Cuộc Đời Của Pi

Chương 20

Chúng tôi rời Madras ngày 21 tháng Sáu năm 1977, trên con tàu hàng Nhật Bản treo cờ Panama mang tên Tsimtsum. Các sỹ quan trên tàu là người Nhật, thủy thủ đoàn là người Đài Loan, và con tầu thật lớn, thật ấn tượng. Ngày cuối cùng của chúng tôi ở Pondicherry, tôi chào tạm biệt Mamaji, ông Kumar và ông Kumar, tạm biệt tất cả bạn bè và cả nhiều người chưa quen biết. Mẹ vận bộ sari đẹp nhất. Bím tóc dài của mẹ, gập lại một cách mỹ thuật và cài lại sau gáy, được trang điểm bằng một vòng hoa nhài tươi. Mẹ đẹp. Và buồn. Vì mẹ đang rời bỏ Ấn Độ, nước Ấn Độ nóng nực của những cơn mưa mùa, những cánh đồng lúa và dòng sông Cauvery, những bờ biển và đền miếu xây bằng đá tảng, những cỗ xe bò kéo và những chiếc xe tải sặc sỡ của bạn bè và những người chủ tiệm quen thuộc, con phố Nehru và phố Goubert Salai, của cái này cái nọ, nước Ấn Độ quen thuộc và yêu mến với mẹ đến thế. Trong khi những người đàn ông trong nhà – tôi tưởng mình là một trong số họ - mặc dù mới mười sáu tuổi – đang vội vàng để lên đường, tưởng mình đã là thị dân Winnipeg bên xứ Canada xa xôi kia, thì mẹ còn nán lại.

Hôm trước khi đi, mẹ chỉ một hàng bán thuốc lá và hỏi giọng khẩn khoản, “Ta có nên mua một vài bao không anh?”

Cha đáp, “Bên Canada cũng có thuốc lá, mà sao em muốn mua? Mình có ai hút đâu?”

Vâng, bên Canada cũng có thuốc lá – nhưng họ có thuốc lá Gold PHlake không? Họ có kem nhãn hiệu Arun không? Xe đạp của họ có phải xe đạp Hero không? Có tivi Onidas không? Có ô tô Ambassador không? Các hiệu sách có tên là Higginbothm không? Đó, tôi nghĩ, là những câu hỏi quay cuồng trong đầu mẹ khi mẹ đang tính mua mấy bao thuốc lá ấy.

Bầy thú đã được đánh thuốc ngủ, lùa hết vào lồng và khóa lại, đồ ăn thức uống đã trữ hết vào hầm tàu, dây neo đã tháo hết, và những hồi còi rúc lên. Khi con tàu len lỏi ra khỏi bến và tìm đường ra khơi, tôi cuống cuồng vẫy chào Ấn Độ. Mặt trời tỏa sáng, gió thổi đều, và bầy hải âu cất những tiếng kêu chói tai trên không trung. Lòng tôi rộn rã.

Mọi việc ở đời có bao giờ diễn ra như ta vẫn tưởng, nhưng biết làm sao. Cuộc đời đem cho ta cái gì thì ta phải nhận cái đó và chỉ còn cách làm cho chúng tốt đẹp nhất mà thôi.

Những thành phố ở Ấn Độ đều rộng lớn và đông đúc không thể nào quên được, nhưng khi rời khỏi chúng, ta du hành qua những vùng quê mênh mông, nơi rất ít khi nhìn thấy một bóng người. Tôi còn nhớ cứ thắc mắc mãi không biết chín trăm năm mươi triệu người Ấn kia đang ẩn nấp ở đâu.

Cũng có thể nói như vậy về căn nhà của anh.

Tôi đến hơi sớm. Tôi vừa đặt chân lên các bậc thềm xi măng của lối vào thì đột nhiên một thiếu niên từ trong nhà chạy ào ra. Cậu mặc bộ đồng phục cầu thủ bóng chày và mang theo các dụng cụ bóng chày, và cậu đang vội lắm. Thấy tôi, cậu đứng sững, rồi quay lại gọi toáng lên vào trong nhà: “Cha ơi, ông nhà văn đến rồi.” Với tôi, cậu nói: “Chào bác,” rồi chạy ù đi.

Cha cậu ra cửa. “Xin chào,” anh nói.

“Con trai anh đấy ư?”, tôi hỏi, vẫn không biết có thật hay không.

“Vâng.” Công nhận sự thực ấy khiến môi anh nở một nụ cười. “Xin lỗi, hai bác cháu gặp nhau không được đúng phép. Cháu đang vội đi tập. Tên cháu là Nikhil. Thường gọi là Nick.”

Tôi vào đến tiền sảnh. “Tôi không biết anh có con trai,” tôi nói. Có tiếng chó sủa, một con chó lài lông đen khoang nâu chạy bổ đến tôi, hít ngửi hổn hển. Nó nhảy dựng lên hai chân trước bíu vào chân tôi. Tôi nói thêm, “lại có cả chó nữa.”

“Nó hiếu khách lắm, Tata, xuống!”

Tata phớt lờ. Tôi nghe tiếng “Chào bác” chỉ có điều không ngắn gọn và mạnh mẽ như tiếng chào của Nick. Nó kéo dài, đầy giọng mũi và ư ử nhẹ nhàng, âm “àooo…” đến tai tôi như một cái vỗ vai hoặc cái kéo quần nhè nhẹ.

Tôi quay lại. Đang dựa vào cái ghế sôpha trong phòng khách, ngước nhìn tôi với một vẻ e lệ bối rối, là một cô bé da nâu, rất xinh trong bộ áo mầu hồng, rõ ràng đang ở nhà mình. Cô ôm một con mèo màu da cam. Chỉ nhìn thấy hai chân trước dựng đứng và cái đầu thụt lủn của con mèo bên dưới hai cánh tay bắt chéo của cô bé. Phần còn lại của nó treo lửng lơ xuống tận sàn nhà. Con mèo có vẻ hoàn toàn thoải mái trong tư thế treo mắc áo như vậy.

“Còn đây là con gái anh?” Tôi hỏi.

“Vâng. Usha. Này Usha yêu quý của cha, liệu Moccasin như thế có dễ chịu không con?”

Usha buông Moccasin xuống. Nó phủ phục xuống sàn một cách thản nhiên.

“Chào Usha,” tôi nói.

Con bé đến bên cha và nhìn trộm tôi từ sau chân anh.

“Con làm gì vậy hả con?” Anh nói. “Sao con lại đi trốn thế?”

Con bé không trả lời, chỉ nhìn tôi với một nụ cười mỉm rồi che mặt.

“Cháu mấy tuổi rồi hả Usha?” Tôi hỏi.

Nó không đáp.

Rồi Piscine Molitor Patel, được tất cả mọi người biết đến với cái tên Pi Patel, cúi xuống nhấc đứa con gái của mình lên lòng.

“Con biết trả lời câu hỏi đó rồi mà, đúng không nào? Con lên bốn rồi. Một, hai, ba, bốn.”

Khi nói đến mỗi một con số, anh lại lấy ngón tay trỏ ấn nhẹ lên đầu mũi con bé. Nó thấy điều đó thật buồn cười. Nó khúc khích rồi dụi đầu vào cổ cha.

Đây thực là một câu chuyện có hậu.