Đất Vỡ Hoang

Chương 10

Kônđrát Maiđanhikốp ở hội nghị ra về. Cao cao trên đầu anh lấp lánh chòm sao Kim ngưu như một đống lửa tắt dở. Lặng tờ đến nỗi nghe thấy rõ từ xa vọng lại tiếng nứt nẻ của mặt đất, tiếng xào xạc của một cành cây cóng rét. Tới nhà, Kônđrát đi thẳng vào chuồng bò, ném vào máng cho chúng ít cỏ khô, rồi sực nhớ là mai phải dắt bò đến chuồng nuôi chung rồi, anh ôm thêm cho chúng một bó tướng nữa, nói ra tiếng:

- Thôi, thế là sắp chia tay nhau rồi… Dịch dịch ra một tí, con hói này! Bốn năm trời nay, tao với bò, bò với tao, cùng nhau làm lụng.. Và chúng mình cũng chẳng làm nên cơm cháo gì. Chúng bay thì đói dở, còn tao cũng chán mớ đời. Bởi thế cho nên tao đem chúng bay đổi lấy cuộc sống tập thể. Thế nào, mày vểnh tai nghe à, cứ như là mày cũng hiểu ư?

Anh lấy chân ẩy con bò cày ra, đưa tay gạt cái mõm sùi bọt của nó đang nhai nhai, và bắt gặp đôi mắt bò tim tím của nó, anh bỗng nhớ lại cách đây năm năm anh đã nóng lòng chờ đợi nó như thế nào. Hồi ấy, con bò cái già chịu đực với con bò giống lúc nào mà cả người chăn lẫn Kônđrát chẳng ai trông thấy cả. Mãi đến mùa thu vẫn chẳng có triệu chứng gì là nó chửa. Nhìn nó mà Kônđrát phát chán: “Con này xổi rồi, cái đồ chết tiệt!”. Nhưng đến cuối tháng Giêng nó chuyển dạ, như mọi ả bò cái già khác – thế nghĩa là một tháng nữa thì nó đẻ. Biết bao lần, vào dịp cuối mùa chay, giữa những đêm giá rét Kônđrát giật mình tỉnh dậy, và xỏ vội chân vào đôi ủng dạ, mặc độc chiếc quần đùi lót, chạy ra cái chuồng bò ấm sực xem nó đẻ chưa. Rét cắt ruột, con bê có thể chưa kịp được mẹ liếm sạch đã chết cóng rồi cũng nên… Những ngày cuối mùa chay Kônđrát hầu như không chợp mắt. Rồi một buổi sáng, chị Ana, vợ anh, bước vào nom hớn hở, có vẻ trịnh trọng nữa:

- Nó đang trở dạ. Khéo chỉ đêm nay.

Hôm ấy Kônđrát đi nằm từ xẩm tối, để nguyên quần áo và không tắt cây đèn bão. Anh đã ra thăm bò bảy lần! Và chỉ đến lần thứ tám, trời đã tờ mờ sáng, anh chưa kịp đẩy cửa chuồng bò thì đã nghe thấy một tiếng rên dài đau đớn. Anh bước vội vào: con bò đã đẻ xong, và chú bê lũn ca lũn cũn, lỗ mũi trắng hếu, đã được mẹ liếm sạch, lông ram ráp, đang run rẩy nom đến thương, rúc đôi môi lạnh tìm vú mẹ. Kônđrát thu vội đống nhau để con mẹ khỏi ăn (°), xong rồi anh bế bổng con bê lên, ủ nó vào vạt áo, hà hơi cho nó ấm, ôm nó chạy bổ lên nhà. Anh mừng rơn kêu lên:

- Bê đực!

Chị Ana làm dấu:

- Sáng danh Chúa! Chúa đã rủ lòng thương chúng con nghèo khó!

Và quả thật là với con ngựa cái duy nhất, Kônđrát đã đeo đẳng mãi cái cảnh nghèo khó. Thế mà đây, con bò đã lớn lên và chịu khó làm lụng cho chủ, mùa hè cũng như mùa đông tháng giá, để lại không biết bao nhiêu lần cái dấu móng chân hình hai gọng kìm của nó trên các nẻo đường và luống đất, lúc kéo cày, lúc kéo xe.

Nhìn con bò, Kônđrát bỗng cảm thấy một cục cồm cộm dâng lên chẹn lấy họng, và mắt thì cay cay. Anh khóc và rời chuồng bò, trong lòng dường như nhẹ nhõm đi vì nước mắt đã thoát ra được. Từ đó đến sáng anh chẳng ngủ, hút thuốc hoài.

… Vào nông trang rồi sẽ ra sao? Có phải ai cũng cảm thấy được, cũng hiểu được, như anh đã hiểu không? Rằng con đường đi tới đó là con đường duy nhất, rằng không thể đi ngược lại? Rằng cái việc dắt con bò gầy, con bò đã lớn lên cùng với con trẻ trong nhà trên cái nền đất của túp nhà gỗ, đem đến trao cho những bàn tay chung có đau lòng đến mấy thì vẫn cứ phải dắt. Và cái ý nghĩ khốn nạn, tiếc của tư hữu kia, phải đè bẹp nó, không cho nó luồn lỏi vào trong lòng trong dạ… Kônđrát nằm bên cạnh chị vợ đang ngáy khò khò, nghĩ miên man như vậy, nhìn bóng đêm tối đen thăm thẳm bằng đôi mắt quáng gà chẳng trông thấy gì cả. Và anh lại nghĩ: “Còn đám cừu non, dê con thì dắt đến đâu? Chà, bọn ấy thì cần nhà cửa ấm áp, săn sóc chăm bẵm. Cái lũ mới nứt mắt ấy thì làm sao phân biệt được con nào với con nào nhỉ, vì chúng nom cứ giống nhau như đúc? Chúng nó thì ngay cả đến con mẹ chúng cũng còn lẫn nữa là người. Còn bò cái thì sao? Chạy ăn cho chúng thế nào? Chúng ta sẽ mất mát biết bao nhiêu! Và nếu chỉ sau một tuần thôi, bà con thấy khó khăn, phát hoảng lên, giải tán cả thì sao? Thì mình sẽ đi ra mỏ, bỏ cái làng Grêmiatsi cho đến mãn kiếp. Không còn lý do gì để sống ở đây nữa”.

Gần sáng thì anh ngủ thiếp đi. Và giấc ngủ của anh cũng trằn trọc, vật vã. Kônđrát vào nông trang đâu phải nhẹ tênh! Kônđrát rơi nước mắt, ứa máu đào mà rứt khỏi cái cuống rốn gắn liền anh với tài sản của anh, với bò của anh, với mảnh đất cha ông để lại…

Sáng hôm ấy anh ăn xong và ngồi hồi lâu viết đơn xin vào nông trang, vầng trán xạm nắng xạm gió nhăn lại một cách đau đớn. Lá đơn như sau:

“Kính gửi đồng chí Maka Nagunốp

bí thư chi bộ cộng sản Grêmiatsi.

Đơn xin

Gia nhập nông trang tập thể

Tôi tên là Kônđrát Khrixtôphôrốp Maiđanhikốp, trung nông, đề nghị chấp nhận tôi vào nông trang tập thể cùng với vợ con, tài sản và gia súc của tôi. Đề nghị cho tôi được tham gia cuộc sống mới vì tôi hoàn toàn tán thành cuộc sống ấy.

K. Maiđanhikốp”

Chị vợ hỏi:

- Vào rồi à?

- Vào rồi.

- Sẽ đem nộp hết gia súc à?

- Đem đi bây giờ đây… Nhưng việc gì mà ngậu lên thế hả cái đồ dở hơi? Tôi đã tốn bao nhiêu hơi giải thích cho bu nó, bây giờ bu nó lại vẫn bám lấy cái cũ rích ấy à? Đồng ý rồi cơ mà!

Chị vợ vừa mỉm cười và chùi nước mắt bằng cái màn cửa.

- Anh Kônđrát ạ, tôi chỉ tiếc mỗi con bò cái thôi… tôi vẫn đồng ý. Có điều là cũng xót ruột lắm..

Con bé Khrixtina, đứa con út mới lên bốn, thấy mẹ khóc cũng oà khóc theo.

Kônđrát xuống chuồng, thả bò ra, rồi nhảy lên lưng ngựa, lùa bò ra bờ sông cho uống nước. Mấy con bò uống xong, quay gót trở về nhà, nhưng Kônđrát điên tiết lên, đưa ngựa ra chắn ngang đường chúng, lùa về trụ sở Xôviết.

Các bà ở cửa sổ nhìn ra hau háu, còn đàn ông thì ngấp nghé qua hàng rào, không ló mặt ra phố. Kônđrát cảm thấy ngượng nghịu. Nhưng qua quãng rẽ, anh trông thấy ở gần trụ sở Xôviết một đám đông cả người lẫn bò, ngựa, cừu, tấp nập như cái chợ. Từ một ngõ ngang cạnh, Liubiskin ngoặt ra. Anh ta kéo theo một con bò cái với con bê lũn cũn chạy sau, một sợi dây thừng lúc lắc ở cổ.

- Buộc đuôi chúng nó vào nhau mà lùa đi nhân thể nhỉ! – Liubiskin gượng gạo đùa, nhưng vẻ thì nom vẫn đăm chiêu, nghiêm nghị. Anh dắt được con bò đi cũng phải gay go lắm, vết cào còn mới toanh trên má anh chứng tỏ điều đó.

- Ai vạc mặt ông bạn ra thế?

- Chẳng dấu gì ông: bu nó nhà tôi đấy! Con quỷ cái ấy lao bổ ra theo con bò. – Liubiskin đút một đầu ria vào mồm nhấm nhấm, hậm hực rít răng lại nói: - Mụ ấy xông lên tấn công, như cái xe tăng. Thế là xảy ra một trận huyết chiến bên chuồng bò, đến nỗi bây giờ mặt mo mà nhìn hàng xóm láng giềng. Mụ ấy xông ra, tay xách cái chảo, ông không tin ư? Mình mới bảo: ”Này, mày định chơi nhau với du kích đỏ hả? Bảo cho mày biết, chúng ông đã từng xiên cả tướng lẫn tá chúng nó kia!”, và quại luôn cho mụ ấy một quả vào thái dương. Ai đứng ngoài xem ắt cũng phải thấy là một tấn tuồng…

Từ trụ sở Xôviết họ kéo đến sân nhà Titốc. Ngay buổi sáng đã có thêm mười hai trung nông đêm qua nằm ngẫm nghĩ lại, đã mang đơn và lùa gia súc đến.

Trong sân nhà Titốc, Nagunốp đang cùng với hai phó mộc đang ngồi đẽo máng ăn. Những máng ăn của chuồng nuôi tập thể đầu tiên của ấp Grêmiatsi Lốc.

-------------------------

(°): Ở vùng Thượng sông Đông lưu truyền cái quan niệm là nếu bò mẹ ăn nhau thì sữa của nó không dùng được trong 12 ngày sau đó. – (Chú thích của tác giả).