Dao Kề Gáy

Chương XI

Docsach24.com

ôi cảm thấy anh bạn thám tử của tôi đã biết trước câu trả lời. Tuy nhiên nghe xong, anh lắc đầu buồn bã rồi chìm vào suy nghĩ. Jenny Driver vẫn nghiêng đầu về phía Poirot, khuỷu tay chống xuống bàn.

- Thưa ông Poirot, ông có thể cho tôi biết điều gì không?

- Thưa bà, trước hết cho phép tôi được khen ngợi và cảm ơn bà. Bà đã trả lời hết sức thành thật và thông minh. Bà là một phụ nữ đáng quý. Lúc này tôi chỉ có thể tiết lộ với bà một số sự kiện.

Ngừng một lát, Poirot nói tiếp giọng điềm tĩnh.

- Đêm hôm qua Huân tước Edgware bị ám sát trong phòng đọc sách tại biệt thự riêng của ông. Vào mười giờ tối, một phụ nữ, mà tôi nghi chính là cô Carlotta bạn bà, đã đến đó xưng là Huân tước phu nhân Edgware. Người phụ nữ này đội tóc giả vàng óng và hóa trang giống hệt như Huân tước phu nhân Edgware, mà hẳn bà đã biết chính là nữ nghệ sĩ nổi tiếng Jane Wilkinson. Cô Carlotta, nếu đúng là cô ấy, chỉ ở lại đấy vài phút. Cô ấy rời khỏi nhà Huân tước Edgware vào mười giờ năm phút, nhưng mãi sau mười hai giờ đêm mới về đên nhà. Trước khi lên giường cô ấy uống một liều Veronal cao. Bây giờ thì bà hiểu tại sao tôi lại đưa ra mấy câu hỏi vừa rồi chứ?

Jenny thở một hơi rất dài.

- Vâng, tôi đã hiểu và tôi tin rằng ông có lý, thưa ông Poirot. Người phụ nữ đến biệt thự Huân tước Edgware chính là Carlotta. Hôm qua nó đã mua một chiếc mũ mới.

- Thế ạ?

- Vâng. Nó muốn che đi phần bên trái của khuôn mặt.

Đến đây tôi thấy cần nói rõ thêm đôi chút, bởi tôi chưa biết cuốn sách này sẽ được độc giả đọc vào thời điểm nào. Tôi đã nhìn thấy các mốt mũ liên tiếp thay thế nhau: kiểu “chuông” che gần hết khuôn mặt người đội, khiến khó mà nhận diện được người đó; kiểu “mấn” chụp xuống phía trước, che kín vầng trán, kiểu “bibi” đội lệch sang một bên che cả một phần ba khuôn mặt bên trái hoặc bên phải; kiểu “nồi” và vô số kiểu khác nữa. Vào thời điểm tháng sáu năm ấy, khi xảy ra các sự kiện kể trên, kiểu mũ được hâm mộ nhất là kiểu “đĩa” giống như chiếc đĩa sâu lòng dùng để múc xúp lộn ngược và buộc chặt vào một bên tai, để hở toàn bộ phía đầu và mặt bên kia.

Poirot nhận xét:

- Tôi tưởng mốt mũ hiện giờ là đội lệch sang phía bên phải?

Cô chủ hiệu thời trang gật đầu:

- Đúng thế, nhưng chúng tôi vẫn sản xuất một số chiếc đội lệch sang phía bên trái dành cho những bà những cô nào thích thế. Carlotta chẳng hạn, vì một lý do nào đó lại thích kiểu mũ đội lệch sang bên trái, che phần mặt bên đó?

Tôi chợt nhớ ra là cửa chính vào tòa nhà trên đại lộ Regent Gate được mở sang trái, khiến khách vào nhà được người quản gia nhận diện ngay qua nửa khuôn mặt bên trái. Đồng thời tôi cũng nhớ ra rằng bà nghệ sĩ Jane Wilkinson (điều này tôi nhận xét thấy vào buổi tối hôm trước) có một vết rám nhỏ ở đuôi mắt bên trái.

Tôi nói nhỏ với Poirot về nhận xét của tôi, thấy anh gật đầu tán thành.

- Đúng thế. Anh hoàn toàn có lý, Hastings. Đấy chính là lý do Carlotta Adams chọn kiểu mũ kia.

Jenny bỗng ngồi thẳng lên, nói:

- Thưa ông Poirot. Hay ông nghi Carlotta đã... gây ra vụ án đó? Không phải đâu, vì có một lần nó nói với tôi rằng các ông rất có thể tưởng tượng ra rằng...

- Không đâu, tôi không nghi cô ấy, nhưng có điều tôi chưa hiểu là tại sao cô ấy lại đưa ra những nhận xét kia ra với bà? Tôi rất muốn biết vì sao cô Carlotta Adams căm ghét Huân tước Edgware đến mức ấy?

- Tôi không biết, nhưng tôi xin lấy đầu tôi cam đoan Carlotta không giết ông Huân tước. Nó là đứa con gái bản tính tế nhị và giầu tình cảm.

- Hoan hô bà! Bà nói lên rất đúng suy nghĩ của tôi. Trong một vụ án mạng, bản chất tâm lý hung thủ đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong vụ án này, chúng ta thấy cách suy luận khoa học có vai trò rất lớn.

- Khoa học?

- Đúng thế. Hung thủ biết rất rõ cần đánh vào khía cạnh tâm lý nào để tác động vào toàn bộ tâm lý người khác.

Jenny nhận xét:

- Hay hung thủ là một bác sĩ?

- Trong số bạn bè cô Carlotta Adams có người nào là bác sĩ không?

Jenny lắc đầu.

- Nếu ở Anh thì không có, bởi nếu có tôi đã biết.

- Xin hỏi thêm một câu: cô Carlotta có đeo kính cận không?

- Không. Nó không bao giờ đeo bất cứ thứ kính nào.

- Còn câu hỏi này nữa: cô Carlotta có quen diễn viên điện ảnh Bryan Martin không?

- Có. Hai đứa quen nhau từ thuở nhỏ, nhưng lớn lên thì rất ít khi gặp nhau. Carlotta cho rằng Bryan lo quá nhiều đến tên tuổi.

Jenny nhìn đồng hồ rồi thốt lên.

- Tôi phải về thôi! Những điều tôi kể có giúp ích gì cho ông không?

- Giúp rất nhiều, thưa bà. Và tôi sẽ còn phải đến gặp bà nhờ giúp đỡ thêm đấy.

- Lúc nào tôi cũng xin sẵn sàng, thưa ông Poirot.

Jenny Driver chào chúng tôi mỗi người bằng mộtcái bắt tay mạnh mẽ và một nụ cười để lộ ra hai hàm răng trắng bóng. Rồi cô vội vã đi ra.

Poirot nhận xét lúc thanh toán tiền với người hầu bàn:

- Một phụ nữ rất lý thú

Tôi cũng nói:

- Và dễ mến nữa.

- Trò chuyện với một phụ nữ trẻ thông minh quả là dễ chịu.

- Chỉ có điều cô ta hơi khô khan, có lẽ thế. Nghe tin về cái chết của bạn thân mà cô ta không choáng váng như tôi dự đoán.

- Tất nhiên, vì cô Jenny này khác hẳn loại thiếu nữ đa sầu đa cảm, hơi một chút đã đầm đìa nước mắt.

- Qua cuộc trò chuyện vừa rồi anh có thu thập được đủ những thứ anh cần biết không, Poirot?

Poirot lắc đầu:

- Không. Tôi đặt hy vọng nhiều hơn nữa kia... nhưng không được đáp ứng hết. Thí dụ tôi hy vọng tìm ra con người bí hiểm có tên bắt đầu bằng chữ D. Đấy là người tặng chiếc hộp bằng vàng cho Carlotta Adams. Rất tiếc Carlotta Adams lại là người kín đáo, giữ kín tình cảm riêng tư. Mặt khác, tôi thấy được rằng hành động “đánh lừa” của cô là do một người tình cô quen biết đã đề xuất ra với cô ấy và nhận trả thù lao một khoản tiền rất lớn. Chính người này nhìn thấy chiếc hộp nhỏ bằng vàng trong xắc của Carlotta và phát hiện ra chất bột đựng trong đó.

- Nhưng bằng cách nào và vào lúc nào hắn làm được cho Carlotta Adams uống một liều Veronal mạnh đến như vậy?

- Anh nhớ rằng lúc bà giúp việc ra ngoài để bỏ thư, cửa căn hộ của Carlotta Adams chỉ khép chứ không khóa. Tuy nhiên thú thật là tôi không tin nhiều vào khả năng này, vì nó quá ngẫu nhiên. Thôi, ta quay lại vụ án. Còn hai sự kiện nữa cần thẩm tra.

- Sự kiện nào?

- Thứ nhất là cú điện thoại cho tổng đài ở phố Victoria. Có khả năng Carlotta Adams về đến nhà là muốn báo ngay tin vui cho ai đó. Nếu vậy cô ấy ở đâu trcng quãng thời gian từ mười giờ năm đến mười hai giờ đêm? Phải chăng cô ấy gặp kẻ chủ mưu vụ cô ấy “đánh lừa” kia, vì cú điện thoại có nhiều khả năng gọi cho một người bạn gái thân thiết.

- Còn sự kiện thứ hai?

- Đó là bức thư cô ấy gửi cho cô em bên Mỹ. Rất có thể, tôi nói rất có thể thôi đấy, trong thư cô ấy kể hết mọi chi tiết mà không sợ vi phạm lời hứa, vì nhanh nhất cũng phải sau một tuần lễ bức thư ấy mới đến được tay người nhận.

- Tuyệt vời!

- Nhưng ta không nên đặt quá nhiều hy vọng vào điều này, Hastings. Đây chỉ là chuyện may rủi. Lúc này ta nên tìm hiểu mặt khác của vụ án.

- Mặt gì?

- Xem tất cả những người được hưởng lợi sau cái chết của Huân tước Edgware.

Tôi nhún vai.

- Ngoài bà vợ và người cháu...

Poirot nói thêm:

- Và người sắp lấy bà vợ góa của ông ta nữa.

- Công tước Merton? Ông ấy đang ở Paris.

- Đúng thế. Nhưng anh công nhận ông ấy được hưởng lợi sau cái chết của Huân tước Edgware chứ? Thêm nữa là những người giúp việc trong nhà: quản gia, các gia nhân đầy tớ... Trong số này có ai uất ức điều gì với chủ không? Tôi nghĩ ta nên gặp lại Jane Wilkinson. Có thể bà ta gợi cho chúng ta được vài ý nào chăng?

Một lần nữa hai chúng tôi lại đến khách sạn Savoy. Jane Wilkinson đứng giữa một lô hộp các tông và giấy trang kim. Rất nhiều áo tang và khăn tang vắt lên các lưng ghế. Vẻ mặt nghiêm nghị, bà nghệ sĩ nổi tiếng đang đội thử một chiếc mũ tang trước tấm gương lớn.

- Chào ông Poirot! Ồng chịu khó ngồi tạm chỗ nào một lát. Ellis, chị bỏ các thứ trên ghế hộ tôi để khách có chỗ ngồi.

Poirot nói:

- Trông bà rất đẹp, thưa bà Wilkinson.

Jane Wilkinson vẫn không bỏ vẻ mặt nghiêm nghị.

- Thưa ông Poirot, tôi không có ý định đóng vai một góa phụ đẫm lệ, nhưng dù sao vẫn phải tuân thủ các quy tắc về tục lệ... Nhân tiện, báo ông biết, tôi vừa nhận được điện chia buồn hết sức cảm động của Công tước Merton.

- Đánh từ Paris?

- Vâng, từ Paris. Bức điện chỉ toàn những lời chia buồn đầy xúc động, nhưng tôi vẫn đọc được ý ngầm của ông ấy đàng sau các dòng chữ.

- Xin chúc mừng phu nhân!

Bà ta chắp hai tay, và tôi bỗng thấy vẻ thiên thần trong sáng hiện lên trên những đường nét của bà. Jane Wilkinson nói:

- Thưa ông Poirot, thú thật tôi vô cùng sung sướng! Chỉ nghe thấy toàn những lời chúc mừng! Mọi trở ngại thế là cứ tự chúng sụp đổ. Trước mặt tôi mở ra một con đường thẳng tắp, tràn đầy hạnh phúc. Tôi hết sức biết ơn Số Phận!

Tôi sửng sốt đứng lặng đi. Còn Poirot thì nghiêng người chăm chú nhìn vị nữ chủ nhân.

- Vậy bà cho rằng mọi thứ diễn ra tuyệt vời?

- Đúng thế, đều theo đúng ước muốn của tôi. Gần đây, bao nhiêu lần tôi thầm nghĩ, mong sao ông Huân tước biến đâu mất. Vậy mà bây giờ ông ấy đã chết! Ông bảo không tuyệt vời sao được?

Poirot ho thông cổ họng rồi nói:

- Tôi thì không nhìn cái chết của ông Huân tước theo cách lạc quan như bà được. Ông ấy đã bị một hung thủ ám hại.

- Và ông định hỏi tôi xem ai có thể là hung thủ chứ gì?

- Vâng, quả có thế.

Bà chăm chú nhìn lại Poirot, nói:

- Kẻ nào thì có gì quan trọng? Thủ phạm là ai đi nữa cũng không ảnh hưởng gì đến tôi. Bây giờ thì tôi và ông Công tước có thể đàng hoàng làm lễ thành hôn. Và chúng tôi sẽ tiến hành việc đó sau đây vài tháng...

Poirot cố nhịn nhưng không được.

- Tôi biết, thưa phu nhân. Nhưng ngoài chuyện ấy ra, có lúc nào phu nhân tự hỏi xem ai có thể là kẻ giết ông Huân tước không?

- Quả thật là không!

Và Jane Wilkinson ngạc nhiên thấy Poirot lại đặt câu hỏi như thế ra với bà.

- Nhưng bà cũng muổn biết kẻ nào là hung thủ chứ?

- Thú thật, tôi không quan tâm đến chuyện ấy. Tôi tin cảnh sát sẽ điều tra ra. Các thanh tra ở Sở Cảnh sát London rất giỏi, phải không thưa ông?

- Tôi cũng nghe nói như vậy. Ngay bản thân tôi, cũng được giao nhiệm vụ đi tìm hung thủ.

- Thật thế ư? Đúng là buồn cười.

- Tại sao bà bảo buồn cười?

- Tôi không biết.

Nữ nghệ sĩ nổi tiếng Jane Wilkinson đưa mắt nhìn sang đống quần áo tang. Mặc lên người tấm áo măng tô bằng xa tanh, bà ta nhìn vào gương ngắm nghía.

- Việc tôi được giao ấy không làm bà thấy phiền lòng chứ?

- Hoàn toàn không. Trái lại tôi còn rất mông ông thành công và tìm ra hung thủ ấy chứ.

- Thưa bà Jane Wilkinson, bà chỉ ông thôi chưa đủ, tôi còn muốn bà cho tôi biết ý kiến.

- Ý kiến? Nhưng về gì chứ?

- Về ai có thể là hung thủ giết ông Huân tước?

- Tôi không có bất cứ một ý kiến nào về chuyện ấy hết.

Jane Wilkinson xoay người trước tấm gương lớn, tay cầm thêm chiếc gương nhỏ, tiếp tục tự ngắm bản thân.

Poirot thấy cần nói kiên quyết hơn:

- Theo bà thì ai giết ông Huân tước?

Lần này anh bạn tôi đánh trúng. Bà nghệ sĩ giật bắn người rồi quay sang phía anh.

- Rõ ràng là Geraldine rồi.

- Geraldine? Là ai?

Nhưng Jane Wilkinson đã chú ý sang thứ khác rồi.

- Ellis chị kéo chỗ vai áo bên phải lên một chút... Được rồi. Geraldine là con gái đời vợ trước của ông Huân tước. Không, Ellis, chỉ vai áo bên phải thôi... Thế!... Được rồi... Đấy, như thế có phải đẹp hơn không. Ông đi đấy à, ông Poirot? Tôi rất biết ơn về những gì ông đã làm để thuyết phục ông chồng đã quá cố của tôi đồng ý ly hôn, mặc dù đến nay thì chuyện ly hôn không còn cần nữa. Tôi rất khâm phục tài ngoại giao của ông.

Sau này tôi chỉ gặp lại bà nghệ sĩ Jane Wilkinson có hai lần, một là hôm tôi đi xem rạp hát, hai là trong một bữa ăn trưa, tình cờ tôi lại ngồi đối diện với bà ta. Nhưng mỗi khi nhớ đến bà, là hiện lên cái hình ảnh in đậm nhất trong trí óc tôi hôm đó: bà ta ở giữa một đống áo tang, loay hoay thử xem bộ nào hợp nhất, bộ nào làm bà ta nổi nhất. Jane Wilkinson mải việc ăn mặc đến nỗi mỗi khi anh bạn thám tử Poirot của tôi hỏi, bà ta chỉ trả lời qua quít để còn tiếp tục công việc ăn mặc. Hôm đó, lúc hai chúng tôi ra đến ngoài phố, Poirot thốt lên:

- Quá giỏi!