Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 15: Ngu lâu dốt dai khó đào tạo (2)

Tả Quý cầm bút viết đơn, đưa cho Tả Thiếu Dương bốc thuốc.

Tả Thiếu Dương vừa bốc thuốc vừa nói: - Đại ca, thuốc này cho bảy phần nước vào nồi, dùng lửa nhỏ đun, đun tới khi còn lại ba phần, gạn ra một phần, đồng thời nấu một bát cháo, uông thuốc xong thì húp bát cháo nóng.

- Nhất định phải húp cháo nóng à?

- Đúng thế, cháo nóng giúp ra mồ hôi, cảm lạnh phải chảy mồ hôi mới tốt. Mục đích thứ hai là phương thuốc canh quế chi này chủ yếu tác dụng là dưỡng thân, giúp toát mồ hôi phụ, nên cần thêm cháo nóng trợ giúp sức thuốc. Tả Thiếu Dương chọn dùng từ ngữ thật đơn giản để nói, chứ nếu nói cháo nóng giúp vị xuất trung tiêu, cổ vũ vị dương, khu trừ phong tà gì đó thì hoàn toàn khoe kiến thức, người bệnh hiểu mới là lạ.

Người trung niên hiểu ra ngay: - Ra là thế.

- Uống xong phần thuốc đầu tiên thì ngủ một canh giờ, đừng đắp chăn quá dầy, nếu không mồ hôi nhiều quá, trong chăn bí làm mồ hôi ngấm lại vào người không tốt. Mồ hôi chảy quá nhiều giống như chạy bộ thì còn tổn thương khí, nên vừa đủ thôi. Tả Thiếu Dương tiếp tục căn dặn: - Còn nữa, nếu uống xong đợt thuốc đầu thấy toàn thân toát mồ hôi rồi thì không uống thuốc nữa, đừng có thấy thừa thuốc lãng phí mà uống thêm, cái này gọi là trúng bệnh là dừng. Chỉ khi nào uống phần thuốc đầu tiên ngủ dậy chưa có mồ hôi mới uống tiếp, nếu vẫn chưa toát được mồ hôi thì cứ một canh giờ uống tiếp một lần, tức là giờ tới tối phải uống ba lần.

- Hả? Người trung niên giật mình: - Từ giờ tới tối là ba canh giờ, uống ba lần có gấp quá không?

- Điều này gọi là " ra mồ hôi không ngại sớm". Tả Thiếu Dương mỉm cười: - Bị cảm lạnh là phải ra mồ hôi càng sớm càng tốt, phong hàn nhập thân, phải đuổi nó ra ngay, không để nó làm tổn thương lục phủ ngũ tạng, nếu không bệnh nhỏ chuyển biến thành bệnh lớn thì phiền, nên phải dùng thế sét đánh không kịp bưng tai bóp chết nó ở ngoài da, không cho nó vào sâu trong cơ thể ủ thành đại họa.

Nghe Tả Thiếu Dương dùng cách hình dung đơn giản như vậy giải thích, người trung niên bừng tỉnh, giơ ngón tay cái lên: - Tiểu ca nói rất dễ hiểu, ái dà, ta sống nửa đời người, xem bệnh bốc thuốc vô số lần, có lần trúng bệnh có lần không, chẳng ai giải thích cặn kẽ như vậy cả, chỉ biết mang thuốc về uống chả hiểu bệnh mình làm sao, vì sao phải chữa như thế. Cám ơn tiểu ca nhiều lắm.

- Đó là điều nên làm mà. Tả Thiếu Dương đưa gói thuốc cho hắn, nói thêm: - Thời gian uống thuốc ăn kiêng, không ăn đồ lạnh, cá thịt, thứ thức ăn khó tiêu.

Vì vừa rồi nghe Tả Thiếu Dương giải thích rất hay, người trung niên hứng thú hỏi: - Vì sao?

- Vì ăn đồ lạnh hay thứ khó tiêu khiến cơ thể chia ra một phần sức lực tiêu hóa nó, ảnh hưởng tới việc kháng phong tà. Giống như quốc gia đang kháng giặc ngoại xâm, lại không biết đối xử tốt với bách tính, bách tính tạo phản, phải chia quân ra dẹp loạn, tất nhiên ảnh hưởng tới chuyện kháng địch.

- Ha ha ha, tiểu ca ví dụ thật sinh động dễ hiệu, đa tạ, tổng cộng bao nhiêu tiền?

- Tám đồng.

- Ồ. Người trung niên lấy ra một xâu tiền ( mười đồng một xâu) đặt lên bàn: - Chỗ còn lại thưởng cho tiểu ca đó.

- Cám ơn đại ca.

- Không có gì, cậu giảng giải chu đáo như thế, làm ta hiểu được bệnh tật của mình, ta phải cám ơn cậu mới đúng. Sau này có đau bệnh gì, ta sẽ tới Quý Chi Đường.

- Đại ca về cẩn thận.

Tả Thiếu Dương tiễn người trung niên ra cửa, vẫy tay tạm biệt rồi mới quay về.

- Trung Nhi, vừa rồi con giải thích đúng lắm, nhất là nói "mồ hôi không ngại sớm", còn cách dùng thuốc "nửa ngày uống ba lần" làm sao mà con biết? Tả Quý đợi con quay về mới hỏi:

Tả Thiếu Dương không suy nghĩ, có sao nói vậy: - Con học từ ( Nội kinh) và (Thương hàn luận).

- (Nội kinh) và (Thương hàn luận)? Tả Quý ngạc nhiên: - Nhà ta làm gì có hai loại sách đó, cha cũng chưa bao giờ xem qua, ở đâu con có mà học?

Thời xưa không chỉ y học, các nghề đều do sư phụ dạy đồ đệ, không có học viện, thường học y đều trực tiếp từ lâm sàng, từ chứng bệnh học tới đơn thuốc, trừ đại gia danh y, thường người hành y đều theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Nguyên nhân do in ấn hạn chế, không thể in sách quy mô lớn để phổ biến, cho nên cả đời chỉ học trực tiếp từ sư phụ mà thôi.

Tả Quý còn khá đấy, trước kia ông ta đọc vài năm tư thục, theo phụ thân sư phụ học y, học được ít lập luận bệnh, chứ nhiều người cứ một đơn thuốc dùng cho chục người bệnh, chẳng hiểu gì thêm. Dù thế thì Tả Quý chưa bao giờ đọc ( Nội kinh) và ( Thương hàn luận), Tả Thiếu Dương học từ ông ra, càng không thể nào biết được.

Tả Thiếu Dương học lịch sử y học, hiểu ngay vì sao cha mình kinh ngạc như vậy, hối hận mình nhanh mồm, thoáng cái có cách ứng phó: - Hơn một năm trước con đi hái thuốc, có gặp một lão giả trên núi, khi đó ông ấy sắp chết đói rồi, con cho ông ấy cái bánh bao ăn trưa của mình. Ông ấy ăn xong, sức khỏe hồi phục, bảo con và ông ấy có duyên, sau này lên núi hái thuốc tìm ông ấy, ông ấy dạy cho con nhiều thứ, dặn con không được kể cho ai, cũng không được dùng tùy tiện, học thành rồi mới được đem dùng. Cách tính nhẩm hôm nó cũng do ông ấy dạy con.

Chỉ cần ai đọc truyện kiếm hiệp sẽ thấy đoạn "kỳ ngộ" này quen quen, Tả Thiếu Dương cũng là người mê kiếm hiệp nên thuận miệng bịa ra không khó khăn gì.

Không ngờ Tả Quý mắt sáng lên, đứng dậy hỏi: - Vị lão giả đó bây giờ đâu rồi?

- Ông đi rồi ạ, ông ấy là linh y đi khắp nơi hành y, tới vùng này tìm vài vị thuốc nên tạm thời dừng chân, tìm thấy thuốc lại đi rồi, hôm trước con mới khỏi bệnh vội lên núi là tìm ông ấy, chỉ thấy ông ấy để lại tờ giấy nói con học xong, có thể đem kiến thức ra dùng. Tả Thiếu Dương gãi đầu gãi tai, bản thân y cũng cảm thấy cái lý do này có hơi ngây thơ nhưng mà không có người đối chứng, chả sợ ai vạch trần được:

Nhưng Tả Quý lại tin: - Vậy sách đâu rồi?

- Lão giả đó cầm sách dạy con, không cho con sao chép, nên không có sách.

- Vậy con học hết được nội dung trong mấy cuốn sách đó không?

Tả Thiếu Dương tất nhiên thuộc từng chữ nội dung Thương Hàn luận, nhưng cảm thấy nói thế không đáng tin, khiêm tốn hơn, đáp: - Dạ không.

- Vậy cũng phải học thuộc được chứ?

- Nhiều chỗ con không hiểu nên không học ạ. Tả Thiếu Dương hơi cúi đầu xuống:

Tả Quý dậm chân: - Con là thằng đần, thiên hạ này không còn ai đần hơn nữa rồi! Đây là cơ duyên ông trời cho con đấy, dốt, dốt lắm, cho dù có học không hiểu thì cũng phải nhớ vào trong lòng rồi từ từ nghiên cứu chứ, học y là học cả đời, nào có chuyện học vài tháng vài năm mà thành tài. Vi phụ đã dạy bao nhiêu lần rồi, đúng là... Đúng là gỗ mục không thể đem khắc mà.

Lương thị thấy trượng phu giận tới chòm râu run lên, phu thê bao năm biết Tả Quý đang giận lắm, vội tới khuyên: - Lão gia, là phúc không thể tham cầu quá nhiều, con nó học được chừng đó là tốt rồi..

- Bà biết cái gì, biết cái gì? Tả Quý đấm ngực ngửa mặt lên trời lắc đầu, tay run run chi Tả Thiếu Dương: - Có biết năm xưa gia gia con vì một phương thuốc đau bụng thôi mà phải dùng một trâu cày tráng kiện đem đổi không? Nếu có phương thuốc cứu mạng thì có bỏ tiền ra cũng không mua được, nếu nhớ các phương thuốc, sau này có thể làm thần y nổi danh thiên hạ rồi, cứu chữa bao người. Không ghi nhớ phương thuốc, lại đi học mấy cách dùng thuốc vô dụng gì đó, uổng phí của trời, đoán chừng lão giả kia cũng thấy nó tư chất ngu độn có dạy thêm nữa cũng vô ích nên mới bỏ đi, kỳ ngộ trời ban mà nó đem vứt đi như vậy đấy.

Lương thị thấy trượng phu nổi cơn tam bành như thế không nguôi ngay được, liền đưa cho Tả Thiếu Dương hai đồng, đẩy y ra ngoài cửa bảo y đi mua ít củi về làm cơm.