Đại hồng cát truyện

Chương 3

Có nhiều con đường để đi đến Cát Tiên.

Dễ nhất là đi từ Madaghui, qua Đạ Huoai, Đạ Tẻh theo con đường mòn đất đỏ, khá quanh co…..là đến huyện lỵ Cát Tiên, trung tâm của vùng Nam Cát Tiên. Có thể đi bộ hoặc xe gắn máy, chủ yếu là xe Honda 67, xe Simson hoặc xe Min-khờ (Minsk). Con đường này trống trải, ngắm được nhiều phong cảnh đẹp. Nhiều đoạn đèo một bên là đồi núi, một bên là sông suối, có những đoạn hai bên đường toàn cây tùng, giáng hương, mùi thơm ngút ngát, tán lá xanh um….Buổi sáng đi thì đến trưa là đã tới, lúc đó là có thể ngồi ung dung tại chợ mà xơi thịt chó, uống rượu ịch. Cũng có thể là đi từ Đồng Xoài, xuyên qua vài cánh rừng thưa với những đồng cỏ cao rộng mênh mông, qua phà Đaclua là đến thị trấn Đức Phổ, từ đây đi thẳng một mạch là đến huyện Cát Tiên hoặc Gia Viễn. Một con đường nữa là từ Định Quán đi lên, qua một vài cánh rừng cao su, rừng ngập nước khá rậm rạp, nhiều rừng tre gai lớn…. Đoạn đường này nguy hiểm nhất là lúc vượt thượng nguồn sông Đồng Nai, nước chảy rất xiết, nhiều chỗ có xoáy ngầm, bờ sông luôn sạt lở, nếu chủ quan có thể bị vùi lấp không lên được. Lòng sông lại có rất nhiều đá nhọn, ngoài ra còn có một loại cá dữ gọi là cá Lăng, có râu, dài hơn 1m, nặng cả trăm ký, có thể táp ẩu làm bạn bị thương. Đi theo con đường này phải mất ước chừng nửa tháng nhưng có thể kiếm được ít mật ong rừng hảo hạng, năm bảy búp măng non hay vài nhành phong lan cực đẹp.

Con đường cuối cùng là đi từ thị trấn Giai Nghĩa - Đăknông, xuyên qua rừng già thuộc tỉnh Lâm Đồng. Con đường này là gian nan nhất, là con đường của dân đi tìm Kỳ Nam, Trầm Hương, dân đào vàng, săn trộm…..Phải đi qua rừng rậm, thác nước, đồi núi, có khi chạm trán với thú dữ, funlro, buôn lậu, lâm tặc….tất nhiên là vô cùng nguy hiểm. Với điều kiện là bạn phải còn mạng thì sau khoảng hai tháng cũng có thể ung dung ngồi tại chợ Cát Tiên mà xơi thịt rừng, uống rượu cần chính hiệu…..

Hôm đó ĐHC đang ngồi uống cà phê trong một cái quán nhỏ thuộc ngã ba Phù Mỹ thì thấy hai chiếc môtô chở bốn người dừng trước quán. Ngay lập tức mọi sự chú ý đều tập trung về họ, bởi vì hai chiếc xe quá lớn. Hai chiếc Harley davision 750 phân khối to sụ, sáng loáng, mỗi chiếc dài phải đến hai mét rưỡi choán hết cả cửa ra vào. Cũng may là ĐHC đã chọn một chỗ ngồi tít phía trong, bên ngoài nhìn vào không thấy, chứ bốn người này đâu có gì xa lạ…..nhưng không hiểu sao họ lại xuống tận nơi này?

Người đi đầu mặc cái áo hoa hòe bằng lụa, ở vùng Chợ Lớn ai mà không biết. Mọi người chỉ gọi ông ta đơn giản là “Tàu xì”, ông chủ của vài chục cái quán cơm, nhà hàng, khách sạn.…mà ĐHC nhớ không lầm thì cái vũ trường nổi tiếng nhất của ông ta thời đó từ ngòai cổng đi vào là cả mấy chục em mặc sườn xám dàn hai bên đón tiếp, tiền vào cửa để “dằn phèn” là đã hết năm chai rồi, chưa kể vào đến bên trong còn phải tốn bao nhiêu nữa…?! “Tàu xì” thuộc típ “tai to mặt lớn”, người đeo vàng chói lọi, trên cổ là một “cọng thừng” phải hơn mười lượng, mười ngón tay đeo mười chiếc nhẫn vàng to như con đỉa, cái đồng hồ Rolex cũng màu vàng chói…..Đúng là một ông thần tài vàng rực. Đi bên cạnh “Tàu xì” lúc nào cũng là “a Chảy”, y dáng cao, gầy, mũi khoằm như cú vọ, mắt sáng như cú vọ. Lúc nào “a Chảy” cũng mặc bộ đồ “sá sẩu” bằng gấm trắng, bên trái thêu con rồng đang múa vuốt, bên phải là hàng chữ “sinh tử tại thiên” bay bướm, biểu tượng của một “đại ca” chính hiệu. Hôm nay có lẽ do phải đi rừng nên y lượm đâu được cái áo thun đen vận với cái quần bò nom rất chật. Người VN bình thường mà ngồi lên chiếc Harley thì chẳng khác nào con nhái bén ôm…..quả bí đao, nhưng khi “Phì Lủ” ngồi lên thì chiếc xe cảm giác như hãy còn quá nhỏ. Y nổi tiếng là đần độn ngu si vô địch thiên hạ….nhưng được bù lại là có một tấm thân bồ tượng và một sức khỏe phi thường. “Phì Lủ” đích thực là em của “Tàu xì”, nhưng có lẽ tinh hoa trong nhà đã dồn hết vào thằng anh rồi nên đến thằng em thì chỉ còn….cái cặn. Vì vậy mang tiếng là đại gia nhà giàu nhưng “Phì Lủ” vẫn không biết chữ, lúc nào cũng mặc áo phạch ngực và quần rách đái. Đến người thứ tư thì bất giác ĐHC phải ngồi nép tuốt vào phía trong vì y quen quá. “a Lưu” chứ nào phải ai xa lạ. Có lần ĐHC đang uống cà phê ở nhà hàng Vân Cảnh, bên bến Bạch Đằng thì có người vỗ vai gọi “tài có à, hôm nay lên đây hóng mát…có còn nhớ ngộ không?” bất giác nhìn lên thì thấy một anh chàng tóc tai láng mướt, mùi dầu thơm sực nức, bộ đồ vô cùng chải chuốt…..té ra là “a Lưu”. Cô bồ “a Lưu” làm quản lý nhà hàng nên hằng đêm y phải ghé đón về….Hôm nay y cũng không có gì thay đổi, đầu tóc, quần áo….vẫn láng cóng, chưa vô tới cửa là mùi dầu thơm đã xuống tận nhà bếp rồi. Nghe đồn y đang làm nghề môi giới mua bán nhà đất…kiếm tiền rất khá, không hiểu sao lại khăn gói theo “Tàu xì” lên tận trên này.

Ở cái vùng đất heo hút này mà đi xe Harley, ăn mặc diêm dúa, đeo vàng chói lọi như vậy thì chẳng khác nào vỗ ngực tự xưng “ta là ông cóc, ông kẹ đây”, chắc chắn sẽ lọt vào tầm ngắm của hình sự địa phương ngay…. “Tàu xì” đâu có ngu dại gì mà lại làm thế. Hiển nhiên y cố tình làm vậy để dằn mặt một kẻ nào đó, một bọn nào đó…..Mấy ông chủ Tàu Chợ Lớn mà quan tâm đến cái vùng Cát Tiên heo hút này thì chắc là nơi đây đang ẩn chứa một bí mật gì ghê gớm lắm……

Lúc đó là mùa thu họach trái Lười ươi, vào mùa này vùng Cát Tiên nhộn nhịp hẳn lên. Đầu nậu, bạn hàng, dân đi hái thuê, dân đi hái trộm….tụ về tấp nập làm các hàng quán cũng được mùa thu họach. Tinh hoa của trái Lười ươi là nằm ở cái hạt, hạt này khi bỏ ngâm vào nước thì nó nở lên to bằng cái tô vậy….thứ hạt này uống rất mát, có tính nở to kỳ lạ như vậy nên nhiều công ty mua nó rồi xuất khẩu đi nước ngoài làm thuốc gì đó…..nó trở nên có giá là vì thế.

Bọn “Tàu xì” ăn uống một hồi rồi lên xe đi mất, trong lúc ăn họ trao đổi bằng tiếng Quảng nên không nghe được gì. Được một lúc thì có một chiếc xe Min-khờ chở một bà chủ hàng trờ đến. Bà chủ hàng bước vào làm cả quán trở nên sáng hẳn, quả thật bà ta nom rất sáng tài. Đúng ra phải gọi bằng cô thì mới phải vì bà chủ còn khá trẻ, mới thuộc hàng hăm, cô ta mặc cái quần lãnh đen, cái áo thun trắng, bên ngoài khoác hờ cái áo sơ-mi màu cam rực rỡ. Cô ta vừa ngồi xuống, để cái nón lá lên bàn là bà chủ quán lăng xăng chạy tới, họ xem ra rất đỗi quen thuộc. Cô ta nói “ đ.m….từ sáng đến giờ chạy kiếm thằng bảy mà không được….nguyên chiếc xe hàng bị kiểm lâm ách lại tại Madhagui…”. Cô ta trắng trẻo, xinh xắn, chỉ phải cái mở miệng ra toàn nói tiếng…Đan mạch. Nói một hơi không nghỉ, uống một hớp nước xong quay nghiêng lại thấy ĐHC đang cười cười thì hơi mắc cỡ, phân bua tiếp “…em cực quá mấy anh thông cảm,…gom được mấy bao hàng chở ra tới ngoài lộ thì bị ách lại…đang kiếm anh Bảy để nhờ ảnh lo dùm…”

Buổi tối, ĐHC về nhà của anh H, một giáo viên tiểu học nghỉ tạm. Gọi là nhà cho oai chứ nó chỉ là một cái lều dựng tạm. Anh H muốn ở trong trường cũng được nhưng anh thích ở bên ngoài cho thoải mái hơn. Anh là người Huế, tốt nghiệp CĐSP Huế, sau đó xung phong đi dạy ở vùng sâu vùng xa. Anh ở trên này đã được khoảng hơn hai năm. Sáng hôm sau, vừa ngủ dậy, chưa kịp súc miệng thì đã nghe tiếng xe máy dừng trước cửa, ló vào là một cái đầu bóng mượt kèm theo mùi dầu thơm bát ngát…..cái mặt “a Lưu” hiện ra nhăn nhở “Hôm qua ngồi trong quán mà tài có núp nhé, làm sáng nay “Tàu xì” pắt ngộ phải đi từ sáng….” Xem ra bọn  “Tàu xì”  thông tin nhanh thật, chắc y đã rải quân khắp vùng Cát Tiên này.

“a Lưu” chở ĐHC trên chiếc Min-khờ phóng đi vèo vèo. Ở vùng này đi Min-khờ là tốt nhất, qua đèo dốc, hố bom, mương rãnh….ào ào, có lỡ rớt xuống ao thì kéo lên cũng dễ. Đại bản doanh của bọn “Tàu xì” ở tuốt cuối chợ Madhagui, phải đi xuyên qua một cái tiệm tạp hóa, hai ba lớp cửa, vòng vèo lên tận trên lầu hai. Đứng gác trước cửa là “Phì Lủ”, mới sáng sớm mà trên tay y đã cầm một thau xí quách to xù, y phải ăn liên tục như vậy thì may ra mới đủ năng lượng để duy trì cái thân hình bồ tượng. Thấy ĐHC “Phì Lủ” nhe răng ra cười “ ngộ li lâu cũng gặp lị….hế…”.

Căn phòng tuy nhỏ nhưng cũng được sắp xếp rất sang trọng, đúng típ đại gia “Tàu xì”. Y khoái màu đỏ nên chổ nào trong phòng cũng đỏ lòe lòe, dưới chân cũng trải một tấm thảm Ba Tư đỏ đi êm không thể tả….Giữa phòng là một cái bàn đen bóng, trên có để một con rồng bằng pha lê đỏ nom rất đẹp. Không thấy “a Chảy”, ngoài “Tàu xì”, còn có thêm hai người nữa. Ngồi ngoài bìa là “a Hỏa”, một võ sư có tiếng trong một đội Lân Sư Rồng tầm cỡ ở Chợ Lớn. Y có thể dùng tay không đập bể trái dừa khô, múa quyền đi trên miểng chai hay nằm trên bàn chông, cho người để mấy tảng đá xanh lên rồi dùng búa đập bể. Nghe nói võ sư T.T đã mất, “a Hỏa” là đại đệ tử nên lên thay làm chưởng môn cả một tông phái, không biết y chịu ân nghĩa gì của “Tàu xì” mà hôm nay cũng có mặt ở đây. Người ngồi trong cùng nom rất tà đạo, mặt choắt, mỏ nhọn, ở trong nhà mà cũng mang kiếng đen. “Tàu xì” giới thiệu y tên “Kây Quay” ở Hồng Kông mới qua, pháp thuật rất cao cường. Để chứng minh “Kây Quay” xòe bàn tay ra, ngay lập tức từ trong ống tay áo của y phóng ra một con rắn….Con rắn này có vảy ánh kim loại bảy màu lấp loáng, to bằng cỡ cổ tay nhưng chỉ ngắn độ bốn tấc. Nó thuộc họ rắn hổ cực độc, cực hiếm gọi là con rắn “ hổ Bướm”. Con “ hổ Bướm” tuy ngắn như vậy nhưng nó phóng đi lại cực nhanh, vô phúc ai bị con rắn này cắn bước đi được một bước mà không trào đờm té lăn mới là chuyện lạ. ĐHC trông thấy là đã rùng mình ớn lạnh, tay Pháp sư này chắc thuộc dòng Miêu cương ngũ độc trùng gì đây…. Không biết trên người y còn có bò cạp, nhện độc gì nữa. Con rắn uốn éo xung quanh cổ tay, cuộn tròn trong lòng bàn tay rồi ngóc đầu lên khè nom rất dữ, sau đó thoắt một cái nó lại chui vào trong tay áo, biến mất. “Tàu xì” không rào đón gì cả, y đi ngay vào việc “ Ngộ nghe “a Lưu” nói nị có cái tài đào hầm hố….cuốc mồ mả gì đó, tìm những vật báu hay lắm…..”. Đại khái theo như “Tàu xì” kể thì một đại gia ở tận HKcó sưu tầm được một cổ vật cực quý là một cái mâm đồng, có đường kính đúng 7 tấc 7 ly, trên chạm trổ hoa văn rất công phu. Nhưng đặc biệt là nó có khắc chìm hình mặt trời với bảy tia sáng, đúng giữa trưa khi phản chiếu lại ánh sáng nó sẽ rực lên rất chói lọi. Phía sau mâm đồng có khắc chữ phạn cổ phải mang sang tận Ấn Độ mới có bậc thầy đọc được. Thì ra nó là một báu vật của một vương quốc cả hàng ngàn năm trước, trên đó có một câu thần chú uy lực vô cùng mà ai làm chủ được nó thì sẽ có quyền lực không gì cản nổi….Nhưng đáng tiếc câu thần chú này mới chỉ có một nửa, nửa còn lại nằm ở một cái mâm đồng y hệt như vậy, nhưng cái mâm này lại khắc hình mặt trăng với bảy ngôi sao. Hai cái mâm đồng này là một cặp “Nhật Thất Kim Quang Minh Nguyệt Thất Tinh Kỳ Bảo” quý giá vô cùng….tay đại gia HK đã cho người truy tầm khắp Mã Lai, In do, Thái, Lào….mà cũng không thấy cái mâm còn lại. Bọn “Tàu xì” cả năm nay tìm kiếm khắp Tây Nguyên, Buôn Mê, Đăklắc, Đắkmin, Đắknông….KrôngPa, KrôngPắc.v.v…. cũng không ra, nghe một nguồn tin nói là nó đang có ở vùng Nam Cát Tiên này…..

“Tàu xì” lực lượng hùng hậu như vậy thì cần gì nhờ đến ĐHC, chẳng qua là y muốn dằn mặt “…báu vật tuy còn ở trong rừng, trong núi, dưới đất sâu…nhưng “Tàu xì” mà đã chấm rồi thì coi như là đã của “Tàu xì” rồi đấy…đứa nào mà dám rớ vào thì hãy liệu hồn…”.

Câu chuyện mà “Tàu xì” kể thiên hạ đã biết từ lâu. Năm ngoái, có lần Lạc “mả” tìm đến, y nói “nhà bác có biết chuyện người ta kéo nhau lên Tây Nguyên tìm một cái mâm gì đó quý lắm không?”- ĐHC giả bộ nói không biết, Lạc “mả” nói tiếp “nghe đâu mấy tỉ phú Ma Cao, Hồng Kông ra giá cả triệu đô cho ai tìm được”. Y tỏ ra rất hăm hở, rủ thêm mấy người nữa kéo nhau đi lên Tây Nguyên, cho đến bây giờ cũng không nghe thấy tin tức gì. Xem ra những chuyện gọi là bí mật ở xứ sở này thì…..cả làng đều biết.

Cách đây khoảng ba tháng, NT đến tìm ĐHC, anh nói “Có người đặt hàng mình phi vụ này, nếu thành công thì đủ sống cả mấy đời, chú tham gia với anh nhé” – NT là người có cuộc đời rất lận đận, anh trước là hạ sĩ quan chế độ cũ. Sau giải phóng phải đi cải tạo đâu khỏang hơn ba năm. Khi trở về thì vợ đã bán nhà, dắt con đi vượt biên từ lâu. Người thân thì cũng đã đi hết cả, lớp đi vượt biên, phần đi KTMới….NT đâm ra bơ vơ “không mảnh đất cắm dùi”, phải làm đủ nghề để kiếm sống. Khỏang thời gian này cuộc sống còn khó khăn lắm chứ chưa được như bây giờ, qua vài người quen, anh ta gặp ĐHC cùng theo cái nghề “nguy hiểm chết người” này. anh ta làm chung với ĐHC được chừng hơn năm thì tách ra “chiến đấu một mình”. Kinh nghiệm chiến trường chưa nhiều, lại hay tin người, được mấy tháng thì NT bị lượm trên Long Bình, phải bóc lịch hơn một năm rưỡi,….Trở về, NT ra sửa xe đạp ở lề đường ND. Một lần anh đến rủ ĐHC làm vài xị giải sầu, cả hai ngồi ở cái quán cóc nhỏ bên lề đường, nghe tâm sự thì ra cái máu liều trong người NT vẫn còn rất mạnh, anh ta muốn làm một cú ra trò để đổi đời, “nở mày nở mặt với bà con thiên hạ”. Lúc đó trời mưa rất to, trong cái tâm trạng cô đơn mà nhìn mưa Sài Gòn thì đúng là “rầu thúi ruột”. NT quyết tâm bằng mọi giá phải làm cho được vụ này “hoặc có tất cả, hoặc không có gì…”. ĐHC thấy anh hăng hái như vậy thì cũng không nỡ từ chối, hơn nữa ở vùng đất thánh linh này đâu hẳn chỉ có mấy cái “mâm đồng”…….?!.

*

Đêm trên cao nguyên thật lạnh, ngủ không được, ĐHC, NT, một người thượng là Y-Ngây, cả ba kéo ra trấn Giai Nghĩa uống vài xị cho ấm bụng. Mới hơn 10h mà hàng quán đóng cửa hầu hết, chỉ còn lại một quán chịu bán khuya cho giới xe ben, xe tải… Cả ba chọn một chỗ ngồi hơi khuất phía trong, bên ngòai cũng còn vài bàn của cánh lái xe cùng mắc chung một thứ bệnh là “ngủ không được”. ĐHC ngồi đối diện cái bàn bida, phía góc trong có cái bồn rửa tay, trên có một tấm kiếng, từ chỗ này có thể quan sát phía sau mà không cần phải quay người lại. Y-Ngây khoái món nai nướng nên anh ta ăn rất khí thế, uống cũng không hề khách khí. Là người Hơ-Mông nhưng Y-Ngây nói được tiếng Kinh, anh là một thợ săn cừ khôi, chỉ cần một cái ná, một cái áo mưa, một cái Xà-gạt là Y-Ngây có thể xuyên rừng, vài ngày là đem về một hai con mang hay mển….. Y-Ngây còn có một người em là Y-Ngung nhưng hôm nay anh ta còn ở ngoài rừng.

Càng về khuya trời càng trở lạnh, gần đến nửa đêm thì nghe tiếng xe dừng, có bốn người lừng lững đi vào trong quán. Nhìn qua cái kiếng, ĐHC nhận ra bọn người này là dân đào vàng chuyên nghiệp, bây giờ chuyển sang nghề săn trộm, tìm trầm hương, kỳ nam và đồ cổ. Đi trước là hai anh em Lý Hòa, Lý Cắt, kẻ đi thứ ba đặc biệt nguy hiểm tên Tăng Xe, đi cuối là đệ tử của y cỡ 17 –18 tuổi tên Út Lỳ. Út Lỳ có tên tuổi, bố mẹ, nhà cửa đàng hoàng, nhưng đua đòi bỏ nhà đi hoang mấy năm nay, vận khí xui xẻo, ra đời gặp ngay đại ca Tăng Xe, nhanh chóng bị tên này nhuộm thành đen thui, thêm bản tính lỳ lợm nên có biệt danh là Út Lỳ. Bọn Lý Hòa vừa từ trên Đắcmin về, có khả năng sẽ đi về Nam Cát Tiên theo đường rừng Lâm Đồng…. Lý Hòa là thợ rừng chuyên nghiệp nên chuyện xuyên rừng đối với y là chuyện nhỏ.

NT xem ra đã ngà ngà say, anh ta lại nhớ về quá khứ, cặp mắt trở nên lờ đờ…..miệng lầm bầm hát nho nhỏ “ Buồn nào hơn đêm nay, buồn nào hơn đêm nay, khi ngoài kia bão tố đầy trời… Từng cánh lá cuốn gió rơi vào lòng đêm thâu, thương thầm mối tình ngâu….. Ngày về ôi xa quá cánh nhạn còn miệt mài trong nắng hồng mê say. Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người khi mình còn đôi tay…..”