Cú Hích - Cuốn Sách Tạo Nên Sự Khác Biệt

Chương 12: Nên Chăng Buộc Bệnh Nhân Mua Vé Số?

Cứ sau mỗi kỳ bầu cử, vị tổng thống đắc cử lại công bố những kế hoạch cải cách hệ thống chăm sóc y tế dành cho hàng chục triệu người Mỹ mà chính sách bảo hiểm y tế của Mỹ bỏ sót. Trong dài hạn, những kế hoạch như thế rất khó thiết kế, vì một lý do đơn giản: chăm sóc sức khỏe cộng đồng là hoạt động rất tốn kém. Tốn kém một phần vì người Mỹ luôn muốn tiếp cận những dịch vụ tốt nhất: bác sĩ giỏi nhất, bệnh viện tốt nhất, thuốc tốt nhất, thiết bị chữa trị và nhà an dưỡng tốt nhất.

Tất nhiên, chúng ta có thể kiểm soát phần chi chăm sóc y tế trong khả năng của mình bằng cách thay đổi lối sống hay chỉ sử dụng những sản phẩm hay dịch vụ y tế thực sự cần thiết. Hoặc nếu mua bảo hiểm y tế, chúng ta chỉ mua những gói bảo hiểm thực sự có ích đối với những bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng, chứ không mua trọn gói cho cả những bệnh có xác suất thấp, nhưng mức phí cao. Tuy nhiên, có một sản phẩm mà mọi khách hàng sử dụng dịch vụ y tế ở Mỹ bắt buộc phải mua, dù muốn hay không: quyền kiện bác sĩ vì tắc trách!

Vấn đề chính ở đây là bệnh nhân và bác sĩ phải được tự do thỏa thuận với nhau về quyền trên. Nếu người bệnh muốn khước từ quyền khởi kiện bác sĩ, họ phải được phép làm điều đó một cách dễ dàng nhất. Tăng quyền lựa chọn như thế mới bảo đảm sự công bằng giữa người điều trị và người được chữa trị (vốn không biết mình được chữa như thế nào và sống chết ra sao, ngoài niềm tin vô điều kiện vào kiến thức và chuyên môn của bác sĩ). Ngoài ra, điều này còn góp phần cải thiện các vấn đề y tế mà cả xã hội đang gặp phải.

Nghe có vẻ lạ lùng khi nói rằng chúng ta đi “mua” quyền khởi kiện. Hẳn nhiên quyền này không phải là một phần trong một đạo luật nào đó về bảo hiểm, nhưng rõ ràng nó có giá của nó. Bạn thử so sánh một hợp đồng bảo hiểm sức khỏe với một hợp đồng bảo hiểm vật chất, như xe ô-tô của bạn xem! Nếu bạn chọn một khoản khấu trừ nhỏ, chẳng hạn 100 đô-la, bạn sẽ phải đóng một khoản phí lớn hơn so với khi bạn chọn một khoản khấu trừ lớn, chẳng hạn 1.000 đô-la. (Mách nước: luôn luôn chọn khoản khấu trừ lớn nhất có thể trong khả năng của bạn, vì như thế xét về dài hạn, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền). Tuy nhiên, các nhà bảo hiểm thường không để bạn mua theo món như khi bạn đi ăn nhà hàng, và thường hạn chế tối đa quyền kiện tụng của bạn, nếu chẳng may họ làm mọi thứ đảo lộn!

Điều lạ nữa khi chúng ta mua quyền kiện là một sự thật rất đơn giản: khách hàng của nhiều ngành kinh doanh khác nhau thường phải trả giá cao để giữ quyền kiện các công ty. Nhà kinh tế học được giải Nobel năm 1982, George Stigler, từng viết một bài báo sâu cay và hài hước về một thế giới, trong đó sinh viên có quyền kiện giáo sư nếu họ dạy sinh viên những kiến thức vớ vẩn. Các vị giáo sư đáng kính của chúng ta nhún vai cười khẩy trước ý nghĩ này, nhưng bạn hãy tưởng tượng xem việc học hành sẽ đắt đỏ như thế nào, nếu các trường đại học và giáo viên phải mua bảo hiểm cho hành vi cung cấp kiến thức sai của mình! Việc học hành không chỉ trở nên quá tốn kém, mà còn mất đi hiệu quả rất nhiều vì các giáo sư sợ gặp rủi ro, và sợ bị kiện ra tòa. Tuy nhiên, e rằng sẽ không nhiều trường dám áp dụng cú hích trong mơ này của Stigler.

Tương tự, nhiều bệnh nhân và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có lẽ sẽ rất vui khi giao kết loại bỏ quyền kiện bác sĩ vì sự vô trách nhiệm của họ trong một số trường hợp. Đáp lại việc khước từ quyền đó, bác sĩ, bệnh viện hay hãng bảo hiểm sẽ đề nghị bệnh nhân một mức giá thấp hơn. Vài người chấp nhận mức giá này và tự gánh lấy rủi ro. Một số người khác từ chối quyền này, thay vào đó họ mua bảo hiểm thân thể. Nhưng những sắp đặt như thế không có sẵn cho người bệnh, vì tòa án từ lâu đã tuyên bố rằng việc khước từ quyền kiện bác sĩ trong trường hợp chữa trị sai là không thể thi hành được, vì điều đó “đi ngược tinh thần chính sách công”. Các quy định như thế đi ngược với chủ nghĩa tự do: chúng tước bỏ quyền tự do hợp đồng đối với những gì các bên thấy thỏa đáng mà pháp luật không cấm.

Đối với bệnh nhân, những quy định này có vẻ tốt đẹp và là một hình thức hiệu quả để bảo vệ họ. Chúng ta sẽ sớm quay lại vấn đề bảo vệ này, còn hiện giờ hãy lưu ý rằng không phải lúc nào bạn cũng chiếm lợi thế khi mua quyền khởi kiện. Giả sử mọi người có quyền khởi kiện các nhà làm tóc nếu bị họ làm hư tóc, khi đó giá một lần cắt tóc chắc chắn phải tăng thêm ít nhất 50 đô-la! Tại sao? Vì như thế các hiệu làm đẹp mới đủ khả năng mua bảo hiểm để mà bồi thường cho bạn 17 triệu đô-la mỗi khi họ “tặng” bạn một cái đầu nham nhở. Liệu bạn có muốn tiết kiệm 50 đô-la mỗi lần cắt tóc bằng cách từ bỏ quyền kiện tụng này không? Hay bạn tức giận vì bị ngăn cản thực hiện quyền này?

Vâng, chúng tôi biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nhìn xem, cả khách hàng y tế lẫn những người đóng thuế tại Mỹ hiện phải đóng tiền để có thể khởi kiện 85.000 vụ hàng năm xoay quanh những sai lầm của cơ quan y tế. Những vụ kiện tụng này tiêu phí từ 11 đến 29 tỉ đô-la mỗi năm. Phần chi phí sửa sai tại các bệnh viện chiếm khoảng 5-9% tổng chi phí hoạt động của họ, có nghĩa là chi phí pháp lý không biết tự bao giờ đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chi phí của hệ thống chăm sóc y tế. Tất nhiên, các con số trên có thể gây tranh cãi, nhưng không ai nghi ngờ rằng hàng tỉ đô-la đã được chi ra để mua bảo hiểm nhằm né tránh trách nhiệm. Thật vậy, nhiều bác sĩ phải chi đến 100.000 đô-la, hoặc nhiều hơn, để mua các hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm hàng năm, và một phần trong số đó được tính vào hóa đơn khám chữa bệnh của bạn!

Đó là chưa kể các loại chi phí ẩn mà bạn không thể nhìn thấy hoặc không thể biết. Ví dụ, nhiều bác sĩ thích cho thuốc mạnh nên kê những loại thuốc “vượt cấp”, đắt tiền một cách không cần thiết mà không xem xét những phương án khác có lợi hơn cho người bệnh, cả về mặt sức khỏe lẫn tài chính. Một loại chi phí gián tiếp khác là những báo cáo sai sót khi điều trị trong bệnh viện và giữa các nhà bào chế thuốc. Đáng thất vọng!

Thoạt nhìn, dường như bệnh nhân được hưởng lợi từ quy định chịu trách nhiệm theo kết quả điều trị. Nếu họ bị yêu cầu khước từ quyền kiện bác sĩ, liệu họ có nhận được sự điều trị tốt hơn? Liệu họ có phải hy sinh một quyền lợi quan trọng mà không được nhận lại gì cả? Điều này tùy thuộc vào ngữ cảnh khi không-có-quyền-kiện- tụng xảy ra. Nhiều bệnh nhân không muốn trả thêm chi phí cho bác sĩ để họ “bán trách nhiệm” cho các công ty bảo hiểm, nên hai bên thỏa thuận với nhau để có một toa thuốc giá thấp hơn. Nhưng, việc này không được tòa án chấp nhận, vì người được chữa trị và người điều trị không được lập các thỏa thuận “giảm giá” để hủy bỏ quyền khởi kiện của bệnh nhân.

Một lý do khác cho phép bệnh nhân chọn từ bỏ quyền khởi kiện là tác dụng gây nản lòng của trách nhiệm điều trị, vốn thường được cường điệu hóa. Bạn cần biết rằng giá một hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm y khoa không được xác định dựa trên kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ. Có nghĩa là bất kể ông ta từng bị kiện bao nhiêu lần về những vụ chữa trị sai, ông ta vẫn chỉ đóng một khoản phí bảo hiểm như nhau! Tất nhiên, nhiều bác sĩ muốn tránh bị kiện và không ngần ngại chủ động dùng biện pháp tài chính mạnh để ngăn ngừa chuyện này (qua các hợp đồng bảo hiểm). Vì thế, rủi ro tài chính trong các vụ kiện điều trị sai không phải là lý do chính thúc đẩy những người chữa bệnh làm tốt hơn công việc và trách nhiệm của mình.

Về phía bệnh nhân, nhiều người trong số họ cũng không muốn kiện bác sĩ vì tội tắc trách, hoặc giả nếu họ có kiện thì cũng nhanh chóng đạt được sự hòa giải mà không đặt trọng tâm vào chuyện bồi thường tài chính. Khảo sát tại một bệnh viện ở New York cho thấy chỉ 2% bệnh nhân bị tổn hại vì sự vô trách nhiệm của bác sĩ nộp đơn khởi kiện hàng năm. Trong số này, đối với các vụ bệnh nhân thắng kiện, họ không tìm được bằng chứng nào cho thấy có sự bất cẩn hay tắc trách của bác sĩ! Ngược lại, người ta thấy có bằng chứng thể hiện sự vô trách nhiệm của các nhà chuyên môn trong những vụ nguyên đơn thua kiện! Nói ngắn gọn, hầu hết những người bị điều trị sai đều không được bồi thường, và nhiều bệnh nhân được bồi thường thì không hề bị chữa trị sai.

Chúng tôi nghĩ luật pháp không nên bỏ quy định buộc bác sĩ phải bồi thường cho sự tắc trách của họ. Nhưng chúng tôi cho rằng người bệnh phải có quyền tự do giao kết hợp đồng theo ý muốn của họ, và sẽ có nhiều người muốn từ bỏ quyền này để chọn một phương án khác tốt hơn. Và nếu số tiền bồi thường đủ lớn thì không mấy người từ bỏ quyền khởi kiện. Sự thật là ngay cả một bệnh nhân thắng kiện và được bồi thường thì số tiền cuối cùng họ nhận được chỉ vào khoảng 60% tổng số chi trả (40% còn lại được chuyển vào tài khoản của luật sư). Lẽ thường, nếu một người có thể dành dụm được chút ít bằng cách từ bỏ quyền khởi kiện thì họ lại có xu hướng từ bỏ nó. Tất nhiên, điều này càng đúng hơn với những người có mức thu nhập khiêm tốn. Vì không thể mua một dịch vụ y tế loại trừ quyền khởi kiện, nên những người không có khả năng trả thêm cho quyền khởi kiện sẽ bị tách ra khỏi cuộc chơi. Vì thế, nếu việc bảo hiểm rủi ro do tắc trách thực sự có thể làm giảm tần suất bệnh nhân bị điều trị sai thì những lợi ích này có thể dễ dàng bị “cấn trừ” vào các tổn thất mà những người không đủ khả năng tài chính phải gánh chịu.

Một vấn đề khác của hệ thống chăm sóc y tế hiện hành là các phán quyết của tòa án dành cho bên thiệt hại do bị điều trị sai có phần thất thường. Thật khó mà tiên đoán bên nguyên sẽ nhận được nhiều hay ít. Trong các vụ kiện về vấn đề điều trị của bác sĩ, bệnh nhân đôi khi nhận được những phần thưởng “bồi thường tổn thất răn đe”, tức là quan tòa phạt nặng những người làm sai. Nhưng những phán quyết này cũng có mức nặng nhẹ rất khác nhau. Vì thế, có lẽ tốt nhất là bệnh nhân nên mua một loại “vé số sức khỏe” nào đó để phòng thân, loại có trị giá giải thưởng đến 1.000.000 đô-la, để nếu 40% trong số đó có chảy vào túi các luật sư thì họ cũng còn lại một số tiền kha khá, đủ để bù đắp quyền không kiện bác sĩ!

Các nhà kiến trúc lựa chọn sẽ rất vui khi biết rằng nhiều người sẽ khá hơn nếu được trao quyền tự do khước từ trách nhiệm bồi thường của bên kia. Nhóm này không chỉ bao gồm những người không đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc y tế, mà có cả những người vừa đủ sức mua dịch vụ, vừa muốn nhận được bù đắp ngay bằng tiền mặt, thay vì quyền kiện tụng. Lẽ tự nhiên là bệnh nhân sẽ, trong hoàn cảnh nào đó, bị buộc phải từ bỏ quyền lợi của họ mà không được gì cả, vì đó là điều các nhà cung cấp dịch vụ y tế muốn. Nhưng thị trường không vận hành như thế. Hãy nhớ rằng bạn càng mua nhiều bảo hiểm, bạn càng trả nhiều tiền và quyền khởi kiện khi đó là một hình thức bảo hiểm. Miễn là có cạnh tranh, bệnh nhân sẽ được hưởng lợi ngay cả khi họ từ bỏ quyền khởi kiện của mình. Chúng tôi tự tin rằng nếu kiến nghị chúng tôi sắp nêu ra dưới đây được chấp nhận, chúng tôi sẽ chọn cả hai: quyền từ bỏ quyền khởi kiện, và các nhà cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao chấp nhận giao kết này qua một khoản bù đắp thỏa đáng.

Kiến nghị đó là gì? Đó là các nhà kiến trúc lựa chọn phải xem xét một cách nghiêm túc việc thực hiện quyền tự do giao kết hợp đồng trách nhiệm trong trường hợp điều trị tắc trách với nhận thức rằng điều đó có lợi cho cả người bệnh lẫn bác sĩ. Có thể người bệnh khó mà hiểu được bản chất của trách nhiệm bồi thường qua việc điều trị sai và hệ quả của hành động từ bỏ quyền khởi kiện, vì thế khước từ quyền khởi kiện cần được cân nhắc thấu đáo, tránh những quyết định bốc đồng, và phải được lập thành văn bản, trong đó nêu rõ những gì bị từ bỏ. Điều quan trọng nhất là tòa án thường không thích buộc các bên phải thực hiện các điều khoản khước từ lẩn đâu đó trong những bản hợp đồng dài lê thê.

Chúng tôi lại kiến nghị rằng các công ty bảo hiểm sức khỏe phải được phép đưa ra những gói bảo hiểm có và không có quyền khởi kiện tội tắc trách của bác sĩ. Tất nhiên, chúng tôi hiểu việc xác lập một lựa chọn mặc định là vấn đề quan trọng. Nếu từ bỏ quyền khởi kiện là mặc định thì việc bảo đảm thực thi quyền này còn tốn kém hơn nhiều, và khi đó đa số người bệnh thường chọn giải pháp khước từ (xin nhớ lại phần trước của cuốn sách, rằng người ta có xu hướng từ bỏ những lựa chọn khó).

Đối với những người nhận thức rõ ràng về việc cần thiết phải kiện ra tòa các vụ điều trị sai lầm, chúng tôi xin đưa ra một kiến nghị tham vọng hơn: người bệnh được phép kiện đối với những vụ điều trị sai có chủ ý hoặc khinh suất, chứ không phải do bất cẩn. Theo cách này, họ có quyền “mua” quyền bồi thường trách nhiệm cao hơn, và tất nhiên họ phải trả nhiều tiền hơn. Như vậy, quyền khởi kiện sẽ trở thành phổ biến. Đề nghị “mua” phải đi kèm các thông tin chi tiết để người mua biết rõ họ sẽ mất gì, nếu không chấp nhận đề nghị đó. Nói chung là nếu được cung cấp thông tin đầy đủ, người ta sẽ dễ dàng quyết định mua bất kỳ loại bảo hiểm nào dưới hình thức một quyền khởi kiện, và những người khác nếu muốn cũng dễ dàng chọn một phương án khác.

Khước từ quyền khởi kiện bảo đảm cho cả bệnh nhân và bác sĩ cùng hưởng lợi từ quyền tự do giao kết hợp đồng. Nhiều bang của Hoa Kỳ đang từng bước áp dụng các biện pháp giảm chi phí từ những vụ điều trị sai. Ví dụ, California định rõ giới hạn bồi thường trên các thiệt hại phi kinh tế. Một vài quốc gia như New Zealand, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan đang thực hiện chính sách hành chính “không phạm lỗi” tương tự những quy định được áp dụng trong chính sách lương bổng của người lao động tại Mỹ. Họ sẵn sàng thanh toán cho các thương tổn được định nghĩa trước, nếu là hậu quả từ việc chữa trị, bất kể do sự tắc trách của bác sĩ hay không.

Theo quan điểm của chúng tôi, các nhà làm luật cần suy nghĩ nghiêm túc về việc gia tăng quyền tự do giao kết hợp đồng trong lĩnh vực điều trị bệnh. Điều đó giúp họ kiểm chứng việc giảm chi phí y tế mà không giảm chất lượng khám chữa bệnh. Tăng quyền tự do giao kết hợp đồng không giải quyết toàn bộ cuộc khủng hoảng của nền y tế công của Mỹ, nhưng nó ít nhiều có hiệu quả và trong lĩnh vực này thì mọi nỗ lực đều đáng trân trọng.