dòng sông gần đấy.

Thay vì làm Seuse cảm thấy thanh thản mỗi lần Chúa cấm ông tự trừng phạt bản thân, những can thiệp thần thánh này lại làm ông cảm thấy rất phiền muộn. Khi một nữ tu hỏi ông dạo này ra sao, Seuse trả lời rằng mọi chuyện thật tồi tệ vì một tháng nay ông không còn biết đến đau đớn nữa và ông sợ rằng Chúa đã bỏ rơi mình.

Những trừng phạt thể xác này, Seuse nhận ra, mới chỉ là sự bắt đầu: chúng chưa phải bằng chứng rõ ràng cho tình yêu vĩ đại của ông trước Chúa. Để bù đắp, một đêm ông cởi áo ra và dùng một cái kim châm được mài nhọn để khắc những chữ IHS vào phần thịt phía trên trái tim mình. (Nếu bạn không hiểu thì cũng đừng lo: IHS là tên viết tắt của Chúa trong tiếng Hy Lạp.) Máu tuôn ra khỏi chỗ thịt rách toác nhưng ông nói hầu như không thấy đau đớn gì, độ phê mới cao làm sao. Những chữ hiến tế không bao giờ mờ đi và ông thầm lặng mang vết thương trên mình cho đến cuối đời, nó xoa dịu ông trong những thời khắc khó khăn, ông tuyên bố thế, vì biết tên của Chúa Jesus đang chuyển động cùng với từng nhịp đập của trái tim mình.

Seuse mất năm 1366, một cuộc đời dằng dặc mà bạn chỉ có thể ngờ ngợ rằng nó hình như còn dài hơn cả thực tế ấy.

Tôi thấy việc Seuse được "khai sáng tâm hồn" lúc mười tám tuổi, chính là khi bệnh tâm thần phân liệt ở vào giai đoạn dễ phát tác nhất, thật thú vị. Nếu mắc chứng này, bạn có thể làm nhiều điều tồi tệ hơn nữa trong cuộc sống tôn giáo ở Đức thế kỷ mười bốn. Trong Thời kỳ Thần bí, khả năng ngoại cảm của bạn không bị khiếp sợ mà còn được tôn kính. Nếu bạn đánh đập bản thân vô tội vạ, thì không phải bạn đang tự hành hạ mình mà là đang học tập Chúa. Nếu nghe thấy những giọng nói kỳ lạ, nghĩa là bạn đã có khả năng liên lạc trực tiếp với Chúa rồi.

Nhưng trong tất cả những điều trên, có một sự kiện trong cuộc đời Heinrich Seuse làm tôi cảm thấy đặc biệt hấp dẫn, dù đó là điều tôi chưa bao giờ có khả năng xác nhận lại trong thư viện nghiên cứu của mình.

Marianne Engel cứ khăng khăng bảo với tôi là, từ xửa từ xưa, cô đã gặp ông ta rồi.

Khi tôi tỉnh lại, Marianne Engel đã đi khỏi, nhưng cô để lại một món quà trên chiếc tủ đầu giường, một gargoyle nhỏ bằng đá.

Tôi xoay cái vật quái dị nhỏ bé ấy trên tay. Cao khoảng mười lăm phân, gargoyle trông như một sinh vật lùn tịt nửa người nửa quỷ, có màu của một đám mây đen ảm đạm. Cái bụng bự của nó thõng xuống đôi chân vắt tréo, hai khuỷu tay chống lên đầu gối, cằm tựa vào đôi bàn tay chỉ có ba ngón. Lưng nó mọc ra một đôi cánh dày và ngắn ngun ngủn, có vẻ để phô trương hơn là để bay. Cái đầu to bè đặt trên đôi vai rụt như một tảng đá chỉ chực bị đẩy khỏi đỉnh vách đá. Nó có cặp mắt to đùng thấp thoáng sau đôi lông mày rậm rạp như của người tiền sử Neanderthal, thêm một cái mồm lởm chởm răng. Gargoyle dường như đang cố hết sức để quắc mắt hăm dọa, nhưng có vẻ nó chưa đủ sức. Nét mặt nó vừa thân thiện vừa buồn bã và không hiểu sao, trông rất người, như nét mặt của một người đàn ông cô đơn đã dành cả đời lê từ tai nạn này đến tai nạn khác cho tới khi cái hậu quả chồng chất vùi dập anh ta dưới sức nặng của những ngôn từ anh ta không thể thốt ra.

Tình trạng sức khỏe của tôi cải thiện trông thấy trong những ngày hậu phẫu. Chiếc sà lan chở rác là bụng tôi đây bắt đầu học cách nổi trở lại, dù nó không còn chở được nhiều như trước nữa. Chân phải của tôi, với đầu gối tả tơi và cái hông bầm giập, cũng bắt đầu lành lại, và các bác sĩ hứa sẽ nhanh chóng tháo lũ nhện máy ra cho tôi. Mỗi ngày, tôi dường như cảm thấy đỡ bất tiện hơn khi nằm trên chiếc giường xương.

Nan huých nhẹ tôi rồi viết vài dòng ghi chú lên biểu đồ của tôi. Bà luôn rất chuyên nghiệp, nhưng tôi nhận thấy mình gọi bà là Nan nhiều hơn là bác sĩ Edwards. Tôi không biết liệu bà có khó chịu với biểu hiện thân mật này không nhưng bà chưa bao giờ bắt tôi thôi cả. Tôi nghĩ điều này làm mình thêm bạo dạn và trong một thoáng tò mò, tôi hỏi bà đã kết hôn chưa. Bà hơi do dự rồi định trả lời, nhưng cuối cùng quyết định không nói gì.

Chỗ ngồi bên cạnh chiếc giường xương của tôi vẫn để trống, dành cho những chuyến thăm nom của các cô y tá và Nan. Một ngày không có Marianne trở thành hai ngày không có Marianne, hai trở thành ba, rồi năm ngày không có Marianne, cho tới khi tất cả cộng lại thành một tuần không có Marianne. Tôi muốn hỏi cô về cái tượng gargoyle nhỏ, vì sao cô lại đưa nó cho tôi, nó có ý nghĩa gì.

Tôi đọc rất nhiều sách, hầu hết là những bí mật của luật sư mà tôi chẳng hứng thú mấy. Tôi cần cái gì đó thay thế, và thế là tôi hỏi mượn Nan vài cuốn sách về những hiện tượng tâm lý bất thường. "Chị hẳn phải có sách gì đó về tâm thần phân liệt, khủng hoảng tinh thần, rối loạn lưỡng cực, hay cái gì đại loại chứ?"

"Đó không phải lĩnh vực chuyên môn của tôi," bà trả lời. "Hơn nữa, anh nên đọc các sách nói về bỏng ấy."

Nan đã mang hàng chồng sách về hồi phục sau bỏng đến để trên chiếc tủ đầu giường mà tôi chả sờ tới lần nào. Tôi không đọc chúng vì chúng là thứ sách tôi nên đọc. Chúng tôi thỏa thuận: cứ mỗi cuốn sách tâm lý bà mang đến, tôi sẽ đọc một trong những cuốn sách về bỏng. Nan xem đây là thắng lợi và kiên quyết đòi tôi phải đọc một trong những cuốn của bà trước.

Sau khi tôi đã đọc xong một cuốn sách về bỏng, Gregor đến phòng tôi, lại mặc cái quần nhung tăm cứ cọ vào hai đùi, mang trên tay một cuốn sách tâm lý học. Ông ta trao nó cho tôi và nói rằng bác sĩ Edwards đã nhờ ông ta mang đến, từ bộ sưu tập riêng trong văn phòng ông ta.

"Chỗ này không làm anh phát điên đấy chứ, hả?" Cái cách ông ta cười khùng khục một mình khiến tôi tự hỏi không biết có phải ông ta đã nghĩ về chuyện đó suốt từ khoa tâm thần đến đây không. Khi tôi hỏi ông ta liệu một bác sĩ tâm thần có được phép gọi bệnh nhân của mình là thằng điên không, ông ta lau vội một giọt mồ hôi rỏ ra từ chân mày bằng chiếc khăn tay kẻ ca rô, và chẳng trả lời gì cả. Thay vì thế, ông ta hỏi tôi tại sao lại hứng thú với tâm thần phân liệt và khủng hoảng tinh thần đến vậy.

"Không phải việc của ông," tôi nói.

Gregor mở miệng như thể định nói gì nữa, nhưng ông ta lại chỉ mỉm cười và gõ một phát lên đầu gargoyle nhỏ của tôi. "Tôi thích cái này," ông ta nói, trước khi lạch bạch chạy ra khỏi phòng trên đôi giày moca.

Ngày hôm sau, một phụ nữ châu Á nhỏ bé, mới liếc qua trông giống một con búp bê hơn là người thật, bước vào phòng tôi.

Xin đừng vội kết luận tôi đang cố tô đậm thêm định kiến rằng tất cả phụ nữ châu Á đều trông giống búp bê sứ. Đó không phải loại búp bê tôi nghĩ trong đầu. Người phụ nữ này có khuôn mặt bè bè, mũi tẹt và nụ cười đáng kinh ngạc. (Tôi luôn ghét những người cười hết cỡ mà trông không có vẻ ngu ngốc.) Má cô như hai quả táo chín, mà khi kèm với chiếc áo kẻ sọc và quần bò yếm bên dưới lần áo thăm bệnh, tạo nên ấn tượng tổng thể về cô búp bê Raggedy Ann(16) đến từ phương Đông.

"Xin chào! Tôi tên là Sayuri Mizumoto. Rất hân hạnh được gặp anh." Cô thọc tay vào tay tôi và bắt tay cuồng nhiệt. Và nếu như tôi không viết rằng cứ mỗi khi nói, cô lại cười toe toét, thì từ đây xin hãy coi chuyện cô cười là đương nhiên nhé.

"Sayuri là cái tên quái gì vậy?"

"Một cái tên đẹp," cô trả lời bằng giọng Úc. "Giờ hãy ngồi dậy đi nào."

Tôi hỏi tại sao cô lại mong tôi sẽ làm theo những gì cô bảo.

"Vì tôi là bác sĩ vật lý trị liệu mới của anh và bây giờ anh sẽ phải ngồi dậy."

"Cô thậm chí còn không biết..."

"Tôi đã nói chuyện với bác sĩ Edwards, và anh có thể làm được điều đó!" Có một kết hợp kỳ lạ giữa vui sướng và tự hào trong cách cô nói với tôi rằng tôi có thể làm được điều đó! Cô luồn tay xuống dưới lưng tôi rồi đứng choãi chân ra để giúp tôi. Cô cảnh báo rằng tôi có thể cảm thấy chóng mặt một chút khi máu lên não, còn tôi cứ cự nự đây chắc chắn không phải một ý hay.

"Chắc chắn là ý hay đấy," cô vui vẻ nói. "Nào, một, hai, được rồi!"

Tôi ngồi lên; cô khá khỏe so với một con búp bê đấy. Trong một thoáng tôi cảm thấy khá thoải mái, tay cô đang đỡ tôi. Rồi cơn chóng mặt ập đến và cả căn phòng bắt đầu xoay tròn kỳ lạ. Sayuri đặt một tay lên gáy tôi để giúp đầu tôi không bị ngúc ngắc. "Anh làm rất tốt! Giữ yên nào."

Khi đỡ tôi nằm xuống, cô nhận xét, "Không quá tệ, phải không?"

"Tệ kinh lên được."

"Sốc quá!" Cô lấy tay che cái miệng đang há hốc ra, giả vờ sợ hãi.

"Anh đúng là không khác gì người ta vẫn nói. Chưa có ai nói với anh miệng là cánh cổng chính dẫn đến mọi bất hạnh à?"

Khi tôi tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa, Marianne Engel đang đứng trước tôi, rèm đã được kéo lại. Vắt trên thành ghế cạnh giường tôi là một bộ đồng phục thăm bệnh, mà sau đó tôi phát hiện ra đã được cô mặc khi vào phòng nhằm xoa dịu các y tá tình cờ gặp phải, rồi nhanh chóng bị cởi phăng ra. Thế là cô lại mặc bộ quần áo đường phố của mình: áo sơ mi trắng tay bồng nhét trong quần jean bạc màu với dây lưng đính những đĩa bạc nhỏ. Mái tóc thả hờ hững trên bờ vai, chảy dài xuống phía lưng. Khuôn mặt cô rất bình thản còn đôi mắt thì sáng bừng - sắc xanh lục, xanh kinh khủng. Một con rồng thêu nằm trên ống quần bên phải.

Cuối cùng tôi biết mình đã đúng khi đoán rằng thân hình của Marianne Engel khá bắt mắt. Có vẻ con rồng cũng nghĩ thế, vì nó bò từ mắt cá chân lên đến hông, xoắn quanh và âu yếm ôm lấy đùi cô. Mỗi cái vảy là một hạt xê quin đầy màu sắc, đôi mắt màu hồng ngọc được làm từ những viên giả đá quý to tướng. Cái lưỡi xoắn xuýt thè ra tinh nghịch liếm mông cô. Những móng vuốt thêu bằng chỉ đen, cắm ngập vào phần thịt ngon lành trên chân cô. "Tôi thích quần của cô," tôi nói. "Cô đã ở đâu vậy?"

"Tôi bận," cô trả lời. "Chiếc quần này tôi được tặng."

"Làm gì? Ai tặng?"

"Làm việc, nhưng rồi bị ốm nhẹ." Cô kéo cái ghế cạnh giường rồi ngồi xuống. "Jack tặng quần cho tôi."

"Rất tiếc khi biết cô không được khỏe. Jack là ai?"

"Tôi đỡ rồi. Ghen à?"

"Rất vui khi nghe thế. Hôm nay cô không lẩn trốn các bác sĩ đấy chứ?"

"Không. Ghen à?"

"Với Jack á?" Dào ôi. "Cô hòa thuận với họ quá nhỉ?"

"Chẳng đến mức ấy đâu. Chẳng muốn nói về chuyện đó."

"Các bác sĩ hay là Jack?"

"Các bác sĩ," cô trả lời. "Anh muốn nói về Jack à?"

"Dĩ nhiên là không. Đời sống riêng tư của cô là riêng tư chứ, nhỉ?"

"Một mối quan hệ khá phức tạp."

"Với Jack?"

"Với các bác sĩ." Marianne Engel gõ đầu ngón tay lên đôi mắt cẩn đá quý của con rồng thêu trên quần. "Nhưng với bác sĩ Edwards thì có vẻ ổn, tôi đoán thế."

"Ồ. Thế là cô đã hoàn toàn khỏi bệnh, gì gì ấy nhỉ?"

"Bị suy nhược, có thể nói như thế." Cô ngả đầu sang một bên. "Kể cho tôi nghe về tai nạn của anh đi."

"Tôi phê thuốc, rồi lái xe lao xuống vực."

"Gieo gió gặt bão."

Tôi chỉ vào bức tượng nhỏ trên chiếc tủ đầu giường. "Tôi thích gargoyle này."

"Nó không phải gargoyle. Mà là grotesque."

"Ông nói gà, bà nói vịt."

"Tôi sẽ không ngừng ăn gà đâu." Marianne Engel trả lời, "nhưng đó là grotesque. Gargoyle là máng xối."

"Mọi người đều gọi cái này là gargoyle(17)."

"Mọi người đều sai." Cô rút một điếu thuốc lá ra khỏi bao, không châm lửa mà bắt đầu cuộn nó lại giữa ngón cái và ngón trỏ. "Gargoyle được tạc trên tường thánh đường để tiêu thoát nước, giúp móng nhà không bị xói lở. Người Đức gọi chúng là Wasserspeier. Anh có nhớ không?"

"Nhớ gì cơ?"

""Ống khạc nước." Nghĩa đen là thế."

"Sao cô biết nhiều về mấy thứ ấy thế?"

"Grotesque hay ngôn ngữ?"

"Cả hai."

"Grotesque là những thứ tôi làm," Marianne Engel đáp. "Ngôn ngữ là sở thích."

"Cô muốn nói gì, cô "làm" grotesque?"

"Tôi tạc tượng." Cô hất đầu về con quỷ lùn trong tay tôi. "Tôi tạc cái ấy."

"Ông bác sĩ tâm lý của tôi thích nó."

"Lão nào vậy?"

"Bác sĩ Hnatiuk."

"Ông ta khá hơn hết thảy lũ còn lại."

Tôi hơi ngạc nhiên. "Cô biết ông ta à?"

"Tôi biết hầu hết mấy người ấy."

"Nói tôi nghe việc chạm khắc của cô đi."

"Tôi bắt đầu hứng thú với việc này khi quan sát anh làm." Bàn tay kia của cô vân vê cái vòng cổ mặt hình đầu mũi tên.

"Tôi không tạc tượng."

"Anh đã từng."

"Không, tôi chưa tạc bao giờ," tôi nhấn mạnh. "Nói cho tôi biết tại sao cô thích tạc tượng đi."

"Đây là nghệ thuật thụt lùi. Lãi thu về còn ít hơn cả vốn." Cô dừng lại. "Thật tệ khi anh không nhớ rằng mình biết chạm khắc. Tôi vẫn còn giữ một thứ anh đã làm đấy."

"Cái gì vậy?"

"Morgengabe của tôi." Marianne Engel nhìn tôi chăm chú, như thể đang trông đợi một ký ức không hề tồn tại lướt qua trí óc tôi. Khi nhận thấy chẳng có gì xảy ra cả, cô nhún vai và ngả người vào ghế. "Jack là quản lý của tôi."

Một người quen trong công việc. Tốt. "Kể cho tôi nghe về anh ta đi."

"Tôi nghĩ sẽ để anh tự đoán." Hôm nay cô hẳn rất hưng phấn. "Tôi kể anh nghe một câu chuyện nhé?"

"Lần này là về cái gì vậy?"

"Về tôi."

Chú thích

(12) Trong thần thoại Hy Lạp, dưới Trời, Đất, Biển là Tartarus, một chốn sâu thẳm, tối tăm, nơi những linh hồn tội lỗi phải chịu đày đọa và trừng phạt.

(13) Lạy chú phù hộ (Tiếng Latin)

(14) Chimera: quái vật đầu sư tử, mình dê, đuôi rắn trong thần thoại Hy Lạp.

(15)Tôi sẽ không chết hẳn(Tiếng Latin)

(16)Nhân vật trong loạt sách thiếu nhi của nhà văn Mỹ Johnny Gruelle, là một cô búp bê rách rưới với mái tóc làm bằng sợi màu đỏ và cái mũi tam giác.

(17)Những bức tượng được chạm khắc kỳ dị theo phong cách Gothic, chỉ có tác dụng trang trí, không có chức năng tiêu thoát nước.