Dạ Khúc: Năm Câu Chuyện Về Âm Nhạc Và Đêm Buông

Dạ Khúc

Cho đến hai ngày trước, Lindy Gardner vẫn còn là láng giềng sát vách tôi. Được rồi, anh hẳn đang nghĩ, nếu Lindy Gardner là láng giềng tôi, vậy có nghĩa là tôi sống ở Beverly Hills; một nhà sản xuất phim, có lẽ, hoặc diễn viên hay nhạc sĩ cũng nên. Thực tế là, tôi cũng chơi nhạc như ai. Nhưng dù tôi có chơi sau lưng một hai tên tuổi chắc anh có biết tiếng, tôi vẫn không thuộc giới mà anh gọi là đẳng cao. Ông bầu của tôi, Bradley Stevenson, một người bạn tốt theo kiểu của mình trong nhiều năm, cứ nhấn mạnh là tôi có triển vọng gia nhập đẳng cao lắm. Không phải chỉ đẳng cao kiểu thời vụ, mà là đẳng cao đứng tên chương trình hẳn hoi. Không phải ngày nay không còn nhạc công saxophone nào đứng tên chương trình nữa, ông nói, và lặp lại danh sách quen thuộc. Marcus Lightfoot. Silvio Tarrentini. Họ đều chơi jazz cả, tôi nhắc nhở. “Thế cậu không chơi jazz thì chơi cái gì?” ông nói. Nhưng chỉ trong những giấc mơ sâu kín nhất tôi mới còn chơi jazz mà thôi. Trong thế giới thực - lúc không phải quấn băng kín mặt như bây giờ - tôi chỉ là một cây tennor mùa vụ, phục vụ mức độ phải chăng cho các studio, hay khi ban nhạc nào đó khuyết một vị trí cố định. Nếu họ đòi nhạc pop, ừ thì chơi pop. Hoặc R&B ư, được ngay. Quảng cáo xe hơi, nhạc dạo talk show, tôi làm tất. Bây giờ tôi chỉ còn chơi jazz khi ở trong căn buồng con của riêng mình.

 

Tôi thích chơi trong phòng khách hơn, nhưng cái căn hộ được xây rẻ mạt này, hàng xóm láng giềng sẽ lên tiếng càu nhàu từ đầu đến cuối tầng. Thế nên tôi đã chọn biến buồng nhỏ nhất trong nhà thành phòng tập. Nó không hơn một buồng để chổi là mấy - anh có thể nhét một cái ghế tựa vào và thế là hết - nhưng tôi đã trang bị cách âm bằng xốp và hộp đựng trứng và những xập phong bì dày bỏ đi mà bầu Bradley lấy của văn phòng đem cho. Helen, vợ tôi, hồi còn sống với tôi, cô ấy thường thấy tôi xách cây kèn vào đó và sẽ cười mà bảo cứ như tôi đi vào toa lét, và đôi lúc tôi cũng cảm thấy như vậy. Nói vậy nghĩa là, cũng như tôi ngồi giữa bốn bức tường tối mờ, bí hơi để chăm sóc một nhu cầu cá nhân không ai khác buồn để tâm đến.

 

Đến khúc này thì anh đã đoán ra Lindy Gardner không bao giờ sống kế căn hộ tôi đang miêu tả. Bà cũng không nằm trong số láng giềng vẫn đến đập cửa phòng mỗi lần tôi dám chơi bên ngoài căn buồng con. Khi tôi nói bà là láng giềng của tôi, ý tôi muốn nói một nghĩa khác, và tôi sẽ giải thích bây giờ đây.

 

Cho đến hai ngày trước, Lindy còn ở phòng kế bên trong cái khách sạn hoa lệ này, và cũng như tôi, mang khuôn mặt quấn kín băng. Lindy, dĩ nhiên, có một ngôi nhà lớn tiện nghi gần đây, và có người ở, nên bác sĩ Boris cho bà về. Thực tế thì, nếu xét theo khía cạnh thuần y học, bà đã có thể về từ lâu rồi, nhưng hiển nhiên còn nhiều yếu tố khác. Thứ nhất là, khi đã về nhà bà sẽ không dễ lẩn tránh máy quay và các tay nhà báo thóc mách. Thêm nữa, cảm tưởng của tôi là danh tiếng lẫy lừng của bác sĩ Boris xây dựng trên những nền tảng không hoàn toàn hợp pháp, và đấy là vì sao ông giấu các bệnh nhân ở tít trên cái tầng ai lên cũng phải thì thào này, cách ly khỏi mọi nhân viên và khách nghỉ thông thường, lại căn dặn chỉ được rời khỏi phòng khi tuyệt đối cần thiết. Nếu có thể nhìn xuyên qua lớp vải quấn, anh sẽ đếm thấy sao ở đây trong một tuần nhiều hơn trong một tháng ở khách sạn Chateau Marmont.

 

Vậy thế nào mà một kẻ như tôi lại có mặt ở đây giữa các minh tinh và triệu phú thế này, đợi khuôn mặt biến đổi dưới tay bậc thầy xịn nhất ngành? Tôi nghĩ mọi chuyện bắt đầu từ ông bầu của tôi, Bradley, mà bản thân cũng không phải đẳng cao gì lắm, và trông cũng không giống George Clooney hơn tôi. Ông nói chuyện đó lần đầu mấy năm trước, theo kiểu đùa cợt, rồi có vẻ càng lúc càng nghiêm túc mỗi lần nhắc lại. Phát biểu của ông, nói gọn lại, là tôi xấu. Và đấy chính là cái đã cản trở tôi tiến lên đẳng cao.

 

“Nhìn Marcus Lightfoot xem,” ông nói. “Nhìn Kris Bugoski nữa. Hay là Tarrentini. Trong số họ có ai có được cái thần thái trong tiếng kèn của cậu không? Không hề. Họ có được nét dịu dàng của cậu? Tầm nhìn của cậu? Họ có được bằng nửa kỹ thuật của cậu? Không hề. Nhưng họ có cái mặt, nên cửa nào cũng mở cho họ.”

 

“Thế Billy Fogel thì sao?” tôi hỏi. “Ông ấy xấu như ma nhưng vẫn thành công tốt.”

 

“Billy xấu, đồng ý. Nhưng ông ta xấu kiểu sexy, xấu kiểu găng tơ. Còn cậu, Steve, cậu thì… Hừm, cậu xấu kiểu tẻ nhạt, hãm tài. Xấu như thế không ăn tiền. Nghe này, đã bao giờ cậu nghĩ đến chuyện sửa sang một chút chưa? Giải phẫu ấy, ý tôi là thế?”

 

Tôi về nhà kể lại từ đầu đến cuối cho Helen vì tôi nghĩ cô ấy cũng sẽ thấy buồn cười như tôi. Và lúc đầu, tất nhiên, chúng tôi cười nhạo Bradley bằng thích. Rồi Helen đến gần, quàng tay ôm tôi và nói rằng, ít nhất với cô, tôi là anh chàng điển trai nhất thế giới. Rồi cô hơi lùi lại một bước và im lặng, tôi liền hỏi cô có chuyện gì à, cô nói không có gì. Rồi cô nói rằng có lẽ, chỉ là có lẽ thôi, Bradley có ý đúng. Có lẽ tôi nên nghĩ đến chuyện sửa sang một chút.

 

“Đừng có nhìn em như thế!” cô hét trả. “Giờ ai cũng làm chuyện đó cả. Với anh, anh có một lý do nghề nghiệp. Muốn thành một tài xế bảnh bao thì phải đi mua một cái xe bảnh bao. Với anh cũng đâu khác gì!”

 

Nhưng vào thời điểm đó tôi không nghĩ thêm về chuyện này, kể cả dù tôi đã bắt đầu chấp nhận ý kiến rằng mình “xấu kiểu hãm tài”. Thứ nhất là, tôi không có tiền. Thực tế là, ngay khi Helen thốt lên câu tài xế bảnh bao, chúng tôi đang có một khoản nợ chín ngàn rưởi đô la. Như thế là rất Helen đấy. Một con người rất tốt về nhiều khía cạnh, nhưng cái khả năng quên hoàn toàn tình trạng tài chính của gia đình và mơ tưởng thêm những khoản tiêu pha mới, cái ấy thì đặc Helen.

 

Ngoài chuyện tiền nong, tôi không thích ý tưởng bị người ra đè ra mổ xẻ. Tôi không thoải mái lắm với những việc kiểu ấy. Một lần, hồi tôi mới bắt đầu quen Helen, cô ấy rủ tôi cùng chạy bộ. Đấy là một sáng mùa đông lạnh buốt, và tôi không phải là chuyên gia chạy bộ, nhưng tôi đang mê đắm Helen và mong gây ấn tượng với cô. Thế là chúng tôi chạy vòng quanh công viên, và tôi đang bắt nhịp với cô rất đều thì bỗng dưng mũi giày tôi đá phải một vật rất cứng trồi lên mặt đất. Tôi cảm thấy đau ở chân, không đến nỗi nặng lắm, nhưng khi bỏ giày và tất ra, nhìn thấy móng ngón chân cái dựng đứng trên lớp thịt như đang giơ tay chào kiểu Hitler, tôi chóng mặt ngất xỉu. Tôi là như thế. Nên anh cũng hiểu, tôi không hào hứng gì với chuyện đẽo lại mặt.

 

Thế rồi, tất nhiên, còn vấn đề nguyên tắc nữa. Được rồi, tôi đã kể với anh, tôi không phải khắt khe về tư chất nghệ thuật. Tôi chơi mọi loại xanh đỏ tím vàng để lấy tiền. Nhưng cái việc này thuộc vào một cấp độ khác, và tôi cũng còn lại một tí danh dự chứ. Bradley nói đúng một điều: tôi giỏi bằng hai hầu hết mọi kẻ trong cái mảng này. Nhưng có vẻ điều ấy ngày nay không đáng giá nhiều nữa. Bởi vì còn phải lo đến hình ảnh, đến tính thương mại, đến bìa tạp chí và chương trình truyền hình, đến tiệc tùng và những người cùng ngồi dự bữa trưa. Những thứ ấy làm tôi buồn nôn. Tôi là người làm nhạc, làm sao tôi lại phải nhập cuộc chơi ấy? Tại sao tôi không thể chỉ chơi nhạc theo cách tốt nhất tôi biết, và hoàn thiện thêm dần, dù chỉ trong căn buồng con, và có thể một ngày, có thể thôi, những người yêu âm nhạc đích thực sẽ nghe được tôi và quý trọng những gì tôi làm. Tôi cần gì phải phẫu thuật thẩm mỹ chứ?

 

Ban đầu Helen có vẻ cũng nhìn nhận như tôi, và đề tài này không được nhắc lại trong một thời gian. Thế nghĩa là, cho đến khi cô gọi đến từ Seattle nói rằng cô quyết định bỏ tôi mà dọn đến ở với Chris Prendergast, một gã cô quen từ trung học và giờ là chủ một chuỗi quán ăn phát đạt ở khắp Washington. Tôi có gặp gã Prendergast này vài lần trong suốt nhiều năm qua - thậm chí có lần gã tới nhà ăn tối - nhưng chưa bao giờ nghi ngờ gì cả. “Đấy là do cái xó cách âm của cậu,” Bradley có nhận xét. “Từ trong ra lẫn ngoài vào.” Tôi nghĩ ông có ý đúng.

 

Nhưng tôi không muốn kể lể về Helen và Prendergast mà chỉ giải thích vai trò của họ trong việc đưa tôi đến nơi đang ở hiện giờ. Chắc là anh đang nghĩ tôi lái xe lên dọc bờ biển, giáp mặt đôi chim cu, và giải phẫu thẩm mỹ trở thành lựa chọn bất khả kháng sau một màn đấu khẩu hùng dũng với tình địch. Lãng mạn lắm, nhưng không, chuyện không phải như thế.

 

Chuyện là, khoảng vài tuần sau khi gọi điện, Helen trở lại căn hộ sắp xếp đồ đạc để chuyển đi. Trông cô khá buồn khi đi vòng quanh căn nhà - nơi, ít nhất, chúng tôi cũng đã có những giờ khắc hạnh phúc. Tôi cứ nghĩ cô sắp bật khóc ngay bây giờ, nhưng cô không khóc, chỉ đi quanh nhà xếp mọi thứ thành những chồng gọn gàng. Sẽ có người qua lấy trong một hai ngày nữa, cô nói. Rồi trong lúc tôi chuẩn bị vào buồng con, kèn đã cầm tay, cô ngước lên và lặng lẽ nói:

 

“Steve, xin anh. Đừng đi vào cái chỗ ấy nữa. Chúng ta cần nói chuyện.”

 

“Nói chuyện gì chứ?”

 

“Steve, vì Chúa.”

 

Thế nên tôi cất lại kèn vào bao và chúng tôi vào căn bếp nhỏ, ngồi xuống bên bàn đối diện nhau. Rồi cô trình bày cho tôi.

 

Không có chuyện cô thay đổi quyết định. Cô rất hạnh phúc với Prendergast, người cô vẫn thầm yêu trộm nhớ từ hồi đi học. Nhưng cô thấy có lỗi vì đã bỏ tôi, nhất là tại thời điểm khi sự nghiệp của tôi không êm đẹp lắm. Thế nên cô đã suy nghĩ kỹ và nói chuyện với anh bạn trai mới, và anh ta cũng thấy có lỗi với tôi. Xem ra là, gã ta đã nói thế này: “Thật tệ là Steve lại phải thiệt thòi vì hạnh phúc của hai đứa mình.” Thế nên đây là thỏa thuận. Prendergast sẵn sàng trả tiền cho tôi đi sửa mặt ở chỗ chuyên gia giỏi nhất trong ngành. “Thật đấy,” cô nói, khi tôi nhìn lại cô mà không phản ứng gì. “Anh ấy thành ý. Không tiếc một thứ gì. Toàn bộ phí chữa trị, phí hồi phục, mọi thứ. Bác sĩ giỏi nhất ngành.” Một khi mặt tôi đã sửa xong, sẽ không có gì cản đường tôi nữa, cô nói. Tôi sẽ tiến thẳng lên đỉnh, làm sao khác được, với tài năng như vậy?

 

“Steve, sao anh phải nhìn em như thế? Đây là một đề nghị tuyệt vời. Và Chúa mới biết sáu tháng nữa anh ấy có còn sẵn lòng như thế hay không. Nói ừ đi là anh đã làm ơn cho bản thân mình. Chỉ vài tuần khó chịu chút thôi, thế rồi đùng! Lên thẳng ngai vàng và cao hơn nữa!”

 

Mười lăm phút sau, trên đường ra, cô nói bằng giọng nghiêm khắc hơn: “Tức là anh nghĩ thế chứ gì? Nghĩ anh sẽ hạnh phúc khi cả đời chơi trong cái tủ chật chội ấy? Nghĩ anh thích thú vì được làm thằng hãm tài số một?” Và kết thúc ở đó, cô đi.

 

Ngày hôm sau tôi ghé chỗ Bradley xem ông có mối nào mới cho tôi không, và tình cờ kể chuyện vừa diễn ra, nghĩ hai chúng tôi sẽ cùng cười vì chuyện ấy. Nhưng Bradley không cười.

 

“Anh ta giàu à? Và sẵn sàng trả tiền cho cậu đến bác sĩ giỏi nhất? Có thể anh ta sẽ đưa cậu tới Crespo đấy. Hay cả Boris cũng nên.”

 

Thế là giờ thêm cả Bradley nữa, dạy bảo tôi phải nắm lấy cơ hội này, và nếu không nắm tôi sẽ chỉ là một thằng hãm tài suốt đời. Tôi ra khỏi văn phòng ông trong cơn giận dữ, nhưng ông gọi lại ngay chiều hôm đó và cứ nói lui nói tới. Nếu là việc phải gọi điện làm tôi ngại, ông nói, nếu tôi thấy tổn thương lòng tự trọng vì phải nhấc điện thoại lên mà bảo Helen, có, làm ơn, tôi đồng ý, làm ơn bảo bạn trai cô ký tờ séc to đùng ấy, nếu đấy là điều cản trở tôi, thì ông, Bradley đây, sẽ vui lòng đứng ra thương thảo đại diện cho tôi. Tôi bảo ông cắp đít mà cút đi rồi dập máy. Nhưng rồi một giờ sau ông gọi lại. Ông bảo giờ ông đã hiểu cả rồi và tôi đúng là ngốc mới không tự hiểu ra.

 

“Helen đã lên kế hoạch cẩn thận rồi. Cậu đặt mình vào vị trí cô ấy xem. Cô ấy yêu cậu. Nhưng về mặt mũi mà nói, chà, cậu khiến người ta xấu hổ khi xuất hiện bên cậu trước công chúng. Cậu không có tí gì là hấp dẫn. Cô ấy muốn cậu làm gì đó để giải quyết, nhưng cậu không chịu. Thế thì cô ấy phải làm gì? Ồ, nước tiếp theo của cô thật là thiên tài. Cực kỳ tinh tế. Là một người quản lý chuyên nghiệp tôi cũng phải thán phục. Cô ấy chạy tới gã này. Được rồi, có thể cô vẫn luôn mê gã, nhưng thật ra thì, cô không yêu gã tí nào. Cô làm cho gã phải trả tiền cho cậu sửa mặt. Một khi cậu đã lành lặn, cô sẽ trở lại, cậu lại đẹp trai, cô ấy sẽ thèm khát cơ thể cậu, cô ấy nôn nóng được xuất hiện cùng cậu tại các nhà hàng…”

 

Tôi chặn ngang lời ông để chỉ ra rằng dù qua nhiều năm tôi đã thấy ông có thể chui xuống sâu đến đâu khi cần thuyết phục tôi làm gì đó có lợi cho việc làm ăn của ông, nhưng cái tiểu xảo mới này đã xuống đến tận đáy của đáy, đến tận nơi ánh sáng không còn rọi xuống được và phân ngựa bốc hơi cũng phải đóng băng trong tích tắc. Và tiện thể nói đến phân ngựa, tôi nói ông hay mặc dù tôi hiểu là ông, do bản chất, không thể không vung vãi nó khắp nơi bất cứ khi nào có dịp, nhưng nếu muốn cái tiểu xảo có hiệu quả thì tốt hơn ông nên bịa ra cái gì ít nhất cũng có khả năng lừa phỉnh được tôi một hai phút. Rồi tôi gác máy lần nữa.

 

Trong mấy tuần sau đó, công việc trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết, và mỗi lần tôi gọi Bradley xem có gì không, ông sẽ nói gì đó kiểu như: “Khó mà giúp kẻ nào không tự giúp lấy mình.” Cuối cùng, tôi bắt đầu cân nhắc toàn bộ vấn đề dưới góc độ thực tiễn. Tôi không thể lờ đi sự thực là mình phải ăn. Và nếu chịu đựng xong chuyện này mà rốt cuộc sẽ có thêm nhiều người được nghe nhạc tôi chơi, thì đấy có phải là một kết cục quá tệ? Và còn kế hoạch tự thành lập ban nhạc riêng một ngày nào đó thì sao? Làm sao chuyện ấy có cơ hội thành sự thực đây?

 

Rốt cuộc, có lẽ khoảng sáu tuần sau khi Helen đưa ra đề nghị, tôi tiện thể nhắc qua với Bradley rằng tôi đang nghĩ lại chuyện đó. Với ông như thế là đủ. Ông khởi động, gọi điện rồi lại thỏa thuận, quát tháo ầm ĩ và vô cùng kích động. Phải nói công bằng, ông giữ đúng lời hứa: ông lãnh toàn bộ những việc trung gian khiến tôi không phải trải qua một cuộc đối thoại xấu hổ nào với Helen, chưa nói đến Prendergast. Đôi lúc Bradley còn tạo ra được ảo tưởng rằng ông đang thương thảo một mối hời cho tôi, rằng tôi mới là kẻ có gì để bán. Ngay cả thế, tôi cũng rơi vào nghi hoặc mất vài lần mỗi ngày. Khi chuyện đến, nó đến rất đột ngột. Bradley gọi điện nói bác sĩ Boris vừa hủy một lịch hẹn sát giờ và tôi phải trình diện tại một địa chỉ XYZ đúng ba giờ ba mươi chiều hôm ấy với toàn bộ hành lý. Hình như tôi đã lên một cơn chấn động cuối giờ khi đến câu này, bởi tôi còn nhớ Bradley quát tướng lên trong điện thoại bảo tôi trấn tĩnh, và bảo ông đang tự thân đến đón tôi, và rồi tôi đã được chở đi trên những con đường ngoằn ngoèo đến một tòa nhà lớn trong khu đồi Hollywood và lên bàn gây mê, cứ như một nhân vật của Raymond Chandler.

 

Vài ngày sau tôi được đưa xuống đây, trong khách sạn Beverly Hills, vào cửa sau dưới bóng đêm che giấu, và đặt trên xe đẩy dọc hành lang, trong khu độc quyền đến nỗi chúng tôi bị cắt rời khỏi toàn bộ sinh hoạt thông thường trong khách sạn.

 

 

 

 

 

Tuần đầu tiên, mặt tôi đau kinh khủng và thuốc mê còn trong máu khiến tôi váng vất muốn nôn. Tôi phải ngủ trong tư thế tựa lưng lên gối ngồi thẳng tưng, có nghĩa là chẳng ngủ được mấy, và bởi y tá kiên quyết bắt trong phòng lúc nào cũng để mờ mờ, tôi mất khái niệm về giờ giấc. Mặc dù thế, tôi cũng không thấy đến nỗi tệ. Thực tế là, tôi thấy cực kỳ phấn chấn lạc quan. Tôi đặt trọn lòng tin vào bác sĩ Boris, mà suy cho cùng các sao màn bạc đều đặt cả sự nghiệp vào tay ông. Chưa hết, tôi biết rằng với tôi ông đã hoàn thành tuyệt tác đỉnh cao của mình; rằng khi nhìn thấy khuôn mặt hãm tài của tôi, ông đã cảm thấy những tham vọng sâu kín trong mình cất tiếng gọi, và nhớ lại vì sao thuở xa xưa ông đã đi theo tiếng gọi này, nên ông dồn cả tâm huyết vào tôi. Khi lớp băng bỏ ra, tôi có thể trông chờ sẽ có một khuôn mặt được đẽo tạc lành nghề, hơi mang nét tàn bạo, nhưng đầy những sắc tinh vi. Một người danh tiếng như ông, hẳn nhiên, đã suy tính cẩn thận những yêu cầu đối với một nhạc công jazz cao cấp, và không lầm lẫn với yêu cầu đối với một gã điểm tin trên ti vi chẳng hạn. Có thể ông còn thêm thắt để tôi có cái vẻ thoáng ưu tư, kiểu như De Niro hồi trẻ, hoặc như Chet Baker trước khi bị ma túy hủy hoại. Tôi nghĩ về những an bum tôi sẽ thu, những người tôi sẽ thuê làm dàn đệm cho mình. Tôi thấy bừng bừng đắc thắng và không tin nổi đã có lúc mình do dự về chuyện này.

 

Thế rồi sang đến tuần hai, khi tác dụng của thuốc giảm đi, đến lúc tôi thấy mình suy sụp, cô đơn và rẻ mạt. Y tá của tôi, Gracie, bây giờ đã cho phép một chút ánh sáng trong phòng - dù vẫn buông rèm ít nhất một nửa - và tôi được phép đi lại trong phòng trong áo khoác mặc nhà. Thế nên tôi bật hết đĩa nhạc này đến đĩa nhạc khác trên bộ dàn Bang & Olufsen và đi vòng vòng quanh thảm, thỉnh thoảng dừng lại trước gương trên bàn trang điểm săm soi con quái vật quấn băng kỳ dị đang giương mắt nhìn lại qua khe.

 

Chính là trong giai đoạn thứ hai này Gracie lần đầu cho tôi biết Lindy Gardner ở ngay phòng bên. Giá cô nói cho tôi trong giai đoạn đầu, khi tôi còn hứng khởi, hẳn tôi đã vui sướng mà đón nhận tin ấy. Có thể tôi còn coi đó là tín hiệu đầu tiên về cuộc đời lấp lánh đang đợi sẵn phía trước. Song, vì tin ấy đến lúc này, khi tôi đã tụt xuống đáy, nó khiến tôi ghê tởm đến mức lại lên một cơn buồn nôn nữa. Nếu anh thuộc về cộng đồng hâm mộ Lindy, thì tôi xin lỗi trước vì điều sắp nói. Nhưng thực tế là, vào thời điểm ấy, nếu có kẻ nào theo tôi là hiện thân của mọi thứ nông cạn và gớm ghiếc trên đời, thì đấy là Lindy Gardner: một người với tài năng ít ỏi - được rồi, nói thẳng ra, bà ta đã chứng tỏ mình không biết diễn xuất, và còn không buồn giả vờ có khả năng âm nhạc - nhưng dù thế nào cũng đã đánh đường tới được danh tiếng, trở thành đối tượng giành giật của các hãng truyền hình và tạp chí giấy bóng không bao giờ hết thèm khát khuôn mặt tươi cười của bà ta. Đầu năm nay tôi có đi qua một hiệu sách thì thấy một hàng dài ngoằn ngoèo đằng trước và tự hỏi có phải Stephen King hay ai đó đang ở đây, nhưng rồi hóa ra chỉ là Lindy ký tặng quyển tự truyện thuê viết mới xuất bản. Và làm cách nào có được những điều này? Bằng cách thông thường, dĩ nhiên. Yêu đương hợp nơi, hôn nhân hợp người, ly dị hợp lúc. Mọi thứ dẫn đến những bìa báo hợp gu, talk show hợp mốt, rồi những món như trò gì đó của bà ta mới lên sóng gần đây, tôi không nhớ tên, chỗ bà ta khuyên bảo về việc ăn mặc thế nào cho cuộc hẹn lớn đầu tiên sau khi ly dị, hoặc phải làm gì nếu nghi ngờ chồng mình đồng tính, kiểu như thế. Anh có thể nghe người ta nói bà ta có “tố chất ngôi sao”, nhưng phép màu này cũng dễ phân tích. Đấy chỉ là phép cộng của mọi lần xuất hiện trên ti vi và bìa tạp chí, mọi tấm hình anh thấy khắp nơi chụp bà ta tại các buổi tiệc hay ra mắt phim, tay khoác tay với các tên tuổi huyền thoại. Và bây giờ bà ta ở đây, ngay sát vách, cũng như tôi đang đợi hồi phục sau một cuộc sửa sang mặt mũi với bác sĩ Boris. Không gì có thể tượng trưng tốt hơn cho cái chuyện tư cách tôi giờ đã xuống dốc đến thế nào. Một tuần trước, tôi còn là một nhạc công jazz. Giờ tôi chỉ còn là một gã hãnh tiến tuyệt vọng giữa số đông, chỉnh lại mặt mày hòng có cơ hôi bò đằng sau những Lindy Gardner của thế giới này để tới địa vị ngôi sao rỗng tuếch.

 

Mấy ngày tiếp đó, tôi cố giải khuây bằng cách đọc sách, nhưng không sao tập trung được. Dưới lớp băng, mặt tôi có chỗ đập thình thịch, chỗ khác lại ngứa điên cuồng và tôi trải qua từng đợt nóng bừng hay bức bối khó thở. Tôi mong mỏi đến lúc được chơi kèn, và ý nghĩ sẽ phải nhiều tuần nữa mới có thể bắt cơ mặt chịu áp lực đến thế khiến tôi càng tuyệt vọng hơn nữa. Cuối cùng, tôi rút ra kết luận: cách tốt nhất để qua ngày là xen kẽ giữa nghe đĩa và những đợt ngồi ngó bản nhạc - tôi đã mang theo tới đây cặp bản nhạc với hợp âm và ca từ mà tôi vẫn tập trong buồng con - và tự ngâm nga các dạng biến tấu cho mình mình nghe.

 

Đến gần cuối tuần thứ hai khi tôi bắt đầu thấy khá hơn cả về thể chất lẫn tinh thần, cô y tá đưa tôi một phong bì và cười đầy vẻ hiểu biết, bảo: “Thứ này không phải ngày nào cũng có đâu.” Trong là một trang viết từ giấy khách sạn, và vì nó đang ở ngay trước mặt tôi đây, tôi sẽ dẫn lại nguyên văn từ đó.

 

Gracie nói với tôi anh đang buồn chán cảnh sống xa hoa này. Tôi cũng thế. Anh qua thăm tôi thì sao nhỉ? Nếu anh không nghĩ năm giờ tối nay là quá sớm để uống cocktail? Ông B. cấm chất cồn, tôi đoán với anh cũng vậy. Thế nên có lẽ chỉ là nước ngọt và Perrier. Bác với chẳng sĩ! Hẹn gặp anh năm giờ, nếu không tôi sẽ đau khổ hết sức. Lindy Gardner.

 

 

 

 

 

Có lẽ là do đến lúc này tôi đã hết sức buồn chán; hoặc có thể vì tâm trạng bây giờ đã lại khá lên; hoặc là ý nghĩ có một bạn tù cùng trao đổi chuyện trò là quá hấp dẫn. Hoặc có thể tôi không hoàn toàn miễn nhiễm với cái xa hoa như tôi tưởng. Đằng nào thì, bất chấp mọi điều đã nghĩ về Lindy Gardner, khi đọc lời nhắn này, tôi cảm thấy khá phấn khích, nên liền bảo Gracie báo với Lindy tôi sẽ qua lúc năm giờ.

 

 

 

 

 

Lindy Gardner còn quấn băng nhiều hơn tôi. Tôi ít nhất cũng được chừa lại một khoảng trên đầu, ở đó tóc tua tủa ra như rặng cọ trong ốc đảo hoang mạc. Nhưng Boris đã ốp toàn bộ đầu Lindy thành một quả dừa vạch các đường vĩ tuyến, chỉ chừa kẽ hở cho mắt mũi miệng. Số phận nào đã đến với mớ tóc vàng rực rỡ ấy, tôi không biết. Tuy nhiên giọng bà không dè dặt như anh tưởng, và tôi nhận ra giọng nói thường nghe những lần bà xuất hiên trên ti vi.

 

“Thế anh thấy ở đây thế nào?” bà hỏi. Khi tôi đáp rằng cũng không đến nỗi, bà nói: “Steve. Tôi gọi anh là Steve được không? Tôi đã nghe Gracie nói nhiều về anh.”

 

“Thế à? Tôi hy vọng cô ấy bỏ qua những điểm xấu.”

 

“À, tôi cũng biết anh chơi nhạc. Và là một người rất có triển vọng.”

 

“Cô ấy bảo thế à?”

 

“Steve, anh căng thẳng thế. Tôi muốn anh thoải mái khi ngồi với tôi. Một vài người nổi tiếng, tôi biết, họ thích công chúng căng thẳng khi ở gần họ. Khiến họ càng thấy mình đặc biệt. Nhưng tôi ghét lối đó lắm. Tôi muốn anh đối xử với tôi như bè bạn bình thường của anh thôi. Anh đang nói gì nhỉ? Anh đang bảo tôi anh không thấy ở đây đáng ghét lắm.”

 

Phòng bà rộng hơn phòng tôi thấy rõ, mà đây mới chỉ là buồng khách của phòng suite. Chúng tôi đang ngồi đối mặt nhau trên bộ xô pha trắng, ở giữa là bàn cà phê thấp bằng kính mờ, qua đó nhìn thấy khối gỗ lũa to đùng đỡ bên dưới. Trên bàn để đầy tạp chí bóng lộn và một giỏ hoa quả vẫn còn bọc ni lông. Cũng như tôi, bà để máy điều hòa ở nấc cao - mặt quấn băng làm cho người rất nóng - và rèm buông thấp trên cửa chặn ánh nắng chiều. Cô phục vụ vừa mang cho tôi một cốc nước và cốc cà phê, cả hai đều bỏ ống hút bập bềnh ở trong - ở đây mọi món đồ đều phải thế - rồi ra khỏi phòng.

 

Trả lời câu hỏi của bà, tôi nói điều khó khăn nhất với tôi là không được chơi kèn.

 

“Nhưng anh hiểu vì sao Boris không cho mà,” bà nói. “Cứ tưởng tượng xem. Anh thổi cái tù và ấy một ngày trước khi lành lặn, mặt anh sẽ nổ tung bắn ra khắp phòng!”

 

Bà có vẻ thấy ý nghĩ đó khá vui, và xua xua tay về phía tôi cứ như tôi mới là người vừa dí dỏm và bà phải bảo: “Thôi đi, thật quá thể!” Tôi cũng cười theo, và hút một chút cà phê qua ống. Rồi bà bắt đầu kể về một loạt bạn vừa làm phẫu thuật gần đây, về những gì họ thuật lại, những chuyện buồn cười họ gặp phải. Bà toàn nhắc những cái tên thuộc hàng sao, nếu không cũng kết hôn với hàng sao.

 

“Thế là anh chơi saxophone,” bà nói, đột ngột chuyển chủ đề. “Quyết định đúng đấy. Đấy là một nhạc cụ tuyệt vời. Anh biết tôi nói gì với mọi nhạc công saxo trẻ không? Tôi bảo họ nên nghe những người cổ điển. Tôi biết một người, cũng mới nổi như anh, chỉ độc nghe những tay tân tiến. Wayne Shorter và các loại tương tự. Tôi bảo cậu ta, anh sẽ học được nhiều hơn từ những người cổ điển. Có thể không thật là đột phá, tôi bảo cậu ta thế, nhưng các ông ấy rành kỹ thuật. Steve, anh có phiền nếu tôi bật anh nghe một đoạn không? Để anh hiểu chính xác tôi đang nói đến cái gì?”

 

“Không, tôi không phiền. Nhưng bà Gardner…”

 

“Làm ơn. Gọi tôi là Lindy. Ở đây chúng ta ngang hàng.”

 

“Được rồi. Lindy. Tôi chỉ định nói, tôi không trẻ đến thế đâu. Thật ra là, tới sinh nhật sau là tôi đã ba chín.”

 

“Ồ thật ư? Chà, thế vẫn còn trẻ. Nhưng anh nói phải, tôi cứ nghĩ anh còn trẻ hơn nhiều. Với những mặt nạ đặc quyền Boris ban cho chúng ta thì khó mà đoán được, phải không? Theo như Gracie kể, tôi cứ nghĩ anh là một cậu trẻ mới nổi, và đoán là bố mẹ anh đã trả tiền cuộc phẫu thuật này để cho anh một khởi đầu thuận lợi. Xin lỗi tôi nhầm.”

 

“Gracie nói tôi ‘mới nổi’ à?”

 

“Đừng giận Gracie. Cô ấy nói anh chơi nhạc nên tôi hỏi tên anh. Khi tôi bảo tên này tôi không quen, cô ấy bảo ‘Đấy là vì anh này mới nổi.’ Chỉ có thế thôi. Này, nhưng nghĩ xem, anh bao nhiêu tuổi thì quan trọng gì chứ? Lúc nào anh cũng có thể học được từ những người cổ điển. Tôi muốn anh nghe cái này. Tôi nghĩ anh sẽ thấy thú vị.”

 

Bà đi lại tủ và một lúc sau giơ một chiếc CD lên. “Anh sẽ tán thưởng mà xem. Tiếng saxo ở đây thật hoàn hảo.”

 

Phòng bà cũng có một bộ dàn Bang & Olufsen như phòng tôi, và chẳng mấy chốc cả phòng đã vang lừng tiếng đàn dây ngọt lịm. Sau vài nhịp, tiếng kèn tenor uể oải, đậm chất Ben Webster nổi lên và nhanh chóng dẫn đầu dàn nhạc. Nếu không nắm rõ những thứ này, anh còn có thể tưởng đây là một trong những khúc dạo của dàn Nelson Riddle dành cho Sinatra. Nhưng giọng hát cuối cùng bắt vào lại là giọng Tony Gardner. Bài hát - mà tôi vừa nhớ ra - là một bài tên “Back at Culver City”, một bản ballad chưa bao giờ thịnh lắm và ngày nay không mấy ai chơi nữa. Suốt trong lúc Tony Gardner hát, tiếng saxophone đuổi theo ông, đối đáp ông từng câu một. Kiểu chơi này khá sáo, và quá ủy mị với tôi.

 

Tuy thế sau một lúc, tôi không để ý nhiều đến bài hát nữa vì Lindy, trước mặt tôi, rơi vào trạng thái mơ màng, đã chầm chậm nhảy theo tiếng nhạc. Những động tác của bà uyển chuyển và duyên dáng - rõ ràng ca mổ đã không ảnh hưởng đến cơ thể bà - và bà có một thân hình mảnh dẻ, cân đối. Bà đang mặc thứ gì đó nửa như áo khoác mặc nhà, nửa như váy tiệc chiều; nghĩa là nó cùng lúc hơi có vẻ bệnh viện mà vẫn xa hoa. Thêm nữa, tôi đang cố nghĩ cho ra một điều. Tôi có ấn tượng rõ ràng rằng Lindy mới đây đã ly dị Tony Gardner, nhưng với tư cách kẻ mù mờ nhất cả nước về hậu trường showbiz, tôi bắt đầu nghĩ có lẽ mình nhầm. Nếu không thì làm sao bà lại nhảy thế này, chìm đắm trong tiếng nhạc, và rõ ràng là đang thích thú?

 

Tony Gardner ngưng hát một lúc, đàn dây trội lên khi vào phần nối, và piano bắt đầu một đoạn solo. Đến lúc này, Lindy có vẻ đã trở lại mặt đất. Bà không đu đưa nữa, nhặt điều khiển tắt nhạc đi rồi quay lại ngồi xuống trước mặt tôi.

 

“Có tuyệt diệu không? Anh hiểu tôi nói gì chứ?”

 

“Phải, rất là tuyệt,” tôi đáp, không hiểu có phải câu hỏi vẫn chỉ là về saxophone hay không.

 

“Tiện thể nói thêm, anh không nghe nhầm đâu.”

 

“Nghĩa là sao?”

 

“Người hát ấy. Đúng là người anh nghĩ đấy. Không phải vì ông ấy không còn là chồng tôi nữa mà tôi không được nghe đĩa của ông ấy, phải không?”

 

“Không, tất nhiên là không.”

 

“Và tiếng kèn mới đẹp làm sao. Giờ chắc anh hiểu tại sao tôi muốn anh nghe chứ.”

 

“Phải, rất hay.”

 

“Steve, anh có đĩa nào đã thu rồi không? Ý tôi là, đĩa anh chơi ấy?”

 

“Có. Thực tình là tôi có vài đĩa CD ở ngay trong phòng.”

 

“Lần sau anh đến chơi, cưng ạ, tôi muốn anh mang chúng theo. Tôi muốn biết anh chơi thế nào. Anh hứa nhé?”

 

“Được thôi, miễn chúng không làm bà chán.”

 

“Ôi không, tôi không chán đâu. Nhưng tôi mong anh đừng nghĩ là tôi tọc mạch. Tony luôn bảo tôi quá tọc mạch, tôi nên để cho người ta yên, nhưng anh biết không, tôi nghĩ chẳng qua là ông ấy hách. Rất nhiều người nổi tiếng, họ nghĩ họ chỉ nên quan tâm đến những người nổi tiếng khác. Tôi thì chưa bao giờ như thế. Tôi nghĩ mỗi người đều có khả năng là một người bạn. Như Gracie chẳng hạn. Cô ấy là bạn tôi. Toàn bộ người làm ở nhà, họ đều là bạn tôi. Giá mà anh thấy tôi khi đi dự tiệc. Mọi người khác, họ đều nói chuyện với nhau về bộ phim mới quay hoặc cái gì đó, riêng tôi là người trò chuyện với cô nhà bếp hay anh đứng quầy. Tôi không nghĩ như thế là tọc mạch, phải không?”

 

“Không, tôi cũng không nghĩ thế là tọc mạch. Nhưng thế này, bà Gardner…”

 

“Xin gọi tôi là Lindy.”

 

“Lindy. Thế này, ngồi với bà chiều nay rất là dễ chịu. Nhưng mấy thứ thuốc men này, chúng thực sự làm tôi mệt. Tôi nghĩ mình phải đi nằm một lúc.”

 

“Ôi, anh thấy không khỏe à?”

 

“Không có gì đâu. Chỉ là do thuốc thôi.”

 

“Tệ quá! Khi nào thấy đỡ mệt nhất định anh phải quay lại đấy. Và mang cả đĩa theo nữa, những bản do anh chơi ấy. Thỏa thuận nhé?”

 

Tôi phải cam đoan với bà lần nữa rằng chiều nay rất là tuyệt và tôi sẽ trở lại. Rồi trong lúc tôi ra khỏi cửa, bà nói:

 

“Steve, anh có biết chơi cờ không? Tôi chơi cờ thì tệ nhất thiên hạ, nhưng tôi có bộ cờ xinh tuyệt trần đời. Meg Ryan vừa mang cho tôi tuần trước.”

 

 

 

 

 

Quay lại phòng, tôi lấy một lon Coca từ trong tủ lạnh nhỏ, ngồi xuống bàn viết nhìn ra cửa sổ. Mặt trời đang lặn thành một quầng hồng ửng bên ngoài, tầng tôi ở tít trên cao, và tôi nhìn thấy cả xe cộ đang chạy trên đường cao tốc đằng xa. Sau vài phút tôi gọi cho Bradley, và tuy thư ký bắt tôi chờ một lúc lâu, cuối cùng ông cũng trả lời máy.

 

“Mặt mũi thế nào rồi?” ông hỏi giọng lo âu, như thể đang hỏi thăm con chó cảnh cưng nhất nhà giao vào tay tôi chăm sóc.

 

“Làm sao tôi biết được? Đến giờ tôi vẫn là Người Không Mặt.”

 

“Cậu ổn không? Nghe giọng cậu có vẻ… chán nản.”

 

“Tôi chán nản thật. Toàn bộ chuyện này là một sai lầm. Giờ thì tôi hiểu rồi. Sẽ không ăn thua gì đâu.”

 

Một phút im lặng, rồi ông hỏi: “Ca mổ hỏng à?”

 

“Tôi tin là ca mổ không sao. Ý tôi là toàn bộ phần còn lại, những gì nó sẽ kéo theo. Cái ý đồ này… Nó sẽ không bao giờ tiến triển được như ông nghĩ. Lẽ ra tôi không được nghe ông thuyết phục mà lao vào đó.”

 

“Có chuyện gì với cậu thế? Nghe cậu có vẻ suy sụp. Họ bơm những gì vào người cậu hử?”

 

“Tôi ổn cả. Thực tế là, đầu tôi còn sáng sủa hơn từ trước đến giờ. Vấn đề ở chỗ ấy. Bây giờ thì tôi hiểu cả. Cái ý đồ của ông… Lẽ ra tôi không được nghe lời ông.”

 

“Có chuyện gì đây? Cái ý đồ gì? Nghe này, Steve, không có gì phức tạp cả. Cậu là một nghệ sĩ rất có tài. Khi cậu vượt qua chặng này, mọi thứ cậu làm sẽ là những gì cậu vẫn làm từ trước đến nay. Hiện nay chỉ là cậu gỡ đi một chướng ngại, thế thôi. Không có ý đồ gì cả…”

 

“Nghe này, Bradley, tình hình ở đây rất tệ. Không chỉ là bất tiện thân thể. Tôi đã nhận ra mình đang làm gì với chính mình. Đây là một sai lầm, lẽ ra tôi phải biết tôn trọng mình hơn.”

 

“Steve, việc này là do cớ gì? Có chuyện gì vừa xảy ra ở đó phải không?”

 

“Có chuyện xảy ra, phải quá. Vì thế tôi mới gọi cho ông. Tôi cần ông đưa tôi ra khỏi đây. Tôi cần ông đưa tôi đến một khách sạn khác.”

 

“Khách sạn khác? Cậu nghĩ cậu là ai? Hoàng tử Abdullah à? Cái khách sạn chết tiệt đó thì có vấn đề gì không ổn?”

 

“Có vấn đề là tôi ở ngay kế bên phòng Lindy Gardner. Và bà ta vừa mới mời tôi qua, và bà ta sẽ còn mời tôi qua nữa. Có vấn đề là thế đấy!”

 

“Lindy Gardner ở phòng kế bên?”

 

“Nghe này, tôi không thể chịu đựng thêm một lần như thế nữa. Tôi vừa ở đó ra xong, đấy là đã cố gắng lắm mới ở lại được đến lúc ấy. Và giờ thì bà ta bảo chúng tôi sẽ phải chơi bộ cờ Meg Ryan của bà ta…”

 

“Steve, cậu nói là Lindy Gardner ở phòng kế bên? Và cậu giao lưu với bà ta?”

 

“Bà ta bật đĩa của ông chồng! Chết mẹ, tôi nghĩ bà ta lại đang bật một đĩa khác bây giờ đây. Tôi đã đến nước này rồi. Tôi đã xuống bậc này rồi.”

 

“Steve, hượm đã, chúng ta nói lại từ đầu. Steve, câm mẹ cái mồm lại, rồi giải thích cho tôi. Giải thích cho tôi làm sao cậu lại gặp được Lindy Gardner.”

 

Tôi dịu lại được một chốc, rồi vắn tắt kể lại Lindy đã mời tôi qua ra sao, mọi chuyện tiếp diễn thế nào.

 

“Tức là cậu không thô lỗ với bà ấy chứ gì?” ông ta hỏi ngay khi tôi vừa dứt.

 

“Không, tôi không thô lỗ với bà ta. Tôi giữ lại trong đầu. Nhưng tôi không quay lại đấy đâu. Tôi phải kiếm khách sạn khác.”

 

“Steve, cậu sẽ không đi khách sạn khác. Lindy Gardner? Bà ấy quấn băng, cậu cũng quấn băng. Bà ấy ở ngay phòng bên. Steve, đây là cơ hội bằng vàng.”

 

“Không có vàng viếc gì cả, Bradley. Đây là tận đáy địa ngục. Bộ cờ Meg Ryan của bà ta, lạy Chúa!”

 

“Bộ cờ Meg Ryan? Nghĩa là thế nào? Quân nào cũng có hình Meg à?”

 

“Và bà ta còn muốn nghe tôi chơi! Bà ta nằng nặc đòi lần sau tôi mang đĩa sang!”

 

“Bà ấy muốn… Chúa ơi, Steve, cậu còn chưa bỏ băng mà mọi thứ đã ngon lành quá rồi. Bà ấy muốn nghe cậu chơi?”

 

“Tôi đang yêu cầu ông xử lý vụ này, Bradley. Được rồi, tôi đã lún quá sâu, tôi đã mổ xong, ông đã thuyết phục tôi, bởi tôi ngu đến nỗi tin lời ông. Nhưng tôi không có trách nhiệm phải chịu đựng việc này. Tôi không phải dành cả hai tuần tiếp theo đây cho Lindy Gardner. Tôi yêu cầu ông mang tôi đi lập tức!”

 

“Tôi không mang cậu đi đâu cả. Cậu có hiểu Lindy Gardner là nhân vật to lớn cỡ nào không? Cậu có biết bà ấy giao du với những ai không? Biết bà ấy có thể làm gì cho cậu chỉ cần một cú điện thoại? Tất nhiên, bà ấy đã ly dị Tony Gardner. Chẳng có gì vì thế mà thay đổi. Có bà ấy trong đội, có gương mặt mới, cửa nào cũng mở cho cậu. Tiến thẳng lên đẳng cao, sau khi đếm đến năm.”

 

“Sẽ không có đẳng cao gì cả, Bradley, bởi vì tôi sẽ không qua đó lần nữa, và tôi không muốn cửa nào mở cho tôi ngoài những cửa sẽ mở cho tiếng kèn của tôi. Và tôi không tin những gì ông nói lúc trước nữa, tôi không tin cái ý đồ bố khỉ này…”

 

“Tôi không nghĩ cậu cần diễn đạt mạnh mẽ như thế. Tôi thực sự lo lắng về những vết khâu…”

 

“Bradley, chỉ chốc nữa ông sẽ không phải lo lắng về vết khâu nữa đâu, vì ông biết tôi định làm gì không? Tôi sẽ lột cái mặt nạ xác ướp này ra và tôi sẽ chọc ngón tay vào miệng và kéo giãn mặt mình thành mọi hình thù có thế! Ông nghe rõ không, Bradley?”

 

Tôi nghe thấy ông thở dài. Rồi ông nói: “Được rồi, bình tĩnh. Cứ bình tĩnh. Cậu đang trải qua rất nhiều áp lực trong khoảng thời gian này. Cũng dễ hiểu. Nếu cậu không muốn gặp Lindy lúc này, nếu cậu muốn quẳng cơ hội qua cửa sổ, không sao, tôi hiểu tình thế của cậu. Nhưng hãy lịch sự, được chưa? Hãy đưa ra lý do dễ nghe. Đừng chặt bỏ cái cầu nào.”

 

 

 

 

 

Tôi cảm thấy dễ chịu hơn nhiều sau khi nói chuyện với Bradley, và trải qua một buổi chiều tương đối hài lòng, xem nửa cuốn phim, rồi nghe Bill Evans. Sáng hôm sau, sau bữa sáng, bác sĩ Boris cùng hai hộ lý vào khám, tỏ vẻ vừa ý, rồi đi ra. Một lúc sau đó, độ mười một giờ, tôi có khách đến thăm - một tay trống tên Lee từng chơi cùng ban với tôi cho một studio ở San Diego vài năm trước. Bradley, vốn là bầu của cả Lee, đã gợi ý cậu ta đến.

 

Lee khá ổn và tôi rất vui được gặp cậu ta. Cậu ta đến thăm độ một tiếng đồng hồ, chúng tôi trao đổi tin tức về những người bạn chung, ai đang ở ban nào, ai đã xách va li đi Canada hay châu Âu.

 

“Rất buồn là hội cũ chẳng mấy ai còn ở đây nữa,” cậu ta nói. “Anh chơi với họ rất vui vẻ, rồi thoắt cái anh đã chẳng biết họ ở đâu.”

 

Cậu ta kể về những buổi diễn gần đây, và chúng tôi cùng cười khi nhớ lại vài chuyện cũ từ hồi ở San Diego. Rồi đến lúc gần về, cậu ta hỏi:

 

“Thế còn Jake Marvell thì sao? Cậu nghĩ gì về hắn ta? Thế giới này thật lạ lùng nhỉ?”

 

“Lạ lùng thì đúng quá rồi,” tôi nói. “Nhưng dù sao, Jake vẫn luôn là gã cừ. Hắn xứng đáng với những gì hắn được hưởng.”

 

“Ừ, nhưng vẫn lạ lùng. Có nhớ hồi Jake còn ở đó không? San Diego ấy? Steve à, tối nào cậu cũng có thể thổi hắn bay xuống bục. Mà giờ nhìn hắn xem. Đấy gọi là may mắn hay cái gì?”

 

“Jake lúc nào cũng là một gã đáng mến,” tôi nói. “Mà về phần tôi thì tôi mừng khi thấy bất kỳ tay saxophone nào được công nhận.”

 

“Công nhận, đúng thế,” Lee nói. “Mà lại ở ngay đây trong khách sạn này nữa. Để xem, tôi có mang theo đây.” Cậu ta lục trong túi và lôi ra một tờ Tuần báo Los Angeles tơi tả. “Ừ, đây rồi. Giải thưởng âm nhạc Simon và Wesbury. Nghệ sĩ Jazz của năm. Jake Marvell. Xem nào, cái của khỉ này diễn ra lúc nào nhỉ? Ngày mai trong phòng khiêu vũ. Cậu lượn xuống cầu thang là có thể vào dự được buổi lễ.” Cậu ta bỏ tờ báo xuống và lắc đầu. “Jake Marvell. Nghệ sĩ Jazz của năm. Ai mà nghĩ được, hở, Steve?”

 

“Tôi nghĩ là tôi không xuống dưới nổi đâu,” tôi nói. “Nhưng tôi sẽ nhớ nâng cốc chúc mừng hắn ta.”

 

“Jake Marvell. Trời ạ, thế giới này đi đầu xuống đất rồi hay sao hở?”

 

 

 

 

 

Khoảng một tiếng sau bữa trưa, điện thoại đổ chuông và tôi nghe giọng Lindy.

 

“Bàn cờ đã bày rồi, cưng ơi,” bà nói. “Anh sẵn sàng chơi chưa? Đừng có nói không nhé, tôi sắp điên lên vì buồn chán rồi. À, mà đừng có quên đấy, đĩa CD của anh. Tôi đang háo hức được nghe anh chơi thế nào.”

 

Tôi đặt máy, rồi ngồi xuống mép giường thử tự giải thích cho mình xem làm sao tôi lại không vững lập trường hơn. Thực tế là, tôi còn không lộ ra chút dấu hiệu ám chỉ từ “không” nào. Có thể đấy chỉ là do thói bạc nhược. Hoặc có thể tôi đã tiếp thụ những lý lẽ của Bradley trên điện thoại nhiều hơn tôi thừa nhận. Nhưng không còn đủ thời gian mà nghĩ về điều đó, vì tôi còn phải chọn xem đĩa nào sẽ gây ấn tượng với bà ta nhất. Thứ avant-garde thì loại hẳn rồi, cũng như cái tôi đã thu với tụi electro-funk ở San Francisco hồi năm ngoài. Cuối cùng, tôi chỉ nhặt lấy cái thích nhất, thay sơ mi mới, choàng lại áo khoác ra ngoài và qua gõ cửa.

 

 

 

 

 

Bà cũng choàng áo khoác mặc nhà, nhưng đấy là thứ áo có thể mặc đến buổi ra mắt phim mà vẫn không phải quá xấu hổ. Tất nhiên, bộ cờ đã nằm đó trên cái bàn cà phê kính, và chúng tôi ngồi xuống đối diện như hôm trước và bắt đầu chơi. Có lẽ bởi cả hai đều có việc cho đôi tay, không khí lần này có vẻ thoải mái hơn nhiều. Trong lúc chơi, dần dần chúng tôi nói về đủ thứ chuyện: các chương trình ti vi, những thành phố châu Âu bà thích nhất, đồ ăn Tàu. Lần này tần số nhắc đến các tên tuổi giảm rõ rệt, và bà có vẻ bình tĩnh hơn. Có một lúc bà nói:

 

“Anh có biết tôi làm gì để khỏi phát điên lên ở chỗ này không? Có biết bí mật lớn của tôi không? Tôi sẽ nói cho anh nhé, nhưng không được hở ra, kể cả với Gracie, đồng ý không? Việc tôi làm là ra ngoài đi dạo lúc nửa đêm. Chỉ trong khách sạn này thôi, nhưng nó lớn đến nỗi anh có thể đi cả đời không hết. Và giữa đêm khuya, cảm giác thật kỳ diệu. Đêm hôm qua tôi đi phải đến cả giờ thì phải? Anh phải rất cẩn thận, vẫn có nhân viên khách sạn đi tuần hai tư trên hai tư, nhưng tôi chưa bao giờ bị ai thấy cả. Nghe thấy động là tôi chạy ngay và trốn ở đâu đó. Có lần mấy người dọn vệ sinh thấy tôi trong một giây, nhưng mới thế tôi đã tan biến vào bóng đêm! Thật là phấn chấn. Cả ngày anh là người tù ở đây, rồi lúc ấy gần như anh hoàn toàn tự do, cảm giác thật tuyệt vời. Đêm nào đó tôi sẽ đưa anh đi cùng, cưng ạ. Tôi sẽ cho anh thấy những thứ kỳ diệu. Quầy bar, nhà hàng, phòng hội thảo. Những phòng khiêu vũ tuyệt vời. Và không có ai ở đó cả, mọi thứ đều tối mò và vắng vẻ. Và tôi khám phá ra một chỗ thiên đường, một phòng tầng thượng, tôi nghĩ chắc là phòng tổng thống? Người ta còn đang xây dở chừng, nhưng tôi tìm thấy và có thể đi thẳng vào trong, và tôi ở trong đó, hai mươi phút, có khi nửa giờ, suy nghĩ đủ thứ chuyện. Ô, Steve, như thế này được không? Tôi có thể đi thế này và ăn hậu của anh?”

 

“Ồ. Được, chắc thế. Tôi nhìn không ra. Này, Lindy, bà chơi giỏi hơn nhiều so với bà tỏ ra đấy. Bây giờ thì tôi phải làm gì?”

 

“Được thôi, tôi sẽ bảo anh làm gì. Bởi anh là khách, và rõ ràng là anh bị phân tán vì điều tôi đang nói, tôi sẽ vờ như không nhìn thấy nó. Thấy tôi có tốt bụng không? Này, Steve, tôi không nhớ tôi đã hỏi anh câu này chưa. Anh có gia đình rồi, phải không?”

 

“Phải.”

 

“Thế cô ấy nghĩ gì về chuyện này? Ý tôi là, vụ này không rẻ. Nghĩ xem cô ấy có thể mua bao nhiêu đôi giày với số tiền này.”

 

“Cô ấy không vấn đề gì. Thực ra, đây trước hết là ý tưởng của cô ấy. Xem xem giờ thì ai phân tâm.”

 

“Ôi quỷ sứ. Mà đằng nào tôi cũng chơi chẳng ra gì. Này, tôi không có ý tọc mạch, nhưng cô ấy có đến thăm anh thường không?”

 

“Thực ra là cô ấy chưa đến lần nào. Nhưng đấy là thỏa thuận từ đầu của chúng tôi, trước khi tôi đến đây.”

 

“Thế à?”

 

Bà có vẻ bối rối nên tôi bảo: “Nghe cũng kỳ, tôi biết, nhưng đấy là chúng tôi muốn như thế.”

 

“Hiểu.” Rồi một lúc sau bà nói: “Thế nghĩa là không ai đến đây thăm anh à?”

 

“Tôi cũng có người thăm. Nói thật thì, có người vừa đến sáng nay. Một nhạc công từng chơi cùng tôi.”

 

“Ồ thế à? Thế thì tốt. Anh biết không, cưng ạ, tôi không bao giờ nhớ được con mã này phải đi thế nào. Nếu anh thấy tôi đi sai thì cứ nói, được không? Không phải là tôi muốn qua mặt anh đâu.”

 

“Tất nhiên rồi.” Rồi tôi nói: “Cái người đến thăm tôi sáng nay, anh ta cho tôi biết tin. Nghe cũng lạ lùng. Một trùng hợp tình cờ.”

 

“Thế à?”

 

“Có một nhạc công saxophone chúng tôi từng quen cách đây vài năm, ở San Diego, một người tên Jake Marvell. Có thể bà đã nghe tiếng anh ta. Bây giờ anh ta ở đẳng cao. Nhưng hồi đó, khi chúng tôi quen nhau, anh ta chưa là gì. Thực ra, anh ta là một tay vờ vĩnh. Loại người bà có thể gọi là dân bịp. Chưa bao giờ nhớ được hết các phím. Và tôi đã nghe anh ta chơi gần đây, rất nhiều lần, anh ta cũng không khá hơn. Nhưng anh ta đã có vài bước tiến và giờ được coi là mốt. Tôi thề là anh ta không khá hơn mảy may so với hồi trước, không một tẹo nào. Thế mà bà biết có tin gì không? Chính người này, Jake Marvell, ngày mai anh ta sẽ nhận một giải thưởng âm nhạc lớn, tại ngay khách sạn này. Nghệ sĩ Jazz của năm. Thật là điên rồ, bà hiểu không? Có bao nhiêu tay kèn giỏi, thế mà người ta chọn trao giải cho Jake.”

 

Tôi bắt mình dừng, và rời mắt khỏi bàn cờ, khẽ bật cười. “Ta có thể làm được gì chứ?” tôi nói, nhẹ nhàng hơn.

 

Lindy đang ngồi thẳng dậy, tập trung hoàn toàn vào tôi. “Thật tệ quá. Mà người này, anh ta không giỏi à, anh bảo vậy?”

 

“Tôi xin lỗi, tôi hơi đi quá đà. Họ muốn trao giải cho Jake, thì tại sao lại không?”

 

“Nhưng nếu anh ta không giỏi…”

 

“Anh ta cũng giỏi như mọi người. Tôi chỉ nói lung tung thôi. Tôi xin lỗi, bà phải bỏ qua cho tôi.”

 

“Này, anh làm tôi nhớ ra,” Lindy nói. “Anh có nhớ mang đĩa sang không?”

 

Tôi chỉ cái đĩa để bên cạnh trên ghế. “Tôi không biết bà có thích không. Bà không bắt buộc phải nghe…”

 

“Ôi, nhưng tôi muốn nghe, rất muốn nghe mà. Nào, đưa tôi xem.”

 

Tôi đưa bà cái đĩa. “Đấy là một ban nhạc tôi chơi cùng ở Pasadena. Chúng tôi chơi những bài cơ bản, swing kiểu cũ, một ít bossa nova. Không có gì đặc biệt, tôi chỉ mang theo vì bà hỏi.”

 

Bà đang ngắm nghía cái bìa đĩa, giơ lên sát tận mặt, rồi lại đưa ra xa. “Thế có anh ở trong bức ảnh này không?” Bà lại kéo lại gần. “Tôi khá tò mò trông anh ra sao. Hoặc là đúng hơn, lúc trước trông anh ra sao.”

 

“Tôi đứng thưa hai từ phải qua. Mặc áo chim cò, cầm cái cầu là.”

 

“Người này?” Bà ta nhìn cái đĩa, rồi lại nhìn tôi. Rồi bà nói: “Ồ, anh trông rất là ngộ.” Nhưng bà nói thật nhỏ, bằng một giọng không có gì tin tưởng. Thực tế là, tôi nghe ra vẻ thương hại rõ rệt trong đó. Nhưng gần như lập tức, bà đã hồi lại. “Được rồi, thế thì ta nghe thôi!”

 

Khi bà đi lại gần bộ dàn Bang & Olufsen, tôi nói: “Bài số chín. ‘The nearness of you’. Đấy là bài đặc biệt của tôi.”

 

“Xin giới thiệu ‘The nearness of you’.”

 

Tôi đã chọn bài này sau một lúc suy nghĩ. Các nhạc công trong ban đó đều là loại xịn. Xét từng người thì chúng tôi đều có những tham vọng thuộc loại cấp tiến, nhưng khi họp lại thành ban nhạc thì chúng tôi xác định mục đích là chơi những bản đỉnh cao trong số nhạc thịnh hành, loại nhạc mà công chúng trong các phòng ăn tối sang trọng sẽ muốn nghe. Bản ‘The nearness of you’ của chúng tôi - với tiếng tenor của tôi từ đầu đến cuối - không hẳn là một trời một vực so với lãnh địa của Tony Gardner, nhưng tôi vẫn luôn thực tình hãnh diện với nó. Có thể anh nghĩ anh đã nghe bài này chơi theo mọi kiểu phối khí trên đời. Chậc, nếu thế thì hãy nghe thử chúng tôi xem. Hãy nghe, chẳng hạn như lời hai ấy. Hoặc nghe đoạn chúng tôi vừa kết thúc đoạn điệp khúc, khi cả ban chuyển từ hợp âm III-5 sang VIx-9 trong lúc tôi lên đến những quãng anh không bao giờ tin là có tồn tại và rồi ngân mãi ở nốt si giáng dịu dàng, rất đỗi mỏng manh. Tôi nghĩ ở đó có những sắc độ, những nỗi khát khao và nuối tiếc mà anh chưa bao giờ thấy trước đây.

 

Thế nên anh có thể thấy tôi khá tự tin rằng đĩa này sẽ được Lindy tán thưởng. Và trong khoảng một phút đầu, trông bà vẫn có vẻ thích thú. Bà đứng đó sau khi bỏ đĩa vào máy, và cũng như lần bật đĩa của chồng bà cho tôi nghe, bà bắt đầu đu đưa nhè nhẹ theo tiết tấu chậm rãi. Nhưng rồi cử động của bà mất dần nhịp điệu, tới khi bà đứng im phăng phắc, lưng quay về phía tôi, đầu gục xuống như đang cố tập trung. Lúc đầu tôi chưa thấy đây là dấu hiệu xấu. Chỉ đến khi bà quay người bước trở lại và ngồi xuống trong lúc nhạc vẫn còn vang dội, tôi mới nhận ra có gì không ổn. Qua lớp băng quấn, tất nhiên, tôi không nhìn được nét mặt bà, nhưng cái vẻ bà ngồi thụp vào xô pha, như một cô ma nơ canh căng thẳng, không phải là điềm tốt.

 

Khi bài hát dừng, tôi nhặt điều khiển và tắt máy. Trong một lúc lâu thật lâu, bà ngồi nguyên như thế, cứng đờ và lúng túng. Rồi bà hơi nhổm người lên và bắt đầu mân mê một quân cờ.

 

“Bản nhạc rất hay,” bà nói. “Cám ơn anh đã cho tôi nghe.” Nghe rất sáo mòn, và bà có vẻ cũng không bận tâm giấu điều đó.

 

“Có lẽ đấy không phải típ của bà.”

 

“Không, không.” Giọng bà trở nên hờn dỗi và lặng lẽ. “Bài hát rất hay. Cảm ơn anh đã cho tôi nghe.” Bà đặt quân cờ xuống một ô, rồi nói: “Đến lượt anh.”

 

Tôi nhìn bàn cờ, thử nhớ xem chúng tôi đã đến đâu. Sau một lúc, tôi nhẹ nhàng hỏi: “Có lẽ bài đó, nó có những liên tưởng đặc biệt với bà chăng?”

 

Bà nhìn lên và tôi cảm thấy cơn giận dữ qua lớp băng. Nhưng bà vẫn nói lặng lẽ như trước: “Bài ấy à? Không có liên tưởng gì cả. Không có đâu.” Bỗng nhiên bà bật cười - tiếng cười ngắn, lạnh lùng. “Ồ, anh nói là liên tưởng với ông ấy, với Tony à? Không, không. Nó không ở trong số những bài ông ấy hát. Anh chơi hay lắm. Rất chuyên nghiệp.”

 

“Rất chuyên nghiệp? Như thế có nghĩa là thế nào?”

 

“Nghĩa là… là nó thực sự chuyên nghiệp. Tôi nghĩ đấy là một lời khen.”

 

“Chuyên nghiệp à?” Tôi đứng dậy, bước qua phòng và lấy đĩa ra khỏi máy.

 

“Có gì mà anh bực tức thế?” Giọng bà vẫn xa vắng lạnh lùng. “Tôi nói gì sai à? Tôi xin lỗi. Tôi chỉ đang cố lịch sự.”

 

Tôi quay lại bàn, bỏ đĩa vào vỏ, nhưng không ngồi xuống.

 

“Thế chúng ta có chơi nốt không?” bà hỏi.

 

“Nếu bà không phiền, tôi còn vài việc phải làm. Gọi điện. Giấy tờ nữa.”

 

“Có gì mà anh bực tức thế? Tôi không hiểu.”

 

“Tôi không bực tức gì cả. Đã muộn rồi, thế thôi.”

 

Ít nhất bà cũng đứng lên tiễn tôi ra cửa, trước khi chúng tôi chào nhau bằng một cái bắt tay lạnh lẽo.

 

 

 

 

 

Tôi đã nói là giờ giấc ngủ của tôi lộn tùng bậy cả sau ca mổ. Chiều hôm đó tôi bất chợt thấy mệt, đi ngủ sớm, ngủ yên lành được vài giờ, rồi tỉnh dậy giữa đêm mà không tài nào ngủ lại được. Một lúc sau tôi trở dậy bật ti vi. Có một bộ phim tôi đã xem hồi còn bé, nên tôi kéo ghế xem nốt phần còn lại, để tiếng thật nhỏ. Khi phim hết tôi xem tiếp hai giảng sư quát tháo nhau trước một bầy khán giả đang hú lên. Nói chung, tôi cảm thấy bằng lòng. Tôi thấy dễ chịu và tưởng như đang ở cách thế giới bên ngoài hàng vạn dặm. Thế nên tim tôi chỉ thiếu nước nhảy khỏi lồng ngực khi điện thoại reo.

 

“Steve? Anh đấy phải không?” Đấy là Lindy. Giọng bà là lạ và tôi nghĩ không hiểu có phải bà vừa uống rượu không.

 

“Vâng, tôi đây.”

 

“Tôi biết là muộn rồi. Nhưng vừa nãy lúc đi qua, tôi thấy đèn phòng anh vẫn sáng dưới khe cửa. Tôi nghĩ là anh đang khó ngủ, giống tôi.”

 

“Tôi nghĩ thế. Ở đây khó giữ được giờ giấc bình thường.”

 

“Phải. Rất khó.”

 

“Mọi thứ vẫn ổn chứ?” tôi hỏi.

 

“Tất nhiên. Cái gì cũng ổn. Cực kỳ ổn.”

 

Tôi nhận ra không phải bà ta say, nhưng không thể đoán nổi có chuyện gì với bà ta. Bà ta chắc cũng không phải đang ngấm thuốc - chỉ là tỉnh táo quá mức và có thể đang hưng phấn vì điều gì đó muốn kể cho tôi.

 

“Bà có chắc là mọi thứ ổn không?” tôi hỏi lần nữa.

 

“Có, ổn mà, nhưng mà… Này, cưng ơi, tôi có cái này, cái này tôi muốn tặng cho anh.”

 

“Thế à? Là cái gì vậy?”

 

“Tôi không muốn nói. Tôi muốn tạo một bất ngờ.”

 

“Có vẻ thú vị lắm. Tôi sẽ qua nhận, có lẽ là sau bữa sáng?”

 

“Tôi đang trông đợi là anh sẽ qua lấy nó bây giờ cơ. Ý tôi là, nó ở ngay đây, và anh còn thức và tôi cũng thức. Tôi biết là muộn rồi, nhưng mà… Nghe này, Steve, chuyện lúc trước ấy, chuyện vừa xảy ra ấy. Tôi nghĩ mình nợ anh một lời giải thích.”

 

“Thôi bỏ đi. Tôi không phiền…”

 

“Anh bực tức với tôi vì nghĩ tôi không thích nhạc của anh. Ồ, không phải thế. Sự thật là ngược lại, ngược hoàn toàn. Bài anh cho tôi nghe ấy, bài ‘Nearness of you’ ấy? Tôi không tài nào dứt nó khỏi đầu mình. Không, không phải đầu, mà là tim. Tôi không tài nào dứt nó khỏi tim tôi.”

 

Tôi không biết phải trả lời thế nào, và trước khi tôi nghĩ ra thì bà đã lại nói.

 

“Anh có sang không? Sang ngay bây giờ? Rồi tôi sẽ giải thích lại cẩn thận. Và quan trọng nhất là… Không, không, tôi không nói đâu. Đấy sẽ là một bất ngờ. Sang đây rồi anh sẽ thấy. Và mang cả đĩa của anh lại nữa. Đồng ý nhé?”

 

 

 

 

 

Bà cầm lấy cái đĩa trên tay tôi ngay khi mở cửa, như thể tôi chỉ là người chuyển hàng, nhưng rồi tóm lấy cổ tay tôi dẫn vào. Lindy vẫn đang mặc chiếc áo choàng ở nhà hồi sáng, nhưng lúc này không có vẻ phẳng phiu sạch sẽ bằng: một vạt áo buông thấp hơn vạt kia, và có một túm bông lù xù dính vào lớp băng đằng sau gần cổ áo.

 

“Tôi đoán là bà vừa mới làm chuyến đi dạo ban đêm về,” tôi nói.

 

“Tôi thật mừng là anh còn thức. Tôi không biết mình có đợi nổi đến sáng không. Giờ nghe nhé, như tôi đã nói, tôi có một bất ngờ cho anh. Tôi hy vọng anh sẽ thích, tôi nghĩ là anh sẽ thích. Nhưng đầu tiên tôi muốn anh ngồi thoải mái đã. Chúng ta sẽ nghe lại bài hát của anh. Để tôi xem nào, bài số mấy nhỉ?”

 

Tôi ngồi xuống xô pha chỗ thường lệ và nhìn bà chộn rộn quanh dàn loa. Trong phòng ánh sáng dịu dịu, và không khí lạnh một cách dễ chịu. Rồi ‘The nearness of you’ bật lên hết cỡ.

 

“Bà có nghĩ sẽ làm phiền người khác không?” tôi nói.

 

“Mặc xác họ. Chúng ta trả một đống tiền cho chỗ này, đấy không phải vấn đề của chúng ta. Giờ thì yên nào! Nghe đi, nghe đi!”

 

Bà lại bắt đầu đung đưa theo tiếng nhạc như lúc trước, chỉ có lần này không dừng lại sau một khổ. Thực tế là dường như càng lúc bà càng chìm đắm vào tiếng nhạc, tay đưa ra như đang ôm một bạn nhảy tưởng tượng. Khi nhạc hết, bà tắt đi và đứng lặng yên, ở đầu kia phòng quay lưng lại tôi. Bà đứng như thế trong một lúc có vẻ thật lâu, rồi cuối cùng cũng đi lại phía tôi.

 

“Tôi không biết phải nói gì,” bà nói. “Thật là siêu phàm. Anh là một nghệ sĩ tuyệt diệu, tuyệt diệu. Anh là một thiên tài.”

 

“Vâng, cám ơn.”

 

“Tôi biết ngay lần đầu tiên. Đấy là sự thực. Đấy là lý do vì sao tôi phản ứng như thế. Giả vờ không thích nó, giả vờ kênh kiệu à?” Bà ngồi xuống trước mặt tôi và thở dài. “Tony vẫn thương mắng mỏ tôi vì thế. Tôi luôn luôn làm thế, đấy hình như là một tật tôi không tài nào chữa được. Cứ hễ tôi gặp phải một người, anh hiểu đấy, một người thực sự có tài, một người đơn giản là được Chúa ban cho như thế, là tôi không đừng được, phản xạ đầu tiên là tôi làm như đã làm với anh. Đấy chỉ là, tôi không biết, tôi nghĩ là thói ghen tị. Cũng như một số người đàn bà thỉnh thoảng anh thấy, những người không mấy nhan sắc ấy? Một người đẹp bước vào phòng, thế là họ căm ghét, họ muốn cào toạc mặt cô ta. Đấy là tôi mỗi lần tôi gặp một người như anh. Nhất là nếu lại không đề phòng, như là hôm nay và tôi chưa sẵn sàng. Ý tôi là, anh ngồi đây, một phút trước tôi còn nghĩ anh chẳng qua là một người trong công chúng, rồi bỗng nhiên anh là… chà, một thứ khác hẳn. Anh có hiểu tôi nói gì không? Tóm lại thì, tôi chỉ đang cố làm anh hiểu tại sao tôi lại cư xử tệ như thế hồi chiều. Anh có toàn quyền nổi giận với tôi.”

 

Nghe tiếng tĩnh mịch buổi đêm giữa chúng tôi một lúc. “Ừm, tôi cám ơn,” cuối cùng tôi nói. “Cám ơn bà đã cho tôi biết.”

 

Bà thình lình đứng dậy. “Bây giờ, đến bất ngờ! Anh cứ đợi đấy, đừng đi đâu cả.”

 

Bà đi sang phòng bên và tôi nghe tiếng bà đóng mở ngăn kéo. Khi quay lại, bà đang cầm vật gì đó trước mặt trong cả hai tay, nhưng tôi không nhìn thấy là vì bà đã phủ lên trên một chiếc khăn lụa. Bà đứng lại giữa phòng.

 

“Steve, tôi muốn anh đến đây nhận lấy. Đây sẽ là một buổi tặng thưởng.”

 

Tôi không hiểu gì, nhưng cũng đứng dậy. Khi tôi đi đến, bà kéo chiếc khăn ra và giơ cho tôi một món đồ tí xíu bằng đồng.

 

“Anh hoàn toàn xứng đáng được nhận. Nên nó là của anh. Nghệ sĩ Jazz của năm. Có lẽ còn của mọi thời đại. Xin chúc mừng.”

 

Bà đặt nó vào tay tôi và hôn phớt lên má tôi qua lớp vải.

 

“Ồ, cảm ơn. Đây đúng là một bất ngờ. Ô, cái này xinh thật. Nó là gì đấy? Con cá sấu à?”

 

“Cá sấu? Trời ơi! Đây là một đôi thiên sứ xinh xẻo đang hôn nhau.”

 

“Ờ đúng, tôi thấy rồi. Ừm, cám ơn, Lindy. Tôi không biết phải nói gì. Thực sự là rất đẹp!”

 

“Cá sấu!”

 

“Tôi xin lỗi. Chẳng qua là vì cậu nhỏ này có cái chân duỗi ra đến tận đây. Nhưng giờ tôi thấy rồi. Đẹp lắm.”

 

“Ừ, của anh đấy. Anh hoàn toàn xứng đáng.”

 

“Tôi rất cảm động, Lindy. Thật đấy. Thế còn dưới này viết gì? Tôi không mang kính.”

 

“Viết ‘Nghệ sĩ Jazz của năm’. Thế còn viết gì được nữa?”

 

“Nó viết thế à?”

 

“Tất nhiên, nó viết thế đấy.”

 

Tôi quay lại xô pha, cầm bức tượng nhỏ, ngồi xuống và suy nghĩ một lúc. “Thế này, Lindy,” cuối cùng tôi nói. “Cái món quà bà vừa tặng tôi này. Không thể nào có chuyện, phải không, là bà đã bắt gặp nó trong một chuyến dạo chơi ban đêm thường lệ chứ?”

 

“Có chứ. Tất nhiên là có thể.”

 

“Tôi hiểu. Và không thể nào có chuyện đây là đồ thật, phải không? Ý tôi là cái kỷ niệm chương người ta sẽ trao cho Jack ngày mai?”

 

Lindy không trả lời trong vài giây, chỉ đứng thật yên ở đó. Rồi bà nói:

 

“Tất nhiên đây là đồ thật. Có ý nghĩ gì, nếu tặng anh một món đồ cũ kỹ nào đó? Một việc bất công sắp diễn ra, nhưng bây giờ công lý đã chiến thắng. Đấy là điều quan trọng nhất. Này, cưng, tươi lên. Anh biết anh mới là người xứng đáng nhận giải này mà.”

 

“Tôi rất trân trọng quan điểm của bà. Chỉ có điều là… ừm, việc này có vẻ như ăn trộm.”

 

“Ăn trộm à? Chẳng phải chính anh đã nói người này chẳng giỏi giang gì à? Chỉ là đồ giả? Còn anh thì là thiên tài. Ai đang ăn trộm của ai ở đây chứ?”

 

“Lindy, chính xác thì bà lấy được cái này ở đâu?”

 

Bà nhún vai. “Một nơi nào đó. Một trong những nơi tôi qua. Một văn phòng, anh gọi thế cũng được.”

 

“Tối nay à? Bà vừa lấy nó tối nay?”

 

“Tất nhiên tôi lấy nó tối nay. Tối qua tôi đâu có biết về cái giải thưởng của anh.”

 

“Được rồi, được rồi. Thế nghĩa là cách đây khoảng một tiếng, phải không?”

 

“Một tiếng. Có thể hai. Ai biết được? Tôi ở ngoài đó khá lâu. Tôi còn vào phòng tổng thống của tôi một lúc.”

 

“Chúa ơi.”

 

“Xem này, ai quan tâm chứ? Anh lo lắng gì nào? Họ mất cái này, họ có thể đi lấy cái khác. Họ chắc phải có cả một tủ cất đâu đó. Tôi trao tặng anh một thứ anh đáng nhận. Anh sẽ không từ chối đâu, phải không, Steve?”

 

“Tôi không từ chối đâu, Lindy. Tình cảm của bà, vinh dự này, mọi điều đó tôi xin nhận, tôi rất vui vì những điều đó. Nhưng cái này, cái biểu trưng này. Chúng ta sẽ phải trả nó về chỗ cũ. Chúng ta phải để lại đúng nơi bà đã thấy.”

 

“Mặc kệ họ! Ai quan tâm chứ?”

 

“Lindy, bà chưa nghĩ đến nơi đến chốn. Bà sẽ làm gì khi chuyện này lộ ra? Bà có thể tưởng tượng báo chí sẽ làm gì không? Tưởng tượng đến những lời bàn tán, đến vụ bê bối? Công chúng của bà sẽ nói gì? Nào đi thôi. Chúng ta sẽ đi ngay bây giờ trước khi có người thức dậy. Bà sẽ chỉ cho tôi chính xác bà tìm thấy nó ở đâu.”

 

Bà bỗng có vẻ mặt như đứa trẻ vừa bị mắng. Rồi bà thở dài và bảo: “Tôi nghĩ anh nói đúng, cưng ạ.”

 

 

 

 

 

Khi chúng tôi đã đồng ý mang trả rồi, Lindy chuyển sang thái độ chiếm hữu cao độ, khư khư giữ lấy nó trước ngực suốt trong lúc chúng tôi vội vã đi qua những hành lang trong khách sạn rộng lớn đang thiêm thiếp. Bà dẫn đường xuống các cầu thang mật, theo những đường sau, qua các phòng tắm hơi và máy bán hàng. Chúng tôi không nhìn cũng không nghe thấy một ai. Rồi Lindy thì thầm: “Lối này,” và chúng tôi đẩy hai cánh cửa nặng nề vào một nơi tối tăm.

 

Khi đã chắc chắn chỉ có chúng tôi ở đây, tôi bật đèn pin mang theo từ phòng Lindy chiếu quanh phòng. Chúng tôi đang ở phòng khiêu vũ, dù nếu lúc này anh có ý nhảy nhót thì sẽ gặp vấn đề với những bàn tiệc khắp phòng, cái nào cũng trải khăn bàn trắng và ghế đồng bộ. Giữa trần có một bộ đèn chùm cầu kỳ. Đằng xa là một bục sân khấu, có lẽ đủ rộng cho một tiết mục cỡ vừa, dù lúc này màn đang hạ che kín bục. Có người đã bỏ lại chiếc thang xếp giữa phòng và máy hút bụi dựng cạnh tường.

 

“Sẽ có tiệc ở đây,” bà nói. “Bốn trăm, năm trăm người gì đó thì phải.”

 

Tôi đi vào sâu hơn và lại lia đèn quanh phòng lần nữa. “Có thể không phải là địa điểm này. Nơi họ sẽ trao giải cho Jake.”

 

“Tất nhiên là ở đây. Khi tôi thấy cái này” – bà giơ bức tượng lên – “còn có cả những cái khác. Tài năng mới. An bum R&B của năm. Đại loại như thế. Sẽ là một sự kiện rất to đấy.”

 

Bây giờ mắt đã điều hòa lại, tôi nhìn rõ nơi này hơn, dù ánh đèn pin không sáng lắm. Và trong một lúc, khi đứng đó nhìn lên sân khấu, tôi có thể hình dung nơi này lúc ấy trông sẽ thế nào. Tôi hình dung lớp lớp người quần áo cầu kỳ, đại diện các hãng thu âm, các nhà tổ chức sự kiện cỡ bự, một vài tên tuổi làng showbiz, cười nói chúc tụng lẫn nhau; tiếng vỗ tay thành thực đến xun xoe mỗi lần MC nhắc tên một nhà tài trợ; vỗ tay to hơn nữa, lần này cộng thêm hú hét chào mừng, khi người nhận giải đi lên. Tôi hình dung Jake Marvell trên bục ấy, ôm giải thưởng trong tay, với nụ cười tự mãn như hồi ở San Diego mỗi lần hắn ta kết thúc một đoạn solo và khán giả đã hoàn thành việc đập hai tay vào nhau.

 

“Có lẽ chúng ta đã lầm,” tôi nói. “Có lẽ không việc gì phải đem trả lại. Có lẽ chúng ta nên ném nó vào sọt rác. Và tất cả những giải khác bà tìm thấy vào cùng.”

 

“Ồ?” Lindy có vẻ bối rối. “Anh muốn làm thế thật à, cưng ơi?”

 

Tôi thở dài. “Không, chắc là không. Nhưng làm thế mình sẽ rất… sung sướng, phải không? Tất cả giải thưởng vào sọt rác. Tôi cá từng người một trong số nhận giải ấy đều là đồ giả. Tôi cá toàn bộ họ cộng lại cũng không đủ tài năng để nhồi một cái bánh kẹp xúc xích.”

 

Tôi đợi Lindy đáp lại, nhưng không nghe thấy gì. Rồi đến lúc bà cất tiếng, trong giọng bà có âm sắc mới, có vẻ căng hơn.

 

“Làm sao anh biết vài người trong số họ không có tài? Làm sao anh biết vài người trong số họ không đáng nhận giải?”

 

“Làm sao tôi biết à?” Bỗng nhiên tôi chợt nổi cáu. “Làm sao tôi biết à? Ồ, cứ nghĩ xem. Cái hội đồng đã coi Jake Marvell là nghệ sĩ jazz nổi trội nhất trong năm. Họ sẽ còn tôn vinh những loại người nào khác nữa?”

 

“Nhưng anh biết những gì về những người này? Ngay cả về cái người tên Jake này. Làm sao anh biết anh ta không thực sự nỗ lực để đạt được như hiện tại?”

 

“Thế là thế nào? Bà trở thành fan ruột của Jake rồi à?”

 

“Tôi chỉ phát biểu ý kiến mình thôi.”

 

“Ý kiến của bà? Vậy giờ ý kiến bà là thế à? Tôi nghĩ lẽ ra mình không nên ngạc nhiên. Trong một lúc, tôi đã quên mất bà là ai.”

 

“Như thế nghĩa là thế quái gì chứ? Sao anh dám ăn nói với tôi như vậy?”

 

Tôi nhận ra mình đang mất tự chủ. Tôi đáp nhanh: “Được rồi, tôi đã đi quá đà. Tôi xin lỗi. Giờ chúng ta hãy đi tìm cái văn phòng thôi.”

 

Lindy đã trở nên im lặng, và khi quay lại nhìn bà, ánh sáng không đủ rõ cho tôi đoán bà đang nghĩ gì.

 

“Lindy, cái văn phòng ở đâu? Chúng ta phải tìm được nó.”

 

Cuối cùng, bà cũng giơ bức tượng chỉ về cuối phòng, rồi dẫn đường qua những dãy bàn, vẫn không nói một tiếng. Khi đã đến bên cửa, tôi áp tai vào cửa một lúc, và khi không nghe thấy gì mới thận trọng đẩy cửa.

 

Chúng tôi đang ở trong một phòng dài và hẹp hình như chạy song song với phòng khiêu vũ. Vẫn còn một ngọn đèn lờ mờ ở đâu đó, vừa đủ cho chúng tôi thấy đường mà không cần đèn pin. Đây rõ ràng không phải văn phòng mà tôi đang tìm kiếm, mà là một khu vực nửa quầy phục vụ, nửa nhà bếp. Những mặt quầy dài và rộng chạy dọc hai bên tường, để lại một lối đi ở giữa đủ rộng cho đầu bếp tô điểm những nét cuối cho món ăn.

 

Nhưng Lindy có vẻ thông thạo nơi này và bước nhanh quả quyết qua lối đi giữa. Nửa đường, bà bất chợt dừng lại xem xét một khay bánh còn lại trên quầy.

 

“Ô, bánh quy này!” Bà có vẻ đã hoàn toàn trở lại thư thái. “Tệ quá, lại bọc ni lông cả. Tôi đói mềm người rồi. Hê! Xem thử trong này là cái gì.”

 

Bà bước thêm vài bước nữa, đến một cái nắp hình vòm, liền nhấc lên. “Nhìn này cưng ơi. Cái này trông ngon quá đi mất!”

 

Bà đang cúi người trên một con gà tây quay mũm mĩm. Thay vì đậy lại nắp, bà cẩn thận đặt nó xuống bên cạnh.

 

“Anh có nghĩ họ sẽ bực nếu tôi rút một chân không?”

 

“Tôi nghĩ họ sẽ bực lắm, Lindy ạ. Nhưng kệ xác.”

 

“Em bé này to quá. Anh muốn chia với tôi một chân không?”

 

“Được, sao lại không?”

 

“Được rồi. Đi nào.”

 

Bà đưa tay về phía con gà. Rồi bỗng bà đứng thẳng lên và quay lại nhìn tôi.

 

“Thế thì điều lúc nãy nghĩa là thế nào?”

 

“Cái gì nghĩa là thế nào?”

 

“Cái điều anh vừa nói ấy. Anh nói anh không ngạc nhiên. Về ý kiến của tôi. Như thế nghĩa là thế nào?”

 

“Nào, tôi xin lỗi. Tôi không có ý xấu. Chỉ là tôi nghĩ thành tiếng, thế thôi.”

 

“Nghĩ thành tiếng à? Vậy thì anh nghĩ thành tiếng thêm chút nữa đi? Tôi bảo có lẽ một vài người trong số họ xứng đáng nhận giải, câu đó thì có gì ngớ ngẩn nào?”

 

“Thế này, tôi chỉ nói một điều là có những người không ra gì lại được giải thưởng. Thế thôi. Nhưng có lẽ bà biết rõ hơn. Bà nghĩ đấy không phải điều đã xảy ra…”

 

“Nhiều người trong số họ có khi đã làm việc quần quật để tới được như hiện tại. Và có thể họ cũng đáng được một chút công nhận nhỏ nhoi. Vấn đề với những người như anh là, chỉ vì Chúa đã ban tặng tài năng đặc biệt cho anh, anh nghĩ như thế là anh có quyền được mọi thứ. Là anh hơn hẳn tất cả mọi người, là anh đáng đứng hàng đầu mọi nơi mọi lúc. Anh không thấy có hàng đống người kém may mắn hơn đang phải làm việc vất vả để có chỗ đứng trên đời…”

 

“Thế bà nghĩ tôi không vất vả chứ gì? Bà nghĩ tôi chỉ ngồi lê cả ngày chắc? Tôi đổ mồ hôi sôi nước mắt để làm ra một thứ có giá trị, một thứ đẹp đẽ, rồi ai là người được công nhận? Jake Marvell! Những người như bà!”

 

“Làm sao anh dám…! Tôi thì liên quan gì đến cái này? Có phải tôi nhận giải hôm nay không? Đã ai cho tôi một cái giải gì bao giờ chưa? Có bao giờ tôi được nhận, kể cả hồi đi học, một cái giấy của nợ gì về hát hò nhảy múa hay một thứ chết tiệt gì khác? Không có! Không có bao giờ! Tôi phải giương mắt nhìn tất cả, cả đám khốn nạn nhà anh, đi lên đó, vác giải về, và bố mẹ các anh vỗ tay…”

 

“Không có giải? Không có giải? Nhìn bà xem! Ai là người được nổi tiếng? Ai là người được nhà to…”

 

Đúng lúc đó có người bật công tắc và chúng tôi đứng chớp mắt nhìn nhau trong luồng ánh sáng gắt. Có hai người đã vào theo cùng lối chúng tôi vào, và giờ đang đi lại gần chúng tôi. Lối đi ở giữa chỉ đủ để họ chen vai bước lên. Một ông da đen khổng lồ mặc đồng phục bảo vệ khách sạn, trong tay cầm vật lúc đầu tôi nghĩ là súng nhưng nhận ra chỉ là máy bộ đàm. Bên cạnh là ông da trắng nhỏ hơn mặc sơ mi xanh nhạt với mái tóc đen bóng lộn. Cả hai trông đều không có ý định tỏ ra lịch thiệp. Họ dừng lại cách chúng tôi khoảng một hai mét, rồi ông nhỏ hơn rút thẻ khỏi túi áo.

 

“Sở cảnh sát Los Angeles,” ông ta nói. “Morgan.”

 

“Hân hạnh làm quen,” tôi nói.

 

Trong một lúc viên cảnh sát và bảo vệ chỉ nhìn chúng tôi im lặng. Rồi ông ta hỏi:

 

“Khách nghỉ ở đây?”

 

“Vâng,” tôi đáp. “Chúng tôi ở đây.”

 

Tôi cảm thấy chất vải mềm trên áo Lindy cọ khẽ vào lưng. Rồi bà đã nắm lấy cánh tay tôi và chúng tôi đứng sánh vai nhau.

 

“Chào buổi đêm, ngài cảnh sát,” bà nói bằng một giọng uể oải, êm ru chẳng giống gì lệ thường.

 

“Chào buổi đêm, thưa bà,” viên cảnh sát nói. “Ông bà có lý do đặc biệt gì để thức giấc giờ này không?”

 

Chúng tôi cùng lên tiếng trả lời một lúc, rồi cùng bật cười. Nhưng hai người kia không cười cũng không nhếch mép.

 

“Chúng tôi chỉ đang khó ngủ,” Lindy nói. “Thế nên chúng tôi đi dạo loanh quanh.”

 

“Đi dạo loanh quanh.” Viên cảnh sát nhìn quanh trong ánh sáng trắng lòa. “Có lẽ tìm xem có gì ăn được nữa.”

 

“Đúng rồi đấy, thưa ngài sĩ quan!” Lindy vẫn giữ cái giọng khó tả. “Chúng tôi cảm thấy hơi đói, chắc ngài cũng biết cái cảm giác giữa đêm khuya.”

 

“Tôi nghĩ là phục vụ phòng không chất lượng lắm,” viên cảnh sát nói.

 

“Không, chẳng được gì,” tôi nói.

 

“Chỉ có những thứ thông thường,” viên cảnh sát nói. “Thịt nướng, pizza, humburger, bánh kẹp ba tầng. Tôi biết vì chính tôi cũng vừa gọi phục vụ phòng ca đêm. Nhưng có thể ông bà không thích mấy loại đó.”

 

“Ôi, ông hiểu vì sao mà, thưa ngài sĩ quan,” Lindy nói. “ Vấn đề ở cái thú. Cái thú được lẻn ra ngoài và cắn một miếng, ngài hiểu không, một miếng đồ cấm, cũng như hồi còn bé?”

 

Cả hai đều không tỏ dấu hiệu mủi lòng. Nhưng viên cảnh sát nói:

 

“Xin lỗi phải làm phiền ông bà. Nhưng ông bà cũng hiểu khu vực này không dành cho khách. Và có một hai món đồ đã bị mất vừa đây xong.”

 

“Thật à?”

 

“Phải. Ông bà có thấy gì bất thường hay khả nghi đêm nay không?”

 

Lindy và tôi nhìn nhau, rồi bà lắc đầu thật lực với tôi.

 

“Không,” tôi nói. “Chúng tôi không thấy gì bất thường cả.”

 

“Không có chút gì à?”

 

Người bảo vệ đang bước đến gần hơn, và lúc này thì bước qua chúng tôi, ép người lách qua quầy. Tôi nhận ra mục đích là để ông ta kiểm tra được chúng tôi gần hơn, để xem liệu chúng tôi có giấu gì trên người không, trong lúc người kia giữ chúng tôi tiếp tục nói.

 

“Không, không có gì cả,” tôi nói. “Ông nghĩ có thể là chuyện gì?”

 

“Những người khả nghi. Hoạt động trái khoáy.”

 

“Ngài sĩ quan, có phải ý ông là,” Lindy kêu lên kinh hoảng, “có phòng ai bị đột nhập phải không?”

 

“Không hẳn thế, thưa bà. Nhưng một số đồ vật giá trị đã mất tích.”

 

Tôi có thể cảm thấy người bảo vệ dịch chuyển đằng sau chúng tôi.

 

“Vì thế ông mới ở đây với chúng tôi,” Lindy nói. “Để bảo vệ con người và tài sản của chúng tôi.”

 

“Đúng thế, thưa bà.” Ánh mắt viên cảnh sát chuyển hướng một ly và tôi có cảm giác ông ta vừa giao mắt với người bảo vệ đằng sau lưng tôi. “Thế nên nếu bà có thấy gì bất thường, làm ơn gọi ngay cho bảo vệ.”

 

Cuộc vấn đáp có vẻ đến đây là hết và viên cảnh sát đứng lùi một bên cho chúng tôi ra. Nhẹ người, tôi cất bước định đi, nhưng Lindy đã nói:

 

“Tôi nghĩ là chúng tôi cũng khá hư, đi xuống đây tìm cái ăn thế này. Chúng tôi đã định tự tiện lấy một miếng bánh ga tô đằng kia, nhưng rồi nghĩ chắc nó dành cho một dịp đặc biệt và làm hỏng nó thì thật đáng trách.”

 

“Phục vụ phòng ở khách sạn này tốt lắm,” viên cảnh sát nói. “Hai tư trên hai tư.”

 

Tôi giật tay Lindy, nhưng giờ có vẻ bà đã buông mình cho cơn gàn dở người ta hay nói tới, khi kẻ có tội vờn quanh cái nguy cơ bị phát hiện.

 

“Và chính ngài cũng vừa gọi lên, phải không ngài sĩ quan?”

 

“Vâng.”

 

“Và đồ ăn có được không?”

 

“Khá được. Tôi khuyên ông bà cũng nên làm thế.”

 

“Để yên cho các ngài ấy tiếp tục điều tra nào,” tôi nói và giật tay bà. Nhưng bà không chịu thua.

 

“Ngài sĩ quan, tôi hỏi một điều được không?” bà nói. “Ngài có phiền không?”

 

“Bà cứ hỏi.”

 

“Ngài vừa nói về chuyện thấy gì đó bất thường. Thế ngài có thấy gì bất thường không? Về chúng tôi ấy?”

 

“Tôi không hiểu bà nói gì, thưa bà.”

 

“Như là cả hai chúng tôi mặt đều quấn kín băng này? Ngài có để ý thấy không?”

 

Viên cảnh sát nhìn chúng tôi thật kỹ, như để kiểm định lại nhận xét của bà. Rồi ông ta nói: “Thực tình là tôi có nhận thấy, thưa bà, có. Nhưng tôi không muốn phát biểu nhằm vào cá nhân.”

 

“Ồ, tôi hiểu,” Lindy nói. Rồi quay sang tôi: “Chẳng phải là ngài sĩ quan đây tế nhị lắm sao?”

 

“Đi thôi,” tôi nói, nắm tay bà kéo đi thật lực. Tôi còn cảm thấy cả hai người nhìn theo sau lưng suốt tới lối ra.

 

 

 

 

 

Chúng tôi đi qua phòng khiêu vũ với vẻ ngoài bình tĩnh. Nhưng khi đã qua cánh cửa đôi, chúng tôi đầu hàng cơn sợ hãi và gần như co cẳng chạy. Vẫn khoác tay nhau, chúng tôi hết đâm sầm vào nhau lại ngã dúi dụi trong lúc Lindy dẫn đường tôi qua khách sạn. Rồi bà lôi tôi vào buồng thang máy dành cho nhân viên, và chỉ khi cửa đóng và thang chạy lên bà mới buông ra, tựa lưng vào vách thang kim loại mà phát ra một chuỗi tiếng kêu kỳ dị, tôi nhận ra đó là tiếng cười điên dại qua bộ lọc của lớp băng quấn.

 

Khi chúng tôi ra khỏi thang máy, bà lại khoác lấy tay tôi. “Được rồi, an toàn rồi,” bà nói. “Bây giờ tôi muốn đưa anh đến chỗ này. Đây thực sự là một chỗ đáng kể. Nhìn xem?” Bà giơ một chiếc thẻ phòng lên. “Để xem nó làm được những gì.”

 

Bà dùng chiếc thẻ mở một cánh cửa có biển “Không nhiệm vụ miễn vào”, rồi một cửa “Nguy hiểm. Không vào”. Và chúng tôi đã đứng giữa một nơi đầy mùi sơn và vữa. Các loại dây thả xuống lủng lẳng trên trần và tường, sàn nhà lạnh còn đang sũng nước và ố bẩn. Chúng tôi nhìn rõ được vì một vách tường phòng toàn bằng kính - chưa có màn hay rèm cửa gắn vào - và đèn đường bên ngoài hắt khắp phòng những vệt vàng dìu dịu. Chúng tôi còn đang ở cao hơn tầng mình nữa: trước mặt là toàn cảnh đường cao tốc và vùng lân cận, như nhìn từ trực thăng.

 

“Đây sẽ là một phòng tổng thống mới,” Lindy nói. “Tôi rất thích đến đây. Vẫn chưa có đèn, chưa có thảm. Nhưng nó đang dần dần thành hình. Lần đầu tôi thấy, nó còn sơ sài hơn nhiều. Bây giờ anh đã thấy dáng vẻ chung của nó. Còn có cả cái đi văng này nữa.”

 

Ở giữa phòng có một vật lù lù trùm vải lên trên. Lindy đi tới như một người quen cũ và thả mình xuống mệt mỏi.

 

“Tôi có một giấc mơ,” bà nói, “nhưng tôi gần như tin vào nó. Người ta xây phòng này chỉ để cho tôi. Vì thế tôi mới vào được đây. Toàn bộ việc này. Đấy là vì họ muốn giúp tôi. Giúp tôi xây dựng tương lai. Chỗ này lúc trước cực kỳ hỗn độn. Nhưng giờ nhìn xem. Nó đang định hình. Rồi ra nó sẽ tuyệt lắm.” Bà vỗ lên mặt ghế cạnh mình. “Lại đây, cưng, ngồi nghỉ chút đi. Tôi thấy rã rời cả người. Chắc anh cũng vậy.”

 

Cái đi văng - hoặc bất kỳ cái gì nằm dưới tấm vải - êm ái đến ngạc nhiên, và ngay khi ngồi xuống, tôi đã thấy cơn mệt mỏi đổ ập lên mình.

 

“Ôi trời. Tôi buồn ngủ quá đi mất,” bà nói, và tôi thấy sức nặng của bà tì lên vai. “Chỗ này có tuyệt không? Tôi thấy cái thẻ trong ổ khóa, khi lên đây lần đầu tiên.”

 

Chúng tôi im lặng một lúc, và tôi thấy mình đang lơ mơ ngủ. Nhưng rồi tôi nhớ ra một điều.

 

“Này, Lindy.”

 

“Ưm?”

 

“Lindy. Cái giải thưởng thế nào rồi?”

 

“Cái giải thưởng? À ờ. Cái giải thưởng. Tôi giấu nó rồi. Tôi còn làm gì được? Anh biết không, cưng ạ, anh thật sự xứng đáng nhận cái giải đó. Tôi hy vọng anh cũng thấy có ý nghĩa gì, việc tôi trao giải cho anh tối nay ấy, cách tôi đã làm. Đấy không phải là thói ngông trong phút chốc đâu. Tôi đã suy nghĩ chuyện đó. Tôi nghĩ rất là kỹ. Tôi không biết nó có ý nghĩa nhiều với anh không. Tôi không biết liệu mười hay hai mươi năm nữa anh có còn nhớ nó không.”

 

“Tôi sẽ nhớ, tất nhiên rồi. Và nó có ý nghĩa nhiều lắm. Nhưng Lindy này, bà bảo bà giấu nó, nhưng ở đâu? Bà giấu nó ở đâu?”

 

“Ừm?” Bà đã lại gà gật. “Tôi giấu nó ở chỗ duy nhất giấu được. Tôi nhét nó vào con gà tây.”

 

“Bà nhét nó vào con gà tây.”

 

“Tôi đã làm một việc y hệt một lần hồi lên chín. Tôi giấu quả bóng dạ quang của chị tôi trong con gà tây. Nhờ thế tôi mới nghĩ ra lúc ấy. Tôi nhanh trí nhỉ, phải không?”

 

“Phải, tất nhiên rồi.” Tôi thấy mệt kinh khủng, nhưng buộc mình phải tập trung. “Nhưng Lindy này, bà giấu có kỹ không? Ý tôi là, liệu bây giờ hai người đó đã có thể tìm ra chưa?”

 

“Tôi cho là không. Không có cái gì thò ra cả, nếu ý anh là thế. Làm sao họ lại nghĩ ra mà tìm ở đó được? Tôi ấn nó vào đằng sau lưng mình, thế này này. Cứ thế mà ấn. Tôi không quay lại nhìn, vì nếu thế hai cậu đó sẽ nghĩ xem tôi làm gì. Đấy không phải thói ngông phút chốc đâu, anh biết không. Quyết định trao giải cho anh ấy. Tôi đã suy nghĩ chuyện đó, nghĩ nhiều lắm. Tôi cực kỳ hy vọng nó có ý nghĩa gì với anh. Ôi trời, tôi muốn ngủ.”

 

Bà đổ ập vào tôi và chốc sau đã vang lên tiếng ngáy. Lo cho vết mổ của bà, tôi lựa đầu bà cẩn thận để má bà không tì lên vai mình. Rồi cả tôi cũng thiếp đi.

 

 

 

 

 

Tôi giật mình tỉnh dậy thì thấy bình minh đang chớm đến trong khung cửa sổ lớn đùng trước mặt. Lindy vẫn ngủ rất say, nên tôi thận trọng giải phóng mình khỏi bà, đứng dậy vươn vai. Tôi đến bên cửa sổ nhìn lên bầu trời sáng mờ và đường cao tốc bên dưới. Có gì đó cứ vẩn trong đầu trong khi tôi ngủ và tôi cố nghĩ lại xem là gì, nhưng óc tôi cứ ù lên và rã rời cả. Rồi tôi nhớ ra, liền quay lại đi văng lay Lindy dậy.

 

“Cái gì thế? Cái gì thế? Anh muốn gì?” bà nói mà không mở mắt.

 

“Lindy,” tôi nói. “Cái giải thưởng. Chúng ta đã quên mất cái giải thưởng.”

 

“Tôi đã nói với anh rồi. Nó ở trong con gà tây.”

 

“Được rồi, giờ nghe này. Mấy người cảnh sát có thể không nghĩ đến chuyện tìm trong con gà tây. Nhưng sớm hay muộn cũng sẽ có người tìm thấy. Có thể người ta đang cắt nó ra ngay lúc này cũng nên.”

 

“Thế thì sao? Thì họ tìm thấy nó trong ấy. Thế thì sao?”

 

“Họ tìm thấy nó trong ấy, họ báo lại phát hiện này. Rồi ông cảnh sát nhớ lại chúng ta. Ông ta nhớ lại chúng ta đang ở đó, đứng ngay cạnh con gà.”

 

Lindy có vẻ tỉnh hơn. “Phải rồi,” bà nói. “Tôi hiểu anh nói gì rồi.”

 

“Trong lúc cái tượng còn ở trong con gà, họ còn có thể truy ra chúng ta là thủ phạm.”

 

“Thủ phạm à? Này, anh nói thủ phạm là thế nào?”

 

“Bà gọi là gì cũng được. Chúng ta phải quay lại đó lấy nó ra khỏi con gà. Sau rồi chúng ta bỏ lại đâu cũng được. Nhưng chúng ta không thể để nó lại chỗ của nó bây giờ.”

 

“Cưng ơi, anh có chắc là chúng ta cần làm thế không? Tôi mệt quá chừng.”

 

“Chúng ta phải làm thế, Lindy. Chúng ta cứ để nó đấy thì bà sẽ gặp rắc rối. Và phải nhớ đây là một chuyện cánh nhà báo sẽ nhảy xổ vào.”

 

Lindy suy nghĩ một lúc, rồi thẳng người lên một khúc và nhìn lên tôi. “Được rồi,” bà nói. “Chúng ta quay lại đó.”

 

 

 

 

 

Đến lúc này tiếng cọ rửa và tiếng người nói đã vang trong hành lang, nhưng chúng tôi vẫn tới được phòng khiêu vũ mà không phải gặp ai. Ánh sáng cũng dễ nhìn hơn, và Lindy chỉ cho tôi tấm bảng thông báo bên cửa. Trên đó có dòng chữ bằng nhựa ghép từng ký tự: J. A. THIẾT BỊ CỌ RỬA HỒ BƠI – GỒM BỮA SÁNG.

 

“Thảo nào mà chúng ta không tìm được cái văn phòng để đầy giải thưởng,” bà nói. “Không phải phòng khiêu vũ này.”

 

“Chẳng có gì khác cả. Cái chúng ta cần bây giờ là ở trong này.”

 

Chúng tôi đi qua phòng khiêu vũ, rồi thận trọng đi vào phòng bếp. Cũng giống lúc trước, có một ngọn đèn lờ mờ vẫn để, và bây giờ có thêm cả chút ánh sáng trời chiếu vào qua cửa sổ thông gió. Không có ai ở đây, nhưng khi nhìn qua hai dãy quầy cạnh tường, tôi thấy chúng tôi đã gặp rắc rối.

 

“Xem ra đã có người ở đây,” tôi nói.

 

“Phải.” Lindy bước thêm vài bước dọc lối đi, quay nhìn xung quanh. “Phải. Nhìn phía này.”

 

Tất cả hộp trà, khay đựng, hộp bánh, đĩa đậy nắp vòm bạc chúng tôi thấy hôm qua giờ đã biến sạch. Thay vào đó là những chồng đĩa ăn và khăn ăn gọn gàng sắp hàng cách đều nhau.

 

“Được rồi, thế là họ đã mang hết đồ ăn đi,” tôi nói. “Câu hỏi là: đi đâu?”

 

Lindy đi sâu thêm vào trong, rồi quay lại nhìn tôi. “Anh nhớ không, Steve, đêm qua lúc chúng ta ở đây, trước khi mấy ông đó vào ấy? Chúng ta đang có một cuộc tranh luận sôi nổi.”

 

“Có, tôi có nhớ. Nhưng nói lại chuyện đó làm gì? Tôi biết mình đã đi quá đà.”

 

“Phải rồi, quên chuyện đó đi. Thế thì con gà tây đi đâu rồi nhỉ?” Bà lại nhìn quanh. “Anh biết không, Steve? Hồi tôi còn nhỏ, tôi muốn trở thành vũ công và ca sĩ biết mấy. Và tôi cố mãi cố mãi, có Chúa làm chứng, nhưng người ta chỉ cười, và tôi nghĩ, thế giới này thật bất công. Nhưng rồi tôi lớn lên một chút và nhận ra rằng thế giới không bất công, dù sao đi nữa. Rằng kể cả nếu anh là một đứa như tôi, một kẻ bất hạnh vô tài, thì vẫn còn cơ hội cho anh, anh vẫn có thể tìm được một chỗ đứng, anh không phải chấp nhận làm một kẻ trong công chúng. Sẽ không dễ dàng gì. Anh sẽ phải nhọc công vì nó, chưa kể những gì người ta nói. Nhưng chắc chắn là vẫn còn cơ hội.”

 

“Chà, có vẻ như bà đã làm tốt.”

 

“Thế giới này vận hành thật buồn cười. Anh biết không, tôi nghĩ làm thế là rất khôn ngoan. Vợ anh ấy, ý tôi là thế. Khi khuyên anh làm ca mổ này.”

 

“Chúng ta đừng nói về cô ấy. Này, Lindy, bà có biết nó dẫn đi đâu không? Đằng kia kìa?”

 

Đầu bên kia phòng, nơi hai dãy quầy chấm dứt, có ba bậc cấp dẫn lên một cánh cửa xanh.

 

“Sao chúng ta không thử xem?” Lindy nói.

 

Chúng tôi mở cửa cũng thận trọng như lúc trước, rồi trong một lúc tôi hoàn toàn mất phương hướng. Ở đây tối mịt và mỗi lần tôi cố quay đầu là thấy mình đang đập vào màn hay vải dầu. Lindy, đã chiếm lấy cây đèn pin, có vẻ di chuyển dễ dàng hơn đâu đó đằng trước. Rồi tôi lộn nhào vào một khoảng không tối om, nơi bà đang đứng đợi tôi, chiếu đèn pin vào chân tôi.

 

“Tôi nhận ra rồi,” bà thì thầm. “Anh không thích nói về cô ấy. Vợ anh ấy, ý tôi là thế.”

 

“Không hẳn,” tôi thì thầm đáp. “Chúng ta ở đâu đây?”

 

“Và cô ấy không bao giờ đến thăm.”

 

“Đấy là vì chúng tôi không hẳn đang ở với nhau vào thời gian này. Nếu bà muốn biết.”

 

“Ôi, tôi xin lỗi. Tôi không có ý tọc mạch.”

 

“Bà không có ý tọc mạch?!”

 

“Này, cưng ơi, nhìn xem! Nó đây này! Chúng ta tìm ra rồi!”

 

Bà đang lia cây đèn vào cái bàn cách đó vài bước. Trên đó phủ khăn bàn trắng, và hai đĩa đậy nắp bạc đặt cạnh nhau.

 

Tôi đi lại cái đầu tiên và cẩn thận nhấc nắp. Đúng như đã nghĩ, một con gà tây quay bự đặt trên đĩa. Tôi tìm xem hốc bụng đâu và thọc ngón tay vào.

 

“Không có gì cả,” tôi nói.

 

“Anh phải thò hẳn vào cơ. Tôi đẩy tít vào bên trong. Mấy con này to hơn anh tưởng đấy.”

 

“Tôi nói là không có gì cả. Đem đèn lại đây. Chúng ta sẽ thử con này.” Tôi cẩn thận nhấc nắp đậy con thứ hai.

 

“Anh biết không, Steve à, tôi nghĩ đấy là một sai lầm. Anh không phải ngượng khi nói về chuyện đó.”

 

“Nói về chuyện gì?”

 

“Về chuyện vợ chồng anh ly thân.”

 

“Tôi nói chúng tôi ly thân à? Tôi nói thế à?”

 

“Tôi tưởng…”

 

“Tôi nói chúng tôi không hẳn đang ở với nhau. Hai chuyện không phải một.”

 

“Nghe có vẻ như là một…”

 

“Thế đấy, không phải. Đấy chỉ là chuyện tạm thời, một điều chúng tôi đang thử. Này, tôi đã thấy gì đó. Có thứ gì đó trong này. Đúng nó rồi.”

 

“Thế sao anh không lôi nó ra, cưng ơi?”

 

“Thế bà nghĩ tôi đang làm gì? Chúa ơi! Sao bà phải đẩy vào sâu thế này chứ?”

 

“Suỵt! Có người ở ngoài kia!”

 

Thoạt đầu khó mà nói được có bao nhiêu người ở đó. Rồi giọng nói đến gần hơn và tôi nhận ra chỉ có một người, nói không ngừng vào một cái điện thoại. Tôi cũng nhận ra đích xác thì chúng tôi ở đâu. Tôi cứ ngỡ chúng tôi chỉ đi lạc vào một khu vực nhà kho vẩn vơ nào đấy, nhưng thực tế là chúng tôi đang ở đúng trên sân khấu, và tấm màn trước mặt đây là thứ duy nhất ngăn chúng tôi với phòng khiêu vũ. Người đang nói điện thoại vậy là đang đi ngang phòng khiêu vũ lên sân khấu.

 

Tôi thì thầm bảo Lindy tắt đèn pin và thế là xung quanh tối om. Bà nói khẽ vào tai tôi: “Ra khỏi đây thôi,” và tôi nghe thấy bà đang chuồn đi. Tôi cố lôi bức tượng ra khỏi con gà lần nữa, nhưng bây giờ tôi rất sợ phát ra tiếng động, và hơn nữa, những ngón tay tôi không tiến được thêm chút nào.

 

Giọng nói cứ tiến lại gần cho đến khi có vẻ như người này đang đứng ngay trước mặt tôi.

 

“… Đấy không phải việc của tôi, Larry. Chúng ta cần có logo in trên thực đơn. Tôi không cần biết anh làm thế nào. Được rồi, thế thì anh tự làm lấy. Đúng thế, anh tự làm lấy, tự mang đến đây, tôi không cần biết anh làm thế nào. Mang đến đây trong sáng nay, chậm nhất là bảy rưỡi. Ta cần chúng nó ở đây. Bàn tiệc đều ổn. Có khối bàn, cứ tin tôi. Được rồi. Tôi sẽ kiểm tra cái đó. Được rồi, được rồi. Phải. Tôi sẽ kiểm tra cái đó ngay bây giờ.”

 

Đến khúc cuối, giọng anh ta đã đi sang một bên phòng. Giờ chắc anh ta vừa bật công tắc trên một bảng điều khiển nào đấy, vì một luồng sáng gắt rọi xuống đúng đầu tôi, và cả một tiếng rừ rừ như tiếng máy điều hòa vừa bật. Chỉ có điều tôi nhận ra đấy không phải máy điều hòa, mà là màn sân khấu đang mở ra ngay trước mặt tôi.

 

Đã hai lần trong đời diễn của mình tôi lâm vào tình huống đang ở trên sân khấu, sắp chơi một bản solo, và thình lình tôi thấy mình không biết phải bắt đầu thế nào, đang ở gam gì, chuỗi hợp âm ra sao. Cả hai lần gặp cảnh ấy, tôi chỉ đứng đờ ra, như ảnh tĩnh từ một bộ phim, đến khi một cậu trong ban nhảy vào giải cứu. Chuyện đó chỉ xảy ra hai lần trong hơn hai chục năm chơi chuyên nghiệp. Dù gì thì, đấy là phản ứng của tôi khi ánh đèn pha rọi xuống đầu và tấm màn chuyển động. Tôi đứng đờ người. Và thật kỳ cục là tôi thấy khá dửng dưng. Tôi thấy hơi hiếu kỳ một chút, muốn xem mình sẽ thấy gì một khi màn mở hết.

 

Cái tôi thấy là phòng khiêu vũ, và từ vị trí trên sân khấu nhìn xuống tôi cảm nhận rõ hơn bài trí của hai dãy bàn ăn chạy song song đến tận cuối phòng. Ánh đèn trên đầu làm cả phòng tối đi đôi chút, nhưng tôi cũng nhìn ra bộ đèn chùm và cái trần nhà cầu kỳ.

 

Người nói điện thoại là một ông hói quá khổ mặc vét màu nhạt, sơ mi hở cổ. Chắc ông ta đã đi khỏi tường ngay sau khi bật công tắc, vì giờ ông ta gần như ngang hàng với tôi. Điện thoại ấn chặt vào tai, nhìn vẻ mặt thì phải đoán ông ta đang lắng nghe tập trung cao độ xem đầu bên kia nói gì. Nhưng tôi nghĩ là không phải thế, vì ông ta đang dán mắt vào tôi. Ông ta cứ thế nhìn tôi và tôi cứ thế nhìn ông, và tình huống này có thể kéo dài vô tận nếu sau đó ông ta không nói, có lẽ để trả lời bên kia hỏi xem tại sao thình lình lặng yên.

 

“Không có gì. Không có gì. Chỉ có một người thôi.” Ngừng một lúc, rồi nói tiếp: “Tôi đã tưởng là có gì khác. Nhưng chỉ là một người thôi. Có cái đầu quấn băng, mặc áo ngủ. Chỉ có thế thôi, tôi thấy rồi. Chỉ có điều là anh ta có con gà hay cái gì đó mắc ở đầu cánh tay.”

 

Đứng thẳng lên, tôi duỗi tay theo bản năng tựa như đang so vai. Bàn tay phải vẫn còn trong con gà ngập đến cổ tay, trọng lượng của nó kéo cả khối rơi trở lại đánh rầm. Nhưng ít nhất tôi cũng không phải lo giấu giếm nữa, nên tôi cứ thế tới luôn, không có gì cản trở, cố gắng giải phóng cả bàn tay lẫn bức tượng. Trong lúc đó người kia vẫn nói điện thoại.

 

“Không, đúng như tôi vừa nói đấy. Và giờ anh ra đang giũ con gà ra. Ồ, và anh ta đang lấy trong đó ra một thứ gì đó. Ê cậu, đấy là cái gì thế? Con cá sấu à?”

 

Mấy lời cuối này ông ta nói với tôi với vẻ thản nhiên đáng nể. Nhưng giờ tôi đã nắm được bức tượng trong tay và con gà rơi xuống sàn nhà đánh phịch. Trong lúc hối hả trở lại bóng tối đằng sau lưng, tôi nghe thấy người kia nói với bạn:

 

“Làm thế quái nào tôi biết được? Một tiết mục ảo thuật, chắc vậy.”

 

 

 

 

 

Tôi không nhớ làm thế nào chúng tôi trở lại được tầng mình. Tôi đã lại lạc lối giữa một mớ lùng nhùng những màn tuột khỏi sân khấu, rồi bà đã hiện ra túm lấy tay tôi. Một phút sau, chúng tôi đã hối hả chạy qua khách sạn, không buồn để ý là đang gây ồn ào đến đâu hay có ai thấy mình. Đâu đó trên đường đi tôi bỏ lại bức tượng trên một khay đồ ăn đang đặt bên ngoài cửa một phòng ngủ, cạnh những gì còn lại sau bữa tối của ai đó.

 

Trở lại phòng bà, chúng tôi thụp người xuống xô pha và cười ầm ĩ. Chúng tôi cười đến khi ngã bổ vào người nhau, rồi bà đứng dậy, đến bên cửa sổ kéo mành. Bây giờ bên ngoài đã có ánh sáng, mặc dù trời khá âm u. Bà đi lại tủ rượu để pha đồ uống - “món cốc tai không cồn quyến rũ nhất thế giới” - và mang một ly lại cho tôi. Tôi nghĩ bà sẽ ngồi xuống cạnh tôi, nhưng bà bước trở lại bên cửa, nhấp ly của mình.

 

“Anh có mong ngóng không, Steve?” một lúc sau bà hỏi. “Đến ngày tháo băng ấy?”

 

“Có. Tôi nghĩ vậy.”

 

“Mới tuần trước, tôi còn không nghĩ đến nhiều lắm. Có vẻ như còn rất xa. Nhưng bây giờ không còn lâu mấy nữa.”

 

“Đúng thế,” tôi nói. “Với tôi cũng không còn lâu mấy.” Rồi tôi nói nhỏ: “Chúa ơi.”

 

Bà nhấp rượu và nhìn ra ngoài cửa sổ. Rồi tôi nghe bà nói: “Này cưng ơi, anh có chuyện gì thế?”

 

“Tôi ổn mà. Tôi chỉ thiếu ngủ một chút, thế thôi.”

 

Bà nhìn tôi một lúc. “Tôi nói anh nhé, Steve,” cuối cùng bà nói. “Sẽ ổn cả thôi. Boris là tay cừ nhất. Rồi anh xem.”

 

“Phải.”

 

“Này, anh có chuyện gì thế? Nghe này, với tôi là lần thứ ba rồi. Lần thứ hai với Boris. Rồi sẽ ổn cả thôi. Trông anh sẽ cực kỳ, rất cực kỳ. Và sự nghiệp của anh nữa. Từ giờ trở đi nó sẽ nhảy vọt.”

 

“Có thể.”

 

“Không có có thể gì hết! Rồi nó sẽ thành khác hẳn, cứ tin tôi. Anh sẽ lên tạp chí, sẽ lên ti vi.”

 

Tôi không nói gì.

 

“Nào, thôi đi!” Bà bước vài bước lại gần. “Tươi lên nào. Không phải anh vẫn còn bực tôi chứ, phải không? Chúng ta vừa mới là một đội ăn ý, phải không? Và tôi muốn nói với anh điều này nữa. Từ giờ trở đi tôi sẽ vào đội của anh. Anh là một thiên tài, và tôi sẽ đảm bảo mọi việc đều thuận lợi cho anh.”

 

“Không ăn thua đâu, Lindy.” Tôi lắc đầu. “Không ăn thua đâu.”

 

“Không ăn thua cái con khỉ. Tôi sẽ đi gặp mấy người. Mấy người sẽ có ích cho anh lắm.”

 

Tôi vẫn lắc đầu. “Tôi rất cảm kích. Nhưng không được gì đâu. Không ăn thua đâu. Sẽ chẳng bao giờ ăn thua cả. Lẽ ra tôi không bao giờ nên nghe Bradley.”

 

“Nào, thôi đi. Có thể tôi không còn là vợ Tony nữa, nhưng tôi vẫn còn rất nhiều bạn tốt ở đây.”

 

“Tất nhiên rồi, Lindy, tôi biết. Nhưng không được gì đâu. Bà biết đấy, Bradley, ông bầu của tôi, ông ta thuyết phục tôi làm chuyện này. Tôi đúng là ngốc mới nghe lời ông ta, nhưng tôi không tránh được. Tôi đang tắc tị cả, rồi ông ta đưa ra giả thiết này. Ông ta nói vợ tôi, Helen, cô ấy có ý đồ này. Cô ấy không hẳn đã bỏ tôi. Không, đấy chỉ là một phần trong ý đồ của cô ấy. Cô ấy làm thế là vì tôi, để tôi có thể làm vụ mổ này. Và rồi khi tháo băng ra, và tôi có khuôn mặt mới, cô ấy sẽ trở lại và mọi chuyện sẽ lại ổn thỏa. Đấy là Bradley nói thế. Ngay lúc ông ta nói thế, tôi đã biết là chuyện vớ vẩn, nhưng tôi còn biết làm gì? Ít ra đấy cũng là một tia hy vọng. Bradley lợi dụng nó, ông ta lợi dụng nó, ông ta là thế, bà hiểu không? Ông ta là đồ mạt hạng. Trong đầu ông ta chỉ có chuyện làm ăn. Và chuyện đẳng cao. Ông ta đâu thèm quan tâm cô ấy có quay lại hay không?”

 

Tôi dừng lời và bà không nói gì một lúc lâu. Rồi bà nói:

 

“Nghe này, cưng, nghe tôi. Tôi hy vọng vợ anh quay lại. Tôi thực tình hy vọng thế. Nhưng nếu cô ấy không quay lại, thì, anh phải bắt đầu tìm góc nhìn mới. Cô ấy có thể là một người tuyệt vời, nhưng cuộc đời lớn hơn nhiều chứ không phải chỉ là chuyện yêu một ai đó. Anh phải xông pha, Steve. Một người như anh, anh không thuộc về công chúng. Nhìn tôi này. Khi lớp băng này bỏ ra, liệu tôi có thực sự sẽ giống như tôi của cách đây hai mươi năm? Tôi không biết. Và đã lâu lắm rồi kể từ lần cuối tôi trung chuyển giữa hai cuộc hôn nhân. Nhưng thế nào tôi cũng sẽ xông ra mà thử một lần xem.” Bà đến gần huých vào vai tôi. “Nào. Chỉ là anh mệt thôi. Anh sẽ thấy khá hơn nhiều sau khi ngủ một chút. Nghe này. Boris là tay cừ nhất. Ông ấy sẽ sửa chữa lại, cho cả hai ta. Rồi anh thấy.”

 

Tôi đặt ly xuống bàn và đứng lên. “Tôi nghĩ bà nói đúng. Như bà đã nói, Boris là tay cừ nhất. Và chúng ta quả là một đội ăn ý hồi lúc nãy.”

 

“Chúng ta là một đội cực kỳ ăn ý hồi lúc nãy.”

 

Tôi đưa tay ra, đặt lên hai vai bà, rồi hôn lên hai bên má quấn băng. “Bà cũng ngủ đi cho lại sức,” tôi nói. “Tôi sẽ lại qua và chúng ta lại chơi cờ nữa.”

 

 

 

 

 

Nhưng sau buổi sáng đó, chúng tôi không còn mấy khi gặp nhau. Về sau này khi tôi nhớ lại, đã có những điều nói ra đêm hôm ấy, những điều có lẽ tôi nên xin lỗi, hay ít nhất nên giải thích. Nhưng lúc ấy, khi chúng tôi đã trở lại phòng bà, và chúng tôi đã cùng ngồi cười trên ghế, có vẻ như không cần, thậm chí không đúng chỗ, nếu nhắc lại những điều đó. Khi chúng tôi chia tay sáng hôm ấy, tôi đã nghĩ hai chúng tôi đã vượt qua chuyện đó rồi. Ngay cả thế, tôi cũng đã thấy Lindy có thể thất thường ra sao. Có thể là sau đó bà nghĩ lại và lại thấy tức giận. Ai biết được? Dù sao thì, dù tôi đã chờ bà gọi điện trong ngày hôm ấy, nhưng bà chẳng hề gọi, cả ngày hôm sau cũng thế. Thay vào đó, tôi nghe giọng Tony Gardner bật bên kia tường, vặn tiếng to nhất, hết đĩa này đến đĩa khác.

 

Rồi cuối cùng tôi cũng lại qua, có lẽ là bốn ngày sau đó, bà có vẻ niềm nở, nhưng lạnh nhạt. Cũng như hôm đầu, bà kể rất nhiều về những bạn bè nổi tiếng của mình - dù không nói gì về chuyện nhờ họ giúp tôi thăng tiến. Dù thế, tôi cũng không buồn bực. Chúng tôi có bắt đầu chơi cờ, nhưng điện thoại của bà réo liên tục và bà lại vào phòng ngủ nói chuyện.

 

Buổi tối hai hôm trước bà gõ cửa phòng tôi, nói mình sắp trả phòng. Boris rất hài lòng với bà và đã đồng ý sẽ cho bà tháo băng tại nhà. Chúng tôi chào tạm biệt nhau thân thiện, nhưng có vẻ như lời chia tay thực sự đã nói từ trước rồi, từ sáng hôm đó ngay sau chuyến phiêu lưu, khi tôi đưa tay ra và hôn lên hai má bà.

 

Đấy là câu chuyện về thời kỳ tôi làm láng giềng của Lindy Gardner. Tôi cầu chúc bà may mắn. Còn với tôi, vẫn còn sáu ngày nữa mới tới lượt tôi lộ diện, và còn lâu nữa mới đến lúc tôi được phép thổi kèn. Nhưng giờ tôi đã quen với cuộc sống này, và tôi giết thời giờ một cách khá vui vẻ. Hôm qua tôi nhận được điện thoại của Helen hỏi thăm, và khi tôi kể mình đã làm quen với Lindy Gardner, cô ấy khâm phục hẳn hoi.

 

“Không phải bà ấy đã lại kết hôn rồi à?” cô hỏi. Và khi tôi đính chính lại, cô nói: “À, phải. Chắc là em đã nhầm với bà kia. Anh biết đấy. Cái bà ấy ấy.”

 

Chúng tôi nói chuyện khá lâu về những thứ lặt vặt - cô vừa xem gì trên ti vi, bạn cô vừa mang con ghé chơi. Rồi cô nói Prendergast có hỏi thăm tôi, và khi nói thế, giọng cô căng thẳng thấy rõ. Và tôi suýt nữa đã nói: “Ơ kìa? Có phải tôi vừa nhận thấy nỗi cáu kỉnh khi nhắc tên cục cưng không?” Nhưng tôi không nói. Tôi chỉ bảo cho tôi gửi lời chào, và cô không nhắc đến tên hắn ta lần nữa. Mà chắc là tôi cũng chỉ tưởng tượng ra thôi. Làm sao tôi biết, có thể cô chỉ đang nhử cho tôi nói mình biết ơn hắn.

 

Khi cô sắp dập máy, tôi nói: “Anh yêu em,” cái kiểu nói nhanh theo thói quen người ta vẫn đệm vào cuối cuộc nói chuyện với bạn đời. Nghe im lặng vài giây, rồi cô đáp lại, cũng theo kiểu đó. Rồi cô đã đi. Chúa biết được thế nghĩa là gì. Bây giờ không còn việc gì làm nữa, tôi nghĩ thế, ngoài việc đợi đến khi tháo băng. Và rồi thì sao? Có thể Lindy nói đúng. Có thể, như bà nói, tôi cần góc nhìn mới, và cuộc đời lớn hơn nhiều chứ không phải chỉ là chuyện yêu một ai đó. Có thể đây đúng là bước ngoặt đối với tôi, và đẳng cao đang đón chờ. Có thể bà nói đúng.