Đại hồng cát truyện

Chương 5 (E)

Một hôm con Đẹt dẫn đám con nít xuống chợ Đệm.

Đây là một khu chợ “trên bến dưới thuyền” ồn ào, náo nhiệt và cũng không kém phần thơ mộng. Tiếng mái chèo khua nước ràn rạt, tiếng gọi nhau í ới, nghe xôn xao cả một góc sông. Bọn nhóc ăn mày tỏa đi khắp nơi, đến chiều thì tập hợp lại, xin được bao nhiêu tiền đều gom hết cho con Đẹt.

Con Đẹt thuê nguyên chiếc tắc ráng, đặt cái cà ràng chính giữa, nấu một nồi cháo lòng to đùng. Nó mua nguyên một cái đùi heo luộc, sắt ra từng miếng lớn để đãi bọn nhóc ăn với dưa leo và rau húng chỉ. Bọn nhỏ đứa nào đứa nấy đen thui thủi, tóc tai bù xù, quần áo rách rưới, gày ốm nên hai con mắt đứa nào cũng có vẻ to to, được cái chúng rất thương nhau, đứa lớn đùm bọc cho đứa bé. Lâu lâu bọn trẻ mới được ăn một bữa ngon nên nhảy múa, la hét um sùm, không khí vui như tết. Bấy giờ hoàng hôn bắt đầu buông xuống, mặt trời đang từ từ lặn, chiếu cái ánh vàng nhợt nhạt lung linh… Con Đẹt cho ghe len lỏi dưới những rặng dừa nước um tùm. Trên dòng sông ghe thương hồ chen nhau đậu san sát, tiếng nói cười rộn rã, đâu đây văng vẳng câu ca:

 

Hò…ớ….ơ…ơ…

Gái có chồng như gông đeo cổ

Phận gái thương hồ khổ lắm… ai ơi

Thương người  kết tóc  buông lơi

Kiếp giang hồ không bờ bến…anh ơi có dám đèo…?

Em thương anh vì bởi anh nghèo

Hò…ớ….ơ…ơ…

Em có chồng rồi sao anh vẫn còn theo?

Đêm nằm đệm suốt đu anh đắp sao cho khéo

Chờ trăng lặn rồi, em đắp xéo mới nghe…

Hò…ớ….ơ…ơ…

………………………

 

Đến đêm thì con Đẹt cho tắc ráng thẳng xuống Bến Lức, sau đó nó hứng chí men theo dòng Vàm Cỏ xuôi ra biển. Cái máu cướp biển có lẽ đang trỗi dậy trong huyết quản con Đẹt, ra đến cửa Soài Rạp nó cho tắc ráng chạy hết tốc lực, đang rẽ sóng băng băng thì bất ngờ xuất hiện một con cá lớn dài cả mấy mét, da màu trắng nhưng hai mắt và vây, đuôi lại đỏ rực. Con cá lạ dường như khiêu khích, nó cứ vờn qua vờn lại trước mũi làm con Đẹt nổi khùng phóng tắc ráng bạt mạng theo con cá. Ghe nhỏ gặp sóng lớn đâu có chịu nổi, nó lật nghiêng sang một bên làm bọn con nít nhốn nháo, la hét ầm ĩ, lúc trời bắt đầu sáng thì chiếc tắc ráng từ từ chìm xuống. Con Đẹt đập bể một thanh gỗ lớn, cho bọn nhỏ bám vào rồi nó cố đẩy vô bờ. Có điều sóng lớn quá, hơn nữa giờ này ghe thuyền qua lại còn ít nên khi nó đẩy được tấm gỗ vào tới bờ thì có mấy đứa bị rớt lại mà không ai tiếp cứu. Con Đẹt bèn bơi ngược trở ra túm được hai đứa đưa vào bờ nhưng vẫn còn thiếu một đứa, nó liền ôm thanh gỗ bơi trở ra một lần nữa… nó ráng đưa được đứa cuối cùng lên trên tấm gỗ thì bất ngờ bị một con sóng dữ cuốn đi mất tích.

Những môn đồ của “quỷ ba mặt” bao giờ cũng phải chết trên biển cả…

Những chuyện đó đều là nghe người ta kể lại, không biết là thật hay là hư nữa. Nhưng cái mả cổ với phiến đá thạch anh thì đang sờ sờ ra đó, Sáu Ri cũng ngồi sờ sờ ra đó, cái mặt của y thật đậm chất, cái mép miệng cứ nhếch nhếch, cười cũng chẳng ra cười mà khóc cũng chẳng ra khóc.

Sáu Ri ghé từ sáng sớm, bọn Hai Đụi, Ba Nửa, Tư Thăng, Bảy Bụng, Chín Cò, Út Thứ đều là lính của y cả.

Sáu Ri đến tất nhiên đến không phải để chơi hay để nói chuyện, cũng không phải để thăm hỏi – Y thăm hỏi bọn Tư Hường làm cái con khỉ gì? – cái lý do y đến tất nhiên không nói ra nhưng ai cũng hiểu…Thế mà Tư Hường lại làm như không hiểu gì cả, cái mặt của y lúc đó nhìn thật… khù khờ. Sáng sớm chưa rửa mặt súc miệng mà y đã móc thuốc ra hút, lại còn mới Sáu Ri một điếu “chú chắc toàn hút ba số, hôm nay thử với anh một điếu củi cho vui”…

ĐHC đã từng gặp nhiều người có gương mặt lạnh lùng, nhưng chưa từng thấy ai có gương mặt lạnh như Sáu Ri cả, nó là đá, là gỗ, là… cái gì đó không thể tả được, không lẽ đó lại là gương mặt của thần chết? Hiển nhiên Bảy Bụng đã tâu hót gì đó nên y mới ghé sớm như vậy. Sáu Ri không dò la gì cả, nhưng sự xuất hiện của y cho biết một điều rất đơn giản “Sáu Ri lúc nào cũng có… có rất đúng lúc, muốn sống thì phải nhớ điều đó…”.

Từ trong căn lều, nhìn ra cánh đồng buổi sớm xanh mươn mướt, một màu xanh bát ngát hòa quyện vào bầu trời mênh mông với những áng mây bồng bềnh, vài cánh cò trắng bay chấp chới… loài cò đi kiếm ăn sớm thật, cũng như con người, chúng sống nhờ nước, không khí và các sản vật của ruộng đồng. Nhưng có lẽ loài cò không phải lo nghĩ nhiều như con người, không phải tranh đấu để tồn tại nhiều như con người. Tư Hường từng nói “thiên hạ muốn bắt cò thì dùng con cò làm chim mồi, muốn bắt cu thì dùng con cu làm chim mồi,… muốn bắt người tất nhiên phải dùng con người làm mồi” – “thế với ma quỷ thì sao?” – “với ma quỷ thì rất khó, bởi vì chúng vô hình… không thể dùng một hình hài nào đó để làm mồi được”. – “thế muốn bắt ma đuổi quỷ thì phải làm thế nào?” – “Chúng là vô hình thì cũng phải dùng những điều vô hình…”.

 

Chẳng biết theo Tư Hường thì điều gì là vô hình, nhưng trong mấy tay DK xã, Tư Thăng bao giờ cũng là kẻ hiện hình đến sớm hơn cả. Y không mập cũng không gầy, không cao cũng không lùn, không trắng cũng chẳng đen. Lúc nào y cũng chỉ mặc một bộ đồ như vậy, đi một đôi dép như thế, không bao giờ thay đổi. Y lầm lỳ hơn cả, ngược hẳn với Ba Nửa nói không ngớt miệng. Ba Nửa lúc nào cũng say ngà ngà, sáng sớm là y đã súc miệng bằng rượu, rượu vào rồi là Ba Nửa nói liên tục, trong lúc Út Thứ hì hục đào thì Ba Nửa ngồi phía trên nói không ngừng “…hai đứa chúng nó dắt nhau vào trong lùm… tao đang nằm ngủ phía trên cây, con bà nó…tao thấy rõ ràng..hé hé hé…” –- Ba Nửa chỉ nói về một đề tài duy nhất, đó là chuyện “ấy ấy”, “đời chỉ có thế mà thôi…”, vào hùa với Ba Nửa bao giờ cũng là Bảy Bụng. Bảy Bụng hiển nhiên là cánh tay mặt của Sáu Ri chứ còn ai vào đây nữa. Chuyện “hai đứa” mà Ba Nửa nói đây chính là Chín Cò, y mới lấy vợ được vài ba tháng, cô vợ cũng khá trẻ đẹp, đúng típ con gái miệt vườn. Thỉng thoảng chiều chiều Chín Cò lại tổ chức nhậu tại nhà với anh em để khoe căn nhà mới khá khang trang, có cô vợ nhiều khi vui chuyện cũng tham gia lai rai cho vui. Buổi tối ở nông thôn chừng tám giờ là đã tối như hũ, không nhậu thì làm cái gì? Cô vợ Chín Cò  mặc bộ đồ bà bà trắng, tà áo xẻ đã cao mà bên trong lại mặc nội y màu đen, nhìn khiêu khích không chịu được. Cô ta uống vài ly, mặt đỏ phừng phừng, cất tiếng ca cải lương nghe cũng rất mùi. Lắm khi tất cả cùng gõ ly, gõ chén và hát:

“Năm mười, mười tám… hai mươi…

Năm mười, mười tám… hai mươi…

Yêu em… anh dẫn em vào xi nê,

Vào xi nê anh sẽ làm em mê…

Yêu em… anh dẫn em vào công viên,

Vào công viên anh sẽ làm em điên…”

Thỉnh thoảng Ba Nửa cũng nhảy xuống đào phụ với Út Thứ, nhưng y chẳng đào được bao nhiêu vì quá yếu. Vợ Ba Nửa chán chồng nên cặp với người khác, tiếng đồn cũng đến tai Ba Nửa nhưng rượu đã làm cho y kiệt quệ, không còn ý chí và nghị lực gì nữa. Cũng có lúc buồn quá thì Ba Nửa than thở “Nhiều khi ngủ một giấc dậy vẫn thấy mình còn ở cái thế giới chó chết này không biết để làm gì?”. Người du kích quân Ba Nửa cũng từng có một thời, nhưng cái thời đó đã qua lâu lắm rồi“Ai vượt Cửu Long Giang, vững trí lướt sóng ngàn, có đoàn quân du kích, đón đưa được an toàn. Quân giặc tuy hung hăng, nhưng nào thắng anh hùng, vững chèo khi tách bến, lướt dòng sông Cửu Long…

Hôm đó trời không có trăng mà cũng không có sao, Ba Nửa nhậu xỉn bò được về đến nhà thì khuya lắm rồi, y nằm gục luôn trước cửa. Trong cơn say, y bỗng thấy một gương mặt đen sì với hai con mắt sáng quắc đang nhìn chằm chằm, Ba Nửa không cảm thấy sợ hãi, y chợt thốt “mày đấy à? Sao bây giờ mày mới tới?” – Y quờ quạng tay với lấy chai rượu, lẩm bẩm nói tiếp “Tao đợi đã lâu lắm rồi, sao mày tới muộn thế, có muốn uống với tao một ly không?...” – Đến sáng mụ vợ ra mở cửa thì thấy Ba Nửa đã chết cứng từ lúc nào – Đó cũng là lúc khởi sự đào cái mả cổ mới được có hai ngày…

Tư Thăng lúc nào cũng như thế, lạnh lẽo và lầm lỳ, y có thói quen hút thuốc là nhai đầu điếu thuốc nát nhừ, vì thế nhiều khi cả bọn còn một điếu thuốc truyền tay nhau, đến khi điếu thuốc qua tay Tư Thăng là Bảy Bụng chửi um lên “cái thằng này nó hiếp dâm điếu thuốc nát bét rồi”. Cũng như Út Thứ, y là tay đào chủ lực, không so đo, không tính toán thiệt hơn, lúc nào cũng làm việc như là để quên đi chính cái cuộc đời này. Gương mặt của y mới thật là kỳ lạ với những đường ngang dọc, hóc hẻm trên đó e còn nhiều hơn cả kinh rạch ở Miền Tây. Đôi mắt thì tròng trắng nhiều hơn tròng đen, tròng đen thì lại không đen mà lại vàng vàng. Y lại có cái tật tự nhiên lắc lắc cái đầu, biểu hiện của một kẻ thần kinh không bình thường. Cách đây khoảng hơn mười năm, tức lúc đó Tư Thăng mới hơn hai mươi tuổi, người chị của y bị chết vì bệnh ung thư, người cha già, một ông cụ có bộ râu bạc phất phơ thật đẹp, nhìn cứ như ông Bụt trong truyện cổ tích, trong giây phút cuối cùng “nghĩa tử là nghĩa tận”, đã làm một cử chỉ vượt trên những điều bình thường, tức là một “hành động phi thường”, gọi y đến và bảo “người chết đó thực ra không phải là chị con mà chính là mẹ con đó, như vậy không phải con để tang chị mà là để tang mẹ” – Khó có thể tả được cái cảm giác của Tư Thăng lúc đó như thế nào? Cái con người trước đó là một người chị, bây giờ nằm đó lại là một người mẹ… điều gì đã khiến bà ta phải che dấu điều này hàng bao năm trời? cho đến tận lúc chết cũng không dám nói ra? Thảo nào mà bao nhiêu năm nay bà chị này là người trong gia đình tỏ ra thương yêu Tư Thăng nhiều nhất. Thuở còn đi học, người chị đã săn sóc Tư Thăng ân cần như thế, thì ra y là một đứa con hoang của người chị.

Nếu y là một đứa con hoang thì cũng đã là ghê gớm lắm rồi, nhưng người trước đây là chị y lại có con với chính cha ruột của mình, vì thế Tư Thăng vừa là con lại vừa là em, còn cha thì lại là ông nội… Số phận lại cho y cái đặc ân là giống cha như đúc.

Là một đứa con của tội ác… chính y cũng đâu có muốn điều đó, nhưng số phận lại là như thế. Một đứa con của tội ác thì trước sau gì cũng trở thành một kẻ ác… Tư Thăng có một ham thích tột cùng là được chà đạp, giày xéo lên những sinh linh đang sống. Nếu đang chạy xe trên đường mà nhìn thấy xác một con chuột, y sẽ cho xe chạy qua cán dẹp đầu, sau đó quay xe lại cán tới cán lui cho đến khi con chuột biến thành một đống nát nhừ. Y cũng có tài bắt rắn, trong lúc đào thường hay bắt được rắn hổ mây, lúc đó Tư Thăng bao giờ cũng dùng một sợi dây để treo cổ con rắn lên cành cây với một niềm sung sướng tột cùng.

Y còn là một tên bạo dâm, người vợ đầu vì quá hoảng sợ ngay tháng đầu tiên đã trốn biệt về nhà cha mẹ ruột, sau đó bỏ đi đâu không rõ. Người vợ thứ hai cũng không hơn gì, sau một tháng cũng trốn biệt tăm. Đến người thứ ba thì y phải xuống tận xứ “Chắc Cà Đao” xa lơ xa lắc, lần này y phải mướn mấy thằng bạn giả làm huynh trưởng, đại diện, chứ gia đình chán quá rồi đâu còn ai chịu đi nữa.

Khi say khướt Tư Thăng mới nói y thích nhất là chơi “kiểu ngựa”, tức là phải đá cho con vợ thật bầm dập… “phải đá như ngựa đá” – Có người đàn bà nào lại chịu đựng nổi mới là chuyện lạ?

Dạng người như Tư Thăng đến thần chết cũng còn phải sợ, vì thế chắc là y còn phải sống thật lâu, lâu lắm lắm…

Thảo nào mà hôm khởi đầu đào cái mả cổ, Tư Hường hỏi có cần phải đeo bùa, làm lễ cúng không, Tư Thăng chỉ cười gằn gặn.

Y cần đếch gì đến bùa chú?