Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Napoleon Bonaparte

Chương IV

Ngày 18 Tháng Sương Mù

1

Lật đổ Viện Đốc Chính và cướp lấy quyền lực tối cao, đó là quyết tâm sắt đá và không gì lay chuyển nổi của Napoléon khi rời Ai Cập. Một công cuộc liều lĩnh táo tợn: Đánh đổ nền Cộng Hòa, “chấm dứt cuộc cách mạng” đã bắt đầu từ việc phá ngục Bastille cách đấy 10 năm; làm được tất cả việc đó sẽ gặp phải vô vàn hiểm nghèo đáng sợ, dù Napoléon đã có trong quá khứ của mình những Toulon, Tháng Hái Nho, nước Ý và xứ Ai Cập. Và những hiểm nghèo đó đã xuất hiện ngay khi Napoléon vừa rời khỏi bờ biển Ai Cập. Trong 47 ngày vượt biển về Pháp, nguy cơ gặp phải hạm đội Anh đã không ngừng diễn ra, và như vậy, cảnh sa vào cạm bẫy của hiểm nghèo dường như là điều tất yếu; theo lời những người đã được chứng kiến thì Bonaparte là người duy nhất giữ được bình tĩnh và đề ra được những mệnh lệnh cần thiết với lòng cương nghị sẵn có. Sáng ngày 8 tháng 10 năm 1799, tàu của Napoléon đã buông neo trong vịnh Fréjus. Để hiểu tình hình đã xảy ra trong 30 ngày kể từ ngày 3 tháng 10 năm 1799, ngày Bonaparte đặt chân lên đất Pháp, đến ngày 8 tháng 11, ngày Bonaparte trở thành người thủ lĩnh của nước Pháp, cần ôn lại vài lời về tình hình nước Pháp vào lúc biết tin người chinh phục Ai Cập đã trở về.

Sau cuộc đảo chính 18 Tháng Quả năm thứ 5 (1797) và việc bắt giữ Pichegru, hình như Barras và các đồng sự có thể tin vào những lực lượng đã ủng hộ họ ngày hôm đó: Một là những tầng lớp mới trong giai cấp tư sản thành thị và nông thôn làm giàu bằng bán tài sản của quốc gia, đất đai của nhà thờ và của bọn lưu vong, tuyệt đại đa số bọn này sợ dòng họ Bourbon trở về nhưng lại mơ ước thiết lập một nền trật tự ổn định vững vàng và một chính quyền trung ương mạnh mẽ; lực lượng thứ hai là quân đội: Đông đảo binh sĩ gắn liền với giai cấp nông dân lao động sẽ nổi dậy ngay trước sự phục hưng triều đại cũ và nền quân chủ phong kiến, dù mới chỉ là trong ý định.

Nhưng kể từ cuộc đảo chính Tháng Quả đến mùa thu năm 1799, trong hai năm đã trôi đi ấy rõ ràng là Viện Đốc Chính đã mất hết chỗ dựa giai cấp. Bọn đại tư sản mơ ước một vị độc tài, người phục hưng được nền thương nghiệp, mơ ước một người sẽ bảo đảm được sự phát triển của công nghiệp và sẽ đem lại cho nước Pháp một nền hòa bình đầy thắng lợi và một “nền trật tự” trong nước mạnh mẽ. Tư sản lớp dưới và lớp giữa, và trước hết là nông dân, đã tậu được đất đai và trở nên giàu có, đều có những nguyện vọng giống nhau: Kẻ nào làm độc tài cũng được, miễn là không phải một tên Bourbon. Còn thợ thuyền Paris, thì sau cuộc tước vũ khí hàng loạt và cuộc khủng bố dã man đã tàn sát họ vào Tháng Đồng Cỏ năm 1795, sau vụ bắt giữ và hành hình Babeuf năm 1796, sau vụ mang đi đày những người theo Babeuf năm 1797, và sau khi đã thấy toàn bộ đường lối, chính sách của Viện Đốc Chính chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của bọn đại tư sản, bọn đầu cơ và đặc biệt là bọn viên chức các cấp không làm tròn nghĩa vụ, còn những người thợ thuyền ấy họ vẫn bị đói khát, chịu đựng nạn thất nghiệp và sinh hoạt đắt đỏ, vẫn không ngớt nguyền rủa bọn lũng đoạn và bọn đầu cơ, rất tự nhiên rằng những người thợ ấy chẳng hề muốn chống lại bất cứ ai để bảo vệ Viện Đốc Chính. Còn về phần những thợ thuyền làm theo vụ, những người làm công nhật ở nông thôn ra, thực tế họ chỉ có một khẩu hiệu duy nhất: “Chúng tôi muốn một chế độ mà người ta có miếng ăn”. Cảnh binh của Viện Đốc Chính luôn luôn nghe thấy câu nói đó ở các vùng ngoại ô Paris và đã báo cáo lên các cấp trên đang bồn chồn lo lắng của họ.

Từ khi lên nắm chính quyền, Viện Đốc Chính đã tỏ ra bất lực một cách không chối cãi được trong việc xây dựng trật tự tư sản vững bền, có thể tổng hợp lại thành pháp chế và được thi hành một cách đầy đủ. Trong thời gian gần đây, Viện Đốc Chính cũng đã tỏ ra nhu nhược về nhiều phương diện khác nữa. Trong giới sản xuất tơ lụa ở Lyon, ban đầu người ta phấn khởi về cuộc đánh chiếm nước Ý của Bonaparte vì Bonaparte đã mang lại cho họ một số lớn chiến lợi phẩm: Tơ chưa chế biến, một loại nguyên liệu hàng đầu trong kỹ nghệ của họ; nhưng sau đó, vào năm 1799, trong thời gian Bonaparte vắng mặt, khi Suvorov tiến quân vào nước Ý và cướp mất nước ấy từ tay người Pháp thì họ trở nên tuyệt vọng, rã rời. Tình cảnh vô vọng ấy cũng đã lan rộng trong các tầng lớp tư sản khác ở Pháp, khi họ nhìn thấy nước Pháp gặp những khó khăn ngày càng tăng trong việc đấu tranh chống lại Khối Liên Minh Châu Âu vững mạnh, khi họ thấy rằng hàng triệu đồng tiền vàng do Bonaparte chuyển từ Ý về Paris trong những năm 1796 - 1797 phần lớn đã chui vào túi bọn viên chức và bọn đầu cơ là bọn thông đồng với chính Viện Đốc Chính để cướp phá công quỹ. Trận thất bại khủng khiếp mà Suvorov đã giáng cho quân Pháp ở Novi, nơi mà chỉ huy trưởng Joubert bị tử trận; sự phản bội của tất cả những “bạn đồng minh nước Ý “ của Pháp; việc biên giới nước Pháp bị đe dọa; tất cả tình hình đó đã làm cho cái khối lớn giai cấp tư sản thành thị và nông thôn hoàn toàn xa rời Viện Đốc Chính.

Còn như quân đội thì không cần nói. Họ luôn luôn nhớ tới Bonaparte lúc đó đã đi Ai Cập. Binh lính lớn tiếng phàn nàn rằng họ phải ăn uống đói khát vì nạn ăn cắp phổ biến và họ nói đi nói lại rằng người ta đưa họ đến chỗ chết một cách vô ích. Hoạt động của bọn Bảo Hoàng bấy lâu vẫn chỉ ngấm ngầm, bỗng lại bùng lên ở Vendée.

Những tên thủ lĩnh của phong trào Chouan như George Cadoudal, Frotté, La Rose Jacqueline lại kích động miền Bretagne và miền Normandie nổi dậy. Ở một vài nơi, bọn Bảo Hoàng đã dám cả gan hô ở giữa phố: “Suvorov muôn năm! Đả đảo chính thể Cộng Hòa!”. Hàng nghìn thanh niên, buộc phải rời bỏ quê hương để trốn nạn dịch, đi lang thang khắp nước. Sinh hoạt ngày càng đắt đỏ vì sự suy sụp toàn bộ của nền tài chính, nền thương nghiệp và nền công nghiệp, vì những sự trưng thu liên miên và vô tổ chức để đem lại những nguồn lợi kếch xù cho bọn đầu cơ và bọn lũng đoạn. Cho đến cả sau mùa thu năm 1799, mặc dù Masséna đã đánh bại được quân Nga của Korsakov ở gần Zurich và đạo quân Nga của Suvorov đã bị Hoàng Đế Paul gọi về, nhưng những thắng lợi đó cũng chẳng giúp cho Viện Đốc Chính được bao nhiêu và cũng không khôi phục lại được uy tín cho Viện Đốc Chính.

Để tóm tắt trong vài câu tình hình nước Pháp hồi đó, hồi giữa năm 1799 người ta có thể nói theo cách này: Dưới con mắt của đại đa số giai cấp hữu sản, Viện Đốc Chính là vô ích và bất lực, thậm chí có nhiều người dứt khoát cho rằng nó là có hại. Đối với đông đảo quần chúng nghèo khổ ở thành thị cũng như nông thôn, Viện Đốc Chính là đại diện cho chế độ của bọn đầu cơ, của bọn ăn cắp được nuôi béo, một chế độ đem lại giàu sang và khoái lạc cho bọn đục khoét của công và một chế độ gieo rắc đói khổ và áp bức tàn tệ cho thợ thuyền, những người làm công nhật, tức là người tiêu thụ nghèo. Cuối cùng, đối với binh lính Viện Đốc Chính là một bầy những kẻ gian manh đã bỏ mặc họ không giày dép, không bánh mỳ và chỉ trong vài tháng đã nộp cho quân địch tất cả những chiến quả do Bonaparte đã thu được bằng hàng chục trận chiến thắng. Tình thế đã sẵn sàng để một nền độc tài ra đời.

2

Ngày 13 tháng 10 (21 Tháng Hái Nho) năm 1799, Viện Đốc Chính lấy làm hài lòng thông báo cho Hạ Nghị Viện biết rằng tướng Bonaparte đã về tới nước Pháp và đã đổ bộ lên Fréjus. Giữa những tràng vỗ tay như pháo nổ, những tiếng reo hò sung sướng, những đợt vui mừng phấn khởi không thành tiếng, tất cả các vị đại diện cho dân đều đứng dậy hoan hô hồi lâu để chào mừng sự trở về đó. Buổi họp bị gián đoạn. Những người được mục kích có kể lại rằng, khi đi ra phố để về nhà, các nghị sĩ vừa loan báo tin ấy ra thì bỗng nhiên hình như thủ đô vui sướng cuống cuồng; trong rạp hát, trong những phòng khách, trên các đường phố chính, đâu đâu người ta cũng chỉ nghe thấy tên Bonaparte. Tin tức về các cuộc tiếp đón chưa từng có vị tướng của nhân dân miền Nam, miền trung và các thành phố mà ông ta đi qua để về Paris tới tấp bay đến thủ đô. Nông dân rời bỏ làng mạc, các đoàn đại biểu các thành phố nối nhau đến trình diện Bonaparte, đón chào Bonaparte như một vị tướng giỏi nhất của nền Cộng Hòa. Không một ai, kể cả Bonaparte, có thể tưởng tượng trước được cuộc biểu tình vừa bất ngờ, vừa vĩ đại, lại vừa đầy ý nghĩa như vậy. Và đây là một trường hợp nổi bật: Ở Paris, vừa thoạt biết tin Bonaparte đã lên bờ, quân đội đóng ở Paris bèn rời khỏi doanh trại, quân nhạc đi đầu, diễu hành khắp thủ đô và người ta không thể tìm biết được ai đã ra lệnh đó, có lệnh đó không, hay chỉ là do họ tự động.

Ngày 16 tháng 10 (24 Tháng Hái Nho), tướng Bonaparte về tới Paris. Viện Đốc Chính chỉ còn ba tuần lễ để sống, nhưng lúc đó kể cả Barras, con người đã chết hẳn về mặt chính trị, cũng như các vị Viện Đốc Chính sắp giúp Bonaparte chôn vùi chính chế độ của họ, đều không ngờ được rằng giờ kết thúc lại quá gần như vậy và việc thiết lập nền chuyên chính quân phiệt không phải là chuyện hàng tuần nữa mà là hàng ngày và rồi ngay sau đó đã không còn là hàng ngày nữa, chỉ là hàng giờ.

Hành trình của Bonaparte ở Pháp, từ Fréjus đến Paris, đã vạch rõ ra rằng người ta coi Bonaparte như một “đấng cứu tinh”. Đâu đâu cũng chỉ thấy những cuộc tiếp đón long trọng, những bài diễn văn đầy nhiệt tình, những hội đèn hoa rực rỡ, những cuộc biểu tình ủng hộ và những phái đoàn hoan nghênh. Nông dân, thị dân thành phố và các tỉnh nhỏ kéo đến gặp Bonaparte. Sĩ quan và binh lính tổ chức một cuộc tiếp đón vô cùng nồng nhiệt người tướng lỗi lạc của họ. Tất cả những hình thức biểu thị tình cảm và ý chí ấy, tất cả những con người ấy lần lượt diễu qua trước mắt Bonaparte trên đường về Paris, muôn màu muôn vẻ như một ống kính vạn hoa, nhưng chưa đủ bảo đảm cho Bonaparte có thể thắng lợi ngay tức khắc được. Trước hết, cần phải tìm hiểu tình hình thủ đô. Quân đội đồn trú ở Paris nhiệt liệt đón chào người chỉ huy trở về, mình đầy những vòng hoa chiến thắng mới tinh khôi hái trong cuộc chinh phục Ai Cập, người chiến thắng quân Mamelukes, người chiến thắng quân đội Thổ, người mà trước khi rời bỏ sông Nile đã giáng cho đối phương một đòn trí mạng. Bonaparte thấy ngay chỗ dựa mạnh mẽ ở những tầng lớp thượng lưu. Đúng là ngày từ ngày đầu, đại bộ phận giai cấp tư sản và đặc biệt những tầng lớp hữu sản mới đã tỏ rõ thái thù địch với Viện Đốc Chính, vì bọn họ thấy rằng Viện Đốc Chính bất lực cả về đối nội cũng như về đối ngoại và bọn họ thực sự run sợ trước những hoạt động của bọn Bảo Hoàng, nhưng còn run sợ hơn nữa khi thấy phong trào đang âm ỉ ở các ngoại ô, nơi mà Viện Đốc Chính vừa đánh xong một đòn mới vào đông đảo thợ thuyền: Ngày 13 tháng 8, Sieyès, theo yêu cầu của bọn chủ nhà băng, đã thanh toán cứ điểm trọng yếu cuối cùng của chủ nghĩa Jacobin: “Hội những người bạn Tự do và Bình đẳng”, có gần 5.000 hội viên và chiếm 250 ghế trong hai viện. Giai cấp tư sản và những kẻ đứng đầu họ đã tức khắc tin tưởng sắt đá rằng Bonaparte chính là kẻ có nhiều khả năng nhất để ngăn ngừa nguy cơ do phe hữu gây nên và nhất là của phe tả. Ngoài ra, bất thần người ta phát hiện được rằng, giá như Bonaparte có quyết định đảo chính ngay lúc đó, thì nội trong năm viên đốc chính cũng sẽ chẳng có một ai có khả năng chống lại Bonaparte một cách triệt để và đích đáng. Những nhân vật bất tài như Gohier, Moulin, Roger Ducos đều không đáng đếm xỉa đến. Người ta đặt họ lên chức đốc chính chỉ vì ai cũng biết đích xác rằng họ không có khả năng suy nghĩ độc lập, cũng như không dám há miệng khi mà Sieyès và Barras đã cho rằng việc họ nói là quá thừa.

Chỉ còn lại có Sieyès và Barras. Sieyès, con người vang danh trong thời kỳ tiền cách mạng do viết cuốn sách nổi tiếng về Đẳng Cấp Thứ Ba[20], thì đã và đang là người đại biểu và nhà tư tưởng của giai cấp đại tư sản Pháp. Cũng như giai cấp đại tư sản, Sieyès đã bất đắc sĩ phải chịu đựng nền chuyên chính cách mạng của phái Jacobin; đã nhiệt liệt vỗ tay ngày 9 Tháng Nóng khi thấy nền chuyên chính đó bị lật đổ và khi thấy diễn ra cuộc khủng bố Tháng Đồng Cỏ đối với quần chúng lao động khởi nghĩa; cũng như giai cấp ấy, Sieyès mong mỏi trật tự tư sản được củng cố, và tuy chính bản thân Sieyès - một trong số năm viên đốc chính - đã cho rằng chế độ đốc chính hoàn toàn bất lực trước việc củng cố trật tự. Sieyès vẫn đặt tất cả hy vọng vào cuộc trở về của Bonaparte, nhưng không khỏi hiểu lầm một cách kỳ quái về cốt cách của viên tướng này. “Ta cần một thanh kiếm”. Sieyès nói như vậy, ngớ ngẩn cho rằng Bonaparte chỉ là thanh kiếm, còn y, Sieyès mới là người sáng lập chế độ mới. Ngay dưới đây chúng ta sẽ thấy những hậu quả của sự hiểu lầm đáng buồn đó (dù sao cũng chỉ riêng cho Sieyès).

Còn Barras, người ta gặp ở y một loại người khác hẳn, có một cuộc đời khác hẳn, một tính khí khác hẳn Sieyès. Chắc chắn là Barras thông minh hơn Sieyès, vì Barras không có một chút gì tỏ ra là một gã lý luận chính trị, tự cao tự mãn như Sieyès, có thể nói rằng Sieyès là con người tự phụ chứ không phải chỉ giản đơn là một kẻ ích kỷ. Liều lĩnh, dâm đãng, hoài nghi, tự do phóng mình vào những cuộc trác táng, cũng như vào tật xấu và tội lỗi, nguyên tử tước Barras, trước cách mạng là sĩ quan, trong cách mạng là người thuộc phái Núi, là một trong những kẻ chủ chốt thực hiện những thủ đoạn trong Nghị Viện, là một trong những kẻ âm mưu làm cuộc đảo chính ngày 9 Tháng Nóng, là nhà chính trị lớn của phái Tháng Nóng, là kẻ chủ mưu chính ngày 18 Tháng Quả; chỗ nào có uy quyền - chỗ mà người ta có thể chia nhau quyền hành và hưởng thụ là Barras xông đến. Nhưng khác với Talleyrand, thí dụ Barras đã biết liều mạng như hắn đã liều tổ chức cuộc tiến công chống lại Robespierre trước ngày 9 Tháng Nóng, Barras biết đánh thẳng ngay vào kẻ địch, như hắn đã đánh vào bọn Bảo Hoàng hồi Tháng Hái Nho, hoặc hai năm sau hồi Tháng Quả. Trong thời Robespierre. Barras không che giấu tư tưởng của mình để trốn tránh như Sieyès, cái kẻ mà khi bị người ta hỏi từng làm gì trong thời kỳ khủng bố đã trả lời “Tôi đã từng trải việc đời”. Barras thì lại đã tính nước liều từ lâu, Barras biết bọn Bảo Hoàng và phái Jacobin căm thù mình như thế nào, và Barras đã không tha gì cả những người Jacobin lẫn bọn bảo hoảng, vì Barras hiểu rằng nếu những người đó chiến thắng, họ cũng sẽ chẳng tha gì Barras. Nhân khi chẳng may Bonaparte từ Ai Cập trở về bình yên vô sự, Barras đã không thấy ghê tởm gì khi hắn tính đến chuyện giúp đỡ Bonaparte. Barras cũng đã thân hành đến gặp Bonaparte. Trong những ngày căng thẳng trước vụ Tháng Sương Mù, Barras đã cử đại diện đến Bonaparte để thương lượng với Bonaparte, luôn luôn xin dành cho mình một chút địa vị trong chế độ sắp tới, càng cao và càng vững vàng càng hay.

Nhưng Bonaparte lại liệt ngay Barras vào hạng người không thể dùng được. Không phải tại Barras vô dụng: Khó mà có được nhiều nhà chính trị thông minh, táo bạo, tinh tế, nhìn xa hiểu rộng, nhất là lại có địa vị cao như vậy; nếu bỏ đi thì thật rất đáng tiếc, nhưng phẩm cách cá nhân của Barras đã làm cho hắn thành con người không thể dùng được. Con người này không những đã làm cho người ta ghét mà còn làm cho người ta khinh. Những vụ ăn cắp trắng trợn, những hành động xấu xa phơi ra trước mắt mọi người; những việc làm ám muội của Barras với những tên nhà thầu và những tên đầu cơ, những trò dâm đãng miên man của hắn không ngừng diễn ra trước mắt đông đảo quần chúng đang đói khổ khủng khiếp, tất cả những điều đó đã làm cho cái tên Barras trở thành tượng trưng cho sự thối nát, sự xấu xa, sự tan rã của chế độ đốc chính.

Trái lại, Bonaparte đã chú ý nhiều đến Sieyès ngay từ buổi đầu. Thanh danh Sieyès tốt hơn, và với danh nghĩa là một vị đốc chính thì khi đứng về phái Bonaparte, Sieyès có thể khoác lên cho toàn bộ công việc một cái có thể gọi là “hình thức hợp pháp”. Napoléon tạm thời giữ gìn để Sieyès khỏi hiểu lầm, với Barras cũng vậy, và lại càng vui lòng đối đãi tử tế với Sieyès hơn vì sau khi đảo chính rồi hắn cũng còn có tác dụng trong một thời gian nào đó nữa.

Vào hồi ấy, có hai người đến yết kiến Napoléon mà người đời sau phải gắn liền tên tuổi của họ vào sự nghiệp của Napoléon: đó là Talleyrand và Fouché. Bonaparte biết Talleyrand từ lâu và coi là một tên ăn cắp, một viên chức không làm tròn nhiệm vụ, một tên cơ hội trơ tráo nhưng rất thông minh, ắt hẳn Talleyrand sẽ bán tất cả những gì mà hắn có thể bán được với điều kiện duy nhất là có người mua, Bonaparte không nghi ngờ gì điều đó cả; và Bonaparte thấy rõ hiện nay Talleyrand không bán Bonaparte cho các vị đốc chính, mà trái lại, Talleyrand sẽ bán Viện Đốc Chính cho Bonaparte, mặc dù vừa mới đây xong hắn còn là Bộ Trưởng ngoại giao của Viện Đốc Chính. Talleyrand cung cấp cho Bonaparte rất nhiều tài liệu quý báu và xúc tiến mạnh mẽ công việc. Tướng Bonaparte rất tin tưởng vào tài trí minh mẫn của nhà chính trị này, coi như một triệu chứng tốt khi Talleyrand ngỏ ý quyết tâm giúp mình. Lần này, Talleyrand thật thà và công khai làm việc cho Bonaparte.

Fouché cũng đã làm như vậy. Là Bộ Trưởng công an dưới thời Viện Đốc Chính, Fouché định tâm vẫn giữ chức đó dưới thời Bonaparte. Như Bonaparte đã biết, Fouché có một điểm rất quý là hắn rất lo cho tính mệnh hắn nếu dòng họ Bourbon trở lại. Nguyên là người phái Jacobin chủ trương khủng bố và đã biểu quyết hành hình Louis XVI, nên hình như Fouché có đủ bảo đảm không đem bán chủ mới của hắn cho bọn Bourbon. Những công việc của Fouché đã được chấp nhận. Bọn tài chủ lớn và bọn nhà thầu công khai cấp tiền cho Napoléon. Colo, chủ nhà băng, đã mang đến một lúc 500.000 francs và hình như người chủ tương lai của nước Pháp thấy rằng lúc này việc đó không có gì đáng chê trách nên ông ta đã rất vui lòng lấy số tiền ấy, vì nó sẽ rất có ích trong một công việc nguy hiểm như thế này.

Trong không khí rạo rực hầm hập của ba tuần lễ rưỡi đã trôi đi, kể từ lúc về tới Paris đến cuộc đảo chính, Bonaparte tiếp rất nhiều người và lúc này, qua câu chuyện của họ, Bonaparte đã rút ra được những nhận xét quý báu cho sau này. Hình như hầu hết mọi người (trừ Talleyrand) đều cho rằng cái anh lính thâm niên ấy, gã quân nhân xuất sắc nhưng thô bạo ấy, mới 30 tuổi đã thắng nhiều trận, đã hạ được nhiều thành quách, đã làm lu mờ tất cả các vị tướng khác, song lại chẳng am hiểu gì mấy về chính trị, về dân sự và họ đều cho rằng điều khiển Bonaparte cũng chẳng khó khăn gì. Đến lúc kết thúc màn kịch, những người hay kháo chuyện và những người giúp việc của Bonaparte đã thấy ở Bonaparte một con người khác hẳn. Vả lại. Bonaparte đã làm tất cả những gì có thể làm được nhằm làm cho người ta hiểu lầm ông ta trong những tuần lễ nguy hiểm đó. Con sư tử chẳng thèm nhe nanh, thò vuốt quá sớm. Sự giả đò nhẹ dạ, thật thà, bộp chộp, ngây ngô, thậm chí kém thông minh nữa mà Bonaparte đã tạo thành một thứ chiến thuật đang được thử thách ấy đã được sử dụng một cách rộng rãi suốt trong nửa đầu Tháng Sương Mù năm 1799 và đã thu được kết quả mĩ mãn.

Những tên nô lệ ngày mai coi người chủ tương lai của chúng như một công cụ tốt tình cờ mà có. Bọn chúng cũng chẳng giấu giếm điều đó. Còn Bonaparte thì lại biết rằng những ngày cuối cùng đang trôi qua và trong những ngày này những kẻ ấy vẫn còn có thể nói chuyện ngang hàng với mình; Bonaparte cũng còn biết rằng cứ để cho chúng tin như vậy là một điều quan trọng đến mức nào. Nhưng, cũng như bất cứ bao giờ, trong việc này, Bonaparte vẫn là người chỉ huy trưởng, đưa ra những huấn lệnh để chỉ đạo cái kế hoạch đã được tiến hành.

Trong những tuần lễ chuẩn bị đó, Bonaparte xử sự khôn khéo, tài tình đến nỗi không những quân đội, mà cả thợ thuyền vùng ngoại ô lúc đầu cũng tưởng rằng cái việc đã rồi đó là một cuộc đảo chính của phe tả cứu nền Cộng Hòa khỏi tay bọn Bảo Hoàng. “Đó là vị tướng của Tháng Hái Nho, người đã trở về để cứu nền Cộng Hòa!”. Người ta đồn đại như vậy (và đó cũng là cái chuyện mà Bonaparte tìm cách đặt ra) trước và sau cuộc đảo chính.

Cuộc đảo chính này đã mang lại cho Bonaparte uy quyền tuyệt đối và thường được gọi tắt là ngày 18 Tháng Sương Mù (ngày 9 tháng 11) mặc dù nó chỉ mới bắt đầu từ ngày 18 và hành động quyết định lại xảy ra ngày hôm sau, tức là ngày 10 tháng 11 năm 1799.

Công việc tiến hành cực kỳ thuận lợi không những chỉ vì có hai viên đốc chính (Sieyès và Roger Ducos) và vị thứ tư (Moulin) đã bị Fouché - con người vô cùng gian ngoan và xảo quyệt, định tâm nhân cuộc đảo chính này giành lấy ghế Bộ Trưởng công an - lừa phỉnh và gạt gẫm (có lẽ việc này không có). Chỉ còn lại Barras, tự đắc cho rằng người ta sẽ chẳng làm được việc gì nếu không có mình và giữ thái độ chờ đợi. Ở Hạ Nghị Viện và Thượng Nghị Viện, nhiều nghị sĩ có thế lực đã đánh hơi thấy âm mưu này và cũng có thể một vài người đã biết rõ; nhiều người khác chỉ biết lơ mơ, nhưng có thiện cảm, vì họ cho rằng rốt cuộc đây chẳng qua chỉ là một sự thay đổi nhân vật mà thôi.

3

Mãi đến hôm trước ngày 18 Tháng Sương Mù mới dứt khoát phân công cụ thể. Sáu giờ sáng hôm đó, trong nhà Bonaparte và ở các phố xung quanh đấy, các tướng lĩnh và sĩ quan bắt đầu đến chật ních. Lúc đó quân bảo vệ Paris có 7.000 người, Bonaparte hoàn toàn tin cậy vào đội quân đó, và chừng 1.500 binh lính chịu trách nhiệm bảo vệ Viện Đốc Chính và hai viện lập pháp là Hạ Nghị Viện và Thượng Nghị Viện. Không cần đặt ra giả thuyết rằng đội quân đó sẽ cầm vũ khí chống lại Bonaparte. Tuy vậy, điều tối quan trọng là ngay từ lúc đầu đã cần phải che giấu thực chất của việc này, và không để cánh “Jacobin”, tức là cánh tả của Hạ Nghị Viện đến phút quyết định có thể kêu gọi binh lính đứng lên “bảo vệ nền Cộng Hòa”. Như vậy là mọi việc đều đã được bố trí đến nỗi tưởng như chính hai viện lập pháp đã mời Bonaparte lên nắm chính quyền. Tảng sáng ngày 18 Tháng Sương Mù, sau khi tập hợp quanh mình các tướng lĩnh đặc biệt tin cẩn (Murat và Leclerc, cả hai đều là em rể của Bonaparte, Bernadotte, MacDonald và vài người khác) và một số sĩ quan được Bonaparte mời đến, Bonaparte đã báo cho họ biết là đã đến ngày cần phải “cứu lấy nền Cộng Hòa”. Các tướng lĩnh và sĩ quan đều cam đoan chịu trách nhiệm hoàn toàn về quân lính của họ. Xung quanh nhà Bonaparte, quân lính của họ đã xếp thành hàng ngũ chỉnh tề. Bonaparte đợi cái đạo luật mà bạn bè và một số tay chân của Bonaparte vừa bức Thượng Nghị Viện, được cấp tốc triệu tập từ sáng, phải biểu quyết.

Trong phiên họp của Thượng Nghị Viện, bao gồm phần lớn những đại biểu của tầng lớp trung và đại tư sản, một tên Corné nào đó, một kẻ hết lòng sùng bái Bonaparte, đã công bố sự phát hiện được “một âm mưu ghê gớm của bọn khủng bố”: “Nền Cộng Hòa và bộ xương của nó sẽ rơi vào tay lũ cú vọ và chúng sẽ tranh giành xâu xé những chân tay trơ xương”, những câu ấy, lờ mờ, trống rỗng và huênh hoang, không phát hiện được điểm gì cụ thể, không chỉ tên ai, đã đưa đến việc đề nghị Thượng Nghị Viện ra ngay một đạo luật quyết định Thượng Nghị Viện cũng như Hạ Nghị Viện (mà người ta cũng không cần hỏi ý kiến) phải di chuyển đến Saint Cloud, và nhiệm vụ trấn áp cái “âm mưu ghê gớm” đó được giao cho tướng Bonaparte, tổng chỉ huy tất cả các lực lượng vũ trang của thủ đô và các vùng lân cận.

Đạo luật ấy được những người biết rõ mục đích của nó cũng như những người đến lúc ấy mới biết, biểu quyết một cách vội vã. Không một ai dám chống lại. Đạo luật được tức khắc chuyển đến tay Bonaparte. Tại sao Bonaparte lại cần phải chuyển hai viện lập pháp đến Saint Cloud trước rồi mới bóp chết chúng sau? Trong trường hợp này, phải kể đến những ký ức và những ấn tượng, di sản những năm cách mạng vĩ đại. Trong trí tưởng tưởng của lớp người ấy, những phút kinh khủng, tuy nay đã xa song vẫn còn rõ nét, những phút mà đông đảo quần chúng nhân dân ngoại ô, dù đứng trước bất cứ một bạo lực nào cũng đều chống lại ngay; những phút mà từ miệng các nghị sĩ bị đe dọa giải tán còn ngân vang câu nói sau đây: “Về bảo với chúa của ông rằng bọn tôi ở đây là tuân theo ý chí của nhân dân và bọn tôi sẽ chỉ ra khỏi nơi đây bằng sức mạnh của lưỡi lê”[21]. Ngày 23-6-1789, vua Pháp Louis XVI đối phó quyết liệt: Y triệu tập hội nghị, hăm dọa và tuyên bố hủy bỏ tất cả những quyết nghị của Quốc Hội, rồi ra lệnh cho các đại biểu họp riêng theo đẳng cấp. Tăng lữ và quý tộc theo lệnh Đẳng Cấp Thứ Ba vẫn ngồi yên tại chỗ. Một viên quan đến nhắc lại lệnh nhà vua. Đại biểu của giai cấp tư sản bấy giờ là Mirabeau đã thét lên câu nói nổi tiếng kể trên. Một đại biểu khác là Sieyès đề nghị: “Vào chương trình nghị sự đi thôi”. Thế là Quốc Hội lại tiếp tục làm việc, trước sự bất lực của nhà vua. Ông chúa đã không dám dùng tới lưỡi lê, và chính những lưỡi lê ấy đã quay lại phá ngục Bastille. Người ta cũng còn nhớ nhân dân đã làm thế nào để kết liễu một chính thể quân chủ già cỗi 1.500 năm, để đè bẹp bọn Girondin, và lần cuối cùng, vào Tháng Đồng Cỏ năm 1795, nhân dân đã làm như thế nào khi bêu đầu một uỷ viên Hội Nghị Quốc Ước Tháng Nóng trên một ngọn giáo và giơ lên cho những kẻ còn lại trong Hội Nghị Quốc Ước xem, khiến người họ lạnh toát đi vì khiếp sợ.

Dù có tự tin đến đâu, Bonaparte cũng thấy rằng làm ở Paris những điều mà Bonaparte định làm ắt sẽ nguy hiểm, chứ không như làm ở một thị trấn nhỏ, nơi chỉ có cái biệt thự ngoại ô của vua chúa Pháp là trụ sở duy nhất quan trọng. Công việc đã được tiến hành đúng như ý Bonaparte mong muốn: Cái mã ngoài hợp pháp được tôn trọng, và chiểu theo đạo luật, Bonaparte tuyên bố cho quân đội biết là từ nay trở đi họ thuộc quyền chỉ huy của ông ta và họ phải “hộ tống” hai viện đi đến Saint Cloud.

Trước hết, Bonaparte đưa quân đội đến Tuileries, nơi Thượng Nghị Viện đương họp, cho bao vây xung quanh rồi vào phòng họp cùng với một số sĩ quan hầu cận. Trước đây cũng như về sau này, không bao giờ Bonaparte có tài nói trước công chúng, trừ trước binh lính, nên Bonaparte đã tuyên bố vài câu rời rạc như sau: “Chúng ta muốn có một nền Cộng Hòa xây dựng trên tự do, bình đẳng, trên những nguyên tắc thiêng liêng của quốc dân đại biểu. Chúng ta sẽ có, tôi xin cam đoan như vậy!”. Nhưng, bây giờ cũng chẳng cần đến tác dụng của tài hùng biện nữa. Tài hùng biện trong chốn nghị trường trước kia đã từng giữ một vai trò to lớn trong nước Pháp cách mạng từ nay sẽ vĩnh viễn im hơi lặng tiếng.

Sau đó ra phố, Bonaparte đã thấy quân tiền vệ của ông ta, và họ hoan hô ầm ĩ. Lúc này một chuyện bất ngờ đã xảy ra. Một gã botto nào đó do Barras phái đi đang tiến đến gần Napoléon, lúc này Barras rất lo lắng vì chưa thấy Napoléon cho gọi mình. Vừa chợt thấy botto, Bonaparte đã la mắng tới tấp, nhưng thực ra là để mắng Viện Đốc Chính: “Các người đã làm được gì cho cái nước Pháp vô cùng huy hoàng mà ta đã để lại cho các người, ta để lại cho các người hòa bình, thì nay ta gặp lại chiến tranh! Ta để lại cho các người chiến thắng, thì nay ta gặp phải những cảnh rủi ro! Ta để lại cho các người hàng triệu francs vàng của nước Ý thì nay đâu đâu ta cũng gặp lại những luật lệ cưỡng đoạt và sự cùng khổ! Các người đã làm gì cho hàng chục vạn quân Pháp mà ta từng biết rõ họ, họ là những bạn chiến thắng của ta? Họ đã chết cả rồi!”. Sau đó, Bonaparte nhắc lại là ông ta muốn nền Cộng Hòa được xây dựng trên những cơ sở của “quyền bình đẳng, đạo đức, quyền tự do công dân và quyền tự do chính trị”.

Viện Đốc Chính, cơ quan chấp chính tối cao của nền Cộng Hòa, đã bị thủ tiêu không một chút khó khăn, và cũng chẳng cần phải bắn giết hay bắt bớ một ai: Sieyès và Roger Ducos thì đã nằm trong âm mưu, Gohier và Moulin, thấy tất cả đều tan vỡ, đã đi theo binh lính đến Saint Cloud. Còn lại Barras “để thuyết phục” y làm ngay đơn xin từ chức. Biết rằng Bonaparte quyết định không dùng mình. Barras đã làm ngay điều người ta yêu cầu. Vừa ngỏ ý muốn rút lui đời hoạt động chính trị để trở về quê hương sống ẩn dật và bình thản ở nơi thôn dã, lập tức Barras được kỵ binh cận vệ hộ tống về nơi ở mới. Thế là con người trước đây từng lừa dối mọi người, nay đột nhiên đến lượt mình bị lừa dối, đã vĩnh viễn biến khỏi vũ đài chính trị. Như vậy là Viện Đốc Chính đã hoàn toàn bị thủ tiêu. Chiều ngày 18 Tháng Sương Mù, các uỷ viên phụ trách quản trị hành chính của hai viện đều có mặt ở Saint Cloud. Bây giờ còn phải thanh toán nốt hai viện này. Mặc dù hai viện đã bị pháo binh, kỵ binh cận vệ của Bonaparte bao vây chặt chẽ, đã hoàn toàn trong tay Bonaparte, nhưng Bonaparte vẫn muốn làm thế nào để bản thân hai viện tự nhận thấy mình bất lực, tuyên bố tự giải tán và giao lại quyền hành cho Bonaparte. Ý muốn thực hiện những kế hoạch của mình dưới những hình thức ít nhiều có tính chất hợp pháp, nói chung không phải là đặc điểm của Napoléon. Nhưng lần đó, nếu như ngay từ đầu mà Napoléon công bố thẳng với binh lính cái kế hoạch thủ tiêu hiến pháp bằng bạo lực thì làm sao có thể bảo đảm tuyệt đối được rằng trong binh lính không có những người hoang mang, do dự. Vậy thì, cũng là để công việc tiến hành thuận lợi và nhanh chóng hơn, không nên dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Nhưng nếu làm như thế không được thì chỉ khi đó mới dùng đến lưỡi lê. 30.000 quân trong số những bạn chiến đấu của Bonaparte hiện còn đang ở Ai Cập, bận làm nhiệm vụ chiếm đóng đất nước ấy. Binh lính trước kia đã tham dự chiến dịch nước Ý chưa có đủ mặt. Cũng cần phải đếm xỉa đến số người chưa hề biết còn người Bonaparte và Bonaparte cũng chẳng hề biết họ.

Lệnh phân tán quân đội đóng rải từ Paris đến Saint Cloud của Bonaparte được truyền ra và chấp hành ngay từ sáng sớm. Dân Paris tò mò theo dõi sự di chuyển của các tiểu đoàn, đoàn xe và đoàn người đi bộ dài dằng dặc từ thủ đô đến Saint Cloud. Về thái độ của thợ thuyền ở các vùng ngoại ô thì người ta kể lại rằng: Họ vẫn làm việc như thường lệ và người ta không nhận thấy một dấu hiệu xao xuyến gì cả. Trong những khu trung tâm, thỉnh thoảng vang lên tiếng hô: “Bonaparte muôn năm”, nhưng dân chúng nói chung giữ thái độ chờ đợi. Ngày 18, rất nhiều nghị sĩ chưa có mặt ở Saint Cloud, số đông đã để đến ngày 19 mới tới, ngày quy định cho phiên họp thứ nhất.

Sáng sớm ngày thứ hai và là ngày cuối cùng của cuộc đảo chính, tướng Bonaparte có khá nhiều mối lo âu quan trọng. Đúng chiều ngày 18 Tháng Sương Mù, hai trong ba cơ quan tối cao của chế độ Cộng Hòa đã bị thủ tiêu; Viện Đốc Chính không còn nữa. Thượng Nghị Viện đã chịu khuất phục và sẵn sàng xin tự giải tán. Nhưng còn phải thủ tiêu nốt viện dân biểu, tức Hạ Nghị Viện. Và trong Hạ Nghị Viện có chừng 200 ghế thuộc phái Jacobin, hội viên của “Hội Những Người Bạn Của Tự Do Và Bình Đẳng” đã bị Sieyès giải tán. Thật ra, có một số hội viên đã sẵn sàng bán mình vì quyền lợi hoặc sẵn sàng đầu hàng vì sợ hãi, nhưng ở đó cũng còn có nhiều người tỏ ra có phẩm chất khác, đó là những người sống sót sau những trận bão táp lớn của cách mạng, những người đã coi việc chiếm ngục Bastille, việc lật đổ chế độ quân chủ, việc đấu tranh chống bọn phản bội, khẩu hiệu “tự do, bình đẳng hay là chết” không phải là những danh từ vô nghĩa. Có những người coi thường tính mạng mình cũng như tính mạng của người khác và họ nói rằng nếu có thể được, cần phải giết bọn bạo chúa bằng máy chém, nếu không thì cũng bằng lưỡi dao găm của Brutus[22].

Suốt ngày 18 Tháng Sương Mù, có nhiều cuộc hội họp bí mật của cánh tả (phái Jacobin) nhưng họ không biết phải làm gì. Lũ tay sai của Bonaparte, cũng có cả những tên mật thám, đã chui được vào trong hàng ngũ của phái này, luôn luôn làm cho họ bị lạc hướng, chúng quả quyết rằng đó không phải chỉ là những phương pháp nhằm đánh tan nguy cơ Bảo Hoàng. Những người Jacobin đã nghe chúng và chỉ còn biết tin lời chúng là thật. Sáng ngày 19 Tháng Sương Mù, khi họ đến họp ở lâu đài Saint Cloud thì hàng ngũ của họ rối loạn. Nhưng có một số người đã mỗi lúc một phẫn nộ sôi sục thêm.

Sáng hôm ấy, Bonaparte trên xe bỏ mui từ Paris đến Saint Cloud cùng với những người thân cận, có kỵ binh hộ vệ. Vừa tới nơi, Bonaparte đã biết là trong Hạ Nghị Viện có nhiều người công phẫn ra mặt khi thấy binh lính tập trung vây quanh lâu đài, và họ giận dữ phản đối, coi việc di chuyển hai viện tới cái “làng” Saint Cloud này là phi lý và họ không thể hiểu được, họ nói thẳng ra rằng bây giờ họ đã biết rõ ý đồ của Bonaparte. Người ta kể lại rằng, họ cho Bonaparte là kẻ gian hùng, chuyên quyền và thường thường họ gọi là tên ăn cướp. Lúc đầu Bonaparte hơi nao núng, nhưng sau khi đi duyệt đội ngũ thì ông ta lấy làm mãn nguyện.

Vào hồi một giờ chiều, hai viện khai hội ở hai phòng khác nhau. Bonaparte và các bạn của ông ta ngồi ở phòng bên chờ đợi hai viện biểu quyết đạo luật giao cho tướng Bonaparte thảo bản hiến pháp mới, sau đó hai viện mới giải tán. Nhưng hàng giờ đã trôi qua, bản thân Hạ Nghị Viện vẫn không quyết định được gì, và trong tình trạng bối rối, viện cũng đã biểu lộ ý muốn - tuy rằng chậm chễ và e dè - chống lại những mưu toan bất hợp pháp ấy.

Bóng chiều tháng 11 đã đổ xuống. Bonaparte phải quyết định hành động ngay tức khắc, nếu không công cuộc sẽ bị thất bại. Lúc bốn giờ chiều, Bonaparte thình lình vào phòng họp của Hạ Nghị Viện. Trong không khí im lặng như chết, Bonaparte diễn thuyết, ý tứ lời lẽ còn rối rắm và rời rạc hơn cả ngày hôm trước. Đại để Bonaparte yêu cầu Hạ Nghị Viện phải có những quyết định mau lẹ, và ông ta đến đây để giúp Hạ Nghị Viện thoát khỏi những nguy cơ đang treo trên đầu họ, rồi Bonaparte nói thêm: “Người ta đã vu khống tôi quá nhiều, người ta nói đến Caesar, người ta nói đến Cromwell[23]”, trong khi ấy thì trái lại, Bonaparte muốn cứu vãn tự do, trong lúc đã không còn chính phủ nữa. “Tôi đâu phải là một tên quỷ quyệt; các ngài đã biết tôi... Nếu tôi là một tên gian hùng thì xin mời tất cả các ngài hãy là Brutus”. Rồi Bonaparte mời các đại biểu cứ cầm dao găm đâm chết ông ta nếu ông ta mưu hại đến nền Cộng Hòa. Người ta trả lời Bonaparte bằng những tiếng la ó ầm ĩ. Và sau khi phun ra những lời dọa nạt, sực nhớ ra mình có lực lượng vũ trang, Bonaparte bèn ra khỏi phòng họp của Hạ Nghị Viện, không thu được điều mong muốn, tức là đạo luật trao quyền hành cho ông ta. Tình hình công việc có vẻ xấu và có thể trở nên rất xấu: Bonaparte phải làm cho ra chuyện với Hạ Nghị Viện, và ắt hẳn là trong cánh tả Jacobin sẽ xuất hiện một tay thực sự cùng cỡ với Brutus.

Bonaparte đem theo một nhóm lính cận vệ. Nhưng số lính này ít quá, không thể đẩy lùi được số đông người nhất tề xông vào đánh Bonaparte, điều này rất có thể xảy ra lắm. Trong số những người khác nữa, Bonaparte mang theo cả tướng Augereau là người dưới quyền chỉ huy của ông ta trong thời gian xâm chiếm nước Ý. Khi đi đến phòng họp, Bonaparte ngoảnh về phía Augereau nói rằng: “Augereau, hãy nhớ đến trận Arcole”. Bonaparte nhớ đến phút kinh khủng đó, phút mà Bonaparte lao mình dưới làn mưa đạn của quân Áo để chiếm cầu.

Và thực ra, một phút tương tự như thế đang tiến gần. Bonaparte mở cửa và bước lên ngưỡng. Những tiếng la hét dữ dội, điên giận nổi lên ầm ầm để tiếp Bonaparte: “Đả đảo tên tướng cướp! Đả đảo tên bạo ngược! Cho ra ngoài pháp luật! Cho ra ngoài pháp luật ngay lập tức!”.

Một nhóm đại biểu sấn sổ tới Bonaparte, nhiều bàn tay vung tới Bonaparte, người nắm cổ áo, người tìm cách túm lấy cổ Bonaparte. Một đại biểu lấy hết sức giáng một quả đấm vào vai Bonaparte. Bonaparte chẳng hề trội hơn ai về mặt thể lực, vóc người gầy gò bé nhỏ, dễ bị kích động, thỉnh thoảng lại như bị ngất, bị các vị dân biểu đang thịnh nộ làm cho gần như tắc thở. Vài người lính cận vệ cố xông được đến bao xung quanh mình Bonaparte, nhưng lúc ấy ông ta đã bị tơi bời; họ đưa được ông ta ra khỏi phòng họp. Các đại biểu căm phẫn trở về chỗ, vừa la hét giận dữ đòi biểu quyết kiến nghị đưa tướng Bonaparte ra ngoài pháp luật.

Hinh 05

Hôm đó, Hạ Nghị Viện do Lucien Bonaparte, em Napoléon, chủ toạ và Lucien Bonaparte cũng là kẻ tham gia âm mưu. Hoàn cảnh đó đã giúp một cách đắc lực cho công việc của Bonaparte thắng lợi. Lấy lại tinh thần và sau khi màn kịch kinh khủng đó xảy ra, Bonaparte dứt khoát quyết định quét sạch Hạ Nghị Viện bằng vũ lực, nhưng trước hết phải đưa bằng được Lucien ra khỏi phòng họp. Napoléon đã làm việc này chẳng khó khăn gì lắm.

Khi Lucien đến được với Napoléon, Napoléon bảo Lucien đi hô hào quân sĩ, tuyên bố với họ rằng tính mạng chủ soái của họ đang nguy khốn và kêu gọi họ hãy giải phóng cho tuyệt đại đa số hạ nghị sĩ “khỏi tay một nhóm cuồng dại”. Thế là, nếu trong binh sĩ còn có chút nghi ngờ cuối cùng gì về tính chất bất hợp pháp của việc thủ tiêu Quốc Hội bằng vũ lực thì nay đã hết. Một hồi trống vang lên, và lính cận vệ, do Murat chỉ huy, xông vào chiếm lấy cung điện.

Theo lời những người được chứng kiến thì trong khi tiếng trống trận liên hồi thúc giục xung phong người ta nghe thấy trong số nghị sĩ có tiếng gọi kháng cự và chết tại chỗ. Cửa mở, lính cận vệ, lưỡi lê chĩa thẳng, ùa vào phòng, nhanh chóng tản ra khắp chỗ, quét sạch trong nháy mắt. Trống vẫn đổ liên hồi át tất cả mọi thứ tiếng. Các vị đại biểu bỏ trốn hết, người chạy qua cửa, người thì mở hoặc phá cửa để nhảy ra sân. Tấn kịch diễn ra chỉ từ ba đến năm phút. Lệnh truyền ra là không được giết hoặc bắt các vị đại biểu. Khi đã chạy thoát ra ngoài, các đại biểu của Hạ Nghị Viện thấy mình đứng ở giữa quân đội đang vây quanh bốn bề cung điện, át cả tiếng trống, tiếng hét ầm ầm như sấm của Murat truyền xuống cho đội cận vệ: “Tống cổ tất cả bọn này ra ngoài kia”. Những tiếng ấy đã vang đến tai các đại biểu. Qua những cuốn “Ký ức” của họ, chúng ta được biết rằng một số lớn trong các vị đại biểu đã suốt đời không thể quên được câu nói đó.

Một ý kiến, có lẽ do Lucien gợi, đã đến trong óc Bonaparte. Binh lính bỗng nhiên nhận được lệnh tóm bắt lấy ít người trong số các đại biểu đang chạy trốn khắp tứ phía và dẫn họ về cung điện; sau đó Bonaparte quyết định cùng với các đại biểu bị bắt mở một “phiên họp của Hạ Nghị Viện”, Bonaparte ra lệnh cho họ phải biểu quyết thông qua đạo luật thành lập chế độ Tổng Tài. Một số trong bọn họ, được thu nhặt ở trên đường hoặc ở các hàng quán và được đưa về cung điện, run cầm cập vì sợ, vì mưa, vì rét, đã làm ngay tất cả những gì mà người ta yêu sách. Cuối cùng người ta thả họ ra, sau khi họ đã biểu quyết tự giải tán.

Buổi tối, tại một căn buồng lờ mờ trong điện Saint Cloud, Thượng Nghị Viện, không cần bàn cãi, đã ra một đạo luật trao quyền tối cao của nền Cộng Hòa cho ba người, gọi là các Tổng Tài. Bonaparte, Sieyès và Roger Ducos được chỉ định vào những chức vụ đó, vì Bonaparte nhận thấy rằng: Vào lúc này mà đã giành ngay chức chủ tể duy nhất là không hợp thời, nhưng Bonaparte đã quyết định trước là sẽ biến chức Tổng Tài của mình thành một nền chuyên chính thật đúng với nghĩa của nó. Bonaparte cũng biết hai viên đồng sự của mình sẽ không đóng vai trò gì đáng kể và sự khác nhau duy nhất giữa hai người đó là Ducos, con người kém tế nhị, ngay bây giờ cũng biết rõ là như vậy, còn Sieyès, con người sâu sắc, kín đáo, hiện còn chưa biết gì về điều đó, nhưng chẳng bao lâu rồi cũng sẽ nhận ra được. Nước Pháp đã nằm dưới chân Bonaparte. Hai giờ sáng, ba vị Tổng Tài làm lễ tuyên thệ trung thành với nền Cộng Hòa. Đêm khuya, Bonaparte lên xe rời Saint Cloud, có Bourrienne đi cùng. Bonaparte trầm lặng và về đến tận Paris mới nói một vài lời.