Đại hồng cát truyện

Chương 4 (E)

Hải thọt vẫn ngồi hút thuốc thật thong thả, y vẫn ung dung như ngày nào, có cảm tưởng như đất SG hay cả thế giới có nổ tung thì y vẫn ngồi nguyên như vậy. Y nói “không lẽ từ trước đến giờ chú chưa từng hút thuốc?” – “hồi còn ở trên Đăknông tôi có hút bồ-đà, buổi tối trên đó rất lạnh, hút thứ đó có cảm giác lâng lâng ấm áp” – Hải thọt lấy ra một cái hộp với những điếu xì-gà viền vàng óng mời ĐHC, loại xì-gà này ngon thật, nghe nói giá nó cả trăm đô một điếu, so với bồ-đà tất nhiên nó phê hơn nhiều. Có điều nó đắt tiền quá, chỉ đại gia mới dám đốt loại này, hút nó giống như là đốt tiền vậy. Hải thọt nói tiếp “chú sắp xếp qua thăm ông già với anh…” – “ông ta hiện giờ ở đâu?” – “biên phòng họ phong tỏa mấy hòn đảo rồi nên tạm thời ông ta đã trở về nhà…” – “vụ “Đương liều” ông ta biết chưa?” – “Hòa Râu đã trốn mất nên hiện giờ cũng không rõ số phận nó như thế nào…ông ta cũng không tin “Đương liều” đã chết mà chỉ nghi nó trốn ra nước ngoài…”

Trong vụ này kẻ thiệt hại nặng nhất có lẽ là Trịnh Cao Nhân, y bắt buộc phải bỏ của chạy lấy người, mớ hàng giấu trên đảo bị phong tỏa không lấy được có nguy cơ mất trắng, công việc buôn bán bị ngưng trệ, cái chết của trung úy Tâm làm y lo sợ nên đã tẩu luôn qua Nga, không quên dẫn theo cả “Ngọc Ruby”. Kẻ giấu mặt ra tay thật thâm độc, quả là một viên đạn trúng hai con chim một lúc. Hải thọt chắc là định mang tấm bản đồ và viên ngọc trả về cho ông già, vừa tránh chuyện đụng chạm sẽ dẫn đến đổ bể dây chuyền, vừa được tiếng là nhân nghĩa, Y đâu có thiệt hại gì, tiền bạc là của người khác bỏ ra, màn kịch cũng đã gần xong, chỉ cần có thêm thời gian…..

Thời gian…thời gian…. Người ta chỉ cảm thấy quý nó khi đã về cuối cuộc đời, cảm thấy tiếc từng giây, từng phút….vì thế mà người già lại chăm tập thể dục, tập dưỡng sinh để mong kéo dài tuổi thọ, còn người trẻ thì cảm thấy quỹ thời gian còn quá dư thừa nên tha hồ phung phí…..thậm chí nhiều người khi bị thất bại, bị thất tình còn có thể tự sát….Tuổi trẻ là tuổi dám hy sinh, tuổi già là tuổi dám chấp nhận bởi vì họ hiểu rằng chấp nhận là con đường duy nhất để tồn tại. Hải thọt và Ba Già là những kẻ như vậy, họ biết lúc nào sẽ phải chiến đấu, lúc nào thì phải chấp nhận, chấp nhận thương đau, chấp nhận mất mát, hơn nữa thời thế đã như vậy rồi nếu không chấp nhận thì cũng làm được gì? Thà chấp nhận để rồi đến một lúc nào đó khi thời vận tới sẽ lấy lại tất cả - Vì thế nên lần đầu tiên ĐHC mới thấy Hải thọt nhếch môi lên  cười nhạt “Trịnh Cao Nhân tưởng tiền bạc nhiều là có thể “ăn đằng sống, nói đằng gió” được à, nó còn phải học nhiều lắm…phen này e rằng nó một đi không trở lại…”

Chỉ cần biết kiên nhẫn chờ đợi…đó là đại kế để thành công, vậy mà không phải ai cũng làm được điều đó, nhiều người chỉ vì nóng vội một chút mà hư cả công việc hoặc chạy xe nôn nóng một chút mà nhiều khi trả giá bằng cả tính mạng. Hải thọt là kẻ có thể kiên nhẫn chờ đợi, y có cái phong thái của một con cáo già, rất chậm chạp, rất đa nghi và sâu hiểm khó lường. Hôm đó, ngồi ngay trong căn nhà cổ, Hải thọt mở ra tấm bản đồ và viên ngọc làm ông già nhìn sửng….Ông đâu có ngờ là báu vật gia truyền lại có thể trở về nhanh như vậy. Hải thọt đúng là có những cách hành xử đặc biệt, y đâu chịu nhận một sự đền trả vật chất nào từ phía ông già, y muốn ông ta phải nợ y một món, đó là nợ tình nghĩa…y đã có đủ tiền rồi, có thêm nữa thì cũng đâu là gì….

Kẻ đứng sau lưng Hải thọt nếu không có bản lãnh hơn người thì chắc phải có tiền bạc, thế lực hơn người…cái thế lực có thể làm biển xanh phải dậy sóng,…làm cho ĐHC, Ba Già phải khăn gói ra đảo tới lần thứ ba…lần này lại có thêm một cô gái, một cô gái quê mùa sống ở một ngôi làng ven bờ biển có cái tên nghe rất mộc mạc là Nguyễn thị Muồng. Cô ta là người có khả năng thông linh, dễ bị ma quỷ nhập, biết đâu sẽ có một linh hồn nào đó mượn xác của cô ta để nói ra một điều gì cần thiết…..hơn nữa Thích Kỳ Lân khoe rằng có thể chữa được tà nhập, thử nhờ ông ta cúng bái, đốt bùa đọc chú biết đâu  cô gái may mắn trở lại cuộc sống của một người bình thường, có thể đi làm kiếm tiền nuôi mẹ và mấy đứa em nhỏ dại. Biển khơi thật là êm đềm phẳng lặng, phóng tầm mắt ra ngút ngát thấy đường chân trời xa vời vợi. Làn gió biển thổi lồng lộng làm mái tóc của cô gái bay phất phới…biển khơi bao la đã biến một cô gái xấu xí trở nên đẹp đẽ, có lẽ đó chính là điều huyền diệu của biển cả….Trong vòng tay của nữ thần biển, mọi người đàn bà đều trở nên lộng lẫy và duyên dáng. Từng đợt sóng biển lăn tăn, từng đàn cá trích đua nhau khoe vảy lấp la lấp lánh. Biển cả chất chứa biết bao bí mật, hôm nay nó thật là êm đềm, sau cái êm đềm đó như là muốn báo trước dông tố sắp nổi lên rồi… dường như  chuyến đi này sẽ là chuyến đi cuối cùng, mọi việc sắp trở nên rõ ràng, chẳng phải nữ thần biển khơi đã muốn như thế sao? Quyền lực vĩ đại của thần đã làm biển khơi trở nên tươi đẹp, trong xanh cho một sự khởi đầu thật là tốt đẹp.

Lên đến bờ thì Tư Gồng đã chờ sẵn, lại vào cái quán nhỏ để ngồi nghỉ…bà già lại mang chai rượu bào ngư, dĩa khô cá mối và tô cháo hào ra, bà ta nói “mấy chú đi tới đi lui suốt, có thu mua được gì chưa?” – “tụi tôi bận quá, chắc lần này nhờ bà mua giùm vài chục ký khô mực, đỉa biển mang về làm quà…” – Không lẽ lại móc tiền ra cho bà cụ, e rằng bà ta không nhận, nhờ bà ta thu mua giùm thì bà cũng có được chút đỉnh. Thằng cháu nhỏ đang ngồi ngịch cát trước cửa, nó đen nhem nhẻm, toát lên vẻ mạnh khỏe của một đứa trẻ miền biển luôn được hít thở bầu không khí trong lành và tình người nồng hậu…đây là nơi mà con người chưa tuyệt vọng, tình người chưa suy đồi và sự xa cách giống như một bài ca….sự dỗi hờn giống như một bản nhạc.

Tư Gồng nói nhỏ “ Tìm được xác “Đương liều” rồi” – “y bị làm sao?” – “Ông già “Đương liều” và hơn chục người nữa đang ở làng chài bên kia, ông ta đã xin được biên phòng cho thuê 5 dân chài lặn xuống mấy cái hang dưới biển tìm được xác “Đương liều” bị kẹt ở dưới đó, hiện giờ xác đang để ở bên biên phòng để họ khám nghiệm sau đó mới cho mang về” – “có dò được y vì sao mà chết không?” – Tư Gồng thì thầm “nghe nói bị trúng một phát duy nhất ngay cổ, chết trước khi bị rớt xuống biển, kẻ bắn đúng là một thiện xạ, họ đang xét xem phát đạn bắn “Đương liều” và phát đạn bắn trung úy Tâm có phải là một….” - “trung úy Tâm cũng bị bắn à” – Tư Gồng gật đầu nói “ anh ta bị trúng một phát ngay thái dương, chết ngay lập tức, hang hốc trên đảo nhiều qua nên tìm chưa ra thủ phạm, có thể kẻ bắn mang theo đồ lặn, sau khi bắn xong lặn luôn ra biển có ghe nhỏ chờ sẵn đón đi…Kẻ đó không bắn Hòa Râu chết có lẽ là để y chạy về dẫn dụ trung úy Tâm ra…mưu kế thật là sâu độc.” – “biên phòng họ có mời anh qua lấy lời khai không” – “có chứ, nhưng tôi đúng là không biết gì nhiều, họ đang tìm Hòa Râu, thằng này phải gọi nó là Hòa điên mới đúng…phen này chắc nó tiêu rồi, nó là đầu mối mọi chuyện” – ĐHC nhớ lại hôm Hòa Râu đến mượn tiền, thần sắc hớt hãi, có được chút tiền là y vội biến ngay, khả năng duy nhất của y là qua TQ…hoặc Miên” – “anh biết nhiều quá rồi, lần này có lẽ cũng không nên ở lại” – Tư Gồng than thở “nơi này tuyệt quá, định ở lại lập nghiệp ai dè gặp vụ này, chắc là phải trở về đất liền một thời gian, vài năm sau mới quay trở lại…” -  “có xác định được kẻ thứ ba đi với Hòa Râu là ai không?” – Tư Gồng không nói gì, y nhìn Ba Già, Ba Già vẫn ngồi lạnh lùng, y móc xì-gà ra thong thả hút, nhả ra từng làn khói trắng, khi y đang hút thuốc thì không bao giờ nói gì cả….

Mấy hôm sau tình hình có vẻ tạm lắng, xác “Đương liều” đã được đưa về, ĐHC và Ba Già mới dẫn cô gái lên ngôi chùa của Thích Kỳ Lân. Cô ta mấy hôm nay phụ với bà chủ quán dọn dẹp, buôn bán rất vui vẻ. Ma quỷ xem ra khôn ngoan thật, chờ mãi mà chẳng thấy nhập vào cô gái gì cả…đúng là mong ngóng thì không bao giờ được, còn chẳng mong gì thì lại thấy cao nhân lù lù hiện tới. Cao nhân ở đây chính là thiếu tá Hà, phải thay một trung úy bằng một thiếu tá thì chứng tỏ nơi đây đã  bắt đầu được quan tâm đặc biệt. Thiếu tá Hà đã trạc hàng băm rồi, mới tới chưa đầy tháng mà dân trên đảo đã gọi là “Hà bá” thì cũng đủ hiểu y khó chịu đến mức nào. Khác hẳn với trung úy Tâm hình vóc to lớn, tính tình hào sảng, thiếu tá Hà ốm tong ốm teo, mũi khoằm khoằm, môi mỏng quẹt, khi nói chuyện hai hàm răng khít rịt. Y lại nói giọng Nghệ Tĩnh thành ra cả ĐHC lẫn Ba Già dỏng cả bốn lỗ tai lên mà nghe cũng không rõ….Hầu như chiều nào y cũng ghé vào quán, ngồi ăn một tô cháo, uống vài ly rượu, nói chuyện thời tiết bâng quơ với ông già Hai Lẹ. Có lúc Tư Gồng rủ y đánh cờ tướng vài ván, về khoản này Thiếu tá Hà đúng là một cao thủ, y đánh cờ thật hay, đến Ba Già cũng phải chịu thua “xa gia đình suốt nên buồn, nhiều khi đánh cờ cả đêm thành ra nó khá thôi các bác ạ….”. Có lần Ba Già ghé tai ĐHC nói nhỏ “anh thấy chú còn sáng giá hơn Tư Gồng đó…” – “sáng cái gì chứ…” – “chú là người đưa Hòa Râu về, suốt dọc đường chắc nó thế nào cũng có nói gì đó…?” – “vậy thì sao….?” – “thế mà họ làm như không biết gì cả, cũng không mời chú lên…..” – “thì mồi câu đã mắc vào lưỡi rồi, còn thoát đi đâu được nữa, bây giờ chỉ là chờ con cá lớn….”

Con cá lớn chờ mãi cũng chưa thấy, thành ra hôm đó ngồi với Thích Kỳ Lân, ông ta có dịp nổ văng tới tới “….đm…lần gặp thằng đó tôi đã nói rồi, dáng đi thì xiên xiên, cái mặt lại hóc hóc, đúng là cái tướng chết yểu…đm…vậy mà nói để tôi cúng giải hạn cho mà nó đâu có nghe…thành ra chết cũng đáng kiếp…chỉ tội nghiệp cho ông già, con người đạo đức như thế…”. Hôm đó Thích Kỳ Lân có vẻ rất vui, mà không vui sao được khi Ba Già lại hào phóng cúng dường cả hàng mấy chai, lại mua thêm mấy thúng trái cây để cô Muồng mang lên làm lễ cúng. Chiều đã xuống rồi, mặt trời đã bắt đầu lặn, to như cái thúng và ánh sáng tràn ngập khắp nơi một màu vàng nhàn nhạt như mỡ gà, chắc ngày mai sẽ có mưa to….Đang ngồi với Thích Kỳ Lân và Ba Già, bỗng thấy cô Muồng từ trong chùa đi ra, cô ta và mấy người nữa chắc đã sắp trái cây và cúng xong….có điều sao thấy dáng đi của cô ta có phần hơi kỳ kỳ, nó lệnh khệnh lạng khạng, cô ta đi rảo rảo vòng vòng sau đó đến ngồi cạnh Thích Kỳ Lân, với tay lấy điếu thuốc Vinataba, đưa lên môi sau đó từ từ bật quẹt châm lửa hút… Thích Kỳ Lân chưa nhận ra điều đó, ông ta còn mải văng tục với mấy chú tiểu cái tội bẻ mấy nải chuối còn non, còn ĐHC thì đã sợ cứng cả người….dáng điệu của cô ta giống trung úy Tâm như hệt. Đến khi cô gái cất cái giọng…đàn ông khào khào nói “hũ rượu rít của ông hay thật, hôm đó mang về cho mấy anh em bị sưng trật do đốn cây làm nhà xoa bóp mấy bữa là hết liền..” thì Thích Kỳ Lân mới giật bắn người, từ trên ghế ông ta té lăn luôn xuống đất. Có vẻ như trung úy Tâm chưa biết mình đã chết thì phải, cử chỉ còn kín kẽ lắm, cặp mắt ngó tới ngó lui dò xét làm Ba Già đang hút điếu xì-gà phải ngưng cả thở sau đó y chuyển qua ho sặc sụa….Trung úy Tâm lại nói “sắp tới tụi tôi sẽ tổ chức mấy lớp dạy chữ xóa mù cho trẻ em, ông cho mấy chú tiểu qua đó học, tụi tôi sẽ cho toàn bộ giấy viết…”. Nói tới đó thì “anh ta” đứng lên, đi rảo một vòng nữa, lườm lườm nhìn mọi người rồi từ từ đi xuống núi….. ĐHC, Ba Già và Thích Kỳ Lân cũng lẽo đẽo theo sau. Xuống tới chân núi thì bỗng cô gái dừng lại, đứng một lúc rồi bất ngờ cô ta lại quay ngược trở lên…. Thích Kỳ Lân từng khoe là có tài trục ma trừ quỷ vậy mà thấy bộ dạng đi lên của cô gái thì ông ta bỗng dạt qua một bên, sau đó lủi đi đâu mất…..nhìn cách đi của cô ta thì hình như người này không còn là trung úy Tâm nữa….

Cô gái đi thật nhanh, từ dưới chân núi đi lên mà thoáng chốc đã gần tới, bình thường gương mặt cô ta xanh xanh nhợt nhợt, bây giờ nó lại đỏ phừng như người say rượu. Cô ta đi lướt qua nhẹ như gió thoảng, chân dường như không chạm đất, thoáng chốc đã gần đến đỉnh núi làm ĐHC và Ba Già chạy theo mệt nghỉ. Đến gần chùa đột nhiên cô ta dừng lại, đi men theo một con đường nhỏ vòng tuốt ra sau, con đường này là con đường mòn chạy ven theo sườn núi, hai bên cây cối um tùm rậm rạp. Cô ta đi nhanh quá, ĐHC và Ba Già lúc thì chạy, lúc thì bò, quần áo te tua hết cả. Đến một dòng suối nhỏ, hai bên là cả một rừng chuối mênh mông thì cô ta phóng luôn xuống, đi theo lòng suối ngược lên, đến một cái thác cao khoảng hơn hai mét thì đi xuyên luôn vào trong. Đi vào theo thì đâu thể ngờ được trong lòng thác lại có một cái hang động nở to ra như thế, nếu không có cô gái này dẫn đường thì chắc chắn không thể biết đến sự tồn tại của cái hang này….Hang này chắc chắn phải có nhiều khe hở vì gió thổi bên trong lồng lộng, du dương như tiếng sáo, lòng hang không ẩm thấp, hôi hám mà lại khô ráo, phảng phất mùi thơm…chẳng còn thấy bóng cô ta đâu, ĐHC và Ba Già cứ tiến sâu vào đại…nhũ đá hai bên vách hang chảy xuống tạo ra những hình thù kỳ dị, đủ màu đủ sắc, có những nhũ đá non hồng hồng, có mùi thơm phảng phất…đã từng nghe vài người nói về mùi thơm của nhũ đá bây giờ mới cảm thấy thật sự là điều này có thật. Lúc nãy ở bên ngoài trời đã sập tối rồi, vậy mà trong hang lại có ánh sáng mờ mờ lung linh kỳ lạ, chưa biết là từ đâu….khung cảnh thật là tuyệt đẹp. Những linh hồn thực ra rất ưa chuộng sự sạch sẽ, thơm tho như người sống vậy…ĐHC đã từng chứng kiến trong một ngày rằm tháng bảy, trên một con đường, lúc người ta đang cúng cô hồn thì bất ngờ có một chiếc xe rác từ đâu đi ngang trờ tới, cái mùi hôi nồng nặc của cái xe chở rác làm cho cô hồn, ngạ quỷ bỏ chạy tán loạn, có bóng quýnh quáng lao thẳng vào ĐHC lúc đó đang ngồi trong cái quán ven đường, làm lúc đó giật bắn mình, né qua một bên, té ngang làm cả quán cũng ngạc nhiên, không hiểu sao tự nhiên lại ngã như vậy. Vì thế những hang hốc dơ dáy, tối tăm, hôi hám thực ra ít khi có hồn ma trú ngụ. Đâu phải ngẫu nhiên mà người sống phải năng dọn dẹp mồ mả ông bà cha mẹ, những nơi đó phải sạch sẽ thơm tho thì linh hồn mới yên nghỉ được, có trồng cây cỏ hoa lá thì phải chăm sóc cho nó tươi tốt, đừng để cỏ dại, rêu phong đeo bám thì con cháu mới có đường phát đạt.

Thích Kỳ Lân chắc là phải rất quen thân với linh hồn này nên ông ta thoáng thấy từ xa đã nhận ra được, sau đó lại trốn mất biệt thì chắc là phải có chuyện gì đó hồi lúc trước….Đi khắp hết cả hang mà cũng chẳng thấy cô gái đâu, cái hang này không hề ăn thông đi đâu cả, chỉ hơi có nhiều ngách, tìm mãi không được, đành phải quay trở ra ngoài…Bên ngoài trời đã tối hù mà không hiểu sao trong hang lại có ánh sáng mới lạ….Lần mò trở về chùa thì nghe nói Thích Kỳ Lân cũng chưa thấy về, đi xuống làng chài thì nhà nhà đều đã lên đèn, tiếng thuyền chài cập bến, tiếng va chạm của những sợi dây chão, tiếng nước vỗ ràn rạt, tiếng người gọi nhau í ới…không gian thanh bình như chưa từng xảy ra chuyện gì, tất cả như chìm vào một biển khơi vô cùng vô tận….

Trong quán, cô gái đang phụ làm bếp cho bà cụ già, nom cô ta thản nhiên như chưa hề biết gì cả…cô ta đi về đây bằng con đường nào vậy cà? Quán có thêm mấy người lạ nên cũng chưa tiện hỏi. Có hai người đang ngồi, một người to mập, tròn như quả bóng, dễ chừng nặng cả trăm ký…mặc cái áo hoa lòe lọet, nhìn ông ta giống y như hình mấy ông đầu bếp trong mấy gói bột cà-ry của Ấn, có bộ ria mép nom rất oách. Còn người bên cạnh thì lại còm nhom, hai mắt vàng khè, nhìn là biết ngay là bị bệnh đau bao tử kinh niên hành hạ. Theo như ông già Hai Lẹ thì chắc ông này chính là ông Hùng, còn gọi là “Hùng Mập”, ông ta mới chính là người thu mua vi cá, đỉa biển, bào ngư thực thụ….Bàn tay của ông ta to bè bè, những ngón tay hồng hào nần nẫn, núc thịt mà lại sát rịt…bàn tay của một người giàu có thực sự. Thấy ĐHC và Ba Già, ông ta gật đầu chào, nở nụ cười tươi roi rói, đúng là một con người dễ gần gũi thân thiện “nghe bà cụ nói mấy ông ở đây…hê hê hê….lần này tôi đi ghe riêng nên ở trển luôn. Buổi tối có rảnh mấy ông qua chơi, ông bạn tôi không nhậu được chứ tôi nhậu là khỏi nói….”

Bà chủ quán thấy ĐHC và Ba Già thì la lên “trời ơi sao hai ông đi đâu mà quần áo te tua thế…mau tắm giặt thay đồ rồi hãy đi đâu thì đi”. Cũng may là vừa thay đồ xong thì thiếu tá Hà tới, chứ không thì thấy mặc bộ đồ dính đầy sình đất như vậy chắc chắn y sẽ nghi ngờ. Lần này thiếu tá Hà không đi một mình mà đi cùng với hai người lính nữa, kéo ghế ngồi xong xuôi, y quay qua nói với Ba Già “sao hôm nay ông có ý định phục thù chứ…?” – Ba Già đáp “được thôi, hôm nay tôi với ông đánh 3 ván party, ai thua phải đãi một chầu nhé…” – Ba Già chủ yếu đánh cờ theo kinh nghiệm, quanh đi quẩn lại chỉ có vài chiêu, vài thế, khó có thể thắng được thiếu tá Hà, y chắc có đọc sách về cờ tướng nhiều nên ra quân rất bài bản, thiên biến vạn hóa, nước cờ chặt chẽ vô cùng. Hùng Mập cũng lại gần ngồi, ông ta phải xách riêng theo một cái ghế bằng thép to tổ chảng chứ không dám ngồi ghế của quán, với cái tấm thân trên trăm ký của ông ta thì ghế gỗ nào chịu cho nổi. Xem được một lúc thì ông ta nói “hay là mấy ông lên ghe tôi chơi tiếp đi, vừa uống lai rai vừa chơi…chắc mấy ông ăn đồ biển mãi cũng ngán, hôm nay tôi đãi mấy ông 2 món gà rô-ty mật ong và gà nấu đậu, tôi có mang theo cả chục con gà ướp trong hầm đá”. Chắc Hùng Mập tính chủ động làm quen sếp mới của đảo nên ông ta tỏ ra nhiệt tình vồn vã, còn thiếu tá Hà vì là người mới nên cũng muốn thị sát tình hình, ông ta đồng ý qua liền. Ghe của Hùng Mập neo cũng gần, đi khoảng trăm mét, sau đó qua cái cầu gỗ dài chừng ba chục mét là tới…so với ghe ở đảo thì ghe của ông ta to hơn nhiều, nom khang trang hơn hẳn. Cả bọn kéo ra mũi ghe ngồi cho mát, trong lúc chờ người làm món “gà rô-ty và gà nấu đậu”, Hùng Mập lấy ra một can rượu thơm phức, một đĩa mực ống thái mỏng với mù tạt để lai rai trước. Khi thiếu tá Hà và Ba Già đang căng thẳng trong cuộc đấu party ba ván thì Hùng Mập thao thao kể về đủ các món ăn đặc sản miền biển và các cách chế biến cầu kỳ phức tạp, chủ nhân xem ra có vẻ là người sành ăn có hạng.  Hết món mực ống tái, Hùng Mập bắt ra mấy con cua lửa hấp rượu ngay tại chỗ, ông ta nói món “cua lửa hấp rượu” này là bổ dương bậc nhất “các chú lính trẻ ăn vào tối nay tha hồ mà bắn máy bay nhá…”